35. Ba và cô Tâm Trân diễn kịch
Anh chàng Miêu có một màn trình diễn rất ăn khách, đó là màn đọc ca dao tiếng Huế. Màn này do cô Giao Trinh dạy cho Miêu ta học. Miêu đã đi Huế lần nào đâu mà cũng chưa lần nào nói chuyện với người Huế. Vậy mà Miêu trình diễn câu ca dao với giọng Huế đặc sệt. Màn trình diễn của Miêu rất ngắn. Sau khi chắp tay chào khán giả, Miêu đứng thẳng, nhìn hơi nghiêng sang trái, giả làm chàng thi sĩ đi trên bờ ruộng:
Ơi o tát nước bên đàng
răng o lại múc trăng vàng đổ đi?
Rồi Miêu xoay sang phía trái, giả làm cô thôn nữ đang trả lời cho anh chàng thi sĩ:
Mô nà? Trăng mô mà trăng? Nước rõ ràng đây nì!
Lần nào Miêu cũng thành công khi trình diễn màn này. Bé Thanh Thảo có một bài hát ruột; hễ lần nào được mời lên thì lập tức lôi bài ấy ra. Nó vừa hát vừa đưa tay làm điệu bộ:
Ê cái thằng Tý Sún, Tý Sún
Nhe cái răng nham nhở vô cùng
(Thảo nhe răng và đưa ngón tay chỉ vào răng)
Vì nó lười đánh răng sớm tối
Lại ăn kẹo suốt ngày không thôi
(Thảo làm dấu bỏ kẹo vào miệng liên tiếp bằng hai tay)
Anh Tý ơi này nghe chúng tôi
(Thảo đưa một ngón tay lên)
Chăm đánh răng người trông mới tươi
Răng và tóc là gốc con người
(Thảo lấy ngón tay chỉ răng và tóc)
Răng có đẹp thì đời mới vui.
Nào có nhọc gì việc đánh răng?
Cầm bàn chải tựa như kéo đàn
(Thảo làm dấu kéo đàn vĩ cầm ngang miệng)
Kem rất thơm ngọt, đâu có ngán?
Chỉ xẹt xẹt mấy cái là xong.
Thảo hát xong chắp tay chào và rút lui khỏi sân khấu mau như một mũi tên.
Bé Phòng có mấy bài hát mà Mẹ của Phòng dạy cho. Bài ruột của nó là bài Con cò bé bé:
Con cò bé bé
nó đậu cành tre
Ði không hỏi mẹ
biết đi đường nào?
Khi đi em hỏi
Khi về em chào
miệng em chúm chím
mà mẹ có yêu không nào?
Màn Con cò bé bé rất được hâm mộ. Một phần là vì cái thân hình nhỏ của chàng ca sĩ. Bé Phòng chưa đầy bốn tuổi. Miêu thường chạy theo Phòng và nhại:
khi đi em … khóc
khi về em … gào
miệng em mếu máo
mà mẹ có… phết đít không nào?
Bé Phòng tức lắm, chạy đuổi theo anh Miêu để trả thù, nhưng làm sao mà Phòng chạy kịp Miêu? Ðến Tý mà có khi cũng không rượt kịp Miêu nữa mà. Phòng đành dừng lại. Nói vậy chứ Phòng giỏi lắm. Nó đã biết ăn rau và cũng đã biết để dành bạc cắc để trồng cây mận.
Có một hôm văn nghệ thiếu nhi được tổ chức dưới hình thức lửa trại, đốt ở Xóm Thượng. Hầu hết dân hai xóm đều có mặt trên đó. Sau khi thiếu nhi trình diễn nhiều màn múa hát, chị Thanh Trang đề nghị người lớn tham dự vào cuộc trình diễn. Ý kiến của chị lập tức được hưởng ứng. Vậy là người lớn được mời lên ca hát và đóng kịch. Chú Thư có nhiếu màn trình diễn rất hay. Chú lại bày ra những trò có chú Lễ, chú Vũ, chú Quang và cả cô Hà tham dự. Cô Thanh, mẹ của chị Thanh Trang được mời hát bài Bông Hồng Cài Áo. Giọng của cô rất hay khiến cho Tý ngạc nhiên. Sau khi cô Thanh hát xong, Sư Ông hỏi chị Trang xem ở nhà Mẹ có thường ca hát không; chị Trang trả lời là không. Sư Ông bảo phải về tổ chức văn nghệ gia đình hàng tuần để cho Mẹ hát. Sư Ông còn nói là gia đình nào cũng nên tổ chức văn nghệ trong đó có từ cha mẹ tới con cái phải đóng góp về việc trình diễn.
Cô Duyên được mời trình diễn những bài nhạc mới có âm điệu Huế. Cô hát giọng Huế rất hay. Hầu hết mọi người lớn có mặt đêm ấy đều được thiếu nhi ép ra trình diễn.
Trong khi người lớn trình diễn các bài hát, bé Hạnh Thuần tự động lên sân khấu để múa theo lời nhạc. Các điệu múa hoàn toàn do Hạnh Thuần sáng tác tại chỗ. Hạnh Thuần là thiếu nhi múa đẹp nhất Làng. Thuần lớn hơn bé Vi một chút; nó khoảng bốn tuổi. Nó múa rất đẹp. Ðộng tác của nó uyển chuyển và tự nhiên. Hạnh Thuần được khán giả tán thưởng rất nhiệt liệt. Cuối cùng, Ba của Tý được mời lên hát một bài.
Ba lên nhưng không lúng túng chút nào. Ba bảo Ba muốn trình diễn một vở kịch, nhưng Ba cần có người phụ tá đóng kịch chung với Ba, và Ba yêu cầu một người lên tình nguyện. Thấy Ba can đảm quá, cô Tâm Trân liền đưa tay lên, tình nguyện phụ diễn với Ba.
Khán giả rất được khích động. Những người lớn tuổi này mà diễn kịch thì chắc là lạ lắm. Bọn thiếu nhi chưa bao giờ thấy những người lớn và nghiêm trang như Ba và cô Tâm Trân đóng kịch hồi nào cả. Mọi người chờ đợi với nhiều sự thích thú.
Ba nói :
– Vở kịch mà chúng tôi sắp trình diễn tên là Môn thuốc gia truyền, nhưng chúng tôi cần hai phút để tập dượt. Vậy trong khi chờ đợi, các thiếu nhi nên trình bày một bài hát.
Nói xong, Ba mời cô Tâm Trân đi ra khỏi vùng sân khấu. Chị Bích liền đề nghị các chị Hoàng Thủy, Hoàng Trang và Hoàng Nhã ra… Ba chị hát bài Tuổi Thần Tiên của Phạm Duy:
Tuổi thần tiên có con sông thật dài
và nhà máy to kêu vang hồi còi
tuổi thần tiên có quê hương đổi mới
nước non thanh bình cho bé an vui…
Bài hát vừa chấm dứt thì cô Tâm Trân nhắc một chiếc ghế ra sân khấu. Cô chỉ chiếc ghế và giới thiệu :
– Ðây là nhà của tôi.
Rồi cô đưa tay ra chỉ vùng đất sân khấu và nói :
-Và đây là ruộng lúa của tôi. à, hình như có ai trước cổng nhà. Ðúng rồi, một cụ già.
Lúc đó Ba từ từ ngoài cổng chống gậy bước vào. Thân hình Ba còng xuống, dựa trên một chiếc gậy. Tay trái Ba để sau lưng. Ba đi từng bước rất nặng nhọc, vừa đi vừa run.
– Tội nghiệp ông già quá, cô Tâm Trân la lên, đi đâu mà lụm khụm thế này ông ơi. Ðể tôi ra giúp ông.
Cô đi ra cổng đỡ ông già và đưa ông vào nhà. Tới nơi, cô đặt ông ngồi xuống chiếc ghế. Ông già thở hổn hển và đưa tay lên ngực. Ông làm như là hết hơi.
– Tội nghiệp quá, để tôi đi lấy nước cho ông uống.
Ông già xua tay như muốn nói không cần uống nước.
Bà chủ nhà :
– Vậy thì để tôi đi lấy cơm ông ăn. Ngó bộ ông đói rồi đa. Ông từ đâu tới? Ði đường xa mà không đói sao được.
Ông già ngồi yên, không trả lời, cũng không phản đối.
Bà chủ nhà đi ra sau bếp và đem lên một chén cơm và một đôi đũa. Nói là bếp nhưng đâu có bếp núc gì; nói là chén cơm và đôi đũa nhưng đâu có cơm và đũa. Cô Tâm Trân chỉ có hai bàn tay không nhưng cô giả bộ có cầm chén và cầm đũa.
Ông già đón lấy bát đũa, bắt đầu ăn. Ba đóng kịch khéo quá. Ba úp lòng bàn tay trái lại để làm cái chén cơm, và xòe hai ngón tay của bàn tay phải ra để làm đôi đũa.
Ông già ăn xong chén cơm, đưa cái chén không ra cho bà chủ nhà đi xới cơm thêm. Ông ăn một hồi ba chén cơm. Xong ông trả chén đũa cho bà chủ, nói “cám ơn” rồi đưa tay vỗ bụng một cách khoan khoái. Ðây là lần đầu tiên ông mở miệng nói.
Bà chủ hỏi :
– Ông già ăn no chưa, tôi đi xới cơm thêm nghe.
Ông già chậm rãi :
– Cám ơn bà chủ, tôi no rồi. Tôi thấy trong người khỏe khoắn lắm. Ðể cám ơn bà chủ, tôi sẽ chỉ cho bà một món thuốc gia truyền để bà có thể cứu sống nhiều người.
– Vậy hả, vậy thì quý hóa quá. Cây thuốc phải đi tìm ở đâu, hả ông già?
– Ôi, cây thuốc đó quanh nhà bà nơi nào cũng có. Bà cho tôi uống một miếng nước, rồi tôi sẽ đưa bà đi nhận mặt cây thuốc quý giá đó.
Cô Tâm Trân đi lấy nước cho Ba uống. Ông già uống xong, đứng dậy. Bây giờ ông đi đứng chững chạc hơn trước, tuy rằng ông vẫn còn chống gậy. Hai người đi ra ngõ.
Ra khỏi ngõ, vào tới ruộng lúa, ông bứt một cọng lúa đưa lên cho bà chủ nhà xem :
– Ðây, môn thuốc gia truyền quý báu là cái cây này đây, bà ơi.
Bà chủ nhà :
– Ðây là cây lúa đây mà. Ông già này lẩn thẩn quá.
– Tôi không lẩn thẩn đâu bà ơi. Hồi nãy tôi đói sắp té xỉu ngoài ngõ, nếu không có bà dìu vào và cho tôi cái môn thuốc thần diệu này thì tôi làm sao mà sống được. Bà nên biết lúa gạo là môn thuốc thần diệu nhất trên đời. Nó cứu cho hàng trăm triệu người khỏi chết đói. Sáng hôm nay, bà đã cứu được một mạng người, đó là tôi. Tôi nghĩ chúng ta ai cũng nên ra công trồng cho thật nhiều cây thuốc này để cứu nhân độ thế. (Rồi ông ngửng lên nhìn vào khán giả.) Có phải vậy không hả, các ông bà?
Khán giả vỗ tay rầm rầm. Tý rất hãnh diện. Ba Tý đóng vai ông già hay quá. Ba ốm nhỏ nên đóng vai này lại càng hay. Chú Lễ nói to :
– Ai ngờ anh Cả tài nghệ cao như vậy!
Sư Ông nhắc là đã đến giờ thiền tọa. Buổi văn nghệ chấm dứt. Mọi người giải tán. Dân Xóm Hạ chuẩn bị lên xe về lại Xóm Hạ. Tý và Sâm đi lấy nước tưới tắt lửa trại phòng ngừa cháy rừng.