Bỡ ngỡ chấp nhận tôi là một nữ tu nhưng vẫn nhất định tôi vẫn là em Thơ của thi sĩ

Trong lá thơ viết ngày 9.11.1991, anh nhắc tôi viết thư cho anh và giục tôi một lần nữa phải gửi ngay cho anh một bức hình cận cảnh của tôi, vì anh biết rằng tôi đã xuất gia với pháp danh là Tâm Không. Dù biết tôi đã thành sư cô, dù đã có lần gọi tôi là “Thiền cô”, nhưng trong thư này anh vẫn gọi tôi là “em Thơ rất yêu quý của anh”.

Anh nói bóng hình của tôi đối với anh vừa thật là gần vừa thật là xa (bài Hương xa có câu: Sao xa… lạ thế… mà thân thế) và hình như chưa bao giờ anh thấy được tôi ở “góc độ tục luỵ” trong khi trái tim của anh vẫn còn cứ đập theo nhịp sống tục luỵ.

Anh viết: “Phong thái thiền của em thì vẫn là phong độ của thiền cô” và anh nói bài thơ Chùa Hương của anh chỉ làm rung động cõi người chứ không thể làm mảy may xao xuyến cõi Tâm Không. Tâm Không là pháp danh khi tôi thọ năm giới và tôi đã cho Hoàng Cầm biết tên đạo đó khi tôi đã xuống tóc.

Trước đó bốn năm tháng, anh đã nhắc tôi gửi hình cận cảnh của tôi qua cho anh xem rồi. Tôi có gửi cho anh một cuốn cassette trong đó tôi đọc và hát những bài thơ của Thầy do chính Thầy phổ nhạc. Anh trả lời là anh không có máy nghe cassette và anh trách tôi là cứ lần lữa không chịu gửi hình cho anh xem. Trong lá thư viết ngày 15.3.1990 anh viết:

Mặc dầu em đã kể tỉ mỉ nhưng anh vẫn chưa biết mặt em. Anh đã hỏi xin em một tấm hình, em cứ khất lần mãi, sao em lại bắt anh phải hứa là không chia sẻ rồi em mới gửi ảnh? Đáng lẽ trong hai hộp thuốc vừa rồi phải có ít ra là một tấm hình em. Nghĩa là em bắt anh phải nghe tiếng đã rồi mới được biết mặt? Vâng thế cũng được. Vậy sau khi nhận thư này em gửi ngay một vài tấm hình em nhé.

Cuối năm 1991, nghe tin tôi đã xuất gia (thật ra tôi xuống tóc từ năm 1988 nhưng đến 1991 tôi mới “bật mí” là tôi đã… không còn tóc!), trong lá thư viết ngày 28.12.1991 anh gọi tôi là thiền cô Tâm Không, thưa thiền cô…

Anh viết:

Từ nay, kẻ hàn sĩ này biết xưng hô thế nào với cô em gái đã xuất gia, thế phát, khoan thai hằng ngày đi trong cõi từ bi bác ái của Phật. Nếu kẻ hàn sĩ gọi em, và nói những chuyện, những tiếng của miền tục luỵ còn cát bụi bùn nhơ, liệu Thiền cô có được vui lòng?

Nhưng sau đó anh lại viết:

(Nhưng) còn thơ này, xin Thiền cô cứ tạm cho phép hàn sĩ cứ gọi thiền cô là em thân yêu và tự xưng là anh như trước!

Và anh tiếp tục lá thư với lối xưng hô “Thân yêu gửi em Thơ”.

Tôi đã gửi được cho anh một băng cassette ghi tiếng hát của tôi, phần lớn trình bày những bài hát do chính Thầy phổ nhạc cho lời thơ thiền của Thầy viết ra như bài Ảo hoá, Đại Trượng phu, Quê hương tuổi nhỏ, Đêm Cầu nguyện, Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời,… Hoàng Cầm đã nghe giọng tôi hát và anh rất thích, dù tôi hát không có nhạc đệm. Anh nói nghe giọng hát của tôi anh có cảm giác lâng lâng, thoát vòng tục luỵ. Anh nghe được hai lần, sau đó các bạn của con trai anh mượn nghe, và vì thích quá, chuyền tay nhau rồi làm mất. Hoàng Cầm phê bình về tiếng hát của “thiền cô Tâm Không”:

Còn cuốn băng của em thì thật là do Phật Quan Âm chấp cánh. Anh mới nghe được hai lần thì có một bọn trẻ – bạn con trai anh – nghe, thấy thích, mượn rồi truyền tay nhau, bây giờ anh không còn biết nó đi về phương nào. Đúng là em hát “mộc” – nghĩa là không cần đệm đàn – nên hồn nhiên và hấp dẫn như hoa cỏ và hương trời. Đâu phải anh vô tình, hay vì thích có đàn đệm mà quên những lời như ru của em, ru người ta vào cõi tịnh không chỉ có trời xanh mây trắng và hương đồng cỏ nội, khiến người tục luỵ như anh, đau khổ như anh cũng thấy lâng lâng, nhẹ bớt đi những nỗi đời khắc khoải. Thôi thì anh có bị mất cuộn băng, cũng coi như nhiều người khác đã nghe. Em nhé. Còn băng nữa, em cứ gửi tặng anh đi, anh không quên tiếng hát thiền của em đâu. Mong em tràn đầy sức khoẻ.

Năm 2004 sau khi nghe tôi kể rất nhiều về đời sống nhẹ nhàng của người xuất gia anh có viết và gửi tặng chúng tôi hai bài thơ:

TỰ TẠI YÊN NHIÊN

Ta thường đốt cháy Hư vô

Để tìm Em với bài thơ cuộc đời

Lửa thiêu vàng trắng ngất trời

Hỏi em còn thấy bóng người nào không

– Người Thơ ơi, cứ yên lòng

Vẫn còn Anh với mấy dòng Hư vô

Thế gian đau khổ từ xưa

Vẫn còn nguyên bóng em thơ đói nghèo

Dân tình xơ xác leo teo

Người Thơ kẻ sĩ bọt bèo không tan

Nghĩ thương nông nổi thế gian

Chí tàn lực cạn chỉ van Phật, Trời

Phật Trời gần – thật xa xôi

Đành ôm nỗi khổ chôn vùi hư không

Duyên gì nghiệp ấy cũng xong

Cháu con được phúc cười trong mệnh Trời

Hoàng Cầm tháng 8.2004

CON SÁO VẪN SANG SÔNG

Ơ! Em đã về

Ngồi đây anh hát em nghe

Lý con sáo sang sông từ thuở ấy

Còn nhớ cô Đào

lấy chồng tươi tắn vậy

Được non năm

nằm ốm nặng tưởng ra đi

Nhưng anh chồng cúi lạy Phật từ bi

Cho em sống

còn anh xin đi thay vào hoả ngục

Mô Phật!

Hôm nay

Đức Quan Âm cười hiền

cho vợ chồng Đào vẫn còn phúc đức

Vẫn hát dài “Con sáo đã sang sông”

Ôi Việt Nam, thi trung hữu Phật

Chỉ có Hàn Mạc Tử mới có động

Huyền Không

Chỉ có em Thơ mới biết khóc ở đáy lòng

“Ở trong phổi trong tim trong hồn nữa”

Anh lại kể em nghe

Vua Lý đa tình một thuở

Mới sinh ra toàn người đẹp Bắc Ninh

Như Lý Thánh Tông vừa dẹp xong giặc cướp

Chiêm Thành

Về lại cưới thêm ba bốn nàng tuyệt sắc

Để Ỷ Lan vương phi ghen

càng ghen càng vướng mắc

Nợ quê hương Kinh Bắc, nợ non sông

Bà trang trải đến phi thường

Nay em đã về từ thuở Hùng Vương

Em có gặp nàng Ngọc Hân oan khuất

Cũng đã về

vẫn lời ca son sắt

Tự ngàn xưa…

Con sáo đã sang sông

Tháng Vu Lan 2004

Hoàng Cầm

Ngày 14.12.1997, Hoàng Cầm viết cho tôi một lá thư dưới hình thức một bài thơ. Anh báo tin Kiều Loan con gái anh sau 18 năm cách biệt đã về tới Hà Nội thăm anh, và anh viết rằng giữa anh và tôi có tình sâu nghĩa nặng và dù có cách xa một nửa tinh cầu, anh sẽ chẳng bao giờ quên tôi. Bài thơ như sau:

Thân thương gửi

TÂM KHÔNG

Em thương, quý,

Kiều Loan bất ngờ về quê hương Kinh Bắc

Hạnh phúc Trời Phật ban cho anh

Sau mười tám năm con gái thương cách biệt

Em ơi, chỉ có TÂM cao khiết

Chỉ có chữ ĐỨC chân thành

Mới làm nên sức sống cho anh

Và em nữa, hương ngâu trinh trắng

Đã gửi về anh tình sâu nghĩa nặng

Dẫu cách xa một nửa tinh cầu

Anh chẳng bao giờ không nhớ em đâu

Và hôm nay, trời rất xanh, mây rất mỏng

Anh đã hồi sinh nhờ Trời Đất cưu mang

Vẫn nhớ em một đoá hoa vàng

Dệt áo ấm cho muôn người rét mướt

Tâm hồn anh, một xế chiều óng chuốt

Còn như cây, nở lộc chồi xanh

TB – Đã lâu không có tin gì của Tâm Không

Anh vẫn tin luôn có em bên cạnh

Dìu anh đi vui đoạn đường hiu quạnh

Bỗng tiếng sơn ca lảnh lót hoàng hôn

Năm nay, sức khoẻ của anh có phần giảm sút

Lẽ thường thôi vì mỗi tuổi một già

Nhưng anh vui khi nhớ những ngày qua

Anh đã lọc bùn tưới gốc me già quê mẹ

Và ngày mai lại bình minh lắng loé

Trên vườn xanh con cháu hát lời yêu

Lời mến thương lá gõ bước chân chiều…

Nhớ viết thư cho anh

Chúc em khoẻ với mãi mãi tấm lòng

NHÂN HẬU

Anh

Hoàng Cầm

Hà Nội 14.12.1997”

Năm 1999, tôi có nhờ em Lữ Thế Cường đi Việt Nam và ghé thăm Hoàng Cầm dùm tôi. Cường có quốc tịch Hà Lan làm tôi nghĩ đến xứ Hà Lan thân yêu đã từng giúp tôi tìm ra 14 nghìn người bảo trợ cho 14.000 thiếu nhi mồ côi cha mẹ. Tôi nhờ Cường đi thăm Hoàng Cầm dùm. Cường rất ngưỡng mộ lòng thành thương tổ, thương Bụt của các cụ già miền Bắc. Dưới đây là hình anh Hoàng Cầm ngồi sau người lái xe ôm ở Hà Nội do Cường chụp năm 1999.