Phòng thở

 

Mỗi gia đình nên có một phòng thở, hoặc ít nhất là một góc để ngồi yên và thở. Ở đó, chúng ta có thể đặt một chiếc bàn nhỏ, một bình hoa, một cái chuông nhỏ và vài cái gối ngồi đủ cho mọi người trong gia đình. Mỗi khi chúng ta thấy bứt rứt khó chịu hoặc buồn rầu, giận dữ, chúng ta có thể đi vào phòng thở, đóng cửa lại, ngồi xuống, thỉnh một tiếng chuông và thực tập hơi thở chánh niệm. Thở như vậy trong vòng mười, mười lăm phút, ta sẽ thấy khỏe nhẹ hơn. Nếu không thực tập như vậy, ta có thể đánh mất mình, rồi sinh ra cãi cọ, la mắng hoặc đánh đập nhau, tạo nên những cơn bão tố trong gia đình.

Trong một khóa tu mùa hè ở Làng Mai, tôi có hỏi một em bé trai: “Con, khi ba con giận, con có làm được gì để giúp ba con không?” Cậu bé lắc đầu trả lời: “Con không biết phải làm gì cả. Con sợ lắm và chỉ biết chạy trốn.” Những đứa trẻ đến Làng Mai đều được học về phòng thở, vì vậy chúng có thể giúp ba mẹ khi ba mẹ nổi giận. Tôi đã dạy cậu bé đó: “Con có thể mời ba mẹ con vào phòng thở và thở chung với con.”

Thực tập

Mọi người trong gia đình nên thỏa thuận và đồng ý với nhau về phòng thở hoặc góc thở của gia đình. Khi nào thấy mọi người vui vẻ, chúng ta nên đề nghị mọi người thỏa thuận với nhau điều này. Chúng ta có thể nói: “Thỉnh thoảng, chúng ta nổi giận. Chúng ta có thể nói những điều gây tổn thương cho chính mình và gây tổn thương cho nhau. Điều này làm cho mọi người thấy sợ hãi. Vì vậy lần tới, khi xảy ra chuyện gì, chúng ta sẽ đi vào phòng thở và thỉnh chuông lên để nhắc nhở mọi người cùng thở với nhau.” Nếu ta sống với đứa con duy nhất của mình, ta vẫn có thể thỏa thuận điều này với con, để khi nào ta nổi giận thì con sẽ giúp ta.

Nếu vào một dịp đặc biệt nào đó khi con mình đang hạnh phúc, nó sẽ rất háo hức đồng ý. Là một đứa trẻ, nó rất tươi mát. Nó có thể đem sự tươi mát của nó để giúp đỡ ba mẹ. Nó có thể nói với ba hoặc mẹ rằng: “Đi với con vào phòng thở đi, mình sẽ ngồi thở với nhau. Ba mẹ chịu không?”

Nếu chỉ có một mình ba đồng ý mà mẹ không đồng ý, thì khi mẹ nói điều gì không dễ thương, nó sẽ đến nắm tay ba và nói với ba rằng: “Mình đi vào phòng thở đi.” Khi nghe thấy như vậy, người mẹ có thể thức tỉnh.

Khi đã đi vào phòng thở, đứa trẻ sẽ thỉnh lên tiếng chuông và Bụt sẽ bảo hộ cho chúng ta. Mọi người trong gia đình đều có thể ký thỏa thuận rằng: “Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt, khi nghe chuông trong phòng thở, mọi người trong nhà sẽ ngừng lại hết mọi chuyện và chỉ có thở thôi. Không ai được tiếp tục nổi giận, quát tháo sau đó.” Cả gia đình cùng cam kết ngừng lại để thở khi nghe chuông. Điều này được gọi là “Hiệp ước sống chung an lạc”. Nếu chúng ta có khả năng thực tập phương pháp này ở nhà thì chỉ sau ba tháng, chúng ta sẽ thấy không khí trong gia đình trở nên dễ chịu, vui tươi hơn nhiều. Những vết thương lòng của các con sẽ được xoa dịu và dần dần được chữa lành.