Bắc một chiếc cầu

Tôi nhớ tới người em kết nghĩa Hồ Hải Trân. Gia đình em từ miền Bắc di cư vô Nam những năm 1954 – 1956, lúc đất nước chia hai. Trân là em của người bạn thân của tôi ở trường Marie Curie. Em nhỏ hơn tôi hai tuổi nên đã xin làm em kết nghĩa. Hai chị em tập viết văn. Lúc đó tôi cũng tập viết văn và đọc những bài báo tiếng Việt. Qua ngòi bút, em hay thuật cho tôi nghe vô số chuyện dễ thương về miền Bắc như có con sông Thương nước chảy hai dòng, có những thi sĩ tuyệt vời như Hoàng Cầm viết bài thơ Bên kia sông Đuống và kịch thơ Kiều Loan mà mẹ của Trân đã từng là kịch sĩ diễn trong vở kịch đó.

Đọc xong bài thơ Em bé lên sáu, tôi liên lạc với Hồ Hải Trân để nhờ em tìm cách xin địa chỉ thi sĩ Hoàng Cầm. Hồ Hải Trân không trả lời được vì chính em mới vượt biên vừa tới Hoa Kỳ, đang gặp khó khăn trong đời sống, lại thêm khó khăn liên lạc với mẹ em ở Việt Nam. Nhờ Trân tìm địa chỉ của Hoàng Cầm như thế, nhưng cả năm cũng chưa có tin tức gì.

Thật ra lúc ấy, tôi cũng có quá nhiều việc lo cho giới thuyền nhân. Cuối năm 1977, tôi mới từ Thái Lan về lại Phương Vân Am sau chuyến đi cứu trợ thuyền nhân lần chót, suýt chết vì hải tặc định chận đường chiếc ghe “giả vờ đánh cá” của tôi tại Trad (xin xem Tập 2). Tôi nhờ em Hồ Hải Trân tìm địa chỉ nhà thơ nhưng phải chờ Trân gửi thư về hỏi mẹ Trân ở Việt Nam. Mẹ Trân phải tìm một người bạn cũ của Hoàng Cầm cùng di cư vào Nam sau 1954 như bà. Ông ấy lại đi dò hỏi nhiều người, khoảng một năm và sáu tháng sau Trân mới cho tôi địa chỉ: Thi sĩ Hoàng Cầm 43 đường Lý Quốc Sư, Hà Nội. Đó là vào khoảng tháng 10 năm 1980.

Trong khi Hồ Hải Trân tìm địa chỉ thi sĩ Hoàng Cầm, tôi vẫn tiếp tục chương trình giúp đỡ các văn nghệ sĩ khác. Bắt đầu từ năm 1977 trở đi chúng tôi đã có dịp giúp nhiều văn nghệ sĩ khác rồi, như nhà văn Doãn Quốc Sĩ và nhạc sĩ Lê Thương. Qua Lê Thương tôi lại biết tới nhà văn Hoàng Hải Thuỷ, hoạ sĩ Minh Đăng Khánh, nhạc sĩ Vĩnh Phan, nghệ sĩ hài Khả Năng, nhà văn Duyên Anh… Gửi quà cho văn nghệ sĩ chúng tôi không thể để tên thật người gửi, vì sau mấy lần họp báo gửi tin cho các hãng thông tấn trên thế giới: tên tôi đã bị ghi vào sổ đen rồi. Nếu nhân danh tôi gửi thuốc, gửi quà thì ngay cả các cháu cô nhi cũng chắc chắn không lãnh quà được. Vì thế nên tôi phải ẩn tàng và biểu hiện thành bác sĩ Ngô Thị Phương Hương, bác sĩ Bùi Thị Cần Thơ, cô Nguyễn Thị Thiều Chi, em Lê Thị Chín, cháu Đào Thị Mây, em Mai Thị Ngọc…

Trong tinh thần đó, tôi đã viết một lá thư cho Hoàng Cầm vào cuối năm 1980, nói rằng tôi lớn lên bên Pháp, tên là Bùi Thị Cần Thơ, rất mến mộ thơ của thi sĩ. Hiện tôi mới ra trường, đang là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện nhỏ ở miền Đông Nam nước Pháp, nhưng không thích kiếm tiền nhiều, chỉ muốn làm đủ sống thôi và muốn có thời gian học hỏi về văn hoá và thi ca Việt Nam. Viết đến đây, tôi nhờ Thầy viết thêm cho mấy đoạn khen vở kịch thơ Lên đường rồi chép lại gửi cho Hoàng Cầm. Thành ra, cái phần tươi mát của người trẻ là của tôi, rồi thêm cái phần tri kỷ hiểu và bình thơ Hoàng Cầm là của Thầy chúng tôi. Phần trị bệnh là của anh Năm tôi, vốn là bác sĩ y khoa tốt nghiệp tại Paris và đã hành nghề hơn 20 năm ở Việt Nam, mới trở qua Pháp. Rồi sau cuối là phần thăm hỏi và khen ngợi từng người thân trong gia đình, trong đó có chị Yến vợ của người nghệ sĩ nhận quà, lại do tôi viết. Tóm lại, đó là một bức thư rất đầy đủ chân tình của nhiều trái tim biết trân quý những viên ngọc của đất nước.

Sau này Hoàng Cầm kể lại rằng, khi nghe một người bạn trong Nam bảo với Hoàng Cầm có một cô bác sĩ trẻ đang ở Pháp rất yêu thơ của anh, muốn liên lạc với anh, thì Hoàng Cầm đã sẵn sàng và đồng ý.

Ba tháng sau, Hoàng Cầm nhận được một giấy báo tin có một bưu phẩm từ bên Pháp về đề đúng tên ông. Ban đầu Hoàng Cầm cũng đã nghi bưu phẩm ấy là của ai gửi rồi. Cô nhân viên bưu điện hỏi ai gửi, Hoàng Cầm chưa biết tên tôi nên chỉ nói: “Tôi biết có một cô bác sĩ ở Pháp rất mến mộ thơ của tôi, muốn tặng tôi một ít thuốc để trị bệnh”. Cô nhân viên bưu điện hình như cũng đã có nghe tên Hoàng Cầm, nên đã tử tế đọc tên người gửi để anh điền vào giấy, rồi mới được lãnh quà. Trong gói quà, bác sĩ Cần Thơ đã căn dặn rõ ràng thuốc này dùng cho bệnh gì, thuốc kia dùng ra sao.

Ban đầu tôi chỉ gửi một gói nhỏ thôi, để xem quà có tới được không. Đến khi biết quà tới được rồi, tôi mới gửi gói to hơn, vì nghe nói đồng bào trong nước bị giới hạn “một năm chỉ được nhận hai hoặc ba lần quà thôi”. Mỗi lần chỉ được gửi nhiều nhất là 5kg, gồm vải, bút mực, giấy, giấy carbon, thuốc trụ sinh và thuốc bổ. Theo như Hoàng Cầm kể lại thì trong thời gian đầu liên lạc với tôi, gia đình anh cũng sống tạm ổn nhờ vào những hộp thuốc chúng tôi gửi tặng – họ đã không sử dụng mà chỉ đem đi đổi thành những thứ cần dùng khác.

Trong lá thư trả lời cho tôi ngày 9.3.1981, anh viết rất cảm động. Mỗi khi nhận được thư anh, tôi thường gửi bưu thiếp trở lại báo tin đã nhận được thư, vì gửi như vậy “người ta” đọc liền được nội dung và thấy không có gì bí mật thì mới dễ dàng cho bưu thiếp đi qua. Tôi hay gửi những bưu thiếp ngắn thôi. Khi nào có Thầy viết giùm thì tôi mới biên thư dài cho anh. Khi nhận được thư tôi, Hoàng Cầm mừng lắm. Bức thư quá dễ thương, có ý tứ và lại sâu sắc khiến anh rất lên tinh thần (có Thầy “cầm tay” mà!). Thuốc tôi gửi toàn là thuốc rất cần thiết cho sức khoẻ của anh và của cả gia đình. Sau đó con trai của anh đem một số thuốc đi bán để đổi thực phẩm cho cả nhà. Trong mỗi bức thư gửi cho anh, tôi đều có hỏi thăm chị Hoàng Yến (là vợ của Hoàng Cầm) và các con anh. Thành ra mọi người rất thương tôi và xem như một người thân trong gia đình.

Qua bạn bè, tôi nghe anh Hoàng Cầm đã nói: “Cô này rất đàng hoàng. Cô này con nhà nề nếp gia giáo, biết trên biết dưới, mỗi lần viết thư đều hỏi thăm chị Yến của em, tự xem như một người em, rất lễ độ, viết thư rất có văn hoá chớ không phải những bức thư tình lăng nhăng. Cô cũng nói rõ ràng là cô yêu thơ của anh, cô xa nước từ năm lên sáu tuổi, nhưng vẫn luôn luôn nhớ về quê hương Việt Nam”.

Tôi có giải thích cái tên Cần Thơ của tôi để trả lời một câu hỏi của anh về cái tên ấy. Tôi “tạm” nói vì ba mẹ tôi gặp nhau ở Cần Thơ nên khi sinh ra tôi, tôi được đặt tên là Cần Thơ. Và tôi có tả phong cảnh sinh hoạt của Ngọc Lan Thảo Trang (tức Phương Vân Am) hồi đó cho anh nghe. Phương Vân Am thật ra đã có mặt trong thời Việt Nam còn đang chiến tranh, khi thầy trò chúng tôi làm việc cho Phái đoàn Hoà bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Paris. Lúc đó Thầy chúng tôi dạy ở trường Ecole Pratique des Hautes Etudes của Viện Đại Học Paris, Section IV Sciences Historiques et Philologiques (nằm trong toà nhà Sorbonne). Có chút tiền dạy học nên đầu năm 1971, Thầy mua một thảo am nhỏ không xa Paris lắm (cách 150 km) và Thầy đặt tên là Phương Vân Am để mỗi cuối tuần thầy trò đi về vùng quê này mà quên đi cát bụi Paris và được gần gũi với thiên nhiên, để trồng rau húng, rau ngò, để gieo tần ô và cấy mấy luống cải làm dưa ăn Tết Việt Nam cho đỡ nhớ quê hương. Nói là “thảo am” cho có vẻ thi ca nhưng thật ra chỉ là một cái nhà bằng đá đã hoang tàn với 3.000 mét vuông đất chung quanh. Ông chủ thảo am (chắc gọi là thạch am mới đúng) dự định xây thêm một phòng dựa vào vách đá, nhưng công trình xây cất còn lỡ dở thì chẳng may ông bị bệnh và qua đời, nên bà vợ ông đã đăng báo bán giá khá rẻ. Cứ mỗi cuối tuần, thầy trò có dịp về Phương Vân Am, chia nhau ra thành nhiều nhóm để làm việc. Nhóm thợ hồ thợ mộc như Gilles và Jean Marie làm việc dưới sự chỉ dẫn của bác thợ hồ chuyên nghiệp Dolat; chú Hương, chú Thiện Thắng và bọn con gái thì ra làm nông dân trồng trọt dưới sự chỉ dẫn của Thầy. Sáng sớm thứ Hai, Thầy ở lại với vài người bạn như Gilles, Raymond và chú Thiện Thắng. Còn tôi, chú Hương, bà Best và Laura thì về trực văn phòng ở Paris để thông dịch tin tức bên nhà gửi qua. Đến thứ Tư, Thầy mới đi xe lửa lên Paris để kịp dạy học vào ngày thứ Năm. Mãi đến gần cuối năm 1975, khi không liên lạc được với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các bạn Thanh niên phụng sự xã hội bên nhà, Thầy mới quyết định nghỉ dạy học ở Sorbonne và đóng cửa văn phòng Paris của Phái đoàn Hoà bình rồi về ẩn cư luôn ở Phương Vân Am.

Trong lá thư ngày 05.05.1981, tôi viết cho anh Hoàng Cầm:

Thưa anh, thư của anh rất chân thành vì vậy cho nên anh là một chân thi sĩ. Ngày trước em có thu thập được một ít thơ của anh, kể cả tập kịch thơ “Lên đường”. Nhưng em mất dấu của người bạn cho em xem tập thơ ấy, khi em chưa kịp chép lại hay photocopier lại. Bây giờ thì em không còn gì mấy về thơ anh. May mắn thay em mua được ở hiệu sách Việt Nam tại Pháp năm 1975 bản “Tiếng hát Quan họ”. Theo em đây là một thi phẩm rất độc đáo. Một “master piece” (tuyệt tác) sẽ sống hoài với thời gian. Hình ảnh trong thơ rất dồi dào và lồng lộng một khung trời âm thanh và màu sắc. Ôi, quê hương miền Bắc! Và hai con mắt của anh quả thực là hai con mắt của một thi sĩ. Tác phẩm này viết trên hai mươi năm và nay vẫn còn mới về hình thức cũng như nội dung. Các bạn em sợ rằng nó bị mai một nên chúng em bàn nhau định in nó lại và giữ ở tại các thư viện đại học bên này. Anh không cần phải chấp nhận việc đó, cứ để tụi nó tự tiện làm, miễn là anh đừng “kiện” tụi nó là được rồi.

Em sẽ rất vui sướng nếu anh gửi cho em toàn bộ tác phẩm của anh, gửi từ từ mỗi lần vài bài chép trên giấy mỏng viết thư là không lạc bao giờ, mà lại tiện. Chúng em sẽ nâng niu giữ gìn thơ anh như bảo vệ gia tài của quê hương và nếu cần thì tìm cách bảo vệ như Tiếng hát Quan họ. Chúng em lại cũng sẽ “mừng hết lớn” nếu anh gửi cho chúng em những tác phẩm Inédits (chưa nhuận và chưa in) của anh và những bài thơ mới làm. Em sẽ vâng lời anh tuyệt đối về những điều anh căn dặn về thể thức và phương cách bảo tồn, tàng trữ hoặc phổ biến thơ anh. Anh có thể đặt niềm tin trọn vẹn nơi em về việc bảo tồn sự nghiệp thi ca của anh.

Em đã gửi một colis dược phẩm cách đây một tuần, để trị các bệnh cần thiết. Em cũng có ghi cách sử dụng trên nắp hộp.

Bây giờ em xin nói qua về “gia thế” của em. Thưa anh, đúng là ba má em gặp nhau tại Cần Thơ nhưng ba em đã mất năm 61, hiện em đang ở với mẹ và một người chị goá chồng và các cháu, thành ra em làm “cha” cho các cháu luôn. Nhà em, xa Paris lắm, giữa những đồi mận đồi mơ (pruniers), em có rất nhiều bạn trẻ Việt, Pháp, Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Anh… đến chơi hoặc ở vài tháng như một đại gia đình. Mỗi đứa đều có nghề riêng nhưng chỉ làm việc bán thời gian để đủ sống. Còn thừa thì giờ chúng em làm vườn, tự trồng rau cải để ăn, ca hát, ngâm thơ, trao đổi văn hoá, tìm đến những cái hay cái đẹp nghệ thuật của mỗi nước. Vì thế Cần Thơ chỉ đi làm cho bệnh viện mỗi ngày một buổi thôi. Không mở phòng khám bệnh tư vì còn để thì giờ “chơi”. Chúng em không muốn đánh mất mình đi vì tiền bạc và công việc. Vì vậy mà chắc em có thể có đủ thì giờ “lãnh gia tài”của anh được. Các bạn trẻ Việt Nam ở Paris mỗi lần về Ngọc Lan Thảo Trang thì giống như về Cần Thơ hay Bến Tre vậy. Em có mắc võng bên bờ suối, có rau húng rau ngò, cải cúc. Các bạn trẻ ngoại quốc ăn được cả nước tương, và chao nữa…

Em kính lời thăm chị và rất cám ơn chị đã nuôi dưỡng và giữ gìn anh để anh sáng tác cho bao nhiêu thế hệ Việt Nam và trong đó có em được thừa hưởng. Em trông tin anh lắm.

Cần Thơ.”

Khi nhận được thư tôi lần đầu Hoàng Cầm cảm động quá, anh làm bài thơ Hương xa dài 11 đoạn để tặng tôi. Hoàng Cầm cũng gửi cho anh Chấn một bản sao của bài thơ đó và bị anh Chấn la cho một mạch, bảo anh Hoàng Cầm đừng có mơ mộng viển vông, chỉ nên viết thư cảm ơn đã gửi quà là đủ. Anh Chấn, người bạn giới thiệu địa chỉ của Hoàng Cầm cho bà Hồ Sĩ Lạng, mẹ của Hồ Hải Trân (rồi Hồ Hải Trân đưa cho tôi), có cho thi sĩ biết tên Cần Thơ có thể không phải là tên thật – “người ta giấu tên vì một lý do nào đó”! Hoàng Cầm “không muốn” tin anh Chấn. Trái tim người nghệ sĩ như quá khô cằn vì thời cuộc, bỗng nhiên có giọt nước cành dương tươi mát rơi vào mảnh đất tâm khô khát, tuyệt vọng này. Tại sao lại đa nghi? Anh Hoàng Cầm nhất định không tin anh Chấn và đã gửi nguyên bức thư của anh Chấn cho tôi xem và xin tôi cho ý kiến.