Đã về, đã tới

 

Hãy tưởng tượng ta đang ngồi trên một chuyến bay đến New York. Mỗi lần ngồi trên máy bay, ta nghĩ: “Mình phải ngồi đây sáu tiếng đồng hồ mới đến được đó.” Ngồi trên máy bay ta chỉ nghĩ đến New York mà không có khả năng sống trong giây phút hiện tại. Thực ra, ta không cần phải đến New York để được an lạc và hạnh phúc. Trên máy bay, ta có thể đi như thế nào để tận hưởng từng bước chân của mình. Mỗi bước chân sẽ mang lại cho ta hạnh phúc và ta đã về trong mỗi giây mỗi phút. Về, nghĩa là về một nơi nào đó. Khi thực tập thiền đi, chúng ta về đến đích của sự sống. Giây phút hiện tại là một cái đích. Thở vào, tôi bước một bước và bước khác tôi tự nói với mình là: “Tôi đã về, tôi đã tới.”

“Tôi đã về” là sự thực tập của chúng ta. Khi thở vào, chúng ta nương vào hơi thở vào và nói: “Tôi đã về”. Khi bước một bước, chúng ta an trú nơi bước chân của mình và nói: “Tôi đã về”. Đó không phải là một lời tuyên bố suông. “Tôi đã về” có nghĩa là tôi đã dừng lại, tôi đã về với giây phút hiện tại bởi vì chỉ có giây phút hiện là giây phút đáng sống nhất. Khi thở vào và an trú trong hơi thở vào, khi bước một bước và hoàn toàn có mặt trong bước chân của mình là tôi đang tiếp xúc sâu sắc với sự sống, như thế là tôi đã dừng lại.

Thực tập dừng lại rất quan trọng. Chúng ta đã chạy suốt đời mình. Chúng ta tin rằng an lạc, hạnh phúc và thành công đang có mặt ở một nơi nào đó trong tương lai. Chúng ta không biết rằng an lạc, hạnh phúc và sự yên ổn chỉ có thể được tìm thấy trong giây phút hiện tại. Đó là ước hẹn của sự sống, là giao điểm của bây giờ và ở đây.

Thực tập thiền là về trong mỗi phút giây. Ngôi nhà đích thực của chúng ta nằm ngay trong giây phút hiện tại. Khi chúng ta bước vào giây phút hiện tại một cách sâu sắc thì những nuối tiếc, lo buồn của chúng ta sẽ biến mất và chúng ta có thể khám phá sự sống với tất cả những mầu nhiệm của nó.

Thực tập

Đã về, đã tới

Bây giờ, ở đây

Vững chãi, thảnh thơi

Quay về, nương tựa.

Chúng ta có thể sử dụng bài thi kệ này để thực tập trong suốt buổi thiền hành. Rất mầu nhiệm! Trong khi thở vào, trên mỗi bước chân, ta nói: “Đã về”. Khi thở ra, với mỗi bước chân ta nói: “Đã tới”. Nếu nhịp điệu hơi thở của ta là 2-3, ta có thể nói: “Đã về, đã về – Đã tới, đã tới, đã tới”. Kết hợp câu thiền ngữ với những bước chân theo nhịp hơi thở của ta.

Sau khi thực tập “đã về, đã tới” một lúc, nếu cảm thấy khỏe nhẹ, hoàn toàn có mặt nơi mỗi bước chân và hơi thở của mình, ta có thể chuyển sang “bây giờ, ở đây”. Thiền ngữ thì khác nhau nhưng cách thức thực tập thì không khác.

Khi ngồi thiền chúng ta cũng có thể sử dụng bài thi kệ này, rất có hiệu quả. Thở vào: “Con đã về”. Thở ra: “Con đã tới”. Thực tập như vậy, tâm ta không còn tán loạn nữa, ta có khả năng an trú trong giây phút hiện tại, đó là giây phút duy nhất mà ta có thể sống.

“Tôi đã về” là sự thực tập chứ không phải là một lời tuyên bố. Tôi đã về trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây và tôi có thể tiếp xúc sâu sắc với sự sống với tất cả những mầu nhiệm của nó. Cơn mưa là một mầu nhiệm, ánh nắng mặt trời là một mầu nhiệm, cây xanh là một mầu nhiệm và những gương mặt của trẻ thơ là một mầu nhiệm. Có rất nhiều điều mầu nhiệm của sự sống chung quanh ta và trong ta. Đôi mắt ta cũng là một mầu nhiệm. Chỉ cần mở mắt ra là ta thấy được cả một thiên đường màu sắc và hình ảnh. Trái tim ta cũng là một mầu nhiệm, nếu trái tim ta ngừng đập thì mọi thứ sẽ chấm dứt.

Trở về giây phút hiện tại, ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt chung quanh ta và trong ta. Hãy sống cho hết lòng với giây phút này, đừng đợi đến ngày mai để có an lạc và hạnh phúc. Khi ta thở vào và nói: “Tôi đã về”, ta sẽ biết được là ta đã về hay chưa, ta có còn rong ruổi hay không. Có thể thân ta đang ngồi yên nhưng tâm ta còn rong ruổi ở đâu đó. Khi thấy mình đã về, ta sẽ rất hạnh phúc. Ta phải nói với bạn ta là: “Này bạn, tôi đã thực sự về rồi”. Đó là một tin mừng.