28. Tý được ăn gạo thơm
Ngày hai mươi tháng sáu, trường đóng cửa để học sinh nghỉ hè. Tý và Miêu sẽ được ở nhà tới ba tháng, tha hồ mà nô đùa thỏa thích. Ba nói chỉ còn có mười tám hôm nữa là LàngHồng mở cửa. Hướng dương và bắp đã lên tươi tốt. Ở vườn rau, Ba và chú Dũng đã trồng được rất nhiều thứ: đậu que, cà chua, rau muống, tía tô, kinh giới, rau răm, rau húng, rau quế, cây sả, cây ớt, …. Tuy công việc nhà cửa bận rộn nhưng Mẹ cũng làm được rất nhiều công việc đồng áng. Mẹ giúp chú Dũng trồng không biết bao nhiêu là hành tây, khoai tây, tỏi tây và bắp cải. Tý và Miêu cũng trồng được khá nhiều khoai tây. Cô Chín nói phải trồng cho nhiều vì người về Làng đông lắm. Ba và chú Dũng đã làm xong giàn su và một chuồng gà mới. Ba và chú Dũng cũng đã trồng được nhiều gốc bí đao, bí rợ và khổ qua. Khổ qua được trồng trong nhà mặt trời và bên cạnh tham vấn đường. Tuy vậy Ba còn nhiều công việc lắm. Còn phải trang bị cho xong các phòng ốc. Còn phải trải đá những con đường thiền hành ở Xóm Thượng. Còn phải dựng quán cốc ở Xóm Thượng và Xóm Hạ. Chú Dũng cũng còn biết bao nhiêu công việc. Nào dọn dẹp các con đường bằng máy xay nghiền (girobroyeur). Nào lật đất giữa những hàng mận bằng máy cày chảo (covercrops). Nào phun thuốc ngừa nấm trên các hàng nho. Nào cưa ván để làm giường ngủ.
Tý và Miêu giúp Mẹ tưới rau. Trời đã nóng lắm và vườn rau phải tưới mỗi ngày. Vườn rau rất lớn; mỗi ngày phải tưới gần ba tiếng đồng hồ mới đủ. Rau thơm lên rất tốt. Hôm nào trên bàn ăn cũng có một rổ lớn đủ các thứ rau thơm. Ðã tới mùa Hè mà Tý và Miêu còn được ăn xuân quyện hoài.
Trưa nào Tý và Miêu cũng được uống nước đá. Có khi nước đá chanh, có khi nước đá hột é, có khi là nước đá sương sáo. Giống hệt như ở Việt Nam. Tý thích lắm. Tý rất ưa nước đá chanh muối của Mẹ làm.
Trên Xóm Thượng đã có người về. Trước hết là chú Sơn. Rồi đến chú Hùng. Rồi đến cô Tâm Trân, chị Diễm Thanh, chị Ngọc Hương và anh Quang. Người nào cũng bắt tay vào việc. Cô Tâm Trân về mở một tiệm may ở Xóm Hạ và bắt đầu may aó nệm. Cô rất thân với cô Chín và gọi cô là Dì. Chị Diễm Thanh cũng gọi cô Chín là dì Chín. Có khi chị nói tiếng Nam, có khi chị nói tiếng Huế. Chị Ngọc Hương nói tiếng Bắc. Hai chị làm đủ thứ: thợ mọc, thợ sơn, thợ nề. Chú Sơn là người xuất gia. Chú mặc áo dài nâu. Nếu không nghe chú nói tiếng Việt thì Tý đã tưởng chú là người Pháp, vì da chú trắng, mắt chú màu nâu và mũi chú cao. Chú đóng bàn Phật và bồ đoàn. Còn chú Hùng thì ở Hoa Kỳ sang. Hình như chú có chuyện buồn, bởi vì có khi Tý bắt gặp chú khóc một mình. Tý thấy mà thương quá. Nhưng ở Làng Hồng được mấy hôm thì chú vui hẳn lên. Chú nói với cô Chín là cả một tuần lễ ở Paris, chú chỉ biết khóc. Bây giờ chú đã cười được. Chú Hùng và chú Sơn lo dọn dẹp và trang bị các phòng cư xá tại Xóm Thượng và Xóm Hạ. Anh Quang ít nói và thường đi thơ thẩn một mình. Tý và Miêu chưa thấy thân với ai trong những người mới tới. Nhưng nhìn cách nói cách cười của họ, thấy cách tiếp xử của họ, Tý biết là những người đó rất dễ thương, và sớm muộn gì rồi Tý cũng thương họ.
Mấy hôm sau nữa, có cô Mười về và đưa ba thiếu nhi đầu tiên về Làng Hồng: chị Thanh Trang, Sâm và Thơ. Chị Thanh Trang lớn hơn Tý hai tuổi. Sâm, em trai của chị Trang, bằng tuổi Tý. Bé Thơ, con gái, bằng tuổi Miêu. Tý có cảm tình ngay với ba người bạn mới này. Chỉ trong vòng mười phút đồng hồ, Tý và Miêu đã bắt đầu nô đùa với họ trước sân Tham Vấn Ðường.
Cỏ của chú Dũng cắt bằng máy xay nghiền đã khô. Chị Trang, Tý và Sâm được giao cho công việc dồn cỏ khô vào gói ngồi thiền. Miêu và bé Thơ giúp họ bằng cách đi lấy thêm cỏ khô đem về. Muốn độn một cái gối, Tý phải có gần hai kí lô cỏ khô. Có một trăm cái gối cần được dồn cỏ vào. Vào giờ trưa, Tý và các bạn phải rút vào những nơi êm mát để ngồi nghỉ hoặc làm việc.
Chị Diễm Thanh và chị Ngọc Hương bắt đầu dựng quầy của quán cốc theo sự chỉ dẫn của Ba. Ba làm một tấm bảng có ba chữ Quán Cây Sồi rất đẹp để các chị treo trước quán. Chú Sơn và chú Hùng đã thiết bị nhiều ghế dài trước quán cho khách hàng. Ba nói quán cốc sẽ được mở cửa mỗi tuần bốn ngày và mỗi ngày sẽ có những cô bán quán khác nhau phụ trách.
Trang, Sâm và Thơ được cư ngụ ở Xóm Thượng. Ðến ngày Làng chính thức mở cửa, nghĩa là ngày mười lăm tháng bảy, Tý và Miêu cũng sẽ được lên cư trú ở Xóm Thượng. Trước đây cả tháng, Sư Ông đã xin phép Ba và Mẹ cho anh em Tý lên Xóm Thượng luôn một tháng để làm tiểu đồng cho Sư Ông. Ba rất vui. Mẹ hơi ngần ngại, bởi Tý là cánh tay phải của Mẹ; thiếu Tý, Mẹ sẽ hơi lúng túng. Nhưng Ba nói trong thời gian Làng mở cửa, Mẹ sẽ không phải lo việc bếp núc, và như vậy Mẹ sẽ có thì giờ nhiều hơn để săn sóc Chó Con. Ba nói nên để cho Tý và Miêu được ”lên mây” trong vòng một tháng. Cuối cùng Mẹ thấy được điều Ba nói và Mẹ bằng lòng. Ngày kế, có ba vị ni sư tới. Tý nghe nói hai vị tới từ Paris và một vị từ Marseille lên, đem cho Làng bốn bao gạo lớn. Trưa hôm ấy mọi người được ăn cơm nấu bằng gạo rất tốt, nhập cảng từ Thái Lan. Gạo này Mẹ không bao giờ mua. Từ hôm dọn nhà về Xóm Hạ, Mẹ chỉ mua thứ gạo xấu, thứ gạo mà phần lớn các hạt đều đã bị gảy đôi. Gạo này giá chỉ bằng phần nửa gạo thơm. Mẹ nói có gạo sạch mà ăn là may mắn lắm rồi; gia đình Tý phải cần ăn uống giản dị bớt thì mới có thể giúp được phần nào trẻ em đói bên nhà.
Mấy hôm liên tiếp, Tý được ăn thứ gạo thơm và dẻo ấy. Có một bữa, đến phiên cô Chín quán niệm trước khi ăn, cô đã nâng bát cơm trên tay và nói: “Thứ gạo này đã được sản xuất từ Thái Lan. Tuy vậy hầu hết trẻ em Thái lại không được ăn thứ gạo thơm và dẻo này. Gạo tốt là để bán ra nước ngoài mà lấy ngoại tệ. Ở bên Thái, trẻ em ăn gạo xấu và nhiều khi ăn độn. Có những bà mẹ không có cơm và cũng không có khoai cho con ăn, phải đem bán con cho người giàu có để con khỏi đói. Nếu chúng ta nâng bát cơm thơm và dẻo này lên ăn mà không nhớ tới những điều đó tức là chúng ta vô tình, hờ hững và không thấu được nỗi khổ của trẻ em tại quê nhà và tại các nước nghèo đói.” Rồi cô quán niệm: ”Lạy Phật hôm nay chúng con được ăn cơm ngon, chúng con nhớ tới trẻ em đói ở các nước nghèo khổ. Chúng con nguyện không quên lời Phật dạy, cố sống cho tỉnh thức để thấy rõ được những điều đang xảy ra.”
Trong khi mọi người ăn cơm, Ba nhắc tới một câu ca dao Việt Nam mà Ba nói có thể dùng để làm lời quán niệm mỗi khi nâng lên một bát cơm thơm và dẻo. Ba đọc:
Ai ơi nâng bát cơm dầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
Tý thấy hai câu ca dao thật là thấm thía. Tý thấy tiếng Việt bình dị mà đẹp đẽ vô cùng.
Một buổi sáng thức dậy, Tý thấy Xóm Hạ đầy cả thiếu nhi. Tiếng cười nói và nô đùa rộn rã cả xóm. Thì ra họ đã tới lúc nửa đêm, vào giờ Tý đang ngủ. Con gái, con trai, người lớn, người nhỏ… gần hai mươi người. Lại có một ni sư từ Thụy Sĩ mới qua. Có một cô Thụy Sĩ cao hơn cả Mẹ, chắp tay xá rất đẹp. Có một thiếu nhi nhỏ xíu, chừng ba tuổi, mặc áo dài trắng rất dễ thương. Nó tên là bé Vi.