Lắng nghe con em mình

 

Là người lớn, chúng ta hay nghĩ là mình có nhiều tuệ giác và kinh nghiệm hơn con em mình. Vì vậy, rất nhiều thế hệ cha mẹ, thầy cô và những anh chị lớn đã xem thường ý kiến của con em. Họ thấy con em của họ không đủ kinh nghiệm, những gì chúng nghĩ hay chúng muốn còn rất non yếu. Người lớn tin rằng họ biết điều gì là tốt nhất cho con em mình. Điều này không chắc đúng. Khi người lớn chưa đủ khả năng hiểu và lắng nghe sâu những khó khăn cũng như mong ước sâu kín của con em mình thì họ không thể thương yêu thực sự. Tình thương phải đến từ sự hiểu biết. Nếu tình thương không đặt trên nền tảng hiểu biết thì tình thương đó có thể rất nguy hại. Và vì không ý thức được điều này nên những bậc cha mẹ lắm khi gây đau khổ cho con cái, anh chị gây đau khổ cho em út.

Khi chúng ta bắt ép con em mình làm những điều mà ta nghĩ là tốt nhất cho chúng thì sự truyền thông giữa chúng ta và con em có thể bị bế tắc. Không có truyền thông, làm sao ta có hạnh phúc? Điều quan trọng là phải giữ được truyền thông tốt giữa cha mẹ và con cái. Khi cánh cửa truyền thông bị khép lại, cả cha mẹ lẫn con cái đều đau khổ. Ngược lại, khi chúng ta có truyền thông tốt thì cha mẹ và con cái có thể chia sẻ được với nhau như những người bạn về những vấn đề trong cuộc sống. Đó là cách duy nhất để đem lại cho nhau hạnh phúc đích thực.

Trong gia đình, chúng ta nên có những buổi họp mặt hàng tuần. Ngồi với nhau như vậy, chúng ta sẽ có cơ hội bàn thảo về những vấn đề cần thiết và quan trọng cho hạnh phúc của chúng ta. Nếu con cái có khó khăn trong trường học hoặc người lớn có khó khăn nơi sở làm, chúng ta có thể chia sẻ cho cả gia đình nghe để mỗi người đóng góp tuệ giác của mình và tìm cách giải quyết chung. Nếu trong gia đình thực tập được như vậy thì gia đình thực sự là tăng thân, và tăng thân cũng giống như một gia đình. Không cần chúng ta phải là Phật tử mới thực tập những điều này. Đơn giản đây là vấn đề mang lại hạnh phúc, an vui cho gia đình và tăng thân.

Thực tập

Sử dụng ái ngữ và lắng nghe sâu là hai phương pháp thực tập mở ra cánh cửa truyền thông với con cái. Là cha mẹ, chúng ta không nên sử dụng những ngôn ngữ uy quyền mà phải dùng ngôn ngữ thương yêu để nói chuyện với con mình. Khi chúng ta có thể nói được bằng ngôn ngữ hiểu biết thương yêu thì con cái sẽ đến với chúng ta, nói cho chúng ta nghe về những khó khăn, đau khổ và lo lắng của chúng. Nhờ vậy, ta hiểu thêm con mình nhiều hơn và thương yêu chúng nhiều hơn. Nếu tình thương của chúng ta không đặt trên nền tảng của hiểu biết, thì con cái chúng ta sẽ không cảm nhận được đó là tình thương.

Để thực sự thương con, chúng ta có thể nói với con mình: “Con ơi, con nghĩ ba (mẹ) có hiểu con đủ không? Con có nghĩ rằng ba (mẹ) hiểu được những khó khăn và đau khổ của con không? Con nói cho ba (mẹ) nghe đi. Ba (mẹ) muốn biết để có thể thương yêu con nhiều hơn mà không làm con khổ.” Chúng ta có thể nói: “Con ơi, con hãy nói cho ba (mẹ) nghe sự thật đi. Ba (mẹ) đã hiểu được những khó khăn, buồn khổ và những niềm mong ước sâu kín nhất của con chưa? Nếu con thấy ba (mẹ) chưa hiểu, con hãy giúp cho ba (mẹ) hiểu. Bởi vì nếu ba (mẹ) không hiểu, ba (mẹ) sẽ tiếp tục làm con khổ mà ba (mẹ) cứ nghĩ đó là tình thương.” Đó là sự thực tập ái ngữ.

Khi con mình đang nói thì chúng ta phải thực tập lắng nghe sâu. Đôi khi, con mình sẽ nói điều gì đó làm ta ngạc nhiên. Điều đó có thể ngược lại với cách ta nhìn nhận vấn đề. Nhưng lúc nào cũng vậy, ta phải thực tập lắng nghe sâu. Hãy để cho con mình được nói một cách tự do mà đừng cắt ngang hay chỉ trích chúng. Khi lắng nghe sâu bằng cả trái tim, thì trong khoảng nửa giờ, một giờ hay ba giờ, ta sẽ bắt đầu thấy con mình rõ hơn và hiểu con nhiều hơn.

Dù cho còn rất nhỏ, con mình cũng có thể có những tuệ giác sâu sắc và có những nhu cầu đặc biệt của riêng nó. Chúng ta có thể bắt đầu nhận ra rằng ta đã làm con mình đau khổ một thời gian dài. Và nếu con ta đau khổ thì ta cũng đau khổ.