Chương 11: Vô thường không làm ra khổ

Phục hồi lại Tam pháp ấn

Không ít Phật tử bị ám ảnh bởi tư tưởng: luân hồi là khổ, cuộc đời là khổ. Vì vậy họ đã dùng chữ khổ để làm thành một trong ba pháp ấn.

Giáo lý của Bụt bắt đầu bằng Tứ diệu đế và sự thật thứ nhất là khổ (ill-being). Khi nghe nói như vậy thì người ta cho tất cả đều là khổ. Nhưng Bụt không chỉ nói về khổ, vì theo giáo lý tương tức thì hễ có khổ thì thế nào cũng có vui. Nếu không có vui thì làm sao có khổ, cũng như nếu không có tay trái thì làm sao có tay phải. Đó gọi là lý tương đãi: cái này có vì cái kia có. Vì vậy hễ có khổ thì ta biết là có vui, hễ có vui thì có khổ. Vì bị ám ảnh bởi ý niệm khổ nên những Phật tử đó không thấy được sự thật thứ ba là vui, tức sự diệt khổ. Sự thật thứ ba là diệt, là sự vắng mặt của khổ, mà sự vắng mặt của khổ tức là sự có mặt của vui, cũng như sự vắng mặt của bóng tối là sự có mặt của ánh sáng. Như vậy tại sao không có vui mà chỉ có khổ trong pháp ấn?

Khổ là sự thật thứ nhất, và sự thật thứ hai là có con đường đưa tới khổ, tức là một lối sống đem lại cái khổ. Trước hết là tà kiến: thấy tất cả là thường và có cái ngã. Nhưng đối lại với cái khổ là cái vui và ta có con đường để đi tới cái vui, đưa tới sự diệt khổ tức sự thật thứ ba. Cái vui là sự thật thứ ba, và con đường vui là sự thật thứ tư.

Hiểu giáo lý Tứ diệu đế như thế nào để bị ám ảnh bởi một sự thật mà không thấy rõ được những sự thật khác đó là một sự mất thăng bằng, nhất là khi người ta nghĩ phải nhắc đi nhắc lại “đời là khổ, đời là khổ” thì mới chứng được đạo. Vì vậy người ta đã đưa khổ vào làm một trong ba pháp ấn.

Tam pháp ấn Vô thường – Vô ngã – Niết bàn đi chung với nhau một cách tuyệt hảo với hai bình diện tích môn và bản môn. Trên bình diện tích môn thì có thường và ngã. Trong bản môn có vô thường và vô ngã đưa tới Niết bàn. Quán chiếu về vô thường, vô ngã thì sẽ thấy tương tức, trung đạo, duyên sinh và sẽ tiếp cận được với Niết bàn. Vì vậy Tam pháp ấn mà không có Niết bàn là rất thiếu sót. May mắn cho chúng ta là còn lại kinh Chanda, tức kinh thứ 262 của Tạp A Hàm. Kinh này nói về thầy Chiên Đà sau khi Bụt mới nhập diệt, thầy Chiên Đà tới vườn Lộc Uyển để tìm học. Ở đó thầy gặp rất nhiều vị thượng tọa và thầy đã hỏi những vị ấy về yếu nghĩa của Phật pháp. Thầy nào cũng lặp lại Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Câu Vô thường – Vô ngã – Niết bàn được lặp lại bốn đến năm lần trong kinh. Vô thường – Vô ngã – Niết bàn là một công thức. Lúc đó Bụt mới nhập diệt và các thầy còn nhớ rất rõ ba dấu ấn của Phật pháp: Chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh. Một điều rất buồn cười là trong tạng Pāli người ta đã bỏ đi chữ Niết bàn trong kinh, nhưng cũng không dám thêm vô chữ khổ. Vì vậy kinh Chanda của tạng Pāli chỉ nói tới hai pháp ấn là vô thường và vô ngã. Và trong các bản chú giải người ta có giải thích lý do tại sao không đưa khổ vô Tam pháp ấn. Người ta sợ nếu đưa vô chữ khổ thì hóa ra Phật pháp cũng là khổ. Tứ diệu đế cũng là khổ, Bát chánh đạo là khổ và Niết bàn cũng là khổ. Thánh tăng cũng là khổ, Bụt cũng là khổ, v.v…

Nếu đọc kinh Chiên Đà trong Tạp A hàm ta sẽ thấy công thức “chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh” được lặp lại nhiều lần. Kinh này là một bảo vật vô giá. Cấu trúc của kinh rất chặt chẽ, các thượng tọa đã lặp đi lặp lại câu đó nhiều lần nên người ta không dám thay đổi.

Chứng cớ thứ hai là trong Đại trí độ luận, một bộ luận của thầy Long Thọ, cũng nói Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Trong khi đó thì truyền thống Nam tông cho Tam pháp ấn là vô thường, khổ và vô ngã. Ngày xưa thầy A Nan có bổn phận phải trùng tuyên lại những điều Bụt dạy để các thầy khác học. Các vị kinh sư phải học thuộc lòng những lời Bụt dạy vì ngày xưa chưa có máy thu thanh, chưa có giấy bút để viết xuống. Thầy A Nan nghe các thầy lặp lại không đúng thì thầy phải sửa. Trong suốt thời gian làm thị giả cho Bụt thầy A Nan đã làm công việc là sửa lại những chỗ trùng tuyên sai của các thầy khác. Bây giờ thầy Nhất Hạnh cũng làm công việc của thầy A Nan. Thầy Nhất Hạnh là sự tiếp nối của thầy A Nan, thấy có những trùng tuyên nào sai thì thầy tìm cách sửa lại: Bụt không nói như vậy, thầy A Nan không trùng tuyên như vậy, đó là do mình nhớ lộn, mình đặt sai chỗ mà thôi. Sau này nếu có ai hỏi mình là ai mà dám sửa kinh của Bụt thì mình trả lời là mình không sửa kinh của Bụt, mình chỉ làm việc của thầy A Nan, thấy lặp lại sai kinh của Bụt thì mình sửa kẻo tội cho Bụt.

Trong kinh 22.59 của Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya) có một đoạn và đoạn này xuất hiện rất nhiều trong các kinh. Một khi đã trùng tuyên sai thì sai hết cả toàn bộ. Trong kinh Bụt hỏi các thầy:

– Này các thầy khất sĩ, các thầy nghĩ sao, sắc là thường hay vô thường?

– Bạch đức Thế Tôn, sắc là vô thường.

– Thọ, tưởng, hành và thức là thường hay vô thường?

– Bạch đức Thế Tôn, là vô thường. Nhưng tới đây thì ta thấy có mộ con sâu:

– Vậy những gì vô thường là khổ hay lạc?

– Bạch đức Thế Tôn, là khổ.

Đưa khổ vào đây là sai, đáng lý phải nói tới vô ngã mới hợp lý. Trên bình diện lý luận, nếu không chấp nhận vô thường thì thôi, còn nếu đã chấp nhận vô thường thì ta phải chấp nhận vô ngã. Ngã là cái gì thường còn, không biến hoại, là một linh hồn bất diệt. Nhưng nhìn vào năm uẩn thì ta không thấy có gì thường còn, bất diệt. Trong cảm thọ, tri giác hay tâm hành của ta cũng không có gì là thường còn bất biến cả. Nếu tin có một linh hồn bất tử để luân hồi, để tạo nghiệp và nhận chịu quả báo thì ta không thật sự tin vào vô thường. Nếu có linh hồn bất tử đi ngang qua không gian và thời gian thì đó là thường. Vì vậy chấp nhận vô thường là chấp nhận vô ngã, vô thường đưa tới vô ngã. Nhưng ở đoạn kinh này vì vô thường đưa tới khổ, điều này không hợp lý. Tại vì vô thường có thể đưa tới vui. Ví dụ như một chế độ độc tài sụp đổ thì đem lại biết bao niềm vui cho người dân. Nếu ta bị bệnh mà bệnh cứ thường hoài thì làm gì ta có hy vọng được chữa trị? Vô thường không có tội gì cả, vô thường là một hiện tượng tốt. Nếu sự vật là thường thì hạt bắp sẽ luôn luôn là hạt bắp, nó làm sao trở thành cây bắp và trái bắp cho ta ăn. Nếu sự vật là thường thì em bé là em bé suốt đời mà không trở thành người lớn được. Không có vô thường thì làm sao có sự sống? Vì vậy nghĩ vô thường một cách tiêu cực, cho vô thường là khổ là không đúng.

Một lý do rất thực tế và vững chắc nữa để không thể đưa khổ vào Tam pháp ấn là: Pháp ấn là tướng trạng của sự vật. Ví dụ như ta nói tờ giấy là vô thường, vô ngã và Niết bàn thì đúng, vì bản chất của nó là không sinh không diệt. Nhưng nếu ta nói tờ giấy là khổ thì rất buồn cười. Khổ là một cảm thọ. Sự vật vô thường mà ta cho là thường nên ta mới khổ, sự vật là vô ngã mà ta cho là có ngã nên ta mới tuyệt vọng, sự vật là không sinh không diệt mà ta cho là có sinh có diệt nên ta mới khổ. Ta khổ là do vô minh, do cách nhìn của ta chứ không phải do sự vật. Vì vậy nói có pháp ấn khổ là không đúng. Đó là một lý luận rất sắc bén và vững chãi. Cục đá kia vô thường, vô ngã nhưng nói cục đá kia khổ thì rất tức cười. Khổ là một cảm thọ phát sinh ra khi ta có phiền não và có nhận thức sai lầm. Vô thường đưa tới vô ngã thì rất hợp lý, nhưng vô thường đưa tới khổ là không đúng. Ta khổ vì không thấy được phương diện tích cực của vô thường. Cũng giống như trong Mười hai nhân duyên, thọ đưa tới ái. Nhưng đối với người giải thoát thì thọ không đưa tới ái, vì vậy nói vô thường đưa tới khổ là gượng ép.

– Vậy thì những thứ vô thường, luôn luôn biến dịch trong từng sát na ấy, mình có thể nói cái này là của tôi, tôi là cái này, cái này là cái ngã của tôi không?

– Bạch đức Thế Tôn, không.

Đoạn này được lập lại gần cả ngàn lần trong các kinh, hễ sai một chỗ lặp lại sai toàn bộ trong tất cả các chỗ khác. Và người ta đã để vô thường – khổ – vô ngã thành Tam pháp ấn. Đã đến lúc chúng ta phải minh oan cho Bụt và ta có chứng cớ rất hùng biện. Trước hết ta có công thức vô thường – vô ngã – Niết bàn trong kinh Chiên Đà mà tất cả các thượng tọa ở vườn Lộc Uyển đã lặp đi lặp lại khi thầy Chiên Đà tới hỏi. Thầy nào cũng nói: Yếu chỉ của Phật pháp là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Ta thấy có hai bình diện tích môn và bản môn rất rõ ràng. Còn trong công thức vô thường – khổ – vô ngã thì chỉ có bình diện tích môn mà không có bình diện bản môn. Nếu không có Niết bàn thanh tịnh, an lạc thì đó không phải là Phật giáo. Phật giáo Nam tông nói rất nhiều về Niết bàn, nhưng không đưa Niết bàn vào làm một trong ba dấu ấn.

Bây giờ chúng ta tân tu lại đoạn kinh trên để phục hồi lại chân ý của Bụt.

– Này các vị khất sĩ, các thầy nghĩ sao, sắc là thường hay vô thường?

– Bạch đức Thế Tôn, vô thường.

– Thọ, tưởng, hành và thức là thường hay vô thường?

– Bạch đức Thế Tôn, vô thường.

– Vậy thì những gì vô thường, luôn luôn biến dịch trong từng sát na ấy, ta có thể gọi chúng là những cái ngã hay không? Ta có thể nói rằng cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là một cái tôi hay không?

– Bạch đức Thế Tôn, không.

– Này các vị khất sĩ, quán chiếu về vô thường, vô ngã, người hành giả đạt tới cái thấy không sinh không diệt, không có không không, không tới không đi, không thường không đoạn. Đó là Niết bàn, đó là sự lắng dịu, đó là sự giải thoát mọi niềm đau, đó là niềm vui cứu cánh.

Đây là đoạn văn chúng ta tái lập lại để cúng dường lên Bụt. Nó đi đúng với giáo lý của Bụt 100%, không có tì vết. Đây là công trình của thầy A Nan và chúng ta là sự tiếp nối của thầy để phục hồi lại Tam pháp ấn.

Tứ diệu đế bắt đầu bằng việc xác nhận sự có mặt của khổ đau, nhưng không phải Tứ diệu đế chỉ nói về khổ đau. Sự thực thứ ba là Diệt, có nghĩa là sự vắng mặt của khổ đau (nirodha) cũng có nghĩa là sự có mặt của sự lắng dịu và của hạnh phúc, kể cả hạnh phúc của Niết bàn. Nhưng cái ám ảnh về Khổ đã làm khuất lấp sự thực ấy cho đến nỗi người ta có khuynh hướng cho tất cả là Khổ mà quên rằng trong cái tất cả ấy có Bụt, có Pháp, có Tăng, có con đường đi về Niết bàn an lạc. Những cái ấy đâu phải là khổ cho nên nói tất cả là vô thường vô ngã thì đúng mà nói tất cả là Khổ là không đúng. Cái ám ảnh này do thái độ giáo điều cố chấp mà có. Nó đi cả vào trong kinh văn và trong phép hành trì. “Đạo nhân thanh cố khởi” nghĩa là nếu thành đạo được cũng do mình lặp đi lặp lại cái công thức “idam dukkhan ti”, “cái này là khổ, cái này là khổ.” Phải than khổ như thế nhiều lần trong ngày thì mới mong thấy được con đường Bát chánh đạo.

Vì vậy khổ là thức ăn nuôi Bát chánh đạo (dukkhāhāro maggangam magg-apariyantanti).

Đọc đoạn kinh văn tân tu trên ta thấy mọi chữ mọi câu đều có tính liễu nghĩa, không đưa lại cảm giác tiêu cực, bi quan và sự hiểu lầm như khi ta đọc đoạn trước. Vì vậy phục hồi được Tam Pháp ấn rất quan trọng. Với sự sàng lọc như cái thấy về 12 nhân duyên và Tam Pháp ấn, ta có thể bắt được rất nhiều con sâu rọm từ bên ngoài đưa vào và từ sự bất cẩn trong quá trình truyền thừa đưa xuống. Hễ trùng tụng sai lầm một lần là sự sai lầm trở thành đồng bộ, giống như trong máy tính. Cho nên đã có không biết bao nhiêu là sai lầm và mâu thuẫn trong Đại tạng. Vì thế chư tổ đã căn dặn: Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Bụt đã bị oan nhiều rồi, ta phải sử dụng những phương pháp khoa học như khảo cổ học và văn bản học để minh oan bớt cho Ngài.