Chương 9: Thiết lập lại giáo lý Mười hai nhân duyên

Giáo lý Mười hai nhân duyên là để giải thích nhân quả, luân hồi

Chúng ta thấy Mười hai duyên khởi được trình bày theo cách của nhiều thầy đi trước chúng ta đã không nương vào cái thấy tùy thuận để đi vào trong thế giới của bản môn. Chìa khóa nằm ở chỗ ta phải biết phép quán chiếu để từ từ bỏ được cái thấy có hữu, có vô, có sinh, có diệt để đi đến cái thấy không hữu, không vô, không sinh, không diệt. Những giáo lý không giúp được ta buông bỏ cái thấy có có, có không, có sinh, có diệt là những giáo lý không có khả năng đưa ta đi vào Trời phương ngoại.

Trong kinh Ca Chiên Diên và kinh Chiên Đà, câu “cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không” có khả năng tùy thuận để đi tới cái thấy tương ưng với Không. Tuy câu này còn sử dụng những chữ “có, không, cái này, cái kia” nhưng giúp cho ta từ từ rũ bỏ được cái nhìn nhị nguyên. Còn cách trình bày trong giáo lý Mười hai nhân duyên thì vẫn còn có nhiều chỗ bị kẹt, vẫn chưa liễu nghĩa và không tùy thuận để tương ưng với Không. Sở dĩ chúng ta có thể nói được như vậy là vì chúng ta căn cứ trên phương pháp luận (methodology): Y vào cái liễu nghĩa mà không y vào cái không liễu nghĩa. Giáo lý không liễu nghĩa thì không sai, nhưng những giáo lý này có nhiệm vụ và vai trò khác. Giáo lý Mười hai nhân duyên được trình bày rất nhiều trong kinh, và thường hay diễn giải với mục đích để giải thích luân hồi, nhân quả hơn là giúp cho ta có cái thấy tùy thuận để đi vào Trời phương ngoại.

Tam thế lưỡng trùng nhân quả

Các thầy chia Mười hai nhân duyên ra làm ba thời (tam thế): quá khứ, hiện tại và vị lai. Vô minh và hành thuộc về quá khứ. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu thuộc về hiện tại và sinh, lão, tử thuộc về tương lai.

Vì trong kiếp trước (quá khứ) ta đã có vô minh và hành nghiệp nên kiếp này (hiện tại) ta có thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ và hữu. Và vì có hữu nên kiếp sau ta sẽ phải sinh ra, phải già chết và ta phải gánh chịu luân hồi (tương lai). Vô minh và hành là nhân trong quá khứ. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu là quả trong hiện tại. Thọ, ái, thủ, hữu trong hiện tại sẽ làm nhân để có quả sinh và lão tử trong tương lai.

Vì có thức cho nên mới có thân tâm (danh sắc), vì có thân tâm cho nên mới có sáu căn và sáu trần, vì có sáu căn và sáu trần cho nên có sự xúc chạm, có xúc chạm cho nên mới có cảm thọ, có cảm thọ cho nên mới có thích thú, vì có thích thú cho nên có vướng mắc, vì có vướng mắc cho nên có cái có, vì có cái có cho nên phải sinh trở lại và phải chịu luân hồi.

Trong kiếp hiện tại của chúng ta, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là nhân và ái, thủ, hữu là quả. Trong khi đó đứng về phương diện ba thời thì vô minh và hành là nhân trong quá khứ và thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu là quả trong hiện tại. Thọ, ái, thủ, hữu làm nhân trong hiện tại để đưa tới quả sinh và lão tử trong tương lai.

Có hai lớp nhân quả, nhân quá khứ làm ra quả hiện tại và nhân hiện tại làm ra quả tương lai, gọi là tam thế lưỡng trùng nhân quả 三 世 兩 重 因 果 . Đó là cách mà các thầy hiện nay và nhiều thầy ngày xưa giải thích về Mười hai nhân duyên. Tam thế là ba đời (quá khứ, hiện tại và vị lai), lưỡng trùng là hai lớp. Vô minh và hành của đời trước làm nhân cho thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu của đời này. Thọ, ái, thủ, hữu của đời này làm nhân cho sinh và lão tử của đời sau.

Đó là cách hiểu của phần lớn Phật tử Việt Nam và Phật tử Trung Quốc. Nhưng ở đây có một sự hiểu lầm rất sâu sắc: Vì có ái và thủ cho nên có hữu. Vì có hữu cho nên kiếp sau phải sinh ra rồi già và chết (lão tử). Hữu là bhava, ngược lại với hữu là vô, vibhava. Chúng ta đỗ tội cho cái hữu, vì vậy con đường giải thoát là đi tìm cái vô. Sự tu học của mình là đi tìm cái vô, trong khi đó thì Bụt dạy rằng cái hữu và cái vô đều là hai tà kiến. Vì vậy Mười hai nhân duyên giải thích theo cách này là không tùy thuận để đi vào chân lý tuyệt đối. Nếu không muốn cái hữu để khỏi sinh tử luân hồi thì ta phải đi tìm cái vô, vì vậy nên người ta cho rằng mục đích của Phật tử là đi tìm cái hoại diệt (annihilation), cái chết vĩnh cửu (eternal death). Các nhà Phật học Tây phương nói rằng Niết bàn có thể chứng được trong khi ta còn thân tâm này gọi là Niết bàn hữu dư y. Nhiều nhất là trong vài chục năm tu ta chứng được Niết bàn hữu dư y, và sau đó thì ta chết vĩnh viễn, hoài hoài. Phật tử là người chỉ có một mong muốn duy nhất là đi tìm cái chết vĩnh cửu. Trong khi đó thì đạo Bụt dạy rất rõ là chúng ta đừng ham muốn cái hữu mà cũng đừng ham muốn cái vô.Vì vậy giáo lý Mười hai nhân duyên giải thích theo cách này chỉ để làm thỏa mãn sự tò mò của con người về luân hồi và sinh tử mà không có khả năng tùy thuận để đưa người ta tới chân lý tuyệt đối, tức là tới thế giới của Không.

Lập lại Mười hai nhân duyên căn cứ trên kinh Như Thị Ngữ và Vô Vấn Tự Thuyết

Chúng ta đang từ từ đi vào Mười hai nhân duyên. Đây là một đề nghị để phục hồi lại giáo nghĩa của Bụt, giáo nghĩa có khả năng đưa ta tới bình diện bản môn (connected to the ultimate dimension). Pratisamyukta là tương ưng với (connected to). Những giáo lý nửa vời không thể đưa ta tới bình diện bản môn. Ta phải dùng những giáo lý liễu nghĩa để tới được bản môn. Trong kinh Vô Vấn Tự Thuyết và kinh Như Thị Ngữ có câu: Ở đời có cái sinh, có cái hữu, có cái tác, có cái hành nhưng cũng có cái vô sinh, vô hữu, vô tác, vô hành. Chúng ta phải dựng lại Mười hai nhân duyên dựa trên cái thấy đó.

Niết bàn là bản môn, chánh kiến là cái thấy cho ta tiếp xúc được với Niết bàn. Chánh kiến (minh 明) là vô sinh 無 生, vô hữu 無 有, vô tác 無 作, vô hành 無行 . Ngược lại với chánh kiến là tà kiến (vô minh). Có chánh kiến là thấy không có sinh, không có diệt.

Thấy được không sinh, không diệt thì cũng thấy được không có cũng không không. Thấy được không sinh không diệt, không có không không thì ta thấy rõ ràng là không có một linh hồn bất tử, không có một cái ngã thường tại, không có chủ nhân, không có người làm, người chịu mà các pháp vẫn tiếp diễn, vẫn có thể có luân hồi, có nghiệp báo. Bộ phái Nhất Thiết Hữu Bộ phát triển giáo lý Ngã không pháp hữu này. Không có linh hồn bất diệt nhưng các pháp đều có.

Trong kinh Ca Chiên Diên Bụt nói: Chánh kiến là cái thấy vượt thoát ý niệm có và không. Kinh II.17 của Tương Ưng Bộ (Samyutta- Nikāya) kể lại câu chuyện Bụt nói với một tu sĩ Bà là môn tên là Jāṇussoṇi. Bụt nói: Nói tất cả đều có (sabbam atthi), nhất thiết thị hữu ( 一 切 是 有 ) là sai, mà nói tất cả đều không có (sabbam natthi) cũng sai. Chánh kiến vượt ra khỏi ý niệm có và không. Đây là một kinh liễu nghĩa và những kinh kế tiếp II.18, II.19 đều nói như vậy. Như vậy chủ trương “Ngã không pháp hữu” chưa được đúng lắm. Sự thật vượt thoát cái có và cái không. Chúng ta đi tới cái thấy: các hành đều Không. Những cái mà ta cho là có đó không có tự tánh, không có cốt lõi, không có bản chất. Ví dụ như nhìn vào bông hoa ta chỉ thấy toàn những cái không phải bông hoa. Bông hoa trống rỗng, nhưng trống rỗng không có nghĩa là nó không có mặt. Bông hoa là giả danh. Không chư hành là một giáo lý rất sâu. Vì thấy được vô tác nên ta thấy được vô hành. Thấy được vô sinh, vô hữu, vô tác, vô hành là có chánh kiến và lúc đó thì không còn sinh tử, luân hồi nữa. Đó là Niết bàn. Trong khi đó tà kiến là cái thấy có sinh, có hữu, có tác và có hành.

Chúng ta có thể thành lập lại Mười hai nhân duyên căn cứ trên mẫu mực của kinh Như Thị Ngữ:

Vì vô minh nên thấy có sinh, có diệt và vì thấy có sinh diệt nên ta vô minh. Vô minh và sinh diệt duyên nhau, cái này giúp cái kia. Vì thấy có sinh, có diệt nên ta thấy có hữu-vô. Vì thấy có hữu-vô, sinh- diệt nên ta thấy có tác giả-thọ giả, tác giả là người làm ra công đức hay tội ác và thọ giả là người gánh chịu hậu quả của công đức hay tội ác. Nếu thấy có tác giả-thọ giả thì ta thấy có các pháp (các hành). Ta thấy tác giả nằm ngoài thọ giả, các pháp nằm ngoài nhau, con nằm ngoài cha, trái nằm ngoài phải, có nằm ngoài không và các sự vật có tự tánh riêng biệt. Đó là cái thấy của người phàm phu. Người phàm phu thấy tất cả đều có bản chất riêng biệt, cái này nằm ngoài cái kia, chúng là thường và còn mãi.

(A) Vô minh không duyên hành mà duyên sinh-diệt trước, có ý niệm sinh-diệt nên có ý niệm hữu- vô, có ý niệm hữu-vô nên thấy tác giả và thọ giả là hai cái khác nhau và thấy các hiện tượng (hành) như những cái ngã riêng biệt. Vì thấy như vậy nên thấy có luân hồi sinh tử. Vô minh duyên sinh, sinh duyên hữu, hữu duyên tác, tác duyên hành, thấy hành như những cái ngã riêng biệt nên có luân hồi khổ đau.

  1. Vô minh (tà kiến)               1. Minh (chánh kiến)
  2. Sinh – diệt                         2. Vô sinh – bất diệt
  3. Hữu – vô                           3. Phi hữu – phi vô
  4. Tác giả – thọ giả                 4. Vô tác giả – vô thọ giả
  5. Hành (pháp)                       5. Vô thường – Không – Duyên khởi

——————— ——————————————-
Luân hồi khổ đau                                                   Niết bàn

(A)                                                                (B)

(B) Vì không có vô minh, tức có minh, nên ta thấy được vô sinh bất diệt. Do thấy vô sinh bất diệt mà ta thấy phi hữu phi vô. Do thấy phi hữu phi vô nên ta thấy vô tác, tức vô tác giả, vô thọ giả. Do thấy được vô tác nên ta thấy thế giới hiện tượng là vô thường, là không, là duyên khởi. Thấy được các hành là vô thường, là không, là duyên khởi thì ta có Niết bàn an lạc và không còn luân hồi đau khổ nữa. Đó là Nhân duyên căn cứ trên kinh Như Thị Ngữ và Vô Vấn Tự Thuyết. Nếu căn cứ trên kinh Kātyāyana thì ta có thể để phi hữu phi vô trước vô sinh bất diệt: vô minh duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên tác, tác duyên hành, hành tạo ra khổ đau.

Vì vô minh nên ta thấy các hành là những ngã pháp riêng biệt mà không thấy được rằng chúng nương vào nhau mà biểu hiện nên ta còn luân hồi khổ đau. Nếu vô minh diệt thì ta thấy được vô sinh bất diệt, phi hữu phi vô, vô tác giả vô thọ giả, ta thấy được các hành là Không, là Duyên khởi nên ta không còn luân hồi sinh tử và an trú trong Niết bàn. Giáo lý Nhân duyên này có khả năng đưa ta tiếp xúc (tương ưng) được với Niết bàn an lạc.

Nếu chọn kinh Kātyāyana thì ta có thể bắt đầu bằng phi hữu phi vô, vì trong kinh Bụt nói: Chánh kiến là cái thấy vượt thoát ý niệm có và không.

Rất tiếc là trong Tạp A Hàm không có kinh Jāṇussoṇi, trong đó Bụt nói với tu sĩ Jāṇussoṇi, là: Nói có là sai mà nói không cũng là sai.

Giáo lý Năm nhân duyên tùy thuận để đi vào Không

Trong cuốn “Trái tim của Bụt” tôi đã có vài cố gắng để sửa lại cách nhìn về Mười hai nhân duyên, nhưng vẫn thấy chưa đủ. Vậy hôm nay chúng ta phải trình bày lại giáo lý Mười hai nhân duyên theo một cách khác. Mười hai nhân duyên thật ra là một phương pháp để diễn bày giáo lý Duyên khởi. Trong những kinh Bụt nói lúc mới Ngài thành đạo, có khi Bụt dạy bốn duyên, có khi dạy năm duyên hay sáu duyên và bây giờ thì chúng ta có mười hai duyên. Một trong những khuyết điểm của cách giải thích Mười hai nhân duyên trong kinh là lối trình bày có tính cách một chiều (linéaire) và dây chuyền (tức là có cái này rồi mới có cái kia), không đúng theo giáo lý duyên sinh của đạo Bụt. Không phải có cái này trước rồi mới có cái kia, có trái trước rồi mới có phải mà trái và phải là câu sinh 俱 生 , sahājata. Có trái là có phải, có sinh là có diệt, có có là có không. Vì vậy cách trình bày “vì có vô minh nên sinh ra hành, rồi hành sinh ra thức, v.v…” là không đúng.

Chúng ta thấy rất rõ rằng:

(C) Vô minh nương vào hành mà phát hiện và hành nương vào vô minh mà phát hiện. Vô minh duyên hành và hành duyên vô minh, vô minh và hành phát khởi đồng thời. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu đều là các hành. Tất cả các pháp đều là hành, vậy chúng ta có nên kể ra một loạt tên như vậy hay không? Vì thấy các hành độc lập ngoài nhau, có sinh, có diệt, có có, có không cho nên ta bị kẹt vào trong cái thấy hữu vô. Nếu thấy được các hành có trong nhau, nương nhau mà thành lập theo đường lối “thử hữu cố bỉ hữu, thử vô cố bỉ vô” thì ta sẽ không bị kẹt vào cái thấy hữu vô nữa. Và nếu có hữu vô thì có sinh diệt. Vì có hữu vô, sinh diệt cho nên ta bị kẹt vào cái khổ của luân hồi.

  1. Vô minh                     1. Minh
  2. Hành                         2. Duyên khởi
  3. Hữu vô                       3. Không hữu vô
  4. Sinh diệt                   4. Không sinh diệt
  5. Luân hồi                   5. Chân như, giải thoát – Trời phương ngoại
(C)                                       (D)

Nếu có trí tuệ, nếu vô minh dứt thì ta sẽ không thấy các hành có ngoài nhau, độc lập với nhau nữa. Không còn kỳ thị, sợ hãi nữa thì ta sẽ không thấy có hữu vô. Không thấy có hữu vô thì ta sẽ không thấy có sinh diệt, mà không còn sinh diệt thì ta đang ở trong cõi chân thường, trong Niết bàn, giải thoát.

(D) Nhờ quán chiếu về vô minh nên ta lấy được vô minh ra, vô minh diệt thì minh sinh. Ta thấy được các hành nương nhau mà biểu hiện. Vì vậy trong kinh có nói: “Ai thấy được duyên khởi thì người đó thấy Bụt.” Thấy được duyên khởi là có trí tùy thuận dập tắt được hữu vô, tức là có chánh kiến vượt thoát hữu và vô. Nếu có chánh kiến vượt thoát ý niệm có và không thì ta cũng vượt thoát được ý niệm sinh và diệt. Thấy được thế giới không hữu, không vô, không sinh, không diệt là thấy được chân như, giải thoát, thấy được Trời phương ngoại.

Trời phương ngoại là một thế giới bao la, trong đó có rất nhiều tự do và hạnh phúc. Ta đạt được thế giới đó là nhờ có cái thấy không hữu, không vô, không sinh, không diệt. Sở dĩ ta tiếp cận được với cái thấy không hữu, không vô, không sinh, không diệt là nhờ ta tùy thuận theo duyên khởi.

Như vậy thay vì Mười hai nhân duyên thì ta chỉ cần giữ lại Năm nhân duyên. Mục đích của giáo lý Mười hai nhân duyên là để giải thích sinh tử, luân hồi mà không giúp cho ta tùy thuận để đi vào Không.

Chúng ta sẽ sử dụng sơ đồ chữ Z trong suốt khóa tu. Trên bình diện tích môn thì ta thấy có sinh, có diệt, có có, có không, có tác, có hành. Nhưng nếu có phương pháp quán chiếu sâu sắc thì ta sẽ đạt tới bình diện bản môn trong đó không có sinh, không có diệt, không có có, không có không, không có tác và không có hành. Từ bình diện tích môn tới bình diện bản môn ta phải đi ngang qua sự quán chiếu về duyên khởi và trung đạo.

Phương pháp quán chiếu về duyên khởi được trình bày đầy đủ trong câu: Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt. Tuy trong câu này vẫn còn sử dụng những danh từ như có, không, sinh, diệt nhưng từ từ bằng cách khéo léo đã đưa ta ra khỏi những ý niệm có, không, sinh, diệt để đi tới cái không sinh, không diệt.

Theo giáo lý trung đạo thì không có cũng không không, không sinh cũng không diệt, không chủ thể cũng không đối tượng. Trí tuệ mà ta sử dụng để đưa ta từ bình diện tích môn tới bình diện bản môn gọi là trí tùy thuận.

Ta thấy giáo lý duyên khởi trình bày theo 12 chi chỉ có khả năng giải thích quá khứ, hiện tại, vị lai, luân hồi mà không có khả năng đưa ta tiếp cận được với thế giới vô sinh bất diệt.

Vì vậy chúng ta phải sắp đặt lại 12 chi:

Vì vô minh nên ta thấy thế giới này là các hành, có ngã, có pháp, và thế giới ta đang sống là thế giới của biến kế chấp (the world of mental constructions). Vì sống trong thế giới của biến kế chấp nên ta thấy có ngã, có chủ nhân, có tác giả và thọ giả. Vì thấy có ngã và có những cái không phải ngã nên ta bị kẹt vào ý niệm có và không (hữu vô). Vì kẹt vào ý niệm hữu và vô nên ta bị kẹt luôn vào ý niệm có sinh và tử. Vì kẹt vào ý niệm sinh tử nên ta phải luân hồi.

vô minh ( thức phân biệt )                 minh

hành ( có ngã, có pháp )                     hành ( duyên sinh – tương tức )

thủ ( có tác giả – thọ giả )                   vô ngã

hữu vô                                           vượt thoát hữu vô

sinh tử                                           vô sinh diệt


luân hồi                                          Niết bàn

(E)                                                    (F)

Ví dụ như đám mây. Khi ta bị kẹt vào hình tướng của đám mây nên ta thấy đám mây có hay không có. Vì vô minh nên ta thấy có các hành, có chủ thể đi ngang qua sinh diệt. Sinh là từ không mà trở thành có và diệt là từ có mà trở thành không. Ý niệm về hữu, vô kéo theo ý niệm về sinh, tử và khi thấy có sinh tử thì ta phải luân hồi (E).

Nếu có chánh kiến (minh) thì ta thấy các hành là duyên sinh, là tương tức. Ta thấy được sự thật vạn vật là vô ngã, ta vượt thoát hữu vô (trong kinh Katyayana Bụt nói chánh kiến là cái thấy vượt thoát hữu và vô). Vượt thoát quan niệm hữu vô thì ta vượt thoát luôn quan niệm về sinh tử. Như đám mây thật sự nó không có sinh diệt mà ta tưởng là nó có sinh diệt. Vượt thoát được sinh diệt là Niết bàn (F).

Bộ 6 chi trên sẽ đưa ta tới trung đạo để tiếp cận với vô sinh bất diệt một cách dễ dàng. So sánh bộ 6 chi và bộ 12 chi ta thấy:

vô minh ——– vô minh                                     minh

hành ——- hành ( không thấy duyên khởi)            hành ( thấy được duyên khởi, tương tức)

thức ——- vọng thức ( 識)                                  thức phân biệt (trí 智 )

danh sắc

lục nhập

xúc

thọ ái

thủ ——– có tác giả – thọ giả (có ngã)                   vô ngã

hữu ——- có hữu-vô                                           vượt thoát hữu – vô

sinh ——- có sinh- diệt                                       vô sinh – diệt lão tử

—————- ——————————-
luân hồi                                                             Niết bàn

(G)

Trong bộ 12 chi cũng có sinh, tử, hữu. Thủ là mắc kẹt, là vướng vào (upādāna). Thủ tương đương với tác giả và thọ giả, ta và người, và đưa tới ba thứ mặc cảm (thua người, bằng người hay hơn người). Thức phải được đưa vào trước hành. Vì có vô minh nên ta có nhận thức phân biệt (mind of discrimination), nếu có chánh kiến (minh) thì ta có, vì có vọng thức nên ta thấy sự vật là có ngã, ta phân biệt tác giả và thọ giả, rồi ta thấy có hữu vô, sinh tử và luân hồi. (G)

Nếu muốn ta có thể lập lại bộ 12 chi thành bộ 6 chi:

  1. vô minh               1. vô minh
  2. thức                      2. vọng thức
  3. hành                     3. hành
  4. thủ                        4. tác giả – thọ giả
  5. hữu                       5. hữu – vô
  6. sinh                      6. sinh – tử

—————–
luân hồi

(H)

Trong hành đã có năm uẩn, nên danh sắc, lục nhập, ái đều nằm trong hành. Căn cứ trên kinh Như Thị Ngữ và Vô Vấn Tự Thuyết ta thiết lập lại được một bộ duyên khởi để có thể giúp ta tiếp cận được với vô sinh bất diệt: Ta có thể bắt đầu bằng vô minh, rồi tới vọng thức, hành, tác, hữu vô, sinh tử, luân hồi. Khi vô minh không còn thì vọng thức trở thành trí tuệ. Có trí tuệ thì ta chứng nhập được vô ngã và ta vượt thoát được sinh diệt và đạt được Niết bàn.

Giáo lý duyên khởi nếu trình bày như vậy mới có thể giúp cho người ta thấy được sự thật, còn không người ta sẽ nghĩ rằng mục đích của người tu là chống đối cái hữu và đi tìm cái vô. Đó là một sự sai lầm rất lớn, vì mục đích của thiền quán là siêu việt hữu và vô, sinh và tử mà không phải là siêu việt hữu và sinh.

Trong thời của Bụt, nhiều người nghĩ rằng luân hồi là khổ nên họ muốn chấm dứt luân hồi để cho hết khổ. Người ta bị ám ảnh bởi ý nghĩ đó, và luân hồi mà người ta hiểu là sự luân hồi của một linh hồn bất diệt (ātma). Sau khi hết luân hồi thì ātma đó sẽ hội nhập với Brahmā tức Thượng đế. Như vậy thì người ta sẽ không đi tìm cái hư vô.

Mục đích của đạo Bụt là đạt tới vô sinh. Vô sinh ở đây có nghĩa là vô sinh bất diệt, đạt được vô sinh là đạt được luôn bất diệt. Đạt được vô sinh bất diệt thì ta thoát khỏi ý niệm về hữu và vô. Lúc đó ta có chánh kiến và ta được giải thoát. Ta không xóa bỏ cái hữu để đi tìm cái vô, ta không đi tìm cái chết vĩnh viễn để khỏi phải sinh ra trở lại.

Cách trình bày giáo lý Duyên khởi theo 12 chi có thể làm cho người ta hiểu lầm tai hại. Người ta nghĩ mục đích của người tu là phá bỏ cái hữu và đi tìm cái vô để khỏi phải sinh trở lại. Nhưng vô sinh có nghĩa là không có sinh, không có diệt mà không cần phải chết đi. Khi đám mây biết mình là không sinh không diệt thì nó đã ở trong Niết bàn. Nó không cần phải chết đi mới vào được Niết bàn. Trong khi đó có rất nhiều người, kể cả những Phật tử, nghĩ rằng phải chết đi thì mới vào được Niết bàn. Người ta hiểu sai cho đến nỗi ở Malaysia có một hãng chuyên lo đám tang cho người chết mà lấy tên là Nirvana, như vậy Nirvana có nghĩa là chết. Nếu đám mây biết mình không chết mà chỉ biến chuyển thôi, biến chuyển thành mưa, thành sông, thành hơi nước, rồi lại trở thành đám mây thì đám mây sẽ không thấy có hữu vô, sinh diệt và nó thoát khỏi luân hồi. Đám mây không cần phải chết mới đi luân hồi. Đám mây làm sao chết được và chúng ta cũng giống như đám mây vậy.

Những điểm yếu của giáo lý Mười hai nhân duyên theo cách trình bày cũ

Chúng ta thấy giáo lý Mười hai nhân duyên theo cách trình bày cũ là của Phật giáo, nhưng đó không phải là liễu nghĩa, không có khả năng đưa ta tới tương ưng với Niết bàn. Mười hai nhân duyên được dạy để giải thích sự liên tục luân hồi mà không phải là một nhận thức luận: vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, lão tử. Trước hết là vô minh (ignorance, wrong perception), vì vô minh nên có hành.

Sự trình bày về duyên khởi có mục đích giảng bày nhận thức luận 認 識 論 (épistémologie, la théorie de la connaissance). Nhưng giáo lý Mười hai nhân duyên không giảng bày nhận thức luận mà có mục đích giải thích luân hồi, nó là nhân sinh luận 人 生 論, là kết sinh tương tục luận 結 生 相 續 論. Hai bên có hai mục đích khác nhau. Cách trình bày mới về duyên khởi có vô thường, duyên khởi và trung đạo, nhưng bộ Mười hai nhân duyên không có khả năng diễn bày được con đường trung đạo. Vì vậy chúng ta nên sử dụng bộ nhân duyên mới để có thể đưa hành giả tiếp xúc được với Niết bàn. Kết sinh tương tục luận chỉ giải thích tại sao kiếp này tiếp nối kiếp khác để có luân hồi. Hành trong Mười hai nhân duyên không có nghĩa là thế giới hiện tượng mà là những sức đẩy của ba nghiệp thân, khẩu và ý để đưa tới luân hồi. Một vài lý do khiến ta nhận thức rõ ràng là ta phải sử dụng một bộ nhân duyên mới có khả năng đưa chúng ta tiếp cận với Niết bàn:

1. Bộ Mười hai nhân duyên trình bày duyên khởi theo con đường dọc (linear), trong khi đó giáo lý của đạo Bụt không phải là con đường thẳng, không phải cái này sinh ra cái kia rồi cái kia sinh ra cái khác. Bộ Mười hai nhân duyên cho chúng ta có cảm tưởng vô minh là nguyên nhân đầu tiên, nhưng trong đạo Bụt không có nguyên nhân đầu tiên.

Chúng ta có thể nói như thế này: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc. Vì vô minh nên ta thấy các hiện tượng có ngã, có pháp và thường còn. Vì thấy các sự vật là thường còn và đứng ngoài nhau nên ta lại càng vô minh hơn. Vô minh duyên hành rồi hành duyên vô minh. Hai nhân duyên đó cũng đã đủ. Thấy có hành là một nhận thức sai lạc, là nhận thức phân biệt (discriminatory consciousness). Trong Duy thức gọi là biến kế chấp (parikalpita). Biến kế chấp là thế giới được tạo dựng bởi tâm thức mà không phải là thế giới của sự thật. Có vọng thức phân biệt nên ta thấy sự vật là thường, là có ngã và có ngoài nhau. Vì vậy vô minh duyên hành nhưng cũng duyên thức, và thức cũng duyên vô minh và duyên hành. Vì có nhận thức phân biệt nên ta thấy thân và tâm là hai cái khác nhau, rồi ta đặt những câu hỏi như linh hồn và thể xác là hai hay là một, v.v… Vì vậy vô minh cũng duyên danh sắc. Bốn nhân duyên vô minh, hành, thức, danh sắc đều tương duyên với nhau, nói như vậy mới đúng là đạo Bụt.

2. Hành nghiệp có trước danh sắc là không hợp lý. Bộ Mười hai nhân duyên buộc chúng ta phải hiểu chữ hành là samskāra tức là sức đẩy của nghiệp mà không phải là thế giới chúng ta trông thấy, thế giới được tạo dựng lên bởi tâm thức, trong đó có các sự vật nằm ngoài nhau như những cái ngã và những cái pháp có tự tánh. Bộ Mười hai nhân duyên không cho chúng ta thấy được giáo lý sâu sắc của Bụt “chư hành là Không”. Nếu cho hành là ba nghiệp thì đây là một điểm yếu vì danh sắc chưa xuất hiện ở đây. Chưa có thân tâm thì làm sao có ngữ nghiệp và thân nghiệp. Hành nghiệp có trước danh sắc là không hợp lý.

3. Nếu hành (saṃskāra, formations) là thế giới hiện tượng thì thế giới hiện tượng đó là năm uẩn (skandhas) tức sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Như vậy năm uẩn là tất cả, ngoài năm uẩn và đối tượng của năm uẩn ra thì không có gì cả.

Chữ hành trong bộ Mười hai nhân duyên có nghĩa là năm thủ uẩn (upādāna). Các uẩn là vô thường, là duyên sinh, là tương tức, nhưng vì ta không thấy được như vậy nên ta bị kẹt vào các uẩn, đó gọi là thủ uẩn. Sự vật không như vậy nhưng ta thấy như vậy nên ta bị vướng vào nó.

Hành là năm thủ uẩn, và trong uẩn có sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Trong hành của bộ Mười hai nhân duyên đã có thức, danh sắc, lục nhập, xúc, như vậy hành ở đây bao hàm tất cả thức, danh sắc, lục nhập và xúc.

Người giác ngộ nhìn uẩn mà không kẹt vào uẩn nên uẩn của người giác ngộ không phải là thủ uẩn. Thế giới của hiện tượng là thế giới của năm uẩn, trong đó bao gồm cả thức, danh sắc, lục nhập và xúc.

4. Điểm yếu thứ tư là thọ. Chúng ta phải hiểu có ba loại thọ: khổ thọ, lạc thọ và xả thọ. Nhưng chữ thọ trong mười hai nhân duyên chỉ có nghĩa là lạc thọ, vì nếu có khổ thọ thì không có ái 愛. Khổ thọ có thể đưa tới chán ghét, bỏ đi tự tử,v.v… tức là ố 惡 . Trong thọ phải có khổ thọ, lạc thọ và vì vậy có ái và có ố. Có ái thì sinh thủ 取 tức là bám lấy. Còn khổ thọ thì đưa tới xả 捨 tức là vứt đi, dẹp đi. Như vậy thọ không hẳn chỉ đưa tới ái, thọ còn có thể đưa tới ố. Thọ phải đưa tới ái và ố.

5. Thủ phải đi đôi với xả hay khí 棄.

6. Nếu có thủ và xả thì phải có hữu và vô. Nếu ta ghì chặt, ta tham đắm thì ta muốn có cái hữu. Nhưng nếu ta chán thì ta đi tìm cái vô. Hữu phải đi đôi với vô.

7. Chỗ yếu quan trọng nhất của bộ Mười hai nhân duyên là làm cho người ta hiểu lầm người Phật tử chối bỏ hiện hữu để đi tìm cái hư vô, chán ghét bhāva mà đi tìm vibhāva. Trong khi đó giáo lý của Bụt dạy ta phải vượt thoát cả hữu và vô, vì sự thật không nằm trong hữu và vô. Giáo lý Mười hai nhân duyên bảo ta phải từ khước, phải tiêu diệt cái hữu, như vậy rất dễ dẫn đến sự hiểu lầm là người Phật tử đi tìm cái hư vô hoại diệt và chán ghét bhava mà đi tìm vibhāva. Theo nhận thức đó thì Niết bàn là cái hư vô tuyệt đối (non being). Trong khi đó Bụt nói: “Nói có là sai lầm mà nói không cũng là sai lầm”. Đây là chỗ yếu rất nguy hiểm của Mười hai nhân duyên, nó làm cho người ta có cảm tưởng rằng chúng ta có mục đích phá bỏ cái hữu để đi tìm cái vô, nghĩa là đừng sinh ra và chết đi nữa.

Điều này nói lên những ảnh hưởng của Bà la môn giáo vào thời đại của Bụt, họ cho rằng luân hồi là khổ nên đừng luân hồi thì hay hơn. Bà la môn giáo nói rằng tiểu ngã đi luân hồi, nhưng khi hết luân hồi thì nó được trở về với đại ngã Phạm Thiên, vì họ tin là có một linh hồn bất tử. Nếu ta không theo Bà la môn giáo, ta không tin vào linh hồn bất tử và ta không muốn có hữu để khỏi phải sinh trở lại nữa, thì điều đó có nghĩa là ta đi tìm sự hoại diệt hư vô. Như vậy bộ Mười hai nhân duyên không có khả năng đưa ta tới tương ưng với Niết bàn. Điều này trái với giáo lý trung đạo của Bụt. Chỉ có trung đạo mới đưa ta tiếp cận được với Niết bàn. Bụt đã dạy rất nhiều lần là sự thật vượt thoát cả cái có và cái không. Chúng ta không nên vướng vào hữu, cũng không nên vướng vào không.

8. Phải nói là vô sinh bất diệt mới đúng. Mục đích của đạo Bụt không phải là không còn sinh ra nữa. Mục đích của đạo Bụt là vượt thoát sinh và tử. Vô sinh trong đạo Bụt có nghĩa là không sinh cũng không diệt. Nếu nói không muốn sinh ra nữa tức là chấp nhận cái diệt kéo dài (eternal death). Hoại diệt là chết vĩnh viễn, như vậy mục đích của sự thực tập Bát chánh đạo là đưa tới cái chết vĩnh viễn sao? Nói như vậy thật là tội cho đức Thế Tôn.

9. Bộ Mười hai nhân duyên không tương ưng với Trung đạo và giáo lý Không chư hành (Không chư hành có nghĩa là tất cả các pháp đều không có tự tánh).

10. Bộ Mười hai nhân duyên chỉ có mục đích giải thích sự kết sinh tương tục. Mười hai nhân duyên chỉ nói về quá khứ, hiện tại, vị lai và giải thích tại sao chúng ta cứ phải luân hồi sinh tử chứ không trình bày được nhận thức luận của đạo Bụt.

Nếu muốn sắp đặt lạ bộ Mười hai nhân duyên thì ta phải trình bày lại:

Vô minh

Hành

Thức phân biệt

Ái ố

Thủ xả

Hữu vô

———————–

Luân hồi

Vì vô minh nên thấy thế giới có ngã và pháp riêng biệt, trong đó có năm uẩn và năm uẩn đó là đối tượng của thức phân biệt. Thức phân biệt đưa tới ái và ố, ta thích cái này và ghét cái kia. Vì có ái, ố nên có thủ và xả, ta muốn ôm lấy cái này và ghét bỏ cái kia, ta muốn có cái này (hữu) và không có cái kia (vô). Đã có quan niệm hữu vô thì có quan niệm về sinh tử, mà có sinh tử thì có luân hồi.

Nếu không có vô minh ta thấy hành là duyên khởi, là tương tức. Thấy được như vậy thì ta có trí tuệ, ta không còn phân biệt. Ta vượt thoát ái-ố, thủ-xả và vượt thoát cái thấy có-không, sinh-diệt. Ta có Niết bàn và sự không sợ hãi.

Cách trình bày duyên khởi của Mười hai chi không đủ sức đưa người tiếp cận với chính kiến đích thực, nghĩa là cái thấy vượt khỏi có không, sinh diệt, còn mất, tới đi, v.v… Chánh kiến là nền tảng của Bát chánh đạo, con đường vương đạo đưa tới Niết bàn. Chánh kiến không phải chỉ là niềm tin nơi nhân quả thiện ác, mà là cái thấy cao nhất của đạo Bụt: cái thấy không sinh diệt, hữu vô, cấu tịnh, nhất dị, lai khứ, cái thấy duyên sinh có thể làm tiêu tan mọi biên kiến, mọi kỳ thị, mọi phân biệt, nguồn gốc của tất cả những phiền não khổ đau như sợ hãi, oán thù, tuyệt vọng, thèm khát. Nếu không có chính kiến thì không thể nào thực sự có chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, v.v… nghĩa là bảy yếu tố khác của con đường Bát chánh. Giáo lý của Mười Hai Chi không những không giúp đưa ta tới cái thấy ấy mà còn có thể gây hiểu lầm tai hại, khiến cho rất nhiều người, trong đó có cả thầy Yamaka (Diệm Ma Ca) hiểu lầm rằng mục đích của sự tu tập là đi tới cái đoạn diệt vĩnh viễn (eternal death).

Đưa giáo lý Mười Hai Chi vào các kinh như kinh Ca Chiên Diên (Tạp A Hàm 301), kinh Không Tương Ưng Duyên Khởi Tùy Thuận (Tạp A Hàm 293), kinh Đại Không Pháp (Tạp A Hàm 297), kinh Duyên Sinh Pháp (Tạp A Hàm 296), kinh Đệ Nhất Nghĩa Không (Tạp A Hàm 297), v.v… nghĩa là những kinh nói về Không, về liễu nghĩa, là tạo mâu thuẫn cho các kinh này, bởi vì nó không có công năng tùy thuận giúp cho cái thấy của ta tương ứng được với Không, với Niết bàn, với chánh trí. Kinh Không Tương Ưng Duyên Khởi Tùy Thuận (Tạp A Hàm 293) đã dạy về chuyện này. Cụm từ không tương ưng duyên khởi tùy thuận (sūnyatāpratisamyukta pratītyasamutpādānulomatā) có nghĩa là: tùy thuận duyên khởi có khả năng đưa tới sự tương ứng với Không Mười hai chi tuy nói về duyên khởi nhưng không làm được việc ấy, và không đại diện cho tùy thuận trí (anulomatajñāna).

Trong ánh sáng của những điều kể trên, ta có thể trình bày lại đơn giản hơn giáo lý Mười hai chi để có thể tương ứng với Không như sau:

  1. Vô minh
  2. Hành
  3. Thức
  4. Danh sắc
  5. Khổ Lạc Thọ
  6. Ái Ố
  7. Thủ Xả
  8. Hữu Vô
  9. Sinh Diệt
  10. Luân hồi

Ta có thể giải thích như sau: Vì vô minh nên thấy các hành (như là ngã và pháp), và thấy thức là chủ thể (tách rời khỏi đối tượng), thấy thân và tâm (danh và sắc) là hai thực tại có thể tách rời nhau mà tồn tại, rồi mới có xảy ra chuyện yêu cái này ghét cái kia (ái ố), rồi mới có tâm muốn lấy cái này bỏ cái kia (thủ xả), mới bị kẹt vào hoặc cái hữu hoặc cái vô (hữu vô) và rốt cuộc bị giam giữ hoài trong các ý niệm có sinh và có tử (sinh diệt), phải luân hồi mãi mà không thực chứng được Niết bàn. Tuy nhiên, hai chi Thức và Danh Sắc không cần thiết lắm, bởi vì Hành đã là năm uẩn rồi, trong khi Thức và Danh Sắc đều đã có mặt trong uẩn với tư cách là các Hành.

Bốn Chi và Năm Chi

Theo kinh Ca Chiên Diên ta có thể thiết lập:

  1. Vô minh
  2. Hữu Vô
  3. Sinh Tử
  4. Khổ

Theo kinh Như Thị Ngữ và Vô Vấn Tự Thuyết:

  1. Vô minh
  2. Sinh Diệt
  3. Hữu Vô
  4. Tác giả Thọ giả
  5. Hữu vi Vô vi

Nói tóm lại, có thể có nhiều lối trình bày Duyên Khởi giúp ta tương ưng được với Chính Kiến. Và cách trình bày hay nhất là không theo chiều dọc mà theo chiều

tương duyên, trong đó các chi đồng thời duyên nhau, không có chi nào có trước và chi nào có sau, ví dụ: