Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Làng Mai năm qua

Kính thưa quý vị thân hữu!

Khi lá thư này đến tay quý vị thì tại Làng Mai, đại chúng vẫn đang trong mùa An cư kết Đông 2015-2016. Khóa An cư kết Đông đã khai mạc ngày 22.11.2015 và sẽ kết thúc vào ngày 18.02.2016. Cứ mỗi mùa An cư, đại chúng rất hạnh phúc với sự có mặt của quý thầy, quý sư cô lớn cùng nhiều vị khách tăng và thiền sinh, tất cả cùng quy tụ dưới mái nhà tâm linh. Năm nay, số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn là 273 vị (186 xuất sĩ và 87 cư sĩ). Có được 90 ngày để sống và thực tập chung với nhau là một hạnh phúc rất lớn. Vì vậy, trong đại chúng ai cũng tâm niệm hết lòng thực tập, làm mới sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm linh để nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng tăng thân.

Vừa qua, lễ Giáng sinh năm 2015 và Tết Dương lịch 2016 đã được tổ chức thật đầm ấm tại Làng. Thân hữu từ xa về tham dự chật kín cả thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng và thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, một tuần lễ ở Làng là món quà tuyệt vời và ý nghĩa nhất mà các bạn tặng cho chính mình trong dịp Giáng sinh và Năm mới.

Trong tháng 03 năm 2016, tại Làng Mai, Đại giới đàn Ân Nghĩa sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 28. Làng Mai sẽ cung thỉnh nhiều vị Tôn túc từ Việt Nam sang chứng minh hộ niệm cho Giới đàn và tham dự vào Hội đồng truyền giới. Chúng tôi rất mong quý vị thân hữu cùng về dự để yểm trợ năng lượng cho Đại giới đàn.

Năm 2016 cũng là năm Làng Mai kỷ niệm 50 năm thành lập Dòng tu Tiếp Hiện. Nhân dịp này, chúng tôi kính mời quý vị thân hữu, đặc biệt là các thành viên Tiếp Hiện của Đạo tràng Mai Thôn trên thế giới về tham dự khóa tu 21 ngày với chủ đề Đường về Núi Thứu (Vulture Peak Gathering) được tổ chức tại Làng Mai từ ngày 01 đến ngày 21 tháng 6. Pháp hội này chính là cơ hội quý báu để chúng ta cùng thực tập chung với nhau như một tăng thân, cùng nuôi dưỡng và làm lớn mạnh gốc rễ tâm linh Làng Mai.

Sau đây, chúng tôi xin lược thuật những gì đã diễn ra tại Đạo tràng Mai Thôn từ đầu năm 2015:

Ngày hội xuất sĩ (26.02-04.03.2015)

Sau mùa An cư hoàn mãn và vui Tết Ất Mùi, đại chúng Làng Mai bước vào khóa tu một tuần dành riêng cho xuất sĩ. Quý sư cô từ các chùa Từ Nghiêm và Cam Lộ dọn hết lên xóm Thượng, cùng với quý sư cô từ thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Paris về, tạo ra một không khí tu học thật đầm ấm, tươi vui. Chỉ tiếc là năm nay đại chúng ở Đức không sắp xếp được để về tham dự khóa tu xuất sĩ như thường lệ.

Khóa tu xuất sĩ nên đi đâu cũng thấp thoáng bóng dáng áo nâu, không khí như một khóa tu gia đình. Hạnh phúc làm sao khi hơn 200 xuất sĩ cùng được ngồi thiền, tụng kinh, thiền hành, pháp đàm và ngồi chơi có mặt trọn vẹn cho nhau. Trước khóa tu, đại chúng nghe tin là Thầy có thể về thăm một ngày rồi trở lại bệnh viện, nên ai cũng nóng lòng chờ đợi, nhưng rồi vì nhiều lý do, Thầy không về được… Dù vậy, mỗi ngày đại chúng vẫn được nghe pháp thoại của Thầy qua băng giảng video hoặc pháp thoại của các thầy, các sư cô giáo thọ.

Một điều đặc biệt của khóa tu xuất sĩ năm nay là bên cạnh những bài pháp thoại của các thầy, các sư cô lớn còn có một buổi chia sẻ của các vị xuất sĩ trẻ. Sư cô Ngộ Nghiêm, sư cô Trăng Mai Thôn, sư chú Trời Linh Quang và sư chú Trời Bằng Hữu đã mở lòng chia sẻ những niềm vui cũng như những băn khoăn, thao thức trên bước đường thực tập. Một điều đặc biệt nữa là trong khóa tu này, đại chúng có một buổi Lắng Nghe Sâu, lắng nghe như một cơ thể. Đây là cơ hội để hơn 200 xuất sĩ cùng ngồi bên nhau và lắng nghe các thành phần trong tăng thân nói lên những khó khăn của mình, cũng như đóng góp cái thấy của mình để làm cho tăng thân mạnh hơn, đẹp hơn.

Khóa tu tiếng Pháp (03-09.04)

Mùa xuân năm nay, tuy Thầy không ra giảng dạy nhưng vẫn có rất đông thiền sinh đến Làng tu học mỗi tuần. Đầu xuân, từ ngày 03-09.04, Làng có khóa tu tiếng Pháp với sự tham dự của gần 600 thiền sinh, ba phần tư trong số đó là những người lần đầu tiên đến Làng. Thiền sinh rất hạnh phúc khi đến Làng giữa lúc hoa mận đang khoe sắc trong nắng xuân ấm áp. Sư cô Chân Không, sư cô Giác Nghiêm và sư cô Đào Nghiêm đã thay Thầy cho pháp thoại bằng tiếng Pháp trong khóa tu.

Đến với khóa tu, các bạn thiền sinh có cơ hội được thực tập thiền tọa, thiền hành, ăn cơm im lặng, pháp đàm… ngoài ra còn có cơ hội làm việc chung với quý thầy, quý sư cô. Các bạn được chia làm việc theo gia đình với các công việc như cắt gọt, rửa dọn, làm vườn, chuyển hóa rác… Làm việc chung là một cơ hội để các bạn thiền sinh làm quen với nhau và học cách làm việc trong chánh niệm. Có một cô thiền sinh chia sẻ rằng ở nhà chẳng khi nào cô phải rửa nồi, cô không thích công việc này tí nào. Vậy mà đến với khóa tu, cô lại cảm thấy yêu thích việc rửa nồi, đó là nhờ năng lượng thực tập tươi vui của các bạn thiền sinh trong gia đình. Khóa tu chỉ diễn ra trong một tuần nhưng đã đem lại nhiều niềm vui và sự chuyển hóa. Trong khóa tu, có 9 người được thọ Mười bốn giới Tiếp Hiện và 73 người được thọ Năm giới quý báu.

Sau khóa tu tiếng Pháp, các vị xuất sĩ của Làng lại bắt đầu những chuyến hoằng pháp tại châu Âu (Ireland, Tây Ban Nha, Hà Lan…) và châu Á (Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan).

Hành trình châu Á

Nhật Bản (29.04-12.05)

Đây là chuyến hoằng pháp lớn đầu tiên của tăng thân tại Nhật Bản kể từ khi chuyến hoằng pháp của Thầy và tăng thân bị hủy bỏ vì trận sóng thần (Tsunami) năm 2011. Hai mươi năm đã đi qua từ chuyến hoằng pháp cuối của Thầy tại Nhật năm 1995. Nhật Bản có truyền thống thiền tập lâu đời nhưng Phật giáo đang đánh mất dần vai trò của mình trong xã hội. Người trẻ hiện nay có xu hướng nghiêng về đời sống vật chất Âu Mỹ nhiều hơn nên khổ đau cũng nhiều hơn. Với sự cộng tác nhiệt thành của ban tổ chức cư sĩ và Viện Phật học Ứng dụng châu Á, cuối cùng chuyến đi Nhật đã diễn ra vào cuối tháng Tư với một phái đoàn trên 30 xuất sĩ đến từ các trung tâm Làng Mai trên thế giới: các thầy Pháp Đăng, Pháp Ứng, Pháp Dung, Pháp Lưu, Pháp Thắng (Pháp), Pháp Ấn, Pháp Trạch (Đức), Pháp Hộ (Lộc Uyển), Pháp Vũ (Bích Nham), Pháp Niệm, Pháp Thừa (Thái Lan), Pháp Khâm, Pháp Giao, Pháp Chứng, Pháp Dũng (ban tổ chức ở Hồng Kông); và các sư cô Chân Không, Thoại Nghiêm, Tuệ Nghiêm, Hài Nghiêm, Trai Nghiêm (Pháp), Diệu Nghiêm, Kính Nghiêm (Lộc Uyển), Thệ Nghiêm (Bích Nham), Hỷ Nghiêm, Đẳng Nghiêm (Mộc Lan), Linh Nghiêm, Duệ Nghiêm (Thái Lan), Thuận Nghiêm, Tu Nghiêm, Sĩ Nghiêm, Trăng Phổ Đà (ban tổ chức ở Hồng Kông).

Pháp thoại công cộng: Hạnh phúc là con đường

Chuyến hoằng pháp tại Nhật Bản được mở đầu bằng buổi pháp thoại công cộng (ngày 29.04). Thầy Pháp Đăng, Pháp Ấn, sư cô Chân Không, Diệu Nghiêm đã cùng cho pháp thoại ngày hôm ấy. Trước buổi pháp thoại, thính chúng vô cùng ấn tượng khi thấy tăng đoàn gồm khoảng 30 thầy và sư cô niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm. Năng lượng của tăng thân rất hùng tráng. Nhiều người đã khóc, có cả những người trong Ban tổ chức. Họ xúc động một phần vì từ trước tới giờ, họ chỉ nghĩ tới Thầy như một vĩ nhân, không nghĩ là Thầy có thể được tiếp nối bởi một tăng thân hùng hậu như thế.

Khóa tu năm ngày: An lạc từng bước chân

Ngày hôm sau, phái đoàn lên đường đến địa điểm của khóa tu 5 ngày (02-06.05) dưới chân núi Phú Sĩ. Đây là khách sạn Fuji Midorino Kyukamura ở Yamanashi, khá lớn, xưa nay chưa từng nấu chay vậy mà lần này họ chịu nấu cho gần 600 người. Những buổi thiền hành trong khóa tu thật là ấn tượng. Hình ảnh hơn 500 thiền sinh cùng quý thầy, quý sư cô cùng đi thiền hành từ khách sạn tới một bãi cỏ rộng nhìn lên núi Phú Sĩ tuyết phủ trắng xóa, thật mầu nhiệm! Nhìn thấy núi, sư cô Chân Không bỗng giang tay ra quay 21 vòng, 42 vòng cho vui. Thiền sinh thấy Sư cô lớn tuổi mà có thể quay nhiều vòng không té, họ rất ngạc nhiên và nuôi dưỡng! Những bài pháp thoại trong khóa tu đã làm cho thính chúng cảm kích vì sự đơn giản, dễ thực tập và đem lại nhiều lợi lạc.

Ngày cuối của khóa tu có hơn 800 người. Bà Akie Abe – Phu nhân của Thủ tướng Nhật cũng đến tham dự và được nghe pháp thoại của thầy Pháp Đăng. Ban tổ chức đã mời bà ở lại dùng trà cùng với sư cô Chân Không, thầy Pháp Ấn, sư cô Trai Nghiêm (người Nhật) và một số thân hữu. Sau đó, bà cũng nhận lời ở lại dùng cơm trưa cùng với tăng đoàn. Nhân tiện, sư cô Chân Không đã chia sẻ với bà phương pháp thiền ôm như một thông điệp chánh niệm của Làng Mai gửi tới Thủ tướng Nhật. Sư cô nói: chiều nay khi về lại nhà, bà hãy nhìn cho kỹ, cho sâu chồng của mình, người đã từng chia sẻ với bà những lúc khó khăn cũng như những ngày hạnh phúc. Rồi bà giang tay ôm chồng bà và ôm cả một dân tộc trên vai ông ấy với bao nhiêu là trách nhiệm về kinh tế, giáo dục, xã hội… bà hãy ôm thật sâu, trao hết tình thương cho con người dễ thương đó trong vòng tay của bà… Nghe sư cô nói xong, bà bỗng bật khóc và nói: Tôi sẽ cố gắng là từ rày về sau, tôi chỉ thực tập ôm trong chánh niệm thôi. Không phải ôm nhà tôi mà thôi. Mỗi khi ôm một người thân như mẹ hay chị em của mình, tôi cũng sẽ quán chiếu như Sư cô dạy. Sư cô Trai Nghiêm, trước khi xuất gia đã từng là nhạc sĩ vỹ cầm trong các dàn nhạc giao hưởng lớn của châu Âu – đã đàn ba bài tặng bà trước khi bà ra về.

Ngày 07.05, tăng thân xuất sĩ và một số thiền sinh đến từ nhiều quốc gia khác đã có một ngày đi chơi núi Phú Sĩ. Hôm sau, phái đoàn về lại Tokyo và có buổi ngồi thiền công cộng (flash mob).

Buổi chiều, có trà đạo theo nghi lễ do Hòa thượng trụ trì Yoshimizu DaiChi chứng minh và sư cô Tâm Trí cùng một số Phật tử mặc lễ phục Nhật Bản trình bày. Có hai em bé Việt Nam mặc kimono dâng trà rất xinh.

Các ngày quán niệm:

Những ngày kế tiếp diễn ra các ngày quán niệm: cho gần 270 doanh nhân (ngày 09.05), cho khoảng 460 chuyên gia về y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (ngày 10.05), cho xuất sĩ Nhật (11.05) và cho khoảng 150 người Việt (12.05).

Những người đến tham dự các hoạt động này đều cảm thấy hạnh phúc, ai cũng tiếc là chỉ có một ngày tu học mà thôi. Nhiều người đề nghị lần sau có thể tổ chức những khóa tu dài ngày thay vì chỉ một ngày quán niệm để mọi người có cơ hội học hỏi và thực tập nhiều hơn.

Ngày quán niệm cho chuyên gia sức khỏe cũng là Ngày của Mẹ (Mother’s Day). Sư cô Chân Không đọc một đoạn trong cuốn Bông hồng cài áo của Thầy, nhấn mạnh tình thương là một thang thuốc và cũng để kỷ niệm ngày Thầy nhận một đóa hoa cẩm chướng từ một sinh viên Nhật trong ngày Mother’s Day năm 1957. Hôm đó cũng là ngày quán niệm Wake Up ở Harajuku cho người trẻ theo hình thức flash mob do các thầy, các sư cô trẻ hướng dẫn. Có khoảng 90 người trẻ tham dự.

Đặc biệt trong ngày dành cho các xuất sĩ Nhật Bản, các vị tu theo truyền thống Tân Tăng (dù đi tu nhưng vẫn được phép có gia đình) đã chia sẻ rất nhiều những khó khăn, khổ đau của họ liên quan đến gia đình, vợ con… Phái đoàn chỉ có một giờ chia sẻ pháp môn tu học, rồi thực tập ăn trong chánh niệm. Ăn trưa xong, cũng chỉ có một giờ để pháp đàm, mà còn phải thêm thời gian cho phiên dịch nên rốt cuộc không chia sẻ được nhiều, đó là một điều rất đáng tiếc.

Indonesia

Ngày 13.05, đến Indonesia vào buổi tối, phái đoàn được tiếp đón nồng hậu bằng bữa cơm tại nhà hàng chay ở sân bay Jakarta. Sau đó đoàn được đưa về khách sạn Yasmin ở Puncak, nơi khóa tu năm ngày sẽ diễn ra vào hôm sau. Tham dự chuyến hoằng pháp này gồm có các thầy Pháp Đăng, Pháp Niệm, Pháp Độ, Pháp Khâm, Pháp Dung, Pháp Lưu; các sư cô Chân Không, Thoại Nghiêm, Hằng Nghiêm, Quy Nghiêm, Lương Nghiêm, Kỳ Nghiêm, Thăng Nghiêm, Sùng Nghiêm, Tân Nghiêm, Doãn Nghiêm cùng một số các thầy và sư cô trẻ khác.

Khóa tu năm ngày: Đi như một dòng sông (14-18.05)

Khóa tu có 518 người ghi danh. Ngày đầu, thầy Pháp Lưu và sư cô Thăng Nghiêm cho hướng dẫn tổng quát với cách trình bày rất sáng tạo. Những ngày kế là chia sẻ của các thầy Pháp Đăng, Pháp Niệm và sư cô Chân Không. Sư cô nói về phương pháp làm mới và ngày cuối nói về sống chết với nhiều dẫn chứng cụ thể trong gia đình và trong tăng thân. Sư cô có kể câu chuyện về một người đàn ông mất vợ, đi dự khóa tu và xin tham vấn. Sư cô hướng dẫn ông thực tập để thấy rằng, vợ ông đang cùng đi với ông tới khóa tu, bây giờ ông phải cùng sống với bà trong ông và lắng nghe những thao thức kỳ vọng của bà mà khi bà còn sống, ông không lắng nghe và không thực hiện được. Nhiều người cảm động lắm.

Ngày 20.05: Đi thăm đất mới và thánh tích Borobudur

Một trong những điểm đặc biệt của chuyến hoằng pháp Indonesia năm nay là đi thăm và làm lễ tẩy tịnh miếng đất mà một đại thí chủ Indonesia muốn xây dựng thành Làng Mai, đã bay qua Pháp gặp Thầy để xin phép. Ông sẽ lo liệu tất cả từ vấn đề tài lực đến giấy phép. Ông là một doanh nghiệp Phật tử rất năng nổ trong Phật sự và thành công trong xã hội. Ông đã áp dụng sự tu tập chánh niệm vào công ty của mình.

Từ Jakarta, phái đoàn đã bay về Yogyakarta và ngụ lại ngôi chùa của thầy Vimala ở Palakan một đêm. Sáng hôm sau thầy đưa đoàn lên đất mới trên núi rất sớm. Địa phương này gồm những làng quê theo đạo Bụt từ nhiều thế kỷ. Họ canh tác và sống đơn giản, mặc y phục truyền thống của người địa phương. Thầy đã từng mong ước đem đạo Bụt trở về lại cho người dân quê Indonesia và xây trường học giúp cho trẻ em nghèo. Đó là lý do tại sao miếng đất của Làng Mai Indonesia tương lai được chọn ở đây, vùng Java.

Đường lên núi rất dốc và chỗ đất được làm bằng phẳng để hành lễ không lớn lắm, nhưng vì ở đỉnh cao nên không gian chung quanh thoáng và đẹp. Phái đoàn đắp y, tụng bài Đầu cành dương liễu trong khi thầy Pháp Đăng, sư cô Chân Không và một số các vị lớn đi quanh tẩy tịnh. Buổi lễ đơn giản, với sự chia sẻ ngắn gọn của sư cô Chân Không, Bante Dhama Vilama và một vị địa phương. Họ nói tiếng thổ ngữ Java và rất thân thiện. Sau đó họ đãi phái đoàn những phẩm vật địa phương nhiều màu sắc như bánh bột trong lá chuối hay trong những cái hộp xếp bằng lá.

Phái đoàn về tới khách sạn Manohora ở ngay trong thánh địa Borobudur sau buổi trưa. Nghỉ ngơi xong, một số người náo nức đi thăm ngôi chùa có ngàn tượng Phật nổi tiếng dù chương trình chính là ngắm mặt trời mọc sáng sớm hôm sau. Sư cô Chân Không quán chiếu công trình vĩ đại này, xưa kia chắc hẳn có bao nhiêu lời cầu nguyện của những người thợ, những nghệ sĩ điêu khắc, những vị vua quan để thực hiện cho được công trình, vì vậy không phải Sư cô chỉ đi thiền hành cùng với họ trên công trình này mà còn đem tất cả năng lượng cầu nguyện đó hồi hướng cho sức khỏe của Thầy.

Sau chuyến viếng thăm Borobodur thì thầy Pháp Khâm, các sư chú Trời Đâu Suất và Trời Đại Định, các sư cô Hoàn Nghiêm, Trăng Nga Mi và Trăng Tin Yêu về trung tâm Boddhidharma ở Bandugan, cách trung tâm Làng Mai Indonesia khoảng 20 cây số, để tổ chức một ngày quán niệm tại đó cho 80 người. Các thầy và sư cô cũng đã đi thăm và hướng dẫn thực tập cho dân làng tại các chùa ở trên núi vùng sâu vùng xa. Người dân tại đây là con cháu của những Phật tử đã phải đi lánh nạn từ những thành phố, cách đây hơn 1000 năm, khi Phật giáo bị kỳ thị.

Ngày 22.05, bay về lại Jarkarta. Ngày 23.05 có buổi thuyết pháp công cộng ở chùa Ekayana, phía tây Jakarta. Sư cô Chân Không giảng về Bốn câu thần chú, khuyên nhắc Phật tử đem chánh niệm về chăm sóc, có mặt với người thân bằng chánh niệm và chân tình. Phật tử tới dự rất đông, ngồi chật cả chùa, đặc biệt có rất nhiều người trẻ.

Ngày 24.05, các thầy, các sư cô chia ra hai nhóm cho ngày quán niệm ở hai nơi: cho giới giáo chức và Wake Up (ở Ehipassiko Buddhist School tại Serpong Tangerang) do các thầy Pháp Niệm, Pháp Dung và Pháp Lưu hướng dẫn cùng một số quý thầy, quý sư cô từ Thái Lan, với khoảng 320 thiền sinh. Nhóm thương gia và giới chuyên viên (ở Mangga Dua, Bắc Jakarta) khoảng 250 người do thầy Pháp Đăng, các sư cô Chân Không, Thoại Nghiêm và Lương Nghiêm hướng dẫn.

Buổi tối ngày cuối cùng ở Indonesia, sư cô Chân Không và một số vị tới thăm trung tâm Bodhidharma ở Jakarta, nơi các sư cô Trăng Tin Yêu, Trăng Phương Nam (người Indonesia), Doãn Nghiêm, Tân Nghiêm, Hoàn Nghiêm đã ở lại trong thời gian tiền trạm. Đây là nơi sư cô Trăng Tin Yêu tu tập và sinh hoạt trước thời gian xuất gia. Sự có mặt tươi mát và tu tập nghiêm chỉnh của các sư cô đã khiến thầy trụ trì rất hài lòng. Thầy cho phép các sư cô sắp xếp chùa theo ý mình và khi sư cô Chân Không ghé thăm thì thầy tuyên bố, Làng Mai cứ việc sử dụng chùa của thầy để làm Làng Mai Indonesia và hoằng pháp mà không cần phải lập trung tâm khác.

Trung tâm thiền tập quốc tế Làng Mai Thái Lan

Ngày 26.05, phái đoàn đến Bangkok, có xe đón thẳng về buổi họp báo ở phòng VIP của phi trường, sau đó về tu viện. Tham dự chuyến hoằng pháp năm nay có các thầy Pháp Đăng, Khai Luật (Kai Li), Pháp Độ, Pháp Niệm, Pháp Dung, Pháp Khởi, các sư cô Chân Không, Thoại Nghiêm, Mẫn Nghiêm, Quỳnh Nghiêm, Hạc Nghiêm, Sáng Nghiêm và nhiều thầy, sư cô trẻ khác.

Ngày 01.06: Ngày quán niệm tại trường đại học MCU ở Wang Noi vào dịp lễ Phật đản. Cùng với tăng thân 40 người, thầy Pháp Đăng chia sẻ với chủ đề Con đường giải thoát cho khoảng 500 người, trong đó có 100 thầy truyền thống Nam tông đang học nội trú tại trường. Sau buổi giảng có lễ rước đèn hoa đăng trong tiếng nhạc niệm Bụt.

Khóa tu tại Wang Ree Resort (03-07.06) cho 250 người kể cả phái đoàn xuất sĩ, với sự tham dự của thiền sinh các nước Thái Lan, Hồng Kông, Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc.

Khóa tu cho người Việt (10-14.06) tổ chức tại trung tâm Làng Mai Thái Lan. Số người tham dự rất đông, trên 650 cư sĩ và 200 xuất sĩ. Phương tiện lưu trú tại tu viện hạn chế nhưng người xin tham dự khóa tu lại cứ tăng lên. Một số đông bà con phải ở lều rất đơn sơ, khí hậu lại quá nóng, muỗi và côn trùng thì nhiều. Vậy mà một số thiền sinh là doanh nhân cũng ở lại tu trọn khóa trong niềm hạnh phúc.

Ngày 15-23.06: Khóa tu xuất sĩ chủ đề Tay Thầy trong tay con với sự tham dự của quý thầy, sư chú, sư cô trẻ đến từ Việt Nam. Khóa tu rất vui, nuôi dưỡng bồ đề tâm và có công năng trị liệu với sự chia sẻ của Sư bá Giác Viên, sư cô Đoan Nghiêm và thầy Pháp Đăng.

Ngày 21: Lễ cúng dường theo phong tục Thái Lan để xây cất nhà ở cho cư sĩ tới tu học tại trung tâm. Có khoảng 200 người tham dự.

Trong chuyến hoằng pháp tại Thái Lan lần này, vì không có Thầy nên sư cô Chân Không đã đóng vai người chị cả lắng nghe rất nhiều người và giải quyết những vấn đề cần thiết. Sư cô chiếu một đoạn video quay cảnh Thầy ngồi dùng cơm, lúc đó vào tháng Bảy, ba tháng sau khi rời khỏi nhà thương. Mọi người đều cảm động chảy nước mắt khi thấy Thầy vẫn còn đó cho các con.

Khóa tu dành cho các bạn trẻ đến từ Anh và Ireland

Tại xóm Thượng, Làng Mai từ ngày 17-24.04 có khóa tu cho hơn 60 bạn trẻ trong phong trào Wake Up đến từ Vương quốc Anh và Ireland.

Đại chúng ở Làng cũng tận dụng thời tiết nắng đẹp của mùa xuân để chấp tác, chuẩn bị cho khóa tu mùa Hè. Rất nhiều thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới cũng về Làng thực tập chung. Các bạn đã đem trái tim và bàn tay phụng sự của mình để giúp tạo nên một môi trường thật đẹp, thật lành cho tất cả mọi người đến tu học.

Thật là một niềm hạnh phúc lớn cho tứ chúng Làng Mai khi Thầy đã về lại Làng để tiếp tục nghỉ ngơi và trị liệu. Tăng thân vẫn đang tiếp tục thực hiện hạnh nguyện của Thầy, đi như một dòng sông chảy về biển lớn, đem bình an và thương yêu đến với mọi nhà.

Sự phát triển bền vững, chánh niệm và nếp sống cộng đồng

12-19.06: Lần đầu tiên tại Làng Mai đã diễn ra khóa tu kết hợp giữa sự thực tập chánh niệm và bảo vệ sinh môi, với chủ đề Sự phát triển bền vững, chánh niệm và nếp sống cộng đồng. Khóa tu đã thu hút gần 200 thiền sinh đến từ nhiều nước trên thế giới về tham dự, trong đó phần lớn là người trẻ. Các bạn có cơ hội thực tập chánh niệm với tăng thân, đồng thời được học cách trồng trọt theo lối hữu cơ đang được áp dụng tại Nông trại Hạnh phúc (Happy Farm) của Làng Mai. Các bạn rất hạnh phúc khi nhận ra rằng trồng trọt cũng là một phương pháp thiền tập để thể hiện tình thương với đất Mẹ. Khi ta có bình an thì đất Mẹ cũng sẽ được bình an.

Khóa tu mùa Hè (03-31.07)

Mùa hè năm nay, dù biết là Thầy không có mặt trong khóa tu, thiền sinh vẫn về Làng tu học rất đông, còn đông hơn cả mọi năm. Trung bình mỗi tuần, cả bốn xóm của Làng (xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới và xóm Trung) đón khoảng 1000 thiền sinh, riêng tuần cuối cùng có khoảng 1200 thiền sinh, trong đó có cả trẻ em và thanh thiếu niên. Số lượng trẻ em về Làng năm nay tăng vọt, khoảng 120 em mỗi tuần. Các em đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, vì vậy quý thầy, quý sư cô chăm sóc các em phải chia ra sáu nhóm ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ý. Đây là một tín hiệu vui cho thấy chương trình Đạo đức học ứng dụng – đem chánh niệm vào trường học (hay còn gọi là Wake Up Schools) đang được áp dụng có hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và châu Mỹ. Một tuần trước khóa tu mùa Hè, khoảng 40 tình nguyện viên, phần lớn là các thầy, cô giáo tham gia vào chương trình Wake Up Schools đã về Làng để giúp các thầy, các sư cô chăm sóc chương trình trẻ em.

Các bạn thiền sinh không những được hưởng năng lượng chánh niệm tập thể của tăng thân, mà còn được tham dự vào không khí lễ hội của lễ Hòa bình, lễ Bông hồng cài áo và lễ Trăng Rằm. Những ai có mặt trong Lễ hội Trăng Rằm năm nay sẽ không thể nào quên được hình ảnh hơn một ngàn người cùng ngồi yên ở vườn Bụt của xóm Thượng chờ đón trăng lên.

Lễ xuất gia của gia đình Cây Sa La

Khi ở Làng vừa kết thúc khóa tu mùa Hè, tại trung tâm Làng Mai Thái Lan đã diễn ra lễ xuất gia cho 9 em trong gia đình Cây Sa La vào ngày 02.08.2015. Gia đình Cây Sa La có 8 sư em là người Việt và một sư em người Thái: Trời Rộng Mở, Trời Thanh Bình, Trời Núi Biếc, Trời Xanh Trong, Trời An Định, Trời Tỏ Rạng, Trời Vô Cấu (người Thái), Trời Phương Đông và Trăng Bát Nhã. Ngoài ra, cuối năm 2015, có sư em Trăng Thanh Thiên theo chương trình xuất gia gieo duyên 3 tháng dành cho người Thái nhưng sau đó xin xuất gia thêm 5 năm nữa, vì vậy được trở thành thành viên thứ mười của gia đình Cây Sa La.

Khóa tu tại EIAB (10-23.08)

Mùa hè kết thúc, một tuần sau, hơn 100 quý thầy, quý sư cô lên đường qua Đức để giúp đại chúng ở Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) tổ chức hai khóa tu lớn, khóa tu dành cho người nói tiếng Hà Lan và khóa tu dành cho người nói tiếng Đức. Đây là lần đầu tiên khóa tu lớn tại EIAB lại vắng Thầy, vì vậy rất đông quý thầy, quý sư cô giáo thọ từ Làng đã sang yểm trợ. Cả hai khóa tu đều có chương trình dành riêng cho các em thiếu nhi và thanh thiếu niên. Ngoài hai khóa tu còn có một ngày quán niệm cho người Đức và một ngày quán niệm cho người Việt.

Khóa tu cho người nói tiếng Hà Lan (10-15.08): Hơn 200 thiền sinh đã về tham dự khóa tu năm nay với chủ đề Healing ourselves – Healing the world (Trị liệu cho chính mình và Trị liệu cho thế giới). Ngày mở đầu của khóa tu, khi chúng xuất sĩ niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm thì trời mưa như trút nước, nhiều người rất xúc động. Nhiều thiền sinh chia sẻ trong buổi pháp đàm rằng chỉ cần ngồi yên và lắng nghe thôi là đã thấy thân tâm nhẹ nhõm rồi. Dù vắng Thầy nhưng thiền sinh vẫn rất hạnh phúc với buổi hướng dẫn tổng quát của thầy Pháp Xả và các bài pháp thoại của thầy Pháp Ấn, Pháp Ứng, sư cô Chân Không, Chân Đức cũng như buổi vấn đáp với các vị giáo thọ (thầy Pháp Ấn, Pháp Trạch, Pháp Lưu, sư cô Từ Nghiêm, Tuệ Nghiêm). Có 50 người đã thọ Năm giới trong khóa tu này.

Ngày quán niệm cho người Việt (16.08): Dù trời mưa nhưng người Việt về tham dự ngày quán niệm vẫn rất đông. Đây thật là một ngày hội để đồng bào được gặp nhau, được nghe những lời chia sẻ, tâm tình của sư cô Chân Không, được đi thiền hành, ăn trưa chung, thiền buông thư và vấn đáp với quý thầy, quý sư cô. Chỉ một ngày bên nhau thôi nhưng ai cũng cảm thấy thật đầy đủ, ấm áp.

Khóa tu cho người nói tiếng Đức (17-22.08): Dù biết là không có Thầy nhưng vẫn có khoảng 400 thiền sinh đăng ký tham dự. Khóa tu có chủ đề “Touching the wonders of life” (Tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống). Thầy Pháp Ấn, sư cô Chân Không, Chân Đức, Bi Nghiêm đã cho pháp thoại trong khóa tu này. Cuối khóa tu có 60 người xin nhận Năm giới. Nhiều thiền sinh đã đến chia sẻ với quý thầy, quý sư cô là họ rất có niềm tin nơi tăng thân, họ biết là tăng thân sẽ đưa pháp môn, đưa Thầy đi về tương lai.

Ngày quán niệm cho người nói tiếng Đức (23.08): Có gần 500 người đến tham dự. Sau bài pháp thoại của thầy Pháp Ấn, tất cả thiền sinh đi thiền hành cùng quý thầy, quý sư cô và ăn trưa chung trong im lặng. Một khung cảnh thanh bình, tĩnh lặng và hùng hậu.

Ngày hôm sau, một nhóm quý thầy, quý sư cô giáo thọ lại tiếp tục lên đường sang Mỹ để tham gia vào chuyến hoằng pháp (US Tour) kéo dài ba tháng.

Khóa tu sức khỏe

Khóa tu sức khỏe bắt đầu chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình ở Làng Mai từ năm 2009. Khóa tu giúp cho các bạn thiền sinh tới Làng được thanh lọc thân tâm, học cách ăn uống, tiêu thụ trong chánh niệm, nghỉ ngơi điều độ, đúng mực. Có nhiều bạn chưa có đủ cảm hứng để tới tham dự khóa tu chánh niệm, có thể vì các bạn ngần ngại khi có cảm giác là mình đang tiếp cận với một tôn giáo khác. Nhưng trước một khóa tu nâng cao sức khỏe, những người bạn ấy lại rất hứng thú để ghi danh. Ở Làng năm nay, tại xóm Thượng đã diễn ra hai khóa tu sức khỏe được tổ chức liên tiếp trong hai tuần (07-21.08). Mỗi khóa tu đều có khoảng 250 thiền sinh đăng ký.

Đến với khóa tu, các bạn thiền sinh được thực tập sống một nếp sống đơn giản, điều độ, được hướng dẫn tập thể dục và buông thư, cùng với những phương pháp thiền tập để buông bỏ những căng thẳng, lo lắng trong tâm. Chế độ ăn trong khóa tu rất đơn giản. Điều ấy giúp các bộ phận trong cơ thể có cơ hội được nghỉ ngơi và các chất độc đã chất chứa lâu ngày có thời gian để bài tiết ra ngoài.

Trong bầu không khí tu tập chánh niệm của tu viện, các bạn được tham gia các buổi ngồi thiền, thiền hành, ăn cơm chánh niệm, được nghe các thầy, các sư cô chia sẻ trong pháp đàm… Dù không chủ ý tới Làng Mai để tu tập chánh niệm, mà chỉ tới với mục đích nâng cao sức khỏe nhưng ở đây một tuần, các bạn đều cảm mến năng lượng bình an và nếp sống chánh niệm.

Sau đó, tại xóm Hạ cũng đã tổ chức khóa tu sức khỏe vào mùa thu trong một tuần (09-16.10), với chủ đề Chăm sóc sức khỏe với chánh niệm và niềm vui (Taking Care of the Body with Mindfulness and Joy) với khoảng 180 người tham dự.

Khóa tu Wake Up dành cho người Việt trẻ ở châu Âu

Khóa tu sức khỏe tại xóm Hạ vừa kết thúc thì ngay hôm sau đại chúng lại có cơ hội đón các bạn trẻ người Việt về Làng tham dự khóa tu Wake Up dành cho người Việt trẻ ở châu Âu. Khóa tu được tổ chức lần đầu tiên tại Làng Mai từ ngày 16-23.10, với chủ đề “Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng”. Về Làng, các bạn có cơ hội sống chậm lại, cùng nhau ngồi yên và thở những hơi thở trong lành, cùng đi những bước chân bình an trên đất Mẹ nhiệm mầu, cùng trở về tiếp xúc với những thao thức, những lý tưởng, những ước mong sâu kín nhất trong lòng của một người trẻ Việt Nam. Trong đêm thơ nhạc và một buổi ngồi chơi trong ngày cuối cùng, các bạn đã nói lên những sự chuyển hóa trong tự thân và những lời biết ơn tăng thân xuất sĩ đã giúp các bạn thắp lại ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ và khơi lại nguồn suối thương yêu trong trái tim mình.

Mùa thu Bắc Mỹ (25.08-10.11)

Chuyến hoằng pháp năm nay ở Bắc Mỹ có tên Phép lạ của sự tỉnh thức, nhân dịp kỷ niệm cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức, một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của Thầy được xuất bản ở Tây phương, tròn 40 tuổi. Tham gia chuyến hoằng pháp, ngoài các thầy, các sư cô của ba tu viện Lộc Uyển, Bích Nham và Mộc Lan, còn có các thầy, các sư cô đến từ Làng và các trung tâm Làng Mai ở Đức, Thái Lan, Hồng Kông, thiền đường Hơi Thở Nhẹ (Paris)…

Tại New York

Khai mạc khóa tu tại Bích Nham (31.08-05.09): Trong khóa tu tại tu viện Bích Nham, hầu như mỗi gia đình đều có hai vị giáo thọ hướng dẫn pháp đàm – một giáo thọ xuất sĩ và một giáo thọ cư sĩ. Trong bài pháp thoại đầu tiên, đại chúng được mời thực tập hết lòng bằng cách làm gì thì chỉ làm một việc mà thôi (mono-tasking). Trong thời hiện đại này, ai có kỹ năng làm nhiều việc cùng một lúc (multi-tasking) thì sẽ có cơ may tìm được việc làm nhiều hơn người khác (và cũng dễ bị stress hơn người khác). Các bạn thiền sinh đã cùng tăng thân thực tập như thế trong khóa tu sáu ngày này. Đi thì chỉ đi, nói thì chỉ nói, không vừa đi vừa nói.

Rất nhiều người trẻ tham dự khóa tu. Có một bạn trẻ mới đến tham dự lần đầu cho biết, dù em đã có một việc làm mơ ước với số lương mơ ước, em vẫn không hạnh phúc cho nên đã bỏ việc. Lúc đầu em chia sẻ là không biết việc pháp đàm này có lợi lạc gì, hát thiền ca và tụng kinh trước pháp thoại với em sao giống nhà thờ Thiên Chúa giáo, và còn một số các nhận xét tiêu cực khác nữa. Vậy mà đến ngày cuối cùng, em chủ động xin email của tất cả các thành viên trong gia đình pháp đàm và đề nghị mọi người giữ liên lạc với nhau. Trong buổi pháp thoại cuối cùng, em ngồi ghi chép từ đầu đến cuối những gì được dạy. Em đã đến tham dự buổi pháp đàm không có trong thời khóa mà gia đình tự tổ chức (không ai muốn chia tay nên mọi người đã quyết định có thêm một buổi pháp đàm). Em chắp tay xá từng người một cách rất hết lòng khi họ kết thúc chia sẻ.

Có một bác năm nay đã trên 70 tuổi nói rằng, bác ấy đã có rất nhiều ngại ngùng về khóa tu này vì sự vắng mặt của Thầy. Tuy nhiên sau hai bài pháp thoại, bác nói rằng Thầy đã đào tạo được những giáo thọ tuyệt vời, và bác tin rằng pháp môn Làng Mai sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng như nó đang là. Trước đây bác nghĩ là không có Thầy nếu chắc điều đó là không thể.

Ngày 06.09: Ngày quán niệm tại tu viện Bích Nham.

Ngày 10.09: có ba hoạt động diễn ra trong cùng một ngày.

Hoạt động thứ nhất là buổi sinh hoạt với phóng viên và ký giả tại trường Đại học Báo chí Columbia (Columbia Journalism School) do thầy Pháp Dung, Pháp Lưu, sư cô Hiến Nghiêm, Trăng Tam Muội hướng dẫn. Phòng sinh hoạt hơi nhỏ nên chỉ có khoảng 60 người được tham dự (khoảng 30 người phải lên danh sách chờ đợi). Buổi sinh hoạt với các nhà báo rất thú vị, có nhiều người là phóng viên chiến trường, họ phải thường xuyên đối mặt với bạo động và sợ hãi. Quý thầy, quý sư cô đã có dịp chia sẻ và trao đổi với họ các pháp môn tu tập cụ thể như theo dõi hơi thở làm chủ cảm xúc…

Một hoạt động khác dành cho khoảng 300 sinh viên tại đại học New York (NYU) do sư cô Đào Nghiêm, Mẫn Nghiêm, Lực Nghiêm, Trai Nghiêm và các thầy Trời Bảo Tích, Trời Ngộ Không hướng dẫn. Đại chúng cùng hát thiền ca, nghe chia sẻ về các pháp môn thực tập cụ thể để giảm stress, làm chủ cảm xúc và buông thư. Việc sinh viên Mỹ đến nghe những người tu nói chuyện là một bằng chứng cho thấy nhu cầu tìm về cái đẹp, cái lành khi mà khoa học kỹ thuật, vật chất và đời sống tiêu thụ đã kéo người ta đi quá xa.

Hoạt động thứ ba là buổi hội thảo tại ABC Home với đề tài Sự tương tức giữa Tâm linh và Hành động trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng chủng tộc – Tiếp nối di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Mục sư Martin Luther King. Trong ban thuyết trình có sư cô An Nghiêm, người Mỹ gốc châu Phi, sư cô Zenju Earthlyn Manuel trong truyền thống thiền của thiền sư Suzuki, cô Alycee J. Lane, tác giả quyển Nonviolence Now! (Bất bạo động ngay bây giờ), Tiến sĩ Marisela Gomez, đệ tử của Thầy, tác giả quyển Race, Class, Power and Organizing in East Baltimore (Chủng tộc, giai cấp, quyền lực và vấn đề tổ chức ở Đông Baltimore). Người điều khiển chương trình là cô Arthel Neville của đài Fox News. Điều thú vị là trong năm phụ nữ ngồi trên sân khấu thì có tới bốn người là phụ nữ da màu.

Gần đây ở Mỹ đã xảy ra nhiều vụ thảm sát hoặc giết chóc có liên quan đến người da màu (tại Baltimore, Charleston, Ferguson…), gây hoang mang và mất lòng tin của nhiều người. Do vậy, dù 50 năm đã trôi qua nhưng thông điệp về bất bạo động và hòa bình, xây dựng một cộng đồng sống trong tình thương của Mục sư Martin Luther King và Thầy Làng Mai vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày 11.09 là ngày quán niệm giới thiệu về thực tập chánh niệm cho sinh viên và nhân viên trường đại học Columbia, do khoa Thần học của trường kết hợp với tu viện Bích Nham tổ chức. Trong ngày quán niệm, sinh viên, thầy cô giáo và nhân viên của trường đã được hướng dẫn thiền tọa, thiền hành, ăn cơm im lặng, thiền buông thư, được nghe pháp thoại và một thời vấn đáp.

Ngày 12.09, ngày quán niệm ở ABC Home và buổi ngồi thiền công cộng (Flash mob) ở quảng trường Union, New York. Sau khi mọi người được nghe hướng dẫn tổng quát, đại chúng đã theo quý thầy, quý sư cô đi thiền hành qua đường phố và qua một quãng chợ đông đúc của New York ngày thứ Bảy. Đoàn thiền hành đi trong bình an dù hai bên đường mọi người nhộn nhịp mua bán, đi lại, nói cười. Khi đến quảng trường, đại chúng lặng lẽ tìm chỗ ngồi thiền. Phía trước là một đoàn biểu tình ủng hộ người tị nạn Syria. Đại chúng ngồi thật yên, yểm trợ họ bằng cách chế tác bình an trong từng hơi thở chánh niệm, trong khi họ hô khẩu hiệu và lên tiếng kêu gọi nhà nước Mỹ mở rộng vòng tay đón những người tỵ nạn Syria.

Sau khi ngồi thiền, mọi người ăn trưa trong yên lặng. Trong khi đó, cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn cho đến khi đại chúng chấm dứt bữa ăn. Các bạn Wake Up bắt đầu hát thiền ca Happiness is here and now. Khi ấy, những người trong đoàn biểu tình bắt đầu để ý nhiều hơn đến sự có mặt của tăng thân Làng Mai. Tiếng hát không lớn, không có một chút cố gắng nào, bởi vì hát không để cho người khác nghe, hát để mà hát, vậy thôi. Tiếng ca như lọt thỏm giữa đủ loại tiếng động của phố phường, vậy mà năng lượng thật bình an và hùng hậu. Năng lượng đó đã gây ra sự chú ý của người đang tham dự biểu tình. Nhiều người quay lại nhìn, những người khác lấy máy ra chụp ảnh.

Tối hôm ấy, thầy Pháp Dung và sư cô Diệu Nghiêm cùng cho pháp thoại công cộng tại Tòa thị chính của thành phố (Town Hall). Có khoảng 500 người tham dự. Kết thúc là một thời vấn đáp do thầy Pháp Dung, Pháp Hải, sư cô Diệu Nghiêm, Giới Nghiêm phụ trách. Khán phòng đã rộn lên những tiếng cười vui nhộn.

13.09, chặng hoằng pháp tại New York được khép lại với buổi giới thiệu hai quyển sách mới xuất bản: Mindfulness as Medicine (Chánh niệm – phương pháp trị liệu cho thân và tâm) của sư cô Đẳng Nghiêm và quyển Nothing to It (giới thiệu mười cách thực tập để trở về và có mặt cho chính mình) của thầy Pháp Hải.

Tại Mississippi

Tăng đoàn tiếp tục chặng hoằng pháp ở Mississippi, nơi có tu viện Mộc Lan.

Ngày 22-27.09, diễn ra khóa tu tiếng Anh. Thiền sinh đến từ nhiều nơi khác nhau như Lowa, Texas, Florida, Detroit. Thiền sinh rất hạnh phúc với các bài pháp thoại của sư cô Diệu Nghiêm, Tuệ Nghiêm, thầy Pháp Dung. Gần cuối khóa tu có một buổi vấn đáp rất “ngoạn mục” giữa thính chúng và quý thầy Pháp Đệ, Pháp Biểu cùng quý sư cô Đoan Nghiêm, Đẳng Nghiêm. Các câu hỏi như: Làm thế nào để trở thành một người độc thân hạnh phúc? Làm thế nào để chuyển hóa tập khí sâu dày do ông bà tổ tiên trao truyền? Làm thế nào để thực tập với hai gốc rễ tâm linh Phật giáo và Thiên Chúa giáo? Nước mắt và nụ cười có vai trò như thế nào trong sự thực tập của quý thầy, quý sư cô?

Buổi ngồi chơi toàn chúng (Be-In) làm cho mọi người cười mãi không thôi. Cả thiền đường tràn ngập không khí vui tươi. Mỗi gia đình pháp đàm đều đóng góp một tiết mục. Niềm vui thật đơn sơ, những “buổi tiệc chay” làm bằng những tiết mục phản ánh sự thực tập, sự hiểu biết của mọi người, bằng niềm vui và sự dí dỏm rất đạo vị.

Kinh Độ người hấp hối có kể rằng lúc ông Cấp Cô Độc sắp qua đời, sau khi nghe thầy Xá Lợi Phất làm thiền hướng dẫn, ông đã cảm động đến rơi nước mắt. Sau đó ông đã nhờ thầy Xá Lợi Phất bạch lại với Bụt, xin Bụt giảng về vấn đề sinh tử cho cư sĩ. Trong truyền thống của Làng Mai, bài pháp thoại cuối cùng của Thầy bao giờ cũng là đề tài này. Thầy nói rằng đó là món quà của Làng Mai gửi đến mọi người dựa trên lời yêu cầu của ông Cấp Cô Độc trong kinh Độ người hấp hối. Ngày cuối cùng của khóa tu này cũng không ngoại lệ. Sư cô Chân Không đã cho bài pháp thoại về đề tài này.

Cũng trong buổi sáng hôm đó, mọi người được hướng dẫn thiền hành về phía tượng đài Mục sư Luther King và Thầy Làng Mai. Khi đến nơi, mọi người đứng vòng quanh để tham dự một buổi lễ khánh thành đơn giản mà cảm động. Tượng đài này vừa được hoàn thành không lâu, chỉ một hay hai ngày trước khi tăng đoàn đến Mộc Lan mà thôi. Tượng đài được dựng lên để kỷ niệm mối tương giao lịch sử giữa hai nhà hoạt động cho nhân quyền và tình thương, cả hai vị đã làm nên những ảnh hưởng rất đáng kể trong lĩnh vực này.

Năm 1966, khi Thầy Làng Mai và Mục sư King gặp nhau, cả hai như tìm được tri kỷ của mình. Thầy và Mục sư King đều đi theo con đường bất bạo động và đều thấy sự cần thiết phải xây dựng nên những cộng đồng chung sống trong tình thương. Thầy gọi đó là Tăng thân (sangha), Mục sư King gọi đó là Cộng đồng yêu quý (beloved community). Thầy đã từng chia sẻ rằng: “Tôi đã nói với Mục sư Luther King là người Việt Nam xem Mục sư như một vị đại Bồ tát, một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền, cho công bằng xã hội. Tôi rất vui vì đã nói được điều đó với Mục sư Luther King, vì chỉ ba tháng sau đó thì Mục sư bị ám sát và không còn có thể tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân được nữa. Tôi đang ở New York thì nghe tin về vụ ám sát. Chuyện này làm cho tôi bị đau một thời gian. Và tôi tự hứa với mình rằng tôi phải tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân, không chỉ cho tôi, cho chúng ta mà còn cho cả Mục sư Luther King nữa”. Với tâm nguyện đó, Thầy đã từng bước, từng bước thực hiện giấc mơ xây dựng tăng thân với sự hỗ trợ của những người cùng tâm huyết. Cho đến hôm nay, tăng thân yêu quý đó đã có mặt khắp nơi trên thế giới, cả xuất sĩ và cư sĩ.

Ngày 27.09: Ngày quán niệm.

Ngày 30.09-04.10: Khóa tu nói tiếng Việt

Đầu khóa tu có nhiều người lớn tuổi, đến cuối tuần mới có nhiều người trẻ về dự. Các thầy, các sư cô rất xúc động thấy các bác lớn tuổi vậy mà vẫn đến khóa tu. Các bác mặc áo tràng lam theo truyền thống và thực tập tinh chuyên lắm. Ăn cơm im lặng, ngồi thiền, đi thiền hành, chấp tác… Nhiều bác đã mặc áo nâu từ những ngày đầu tiên khi Thầy mới lập nên dòng tu Tiếp Hiện, bây giờ đã hơn 80 tuổi mà tinh thần phụng sự, tinh thần dấn thân vẫn đầy nhiệt huyết như buổi ban đầu.

Tại San Francisco

Ngày 06.10, tăng đoàn đến chùa Phổ Từ ở Hayward để tiếp tục chặng hoằng pháp tại San Francisco. Thầy Từ Lực, trú trì chùa Phổ Từ, đã rất từ bi cho phép quý sư cô được ở tại chùa, còn quý thầy thì ở tại một nhà thờ cách chùa khoảng 10 phút đi bộ.

Ngày 07.10, một nhóm gồm các thầy Pháp Đăng, Pháp Hải, Pháp Đệ, Pháp Biểu, Pháp Thệ, Pháp Tài, sư chú Trời Ngộ Không, Trời Tùy Niệm và các sư cô Đẳng Nghiêm, Bạch Nghiêm, Sứ Nghiêm, Trăng Tam Muội có một buổi sinh hoạt với các nhân viên của Facebook với chủ đề: “The Art of Mindful Living and Working” (Nghệ thuật sống và làm việc trong chánh niệm).

Ngày 08.10, ngày quán niệm cho các nhân viên của hãng Salesforce – một trong những tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới. Có khoảng 150 nhân viên của Salesforce đến tham dự trực tiếp một ngày chánh niệm trong thính đường, và có khoảng 650 người tham dự qua mạng, ngay tại bàn làm việc của họ. Ngày quán niệm tại Salesforce là một món quà mà ông Tổng giám đốc của tập đoàn này có nhã ý tặng cho nhân viên. Hiện giờ nhiều công ty đã nhận ra rằng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên rất quan trọng. Lương cao và điều kiện làm việc tốt không đủ để người ta sống hạnh phúc, khỏe mạnh và làm việc vui vẻ, nhiệt tình. Một đời sống tâm linh phong phú giúp ta tìm thấy ý nghĩa trong công việc và có thể thưởng thức công việc đó mà không phải là một sự cố gắng mệt nhọc.

Chương trình bắt đầu từ 8h30 sáng đến 4h chiều. Sau lời giới thiệu của một vị đại diện cho ban giám đốc Salesforce, thầy Pháp Dung và sư cô Bội Nghiêm đã chia sẻ những thực tập rất cụ thể để các nhân viên Salesforce có thể áp dụng chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Ai cũng được mời tắt điện thoại di động, I-touch… Phần lớn những người tham dự cho biết là họ phải làm việc chủ yếu trên mạng, rất nhiều người mới thức giấc là đã lên Internet để kiểm tra email rồi. Vì vậy, tắt nguồn điện thoại di động là một việc làm rất “không bình thường” đối với những người này. Các nhân viên của Salesforce đã được hướng dẫn về phương pháp thiền trong phòng vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, nhìn vào gương, thiền ăn sáng, thiền lái xe, thiền ở ngay chỗ đèn xanh, đèn đỏ, thiền đi từ nhà ra trạm xe bus hay xe lửa… Hướng dẫn tổng quát rất vui và sinh động, lại sát với thực tế nên ngay từ đầu đã thấy mọi người rất chăm chú và lắng nghe thật hết lòng.

Sau khi thầy Pháp Lưu và Kenley (một giáo thọ cư sĩ) chia sẻ về thực tập chánh niệm ở sở làm, tất cả mọi người được mời tham dự thiền hành. Mọi người đi trong chánh niệm qua những con đường đông đúc ở trung tâm ra tới bờ vịnh San Francisco, cùng đứng ngắm chim bay trên những lượn sóng nhẹ nhàng, cùng dừng lại giữa phố tấp nập để lắng nghe chuông nhà thờ đổ đúng 12 giờ trưa. Sau đó cùng nhau trở lại Salesforce để ăn trưa trong im lặng.

Ăn trưa xong mọi người được mời lên chia sẻ những ấn tượng của họ về ngày thực tập. Có một chú nói là đã làm việc ở đây nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên chú nhận ra có một tiệm ăn ở gần văn phòng, cũng là nhờ vào sự có mặt trong từng hơi thở, từng bước thiền hành. Chắc sau này chú sẽ ủng hộ cho tiệm đó bằng cách trở thành một khách hàng. Một chú khác chia sẻ là cuộc đời chú đã trải qua nhiều lần phẩu thuật nên rất đau nhức. Trong buổi thiền hành, chú đưa ý thức ôm ấp những vùng đau nhức và từ từ, khắp cơ thể trở nên êm dịu. Chú nghĩ, thiền hành là phương pháp thực tập mà chú sẽ tiếp tục đầu tư. Sau đó, sư cô Diệu Nghiêm chia sẻ về thực tập chánh niệm trong gia đình và cuối cùng, mọi người được thực tập thiền buông thư với sư cô.

Ngày 09.10, tại đại học Stanford có một đêm trình chiếu bộ phim “The 5 Powers”, một bộ phim tài liệu về cuộc đời và những nỗ lực vì hòa bình của Thầy, Mục sư Luther King, sư cô Chân Không và Alfred Hassler (Alfred Hassler đã từng là giám đốc tổ chức Hòa Giải – the U.S. Fellowship of Reconciliation. Trong những năm 1966-1967, ông và Thầy thường đồng hành trên nhiều quốc gia để cố gắng vận động chấm dứt chiến tranh Việt Nam). Sau buổi trình chiếu còn diễn ra một cuộc đối thoại về phong trào hoạt động xã hội dựa trên nền tảng chánh niệm (mindfulness-based social activism). Tham gia buổi đối thoại có sư cô Chân Không, thầy Pháp Lưu cùng Tiến sĩ James Doty, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Lòng Từ Bi của trường đại học Stanford và một số khách mời.

Ngày 10.10, tăng đoàn có một buổi quán niệm tại nhà hát Nourse ở San Francisco, trong đó có một buổi pháp thoại công cộng và một thời ngồi thiền ngoài phố (Flash mob). Pháp thoại công cộng do thầy Pháp Hải và sư cô Thệ Nghiêm phụ trách. Qua bài pháp thoại, thính chúng có dịp đặt cho mình câu hỏi: Tại sao mình lại ngồi đây? Tại sao mình lại chọn con đường này? Cái gì là quan trọng nhất đối với mình? Vô thường có ý nghĩa gì đối với mình? Những câu hỏi này rất quan trọng đối với hạnh phúc chân thật, nhưng thông thường mình lại hay quên vì mải chạy theo những lo toan thường nhật.

Ngày 11-16.10, trong khi phần đông quý thầy, quý sư cô lên xe về tu viện Lộc Uyển ở Escondido thì sư cô Diệu Nghiêm, Hiến Nghiêm, An Nghiêm và thầy Pháp Lưu, Pháp Mãn ở lại San Francisco để hướng dẫn tiếp một khóa tu đặc biệt dành cho những nhà lập trình và thiết kế mạng (Programmer và Web developers) tại Mercy Center. Đây là một khóa tu thí điểm đầu tiên dành cho những nhà lập trình và thiết kế mạng. Thiền sinh đã được mời mang máy laptop theo đến khóa tu bởi vì quý thầy, quý sư cô đã kết hợp công việc thực sự mà họ đang làm với các pháp môn thực tập.

Tại Los Angeles

Ngày 24.10, tăng đoàn từ Lộc Uyển đi Los Angeles cho buổi pháp thoại công cộng với chủ đề Tiếp xúc với giây phút hiện tại diễn ra tại Wilshire Ebell Theatre. Thầy Pháp Đăng và sư cô Tuệ Nghiêm cho pháp thoại trong buổi chiều hôm ấy.

Tại Escondido – tu viện Lộc Uyển

Về lại Lộc Uyển, trước khi bước vào khóa tu tiếng Anh, có một khóa tu dành cho chúng xuất sĩ từ ngày 18 đến 22.10. Trong khóa tu này, các thầy, các sư cô có thời gian để nghỉ ngơi, leo núi ngắm mặt trời lên và chơi với nhau, đồng thời cũng có dịp nhìn sâu vào những vấn đề quan trọng mà chúng xuất sĩ cần quan tâm trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Lễ xuất gia của gia đình Cây Thế Kỷ (23.10): Khóa tu xuất sĩ vừa kết thúc thì ngay sáng ngày hôm sau, đại chúng vân tập tại thiền đường Thái Bình Dương để làm lễ xuất gia cho ba giới tử trong gia đình Cây Thế Kỷ (hai em quốc tịch Mỹ và một em quốc tịch Việt Nam) với sự chứng minh của Hòa thượng Phước Tịnh. Nhìn các tân Sa di Trời Minh Tâm, Trời Minh Hóa và Trời Minh Nguyên với gương mặt rạng rỡ, ai trong đại chúng cũng cảm thấy hạnh phúc, thấy tâm bồ đề của mình được tươi mới trở lại.

Ngày 27-01.11: Khóa tu tiếng Anh với chủ đề Hãy thở, rồi mọi việc sẽ ổn thôi! (Breathe, It’ll Be Okay!). Đa số thiền sinh đều cắm lều. Những tiện nghi hàng ngày đã trở thành thứ yếu, nhường chỗ cho những bước chân an lạc, những hơi thở nhiệm mầu, những nụ cười thân ái trong giây phút hiện tại khi họ đến đây tìm lại chính mình.

Có vẻ như mọi người đã quen và nhìn thấy rõ hơn sự tiếp nối của Thầy nơi tăng đoàn. Điều này được thể hiện qua phản hồi từ thiền sinh về những pháp thoại của thầy Pháp Đăng, Pháp Khôi và của sư cô Tuệ Nghiêm, Đẳng Nghiêm. Có một buổi vấn đáp do thầy Pháp Đệ, Pháp Lưu, sư cô Chân Không, Đào Nghiêm phụ trách với nhiều câu hỏi rất hay. Trong khóa tu này có một buổi lễ truyền Mười bốn giới Tiếp Hiện và một buổi lễ truyền Năm giới.

Lễ trao giải “Hòa Bình trên Trái Ðất” (Pacem in Terris)

Vào ngày 31 tháng 10, đức Giám Mục Martin Amos đại diện cho Tòa thánh Vatican đã đến Lộc Uyển để trao giải Hòa Bình trên Trái Ðất (Pacem in Terris) cho Thầy Làng Mai.

Giải thưởng “Pacem in Terris” do đức Giáo Hoàng John XXIII đề xướng từ năm 1963 với mục đích “vinh danh các nhân vật tạo được những thành tựu về Hòa Bình và Công Lý, không chỉ riêng cho đất nước của họ mà cho toàn thế giới”. Đã có sáu trong 42 người đạt giải thưởng Pacem in Terris nhận được giải Nobel Hòa Bình như Mục sư Martin Luther King, Mẹ Teresa, Tổng Giám mục Desmond Tutu, Mairead Corrigan Maguire, Adolfo Pérez Esquivel, và Lech Wałęsa.)

Theo đúng truyền thống, người được vinh danh sẽ đến Davenport, Iowa để nhận giải thưởng. Tuy nhiên, vì tình hình sức khỏe của Thầy, Giám Mục Martin Amos đã đến tận tu viện Lộc Uyển để trao giải. Sư cô Chân Không và thầy Pháp Đăng đã thay mặt Thầy nhận giải thưởng này, với sự hiện diện của 120 quý thầy, quý sư cô và 500 thiền sinh đang tham dự khóa tu tại tu viện Lộc Uyển.

Chứng thư mà Giám mục Martin Amos trao cho Thầy có nội dung như sau:

Giải thưởng Hòa Bình trên Trái Đất (Pacem in Terris) 2015 được trao cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp hòa bình và công lý.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhịp cầu nối liền các truyền thống tâm linh Á – Âu. Giáo lý chính yếu mà Thiền sư giảng dạy là: với sự thực tập chánh niệm, chúng ta có thể chế tác ra được nguồn năng lượng giúp chúng ta sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong phong trào Đạo Bụt Dấn thân (Engaged Buddhism) mà Thầy khởi xướng, năng lượng chánh niệm được sử dụng để nuôi dưỡng hiểu biết và bao dung đối với chính mình, đồng thời nuôi dưỡng hành động từ bi vì lợi ích của mọi người và của Trái Đất. Những nỗ lực của Thầy trong việc giúp xây dựng lại những ngôi làng bị chiến tranh tàn phá và cứu giúp các thuyền nhân Việt Nam đã minh chứng cho con đường của Đạo Bụt Dấn thân mà Thầy đã chọn.

Thầy đã sống đúng với những lời trong Thông điệp Hòa bình trên Trái đất (Pacem in Terris) của đức Giáo Hoàng John XXIII, là “một tia sáng rực rỡ, một suối nguồn của thương yêu và một chất men” cho tất cả huynh đệ của mình trên khắp thế giới.

Giải thưởng Hòa Bình trên Trái Ðất được trao đúng dịp kỷ niệm 50 năm Mục Sư Martin Luther King nhận được giải này. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo – Mục sư Martin Luther King và Thầy Làng Mai – đã cùng chia sẻ lý tưởng tranh đấu cho hòa bình bằng phương tiện bất bạo động, gây ảnh hưởng lớn đến không khí chính trị vào những năm cuối thập niên 1960.

Trong buổi lễ, sư cô Chân Không phát biểu rằng Tăng thân là sự tiếp nối của Thầy nên giải này là dành cho tứ chúng. Sau phần trao quà lưu niệm, đức Giám Mục cáo từ để ra sân bay cho kịp giờ. Sư cô An Nghiêm bèn nói: “Chúng con không thể để cho Ngài ra về mà không hát tặng Ngài hai bài hát Happiness is here and now và bài Dear friends được”. Đức Giám mục hơi bất ngờ nhưng nét mặt Ngài lộ vẻ cảm động khi nghe nói như thế.

Khóa tu chánh niệm cho người Việt (04-08.11): Chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ lần đầu tiên không có Thầy đã khép lại bằng một khóa tu dành cho những người nói tiếng Việt. Sau bài pháp thoại đầu tiên của thầy Pháp Đăng, trong pháp đàm, một cô đã chia sẻ rằng anh và chị dâu của cô là người Thiên Chúa giáo, lần đầu tiên theo cô đến dự khóa tu. Họ cứ thắc mắc là tại sao cô cứ phải đi dự khóa tu hoài. Đi một lần là đủ rồi, tại sao cứ phải lên Lộc Uyển hoài để làm gì? Sau khi nghe bài pháp thoại đầu tiên đó, người chị nói với cô rằng: “Bây giờ thì chị đã hiểu là tại sao em cứ phải đi dự khóa tu hoài như thế”. Chị hỏi: “Chị có thể đi trở lên đây để tham gia những khóa tu kế tiếp hay không?”

Mùa đông ở Làng

Khi quý thầy, quý sư cô trở về từ chuyến hoằng pháp ba tháng ở Mỹ, đại chúng ở Làng bắt đầu bước vào mùa An cư. Lễ Đối thú An cư đã diễn ra tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng vào sáng ngày 22.11.2015 với sự tham dự của tứ chúng Làng Mai.

Một tuần sau lễ Đối thú An cư, Làng Mai lại có thêm một tin vui. Đó là sự biểu hiện của 19 Cây Đan Mộc trong khu vườn tăng thân. Sáng ngày 01.12, tứ chúng Làng Mai đã vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng để yểm trợ cho lễ xuất gia của 19 em trong gia đình Cây Đan Mộc – trong đó 10 em được xuất gia ở Làng và 9 em được xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Thái Lan. Lễ xuất gia được truyền trực tuyến. Các sư cô, sư chú đến từ nhiều quốc gia khác nhau (Italy, Hà Lan, Đức, Ireland, Indonesia, Pháp và Việt Nam) được tăng thân đặt cho những cái tên thật đẹp, mang bao tình thương và sự gửi gắm: Chân Trời Đạo Phương, Chân Trời Đạo Lực, Chân Trời Đạo Hành, Chân Trời Đạo Quang, Chân Trời Đạo Kiên, Chân Trời Đạo Tuệ, Chân Trời Đạo Sơn, Chân Trời Tiêu Dao, Chân Trời Đạo Sinh, Chân Trời Đạo Quy, Chân Trời Thiên Trúc, Chân Trời Tuệ Nhật, Chân Trời Luy Lâu, Chân Trăng Tĩnh Mặc, Chân Trăng Ban Mai, Chân Trăng Hồ Thu, Chân Trăng Thái Bình, Chân Trăng Đại Dương, Chân Trăng Thiên Hà.

Tin vui nhất là hiện tại Thầy đang khỏe hơn và đã trở về Làng. Ngày 31.01.2016, Thầy đã tham dự hội chợ hoa và xem bốn chúng cùng gói bánh chưng tại xóm Thượng. Khép lại một năm sinh hoạt tại Làng Mai, kính chúc quý thân hữu đón năm mới Bính Thân nuôi dưỡng tình huynh đệ, bảo hộ hành tinh xanh, nguyện cùng đi chung với nhau như một dòng sông trên con đường thực tập.