Từ từ phục hồi

Vào đầu năm 1986, Hoàng Cầm gửi tặng tôi bài thơ sau đây sau mấy năm tù tội, điên loạn:

“Tháng 1.1986

Tình thương cao hơn tình yêu đến nghìn vạn lần!

NHỚ

Ngọn gió chợt bay vào cửa sổ

Cuốn theo mấy lá vàng khô

Anh nhìn ra như chưa từng được thấy bao giờ

Có phải em về từ một thuở nào xưa?

Ánh nắng chợt bừng trong gác tối

Đung đưa bóng lá đan mành

Anh nhìn ra như chưa từng được biết ngày xanh

Có phải em về thoảng chút gần anh?

Đêm trăng sáng một mùi hương mát dịu

Chợt vuốt lên mái tóc rối bời

Anh nhìn lên như chưa từng được biết hương trời

Có phải em về từ một mảnh trăng soi?

Bên kia tường có tiếng ai se sẽ hát

Một lời ca êm ái thuở nào xưa

Anh lắng tai như chưa từng được biết bao giờ

Có phải em về vỗ nhẹ bước đêm mưa?

Rồi một trang thư từ nơi xa

Rồi một bưu thiếp từ nơi xa

Lại một đêm trăng, một đêm trắng

Lại một ngày qua, một tháng qua

Không anh không nằm mê

Đúng là em đã về

Dòng thư còn in dáng

Người phương trời nhớ quê

Ngọn gió vẫn bay vào

Nắng mai còn xôn xao

Lời ca còn văng vẳng

Trong hương xa ngọt ngào

Nhớ người em xa lắm

Chưa biết mặt bao giờ

Mà thương anh đằm thắm

Cả khi em nằm mơ…

Anh bắt đầu viết thư lại cho tôi, nhưng sau bao năm tù anh khá ngại ngùng và gọi tôi bằng tên Cô Chơn (vì có lần gửi quà để tên người nhận là vợ anh – chị Lê Hoàng Yến – nên tôi đổi tên thành Lê Thị Chơn (để tránh tên Cần Thơ) và đổi luôn địa chỉ, lấy địa chỉ chị Tám của tôi ở 26 rue Cornac, 33.000 Bordeaux, báo tin là tôi đã về miền Nam nước Pháp). Thật ra từ năm 1979, Phương Vân Am, nơi mọi người xin về tu tập dưới sự hướng dẫn của Thầy, đã trở nên quá chật hẹp, chỉ đủ chỗ cho 50 người, trong đó đã có 15 người thường trú. Thầy trò nghe nói ở miền Nam đất Pháp, nông dân bỏ ruộng lên thành thị rất nhiều nên nông trại rất rẻ. Lúc ấy anh Lê Nguyên Thiều, vốn là tổng thư ký Thanh niên phụng sự xã hội Việt Nam những năm 1972 – 1975, mới vừa từ trại tị nạn Palawan Phi Luật Tân qua được Pháp và tình nguyện về đứng ra làm anh Cả chăm sóc cho Làng Hồng. Sau nhiều tháng tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi tìm ra được một nông trại nằm trên đồi cao ở làng Thenac thuộc tỉnh Dordogne. Thầy thích quá. Tôi cũng không hiểu sao mà Thầy lại thích, vì khi mới nhìn qua thì chúng tôi chỉ thấy có một cái nhà đá cũ kỹ còn ở được, còn lại ba cái nhà kho vách đá chứa rơm rạ, chuồng bò, chuồng cừu… Không có cây ăn trái chi cả. Đất nơi đây chỉ toàn là đá. Nhưng khi đó ông chủ nhà còn do dự không chịu bán vì ông còn lưu luyến mảnh đất này quá, chỉ vì bà vợ thúc ông phải bán đất này để có tiền cho đứa con trai làm vốn. Chúng tôi đành phải mua cái nông trại thứ hai chỉ cách đó có bốn – năm cây số thôi, nhưng lại thuộc về tỉnh Lot-et-Garonne, tên làng là Loubes Bernac. Đất gồm 21 mẫu với 4 căn nhà đá và một nóc nhà hình chữ nhật không có vách mà nông dân dùng để phơi thuốc lá, hẹp bề ngang nhưng lại khá dài. Sở đất này sau này trở thành Xóm Hạ. Gia đình anh Lê Nguyên Thiều dọn vào ở Loubes Bernac từ tháng 10 năm 1982 mà đến tháng 4 năm 1983 ông chủ nhà trên Thenac mới chịu bán sở đất bên Dordogne mà Thầy thích. Chúng tôi sửa căn nhà đá lại và bắt đầu tiếp đón thiền sinh từ tháng 7 tháng 8 năm 1983. Xóm Thượng ra đời từ đó. Thầy ở trên Xóm Thượng chung với một số nam thiền sinh và viết tác phẩm Đường xưa mây trắng. Vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch năm 1984, một buổi sáng đi thiền hành, Thầy chợt bắt gặp từ đất đá trồi lên hàng ngàn hàng triệu đoá hoa thuỷ tiên vàng rực rỡ cả một cánh rừng. Thầy bảo Jean Paul điện thoại xuống Xóm Hạ mời mọi người đi thăm một kho châu báu của Xóm Thượng. Chúng tôi choáng váng, rùng mình đứng trước hàng triệu đoá hoa thuỷ tiên cánh vàng rung rung trong nắng giống như trong kinh Pháp Hoa diễn tả “tùng địa dõng xuất”. Tôi viết ngay một bài hát:

Từ đất đá trồi lên, từ sỏi đá trồi lên, từ mùa đông lạnh lẽo nhô lên… nhô lên… hàng ngàn rồi hàng vạn lá xanh, hàng ngàn rồi hàng triệu nụ vàng, hàng ngàn rồi hàng triệu cánh vàng rung rung trong gió.

Bồ tát lên nghe kinh hay là Bồ tát đang thuyết pháp?

Người thuyết pháp và người nghe là một, người thuyết pháp và người nghe đồng sinh…

Bởi vì có các bạn (thuỷ tiên) đó

Nên có chúng tôi đây.

Thầy viết ngay đôi câu đối:

Qua vườn trúc thôn trên, xuống Pháp Thân Tạng – Hội Thuỷ Tiên – Ngàn tiên hé cánh

Băng đồi Mai thôn dưới, qua Tham Vấn Đường ngày thả cá, đàn cá tung tăng.”

Pháp Thân Tạng là tên mà Thầy chúng tôi đặt cho cái triền núi đá nơi hàng vạn bông thuỷ tiên chen chúc “tùng địa dõng xuất”. Còn Tham Vấn Đường nay đã trở thành Quán Trúc – La Bambouseraie. Ngày xưa khi Làng vừa mở cửa, các thiền sinh có thể ghi tên xin tham vấn với Thầy trong ngôi nhà đá nhỏ, có tên Tham Vấn Đường ấy. Mỗi trưa trong khi các thiền sinh khác tham dự thiền trà do chị Chân Không hướng dẫn thì bên Tham Vấn Đường bác Trang Thoại Quốc sắp xếp để từng thiền sinh được lần lượt vào tham vấn Sư Ông, mỗi người được nửa giờ. Trong khi Sư Ông tiếp thiền sinh, bác làm giám niệm đi thiền hành quanh Tham Vấn Đường để giữ sự thanh tịnh cho các cuộc tham vấn.

Từ đó về sau, Làng Mai có hai ngày hội: mùa xuân vào tháng 3, hội Hoa Thuỷ Tiên ở Xóm Thượng và mùa hè ngày Peace Day thế nào ở Xóm Hạ cũng có ngày thả cá, đàn cá tung tăng dưới dòng suối trong khu rừng mà Thầy hay dắt tăng thân đi thiền hành và ngồi chơi ngắm suối. Suối sẽ đưa cá đi ra sông lớn…

Hèn chi mà khi đi ngang đây, người thường thì thấy nông trại này cũng tầm thường, có chi là hấp dẫn đâu? Nhưng Thầy chúng tôi cứ đứng tần ngần, tha thiết đòi mua cho được nông trại này. Tôi tự hỏi phải chăng khi thấy Thầy đi qua, hằng triệu Bồ tát thuỷ tiên núp dưới các khe đá đã thầm réo gọi: Thầy ơi! Thầy ơi! Các con đây nè, các con đây nè. Thầy ơi! Thầy ơi! Các con đây nè. Thầy ở lại với chúng con đi!

Tôi đã học được nhiều điều trong thời gian liên lạc và giúp đỡ các văn nghệ sĩ bên nhà. Các anh tuy rất dễ thương nhưng cũng dễ giận. Giận không phải vì tôi đã làm một điều gì hoặc nói một điều gì khiến các anh phật ý. Giận chỉ vì tôi không viết thư được thường cho các anh. Nhất là đối với các anh Lê Thương và Hoàng Cầm. Tôi nhận ra rằng các anh không những chỉ cần thuốc men, và một chút điều kiện vật chất để cho cuộc sống bớt bức xúc, mà các anh rất cần những lá thư thăm hỏi tâm tình. Cái lỗi của chúng tôi là có khi thì viết cho các anh những lá thư dài ca ngợi tài năng của các anh với rất nhiều cảm phục, nhưng lại không thể viết được liên tục những lá thư thế. Anh nào hình như cũng nghĩ mình là người duy nhất được chăm sóc và mến mộ, trong khi ấy chúng tôi cũng phải chăm sóc nhiều văn nghệ sĩ và nhiều học giả khác bên nhà. Cho nên các anh cứ đòi hỏi những lá thư như thế, những lá thư mà các anh gọi là “những liều thuốc bổ” cho tinh thần các anh. Sự thực là ngoài công việc giúp cho các chùa và các văn nghệ sĩ ở bên nhà, chúng tôi còn có bao nhiêu công việc ở bên này. Có khi phải đi ra biển để cứu trợ thuyền nhân, nhiều lúc suýt chết. Có khi lặn lội đến thăm thuyền nhân ở tận các cù lao xa như Heiling Chau, Chimawan… ngoài biển, nơi mà chính quyền Hồng Kông nhốt người tị nạn. Có khi phải tìm cách phổ biến những tin tức về các vị tôn đức trong Giáo hội. Có khi phải vận động cho các hoà thượng để các ngài không còn bị quản thúc, như hoà thượng Quảng Độ, hoà thượng Huyền Quang, thầy Tuệ Sĩ, thầy Trí Siêu. Ngoài ra trong thời gian ấy chúng tôi cũng đang xây dựng Làng Hồng để sau này trở thành Đạo tràng Mai Thôn, một trung tâm tu học quốc tế mà ngày nay rất nhiều nước biết đến. Nào là lo tiền mua đất, nào xin phép, nào thiết kế việc xây cất cư xá, thiền đường, nào xây dựng một chúng thường trú, có cả người xuất gia và tại gia… Nhưng tuy bận rộn như thế, chúng tôi cũng đã cố gắng gửi quà đều đặn cho các văn nghệ sĩ. Gửi quà thì tạm có đủ thời giờ, nhưng viết thư và gửi thư thì khó hơn. Thấy chúng tôi làm việc vui Thầy cũng đòi tham dự. Thầy dành phần gói những colis thuốc cho đẹp. Có khi tôi viết những dòng giải thích cách sử dụng thuốc và photocopy ra nhiều bản dán trên mỗi hộp. Thấy nhiều hộp mà vẫn chỉ một tuồng chữ, khi thì chữ đứng, khi thì chữ nghiêng nên Thầy tình nguyện viết dùm lời chỉ dẫn với nét chữ của Thầy và photocopy ra làm vài mươi bản. Có vài đệ tử thân cận ở Việt Nam nhận ra nét chữ Thầy trên hộp thuốc đã cảm động rơi nước mắt, nghĩ là chính Thầy chép riêng cho mình cách sử dụng. Thật ra Thầy chỉ viết một lần và bản chính đó được copy ra nhiều bản. Cho nên mỗi khi gửi quà, ngoài những lời chỉ dẫn về giá trị và cách sử dụng các loại thuốc men trên nắp hộp của gói quà, tôi cũng có viết vài câu thăm hỏi, nhưng các anh văn nghệ sĩ thấy như thế là không đủ. Các anh giận và các anh còn nói là nếu tôi không chịu viết thư thì các anh sẽ “nghỉ chơi” luôn.

Trong lá thư viết hôm 4.4.1985, Hoàng Cầm, thay vì gọi tôi là em Cần Thơ hay là em Thơ thân yêu như trong các thư khác, đã gọi tôi là cô Cần Thơ.

Anh Hoàng Cầm viết năm 1988:

Còn phần cô từ khi được về địa chỉ mới ở Bordeaux cuộc sống ra sao? Tại sao khi gửi cho tôi hộp quà đầu năm nay, cô không viết thư. Rất mong cô cho tôi biết về đời sống hiện nay của cô ở một tỉnh miền nam nước Pháp, nơi ở theo như địa chỉ chắc là không có vườn rộng như ở Les Magnolias phải không? Hiện cô đang làm việc ở bệnh viện nào? Gia đình có cùng ở một nơi với cô không, hay cô sống ở Bordeaux một mình? Cách đây 3 năm, có một lần tôi nghe anh Mạnh Hùng nói, cô có ý định xin về thăm quê nhà và nếu tôi nhớ không lầm thì trong một bức thư cô viết vào bìa hộp thuốc tặng tôi năm 1983 cô cũng đã nói đến vấn đề ấy. Tôi nghĩ rằng một người còn nghĩ đến quê hương, còn yêu đất nước như cô thì thế nào cũng có ngày trở lại thăm quê. Ở nơi ở mới, sinh hoạt hằng ngày của cô ra sao? Có như Ngọc Lan Thảo Trang hay không? Những sách báo của Việt Nam gần đây cô có thì giờ đọc nhiều không? Tôi mong được biết nhiều về sinh hoạt của cô hiện nay, nhất là về sinh hoạt tinh thần.

Cô Thơ thân mến, cũng xin cô cho tôi nói một chút tâm sự riêng. Thư trước cũng như thư này tôi gọi cô là cô, như lạnh lùng quá, khác hẳn với những thư 1981 lại quá thân mật. Mong cô hiểu cho rằng sau một thời gian đau khổ, tôi không dám sỗ sàng tự mình hình dung ra cô Cần Thơ như một người yêu nữa (Xin cô thứ lỗi cho) và viết thư như một kẻ si tình. Bây giờ cô cho phép tôi được coi cô như một người bạn đáng kính, đáng quý mến dù ít tuổi hay nhiều tuổi, nên cô vui lòng cho tôi được xưng hô như thế, còn tình cảm của tôi thì vẫn giữ được như trước, sau khi đã tước bỏ cái sỗ sàng ích kỷ ban đầu.

May quá, trong lá thư ngày 15.8.1989 anh đã gọi tôi là “em” trở lại. Trong thư này anh viết muốn biết rõ hơn về chuyện tôi làm biếng không chịu viết thư cho anh.

Đã có dấu hiệu đổi mới cởi mở hơn với văn nghệ sĩ

Hoàng Cầm viết 15.08.1989

Em Thơ thân yêu,

Lần này viết thư gửi em, anh đã gần như hoàn toàn được hồi phục sau những trận ốm đau dai dẳng, nhất là sau cơn bệnh nặng năm ấy mà em đã biết.

Quả tình sau khi ở bệnh viện ra năm 1984, anh vẫn còn chưa hết bệnh, nên những thư anh gửi em từ đó đều còn ngơ ngác, đểnh đoảng. Hơn nữa cũng vì em, có lẽ do bận bịu nhiều việc đã không chịu viết gì cho anh biết rõ về đời sống, về tâm tư của em ngoài những cánh bưu thiếp lẻ tẻ.

Nhưng anh biết là tuy vậy, lòng em lúc nào cũng đến bên anh, em vẫn chăm nom săn sóc sức khoẻ của anh từ xa, anh vẫn nhận được tấm lòng ưu ái ấy qua những người quen biết của em chuyển tới. Lần nào, nhận được quà của em gửi tặng, anh đều không quên

báo tin ngay để em yên tâm. Vừa rồi tháng 4.1989 bà Bảo Từ về thăm gia đình cũng đã chuyển tới anh một chút quà của em. Anh rất cảm động vì lúc nào cũng thấy em như ở gần bên, luôn luôn thương anh. Em ơi, anh mới thật sự được phục hồi sức khoẻ từ năm 1988. Anh đã lấy lại được sức yêu đời và làm việc. Chỉ trong một năm anh đã sáng tác được một tập thơ lấy tên là “Mưa Thuận Thành” (Thuận Thành là tên huyện nguyên quán của anh, thuộc tỉnh Bắc Ninh trước, nay là tỉnh Hà Bắc, đời vua Lê chúa Trịnh xưa gọi là Trấn Kinh Bắc) một nhà xuất bản đang chuẩn bị ấn hành… nhưng do tình hình vật chất (tiền vốn, nhà in, giấy in…) còn khó khăn nên vẫn chưa xuất bản. Trong tập thơ ấy – phần lớn là thơ về tuổi trẻ, tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương xứ sở – đương nhiên là có hình ảnh người đàn bà ở rất xa anh mà rất thương anh…

Từ đầu năm 1988 anh đã được trở lại sinh hoạt và làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là một động lực thúc đẩy anh viết, cùng với những động lực mà anh vốn có từ xưa, tức là tình yêu nhà, yêu nước, yêu con người… Có thể nói càng ngày, vào những giờ phút đang phấn chấn của đời anh, anh càng nhớ đến em. Nhưng dẫu đôi khi vẫn nhận được bưu thiếp của em, anh vẫn không xoá được nỗi buồn cứ thỉnh thoảng lại xâm nhập vào tâm hồn mình: Đó là nỗi buồn vì em, do em và chính ở nơi em. Em chỉ gửi quà mà từ năm 1984 không hề có một bức thư nào tâm tình của em cả. Quà em gửi chẳng lẽ anh không nhận, vì anh biết nó vượt ra ngoài giá trị vật chất, nó là lòng em, đức từ bi cứu khổ của Phật. Nhưng mỗi lần nhận quà của em là mỗi lần anh buồn, vì em thật gần mà thật xa, vì sao em không cho anh được biết tâm tư, hoàn cảnh, ý nguyện và những nét của cuộc sống hằng ngày của em, trong khi, chắc em không quên, trước năm 83, anh thường viết gửi em hàng chục trang giấy chất nặng tất cả lòng anh, tất cả tâm tư ý nguyện của một thi sĩ – đa tình và đa… nạn như anh. Vậy nên lần này, anh viết thư với lòng mong mỏi mãnh liệt là nhận được thư em (chứ không phải mấy dòng trên bưu thiếp ngắn gọn).

Nếu cứ chỉ có đôi tháng một lần nhắn tin ngắn ngủi thế thôi, thì… (đến đây anh phải xin em tha lỗi trước) thì… có lẽ… anh không còn dám nhận gì của em gửi về nữa… Và có lẽ… là chúng ta vĩnh biệt nhau chăng? Nhưng sao lại như thế được? Bây giờ anh đã khoẻ khoắn trở lại, tình hình văn nghệ trong nước có nhiều cái mới, rất nhiều triển vọng, anh còn sức làm việc cho một nền văn hoá dân tộc, còn sức đóng góp (dù rất nhỏ vào việc xây dựng tâm hồn Việt Nam của muôn đời), thì em ơi, tại sao em thương anh, quý mến, tôn trọng anh là thế mà không viết nổi cho anh một bức thư dài, tất yếu phải nhiều trang giấy mới nói được một phần nhỏ về sự cảm thông giữa hai tâm hồn, mà lại ở hai đầu của trái đất, mà lại có một khoảng cách rất mông lung, rất khó hiểu. Còn anh, trước sau anh chỉ là một nhà thơ. Mà các nhà thơ thường là kẻ dại khờ… vậy em ơi, em thương anh thì phải nói chuyện, kể chuyện lòng em, hồn em, đời em cho anh biết với chứ! Anh đã có tuổi, biết còn sống được bao nhiêu? Nhờ Trời nhờ Phật anh đã khoẻ lại như những năm 70, anh rất nhớ em, rất mong em. Sao em đểnh đoảng thế? – Viết thư ngay và viết nhiều để thêm sức cho anh nhé. Anh gửi em một bài thơ là bài thơ đánh dấu sự hồi sinh của anh.

Bài “Mưa Thuận Thành” mà anh cũng lấy làm tên cho cả tập thơ mới viết.

Tin thêm em biết: Anh đã cho in tập thơ “Men Đá Vàng”. Có người đi công tác ở nước ngoài, anh sẽ nhờ gửi đến tặng em, tặng Thầy Nhất Hạnh.

Em cho phép anh kính thăm sức khoẻ Thầy. Anh cầu Trời Phật ban cho anh được phúc đức thế nào để anh có dịp gặp Thầy và gặp em.

Hà Nội tháng 8.1989 ngày 15

Anh HC”