Hoàng Cầm bị bắt

Sau một thời gian rất lâu vắng thư Hoàng Cầm, tôi bỗng nhận được thư của chị Lê Hoàng Yến, thấy dòng chữ nghệch ngoạc: “Xin cô đừng liên lạc với chồng tôi nữa, anh ấy mới bị đi tù. Anh bị bắt vào tháng 8 năm 1982.” Sau đó tôi có gửi 100 dollar cho chị qua em Phan Đạm Hiệp, một người em cùng Thầy, từ miền Nam đem tiền ra Bắc. Hiệp tìm cách ra tận nơi mang tiền đến cho chị.

Chị bèn viết vài dòng nhờ Hiệp gửi: “Thưa cô, cô ở xa không biết tình hình hiện nay. Hôm 20.8.1982 thì nhà tôi đã bị nhà nước bắt giam vì tội quan hệ với người nước ngoài về văn hoá vì như thế là trái pháp luật, hiện nay nhà tôi đã bị tù. Anh bị giam ở nhà tù Hoả Lò ở Hà Nội, vậy mong rằng cô dù rất quý chồng tôi chăng nữa thì xin đừng thư từ gì, nó phiền cho cô, nhưng cô ở nước ngoài chẳng có gì phiền đâu. Phiền là cho người trong nước. Vậy mong cô thông cảm cho, đừng viết thư nữa, còn tôi là vợ anh ấy, tôi luôn luôn rất cảm ơn cô đã có lòng tốt, đã quan tâm đến chồng tôi và gia đình chúng tôi”.

Ban đầu khi biết tin anh bị tù qua chị Yến, tôi chưa biết chế độ đối xử với dư luận quốc tế như thế nào, nên nghĩ đơn giản nếu Amnesty International (tổ chức Ân xá Quốc tế) gửi thư xin, chắc họ cũng thả thôi. Anh gửi thư và tặng thơ cho tôi, nghe lời anh tôi chỉ lưu giữ chúng mà đâu có phát hành xuất bản những bài thơ của anh như lúc trước trao đổi. Nếu vì thư từ qua lại với chúng tôi mà anh phải đi tù thì oan cho anh quá, mình nên làm gì giúp anh đây? Trong giờ thiền quán chiều hôm đó tôi chợt nhớ là tôi đã từng làm quen được với một nhà toán học, giáo sư Laurent Schwartz, chủ tịch Hội Pháp – Việt, cũng là một thành viên của viện Hàn Lâm Pháp về Toán. Ông này quen với cụ Hồ nên khi được mời làm chủ tịch Hội Pháp – Việt – nhóm này rất thân với chính quyền Hà Nội – ông nhận lời ngay. Hồi đó, không ai trong số các bạn tôi muốn chơi với những người theo chính quyền. Dù là người Việt hay là người nước ngoài, hễ thân với chính quyền thì bạn bè tôi đều tránh liên lạc. Nhưng tôi lại nghĩ khác về giáo sư Laurent Schwartz. Chắc chắn ông là người có lòng mến mộ Việt Nam. Tại ông chưa có dịp tiếp xúc với việc mình làm đó thôi. Mình đâu có làm chính trị, mình đâu mong chờ danh lợi quyền bính gì, mình phải làm quen với những người tốt này mới được. Tôi mở niên giám điện thoại và tìm ra được ba người tên Schwartz ở Paris. Tôi chọn ông Schwartz có tên đầu là Laurent. Cuối cùng tôi liên lạc được với ông. Tôi tự giới thiệu về mình. Tôi kể những chuyện tôi đã làm và đang làm, và xin phép gửi bản tin Le Lotus cũ của Phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại Paris, ghi những công tác trước 1975 cho ông bà ấy xem. Đây là tờ bản tin mỏng xuất bản trước 1975 của Phái đoàn Hoà bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất về những công việc cứu trợ của chúng tôi cho hằng nghìn đồng bào sống nheo nhóc tại các vùng vừa bị bom đạn cày nát. Tôi cũng kể lại là thời đó chúng tôi đã tìm ra người bảo trợ cho hơn 8.900 cô nhi nạn nhân của chiến tranh đang được nuôi trong bầu không khí gia đình. Các em có thể sống với ông nội, bà nội, bà ngoại hay một người cô, một người dì. Tôi cho biết tôi đã gửi tiền cho từng em qua các gia đình nuôi em với sự giám sát của các sư cô chăm lo các ký nhi viện Phật giáo. Tuy bây giờ chúng tôi không còn được công khai làm việc từ thiện này nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên gửi quà dưới hình thức những gói thuốc nhỏ của Pháp cho các cháu đói. Ông trả lời tôi rằng ông rất cảm động với những việc tôi làm và ký cho tôi một cái ngân phiếu 500 quan Pháp. Hồi đó số tiền này rất lớn, vì những người khác thường chỉ cho chúng tôi 25 quan thôi. Ông quả là người tốt, vì tuy là thành viên của Hàn lâm Viện nhưng ông không phải là người giàu có. Sau đó, tôi viết thư cám ơn. Ông bà dễ thương lắm và rất quý mến tôi.

Tôi nghĩ: “Người này mà viết thư xin thả cho Hoàng Cầm thì chính quyền khó mà bảo là Mỹ nguỵ chen vào”. Tôi điện thoại xin đến thăm và được ông bà mời uống trà. Tôi chỉ nhờ ông viết thư riêng can thiệp cho Hoàng Cầm – một nhà thơ rất liêm trực – thôi, không làm kiến nghị gì hết. Tôi tặng ông bài thơ Em bé lên sáu của Hoàng Cầm (do tôi tự tay dịch nghĩa ra tiếng Pháp). Thấy ông quá ưu tư thương cảm và sốt sắng giúp, tôi hồ hởi viết thư cho chị Yến nhắn rằng: “Chị đừng lo, em đã nhờ vài người bạn của em, là những vị có uy tín, là bạn của cụ Hồ, có thể xin được cho anh ra, chị yên tâm.”

Sau này, trong ba chuyến về Việt Nam, lần nào tôi cũng ghé thăm Hoàng Cầm và nghe anh kể lại chuyện những ngày bị giam cầm.

Hoàng Cầm sống trong nhà giam Hoả Lò khoảng 12 tháng kể từ 20.8.1982. Anh kể trước khi gặp tôi có nhiều khi anh chán đời quá phải ngậm thuốc phiện. Nhờ có thuốc phiện nên mới sống nổi.

Khi vô tù thì không có thuốc phiện nữa, mấy tuần đầu cũng chán đời dữ lắm. Nhưng khi ở trong tù đã tạm quen, bạn bè, độc giả cũng thương và được nói chuyện cũng còn vui, bữa nào có người bạn tù mới cho rít một điếu thuốc lào thì rất sướng. Lâu lâu bị mời lên thẩm vấn, nếu họ lịch sự thì cho một điếu thuốc lào cũng làm anh cảm thấy sung sướng lắm. Thẩm vấn và bị giam ở nhà tù Hoả Lò suốt một năm, khai đi khai lại cũng chỉ có từng ấy chuyện: Cô bác sĩ trẻ yêu thơ Hoàng Cầm, gửi thuốc men chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình thi sĩ. Nói tới nói lui cũng chẳng có gì khác hơn: “Cô này là bác sĩ trẻ, mới ra trường, xa nước lâu, nhớ nước, đọc thơ tôi rất thích nên gửi thư, lâu lâu mỗi ba tháng cô có gửi một gói thuốc.” Rồi anh kể tên những loại thuốc được tôi gửi.

Một ngày cuối năm 1983, anh được gọi lên thẩm vấn lần chót, cũng không có gì hết, cũng đi tới đi lui như mọi lần. Bởi vì nếu thẩm vấn nhiều lần mà lần nào mình cũng nói đi nói lại những điều giống nhau như vậy thì họ biết mình nói thật. Chính anh đặc trách thẩm vấn cũng có cảm tình với Hoàng Cầm, kể lại cho anh rằng: Trong một buổi họp có vị lãnh đạo đã hỏi: “Mình có bắt thi sĩ Hoàng Cầm thật không? Vì sao Hoàng Cầm bị bắt? Vụ Nhân văn Giai phẩm đã qua rồi mà? Quốc tế họ có hỏi thăm đó, nếu không có tội gì quan trọng thì thả đi cho rồi, để quốc tế biết, kỳ lắm”. Điều này chứng tỏ giáo sư Laurent Schwartz đã viết thư can thiệp cho Hoàng Cầm. Nếu “Quốc tế” là những người khác thì sẽ bị kêu là Mỹ nguỵ, nhưng giáo sư Laurent Schwartz là bạn thân với cụ Hồ. Một lãnh đạo có nói nếu chỉ quen một vài người ngoại quốc, không có gì thì thả cho người ta đi.

Nhưng trong buổi họp đó lại có vị lãnh đạo khác ngồi kế bên đã nói một câu: “Quốc tế hả? Muốn can thiệp hả? Cho ở tù thêm”. Và buổi họp còn kéo dài để bàn bạc về những việc khác. Thế là cấp dưới y theo biên bản cuộc họp. Tôi viết điều này ra không phải để trách lãnh đạo nọ. Tôi chỉ muốn tự nhắc mình và nhắc những bạn đọc của tôi là ta phải nên rất thận trọng trong lời nói, nhất là khi phê phán một câu với ai, dù trước mặt mọi người hay với chính mình, cũng nên thận trọng, nhìn sâu hơn để không nói một câu như vị lãnh đạo nọ đã nói đối với một nhà văn đang ở tù.

Hoàng Cầm được mời lên văn phòng, tưởng mình sắp được thả thì mừng quá, nhưng họ nói anh ngồi chờ đó. Sau khi nghe điện thoại của cấp trên, anh công an đưa Hoàng Cầm đến một khu biệt thự thật sang trọng của Pháp ngày xưa. Hoàng Cầm trong lòng vui lắm, thầm nghĩ chắc mình sắp được tha rồi. Nhưng không! Anh được đưa vào một căn phòng, đến giờ cơm thì họ đem đến phần cơm thôi, ngoài ra chờ hoài không thấy gì cả, chung quanh không có một ai. Mọi thứ xung quanh im lặng rợn người. Sợ quá. Một tuần, rồi hai tuần, rồi ba tuần. Ngày xưa tuy cũng trong tù nhưng có đông người, còn vui, bỗng dưng bây giờ được chuyển sang một chỗ vắng lặng quá, thỉnh thoảng chỉ có tiếng kêu của con tắc kè, anh thấy cô đơn vô cùng. Ngày này qua ngày khác, anh có cảm tưởng như đang ở trong một cái nhà ma.

“Em biết không,” Hoàng Cầm kể khi tôi tới thăm anh tại Hà Nội trong lần được về nước năm 2005, “anh buồn quá. Nhưng một ngày, ô kìa, nghe như văng vẳng bên kia tiếng ai ru con, anh mới gõ vô tường ba tiếng, nghe bên kia gõ lại cũng ba tiếng, anh mừng quá, vậy là có người. Anh gõ năm tiếng, bên kia gõ lại năm tiếng. Có tiếng hát ru em giọng Nam, rồi ru em giọng Bắc, xong rồi còn nhái giọng của vợ anh “anh ơi, anh bỏ em, nghe lời họ làm chi… có gì anh nói thật hết đi, đi theo bọn thực dân làm chi, bọn tình báo nguỵ nó lợi dụng anh đó, anh có chi cứ nói hết đi…”, lại khóc, lại ca hát. Anh bên này cũng xúc động hết khóc lại cười, thương quá Yến ơi. Đến giờ cơm thì có cơm, rồi im lặng hoàn toàn, từ sáng tới khuya. Có bữa anh nghe như có tiếng họp chợ bên ngoài, vui lắm, cũng có tiếng người đi qua, đi lại, nhưng không thấy ai hết. Anh cô đơn cùng cực, cứ như vậy thì anh điên mất thôi.”

Hình như anh mất trí khá lâu, mất trí hẳn. Sau đó gần cả năm, anh được báo tin Tết này được về thăm gia đình, có gì thì khai hết đi. Chị được tin anh về nên chuẩn bị những món ngon cho anh ăn Tết. Bữa đó anh thấy đúng là nhà của mình, có vợ, có con. Người con trai đem ra một tô phở nóng cho bố ăn, nhưng không biết sao, anh ăn được hai muỗng thì nôn ra hết, chắc do cảm xúc mạnh quá. Công an lại đùa: Thôi bà âu yếm ông chút đi. Chị tới xoa vai anh, anh lại khóc nức nở. Anh chỉ ngồi khóc từ đầu đến cuối trong cái buổi gặp gỡ gia đình. Rồi anh bị đưa vô tù trở lại. Khi được đưa về nhà giam thì lại nghe cái giọng của cán bộ “tại vì tôi thương chị Yến, vì tôi nể tình chị Yến nên tôi mới thả anh”. Vài năm sau anh được thả.

Khi nghe những điều anh nói, tôi thấy đau lòng quá. Nếu không nghe trực tiếp từ miệng anh kể thì chắc tôi không thể nào tin được những chuyện như thế. Mình chỉ gửi thư khen thơ của anh ấy, có in ấn phổ biến gì đâu mà họ coi anh là phản động, là gián điệp quốc tế! Cái chuyện nhờ giáo sư Laurent Schwartz can thiệp lặng lẽ, không ồn ào rùm beng gì hết mà cũng đủ để anh mang tội. Trong thời gian Hoàng Cầm ở tù, tôi vẫn đều đặn gửi quà và tiền về cho chị Yến. Nhưng tôi không còn dám gửi quà qua đường bưu điện mà chỉ tìm mọi cách gửi qua người thân, đem từ Sài Gòn ra đến Hà Nội giao tận tay cho chị Yến.