Chương 4: Ta có hiểu lầm Bụt không?

Nghệ thuật nói pháp và nghe pháp

Giáo pháp của đức Như Lai được Ngài diễn bày một cách khéo léo nên được gọi là thiện thuyết. Trong khi tán dương Pháp, nếu ta diễn bày không đủ khéo thì người nghe có thể hiểu lầm và điều đó sẽ có hại cho họ. Ta phải rất khéo léo trong khi nói pháp, phải nói như thế nào để tất cả những gì ta nói đều là thiện thuyết. Người nghe pháp cũng phải khéo léo để tiếp thu đúng pháp mà đừng kẹt vào chữ và những thành kiến của mình. Phải có sự cộng tác giữa người nói pháp và người nghe pháp. Người nói pháp phải thấy được tâm tư của người nghe pháp. Ta nói như thế nào để những gì ta nói lọt vô trái tim của người nghe pháp. Người nghe pháp phải mở trái tim ra, buông bỏ những tư kiến của mình thì mới có cơ hội tiếp nhận chánh pháp. Nếu không thì những gì ta thu nhận sẽ trở thành có hại. Kinh “Người bắt rắn” có kể chuyện thầy A Lê Xá đã hiểu sai lời Bụt dạy và hành trì sai rồi cứng đầu không chịu nghe lời khuyên nhủ của các thầy khác. Bụt cho gọi thầy A Lê Xá lại và nói: “Tôi không nói như vậy, tại sao thầy lại hiểu như vậy?” và Ngài đưa ra ví dụ về một người bắt rắn. Nếu không biết cách bắt rắn thì người đó sẽ bị rắn cắn chết. Khi gặp một con rắn thì người biết cách bắt rắn sẽ dùng một cây chỉa hai để đè đầu con rắn xuống và bắt ngay cái đầu của nó chứ đừng bắt đuôi của rắn. Khi nghe pháp cũng vậy, nếu ta không khéo léo để hiểu đúng pháp thì pháp đó sẽ trở lại hại mình. Kinh “Người bắt rắn” là một kinh rất lạ, vì chưa có một vị thầy nào tuyên bố rằng giáo pháp của mình nếu không biết sử dụng thì rất nguy hiểm, giống như thuốc để cứu người nhưng nếu ta dùng không đúng cách thì thuốc có thể làm chết người.

Hiểu lầm những lời Bụt dạy là chuyện rất thường.

Không những người ở ngoài truyền thống hiểu lầm, mà người ở trong truyền thống cũng còn có những sự hiểu lầm. Ngay trong thời của Bụt cũng có những người đệ tử hiểu lầm Bụt, có nhiều người hiểu lầm lời dạy của Bụt về phép quán thân bất tịnh đến nỗi họ phải đi tự tử. Vì vậy trong kinh thỉnh thoảng ta nghe Bụt than: “Tôi đâu có nói như vậy! Tôi đâu có dạy như vậy, tôi đâu có chủ trương thuyết hư vô đoạn diệt!” Các học giả Tây phương hiểu lầm giáo lý Bụt trong khi nghiên cứu đạo Bụt cũng là một chuyện tự nhiên. Ta hiểu lầm Bụt, rồi truyền đạt giáo lý của Bụt một cách sai lạc và kéo theo sự hiểu lầm của cả thế hệ tương lai. Có nhiều người hiểu lầm Niết bàn là cái chết vĩnh viễn. Trong khi đó Nirvana là hạnh phúc lớn của những người giải thoát. Hạnh phúc mà ta có thể hưởng được bây giờ và ở đây vì ta có tự do, nhất là tự do đối với những ý niệm.

Hai năm trước, khi giảng về kinh Nê Hoàn tôi đã có nói về vấn đề này. Ở xóm Thượng, có những đêm trời trong, trăng sao vằng vặc và cỏ cây rất thơm. Nếu ta thức dậy vào lúc bốn giờ, rửa mặt rồi đi tới thiền đường thì ta tiếp xúc được với không khí ban đêm thanh thoát, mầu nhiệm lạ kỳ không thể tả được. Nếu ta cứ trùm mền nằm nướng trên giường, nghe chuông không chịu dậy thì làm sao ta hưởng được những giây phút đó. Niết bàn cũng vậy, Niết bàn đã có sẵn trong giây phút hiện tại, chỉ cần lột đi những tư kiến của ta về thực tại thì ta sẽ tiếp xúc được với Niết bàn. Ta càng có tự do thì Trời phương ngoại càng hiện rõ. Điều này ta không thể diễn bày cho người khác biết được, chỉ mình ta cảm được hạnh phúc đó mà thôi. Những giáo lý nào khi trình bày mà giúp cho người khác có thể nương theo để tiếp cận được với bản môn, với hạnh phúc của Niết bàn thì giáo lý ấy mới được gọi là giáo lý tùy thuận.

Người ta đã hiểu lầm Bụt rất nhiều và ta thấy tội nghiệp cho Bụt. Nhưng Bụt có cần chúng ta tội nghiệp hay không? Bị hiểu lầm như vậy Bụt có buồn hay không? Chúng ta thì rất buồn nếu bị hiểu lầm. Nếu bị sư anh, sư em, sư chị hiểu lầm thì ta sẽ buồn nhưng Bụt có buồn khi bị hiểu lầm không? Quý vị hãy tự trả lời lấy.

Có khi ta bỏ ra một giờ đồng hồ để giảng một bài. Giảng xong ta thấy ta đã nói hết ra những gì mà ta đã thấy, đã hiểu. Nhưng có một người đứng lên hỏi một câu và ta biết rằng người đó không hiểu gì cả.

Ta đã đem hết cả trái tim để trao truyền, ta đã làm hết tất cả những gì cần làm. Hỏi như vậy chứng tỏ là người đó không hiểu gì hết. Đó là tâm trạng của Bụt, vậy thì Bụt có buồn hay không? Sau khóa tu 90 ngày, mình đứng lên hỏi một câu chứng tỏ trong suốt 90 ngày qua mình nghe rất nhiều nhưng không hiểu gì hết. Chuyện này xảy ra rất thường, buồn hay không buồn có phải là vấn đề hay không?

Buồn hay không buồn không phải là vấn đề, vấn đề là làm sao để giúp cho người kia hiểu được. Tuy hôm nay người đó chưa hiểu, nhưng có thể ngày mai người đó đi vấp phải một cục đá và sẽ hiểu. Cục đá có thể là một điều bất như ý xảy ra trong cuộc đời của người đó. Nhờ gặp chuyện bất như ý mà tự nhiên ta bừng tỉnh và hiểu được.

Nếu Bụt bị hiểu lầm mà Bụt không buồn thì tại sao ta chỉ mới bị hiểu lầm một chút mà ta lại buồn quá như vậy? Hôm nay người ta chưa hiểu nhưng ngày mai người ta sẽ hiểu. Nếu người ta chưa hiểu thì ta cũng đừng buồn, ta sẽ tìm đủ cách để giúp người ta hiểu được. Ta đừng nổi nóng, đừng giận. Có người nói: Trên đời này không có ai hiểu tôi hết! Tôi không có người tri kỷ. Vì vậy khóa tu này có chủ đề: Ta có phải là tri kỷ của Bụt không? Đôi khi ta chắc mẩm là ta đã hiểu được Bụt rồi.

Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia

Thỉnh thoảng trong kinh ta bắt được những con sâu rọm rất lớn, như trong Majjhima Nikaya 36 có một đoạn nói đức Thế Tôn đã kể lại quá trình tu tập của Ngài trước khi Ngài thành đạo. Có một lần đức Thế Tôn đã dùng những phương pháp bạo động để đè nén thân và tâm của mình nhưng Ngài không thành công mà còn làm tăng thêm khổ đau:

Tôi nghĩ tại sao tôi không ngậm cứng hai hàm răng lại, lưỡi đè sát nóc họng, lấy tâm mà quật ngã tâm, lấy tâm mà đàn áp tâm. Rồi như một người lực lưỡng có thể nắm lấy đầu và hai vai của một người yếu hơn mà chế ngự người ấy, ép buộc người ấy phải tùng phục, đàn áp người ấy. Tôi đã ngậm cứng hai hàm răng lại, lưỡi đè sát nóc họng, rồi cố sức lấy tâm mà quật ngã tâm, đánh bại tâm. Mồ hôi tôi chảy ra nhễ nhại khi tôi làm như vậy. Dù năng lực tuôn ra đầy dẫy trong tôi, dù chánh niệm vẫn được duy trì không đứt đoạn, nhưng thân tâm tôi vẫn bất an và tôi kiệt sức vì những cố gắng mệt nhọc đó. Những cảm thọ khổ đau như thế phát sinh thêm trong tôi và vẫn không có tác dụng điều phục được tâm tôi.

Bụt kể lại kinh nghiệm của Ngài và khuyên chúng ta đừng nên dùng phương pháp bạo động để trấn áp thân và tâm của mình. Nhưng đoạn này lại được đưa vào trong kinh như là một phương pháp rất hay. Như trong kinh Vitakkasanthana sutta MN 20, bản tiếng Hán là kinh Tăng Thượng Tâm của Trung A Hàm, có lặp lại:

Ví như một người lực lưỡng nắm lấy đầu và hai vai của một người yếu hơn, chế ngự người ấy, ép buộc người này phải tùng phục, đàn áp người ấy. Này các vị khất sĩ, nếu vị khất sĩ trong khi quán chiếu để đình chỉ các tư tưởng bất thiện liên hệ tới ái dục và sân hận mà các tư tưởng ấy vẫn tiếp tục phát khởi thì vị khất sĩ ấy phải nghiến răng, lưỡi đè sát nóc họng, cố sức lấy tâm quật ngã tâm và đánh bại tâm. Trên phương diện hình thức thì đoạn kinh này khuyên chúng ta nên làm theo cách của Bụt đã thực tập, cách mà Ngài đã thất bại trước khi Ngài thành đạo.

Trong Hán tạng, kinh Niệm Xứ tức kinh thứ 98 của Trung A Hàm và kinh Niệm Thân, tức kinh thứ 8 của Trung A Hàm cũng lặp lại đoạn trên và nói đó là phương pháp chúng ta nên làm:

Vị khất sĩ quán niệm thân trong thân, ngậm khít hai hàm răng lại, lưỡi áp vào nóc họng, lấy tâm mà chế ngự tâm, đối trị tâm, tiêu diệt và đoạn dứt tâm. Như hai người lực sĩ nắm lấy một người sức yếu, chế ngự người này hoàn toàn một cách tự do, vị ấy ngậm khít hai hàm răng lại, để lưỡi trên nóc họng, lấy tâm mà chế ngự tâm, đè nén tâm, đối trị tâm.

Vậy mà đoạn kinh này đã được đưa vào kinh Vitakkhasanthana (M.20), tương đương với kinh Tăng Thượng Tâm trong Hán Tạng (Trung A Hàm, 101) để khuyên người ta nên thực tập theo cách đó.

Nguy hiểm hơn nữa là đoạn kinh ấy cũng đi vào trong kinh Niệm Thân (Trung A Hàm, 8), tương đương với kinh Kāyagatasati (M. 119) và trong cả kinh Niệm Xứ (Trung A Hàm, 98), một kinh thực tập căn bản về Thiền. Oan ức cho Bụt biết chừng nào. Đó là một trong những con sâu rất lớn mà ta thấy có mặt trong rất nhiều kinh. Khi học, chúng ta phải nên học với tinh thần của một học giả.

Chúng ta có phải là tri kỷ của Bụt không? Thật ra người ta đã hiểu lầm Bụt rất nhiều. Không phải chỉ những người ngoài đạo Bụt hiểu lầm Bụt mà trong chính hàng đệ tử của Bụt cũng hiểu lầm Bụt. Có thể nói là đa số đã hiểu lầm Bụt. Điều này được ghi lại trong kinh. Bụt không dạy như vậy nhưng người ta nói Bụt dạy như vậy, rất là oan cho Bụt. Chúng ta có hiểu được Bụt không? Đó là câu hỏi. Chúng ta không thể nói: Chỉ có tôi mới hiểu được Bụt thôi. Chúng ta không chắc nên chúng ta phải rất cẩn thận. Trong khóa tu này chúng ta phải rất khiêm cung và tìm cách để có thể trở thành một đệ tử có khả năng hiểu được thầy của mình, tức là Bụt Thích Ca. Không những nhiều thành phần trong sáu phái triết học đương thời hiểu lầm rằng Bụt chủ trương thuyết hư vô hoại diệt mà chính nhiều vị trong hàng đệ tử xuất gia của Người cũng đã hiểu lầm như thế. Ví dụ thầy Yamaka (Diệm Ma Ca) chẳng hạn. Kinh Tương Ưng Bộ (S. III 109) có ghi lại chuyện của thầy Yamaka. Thầy này tin rằng một vị xuất gia thành đạo giải thoát rồi thì khi chết không còn lại gì nữa, nghĩa là đoạn diệt hoàn toàn. Một số các thầy khuyên thầy Yamaka nên buông bỏ tà kiến ấy nhưng thầy cứng đầu không chịu, thầy vẫn tin rằng kiến giải của thầy là trung thực với kiến giải của đức Thế Tôn. Sau cùng nhờ thầy Xá Lợi Phất khai thị thầy mới chịu buông bỏ tà kiến đoạn diệt ấy.