Chương 2: Ăn cơm không suy nghĩ

Tắt radio trong khi ăn cơm

Trước khi đọc năm quán chúng ta nên chia sẻ thêm: Xin đại chúng nhớ rằng ngoài đời, mỗi khi ăn cơm người ta cũng tắt tivi. Vậy ở chùa, trong khi ăn cơm chúng ta cũng tắt luôn cái radio NST (non-stop thinking: suy nghĩ liên tục không ngừng).

Trong khi ăn mà suy nghĩ thì ta ăn tư duy của mình chứ không phải ăn cơm. Tư duy của ta thường là tà tư duy, ta suy nghĩ lung tung, trong kinh gọi là tán tâm tạp thoại. Tán tâm là tâm ý bị tán loạn, tạp thoại là nói chuyện tầm bậy.

Nhà ăn, tức “thực đường” trong chùa thường gọi Ngũ quán đường 五 觀 堂 có nghĩa là nơi mà trong đó người ta thực tập năm quán. Có thể nói năm quán mới của chúng ta có tiến bộ hơn so với năm quán của truyền thống. Trước khi ăn chúng ta đọc ngũ quán một lần, sau đó có thể là ta đánh mất năm quán khi ăn và ta bị tán tâm tạp thoại. Tuy không nói ra bên ngoài nhưng ta nói chuyện ở trong tâm (mental discourse, le discours mental). Chúng ta cũng nên nhắc lại năm quán trong truyền thống để cùng nhau làm mới lại:

1.   Kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ

Kế công đa thiểu là xét xem công phu làm ra cơm này nhiều hay ít.

Trong năm quán mới của chúng ta là: Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác. Câu này không những theo đúng truyền thống mà hình ảnh trong đó lại còn đẹp hơn nữa, đó là hình ảnh “tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác”.

Lượng bỉ lai xứ là suy nghĩ xem thức ăn này từ đâu tới. Thức ăn này tới từ trời đất, là tặng phẩm của đất Mẹ và cha Trời.

2.   Thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng

Ứng cúng có nghĩa là có xứng đáng để được nhận thức ăn này hay không. Ta xem xét đức hạnh của ta có xứng đáng để thọ nhận thức ăn này hay không.

Trong năm quán mới thì nói văn vẻ hơn: Xin nguyện ăn trong chánh niệm để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.

3.   Phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tôn

Quá là lầm lỗi. Giữ gìn tâm đừng để sa vào tật xấu, mà tật xấu thứ nhất là tham ăn. Trong năm quán mới là: Khi ăn xin nhớ nhận diện những tâm hành xấu, nhất là tật ăn uống không có chừng mực.

4.   Chính sự lương dược, vị liệu hình khô

Trong khi ăn phải xem thức ăn như thuốc có công năng làm cho thân thể ta không ốm yếu gầy mòn.

Tôi thấy hơi tội nghiệp, ăn cơm mà cứ xem như uống thuốc thì trong khi ăn ta không thấy cơm ngon. Tôi nghĩ khi Bụt được vua Tần Bà Sa La hay vua Ba Tư Nặc cúng dường một bữa cơm thịnh soạn thì chắc là Bụt ăn cũng thấy ngon. Ngài có ca ngợi thức ăn của các vua nên ta biết là Bụt cũng biết ngon. Ngài ăn trong chánh niệm và Ngài cũng biết thưởng thức thức ăn.

Trong năm quán mới chúng ta đi xa hơn, ta cho phép mình biết được giá trị của thức ăn và biết thưởng thức thức ăn, miễn là ta đừng tham ăn. Ngon thì ta phải biết là ngon, dở thì ta phải biết là dở, tuy trên hình thức ta không được chê dở. Tôi biết các thầy Nam tông trong khi ăn không được khen ngon hay chê dở, nhưng trong bụng vẫn biết là ngon hay dở. Một lần tôi được mời ăn xoài với xôi, thấy ngon quá nên tôi nói: Ngon quá đi! Các thầy ở Thái Lan có thấy ngon thì cũng giữ trong bụng mà không nói ra.

5.   Vị thành đạo nghiệp, ứng thọ thử thực

Vì muốn hoàn thành sự nghiệp tu học và giúp đời nên hôm nay mới tiếp nhận thức ăn này.

Trong năm quán mới là: Vì muốn xây dựng tăng thân và nuôi dưỡng tình huynh đệ nên chúng con xin thọ nhận thức ăn này.

Nhiều thầy và sư cô Làng Mai, vì tu tập theo pháp môn Làng Mai, dùng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh nên không biết những câu chữ Hán này. Đây là cơ hội để quý vị biết ngày xưa người ta đọc năm quán như thế nào.

Trước năm quán truyền thống, vị duy na thường đọc thêm câu khai thị:

Phật chế tỳ kheo, thực tồn ngũ quán, tán tâm tạp thoại, tín thí nan tiêu! Đại chúng văn khánh thanh, các chánh niệm.

Hiện nay tại Huế ở Việt Nam hay bên Trung Quốc vẫn còn đọc câu khai thị trên.

Phật chế tỳ kheo, thực tồn ngũ quán: Phật đã thiết lập ra thể chế rằng vị tỳ kheo trong khi ăn phải duy trì năm phép quán. Thật ra sau khi đọc năm quán, ta ăn và ta không quán tiếp nữa. Chúng ta phải tìm phương pháp để duy trì năm phép quán trong suốt bữa ăn. Nếu không biết cách thì sau khi đọc xong năm quán ta quên mất, và ta lại tiếp tục vừa ăn vừa suy nghĩ, gọi là tán tâm tạp thoại.

Tán tâm tạp thoại: Ta để tâm phân tán và suy nghĩ lung tung, nghĩ thế này về người này, nghĩ thế kia về người kia rồi ta buồn giận, chán nản.

Tín thí nan tiêu tức là ăn như thế thì không tiêu được những vật mà thí chủ đem tới cúng dường.

Đại chúng văn khánh thanh, các chánh niệm: Xin đại chúng khi nghe tiếng khánh thì duy trì chánh niệm.

Khai thị xong, mọi người chắp tay lại để lắng nghe một người đọc năm quán hoặc mỗi người tự đọc thầm. Làng Mai chúng ta đi xa hơn, ta nói: Xin nguyện ăn như thế nào để có thể giảm thiểu những khổ đau của muôn loài trên trái đất, bảo hộ được hành tinh này và chuyển ngược lại quá trình thay đổi khí hậu thất thường.

Ta học được từ kinh Tử Nhục, tức kinh Bốn Loại Thức Ăn, là ta phải ăn như thế nào để nuôi dưỡng được lòng từ bi. Đó là một bước tiến của năm quán. Tất cả những cái hay của năm quán truyền thống đều được giữ lại trong năm quán mới, và trong năm quán mới có thêm vào những điều khác. Như vậy là có sự tiến bộ. Chúng ta có thể khai thị như thế này: Bụt và Tăng mời chúng ta ăn cơm trưa trong chánh niệm. Ta hãy để ý tới thức ăn và tăng thân mà đừng suy nghĩ vẩn vơ tới những chuyện quá khứ, tương lai, bên này, bên kia. Ta ăn cơm như thế nào để có thảnh thơi, an lạc và tình huynh đệ trong khi ăn. Đại chúng nghe tiếng chuông xin nhất tâm thực tập năm quán.

Khi ăn cơm chúng ta phải ăn như thế nào để có thảnh thơi, có tình huynh đệ, có hạnh phúc trong khi ăn. Muốn làm được như vậy thì chắc chắn ta phải chấm dứt sự nói năng và sự suy tư. Trong mùa An cư năm nay chúng ta lại thêm vào: Trong khi ăn chúng ta nên tắt cái radio NST (non-stop thinking) đi, đừng suy nghĩ nữa mà chỉ chú ý tới thức ăn. Ở Làng Mai chúng ta được dạy rất kỹ là trong khi ăn ta chỉ nên chú ý tới hai thứ: thức ăn và những người cùng ngồi ăn với mình.

1.   Thức ăn

Mỗi khi gắp một miếng cà rốt hay một miếng đậu hủ lên, ta phải nhìn miếng cà rốt hay miếng đậu hủ đó trong một giây và thấy được đó là tặng phẩm của đất trời. Ta thấy trong đó có sương, tuyết, đất, nước, gió, ánh sáng mặt trời, v.v… Tất cả vũ trụ cùng có mặt để tạo ra miếng cà rốt cho chúng ta ăn. Chỉ cần một hay hai giây là ta có thể thấy được điều này, đó là tuệ. Có một chút niệm và định là ta có được tuệ. Đưa miếng cà rốt lên nhìn một chút, ta thấy được công phu của cả đất trời và công phu của người nấu, ta thấy được chân tướng của miếng cà rốt. Miếng cà rốt giống như một viên đại sứ mà đất trời đã gửi tới để nuôi mình. Thấy được điều đó lòng ta khởi lên một niềm biết ơn. Đưa miếng cà rốt vào miệng, ta tiếp xúc được với đất trời thay vì tiếp xúc với những suy nghĩ vẩn vơ và buồn giận. Để ý tới thức ăn rất quan trọng, nếu có chánh niệm thì ta sẽ thấy được cả vũ trụ trong một hạt gạo hay trong một hạt đậu phộng. Cây lúa hay cây đậu phộng mọc lên từ đất, chúng lấy những chất dinh dưỡng từ đất. Trong những chất dinh dưỡng đó có biết bao nhiêu hình hài đã bị tiêu hủy của những loài đã sống và đã chết. Có thể trong hạt gạo hay hạt đậu phộng đó có xương cốt của ông bà, cha mẹ ta. Bao nhiêu thế hệ đã chết và hình hài của họ đã tan rã. Lớp đất được làm bằng những chất hữu cơ và trong chất hữu cơ đó là hình hài tan rã của các loài như lá cây, sâu bọ, thú vật và con người. Có thể trong kiếp trước ta cũng đã ngồi và chết ở đó, xương cốt của ta cũng đã tan rã ở đó. Bây giờ ta đang ăn hạt gạo hay hạt đậu phộng cũng chính là ta đang ăn xương cốt của chính mình. Đó là cái thấy sâu sắc. Ăn như vậy thì ta có tuệ giác rất nhiều trong suốt bữa ăn. Ăn không phải cho có sức khỏe để tu mà ăn chính là tu. Đó là sự thực tập năm quán.

Ăn với lòng biết ơn thì thức ăn sẽ rất nuôi dưỡng. Ta ăn với lòng từ bi, nếu không có lòng từ bi thì cũng như ta ăn thịt con mình như trong kinh Tử Nhục đã nói. Kinh Tử Nhục là kinh nói về bốn loại thức ăn. Trong khi ăn ta dừng sự suy nghĩ để chú ý tới thức ăn. Một miếng đậu hủ, một miếng cà rốt, một hạt đậu phộng, một muỗng cơm, tất cả đều là đề tài của sự quán chiếu, đều là chủ đề của thiền, mà nếu tán tâm tạp thoại thì ta sẽ không thực tập được.

2.   Tăng thân

Tăng thân là các anh, các chị, các em, các bạn đang ngồi ăn với ta. Nhờ phước đức nên bây giờ ta mới có được một gia đình tâm linh đầm ấm. Nếu ta không nhìn họ, ta không nhận diện sự có mặt quý giá của họ thì rất uổng vì mai mốt có thể mỗi người đi một ngả. Mai mốt thầy tịch, sư anh đi Hoa Kỳ, sư em đi Thái Lan, v.v… làm sao chúng ta còn ngồi với nhau được nữa? Vì vậy khi ngồi với nhau chúng ta để ý tới thức ăn và những người cùng ngồi ăn với mình. Thực tập như vậy làm phát khởi lòng biết ơn là những người khi đang còn sống và đang ngồi với mình. Ăn cơm như vậy thì chắc chắn ta sẽ có hạnh phúc.

Bốn loại thực phẩm

1.   Đoàn thực (edible food)

Đoàn thực là những thức ăn đi vào bằng đường miệng.

2.   Xúc thực (sense impression)

Xúc thực là thức ăn ta đưa vào bằng mắt, bằng mũi, bằng da và bằng ý tưởng. Ta ăn bằng sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Xem tivi, đọc báo, đọc sách đều là xúc thực. Những chương trình tivi, những bài báo hay tiểu thuyết là những thức ăn có thể chứa đựng độc tố. Nếu ta không biết tự phòng hộ trong khi xem, nghe hay đọc những chương trình đó thì ta đều có thể đưa vào thân tâm ta những chất độc hại. Vì vậy xúc thực rất quan trọng, ta phải chọn những thức ăn lành. Ví dụ như khi sử dụng internet. Internet có thể là một nguồn thức ăn lành mạnh hữu ích, nhưng cũng có thể là một nguồn thức ăn độc hại. Ta phải có chánh niệm để phân biệt được những nguồn thức ăn lành mạnh và những nguồn thức ăn độc hại. Vào nhà sách ta chỉ mua những loại sách có thể cung cấp cho ta thức ăn tinh thần bổ dưỡng và lành mạnh, không chứa đựng những hận thù, bạo động và thèm khát. Ta chỉ xem những chương trình tivi không có hận thù, bạo động và thèm khát.

3.   Tư niệm thực (volition)

Tư niệm thực là dự án, là mong muốn, là tâm nguyện, là lý tưởng của mình. Ta sống, ta có mặt trên đời này để làm gì? Mỗi người trong chúng ta đều có một tư niệm, một ước mơ, một hy vọng, một lý tưởng. Hy vọng, ước mơ, lý tưởng của ta có thể rất lành mạnh mà cũng có thể rất độc hại. Ví dụ như những người ăn trộm hay ăn cướp muốn làm giàu nhưng họ làm giàu bằng cách đi đốt làng đốt xóm. Thấy người ta có nhiều của cải thì họ tới ăn cướp mà không muốn tự mình làm ra. Ý muốn làm giàu đó là một loại tư niệm thực không lành mạnh.

Có những người muốn làm thầy giáo giỏi hay cô giáo giỏi để đưa một thế hệ trẻ đi lên. Đó là một loại tư niệm thực rất tốt. Ta muốn giúp cho trẻ em tiếp thu được những gì lành mạnh, từ ái để chúng có hạnh phúc. Ta muốn có một nền giáo dục giúp chuyển hóa được những bạo động, sợ hãi, hận thù trong giới trẻ. Ta muốn bảo hộ sinh môi, bảo hộ trái đất, để thì giờ giúp làm giảm thiểu sự ô nhiễm. Những ước muốn đó đều là tư niệm thực tốt.

Nếu ta ước vọng có thật nhiều tiền, thật nhiều danh vọng, nhiều sắc dục thì đó không phải là tư niệm thực tốt. Có những người chạy theo danh vọng, tiền tài, quyền hành, sắc dục và làm tiêu tán thân và tâm của họ.

4.   Thức thực (consciousness)

Ít người hiểu đúng nghĩa của chữ thức thực, nhiều thầy đã giải thích một cách sai lạc từ thức thực này. Họ hiểu thức thực là thực thức, cho danh và sắc là thức ăn của thức, thức bám vào danh sắc để lớn lên. Ví dụ như sau khi chết ta đi đầu thai, thần thức của ta tìm một danh sắc (thai nhi) để bám vào rồi nương vào đó mà lớn lên. Hiểu như vậy là không đúng.

Thức thực có nghĩa là thức ăn, không phải thức ăn sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ở ngoài mà chính là tâm thức. Tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Tâm thức cộng đồng có thể rất độc hại và tâm thức cá nhân cũng có thể rất độc hại.

Ví dụ như ta tới với một đám người mà trong đó người ta có rất nhiều hận thù, tuyệt vọng. Khi những người có nhiều hận thù, tuyệt vọng ở với nhau thì họ tạo ra một nguồn năng lượng hận thù và bạo động tập thể rất ghê gớm. Gần họ ta cảm thấy năng lượng bạo động đó đang đi vào trong cơ thể và tâm hồn của ta. Có những khu phố có rất nhiều bạo động và hận thù. Thấy nhà cửa ở đó rẻ, ta tới thuê hay mua nhà ở đó thì ta lãnh đủ và con cháu ta cũng lãnh đủ, vì chung quanh, người ta suy tư và hành động rất bạo động và hận thù. Từ từ năng lượng bạo động và hận thù đó đi vào trong thân và tâm con cháu mình. Đó là tâm thức cộng đồng (collective consciousness).

Mạnh Tử là một nhà triết học Trung Quốc. Một hôm bà mẹ của Mạnh Tử thấy con mình chạy về nhà mũi chảy lòng thòng, áo quần rách rưới dơ bẩn. Bà buồn chán vì bà biết nó vừa đánh nhau với bọn con nít thất học trong xóm. Trong xóm chỉ có lò sát sinh, bọn con nít không được đi học.

Vì vậy thay vì đánh mắng con thì bà suy nghĩ để tìm cách dời nhà đi nơi khác. Bà làm việc khuya hơn, dệt vải nhiều hơn để có thêm tiền và cuối cùng bà đã quyết định đi định cư ở một làng mà nơi đó con nít được đi học, được ăn mặc sạch sẽ và môi trường lành mạnh hơn. Nhờ vậy Mạnh Tử đã lớn lên và trở thành một nhà triết học.

Tới Làng Mai chúng ta thấy thầy nào, sư cô nào, Phật tử nào cũng thực tập chánh niệm, cũng học cách phát khởi tâm từ bi. Ta thấy năng lượng tập thể ở Làng Mai lành và ta được nuôi dưỡng bởi năng lượng lành mạnh đó. Đó là thức thực tốt. Ta phải chọn môi trường có năng lượng tập thể tốt để ở. Nếu khu phố ta đang ở có quá nhiều bạo động, hận thù thì ta phải tìm cách rời khỏi nơi đó càng sớm càng tốt. Ta phải tìm một khu phố nào mà người ở đó sống thảnh thơi, nhẹ nhàng hơn để ta có thể thừa hưởng được những nguồn thức thực lành mạnh.

Đó là tâm thức cộng đồng ở bên ngoài, còn bên trong tâm thức của ta cũng có những chất lành mạnh và những chất độc hại. Trong khi ăn cơm, nếu ta suy nghĩ tán tâm tạp thoại thì ta có thể ăn những độc hại đi ra từ trong tâm của ta. Trong giấc mơ ta thấy những chuyện hoảng sợ, đau thương, đen tối thì ta cũng đang ăn những chất liệu của tiềm thức. Theo Bụt dạy thì trong tâm thức của ta có tất cả, có Tịnh độ, có Thiên đường và cũng có địa ngục, quỷ đói. Nếu ta không biết cách thực tập thì nguồn thực phẩm địa ngục, quỷ đói sẽ trào lên. Ở Newtown bên Mỹ, anh chàng Adam hôm đó nổi khùng lên đã giết mẹ rồi tới trường học giết luôn 20 người. Lúc đó địa ngục trong anh đã trào lên, vì anh đã từng ăn chất liệu của địa ngục và ngạ quỷ. Khi địa ngục, ngạ quỷ trào lên thì anh trở thành người địa ngục, người ngạ quỷ. Những chất liệu của tình thương, của hiểu biết lặng mất nên anh đã cầm súng giết chết cả mẹ mình, giết luôn những thầy giáo và những trẻ con khác. Địa ngục hay thiên đường không nằm ở ngoài ta mà nằm ngay trong tâm ta.

Vì vậy ta phải cẩn thận chọn lựa, ta phải thực tập chánh tư duy, thực tập chánh niệm để đừng tiêu thụ những thức ăn độc hại trong tâm thức. Ta có những kinh nghiệm đau buồn, ta có thể có những khổ đau trong quá khứ, ta có thể bị lạm dụng tình dục, bị đánh đập hành hạ. Những khổ đau đen tối đó vẫn còn trong tiềm thức ta và ban đêm thỉnh thoảng có những giấc mơ trồi dậy. Những kinh nghiệm của ngày xưa trở về giống như ta đang nhai lại một lần nữa. Tư duy của ta thường kéo những chất liệu không lành mạnh trong tâm thức ra để nhai lại. Có những đau khổ ta tiếp thu trong tiềm thức rồi ta nhả ra để nhai lại. Ta giống như những loài vật nhai lại. Hàng ngày, trong khi thức cũng như ngủ, ta đều đang tiêu thụ những thức ăn nhai lại của mình. Trong tiềm thức của ta có những cuốn phim đen tối, khổ đau của quá khứ. Mỗi khi rảnh ta chui vào tiềm thức, chiếu lại những cuốn phim đó để sống lại những giây phút đen tối, những kinh nghiệm khổ đau của quá khứ. Chúng ta bị giam giữ bởi quá khứ.

Trong hầm tối của quá khứ có một số phim của những kinh nghiệm khổ đau có thể do tổ tiên, cha ông truyền lại. Khi rảnh rỗi, khi mơ màng, ta đi xuống hầm tối chiếu những cuốn phim đó để xem lại. Những lúc như vậy ta đang tiêu thụ những thức thực không lành mạnh.

Bụt dạy chúng ta thực tập một loại tác ý 作 意 (attention), manaskāra. Chúng ta chỉ chú ý tới những gì giúp cho ta mở ra những khung trời sáng và lành. Ví dụ như khi nghe một tiếng chuông, ta dừng mọi sinh hoạt lại, ta ngưng suy nghĩ, chỉ để ý tới tiếng chuông và hơi thở vào, hơi thở ra. Nghe một tiếng chuông, ta có cơ hội trở về để tiếp xúc với hình hài của mình, ta có cơ hội thở vào và thở ra ba lần để làm lắng dịu thân tâm và ta sống được mấy phút thanh tịnh và an lạc. Để ý tới những đối tượng tốt gọi là như lý tác ý 如 理 作 意, tiếng Phạn là yoniso-manaskāra. Vì vậy trong một thiền viện người ta sắp đặt như thế nào để có tiếng chuông, tiếng khánh, lời kinh, mái chùa cong, bông hoa nở, tất cả cái gì chung quanh ta cũng đều có khả năng giúp ta tiếp xúc được với những thực phẩm lành mạnh trong ta và quanh ta. Nếu là một kiến trúc sư giỏi thì ta sẽ xây một cái nhà, tạo ra một khung cảnh như thế nào để giúp người ta mỗi khi nghe hay thấy bất cứ cái gì cũng đều tiếp xúc được với cái lành mạnh trong tâm ý của họ. Đó là như lý tác ý.

Khi nghe tiếng chuông, có những người chú ý tới tiếng chuông, tới hơi thở và có được những phút giây bình an. Nhưng cũng có những người không lắng nghe tiếng chuông mà chỉ nghĩ tới những buồn khổ, bực bội của mình. Đó không phải là như lý tác ý. Hằng ngày ta tiếp xúc với những tiêu cực có rất nhiều trong thế gian. Ta xem phim trên Tivi, mục đích của ta là xem phim nhưng cứ nửa tiếng hay 15 phút là phim dừng lại để chiếu quảng cáo, những hình ảnh quảng cáo đó đã đánh động tới những thèm khát, những ước muốn của mình:

Anh mua chiếc xe này thì cuộc đời anh lên hương!

Anh mua loại nước hoa đó thì người ta sẽ bu vào anh như ruồi bu vào mật ong!

Quảng cáo thường làm ta chú ý tới những cái tiêu cực. Khi đi chợ ta phải trang bị chánh niệm thật kỹ vì bước vào chợ thì ta rất dễ bị lôi kéo bởi những thứ mà ta không có ý định muốn mua chúng. Như lý tác ý là phương pháp bảo hộ cho ta để ta đừng chú tâm tới những cái không tốt.

Nó có thể đưa ta đi rất xa, đi tới chỗ tiêu thụ không lành mạnh. Đó là phi như lý tác ý 非 如 理作 意 , ayoniso-manaskāra. Sự thực tập ăn cơm không suy nghĩ hay đi thiền không suy nghĩ có dính líu tới nguồn thực phẩm thứ tư. Chúng ta ngồi suy tư rồi để ý tới những chủ đề đưa ta tiếp xúc với những cái tiêu cực làm cho ta bệnh, trong đó có sự đam mê, thèm khát, hận thù, bạo động, tuyệt vọng. Những thứ đó là phi như lý tác ý. Sống trong một hoàn cảnh lành mạnh, ta có cơ hội thực tập như lý tác ý. Do đó ta phải xây dựng một trung tâm tu học, nơi giúp ta có thể dễ dàng thực tập như lý tác ý.

Thấy một người bạn đang trầm ngâm, đang bị kéo theo một tư duy nào đó, nét mặt lo lắng, buồn khổ thì ta biết người đó đang phi như lý tác ý, đang bị một tư tưởng hay một cảm thọ khổ đau, buồn chán trấn ngự. Ta phải tới giúp. Ta vỗ vai người đó nói: Anh đang suy nghĩ gì vậy? Anh có thấy trời đang nắng đẹp hay không? Anh có biết mùa Xuân đang tới rồi hay không?

Ta kéo người bạn ra khỏi thế giới của sự tiêu thụ những thực phẩm không lành mạnh. Ta đừng để bạn ngồi đó nhai lại những kỷ niệm tiêu cực, đau khổ của chính mình. “Ăn cơm phải có canh, tu hành phải có bạn”, có bạn thì tu hành dễ hơn, có tăng thân sẽ giúp ta tránh khỏi tiêu thụ những thực phẩm không lành mạnh.

Bây giờ ta hiểu được tại sao trong khi ăn cơm hay trong khi đi thiền ta không nên tán tâm tạp thoại. Chúng ta nâng đỡ nhau để có thể tiếp xúc với những gì lành mạnh mà thôi.

Trước giờ ăn trưa, đại chúng cũng được nhắc nhở là trong khi thọ trai chúng ta đừng nên suy nghĩ mà chỉ chú tâm tới thức ăn và tăng thân đang có mặt cho mình. Đây là lời mở đầu cho năm quán: “Ngoài đời, thiên hạ cũng biết tắt máy truyền hình mỗi khi ăn cơm. Xin mọi người trong đại chúng cũng tắt đài phát thanh NST (Non- Stop Thinking, suy nghĩ liên miên không ngừng) và có mặt thực sự trong khi ăn. Chúng ta ăn cơm như thế nào để có được sự thảnh thơi, có tình huynh đệ và có hạnh phúc. Ta quán chiếu thực phẩm ta đang ăn là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác. Ta ăn để nuôi sống tổ tiên và con cháu trong ta. Ta ăn cho tổ tiên, cho bố mẹ, cho con cháu, cho Bụt và cho chư Tổ.