Vài nét chính trong các tác phẩm thơ của Hoàng Cầm

Trước khi nhận được trọn bài thơ Hương xa ấy, vào ngày 05.05.1981, tôi đã viết cho anh một lá thư, trong đó tôi kể cho anh nghe về môi trường sinh hoạt của chúng tôi ở Phương Vân Am, mà trong thư viết cho anh tôi gọi là Ngọc Lan Thảo Trang. Cái tên Ngọc Lan Thảo Trang lấy từ tên ngôi nhà của một người bạn ở gần Phương Vân Am, vì tôi có lấy thêm địa chỉ của cô để gửi thư, mà cô đặt tên cho ngôi nhà của cô là Les Magnolias (Ngọc Lan) – Chennegy, 10190 Estissac. Chúng tôi nghĩ có càng nhiều địa chỉ càng tốt.

Còn Hoàng Cầm thì bắt đầu kể cho tôi nghe về những tác phẩm của anh, trong đó có tập thơ Về Kinh Bắc, sáng tác từ 1960 đến 1975 và anh ao ước tôi có được một bản của tập thơ mà anh rất ưng ý này. Anh nói anh sẽ chép từ từ tập thơ ấy và gửi cho tôi. Hồi ấy thư từ qua lại còn rất khó. Có ai đi Tiệp Khắc thì gửi, để từ Praha gửi về Pháp thì mau chóng hơn.

Anh viết:

Em Cần Thơ quý mến,

Ngày 26-6 vừa qua, anh nhận được thư Em. Hơi ngỡ ngàng về địa chỉ, nhưng khi tra từ điển, thì cũng vẫn là địa phương ấy, và đọc thư xong thì anh tưởng tượng ra Em ngay. Em chưa đến 30 tuổi, hồn nhiên, mắt em tinh nghịch và mê say, đôi lúc chợt có mélancolie, ta gọi là sầu xứ. Thường ngày Em thích chạy nhảy, đùa nghịch, chuyện với bạn Em hay bông đùa, để chợt có đêm nào, không ngủ, em chìm sâu vào tâm tư người con gái đất Việt, hiền dịu và sâu sắc, với một chút buồn thăm thẳm như giếng. Em là một tâm hồn nghệ sĩ, hồn Thơ Em có lẽ cũng chan chứa như (và có khi hơn vì em đang xuân) Anh.

Ôi! Yêu Em và quý Em biết mấy, ơi người Em gái rất trong sáng của Anh. Anh khoe thư Em với vài bạn thân, ai cũng có thể hình dung ra em rồi đó. Đêm không ngủ (hoặc là đêm mơ) anh tưởng tượng đột nhiên Anh xuất hiện ở Ngọc Lan thảo trang.

– Tôi hỏi thăm – đây có phải nơi cô Cần Thơ?

– Ông là ai?

– Nhìn tôi thì khắc biết!

– Tôi không biết ông là ai!

– Giá như cô Cần Thơ ở đây, thì cô ấy nhận ra ngay và gọi đúng tên tôi!

Rồi Em và Anh đi dạo những đồi mơ, đồi mận, mùa xuân ra hoa trắng, tối về hoà nhạc, ngâm thơ. Anh sẽ ngâm những bài thơ về quê hương Anh, và mắt Em long lanh màu xanh Cần Thơ, màu xanh Bến Tre, màu xanh Kinh Bắc, quê anh, nơi sinh ra “Tiếng hát Quan họ”, nơi quê mẹ Nguyễn Du, nơi sinh Cao Bá Quát, nơi sinh truyền thuyết Thánh Gióng và là cái nôi của những thiên tình sử huyền thoại (Trọng Thuỷ – Mỵ Châu, Mỵ Nương – Trương Chi).

Vâng theo trái tim Em, anh chép ra đây một vài bài thơ. Còn toàn bộ tác phẩm của Anh thì có lẽ phải gửi tới trăm lần thư chưa hết. Ngày còn đang học tú tài, anh viết tác phẩm đầu tay “Hận Nam Quan”, kịch thơ về Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh, với niềm tự hào dân tộc rất trong sáng và khí phách – Một épopée mang nhiều fraicheur của tuổi trẻ Việt Nam khi đất nước còn bị đô hộ. Rồi đến vở kịch thơ “Kiều Loan”, một bản tình ca bi hùng tráng, diễn ở Hà Nội năm 1946 suốt ba tiếng đồng hồ. Tiếp đó mới đến những kịch thơ “Lên đường”, “Cô gái nước Tần”, rồi anh đi vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, gần 10 năm, dấu ấn đậm nhất là tập thơ “Bên kia sông Đuống”. Rồi hiệp nghị Geneve, miền Bắc cắt với miền Nam thành hai thế giới, anh viết “Tiếng hát Quan họ” và nhiều bài thơ rải rác, tiếp đến kịch thơ “Tiếng hát Trương Chi”, “Cái gậy thần” rồi đến một chef d’oeuvre nữa là tập thơ “VỀ KINH BẮC” gồm 40 bài về quê hương xưa (dĩ nhiên là có nay). Tâm hồn Việt Nam chưa bao giờ – từ ngòi bút Anh – lại xuất hiện đậm đà, uyển chuyển, sâu sắc, tế nhị đến như vậy. Anh cũng không ngờ. Khi tập thơ ấy đã hoàn thành, các bạn trẻ tuổi đều hâm mộ đến mức anh cũng ngạc nhiên không hiểu sao nó lại chiếm được những tâm hồn lứa trẻ, kể cả những bạn quê ở miền Nam hoặc các vùng khác ngoài Kinh Bắc đến vậy! Tập thơ “Về Kinh Bắc” (1959-1960) đến nay vẫn là bạn tâm tình của nhiều người Hà Nội – Huế – Sài Gòn (mặc dầu nó vẫn inédit) bằng truyền khẩu hoặc sao chép vội vàng đến mức nhiều khi “tam sao thất bản”.

Rồi lại đến bản trường ca “Men Đá Vàng” (1972) viết về nguồn gốc và tâm tư của những nghệ sĩ làm gốm Bát Tràng – một épopée (thiên anh hùng ca) nữa của Đất – Đá và Tình Yêu – Con Người Kinh Bắc. Ngoài ra, còn những bài thơ lẻ tẻ, nếu sưu tập lại thì có thể lấy tên đề cả tập là “Tình sử” – (Inédit tất cả).

Em Cần Thơ quý mến,

Trước hết, anh cảm ơn Em và các bạn Em đã quan tâm đến sự nghiệp thi ca của anh. Anh gửi lời Em nói giúp anh rằng: Những luồng ánh sáng trong trẻo khi giao nhau, thường tạo nên những cầu vồng lồng lộng và những cánh thiên thần múa nhịp nhàng theo bản hợp tấu mênh mông của Thượng Đế – của Trời Đất – Ông Giời! – Định mệnh, khi đã định như thế – thì cứ thế – Anh không thể không chấp nhận và cũng không thể “kiện” ai cả. Anh đã nhiều năm chấp nhận sự hắt hủi của Số Mệnh, nên hiện nay anh không có tham vọng, hy vọng cũng ít, hoài vọng càng ít nữa. Cuộc sống trần luỵ đã bắt anh sống sát mặt đất, cái quotidien terre à terre (cái hằng ngày sát mặt đất), cái “làm người có thân” ấy nên chi “thân làm tội cái đời” là lôgich lắm vậy! Anh chỉ còn một cách cố gắng giữ cho mình chí ít cũng có một con ngươi không bị bùn đất chôn vùi, cố nghểnh lên ngó một mảng trời xanh, và bàn tay dù lấm bùn tanh cũng cố cầm bút, chụm ngón lại thành một bông sen toả ngát, trước hết để cho mình đừng khinh rẻ mình, cho mình sớm tối được thoảng qua mặt một chút hương thơm. Điều đó, em ơi! thật vô cùng nặng nhọc cho anh từ hơn 20 năm rồi. Và những thi phẩm VỀ KINH BẮC, Men Đá Vàng hoặc TÌNH SỬ – đều thoát thai từ cái drame (thảm kịch) khổng lồ ấy – cho nên, anh phải cảm ơn sự đau khổ, cảm ơn Bùn Đen.

Anh hiểu Em: Một tâm hồn mang nhiều nợ với Dân Tộc và Đất Nước, cho nên em trồng tía tô, rau mùi, rau húng là phải lẽ – Em yêu thơ anh là phải lẽ… Vì thơ anh là tâm hồn Việt Nam hiện hình thành màu sắc, và âm thanh. Và đã là con người Việt Nam, mang dòng máu Việt Nam, thì bất kỳ ở phương trời nào, đều hoài niệm mùi vị tía tô kinh giới, và gặp thơ anh thì xúc động, thổn thức, hoặc lâng lâng bay bổng với mây xứ sở, với chim bướm xứ sở và tâm hồn đất nước tự nghìn xưa!

Ơi Em Cần Thơ – người Con Gái Việt Nam, Anh cảm ơn Em.

Trong lá thư viết ngày 09.07.1981, Hoàng Cầm viết cho chúng tôi chi tiết hơn về những giai đoạn sáng tác và về những tác phẩm chính của anh.

Hà Nội 9.7.81

… Em,

Để đáp lại từng điểm trong thư em, anh nói:

1. Anh không phản đối việc tìm kiếm, bảo tồn những tác phẩm của anh, việc làm rất đáng yêu của em và các bạn em. Phương cách nào cũng tốt, miễn là đừng làm rùm beng, đừng phổ biến một cách thiếu cân nhắc hoặc “dễ tính” quá. Phải luôn luôn lấy hoàn cảnh anh, tình thế của anh hiện nay làm quả cân cho mỗi suy nghĩ và hành động. Anh, một người Thơ, dĩ nhiên bao giờ cũng tự hào (đôi khi có cái nết xấu là tự kiêu nữa kia!) nhưng thực tình anh luôn khiêm tốn, vì anh gốc là con nhà nho học, bản thân thêm được chút trí thức phương Tây (cũng chả là bao, so với yêu cầu của trí tuệ con người hiện đại) nên anh thành thực hiểu rằng toàn bộ tác phẩm của mình cũng chưa đóng góp được gì lớn lắm cho nền văn học của dân tộc. Chỉ biết mình xúc cảm và suy tưởng được gì, viết ra thế, còn phải chờ vị trọng tài Suprème phán xét, đó là thời gian và lịch sử. Lịch sử thơ ca thế giới và trong nước đã chứng minh: Có những nhà thơ tồn tại hàng nghìn năm, có người hàng trăm năm, có người mười năm, và có những bài thơ vừa mới chào đời đã tắt thở. Em cũng hiểu như thế, nhưng em là người đọc, thì điều em nói về thơ anh, anh xin thu nhận và cảm ơn em.

2. Toàn bộ tác phẩm (thơ) của anh, nếu như anh có cái cassette thu lại thì phải 10 cuộn băng (60 phút) mới thu hết được những tác phẩm chính. Vậy làm sao, đến bao giờ, anh gửi hết cho em được, nếu như mỗi lần chỉ vài ba trang giấy nhỏ?

Những tác phẩm inédits thì lại nhiều hơn những cái đã xuất bản, và những bài mới gần đây cũng không ít. Tiện đây, anh “Kê Khai” theo trình tự thời gian, những tác phẩm chính, để em tiện tìm kiếm và sắp xếp.

Hồi còn đi học Trung học, anh viết vở kịch thơ đầu tiên “Hận Nam Quan”, một épopée về lòng yêu nước và chí quật cường của dân tộc chống giặc phương Bắc. “Hận Nam Quan” đã xuất bản (1943) và đã diễn nhiều lần. Sau đó đến tập thơ đầu tiên, dĩ nhiên là thơ tình yêu như mọi bước đầu của hầu hết các thi sĩ đông tây kim cổ. Tập ấy “Mắt thiên thu” gồm chừng 60 bài, đã mất bản thảo, mất tăm mất tích, vì những biến cố trong đời sống gia đình và xã hội. Và vở kịch thơ (riêng anh cho là chef-d’oeuvre của giai đoạn ấy) “Kiều Loan”, diễn được dăm buổi ở Hà Nội và một vài địa phương, viết năm 1942 đến 1944 mới hoàn thành, in được màn đầu (prologue) năm 1946 với nhan đề “Người điên”, còn cả vở thì đang in bị bỏ dở vì Pháp gây chiến tranh ở Hải Phòng, Hà Nội. Kịch bản, suýt nữa cũng bị mất tích, mãi đến 1955, sau khi hoà bình được lập lại trên miền Bắc, anh mới tìm kiếm được, mỗi nơi một mảnh, rồi “lắp ghép” lại được như texte original. May thế!

Anh tham gia cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, đã đi vào chiến dịch Điện Biên Phủ rồi trở về Hà Nội năm 1954, làm một người chiến thắng hào hùng. Suốt 8 năm kháng chiến ấy, anh viết khá nhiều kịch nói, kịch thơ, và thơ. Riêng vở kịch thơ “Lên đường” thì viết năm 1944 lấy đề tài yêu nước của các nho sĩ Việt Nam, nghĩa là của những trí thức cũ đất Việt (như Phan Bội Châu – Huỳnh Thúc Kháng – Lương Văn Can). Chắc em chỉ mới đọc qua, rồi người ta dọn nhà đi, em tức lắm phải không?

Giai đoạn kháng chiến ấy, chef-d’oeuvre của anh là bài thơ “Bên kia sông Đuống – Au delà du Canal des Rapides”. Những nỗi đau của quê hương trong chiến tranh. Cái đẹp của dân tộc, cái mất, cái còn, những tấm lòng, những con người của xứ sở, người mất người còn. Không rõ em đã có trong tay bài thơ khá nổi tiếng ấy chưa? Nếu chưa có, hoặc em chưa tìm được ra (bài ấy in rồi) thì rồi anh sẽ chép gửi em.

Từ tháng 10.54, hoà bình được lập lại, cho đến năm 1959, anh đã viết trường ca “Tiếng hát Quan họ” (em có rồi đấy), kịch thơ “Tiếng hát Trương Chi” (2 hồi 4 cảnh), chỉ mới đăng báo “Văn nghệ” (số tháng 5.1957) có hai Scènes ở Hồi I. Còn toàn vở vẫn Inédit. Kịch thơ “Cái gậy thần” (4 hồi) inedit. Và một số bài thơ rải rác. Giai đoạn này, thì chef-d’oeuvre (theo ý anh và một số bạn thân) là “Tiếng hát Quan họ” và “Tiếng hát Trương Chi”.

Sang đến giai đoạn 4: Từ năm 1960 tới 1975 – anh viết tập thơ “Về Kinh Bắc”, về quê hương anh là vùng Bắc Ninh, Bắc Giang trước kia, nay là tỉnh Hà Bắc. Từ đời Lê, đấy là một trấn phên dậu của triều đình, và theo các nhà sử học Việt Nam, thì Trấn Kinh Bắc là cái nôi của dân tộc Việt Nam, cái nôi của văn hoá dân tộc, chí ít là 1000 năm (từ đời Lý). Đấy là nơi sinh ra bà mẹ thi hào Nguyễn Du, nơi sinh Cao Bá Quát, nơi sinh ra thần thoại Thánh Gióng, và những thiên tình sử huyền thoại Trọng Thuỷ – Mỵ Châu, Trương Chi – Mỵ Nương, nơi sinh ra nhiều nhân vật lịch sử (Ỷ Lan phu nhân, một nữ nhiếp chính có tài đời Lý Thánh Tôn) và trai Cầu Vồng Yên Thế (Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám), gái Nội Duệ Cầu Lim (bà Đặng Thị Huệ, vợ Trịnh Sâm, đã từng cầm quyền và làm mất cơ nghiệp chúa Trịnh).

Đó sơ lược vùng Kinh Bắc để em biết qua loa. Tập thơ mang nặng hồn dân tộc xưa và tất nhiên cả nay, tâm hồn Việt Nam qua nhiều thế kỷ, tình yêu và ước vọng, những đau thương và hy vọng của con người vùng quê anh, con người thật sự Việt Nam, và sợi chỉ đỏ xuyên từ đầu đến cuối tập thơ là hai nhân vật CHỊ và EM, hai nhân vật của Tình Sử đi song song với Sử Thi một vùng, là đôi tình nhân ngàn đời với bao nhiêu say mê, nhớ tiếc, hờn giận và vui buồn, bâng khuâng và ngậm ngùi, nao nức và chua chát, cay đắng và ngọt bùi. Tâm hồn Kinh Bắc là một đại dương đầy bí ẩn, anh đã lặn xuống đại dương ấy, mò được đôi ba cái lấp lánh kỳ diệu đem lên khoe với các bạn, vì anh tài ít, sức có hạn, nên chung quy cũng chỉ được đôi chút lấp lánh tâm hồn Kinh Bắc ấy thôi, anh nắm trong đôi tay yếu ớt, chỉ sợ nó bay đi mất, nên phải viết ra nhanh (trong 2 năm) từ cuối 1959 đến cuối 1961, được 40 bài.

Nhiều bạn anh, nhất là các bạn trẻ, các sinh viên Hà Nội, đều “bầu” tập thơ ấy là chef-d’oeuvre của toàn bộ thi ca của anh từ trước đến nay. Dĩ nhiên là inédit, và các bạn ở miền Bắc có sao chép được ít nhiều, đôi khi cũng tam sao thất bản và có những dị bản rất buồn cười nữa kia. Ôi! Giá như em có tập thơ ấy!

Kể ra ai cũng“bằng lòng” với tác phẩm của mình, nói như Lỗ Tấn, “văn mình vợ người”- bao giờ mà chả hay, bao giờ mà chả đẹp. Anh thú thật cũng khó mà ra ngoài được định luật ấy của con người, vốn là tham lam và chủ quan. Anh tự nói về thơ anh, bao giờ mà chả hay! Cho nên, nếu anh có khoe khoang đôi chút, mong em cũng lượng thứ cho cái faiblesse humaine (yếu kém con người) ấy nhé.

Ngoài những bài thơ lặt vặt, không đáng kể, thì giai đoạn này còn có tập thơ “Cót thóc và Con đường”, tập thơ “Chống Mỹ cứu nước” có nhiều tìm tòi về forme.

Cuối giai đoạn này, anh viết trường ca “Men Đá Vàng” – épopée của Đất, Đá và Tình Người – Tình Dân Tộc. Lấy trường ca ấy làm nền, anh viết thành vở kịch thơ “Men Đá Vàng”, 3 hồi, truyện cổ tích về gốm Bát Tràng (1972) “Ước gì anh lấy được nàng! Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…” (ca dao cũ).

Từ sau 1975 đến nay, có một số bài thơ tình rải rác, gộp lại thành tập “Tình sử”.

Chiếc nôi văn hoá Việt Nam cổ truyền

Trong một thư khác Hoàng Cầm viết:

Từ năm 1960 tới 1975 – Anh sáng tác những bài thơ sau này được gom lại thành tập thơ “Về Kinh Bắc”, một tập thơ nói lên được bản chất văn hoá kỳ diệu của vùng được xem là cái nôi văn hoá cổ truyền của đất nước. Theo anh tâm hồn Kinh Bắc là một đại dương đầy bí ẩn và người thi sĩ là anh đã lặn xuống đáy biển mò tìm và đem lên được một số ngọc châu lấp lánh và đem khoe với các bạn. Và khi đem tập “Về Kinh Bắc” khoe với các bạn, thì các bạn, nhất là giới sinh viên trẻ, đều ưa thích và cho rằng chính “Về Kinh Bắc” mới là đỉnh cao tuyệt tác của anh, chứ không phải “Tiếng hát Quan họ” hay “Tiếng hát Trương Chi”.”

Qua anh Hoàng Cầm tôi lại biết thêm về vùng Kinh Bắc của Việt Nam, vùng đất của trung tâm Luy Lâu, một trong ba trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo mà Thầy đã nhắc đến trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận (hai trung tâm kia là Bành Thành và Lạc Dương). Hồi đó tôi đang đánh máy cuốn sách này trên máy varityper. Thế là tôi học thêm được những nét đẹp của nền văn hoá cổ Việt Nam ở trung tâm Luy Lâu qua thi sĩ. Càng liên lạc với Hoàng Cầm tôi càng hiểu thêm Thầy chúng tôi, tại sao Thầy yêu thơ Hoàng Cầm và tại sao thầy trò chúng tôi yêu miền Bắc của đất nước. Đến năm 2005 khi Nhà nước mời Thầy chúng tôi về thăm quê hương, và khi 100 anh chị em xuất sĩ chúng tôi đứng lên niệm danh hiệu Bồ tát Quan Âm, thì trước mặt chúng tôi, bao nhiêu gương mặt các ông cha bà mẹ miền Bắc Việt Nam nhìn lên với những cặp mắt sáng lên tha thiết, tin tưởng và hy vọng, tôi bỗng thấy quá xúc động và nước mắt tôi giàn giụa. Nếu không có tầng tầng lớp lớp những ông cha bà mẹ này thì mảnh đất này đâu còn được gọi là Việt Nam nữa và những gia tài tâm linh Bụt, Tổ trao truyền sẽ mất hết. Ôi, những ông cha bà mẹ Việt Nam, từ ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau, tình thương con cháu thì bao la mà tình thương đất nước quê hương còn lớn hơn, sẵn sàng hy sinh để giữ gìn bờ cõi, che chở dân lành. Tình yêu đạo và lòng tin Phật của các vị cũng rất lớn. Ôi! Tôi muốn quỳ xuống sụp lạy trước tầng tầng lớp lớp những ông cha bà mẹ Việt Nam trước mặt tôi đây. Con cám ơn Thầy, con cám ơn quê hương Việt Nam, con cám ơn trung tâm Luy Lâu, chiếc nôi Phật giáo đã hình thành từ gần 20 thế kỷ trước.

Việc thư từ và chuyển quà cho anh Hoàng Cầm diễn ra êm đẹp từ cuối 1980, trọn năm 1981 và 6 tháng đầu năm 1982. Hoàng Cầm vốn là một con ngưới rất hào phóng, chân thật, có gì cũng đem ra nói, không giấu bạn bè điều chi. Anh nghĩ chuyện cũng đơn giản thôi, tôi chỉ là một cô bác sĩ ở Pháp, hâm mộ thơ anh và gửi thư gửi quà cho anh là một chuyện bình thường, nên anh đi khoe khắp nơi.

Anh cũng nghĩ rằng liên lạc với bên Pháp thì không nguy hiểm như với bên Mỹ. Thường thì người ta nghĩ ở Mỹ có nhiều nhóm người Việt chống Cộng dữ dằn, nhưng ở Pháp thì rất đông đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và có nhiều bạn bè thuộc Đảng Cộng sản Pháp.

Trong lá thư đề ngày 16.9.1981, sau khi đọc thư tôi, trong đó tôi ghi ra một đoạn thơ trong bài Bên kia sông Đuống và chép trật chữ dựng trăng thành đỉnh trăng, anh viết:

Đó em xem, mới có một đoạn ngắn mà đã sai đi như thế, còn cả bài thơ, cả tập thơ thì sao? Có một số bạn anh, ở ngay trong nước, có một bài thơ đăng báo thôi, thấy in sai vài chữ đã vò đầu bứt tai, khổ sở hết chỗ nói! Rất mong em thận trọng, đừng để anh phải khổ sở khi thấy bài thơ in sai dù chỉ một chữ! Khó vậy thay! Em làm thế nào? In typo, ronéo, hay photocopie, anh chỉ yêu cầu in đẹp, trang rộng, để nhiều khoảng trắng, đừng in quá nhiều dòng vào một trang. Anh ưa nhất khổ sách 24×18, mỗi trang in lọt vào giữa, nhiều nhất là 16 dòng, chữ in vừa cỡ Corps 11 hoặc 12 thôi, mỗi đầu câu, đầu bài có một Lettrine (chữ cái đầu) thật xinh, anh thích màu tím ở các dòng thơ, còn lettrine màu lam.

Vậy nếu soạn thơ từ những bản đã in rồi (như “Tiếng hát Quan họ” và “Bên kia sông Đuống”) thì đỡ lo sai và dĩ nhiên những bài anh chép tay là đỡ lo nhất. Còn những bài truyền khẩu hoặc nhớ mang máng thì attention! (coi chừng)

Việc xếp thành từng tập thì cũng đừng nên lẫn lộn. “TÌNH SỬ” là tên tập thơ gần đây nhất, gồm chừng 30 bài rải rác. Còn “Tam cúc”, “Diêu Bông”, “Vườn ổi” là 3 bài (gần như một thứ Trilogie) trích trong tập “VỀ KINH BẮC”. Bài “Bên kia sông Đuống” là bài đầu của tập “QUÊ HƯƠNG” viết hồi Kháng chiến chống Pháp 1947-1954)… “Men Đá Vàng” là tập trường ca về gốm Bát Tràng. Mới viết hồi 1972, inédit, lại là một tập riêng cũng như “Tiếng hát Quan họ” cũng là một tập riêng về tiếng hát dân gian. Tập này em có bản in hay chép tay của ai?

Trình bày với hình thức nào?

Vì vậy nên khi soạn lại để in, chưa đủ tên từng tập thì em phải để dưới bài: (Trích trong tập gì…?). Còn ngoài bìa chỉ lấy một cái tên chung THƠ là đủ. Dĩ nhiên phải có một vài lời giới thiệu. Tuyệt đối tránh phê bình, nhận xét, cảm nghĩ về một số bài đem in. Khi in xong, phân phối như em nói là được.” (trong thư đầu tôi có nói tôi muốn in một số thơ của anh và gửi tặng các trường đại học ở Âu châu và Mỹ châu một bản để làm tài liệu. Biết đâu thế hệ sau có nhiều em được hứng khởi từ những vần thơ Hoàng Cầm và trở thành những tâm hồn tri kỷ có thể đánh giá cao và phổ biến cho những thế hệ tiếp theo một gia tài đặc thù tâm linh của đất nước). “Cần tránh cho anh việc này: Giới thiệu và phê bình trên báo chí (dù là tiếng Việt hay tiếng Pháp). Tuyệt đối không cho ai in lại, đọc hoặc ngâm vào băng đĩa… Kể cả kịch cũng không nên, trong lúc này. Anh biết hình như ở Pháp có một vài tờ báo hay tạp chí gì đó xuất bản bằng tiếng Việt và do người Việt chủ trương. Chắc em cũng rõ báo chí thường hay dính dáng đến phe phái chính trị và liên quan đến nhiều vấn đề chính trị. Mà anh muốn tuyệt đối tránh, không muốn để tác phẩm thơ của anh biến thành tư liệu, tài liệu hoặc minh chứng cho một vấn đề chính trị nào đó, làm vẩn đục cái trong sáng của thơ anh. Em hết sức giữ gìn cho anh về chuyện này. Còn tên người xuất bản em để như em ngỏ ý với anh trong thư vừa rồi là được. Cũng chả còn cách nào hoặc formule (công thức) nào discret (kín đáo) hơn. Cần tránh cả việc thi ca trở thành món hàng buôn bán của kẻ đầu cơ theo chủ nghĩa cơ hội.

Tóm lại, trong tay em đã có những gì thì em cứ đưa in, bài báo nào thấy còn ngờ ngợ, chưa chuẩn xác thì hãy tạm gác lại, rồi viết thư về cho anh để tham khảo và bổ cứu. Dần dần khi đã có nhiều thêm, sẽ lại in tiếp tập thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, thứ… nième.

Đương nhiên vì lẽ thư đi thư về chậm nên việc lớn em gánh vác phải lâu dài, cả em và anh đều phải kiên nhẫn. Tuổi em đương giữa xuân, tuổi anh đã sang thu, tuổi của Thơ ca chắc còn trẻ mãi, vì vậy việc em lo giữ sức khoẻ cho anh là đẹp nhất, cần nhất. Anh đồng ý thế.

Lệnh phổ biến thơ do Hoàng Cầm yêu cầu

Rốt cuộc, một phần vì ngại cho tình trạng an ninh của mình bên ấy, một phần vì cẩn thận cho nên anh Hoàng Cầm đã khuyên tôi đừng nên vội vàng trong công việc xuất bản thơ anh. Trong lá thư đề ngày 30.7.1982, anh viết:

“Còn việc xuất bản, anh yêu cầu em hãy đừng nên vội vàng. Còn đèn đỏ, xe chưa qua được ngã tư. Vả lại một khi em đã có trong tay một số lớn những tác phẩm của anh rồi thì phải coi như em đã đạt mục đích là bảo tồn chúng. Tôt ou Tard, se donnera le feu vert! et bien dûment! (Sớm hay muộn đèn xanh sẽ tự bật và đúng mức!)”

Rõ ràng là Hoàng Cầm đã nhìn xa thấy trước điều ấy, điều mà anh nói tránh việc thi ca trở thành món hàng buôn bán của những người đầu cơ theo chủ nghĩa cơ hội. Và khi anh Phạm Duy phổ nhạc ba bài Lá Diêu Bông – Cỗ bài tam cúc – Vườn ổi để thành băng nhạc (Hoàng) Cầm ca, nhạc sĩ Phạm Duy đã vụng về tung cuộn băng Cầm ca cùng chung với băng nhạc Ngục ca có những bài thơ như Từ người xuống vượn, Cái lầm to thế kỷ… thì tôi thấy đây không phải là điều mà anh Hoàng Cầm muốn. Đúng như Hoàng Cầm tiên đoán trước trong bức thư gửi cho tôi ngày 16.9.1981, tôi đau lòng thấy thơ anh đang bị sử dụng quá thiếu chánh niệm, thiếu sự nhìn sâu để hiểu những khó khăn của người nghệ sĩ đang ở trong nước. Các bài Cầm ca phổ biến chung với Ngục ca đã góp phần đưa anh vào tù ngày 20.8.1982.

Trong một lá thư gửi cho Hoàng Cầm, tôi có hỏi anh bưởi Nga Mi là bưởi gì? Và lá Diêu Bông là lá gì? Trước đó anh đã gửi cho tôi một số bài thơ, trong đó có các bài Cỗ bài tam cúc, Lá Diêu Bông Qua vườn ổi. Bài Lá Diêu Bông ở bên này chúng tôi ai cũng thích. Trong chúng tôi có người nghĩ rằng người Chị trong Lá Diêu Bông chắc là hình ảnh của chính quyền thời ấy với những lời hứa hẹn hạnh phúc, và nhân vật Em là những người đã từng đem hết trái tim mình ra phụng sự đất nước và cách mạng nhưng chưa bao giờ được đền bù. Nghĩ như thế nhưng không ai trong chúng tôi có ý phê bình như trong Cầm ca.

Ngày 5.6.1982, anh viết cho tôi và báo tin cô con gái yêu của anh là Bùi Hoàng Yến đã từng là diễn viên kịch nói của nhà hát quốc gia đã qua đời vì bệnh tim đột ngột và anh đã trả lời câu hỏi của tôi về bưởi Nga Mi và lá Diêu Bông. Anh cũng tỏ ý buồn là người trẻ ở Hà Nội bây giờ ít người hiểu được thơ anh và biết quý thơ anh. Họ có khuynh hướng cho thơ anh là lạc hậu, là cổ hủ và anh có xuống tinh thần vì thái độ ấy.

Anh viết:

Dẫu sao, rất thành thực, anh nói với em: Thơ của anh có lẽ đã cũ kỹ mất rồi… Trong nước thì còn một ít người yêu, ngoài nước còn một số rất ít nữa biết yêu thơ anh. Còn thì giữa cái cuộc sống chen chúc vật lộn này, thơ anh lạc lõng quá. Nhiều bọn trẻ bây giờ chẳng thể nào yêu thích (chưa nói đến say mê) thơ anh. Họ còn cho là lạc hậu, cổ hủ nữa kia, về mặt nào đó anh rất thành thật điều ấy… Chợt nhớ em hỏi bưởi Nga My là gì ?Nga My là tên một làng vùng Kinh Bắc có bưởi ngon, thơm có tiếng, câu thơ ấy, em chú ý Bưởi và Bòng – Bòng là một thứ quả giống hệt Bưởi, nhưng to xác, ăn rất nhạt như ăn cơm nguội, ngoài chợ bán rất rẻ tiền.

Còn lá Diêu Bông không thể ai tìm thấy tên trong bất cứ một sách vở tài liệu nào về khoa học tự nhiên. Tự người đọc, nếu yêu thơ sẽ hình dung ra cái lá ấy. Một cái lá anh đặt tên để làm symbole (biểu tượng) thế thôi. Symbole của những mối tình cao đẹp, của những lý tưởng trong sáng, của những gì là Thật, là Lành, là Đẹp vốn có trong mỗi con người. Nhưng rồi cuộc sống lắm khi tàn nhẫn vì xâu xé vật lộn, vì ngu si tham lam nên lắm khi cái lá ấy ở ngay trong mình mà mình không thấy, và đến khi nhận ra thì cuộc đời đã tàn!”

Chính tác giả đã chân thật nói rõ rằng lá Diêu Bông chỉ là một chiếc lá biểu tượng. Theo cái cách anh tả thì đó là Phật tánh, là tính Bụt trong mỗi chúng ta, nhưng nhạc sĩ Phạm Duy lại giới thiệu Lá Diêu Bông trong cái băng cassette, trước khi ca sĩ Thái Hiền trình bày bài hát, bằng một giọng nặng nề nhức óc. Bởi cách giới thiệu ấy làm mất vẻ đẹp của các bài thơ Lá Diêu Bông Con cá đòng đong, nên tôi phải lấy một cái cassette thứ hai thu lại các bản nhạc phổ từ thơ Hoàng Cầm mà hoàn toàn không có một lời phê phán nào để có thể thưởng thức giá trị của thơ và của nhạc. Cám ơn thi sĩ và nhạc sĩ. Thơ và nhạc làm tăng giá trị của nghệ thuật.

Ngày 30.1.1982, anh kể cho tôi nghe về một người bạn trẻ đã từ Canada về thăm anh và ở lại Việt Nam 3 tháng. Trong lá thư ấy, anh không nói tên người kia, chỉ nói rằng anh ấy cũng là một người rất hâm mộ thơ anh. Và anh cho biết là đầu tháng Tư năm ấy, bạn trẻ này trên đường về Canada sẽ ghé qua Paris và sẽ mang cho tôi một món quà của anh gửi. Sau này tôi biết được anh này tên là Nguyễn Mạnh Hùng. Hồi đó tôi có thành kiến cho rằng những người về Việt Nam dễ dàng như thế chắc phải là người thân chính quyền nên không mấy tin tưởng ở những người như vậy và không muốn nói thật với họ những việc chúng tôi đang làm, sợ nói thì công việc giúp đỡ bên nhà sẽ gặp trắc trở. Món quà mà anh hứa sẽ gửi là một cuốn băng thu thanh toàn tập tác phẩm Men Đá Vàng để tôi nghe và ghi ra giấy. Anh hứa là trong tương lai nếu có dịp anh sẽ gửi bản thảo.

Gặp anh Nguyễn Mạnh Hùng, Hoàng Cầm đã cho anh ấy đọc thư tôi viết cho anh tháng 3.1981 và tháng 5.1981. Đọc xong anh Hùng khẳng định với Hoàng Cầm: “Đây là thư của một người con trai giả tên con gái.” Nhưng Hoàng Cầm vẫn một mực không tin và nói chừng nào anh Hùng qua Paris để trao cuốn băng nhựa thâu toàn bộ tác phẩm Men Đá Vàng thì anh ấy sẽ biết được thực sự tôi là con trai hay con gái.

Đến Paris, anh Hùng viết thư ngay cho Bùi Thị Cần Thơ. Anh ấy cho tôi số điện thoại và muốn xin hẹn gặp tôi. Anh ấy nói có thư của Hoàng Cầm gửi cho tôi và muốn đến trao tận tay tôi tại Les Magnolias, 10190 Chennegy – Aube, là địa chỉ trên bì thư tôi gửi Hoàng Cầm. Tôi dịu dàng nói tôi làm việc xa, phòng nhỏ không tiện tiếp khách, để tôi đích thân lên Paris nhận quà từ tay anh ấy. Trong câu chuyện với anh Hùng tôi cũng thẳng thắn nói với Hùng rằng tôi thật tình không tin anh ấy. “Trong khi sinh viên Việt Nam muốn xin về thăm nhà (vào thời điểm ấy – 1981) thì xin thị thực đi Việt Nam rất khó. Có người xin bảy tám tháng vẫn chưa được. Thế mà tại sao anh lại được đi về dễ dàng vậy? Chắc là anh phải thân nhà nước lắm.” Đúng là cái giọng nói thẳng của con gái miền Nam. Nhưng vì có quà của Hoàng Cầm thì tôi sẽ lên Paris lấy quà, vậy thôi. Nhưng vào giờ chót, tôi nhờ anh Sáu tôi là anh Cao Thái lên nhận quà thay tôi và tôi đã viết: “Vào giờ chót, vì không thu xếp công việc được nên Cần Thơ đành nhờ người anh đi Paris nhận quà thay, xin lỗi anh và rất tiếc!”

Khi gặp anh Cao Thái, anh Hùng không chịu đưa cuốn băng thâu Men Đá Vàng, nói rằng anh đã quên đem theo. Sau đó anh ấy viết cho Hoàng Cầm và nói về tới Canada anh sẽ sao ra một bản rồi mới gửi cho tôi bản chính sau. Còn tác phẩm Về Kinh Bắc anh sẽ để ra bốn ngày để chép và gửi cho tôi sau đó.

Ngày 18.4.1982, tôi viết cho anh:

Anh chị Hoàng Cầm kính mến của em.

Cần Thơ nhận được cassette anh gửi cho em rồi, giọng anh chị trẻ ghê, trẻ hơn em tưởng tượng. Em ngồi lắng nghe giọng nói anh chị mà cảm động quá. Anh ngâm thơ hay quá đi. Giọng chị cũng rất ngọt và trẻ. Sao chị không ngâm vài bài tặng em? Đây là lần đầu tiên em nghe giọng ngâm thơ rất hay và lạ. Có nhiều air (hơi hướm) phảng phất như sa mạc, như biển rộng, như sông dài. Thỉnh thoảng anh lại xuống một note (dấu) rất ngọt. Tuy nhiên em phải xin anh biên tay xuống giấy trắng mực đen mới được vì có nhiều lời, nhiều âm em nghe không hiểu hết. Em thích nhất là bài Lá Diêu Bông. Nay thì em hiểu lá này là lá gì rồi. Có lẽ em thích vì em có sẵn lời anh đã chép cho. Nghe thật thương chú bé mười hai tuổi. Em cứ tiếc là anh không ngâm hết băng cho em, hoặc chị không ngâm thơ anh cho em. Các bản nhạc đó bên này em có đủ. Anh Hùng còn cả một cuộn băng “Men Đá Vàng” anh ngâm mà anh ấy không mang đi. Anh ấy chính trị quá, rất khó thông cảm với em. Anh đã nói chuyện với em nhiều lần rồi vậy mà khi người thân của em tới lấy cassette anh còn bảo chắc em không phải họ Bùi mà tên cũng không là Cần Thơ. Anh ấy đặt giả thuyết v.v… làm em tổn thương lắm. Họ dùng con mắt ấy mà soi vào tình cảm một nghệ sĩ như anh chị và như em thì buồn lắm. Em xin anh cũng đừng báo tin em sẽ lĩnh“gia tài” của anh cho bất cứ ai. Chưa chi mà anh Hùng đã ngăn em. Trong tờ “Đất Việt” chỉ có đăng thơ của Nguyễn Đình Thi mà sao không đăng thơ anh. Nếu anh ấy yêu thơ anh thật thì thế nào cũng có đăng chớ! Anh Hùng bảo anh ấy trách nhiệm tờ đó mà.

Tháng 7 anh Hùng lại về Hà Nội nữa. Em xin anh chị đừng gửi cho em qua ngả anh Hùng và các bạn anh. Ngả Hiệp ở TP. Hồ Chí Minh là tốt nhất. Ngoài “Men Đá Vàng” và “Về Kinh Bắc” anh còn sáng tác những bài lẻ tẻ nào cũng cho em hết nghe anh.

Thư ngày 3 tháng 4 năm 82, em có nói tới thùng quà F tức là danh từ chỉ số tiền 500 quan, em gửi về anh chị hồi đầu tháng Tư đó. Gửi bằng điện phiếu nên tốn thêm 76 quan nữa. Hôm tháng 2 em có nhờ chị Phan Thị Tô gửi 100 quan cho em chị ấy là Hiệp ở TP.HCM và nhờ Hiệp chuyển cho anh. Nhưng vì Hiệp đi Huế trọn ba tháng nên chị Tô mới chỉ gửi đầu tháng 4.1982 này thôi. Vậy có thể tháng 5 anh sẽ nhận vừa 100 quan em gửi qua Hiệp và 576 quan em gửi qua ngân hàng nhà nước. Cách gửi và nhận nào tiện xin cho em biết.

Em rất mong thư anh chị và xin anh vui lòng viết cho em mỗi tháng 2 lần, mỗi lần anh cho em vài bài.

Em cám ơn anh chị nhiều lắm. Thơ.

Hoàng Cầm biết là tôi không vui khi anh Hùng có ý nghi ngờ tôi là trai giả gái, và đã không chịu trao ngay cuốn băng thâu Men Đá Vàng cho tôi qua anh Cao Thái. Anh nghĩ là tôi giận, nên trong lá thư ngày 5.6.1982 anh có ý muốn hoà giải hai người. Anh viết:

Nguyễn Mạnh Hùng đã về Hà Nội giữa tháng 7. Hùng đã thuật lại một số việc liên quan đến em. Anh rất cảm ơn Hùng đã làm giúp anh một việc lớn. Hùng cũng tự nhận thấy là em giận Hùng về nỗi ngờ vực này kia. Hùng có nói chuyện lại với anh, sở dĩ Hùng khiến em không được vui lòng, chỉ là vì Hùng không thể ngờ rằng một cô gái còn rất trẻ, gốc miền Nam, xa quê từ bé, ngôn ngữ hình ảnh miền Bắc chưa hề được thấm, vậy mà lại cảm thụ thơ anh một cách sâu sắc, tế nhị đến như vậy. Đó là điều khiến Hùng rất ngạc nhiên, và từ chỗ không tin ấy dẫn đến một thái độ đã khiến em tổn thương, Hùng nói: Cô Thơ càng giận Hùng thì Hùng càng kính trọng Thơ vì Hùng đã ghi nhận em là một tâm hồn rất đẹp, phong phú, rất Việt Nam, một người không chạy theo những cái cuốn hút phức tạp của cuộc sống hiện nay. Có một đời sống nội tâm rất sâu. Vậy anh yêu cầu em hãy xoá bỏ một incident (va chạm) không nghiêm trọng gì, để sau này hai người ở xa quê cùng yêu thơ anh, có thể nói chuyện cởi mở với nhau hơn. Nếu có préjugé (định kiến trước) gì với Hùng, anh cũng thành thật mong em xoá bỏ. Vì Hùng rất thành thực yêu anh, yêu thơ anh, còn dĩ nhiên trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, còn nhiều điều phải cần có dè dặt, còn nhiều vấn đề phải tạm gác lại. Theo anh nghĩ có thể giữa em và Hùng, có một vài cái hiểu lầm nhỏ thôi, có thể bỏ qua được. Sau này nếu hiểu nhau hơn, có lẽ em sẽ quý Hùng hơn. Hùng đã nói thật với anh là hồi qua Pháp, Hùng không mang theo băng cassette “Men Đá Vàng”. Hùng có hứa với anh là khi về Canada Hùng sẽ sao ra một băng khác và sẽ gửi làm quà cho em (anh biết trong thâm tâm, Hùng rất quý trọng em) vì ít thì giờ quá, nên anh chưa thể gửi nhờ Hùng chuyển cho em toàn bộ tập thơ “Về Kinh Bắc”, anh sẽ gửi dần vậy, vì bây giờ muốn chép lại cả tập thơ ấy thì phải mất 4 ngày liền. Hùng vội phải đi mà anh thì bận việc kiếm ăn hằng ngày, rất ít thì giờ rảnh rỗi.

30/7 – Nhưng thôi, anh cứ phải làm một việc hoà giải giữa hai người em trẻ tuổi, cùng biết yêu thơ và yêu thơ Hoàng Cầm. Nghĩa là mặc dầu em đã nghĩ vậy, anh hôm nay cứ gửi em toàn tập “Về Kinh Bắc” qua Hùng và Hùng sẽ gửi cuộn băng toàn bộ trường ca “Men Đá Vàng” để em nghe rồi em sẽ ghi ra giấy. Hoặc sau này anh sẽ gửi bản thảo.

Trong thơ anh, ít nhiều có một số điển tích, một số ẩn dụ, một số hình tượng đặc trưng của vùng quê miền Bắc. Em đọc thì có thể tìm hiểu dễ hơn, nhưng chỉ nghe không thôi thì sẽ có nhiều chỗ em không hiểu. Vì cách xa nên không thể bình giảng để em thấu được Anh xin lỗi em. Dần dà thời gian sẽ giúp em thêm… Và rồi anh sẽ gửi dần cho em những bài lẻ tẻ, gộp lại thì gọi là tập “Tình sử”. Ví dụ bài “Chùa Hương” thì không nằm trong tập “Về Kinh Bắc” mà sẽ là một thành viên của tập “Tình sử” ấy.

Bài thơ Bên kia sông Đuống

Hoàng Cầm viết:

Nhân đây anh chép gửi em bài thơ “BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG” (1948) mà có một thời anh nghe tin rằng một nhóm sinh viên Việt Nam ở Paris có đem in ra ở Pháp (việc ấy chả biết có đúng thế không?) Đâu như vào những năm 60. Anh cũng hồ nghi, có lẽ chỉ là một tin đồn vô căn cứ. Bài này là đỉnh cao của thơ anh trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Quê anh ở ngay bên bờ nam Sông Đuống, làng Đông Hồ, nơi sinh ra những bức tranh dân gian từ đời Lý đến Lê – Nguyễn (Tranh gà lợn – Hứng dừa – Đánh ghen – Đám cưới chuột – Thày đồ ếch…) Nếu em có học về mỹ thuật cổ Việt Nam, chắc em biết. Sông Đuống cắt đôi tỉnh Bắc Ninh từ Tây sang Đông. Cuối năm 1947, đầu 1948, giặc Pháp xâm lược chiếm hết nam phần. Lúc đó, con sông Đuống là ranh giới giữa vùng địch chiếm và vùng tự do. Anh phải xa rời làng quê, đi chiến đấu ở phía Bắc. Đứng ở bờ bắc, nhìn về vùng quê mình là nam phần Bắc Ninh đang nằm dưới gót giầy đinh giặc Pháp, nên bài thơ lấy tên là “Bên kia sông Đuống.”

BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG

(Đã đăng trên báo Cứu Quốc năm 1948, xuất bản năm 1955, tái bản 1956) Nhà xuất bản Văn Nghệ Hà Nội.

Em ơi! Buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lì

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Xanh xanh bãi mía bờ dâu

Ngô khoai biêng biếc

Đứng bên này sông sao nhớ tiếc

Sao xót xa như rụng bàn tay

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô – nhà ta cháy – chó ngộ từng đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang

Mẹ con đàn lợn âm dương

Chia lìa trăm ngả

Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu?

Ai về bên kia sông Đuống

Cho ta gửi tấm the đen

Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên

Những hội hè đình đám

Trên núi Thiên Thai

Trong chùa Bút Tháp

Giữa huyện Lang Tài

Gửi về may áo cho ai

Chuông Chùa văng vẳng nay người ở đâu?

Những nàng môi cắn chỉ quết trầu

Những cụ già phơ phơ tóc trắng

Những em xột xoạt quần nâu

Bây giờ đi đâu về đâu?

Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu toả nắng

Chợ Hồ chợ Sủi người đua chen

Bãi Tràm Chỉ người dăng tơ nghẹn lối

Những nàng dệt sợi

Đi bán lụa màu

Những người thợ nhuộm

Đồng Tỉnh Huê Cầu

Bây giờ đi đâu về đâu?

Bên kia sông Đuống

Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong

Dăm miếng cau khô

Mấy lọ phẩm hồng

Vài thếp giấy đầm hoen sương buổi sớm

Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn

Khua giầy đinh đạp gãy quán gầy teo

Xì xồ cướp bóc

Tan phiên chợ nghèo

Lá đa lác đác trước lều

Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Chưa bán được một đồng

Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong

Bước cao thấp bên bờ tre hun hút

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?

Mẹ ta lòng đói dạ sầu

Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Bên kia sông Đuống

Ta có đàn con thơ

Ngày tranh nhau cơm trộn bắp ngô

Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn

Lấy mẹt quây tròn

Tưởng làm tổ ấm

Trong giấc thơ ngây tiếng súng rồn tựa sấm

Ú ớ cơn mê, thon thót giật mình

Bóng giặc đi về trên nét môi xinh

Đã có đất này chép tội

Chúng ta không biết nguôi hờn

Đêm buông xuống dòng sông Đuống

“Con đấy ư? Con ở đâu về?”

Hé một cánh liếp

“Con vào đây, bốn mảng tường che.”

Lửa đèn leo lét soi tình mẹ

Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng

Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể

Những chuyện muôn đời không nói năng

Đêm đi sâu quá dòng sông Đuống

Bộ đội như tre đã kéo về

Con bắt đầu xuất kích

Trại giặc bắt đầu run trong sương

Dao loé giữa chợ

Gậy lùa cuối thôn

Lúa chín vàng hoe, giặc mất hồn

Ăn không ngon

Ngủ không yên

Đứng không vững

Chúng mày phát điên

Quay cuồng như xéo trên đống lửa

Mà cánh đồng ta còn chan chứa

Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân

Gió đưa tiếng hát về gần

Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa

Tiếng bà ru cháu buổi trưa

Trang trang nắng hạ võng đưa rầu rầu

“À ơi! cha con chết trận từ lâu

Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”

Tiếng em cắt cỏ hôm xưa

Căm căm gió rét mịt mù mưa bay

“Thân ta hoen ố vì mày

Hờn ta cùng với đất này dài lâu…”

“Em ơi! đừng hát nữa! Lòng anh đau,

Mẹ ơi! đừng khóc nữa! Dạ con sầu.”

Cánh đồng im phăng phắc

Để con đi giết giặc

Lấy máu nó rửa thù này

Lấy súng nó cầm trong tay

Mỗi đêm một lần mở hội

Trong lòng con chim múa hoa cười

Vì nắng sắp lên rồi

Chân trời đã đỏ

Sông Đuống cuồn cuộn trôi

Để nó cuốn phăng ra bể

Bao nhiêu xương thịt tơi bời

Bao nhiêu nước mắt

Bao nhiêu mồ hôi

Bao nhiêu bóng tối

Bao nhiêu cuộc đời

Bao giờ về bên kia sông Đuống

Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trảy hội Non Sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh

1948 – Hết

Trong thơ, mà in sai (có khi chỉ một dấu hỏi, dấu ngã) là đã đủ để đưa câu thơ ấy hoặc bài thơ ấy đến chỗ dở… Ngay mấy câu em thuộc ở bài “Bên kia sông Đuống” đã có tới ba, bốn chữ sai. Ví dụ: “Khuôn mặt bừng lên như đỉnh trăng,” đúng ra là “dựng trăng”… Ở nông thôn miền Bắc, vào những đêm cuối tháng từ 18, 19 âm trở đi, chập tối trời rất tối. Đến lúc trăng mọc, nếu như ngồi trong nhà mà nhìn ra vườn, ra sân, chợt thấy sáng lên, không tỏ lắm, nhưng đủ sáng để phân biệt được từ nóc nhà, vòm lá cây cau hoặc thấy cả hình con mèo nằm trên đỉnh bức tường hoa, một thứ ánh sáng rất mơ, rất dịu và ấm áp, nhân dân ta đã gọi thời điểm ấy là “dựng trăng” Nghĩa là lúc trăng hạ tuần mọc, vừa nhô ra khỏi chân trời, đã toả cái thứ ánh sáng Hằng Nga ấy trên cánh đồng, vào các ngõ xóm…

Trong một lá thư đề ngày 30.1.82, Hoàng Cầm gửi thêm cho tôi một số bài thơ trích trong tập thơ Về Kinh Bắc. Ở đây tôi chỉ trích ra bài Theo đuổi.

Hôm nay anh lại gửi em thêm vài bài trích trong “Về Kinh Bắc” nhé.

Đây là bài THEO ĐUỔI

(đã thu băng và vẫn nằm im trong ngăn kéo của anh)

Em ơi! thử đếm mấy nguyên tiêu

Đêm hội Lim về… đê quai rảo bước

Đuổi tà lụa nhạt ánh trăng đầm thấm đường sương…

Ấy bởi thương Em vườn không bỏ ngỏ

Gió vào ra bưởi trụi hồng thui

Ấy bởi thương Em mái nhà um cỏ

Chim vào ra vách đứng cột ngồi.

Em về đồng chiêm đất rạn chân chim

Em đi mưa ngâu nước ngập đồi chè

Hồ nghe đêm hội ới a…

Lại xót mắt Em mi trường khép bóng

Lòng tay êm mát rừng tơ xa

Lại xót tay Em đêm trường ru võng

Rừng chân mây chưa động sấm quê nhà

Chân Em dài đi không biết mỏi

Má hồng Em lại nổi đồng mùa nước lụt mông mênh

Lưng thon thon cắm sào em đợi

Đào giếng sâu rồi đừng lấp vội đầu xanh

Lý Lý ơi! Khát khô cả giọng

Tình Tình ơi! chớ động mành thưa

Chìa vôi quệt gió hững hờ

Bờ ao sáo tắm bao giờ hở Em.

1960

Trích “Về Kinh Bắc”

Hoàng Cầm viết tại Hà Nội 30.1.82.”