Chương 18: Bất thối chuyển

Quan niệm bất thối chuyển

Trong đạo Bụt có quan niệm bất thối chuyển, có nghĩa là không rơi trở lại trong cõi hệ lụy và luân hồi. Mọi người đều mong muốn là khi đạt tới Niết bàn rồi thì ta ở đó hoài không rơi xuống nữa. Cũng như một người bị bệnh trầm cảm đã được chữa trị khỏi bệnh, nhưng nếu không thay đổi cách sống thì người đó sẽ rơi vào trầm cảm trở lại. Đạt tới chỗ không rơi trở lại nữa gọi là bất thối chuyển.

Nhiều người tin rằng khi tu mà đạt tới quả vị bất thối chuyển thì sẽ không bao giờ đau khổ nữa. Vì vậy có quan niệm Niết bàn hữu dư y và Niết bàn vô dư y. Niết bàn hữu dư y là Niết bàn chưa tuyệt đối, những phiền não còn ngủ đâu đó và ta có thể buồn, giận trở lại. Niết bàn vô dư y là Niết bàn tuyệt đối, những phiền não không bao giờ trở lại. Chúng ta, người nào cũng khao khát cái tuyệt đối nên mục đích cuối cùng là phải đạt tới chỗ toàn giác.

Chúng ta mong muốn một sự toàn hảo (perfection), tức là sự vắng mặt của sự không toàn hảo (imperfection). Toàn hảo và không toàn hảo cũng là một cặp đối nghịch mà ta phải thoát ra. Tôi thường quán chiếu và thấy rằng: Người ta nói đức Thế Tôn đã chứng ngộ, Ngài là một bậc giác ngộ hoàn toàn. Nhưng tại sao mỗi ngày Ngài cũng ngồi thiền, đi thiền và thực tập như các thầy khác? Đã thành Bụt rồi mà Ngài còn thực tập làm gì? Chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao thành Bụt rồi mà còn phải ngồi thiền? Ngồi thiền có phải để thành Bụt hay không? Như vậy là chưa đạt tới bất thối chuyển hay sao?

Theo nguyên tắc thì tất cả đều vô thường (chư hạnh vô thường). Nếu ta tin đó là sự thật thì Bụt cũng vô thường, niềm vui cũng vô thường, giác ngộ cũng vô thường. Niềm vui là một thực tại sống động, sự giác ngộ cũng là một thực tại sống động. Bất cứ thực tại sống động nào cũng đều vô thường. Vì vậy niềm vui hay sự giác ngộ cũng có thể tàn hoại. Niềm vui của ta cần phải được nuôi dưỡng thì nó mới duy trì được lâu dài. Sự giác ngộ của ta cũng cần được nuôi dưỡng thì nó mới duy trì lâu dài. You have to nourish your enlightenment because it is also impermanent. Bụt cũng phải nuôi dưỡng sự giác ngộ và tâm bồ đề của mình, nuôi dưỡng niềm vui và sự giải thoát của mình. Vì vậy Bụt vẫn tiếp tục thực tập. Bất thối chuyển có nghĩa là nếu biết phương pháp thì ta sẽ không rớt trở lại. Bất thối chuyển không có nghĩa là đi tới một trạng thái vĩnh viễn không bao giờ rơi xuống, vì trong ánh sáng của vô thường thì không có gì là vĩnh viễn cả. Nếu tất cả đều vô thường thì Bụt cũng vô thường.

Vậy thì Phật tánh có vô thường hay không? Phật tánh là một ý niệm, và ý niệm đó được thành lập bằng một ý niệm khác là chúng sinh tánh. Một bên là phàm (worldliness) còn một bên là thánh (holiness), không có phàm thì sẽ không có thánh. Cũng như sen với bùn, không có bùn thì không thể làm ra bông sen. Chất thánh được làm bằng chất phàm, hết chất phàm thì chất thánh cũng không còn. Nếu theo đúng con đường trung đạo và tuệ giác vô thường thì ta phải công nhận điều này. Có thánh là có phàm, phàm nằm ngay trong thánh, cũng như nhìn vào bông sen ta thấy có bùn, lấy bùn ra khỏi bông sen thì bông sen cũng không còn. Đó là cái thấy bất nhị. Chúng ta thử tưởng tượng chỉ có bông sen mà không có bùn, chỉ có thánh mà không có phàm, có thể xảy ra điều đó chăng? Nếu tưởng tượng có bồ đề mà không có phiền não là không đúng. Nhưng có một sự thật mà ta phải công nhận là ta có thể chuyển phiền não thành bồ đề và nếu ta tu không đúng pháp thì bồ đề lại trở thành phiền não. Đức Thế Tôn biết rõ điều đó nên Ngài vẫn ngồi thiền như chúng ta, Ngài không muốn bồ đề của mình trở thành phiền não.

Chúng ta phải hiểu chữ bất thối chuyển là như vậy, khi có sự thực tập vững vàng thì ta không còn sợ phải rơi xuống trở lại nữa. Ta phải bỏ đi sự tin tưởng ngây thơ rằng một khi đã đạt tới toàn giác rồi thì ta không cần phải làm gì nữa cả. Chất thánh, chúng ta có thể chế tác được. Ta có tham lam, giận hờn, si mê, quên lãng, nhưng nếu biết cách ta có thể chế tác niệm, định và tuệ. Niệm, định và tuệ là những năng lượng thánh, mà những năng lượng thánh đó được chế tác bằng năng lượng phàm. Nếu biết cách ta có thể chuyển năng lượng phàm thành năng lượng thánh, cũng như ta có thể chuyển bùn thành sen. Theo cái thấy bất nhị thì phàm và thánh tương tức với nhau.

Một hôm tôi chiêm nghiệm thì thấy rằng mình không nhất thiết phải cần Niết bàn vô dư y, có Niết bàn hữu dư y là đủ rồi. Tuy còn một chút phiền não nhưng đã biết cách chuyển hóa thì ta không cần phải lo lắng nữa. Là một người tu ta có khả năng chuyển hóa phiền não hay không? Những phương pháp chuyển hóa thì Bụt đã dạy và thầy đã trao truyền cho ta rồi. Vấn đề là ta có biết xử lý nỗi khổ niềm đau, cơn giận hay nỗi buồn của ta hay không? Nếu đã biết cách thì ta không lo sợ nữa, ta có hạnh phúc ngay bây giờ. Bùn vẫn có đó nhưng ta không sợ vì ta đã biết cách làm ra sen. Phiền não có đó nhưng ta không lo vì ta đã biết cách làm ra bồ đề. Hạnh phúc có thể có ngay trong giây phút hiện tại.

Ta đã có con đường rồi, con đường đó là con đường bát chánh. Bụt đã dạy con đường bát chánh để đưa ta tới Niết bàn, chỉ cần nhìn vào con đường là ta thấy được Niết bàn. Cũng như chúng ta đã nói: Giữ một giới là ta có một tự do, giữ hai giới là ta có hai tự do, ta có tự do ngay lập tức. Niết bàn là tự do, là sự lắng dịu đó. Niết bàn hay giải thoát không phải là cái gì ta nhắm tới ở một nơi nào khác hoặc ở tương lai. Niết bàn, giải thoát, an lạc, niềm vui có thể có ngay trong giây phút hiện tại. Nếu đã có con đường thì trong đời sống hằng ngày ta có thể chế tác được hỷ, lạc, hạnh phúc và tự do. Nếu đã có con đường thì ta có thể xử lý được những nỗi khổ niềm đau, chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc. Ta không cần phải đi đâu, không cần phải tìm gì, ta đã có tất cả trong giây phút hiện tại.

Thánh và phàm cũng tương tức như mê và ngộ. Thánh được làm bằng những yếu tố không phải thánh, trong đó có phàm, cũng như hoa sen được làm thành bởi các yếu tố không phải sen, trong đó có bùn. Nếu không có phàm thì không có thánh. Vì vậy cho nên nghĩ rằng sự có mặt của cái thánh là sự vắng mặt vĩnh viễn của cái phàm là một tà kiến. Cái thánh là một pháp cũng như cái phàm. Mà hễ nó là một pháp thì nó cũng vô thường như bất cứ

một pháp nào khác. Vì vậy bất thối chuyển không có nghĩa rằng cái thánh là cái thường còn và cái phàm là cái vô thường. Cái thánh, cũng như cái an lạc lắng dịu mà nó đem tới, cần được nuôi dưỡng và bảo trì bằng sự thực tập thì mới có được tình trạng không thối chuyển. Điều này giúp ta hiểu tại sao đã đạt tới toàn giác, đã thành Bụt rồi, mà đức Thế Tôn vẫn thực tập thiền tọa và thiền hành mỗi ngày. Bất thối chuyển là một trạng thái chỉ có thể kéo dài được nhờ công phu thực tập. Nắm vững được pháp môn thực tập, áp dụng pháp môn trong đời sống hàng ngày và tiếp tục hành trì thì mới duy trì được tình trạng bất thối chuyển. Cũng như một khu vườn phải được chăm sóc hàng ngày mới không bị cỏ dại gai gốc xâm chiếm. Cỏ dại gai gốc, những bông hoa tàn, v.v.. tượng trưng cho phiền não. Khu vườn sạch cỏ, những bông hoa mới tiếp tục có mặt tượng trưng cho bồ đề. Phải có rác mới có hoa, phải có phiền não mới có bồ đề. Phiền não là phân bón, là thức ăn cho bồ đề. Phải tìm bồ đề ngay trong phiền não, vì vậy cho nên ta có các câu: “phiền não tức bồ đề” và “tìm Niết bàn trong sinh tử”.

Cho nên câu nói “sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không trở lại trạng thái này nữa” (sinh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ tác, bất thọ hậu hữu) cần phải xét lại. Sinh là phiền não, là chất liệu luân hồi. Nếu nghĩ rằng yếu tố này tuyệt đối không còn nữa, đã hoàn toàn tiêu diệt, thì ta rơi vào đoạn kiến, ta ra khỏi con đường trung đạo, ta bị kẹt vào ý niệm sinh diệt, có không, còn mất. Phạm hạnh đã thành (đời sống người tu đã thành tựu) và việc cần làm đã làm, có nghĩa là bây giờ không cần phải làm gì nữa, không cần phải thực tập nữa, không cần phải tu nữa. Không còn trở lại tình trạng này nữa (bất thọ hậu hữu) nghĩa là không bị sinh tử luân hồi ràng buộc nữa. Ai trở lại và ai không trở lại? Có một cái ngã thường tại để trở lại hay không trở lại không? Theo cái thấy trung đạo thì làm gì có chuyện trở lại với không trở lại, bởi vì thực tính của các pháp là không khứ cũng không lai? Không trở lại có nghĩa là không trở lại cõi sinh tử luân hồi, mà an trú ở Niết bàn. Nhưng Niết bàn ở đâu? Niết bàn có thể có ngoài sinh tử hay không? Có thể lấy Niết bàn ra khỏi sinh tử, có thể lấy bồ đề ra khỏi phiền não hay không? Tại sao thiền sư Vân Phong nói “phải tìm Niết bàn ngay trong cõi sinh tử” ?

Khi đức Thế Tôn nói có một cái gì không sinh, không hữu, không tác, không hành, đức Thế Tôn đang nói về Niết bàn. Nhưng Thế Tôn không có ý nói rằng Niết bàn là một “cái”, nghĩa là một pháp. Nếu nó là một pháp thì Niết bàn cũng vô thường, cũng vô ngã, cũng hữu vi, nhưng Niết bàn là vô vi. Vô vi, thật sự không phải là một pháp. Nói vô vi là một pháp như những pháp hữu vi khác thì rất nguy hiểm, có thể đưa lại những hiểu lầm rất lớn. Niết bàn cũng không phải là một pháp, một “cái”. Niết bàn là tính chất đích thực của tất cả các pháp. Nhìn bề ngoài các pháp dường như có sinh có diệt, có hữu có vô nhưng tiếp xúc được vào chiều sâu nhờ quán chiếu duyên khởi và trung đạo ta thấy được tính chất đích thực của các pháp là không sinh, không diệt, không hữu, không vô, v.v… và tính chất ấy là Niết bàn. Sinh tử là cái tướng bên ngoài của các pháp. Niết bàn là bản chất đích thực của các pháp. Tiếp xúc được Niết bàn thì hết sợ hãi và khổ đau, đạt tới lắng dịu. Cho nên nói là phải tìm Niết bàn ngay trong sinh tử, cũng như phải tìm Bụt trong chúng sinh.