Xá chào

 

Khi chắp tay xá chào một người nào đó là chúng ta có cơ hội có mặt cho người đó, công nhận khả năng tỉnh giác trong ta và trong người đó. Chúng ta không xá chào chỉ vì lịch sự hoặc vì xã giao mà để nhận diện một điều mầu nhiệm là người kia đang còn sống và nhận diện khả năng tỉnh thức trong mỗi người. Vấn đề không phải là xá hay không xá, điều quan trọng là phải có chánh niệm.

Thực tập

Khi thấy ai đó chắp tay xá chào mình, chúng ta nên chắp tay xá chào lại. Chắp tay lại, thở vào, chúng ta thầm nói: “Sen búp xin tặng người.” Xá xuống, thở ra, ta nói: “Một vị Bụt tương lai.” Chúng ta xá chào trong chánh niệm, hoàn toàn ý thức về người đó đang có mặt trước mặt mình. Chúng ta xá bằng tất cả sự chân thành từ trái tim mình. Có những lúc, ta thấy có một mối tương giao sâu sắc hay một cảm giác kinh ngạc trước những nhiệm mầu của sự sống như khi thấy một bông hoa đang nở, đứng trước cảnh hoàng hôn, một cội cây cổ thụ hoặc xòe tay đón những giọt mưa mát lạnh, chúng ta cũng có thể chắp tay xá chào để hiến tặng sự có mặt của mình và bày tỏ niềm biết ơn đối với những mầu nhiệm đó.

Khi xá Bụt, chúng ta hoàn toàn ý thức về khả năng tỉnh thức mà ta đã được thừa hưởng từ Bụt. Hiểu và thực tập được như thế thì lạy Bụt, tỏ bày niềm tôn kính đối với Bụt không chỉ là vấn đề tín mộ mà là một sự thực tập tuệ giác. Khi xá chào hay lễ lạy các vị Bồ Tát lớn, chúng ta cũng trở về tiếp xúc sâu sắc với hạnh nguyện cao đẹp được biểu trưng qua các vị Bồ Tát ấy và cảm nhận niềm biết ơn sâu xa đối với những ai đang theo gương của các Ngài. Trong khi bày tỏ sự tôn kính trước những vị Bồ Tát lớn, chúng ta cũng đang cam kết thực tập đi theo con đường Bồ Tát của mình, nguyện vun trồng nguồn năng lượng hiểu biết, thương yêu và từ bi trong ta. Xá chào, lễ lạy trong tinh thần đó là một sự thiền tập.