Tiếng gọi của thơ

Tôi biết được Hoàng Cầm là một nhà thơ lớn là nhờ Thầy cho chúng tôi đọc và giảng cho chúng tôi về tập thơ Tiếng hát Quan họ của thi sĩ.

Hôm đó tại Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, thầy trò đi mua được một số sách của các nhà văn và học giả miền Nam và một tập thơ của Hoàng Cầm, tập Tiếng hát Quan họ. Cùng với tập thơ Tiếng hát Quan họ, chúng tôi còn mua được một tập Tranh Đông Hồ với những bức tranh dân gian truyền thống như Hái dừa, Đánh ghen, Đám cưới vhuột. Qua tranh Đông Hồ, tôi thoáng thấy được nụ cười sống động của người dân quê miền Bắc đất nước. Nhưng phải nhờ đọc Tiếng hát Quan họ, xem Tranh Đông Hồ và nghe Thầy giảng thơ, bình ca dao Việt Nam thì tôi mới thấy được giá trị của nền văn học dân gian qua ca dao, dân ca và tranh dân gian thân thương gần gũi.

Tập thơ quá hay, độc giả đọc qua sẽ thấy ngay ngụ ý của thi sĩ: Dù thời nào – thời phong kiến hay thời đại mới – thì cũng có những người khắt khe, bắt bẻ những trái tim thơ ngây, ép buộc những tâm hồn phong phú nghệ thuật vào khung giáo điều, đạo đức. Khuôn phép càng nhiều càng giết chết sự sống thơ ngây phong phú của thi ca và nghệ thuật. Nếu cụ lý trưởng thời phong kiến cấm trai gái yêu đương thì cụ “lý trưởng” đời nay cũng giết chết nghệ thuật văn chương thi ca bằng những giáo điều như vậy.

Sau đó tôi được đọc bài thơ Em bé lên sáu của Hoàng Cầm. Bài thơ kể về một chị cán bộ đang nấu cơm chiều trong nhà thì thấy một đứa bé lên sáu đói khát, ỏng eo, quá tội nghiệp. Bố nó là địa chủ, mẹ nó thì đã di tản vào Nam. Chị thấy nó ốm xanh và đói rét, nhớ lại khi còn nhỏ, chị cũng đã từng trải qua cảnh ngộ này, đã từng đứng liếm lá ngoài chợ, liếm những tấm lá còn sót chút chất ngọt béo của thức ăn khi người ta ăn xong vứt đi. Chị cán bộ liền đem chút cơm nguội cho nó ăn. Nhưng sau đó chị bị cấp trên bắt viết bài tự phê bình kiểm điểm vì đã nuôi một thằng bé con địa chủ. Chị chong đèn nhưng tìm hoài vẫn không thấy bóng dáng người địa chủ gian ác nào trong em bé gầy còm đói khát đó. Chị chỉ thấy thằng bé bị bỏ lại một mình, bơ vơ và đói. Bắt chị làm kiểm điểm, chị không biết kiểm điểm cái gì. Bài thơ Em bé lên sáu đó đã đánh động niềm thương xót trong tôi.

EM BÉ LÊN SÁU

I

Lủi thủi tìm miếng ăn

Bố: cường hào nợ máu

Mẹ bỏ con lay lắt

Đi tuột vào trong Nam

Từ khi lọt lòng mẹ

Ăn sữa, ngủ giường êm

Áo hoa lót áo mềm

Nào biết mình sung sướng

Ngọn sóng đang trào lên

Ai nghĩ thân bèo bọt

Nhưng người với con người

Vẫn sẵn lòng thương xót

Có cụ già đói khổ

Lập cập đi mò cua:

Bố mẹ nó không còn

Đứa trẻ nay gầy còm

Bỗng thương tình côi cút

Cụ nhường cho miếng cơm

Chân tay như cái que

Bụng phình lại ngẳng cổ

Mắt tròn đỏ hoe hoe

Đo nhìn đời bỡ ngỡ:

“Lạy bà xin bát cháo

Cháu miếng cơm, thầy ơi!”

II

Có một chị cán bộ

Đang phát động thôn ngoài

Chợt nhìn ra phía ngõ

Nghe tiếng kêu lạc loài.

Chị rùng mình nhớ lại

Năm đói kém từ lâu

Chị mới năm tuổi đầu

Liếm lá khoai giữa chợ

Chạy vùng ra phía ngõ

Dắt em bé vào nhà

Nắm cơm dành chiều qua

Bẻ cho em một nửa.

Chị bần nông cốt cán

Ứa nước mắt quay đi:

“Nó là con địa chủ

Bé bỏng đã biết gì

Hôm em cho bát cháo

Chịu ba ngày hỏi truy.”

Chị đội bỗng lùi lại

Nhìn đứa bé mồ côi

Cố tìm vết thù địch

Chỉ thấy một con người

Em bé đã ăn no

Nằm lăn ra đất ngủ

Chị nghĩ: “Sau lấy chồng

Sinh con hồng bụ sữa.”

III

Chị phải đình công tác

Vì câu chuyện trên kia

Buồng tối lạnh đêm khuya

Thắp đèn lên kiểm thảo

Do cái lưỡi không xương

Nên nhiều đường lắt léo

Do con mắt bé tẻo

Chẳng nhìn xa chân trời

Do bộ óc chây lười

Chỉ một màu sắt rỉ,

Đã lâu năm ngủ kỹ

Trên trang sách im lìm

Do mấy con người máy

Đầy gân thiếu trái tim

IV

Nào “liên quan phản động”

“Mất cảnh giác lập trường”

Mấy đêm khóc ròng rã

Ngọn đèn soi tù mù

Lòng vặn lòng câu hỏi:

“Sao thương con kẻ thù?

Giá ghét được đứa bé

Lòng thảnh thơi bao nhiêu!”

Tôi rất biết ơn thi sĩ đã dám nói lên điều mình nghĩ và có cảm tình đặc biệt với ông ngay từ đó.

Tôi lại nhớ những điều thầy chúng tôi từng chia sẻ về những năm kháng chiến chống Pháp từ 1947 đến 1954. Khi đó Thầy đã yêu kịch thơ Lên đường, bài thơ Bên kia sông Đuống và kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm. Những tác phẩm ấy làm tinh thần kháng chiến lên rất cao. Thanh niên trai trẻ sẵn sàng bỏ nhà cửa lên đường đi chiến đấu. Chúng tôi cũng được Thầy dạy là một số văn nghệ sĩ và những học giả tham gia viết bài cho tập Nhân Văn (chỉ ra được 5 số báo trong thời gian vỏn vẹn chưa đến ba tháng) và các ấn bản Giai phẩm Mùa Xuân, Mùa Thu (ấn hành đầu năm và bị chấm dứt cùng Nhân Văn vào cuối năm 1956) đã bị đưa đi học tập cải tạo vì đã viết những bài phê bình thẳng thắn cách hành xử của những cán bộ lạm quyền đưa cách mạng xuống dốc quá đà. Sau khi viết Em bé lên sáu, Hoàng Cầm cũng bị kiểm thảo, đi học tập cải tạo trong rừng sâu. Văn nghệ sĩ thời đó vì dám nói thật những gì trong trái tim mình mà bị lưu đày, lao động cải tạo, sống rất gian khổ.