10. Ba mua hộp tăm
Ba của Tý ngày xưa làm việc tại Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Trường này đào tạo các cô các chú trẻ tuổi và gởi họ về miền thôn quê để giúp đỡ dân làng về các mặt y tế, giáo dục, tổ chức và kinh tế. Trường ở làng Phú Thọ Hòa, gần Cầu Tre, không xa thành phố Sài Gòn. Hồi đó nhà của Tý ở sát trường và thỉnh thoảng Tý được Mẹ dẫn tới nơi làm việc của Ba để thăm Ba. Tý nhớ dãy hành lang dài mà Ba thường đưa Tý đi dạo. Ba nắm tay Tý đi dọc hành lang. Các cô các chú đông lắm, có cả mấy trăm người. Họ được gọi là tác viên. Họ học để về giúp dân, chỉ dẫn cho dân những phương thức trồng trọt và chăn nuôi theo khoa học mới. Họ lại mở trường dạy thiếu nhi thôn quê học chữ và mở trạm y tế để chăm sóc thuốc men cho những người đau yếu. Ba làm tổng thư ký của trường cho nên Ba hay đi dạy đây đó, có khi phải tới tận những vùng có chiến tranh ở miền Trung xa xăm. Tý nhớ những hàng cau thẳng tắp trồng ở sân trường Xã Hội. Tý nhớ ngôi chùa Lá trong khuôn viên trường và những khóm trúc tươi tốt phía hông chùa. Ba nói những khóm trúc ấy là do Sư Ông trồng. Trước chùa lại có mấy cây lựu. Tý nhớ tiếng tụng kinh rất hay của thầy Thật Trí vị chủ trì chùa Lá. Hồi đó, nhà của Tý còn ở Cầu Tre chứ chưa dời về Thủ Ðức. Phía sau nhà có mấy bụi bông giấy. Phía trước có mấy cây trứng cá. Lại có một cây chùm ruột rất nhiều trái. Mỗi khi lên chơi, anh Tèo con má Sáu thường thọc trái trứng cá và hái chùm ruột cho Tý. Có một hôm Mẹ làm mứt chùm ruột ăn rất ngon. Nhà Tý hồi đó có một con chó Mực. Còn một ít chùm ruột, Mẹ đem phơi khô trên một cái mẹt, định bỏ vào keo để dành thì con Mực đi ngang làm đổ cái mẹt. Mứt chùm ruột rơi xuống đất và con Mực đã ăn hết. Mỗi khi trời mưa, quanh nhà có rất nhiều vũng nước. Nếu trời mưa liên tiếp nhiều ngày thì ở các vũng nước ấy có cá. Anh Tèo bắt được rất nhiều cá từ các vũng nước ấy. Ban đêm, tiếng ễnh ương và tiếng ếch nhái kêu vang dậy. Hồi ấy Miêu còn nhỏ. Nó chưa biết đi. Mỗi khi đến trường Xã Hội thăm Ba, Mẹ thường ẵm Miêu theo. Các cô các chú tại trường ai cũng cưng Tý và Miêu. Ai cũng xoa đầu Tý. Ai cũng muốn ẵm Miêu. Ba đối xử với các “tác viên” rất thân thiết. Ba gọi họ là đồng sự.
Ba nói rằng hồi còn làm ở trường Xã Hội. Ba đã từng dự tính làm Làng Hồng với thầy Châu Toàn, tức là thầy giám đốc của trường. Ba nói thầy Châu Toàn đã tìm ra đất làm Làng Hồng ở miền cao nguyên. Làng Hồng là làng của cô chú tác viên, là nơi các tác viên và con cái của họ cư trú. Như vậy Làng Hồng cũng là làng của Tý và Miêu, bởi vì Ba cũng là một tác viên.
Tý hỏi: “Bên Pháp này làm gì có tác viên hả Ba? Tại sao ba phải làm Làng Hồng?”
Ba cười: “Có chứ con. Cô Chín là một tác viên. Ba là một tác viên. Sư Ông cũng là một tác viên. Bên này cũng có nhiều cô chú đang làm việc xã hội và giúp đỡ các thiếu nhi đói ở các nước kém mở mang. Người Việt cũng có mà người ngoại quốc cũng có. Hôm Ba về Am Phương Vân, Ba gặp nhiều cô chú như thế. Ba cũng gặp những cô chú tác viên người Pháp, người Hòa Lan, người Anh và người Thụy Sĩ nữa.”
Tý ngạc nhiên. Tý biết thế nào là hình dung của một cô hoặc một chú tác viên người Việt. Nhưng Tý không thể tưởng tượng ra được một cô tác viên người Anh hay một chú tác viên người Hòa Lan. Thấy vẻ mặt ngơ ngác của Tý, Ba cười:
– Rồi con sẽ có dịp gặp họ.
Cuối tháng chín, trời đã bắt đầu lạnh. Mọi người phải mặc thêm áo. Bác Thành có đem tới nhiều áo quần để biếu cho cả nhà, nhưng Ba chọn được rất ít. Người Ba hơi ốm, nên phần nhiều các thứ áo quần người ta đem tặng đều quá rộng đối với Ba. Có lần Ba chọn được một cái quần vừa ý, Ba thích lắm. Ba cứ mặc cái quần đó hoài.
Em bé đã cựa quậy và đạp nhiều trong bụng Mẹ. Mẹ phải đi thăm thai hàng tuần. Ba đưa Mẹ đi bằng xe buýt. Có một hôm thăm thai xong, Mẹ đề nghị với Ba là cùng đi bộ về. Ba đồng ý. Hai người đi thong thả bên hè phố. Bỗng Mẹ nhận ra một tiệm bán thực phẩm của người Á Ðông phía bên kia đường. Ba đưa Mẹ qua, và hai người vào thăm cửa hàng. Lâu quá không trông thấy những thực phẩm Á Ðông, Mẹ rất mừng khi thấy lại các mặt hàng. Hai người đi thăm hết các mặt hàng. Nào đậu xanh, nào đậu đen, nào bún tàu, nào nấm mèo, nào bánh tráng, nào hột sen, nào măng chua… “Em đâu có ngờ bên này họ bán đủ hết mọi thứ như vậy” Mẹ nói. Họ bán cả trái xoài, trái sầu riêng, mít, rau om, ớt tươi, rau tía tô và cọng bạc hà nữa. Ba nói ở miền Nam người ta có thể trồng được cả rau tía tô và cây bạc hà. Ba và Mẹ lại đi xem xét gần một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, khi ra về, Ba chỉ mua độc có một hộp tăm.
Ba nói:
– Sau này đi chợ, em phải tẩy chay tất cả những sản phẩm Thái Lan. Em đừng mua bánh tráng Thái Lan, nước mắm Thái Lan, rau om Thái Lan…
Ba đã nghe nói nhiều đến những cảnh thương tâm trên biển cả do những người cướp Thái Lan gây ra. Nhiều lúc tức giận quá, Ba nói: “Trong số mười người Thái Lan thì đã có mười một người là cướp biển.” Hồi còn ở trại Palawan, Tý cũng thường được nghe nói về cướp biển Thái Lan và Tý cũng ghét người Thái Lan lắm. Ở trại Palawan, hầu hết mọi người đều tỏ ý căm phẫn đối với người Thái. Cho đến nỗi khi nghe quân đội Việt Nam đồn trú ở Miên đánh thẳng qua biên giới Thái, có người còn vỗ tay reo mừng. Họ muốn bộ đội của chính quyền Cộng Sản Việt Nam qua đánh phá Thái Lan để giúp họ trả thù cho những người tỵ nạn bị hải tặc Thái cướp bóc, hãm hiếp và giết chóc. Mẹ nói với Tý: ”Ðâu phải là người Thái nào cũng là hải tặc. Cũng có những người làm ruộng, đi buôn, xây cất và vá may chớ.”Chiều hôm nay, Mẹ nói với Ba: “Người làm bánh tráng thì không làm hải tặc, người làm hải tặc thì không làm bánh tráng. Anh ghét hải tặc mà không mua bánh tráng Thái Lan là anh giận cá chém thớt. Xứ nào cũng có người tốt người xấu. Người Việt cũng có kẻ tốt người xấu. Anh đâu có bắt đày kẻ khác vào các trại học tập, anh không đi xâm chiếm Căm Pu Chia, nhưng anh cũng là người Việt Nam. Ðành rằng một người làm xấu thì cả bọn mang nhơ, nhưng mình phải biết nhìn với con mắt phân biệt hơn.”
Tuy vậy, Tý nghĩ bụng rằng sau này nếu Mẹ có đi chợ mua bánh tráng thì có lẽ Mẹ sẽ mua bánh tráng làm ở Việt Nam hơn. Hồi còn ở quê, Tý đã thấy nhiều gia đình làm bánh tráng. Họ phơi bánh tráng đầy ngoài sân, trên những cái giá đan bằng tre. Nếu không bán được bánh tráng thì những gia đình ấy sẽ đói. Nhưng Tý lại mường tượng trong óc những gia đình làm bánh tráng ở Thái Lan. Chắc họ cũng làm bánh tráng theo kiểu những gia đình Việt Nam làm, và họ cũng phơi bánh tráng ngoài sân như những gia đình Việt Nam phơi. Rồi Tý nghĩ: nếu họ không bán được bánh tráng thì con họ cũng sẽ đói. Giống hệt như ở Việt Nam. Nghĩ tới đây, Tý thấy khó giải quyết quá. Tý cảm thấy chuyện đời rắc rối hơn lâu nay mình tưởng.