Chương 15: Tìm Niết bàn ngay trong sinh tử

Cái nhìn bất nhị

Khi nói tới đạo học (spirituality) người ta nghĩ tới phương Đông nhiều hơn là phương Tây, và khi nói tới khoa học thì người ta nghĩ tới phương Tây nhiều hơn là phương Đông. Thế kỷ này là thế kỷ mà khoa học và đạo học có thể tới gần nhau. Sự va chạm giữa khoa học và đạo học có thể đưa tới những bất ngờ rất thú vị.

Tư tưởng Tây phương trong mấy ngàn năm qua chú trọng nhiều về đời sống xã hội thực tế hằng ngày như dân chủ, tự do, v.v… nên nghiên về khoa học phân tích, tìm hiểu và chinh phục thiên nhiên, áp dụng khoa học vào đời sống hằng ngày để có được nhiều tiện nghi hơn. Tây phương chú trọng nhiều về xã hội học (sociology), kỹ thuật (technology), nhân chủng học (anthropology). Đông phương chú trọng nhiều về đạo học, về tâm linh. Chúng ta có những nền đạo học như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, v.v… Chính Thiên Chúa giáo cũng đến từ phương Đông mà không phải là sản phẩm của Tây phương. Thiên Chúa giáo là sản phẩm của Trung Đông. Mỗi khi phương Tây gặp khó khăn, khổ đau thì hay nhìn về phương Đông để tìm sự an ủi nơi chất liệu tâm linh và thường nhập cảng chất liệu tâm linh từ phương Đông. Cơ Đốc giáo là một trong những chất liệu tâm linh mà phương Tây đã nhập cảng từ Trung Đông để làm chỗ nương tựa tinh thần và làm lắng dịu những khổ đau.

Nhưng vì khuynh hướng suy tư, phân tích, chia chẻ, gọi là cái nhìn lưỡng nguyên mà Tây phương đã làm biến chất Cơ Đốc giáo. Chúng ta thấy rõ ràng có sự ngăn cách giữa tạo hóa (creator) và tạo vật (creature). Đông phương nghĩ rằng nếu nhìn vào tạo vật ta có thể thấy được tạo hóa, cũng như nhìn vào con ta thấy được cha. Trong tư duy Tây phương, chất liệu hiền thánh không dính líu gì với chất liệu phàm phu. Thánh thần chỉ có thể là thánh thần, phàm phu tục tử chỉ có thể là phàm phu tục tử. Con người chỉ là những kẻ tội lỗi không thể tự cứu mình được, phải có một đấng hiền thánh mới có thể cứu được con người. Giữa thánh (sacré) và phàm (profane) có sự ngăn cách nên rất khó có sự cảm thông hay sự liên hệ với nhau. Ta rất khó tiếp cận được với Chúa, với Thượng đế vì ta là người phàm tục, là người tội lỗi. Với tư tưởng này ta sinh ra mặc cảm. Ta cầu xin sự cứu độ và lòng thương từ bậc thánh hiền.

Trong khi đó thì cách suy nghĩ Đông phương rất khác. Trong khi chấp tay xá Bụt thì người Phật tử nói: Năng lễ sở lễ tánh không tịch. Trong người này có người kia và trong người kia có người này. Bạch đức Thế Tôn, con đang đảnh lễ Ngài, nhưng con thấy Ngài là trống rỗng và con cũng trống rỗng. Con được làm bằng những chất liệu không phải là con và Ngài được làm bằng những chất liệu không phải là Ngài. Vì vậy con thấy rõ là con có trong Ngài và trong Ngài có trong con. Với cách nhìn như vậy ta có thể vượt qua được rào cản để có sự cảm thông giữa thánh và phàm. Đó là cái nhìn bất nhị. Theo cái nhìn nhị nguyên ta thấy thánh và phàm, cũng như tạo hóa và tạo vật là hai cái khác nhau. Tư tưởng nhị nguyên làm phát sinh ra nhiều kỳ thị (discrimination) như sự kỳ thị giữa đạo này và đạo khác, giữa màu da này và màu da khác, giữa chủng loại này và chủng loại khác và tạo ra chiến tranh, sợ hãi và căm thù.

Dưới cái nhìn nhị nguyên thì vật chất chỉ có thể là vật chất, vật chất không thể là tinh thần. Nhìn mặt trời ta thấy mặt trời là một khối helium và các chất khác. Nhìn trái đất ta thấy trái đất như một sinh môi. Người ta nói tới vật chất vô tri để đối lại với tinh thần hữu tri. Nếu quán chiếu ta có thể tìm ra được tính tương tức giữa các sự vật. Ta có thể thấy rõ trong tinh thần có vật chất và trong vật chất có tinh thần. Nhìn một hạt bắp ta không thể nói hạt bắp là vật chất vô tri. Nếu ta gieo hạt bắp xuống đất, hạt bắp sẽ biết nẩy mầm làm ra những lá bắp, hoa bắp và trái bắp. Trong hạt bắp có cái biết, nó không chỉ là vật chất mà nó cũng là tinh thần, là tâm thức. Khoa học hiện nay cũng thấy được rằng các điện tử hành xử một cách rất thông minh. Các điện tử cách xa nhau hàng ngàn cây số có thể thông tin với nhau. Một hạt cát, một hạt bụi hay một hạt điện tử đều có cái thông minh của nó. Vì vậy cái thấy nhị nguyên của chúng ta về vật chất và tinh thần là không đúng.

Với cái nhìn bất nhị ta thấy đất Mẹ là một sinh vật. Nhiều nhà sinh vật học Tây phương cũng nghĩ như vậy. Nhà sinh vật học Hoa Kỳ Lewis Thomas có viết một cuốn sách tựa đề “The lives of a cell” tức là những hình thái sống khác nhau của một tế bào. Ông diễn tả hành tinh trái đất như một tế bào, tức là như một sinh vật: “Khi quán chiếu về hành tinh xanh tôi thấy đó không phải là một khối vật chất mà đó là một sinh vật”. Đúng như vậy, nếu là vật chất vô tri thì tại sao trái đất lại sản xuất ra được những bậc thánh nhân như Bụt, như chúa Kitô? Đất Mẹ là mẹ của biết bao nhiêu vị Bụt và Bồ tát. Cha ta, mẹ ta và chính ta cũng là con của trái đất. Vậy tại sao ta lại nói trái đất là vật chất vô tri? Nhìn bằng con mắt bất nhị ta có thể thiết lập sự liên hệ mật thiết với đất Mẹ. Sự liên hệ sâu sắc đó làm phát sinh ra cảm tình để có sự va chạm giữa trái tim này và trái tim kia. Ta dùng trái tim để nhìn đất Mẹ chứ không phải nhìn bằng cái nhìn lạnh lùng của lý trí mà thôi. Ta thấy giữa ta và đất Mẹ có sự liên hệ mẹ con, và người mẹ sinh ra ta cũng là con của đất Mẹ. Trở về nương tựa đất Mẹ giúp cho ta chữa lành những thương tích trong hình hài và trong tâm tư của ta.

Cơ Đốc giáo đã bị biến hình dưới cái nhìn lưỡng nguyên. Là một tín hữu Cơ Đốc giáo, nếu muốn phục hồi lại Cơ Đốc giáo ta phải tập nhìn bằng cái nhìn bất nhị. Nhìn chúa Jésus bằng cái nhìn bất nhị ta sẽ thấy sự liện hệ giữa ta và chúa Jésus rất thân thiết. Trong thánh kinh có nói: “Kitô là con của Thượng đế mà cũng là con của con người.” Con của con người thì có những chất phàm của con người và con của Thượng đế thì có những chất thánh của Thượng đế. Chất phàm và chất thánh ở chung với nhau. Nhìn sâu hơn nữa ta thấy rõ ràng là chất thánh kia được làm bằng chất phàm. Nếu biết sử dụng chất phàm ta sẽ làm ra được chất thánh, cũng như nếu biết sử dụng bùn thì ta sẽ làm ra được hoa sen. Thấy được sự liên hệ giữa thánh và phàm, giữa sen và bùn thì ta không còn kỳ thị, sợ hãi nữa. Không còn kỳ thị, sợ hãi thì không còn chiến tranh, không còn đau khổ. Lúc đó ta có sự cảm thông sâu sắc với chúa Kitô, nếu không thì chúa Kitô ngàn đời vẫn là chúa Kitô và ta ngàn đời vẫn là ta, ta và chúa Kitô không thể nào gặp nhau được.

Đạo Bụt nói rất rõ: Phật sinh bất nhị tức con người và Phật không phải là hai thực tại tách rời nhau. Không có bức tường ngăn cách giữa hai bên, không thể lấy Phật ra khỏi chúng sinh và không thể lấy chúng sinh ra khỏi Phật. Nhìn vào Phật ta thấy có chúng sinh đã tu tập nên thành Phật, nhìn vào sen ta thấy có bùn nên mới có sen, nhìn vào chúng sinh ta thấy có Phật tánh.

Muốn chia sẻ giáo lý đạo Bụt cho Tây phương để người Tây phương có thể thừa hưởng được tuệ giác của đạo Bụt thì ta phải cẩn thận, nếu không Tây phương lại lưỡng nguyên hóa đạo Bụt, làm biến chất đạo Bụt như đã làm biến chất đạo Thiên Chúa. Khuynh hướng tư duy của Tây phương là luôn luôn tách rời ra. Hiện tượng này đã từng xảy ra, như hiện nay người ta đang có phong trào đưa chánh niệm vào các lãnh vực y tế, kinh tế, giáo dục và thương mại, v.v… Người ta nói chánh niệm rất hay nên mượn chánh niệm như một dụng cụ để đi tới thành công.

Ví dụ như tôi là một nhà doanh thương muốn làm ra nhiều tiền, muốn có một doanh nghiệp thật lớn. Đây là tôi và đây là đối tượng của tôi và tôi muốn học chánh niệm để thành công dễ dàng trong doanh nghiệp, có nghĩa là tôi mãi mãi là tôi và mục đích của tôi mãi mãi là mục đích của tôi. Tôi chỉ cần anh đến để giúp cho tôi được thành công. Tây phương đang suy nghĩ như vậy. Trong lãnh vực y khoa, tôi muốn chữa trị những tâm bệnh hay thân bệnh. Tôi muốn tôi vẫn là tôi và công việc chữa trị vẫn là công việc chữa trị, tôi cần chánh niệm để có thể thành công. Đó là cái thấy lưỡng nguyên. Nhưng khi thực tập chánh niệm thì chánh niệm sẽ thay đổi cái “tôi” và cái “mục đích của tôi”. Khi thực tập chánh niệm rồi thì tôi không cần đi tới mục đích của tôi, tôi không cần thành công mà tôi vẫn có được hạnh phúc. Các vị giáo thọ đang có ý muốn đem Phật pháp chia sẻ cho Tây phương để người Tây phương bớt khổ phải rất cẩn thận. Nếu không thì với cách suy nghĩ nhị nguyên, Tây phương sẽ làm biến chất đạo Bụt, biến đạo Bụt trở thành kỹ thuật mà không còn là tuệ giác nữa.

Ở Đông phương, rất nhiều người cũng đang nhìn với cái nhìn nhị nguyên. Hiện nay Thiên Chúa giáo thực tập ở Đại Hàn, Việt Nam, Ấn Độ cũng là Thiên Chúa giáo nhị nguyên. Trong tinh thần đạo học Đông phương thì Thiên Chúa và con người tương tức. Chất phàm và chất thánh có liên hệ với nhau, không có chất phàm thì không có chất thánh.

Niết bàn là sự vắng mặt của phiền não và sở tri Nhiều học giả Tây phương đã nghiên cứu đạo Bụt gần 100 năm nay. Nhưng vì lề thói suy tư lưỡng nguyên còn quá mạnh nên dù rất giỏi tiếng Phạn, tiếng Pāli, chữ Hán và tiếng Tây Tạng và dù đã dịch, đã xem rất nhiều kinh điển, nhưng cái thấy của họ vẫn chưa đạt. Hơn nữa, một phần là vì có những Phật tử chưa vượt thoát được tư duy lưỡng nguyên nên đã ghi chép, truyền tụng lại đạo Bụt không được trung thực lắm. Ví dụ như giáo lý Mười hai nhân duyên không phải là giáo lý liễu nghĩa mà chỉ để cắt nghĩa về luân hồi. Vì vậy những học giả đó cho rằng Niết bàn là hư vô, là sự hoại diệt, là cái chết vĩnh viễn và mục đích của Phật tử là đi tới cái chết vĩnh viễn. “The ultimate end of the Buddhist practice is eternal death”, rất nhiều nhà khảo cứu Tây phương đã nói như vậy. Một truyền thống với mục đích duy nhất là đi tìm cái chết vĩnh cửu mà có hàng trăm triệu người theo là một chuyện rất lạ! Những người theo truyền thống đạo Bụt đó rất yêu sự sống, vậy mà người ta lại cho rằng họ muốn đi tìm cái chết vĩnh cửu. Nghĩ như thế là hiểu sai đạo Bụt, là nhìn bằng cái nhìn nhị nguyên. Trong kinh có câu: Niết bàn sinh tử thị không hoa. Không hoa là những hoa đốm ta thấy trong hư không. Nếu có ai tới đấm vào mắt ta thì tự nhiên ta thấy trong không gian có nhiều hoa, nhưng hoa đó không có thật. Niết bàn và sinh tử không phải là hai cái riêng biệt, Niết bàn nằm trong sinh tử và sinh tử nằm trong Niết bàn. Niết bàn là cái không sinh không diệt, là hạnh phúc, là sự bình an. Phải tìm Niết bàn ngay trong sinh tử, Nirvana nằm ngay trong samsāra. Ta tìm chất thánh ngay trong chất phàm, nếu biết cách ta có thể biến chất phàm thành chất thánh. Trong kinh Bụt dạy: “Tuy đại dương mênh mông nhưng nước trong bốn biển chỉ có một vị, đó là vị mặn. Giáo lý và sự thực tập của tôi chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Giải thoát là tự do. Mục đích của đạo Bụt là đi tìm tự do, nếu không có công năng đem lại tự do thì đó không phải là đạo Bụt. Tự do ở đây là tự do đối với những phiền não (affliction, kleśa) như đam mê, hờn giận, ganh tị, sợ hãi, tuyệt vọng, si mê,v.v… Và tự do với những sở tri, tức là những tri giác sai lầm như cái nhìn lưỡng nguyên: chất phàm và chất thánh là hai cái không dính líu gì nhau. Bị phiền não trói buộc gọi là phiền não chướng. Bị những cái thấy sai lạc trói buộc gọi là sở tri chướng.

Cởi bỏ được những sợi dây trói buộc là ta có tự do.

Tự do đó gọi là Niết bàn. Trong kinh có nhiều đoạn Bụt nói rất rõ: “Niết bàn là gì? Niết bàn là sự vắng mặt của phiền não và sở tri”. Buông bỏ được một ít phiền não, một ít sở tri thì ta có được một ít Niết bàn và Niết bàn có thể có được ngay trong giây phút hiện tại. Ta phải biết buông bỏ để có tự do. Ví dụ có một người đang giận, mặt đỏ rần rần như trong địa ngục. Nhưng nếu người đó thấy được sự thật và phát khởi được tâm từ bi thì cơn nóng sốt đó liền biến mất, người đó cảm thấy mát mẻ, an lạc và thảnh thơi. Trạng thái không còn nhiệt não gọi là Niết bàn. Buông bỏ được hận thù là có Niết bàn, nếu buông bỏ luôn được nghi ngờ thì ta sẽ có Niết bàn nhiều hơn. Niết bàn không phải là chuyện mơ tưởng xa xôi. Nhưng các nhà khảo cứu Tây phương thường nghĩ rằng chỉ khi nào người ta chết rồi thì mới có Niết bàn.

Một hôm có người tới hỏi Bụt:

– Bạch đức Thế Tôn, Ngài nói có Niết bàn trong giây phút hiện tại. Vậy thế nào là hiện pháp Niết bàn?

Đức Thế Tôn nói:

– Hiện pháp Niết bàn, Niết bàn trong hiện tại là sự vắng mặt của phiền não và sở tri chướng.

Hiện pháp Niết bàn 現 法 涅 槃 là le Nirvana visible, hiện pháp là có thể thấy được ngay bây giờ. Chúng ta thực tập để buông bỏ phiền não và sở tri chướng. Phiền não và sở tri chướng dính líu với nhau. Vì có những tri giác sai lầm nên ta có nhiều phiền não. Bao nhiêu lo sợ, khổ đau, mặc cảm phát khởi ra bởi vì ta tin có một cái ta, có một linh hồn bất tử. Bởi ta tin có một cái ta riêng biệt nên ta so sánh mình với người khác và sinh ra mặc cảm là mình thua người kia hay mình hơn người kia hoặc mình bằng người kia. Nếu không tin vào cái ngã thì ta sẽ không có ba mặc cảm đó. Cái thấy về vô ngã đem tới cho ta sự tự do rất lớn. Buông bỏ được một sở tri chướng thì có được một ít Niết bàn, buông bỏ càng nhiều thì có Niết bàn hay có tự do càng lớn.

Niết bàn không phải là cái mà ta đi tìm trong tương lai, nhất là sau khi chết, vì đức Thế Tôn có dạy về hiện pháp Niết bàn, Niết bàn có thể có được ngay trong giây phút hiện tại. Trong kinh “Rong chơi trời phương ngoại” có câu: “Chim chóc ưa trở về với không gian thênh thang, hươu nai ưa trở về nơi đồng quê, còn người khôn ngoan thì ưa trở về Niết bàn”. Người khôn ngoan thích sống an lạc, không ưa bon chen nơi thế giới của sinh diệt, phiền não.

Diệt được hết phiền não và sở tri thì gọi là cứu cánh Niết bàn, hay vô dư y Niết bàn 無 餘 依 涅 槃 , anupadhiśeșa-nirvāna tức là Niết bàn tuyệt đối. Nếu còn tàn dư của phiền não và sở tri (āsrava) thì gọi là hữu dư y Niết bàn 有 餘 依 涅 槃, upadhiśeșa- nirvāna. Āsrava được dịch là hữu lậu, tức là rò rỉ. Người đó đã có nhiều Niết bàn rồi nhưng phiền não và sở tri vẫn chưa hết hoàn toàn nên Niết bàn đó là hữu dư y (Nirvana with a remainder). Đạo Bụt gọi một người đã diệt hết hoàn toàn phiền não và sở tri là một vị A la hán. Con người, trong kiếp này, có thể đạt tới Niết bàn vô dư y, không còn phiền não và sở tri. Đó là bậc giác ngộ lớn, một vị thánh nhân (holy man). Nếu chưa diệt được hết những lậu, những tùy miên thì tuy ta cũng đạt được Niết bàn nhưng gọi đó là Niết bàn hữu dư y. Có những Phật tử hiểu sai rằng ta chỉ đạt được Niết bàn vô dư y khi không còn năm uẩn nữa, tức là sau khi chết. Dư y là upadhi. Người ta cho upadhi là skandha tức là năm uẩn. Năm uẩn không có tội gì cả, chỉ khi nào ta chấp vào năm uẩn thì ta mới bị vướng mắc, gọi là năm thủ uẩn, upādāna. Điều này khiến cho người Tây phương hiểu lầm Niết bàn là một giai đoạn hạnh phúc trong vài ba chục năm và sau đó là cái chết vĩnh cửu. Dư y (upadhi) không phải là uẩn (skandha) mà là thủ uẩn (upādāna). Trong kinh, rải rác có đoạn nói rất rõ: Ngay trong kiếp này, có nhiều người đạt tới Niết bàn vô dư y. Như vậy chứng tỏ rằng dư y là thủ uẩn. Ta còn năm uẩn nhưng ta vẫn có thể có Niết bàn tuyệt đối. Bụt có năm uẩn nhưng Bụt không bị kẹt vào năm uẩn nên Ngài đã chứng được Niết bàn vô dư y. Ngay trong kinh Pháp Cú, phẩm Phạm Chí có đến ba bài kệ nói về vấn đề này: Một vị A la hán có thể đạt tới Niết bàn không còn rơi rớt lại. Người ta kể một ví dụ: Một bọn cướp tới một thành phố nọ cướp của, giết người và đốt phá nhà cửa. Người ta đã tiêu diệt được bọn cướp nhưng có một số trốn thoát được và có thể chúng sẽ trở về. Đó là hình ảnh của hữu dư y, tuy là bọn cướp đã bị tiêu diệt nhưng một phần tàn dư của chúng vẫn còn nấp đâu đó và sự an ninh không được tuyệt đối. Khi nào bắt được hết tất cả những tên cướp còn lại mới được gọi là vô dư y. Nhưng có người cho upadhi là skandha vì họ nghĩ rằng chỉ có an ninh tuyệt đối khi thành phố bị tiêu diệt hoàn toàn.

Truyền thống đạo Bụt chúng ta có những thầy rất thông minh như thầy Vasubandhu, thầy Asanga, thầy Nāgārjuna, nhưng cũng có những người không thông minh nên đã truyền đạt sai lầm những lời Bụt dạy. Khi học, nếu ta không theo những nguyên tắc nghiên cứu, ta cũng sẽ hiểu lầm lời Bụt dạy và các học giả Tây phương do đó cũng đã hiểu lầm rất nhiều.

Niết bàn trong giây phút hiện tại

Bốn sự thật (Tứ diệu đế) là: khổ (ill-being), tập (the making of ill-being), diệt (the end of ill-being) và đạo (the path leading to the end of ill-being). Trong đạo Bụt có những tông phái cho rằng diệt là một pháp vô vi, tức là Niết bàn tuyệt đối. Nhưng cũng có những tông phái cho rằng diệt là sự đối ngược lại với khổ, tức là sự vắng mặt của khổ. Theo nguyên tắc tánh tướng biệt quán thì hoặc bốn sự thật đều là vô vi, hoặc bốn sự thật đều là hữu vi. Trên bình diện hữu vi thì khổ, tập, diệt, đạo khác nhau. Khổ không phải là vui, con đường đưa tới khổ không phải là con đường đưa tới hạnh phúc. Trên bình diện tích môn thì bốn sự thật nằm ngoài nhau.

Nhưng nhìn kỹ ta thấy rõ là bốn sự thật có liên hệ với nhau. Vì vậy Đại Chúng Bộ, một bộ phái được thành lập 140 năm sau khi Bụt nhập diệt đã chủ trương rằng: khổ cũng có lợi ích của nó, chính cái khổ giúp ta đi tới với đạo. Đại Chúng Bộ chủ trương rất giống Làng Mai, khổ có vai trò của nó. Trong mấy chục chủ trương của Đại Chúng Bộ, có chủ trương cho rằng khổ có công năng đưa ta tới với đạo. Vì có khổ nên ta mới tìm tới con đường tâm linh, cũng như bùn đóng vai trò làm ra sen. Một chủ trương khác cho rằng khổ cũng là một thức ăn. Nếu ta biết cách sử dụng thì khổ là một thức ăn rất tốt. Khổ đau làm cho ta nên người, làm cho ta trở nên từng trải và có tuệ giác. Do đó khổ đau có liên hệ tới hạnh phúc, có liên hệ tới con đường đưa tới hạnh phúc. Từ từ ta thấy được sự liên hệ duyên sinh giữa bốn sự thật và đi tới bản môn, trong đó bốn sự thật là một. Trong Bát Nhã Tâm Kinh có nói: Không có khổ, không có tập, không có diệt và không có đạo như những thực thể tách biệt. Trong mỗi sự thật đều có chứa ba sự thật còn lại. Như vậy chúng ta đi tới vô vi và bốn sự thật đều là vô vi. Chủ trương của Đại Chúng Bộ đi rất gần với chủ trương của Làng Mai. Đại Chúng Bộ là phái cấp tiến, còn Thượng Tọa Bộ là phái bảo thủ.

Bát chánh đạo, tuy là con đường đưa tới diệt khổ và đem lại an lạc, nhưng dưới cái nhìn bất nhị thì cứu cánh và phương tiện không phải là hai cái tách rời nhau. (The means and the end are not separate entities.) Làng Mai có câu: Không có con đường đưa tới an lạc, an lạc chính là con đường. (There is no way to peace, peace is the way). Chúng ta phải có an lạc trong từng bước chân, từng hơi thở chứ ta không phải chịu khổ cực trong năm bảy năm thực tập rồi mới có an lạc. Sự thực tập của Làng Mai là “bây giờ và ở đây”, không phải tôi chịu ép xác trong bốn hay năm năm rồi tôi mới có được an lạc. Cứu cánh và phương tiện là một, ta không thể lấy cứu cánh ra khỏi phương tiện hay lấy phương tiện ra khỏi cứu cánh. Ta phải có hạnh phúc ngay bây giờ. Trong khi thở ta có hạnh phúc mà trong khi đi ta cũng có hạnh phúc. Đối với tự do cũng vậy, ví dụ như anh là người đang bị giam 30 năm trong tù. Anh nghĩ rằng tổng thống hay vua của anh sẽ ân xá để anh được ra tù sớm và anh cứ ngồi chờ để có tự do. Nhưng có một vị giáo thọ đi vào trong tù để dạy cho anh rằng: “Anh đừng nên ngồi đó chờ, anh phải có tự do liền bây giờ. Anh cứ thở, cười và thấy rằng bông hồng trong vườn nhà tù cũng đẹp không thua gì bông hồng ở ngoài. Trong tù anh có nhiều thì giờ hơn để ngắm bông hồng và không khí cũng rất trong lành. Anh phải có tự do liền chứ đừng đợi mười năm nữa để được ân xá mới có tự do”. Người đó được dạy như vậy nên người đó có hạnh phúc và tự do ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta cũng vậy, ta không cần phải thực tập cực khổ trong bao nhiêu năm mới có hạnh phúc, có tự do và Niết bàn. Chúng ta có thể có hạnh phúc, tự do, Niết bàn ngay trong phút giây hiện tại.

Đạo đế chính là diệt đế

Trên bình diện sự thật ước lệ thì diệt và đạo khác nhau, nhưng xuống dưới bình diện sự thật tuyệt đối thì diệt (chỗ đến) và đạo (con đường) không phải là hai cái khác nhau. Ví dụ như chúng ta thường nói: There is no way to peace, peace is the way. Không có con đường đưa tới hòa bình, hòa bình là con đường. Ban đầu ta nghĩ có hòa bình và có một con đường đưa tới hòa bình, hòa bình khác với con đường. Đó là bình diện của thế tục đế. Xuống tới bình diện của thắng nghĩa đế thì hòa bình chính là con đường. Câu nói “không có con đường đưa tới hòa bình, hòa bình chính là con đường” rất quan trọng. Chúng ta phải áp dụng được câu nói đó thì mới có hòa bình thật sự. Nếu dùng những biện pháp bạo động để có hòa bình thì ta sẽ thất bại ngay từ trong trứng nước. Bất cứ một tư tưởng, một lời nói hay một hành động nào ta sử dụng cho hòa bình chính nó phải là hòa bình. Hòa bình chính là tư tưởng, là lời nói, là hành động của ta. Ta có hòa bình ngay trong giây phút hiện tại. Phương tiện và cứu cánh là một, không thể lấy phương tiện ra khỏi cứu cánh, cũng không thể lấy cứu cánh ra khỏi phương tiện. Đời sống của ta chính là hòa bình.

Niết bàn và con đường đi tới Niết bàn cũng vậy, trên bình diện thế tục đế ta thấy có Niết bàn và có con đường đi tới Niết bàn, nhưng nhìn kỹ thì Niết bàn chính là con đường. Nếu ta thật sự sống theo Bát chánh đạo thì mỗi giây phút sống là Niết bàn. Ví dụ như từ Bordeaux đi Paris, nếu ở ga Saint Jean (Bordeaux) ta lên đúng xe lửa đi Paris thì lúc ta bước lên xe lửa đã là Paris rồi. Nhưng nếu lên nhầm xe lửa đi Marseilles thì ta sẽ không bao giờ tới được Paris. Paris nằm ở mọi điểm trên con đường Bordeaux-Paris, Paris có trong mỗi bước chân đi, còn như nếu ta đi ngược lại Paris-Bordeaux thì bước nào cũng là Bordeaux, Bordeaux hay Paris là tùy theo hướng đi của ta. Từ Bordeaux ta muốn đi Paris, nếu đi đúng hướng thì mỗi bước là Paris, còn nếu đi ngược hướng thì mỗi bước là Bordeaux. Vì vậy con đường và nơi đến là một. Nếu Bát chánh đạo được thực tập một cách đúng đắn thì mỗi giây phút đều có Niết bàn, mỗi giây phút đều có sự lắng dịu, thảnh thơi, an lạc và tự do. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, v.v… nếu thực tập đúng thì mỗi giây phút đều là an lạc, hạnh phúc, tự do và lắng dịu. Đó là con đường, là Niết bàn. Con đường chính là Niết bàn.

Niết bàn, dù là Niết bàn hữu dư y hay Niết bàn vô dư y đều vượt thoát ý niệm sinh và tử. Không có Niết bàn để ta đến vì ta đang ở trong Niết bàn. Bản chất của chúng ta cũng như bản chất của đám mây là vô sinh bất diệt. Chỉ cần giác ngộ là ta có Niết bàn, mà giác ngộ là lấy đi những ý niệm sinh và diệt, có và không. Lấy đi ý niệm có-không, sinh-diệt thì Niết bàn hiện ra. Đứng về phương diện hình thức thì giống như là đám mây có sinh có diệt. Nhưng nhìn sâu vào thì đám mây không có sinh không có diệt, vì sinh là từ không mà trở thành có và diệt là từ có mà trở thành không. Đám mây đang ở trong Niết bàn và chúng ta cũng đang ở trong Niết bàn. Ta chỉ cần tỉnh thức thì tự nhiên Niết bàn có ngay đó. Vì vậy, nếu ta đi tìm Niết bàn thì cũng như đợt sóng đi tìm nước, là chuyện rất buồn cười vì đợt sóng đã là nước.

Niết bàn chính là con đường

Mùa Đông năm nay chúng ta có một câu thư pháp mới: There is no way to Nirvana, Nirvana is the way. Không có con đường đưa tới Niết bàn, Niết bàn chính là con đường. Đứng về phương diện sự thật ước lệ thì có một con đường đưa tới xứ sở gọi là Niết bàn, Niết bàn khác với con đường. Nhưng đi sâu vào và nhìn cho kỹ, tiếp xúc được với sự thật tối hậu (the ultimate truth) thì ta thấy rằng Niết bàn và con đường tương tức với nhau, Niết bàn và con đường là một. Ngồi trong pháp đường này mà biết buông bỏ được phiền não thì quý vị đã có được Nirvana. Buông bỏ những lo âu, những giận hờn, những thành kiến thì quý vị bắt đầu có Nirvana, và Nirvana càng ngày càng lớn. Ta không cần phải chết đi mới có Nirvana. Nirvana có nghĩa là trạng thái mát mẻ, trạng thái thanh lương và sự tự do thảnh thơi.

Con đường là Bát chánh đạo, là sự thật thứ tư của Bốn sự thật. Bốn sự thật là: khổ (ill being), tập (the cause of ill being), diệt (the cessation of ill being) và đạo ( the path leading to the end of ill- being ), tức con đường đưa tới sự chấm dứt khổ đau. Đứng trên bình diện của sự thật tương đối thì khổ, tập, diệt, đạo có khác nhau. Khổ khác với hạnh phúc (diệt) và tập khác với đạo. Có con đường đưa tới hạnh phúc và có con đường đưa tới khổ đau. Đạo là con đường Bát chánh bắt đầu từ chánh kiến 見 (right view) hay tuệ 慧 . Chánh kiến có được là nhờ niệm 念 và định 定 . Thực tập chánh niệm và chánh định sẽ đưa tới chánh kiến (tuệ), mà có tuệ là ta sang được bờ bên kia, ta tiếp xúc được với Niết bàn. Con đường Bát chánh có niệm, định, tuệ, chánh kiến, chánh tư duy (right thinking), chánh ngữ (right speech), chánh nghiệp (right action), chánh tinh tấn (right diligence) và chánh mạng (right livelihood).

Nhưng nếu sử dụng tùy thuận trí (the wisdom of adaptation) để đi sâu vào thì ta thấy diệt và đạo là một. Khổ, tập, diệt, đạo không thể lấy ra khỏi nhau. Làng Mai hay dùng một ví dụ rất đơn sơ nhưng rất hay, đó là ví dụ về tờ giấy. Tờ giấy có mặt phải và mặt trái, hai mặt tương tức với nhau, ta không thể lấy mặt này ra khỏi mặt kia. Con đường đưa tới Niết bàn và Niết bàn tương tức nhau, vì vậy khi tiếp xúc được với con đường là tiếp xúc được với Niết bàn. Chúng ta có thể nói: There is no way to Nirvana, Nirvana is the way. Và ta đang ở trên bình diện của sự thật tuyệt đối.

Năm giới là sự biểu hiện của con đường

Năm giới tân tu mà ta tiếp nhận là một sự biểu hiện cụ thể của con đường. Đó là con đường Niết bàn.

  1. Giới thứ nhất là sự thực tập bảo vệ sinh mạng, bảo vệ sự sống. Không phải chỉ bảo vệ sự sống của con người mà bảo vệ cả sự sống của mọi loài và của trái đất. Tôn trọng sự sống, thực tập bất bạo động là cốt tủy của đạo Bụt. Ta làm việc, sinh sống, ăn uống như thế nào để đừng gây ra sự tổn hại đến các loài, không những các loài động vật và thực vật mà còn cả các loài khoáng vật.
  2. Giới thứ hai là sự thực tập hạnh phúc chân thật. Làm thế nào để có chân hạnh phúc? Hạnh phúc chân thật không do tiền bạc, giàu sang, cũng không do quyền hành, danh vọng, sắc dục đem tới. Có những người đi tìm những thứ đó và đã làm tiêu tán thân tâm của họ, do đó ta biết hạnh phúc không được làm bằng những chất liệu đó. Hạnh phúc có được khi ta có khả năng hiểu và thương, đó gọi là chân hạnh phúc. Hạnh phúc là biết sống chánh niệm. Khi đi, ta biết cách đi như thế nào để mỗi bước chân đều đem tới hạnh phúc. Khi ngồi, ta biết cách ngồi như thế nào để có hạnh phúc. Khi ăn cơm, khi nấu bếp hay khi tắm giặt cũng vậy, ta biết nghệ thuật để làm cho ta có hạnh phúc trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Đó là nghệ thuật hạnh phúc mà chúng ta phải học. Có niệm, định và tuệ thì mỗi giây phút của đời sống có thể là một giây phút hạnh phúc. Khi nói chuyện với đồng nghiệp, với khách hàng, với huynh đệ hay với một người qua đường ta phải biết cách nói làm sao để ta có hạnh phúc và người kia cũng có hạnh phúc.
  3. Giới thứ ba là tình thương chân thật. Sắc dục không phải là tình yêu, sắc dục và tình yêu là hai cái khác nhau. Tình yêu chân thật là hiểu nhau, là thấy được nỗi khổ niềm đau của nhau và có khả năng giúp nhau thoát ra khỏi tình trạng khổ đau. Chúng ta cũng phải học cách thương yêu, và ta cần có năng lượng của niệm, định, tuệ mới có thể thương được.
  1. Giới thứ tư là nghệ thuật nói và nghe. Ta nói và nghe như thế nào để tái lập lại sự truyền thông, hòa giải được với người kia hay với nhóm người kia, đem lại niềm tin và hạnh phúc cho mình và cho người kia. Đó là một nghệ thuật mà ta cần phải có năng lượng của niệm, định và tuệ thì mới làm được.
  2. Giới thứ năm là sự thực tập tiêu thụ bốn loại thực phẩm: đoàn thực, xúc thực, thức thực và tư niệm thực. Ta tiêu thụ như thế nào đó để thân tâm ta được khỏe mạnh. Đoàn thực là thức ăn đưa vào qua đường miệng như: cơm, bánh mì, v.v… Xúc thực là những cái ta tiếp xúc trong đời sống hằng ngày bằng sáu giác quan. Có những thứ mà khi tiếp xúc thì gây cho ta đau khổ và bệnh tật, vì vậy ta phải tiếp xúc có chánh niệm. Tư niệm thực là chí hướng và mục đích của đời ta. Chí hướng đó có phải là sự giàu sang, quyền lực, danh vọng và sắc dục không? Hay ta muốn cứu đời giúp người? Thức thực là món ăn tâm thức. Mỗi ngày ta có tiêu thụ tâm thức cọng đồng của sự giận hờn không? Nếu tiếp xúc với những người chỉ có giận hờn, sợ hãi, lo lắng, buồn khổ thì sau một thời gian ta sẽ bị bệnh. Những chất liệu hận thù, lo lắng, sợ hãi, bạo động của những người kia từ từ đi vào trong thân tâm của ta và ta cũng sẽ bị bệnh. Chúng ta không nên ở chung với một nhóm người có quá nhiều hận thù, sợ hãi, bạo động. Ta phải tìm cách rời xa nhóm người đó. Trong tâm thức của chính mình cũng có những chất bổ dưỡng, an lành nhưng cũng có những khổ đau, buồn giận. Nếu ngồi yên để những sầu khổ đi lên và ta gặm nhắm chúng thì đó là thức thực không lành mạnh. Ta nhai lại quá khứ khổ đau của mình, ta nhai lại những buồn khổ, hờn tủi của mình như loài động vật nhai lại. Giới thứ năm là nghệ thuật tiêu thụ. Chúng ta phải biết cách tiêu thụ bốn loại thực phẩm như thế nào để trái đất có một tương lai, để ta và những người chung quanh ta có sức khỏe. Đó là một nghệ thuật và ta phải sử dụng niệm, định và tuệ mới có thể làm được. Năm giới mà ta quỳ xuống tiếp nhận từ Bụt và tăng thân là con đường rất cụ thể. Nếu thực tập theo đúng Năm giới, trong đó có niệm-định-tuệ, thì mỗi giây phút ta đều có Niết bàn, có sự lắng dịu, có hải đảo tự thân, có sự an ổn và có bờ bên kia. Niết bàn là cái có thể có được trong hiện tại mà không phải là một cõi nào đó hay một sự hứa hẹn trong tương lai. Đạo Bụt gọi đó là hiện pháp Niết bàn hay Niết bàn ngay trong giây phút hiện tại.

Năm cái tên của Niết bàn là: sự thật, bờ bên kia, bất khả tư nghị, an ổn và hải đảo. Nếu ta chưa ăn trái kiwi thì dù cho người ta có diễn tả vị của trái kiwi như thế nào đi nữa ta cũng không thể hiểu được, ta phải trực tiếp ăn trái kiwi thì ta mới biết được. Dù ta có nói bao nhiêu về trái kiwi cũng không giúp cho người kia hiểu được trái kiwi là gì. Niết bàn cũng giống như vậy. Niết bàn là sự lắng dịu, sự an ổn, sự không sợ hãi, mà chỉ khi nào tiếp xúc được thì ta mới biết được mà thôi. Đó là bất khả tư nghị. Niết bàn là an ổn, là hải đảo. Có con đường là có Niết bàn. Nếu một ngày ta thực tập 24 giờ đồng hồ thì ta có Niết bàn 24 giờ đồng hồ. Không có con đường đưa tới Niết bàn, Niết bàn chính là con đường. Là người xuất gia, thầy và sư cô đang có Niết bàn, có bờ bên kia. Vấn đề là thầy và sư cô có muốn có mặt cho Niết bàn hay không? Anh chị là người cư sĩ, anh chị cũng có Niết bàn. Nếu thực tập Năm giới cho đúng cách thì trong mỗi giây phút thực tập, anh chị đều tiếp xúc được với bờ bên kia, với chỗ an ổn, với hải đảo. Vì vậy Niết bàn không phải là cái gì mơ hồ, không phải là sự hứa hẹn, mà là cái ta có thể kinh nghiệm được ngay trong giây phút hiện tại. Bí quyết của sự thực tập là năng lượng chánh niệm. Sống có chánh niệm và chánh định trong giây phút hiện tại thì ta có được cái thấy giúp ta sang được bờ bên kia, một bờ bến có sự an ổn và không còn lo sợ nữa. Chỉ khi có Niết bàn, có sự lắng dịu, an ổn trong đời sống hằng ngày thì ta mới giúp được những người khác.

Năm giới chứa đựng Niết bàn

Chúng ta đã học rằng trong bốn sự thật thì sự thật thứ ba là hạnh phúc, là sự vắng mặt của khổ đau, là bình an, là Niết bàn. Tứ Diệu Đế nói về khổ đau nhưng cũng nói về hạnh phúc, vì khổ đau và hạnh phúc tương tức với nhau. Giáo lý Tứ Diệu Đế rất thực tế. Trong đó có nói tới hạnh phúc và con đường đưa tới hạnh phúc, tức đạo đế (mārga). Đạo đế (mārga) đưa tới sự chấm dứt của khổ đau (nirodha) và sự có mặt của hạnh phúc.

Mới nhìn ta thấy như sự thật thứ ba (diệt đế) là cứu cánh, là mục đích (aim) và sự thật thứ tư (đạo đế) là phương tiện (means). Nhưng trong đạo Bụt, tất cả đều tương tức, ta không thể lấy cái này ra khỏi cái kia, ta không thể lấy trái ra khỏi phải, lấy sinh ra khỏi diệt, lấy con ra khỏi cha. Vì vậy ta không thể tách rời cứu cánh ra khỏi phương tiện. Nhìn vào cứu cánh ta thấy phương tiện và nhìn vào phương tiện ta thấy cứu cánh. Con đường đã là Niết bàn, là hạnh phúc. Ngay từ giây phút chúng ta quỳ xuống tiếp nhận Năm giới là ta đã có hạnh phúc, vì Năm giới đại diện cho hạnh phúc rất cụ thể. Năm giới, theo giới tướng mà ta đang hành trì hiện nay là sự biểu hiện rất cụ thể cho giáo lý Bát chánh đạo, giáo lý Tứ đế và giáo lý tương tức căn cứ trên tuệ giác “không có, không không, không sinh và không diệt”. Vì vậy Năm giới chứa đựng hạnh phúc, chứa đựng Niết bàn và càng thực tập thì ta càng hạnh phúc. Dù ta có thực tập 250 giới hay 350 giới thì cũng không ngoài Năm giới. Chúng chỉ có thêm chi tiết mà không có sự khác biệt, vì Năm giới chứa đựng Niết bàn, chứa đựng hạnh phúc, chứa đựng quê hương. Mỗi giới đều chứa đựng bốn giới kia, và giới nào cũng đem tới tự do, hạnh phúc và Niết bàn. Ta không cần phải giữ Năm giới trong mười năm mới có hạnh phúc mà có thể có hạnh phúc liền trong những ngày đầu thực tập. Thấy một người quỳ xuống tiếp nhận Năm giới từ tăng thân ta mừng cho người đó. Người đó đang có cơ hội tiếp xúc với Niết bàn. Chỉ cần tin tưởng vào Năm giới và thực tập theo Năm giới thì mỗi bước chân, mỗi hơi thở đều đem lại tự do, hạnh phúc. Năm giới đem tới tự do, đem tới sự buông bỏ những hệ lụy và khổ đau. Ta không thể tìm Niết bàn ở ngoài con đường (đạo). Ta phải thấy được đạo và sống trong từng giây phút với cái thấy đó.

Nhiều học giả Tây phương nghiên cứu đạo Bụt, vì đã sử dụng cái nhìn nhị nguyên cho nên không nắm được tinh yếu của Phật pháp. Nhiều người nói Niết bàn là cái chết vĩnh viễn, và mục đích tối hậu của đạo Bụt là đi tới cái chết vĩnh viễn để khỏi tiếp tục luân hồi khổ đau. Robert Caesar Childers, tác giả cuốn tự điển A Dictionary of the Pāli Language, xuất bản năm 1875, nói ở trang 268 rằng: Niết bàn là một thời gian hạnh phúc ngắn ngủi và được tiếp nối bởi cái chết vĩnh cửu (Nirvana is a brief period of bliss followed by eternal death). Trang 76 sách ấy nói: Mục đích của giáo lý đạo Bụt là cái chết vĩnh cửu.

Richard Pischel, trong tác phẩm Buddha, xuất bản năm 1906, cũng nghĩ như thế. Ông nói: Tôi đã chứng minh rằng mục đích của đạo Bụt là sự hoại diệt và Niết bàn chỉ là một thời gian ngắn ngủi của hạnh phúc được tiếp nối bởi một cái chết vĩnh cửu (I have shown that the goal of Buddhism is annihilation and that Nirvana is a brief period of bliss followed by eternal death).

Jules Barthélemy-Saint-Hilaire, triết gia Pháp (1805- 1895), nói đạo Bụt là đạo của sự tịch diệt hư vô, Niết bàn là sự hoại diệt và Bụt là một vị thần linh đã chết (le Bouddhisme est la religion du néant, le Nirvana est l’annihilation, le Bouddha est un dieu mort depuis le Nirvana).

Chính Theodore Stcherbatsky, nhà học giả Phật học người Nga nổi tiếng, tác giả của nhiều sách về Luận Lý Học Phật giáo, cũng đã viết trong bài tựa của cuốn sách La Théorie de la Connaissance et la Logique chez les Bouddhistes Tardifs, xuất bản ở Paris năm 1926: “Đạo Bụt Nguyên thỉ đã trình bày đức Phật như một con người có sinh có diệt như tất cả mọi người, nhưng nhờ công phu hành trì, đã đạt tới được cái ân huệ tối cao là không bao giờ còn phải trở lại trong cõi đời này nữa và vĩnh viễn biến mất trong một cái chết vĩnh hằng.”

Rất nhiều người bị kẹt vào nhận thức lưỡng nguyên (dualistic thinking), trong đó có cả những người theo đạo Bụt, đã không hiểu được Bụt và không hiểu đúng về Niết bàn. Họ nghĩ rằng Bụt không phải là chúng sinh, và chúng sinh không phải là Bụt. Bụt ở ngoài chúng sinh, và chúng sinh ở ngoài Bụt. Bụt và chúng sinh là hai thực thể tách biệt nhau. Cũng theo cách nhận thức đó, họ cho rằng Niết bàn không phải là sinh tử, sinh tử không phải là Niết bàn, ngoài Niết bàn còn có sinh tử và ngoài sinh tử còn có Niết bàn. Để đối trị với cái nhìn nhị nguyên ấy, các vị thầy của chúng ta ngày xưa đã dạy “sinh Phật bất nhị” và “Niết bàn sinh tử thị không hoa”. “Sinh Phật bất nhị” có nghĩa là chúng sinh và Bụt không phải là hai thực thể tách biệt nhau. Nhìn vào chúng sinh thì thấy Bụt, và nhìn vào Bụt thì thấy chúng sinh. “Niết bàn sinh tử thị không hoa” là ngoài sinh tử không có Niết bàn, ngoài Niết bàn không có sinh tử. Cái quan niệm Niết bàn và sinh tử là hai thực tại có thể tách rời nhau mà có đó là những ý niệm sai lạc và không có thật, giống như những hoa đốm trong hư không. Khi bị người khác đấm vào mắt, ta thấy có hoa đốm trong hư không, Niết bàn và sinh tử như những thực tại tách rời nhau mà có là những cái không thể nào có được.

Không có con đường nào đưa về Niết bàn, Niết bàn chính là con đường (there is no way to Nirvāna, Nirvāna is the way). Điều này có nghĩa là nếu ta nhìn vào sự thực thứ tư (đạo đế) ta có thể thấy được sự thực thứ ba (diệt đế). Bản thân sự hành trì đạo đế chính là Niết bàn. Con đường Bát chánh đạo nếu được hành trì đúng thì mỗi giây phút đều có Niết bàn, có tự do và giải thoát. Có chánh kiến là có Niết bàn, có tự do. Có chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, v.v… cũng thế. Mỗi một công phu hành trì đều đem tới một sự lắng dịu khổ đau, một khoảng trời tự do. Chuyển hóa một cơn giận là dập tắt được một ngọn lửa giận, đó là sự lắng dịu, sự mát mẻ, sự tự do. Lấy đi một tri giác sai lầm, một thành kiến cũng đem lại sự lắng dịu và tự do.

Không thể lấy Niết bàn ra khỏi con đường, không thể lấy diệt đế ra khỏi đạo đế, cũng như không thể lấy đạo đế ra khỏi diệt đế. Hai đế tương tức. Niết bàn, sự lắng dịu, sự mát mẻ, sự tự do có thể có mặt trong từng giây phút của đời sống hàng ngày, nếu ta đang thực sự sống theo con đường Bát chánh. Nhưng Niết bàn trong hiện tại ấy, Niết bàn mà trong kinh gọi là hiện pháp Niết bàn (drstadharmanirvāna) ấy có thể chỉ mới là Niết bàn còn dư y. Nếu bạn đạt được chánh trí, có được chánh kiến tuyệt đối thì bạn đạt được Niết bàn hết dư y, cũng ngay trong đời sống hiện tại. Những câu kinh chứng minh cho cái thấy này vẫn còn được tìm thấy trong kinh tạng. May mắn cho chúng ta biết mấy. Chỉ cần nhìn vào con đường Bát chánh, ta đã có thể thấy được Niết bàn. Ta có thể thấy ngay rằng Niết bàn là nếp sống thảnh thơi, tự do, có hiểu, có thương, có sự lắng dịu, có hạnh phúc, chứ không phải là sự hủy diệt, là hư vô, là cái chết ngàn đời. Không lý chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, những thực tập tích cực và đẹp đẽ như thế mà lại có mục đích đưa tới cái chết vĩnh hằng?