Con đường tự do
Chân Pháp Đăng
Bạn trẻ thân mến,
Cuộc đời có nhiều nẻo, nhiều đường, nó thật phức tạp, khó chọn lựa, khó hiểu hết mỗi ngõ ngách, cho nên bạn có sự băn khoăn, lưỡng lự, nghi vấn, có lúc ngờ vực khi phải lựa chọn cho mình một con đường. Tuổi mới lớn, trong lòng tràn đầy năng lượng, ước mơ, hy vọng, bạn nào cũng muốn chọn cho mình một con đường đẹp, lý tưởng, có ý nghĩa, đem lại hạnh phúc cho mình, cho người thân và cho cuộc đời. Nhưng khi đối mặt, tiếp xúc và va chạm với thực trạng, bạn lưỡng lự không biết nên chọn con đường nào đây.
Con đường nào đẹp nhất, lý tưởng nhất cho bạn? Khó mà trả lời dứt khoát, bởi mỗi người có một ước mơ, một lý tưởng, một con tim rung cảm, một trình độ kiến thức khác nhau ảnh hưởng bởi sự giáo dục, tuổi thơ, môi trường, sự trao truyền, cách tiếp cận và học hỏi của bạn. Con đường ấy cũng tùy cách sống, cách tư duy, cách nhìn của từng người, và một điều đặc biệt quan trọng nữa là nền tảng động lực từ chiều sâu tâm thức, tiếng nói phát ra từ chính con tim bạn.
Trước khi chọn một con đường, bạn thong thả tự mình học hỏi, nghiên cứu, tìm đến với một con đường để trải nghiệm, thử đi trên con đường ấy mà đừng chỉ nghe ngóng lời đồn đãi, ca ngợi, mời gọi, bắt chước, hoặc bị người ta thuyết phục hay tuyên truyền. Con đường nào đây? Bạn tập ngồi cho lắng yên, thấy rõ động lực từ chiều sâu tâm thức, hay nghe tiếng nói sâu lắng từ tâm hồn. Con đường nào đây? Nghệ thuật, văn chương, hội họa, cách mạng, giáo dục, kinh tế, chính trị, gia đình, xuất gia…?
Con đường nào cũng có ý nghĩa riêng của nó, và cái lý tưởng, cái đẹp, cái lành không phải là đường này hay đường kia, mà là đích đến. Và nghệ thuật đi trên con đường ấy, nói rõ hơn là mục đích thẩm thấu của đời người và nếp sống của bạn mới quan trọng. Cho dù bạn chọn con đường nào đi nữa, thì điều kiện căn bản để thành công là bạn hãy lập chí, kiên trì, hiên ngang đi tới, bởi nẻo đi nào cũng có những chông gai, thử thách, hầm hố của nó.
Có nhiều bạn đã chọn cho mình một con đường, nhưng sau khi bước đi một thời gian, bạn nhận ra là mình đã chọn lầm đường. Đã lỡ đi rồi, đời đã dính nhiều cát bụi rồi, bạn tiếp tục cúi đầu lầm lũi bước tiếp dù biết con đường ấy không đưa bạn về với lý tưởng, về với cái đẹp mà bạn hằng mơ ước.
Có bạn học hỏi, truy tầm, nghiên cứu và khám phá ra một con đường thật đẹp về mặt triết lý, lý thuyết, mục đích, nguyên tắc, nhưng tới khi đi vào hành động cụ thể, nó hoàn toàn không thực tế, không thể áp dụng được. Kết quả thực nghiệm về con đường ấy, nó không đẹp như triết lý, lý thuyết được ca ngợi, nó đi ngược lại hoàn toàn với lý tưởng đẹp đẽ, cao thượng. Nói cách khác, nó là một con đường sai lầm, có thể gọi là con đường tồi tệ được tô điểm bởi màu sắc đẹp đẽ, cao thượng, tuyệt đỉnh bằng lý thuyết.
Có bạn sau khi tìm hiểu thật kỹ con đường vẫn còn lưỡng lự nên đi hay không. Con đường thì đẹp đấy, không có gì gọi là mơ hồ, nhưng nhiều người đi trên đường ấy lại không có hạnh phúc, đời sống của họ không tỏa ra hương sắc của cái đẹp. Bạn lưỡng lự là phải lắm.
Tôi chọn con đường xuất gia, và tôi đã đi trên đường này hơn một phần tư thế kỷ. Có thể nói với niềm tự tin là tôi chọn đúng con đường lý tưởng. So với chặng đường trước khi xuất gia, đời tôi có nhiều hạnh phúc, an vui, thảnh thơi hơn, dù có lúc đã đi ngang qua nhiều thử thách, lên xuống, tuyệt vọng, mặc cảm… Mỗi ngày, tôi vẫn thấy rõ đời sống này, con đường này có ý nghĩa, có lợi ích, có sự chuyển hóa, thăng hoa cho tự thân, gia đình, tăng thân và cuộc đời. Nói như thế, tôi không có ý muốn khoe khoang sự thành công của tôi, hoặc muốn ca ngợi con đường này. Đây chỉ là sự chia sẻ với các bạn trẻ đang còn băn khoăn trên đại lộ trăm lối của cuộc đời.
Không giống như nhiều tôn giáo khác, Bụt dạy đệ tử Bụt, xuất gia hay tại gia không nên tôn thờ một cái gì cả dù đó là giáo pháp của Bụt, không tôn thờ một ai cả dù người ấy là Bụt. Giáo pháp không phải chân lý mà là những con đường thực tập và Bụt không phải là đấng thần linh mà là bậc đạo sư, nghĩa là bậc thầy. Bạn thương quý Bụt bằng cách tiếp nhận, học hỏi và tập sống theo giáo lý, nghĩa là con đường mà Bụt đã chỉ dạy. Bụt không thể giúp bạn có được thảnh thơi, an ổn và hạnh phúc. Bụt cũng không thể giúp bạn chuyển hóa khổ đau trong khi bạn không nỗ lực gì cả. Điều này bạn có thể kiểm chứng được.
Lúc Bụt còn tại thế, vua Lưu Ly đã đem quân giết hại, tàn sát gần hết bộ tộc Thích Ca, là dòng họ, bà con của Bụt. Bụt có cố gắng ngăn cản nhiều lần, nhưng mối thù giữa họ quá lớn. Vậy, là đệ tử của Bụt mà bạn chỉ biết cầu xin Bụt như một đấng tối cao có thể ban phúc giáng họa cho bạn là bạn không hiểu được Bụt. Bụt là bậc thầy tìm ra con đường tự do, đi hay không đi là tùy mỗi người đệ tử. Cầu nguyện, tôn thờ chỉ là để nhắc nhở bạn sống theo lời Bụt dạy mà thôi. Nếu có tôn thờ thì bạn nên tôn thờ tự do.
Lý tưởng cao đẹp nhất của đời sống xuất sĩ là tự do. Giới luật chính yếu của người xuất sĩ là Pratimoksha. Chữ “Moksha” nghĩa là tự do. Chữ “Prati” nghĩa là từng bước, riêng biệt, tức là giữ giới nào thì có tự do giới đó. Không sát sanh thì không bị tù tội. Không trộm cắp thì không bị bắt bớ, đánh đập… Tự do là cắt đứt các sợi dây ràng buộc như hiểu lầm, vô minh, giận hờn, tham dục, lo sợ, nghi ngờ. Tự do là đập tan những ngục tù trói buộc, cố chấp, bế tắc, phiền não, giống như nhà tù được xây dựng lên từ ngàn kiếp, nay bạn phá vỡ tất cả kèo cột để thoát ra ngoài.
Giới luật là những giới điều, các nguyên tắc để bạn giữ gìn, bảo hộ, để cho các lậu hoặc đừng phát hiện thường xuyên làm tan nát đời bạn và gây khổ đau cho người chung quanh. Phiền não, lậu hoặc này có nguồn gốc từ các chủng tử đã huân tập từ vô lượng kiếp như giận dữ, ham muốn, nghi ngờ, thù ghét, ganh tỵ… Giới luật là những hàng rào bảo hộ thân tâm để bạn tiếp tục đi mãi trên con đường tự do. Tự do được diễn tả là cung thành thanh tịnh, giải thoát, và giới luật là những hàng rào bao bọc. Ai phá hàng rào giới luật thì người ấy đánh mất chân trời tự do.
Tự do này chỉ có thể làm bằng sức mạnh tâm linh của chánh niệm, thiền định và trí tuệ. Chánh niệm, chánh định và trí tuệ là ánh sáng nội tâm (clarity) chiếu vào tâm tư, tình cảm, nhận thức, nhờ đó bạn thấy rõ bạn đang bị kẹt ở đâu, bạn đang vướng bận gì, đang lo lắng gì, đang sợ hãi chuyện gì.
Chánh niệm là con đường tự do. Chỉ cần chú ý tới hơi thở hay bước chân, tâm bạn trở về với thân, thiết lập thân tâm trong hiện tại, và bạn tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm. Đó là tự do. Bạn cảm được gió mát trên da thịt, nghe được tiếng chim hót vào buổi ban mai, ý thức rằng trái tim đang đập bình thường, bạn cảm thấy hạnh phúc đang còn đôi mắt sáng để nhìn người thương và thế giới màu sắc… Nếu chánh niệm kéo dài thì bạn thường sống trong chánh định và trí tuệ, nghĩa là tâm bạn bừng sáng, an trú vào những gì đang xảy ra nơi sự sống bên trong cũng như chung quanh. Đó là bao la, là tự do.
Bạn hãy thực tập thắp sáng ngọn đèn chánh niệm để giữ gìn ba nghiệp. Mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi suy nghĩ đều là dấu ấn in sâu vào mảnh hồn của bạn. Tuy tất cả các pháp đều thay đổi không ngừng, nhưng mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động có ảnh hưởng sâu đậm tới phẩm chất đời sống của bạn và tác động tới những người chung quanh. Vui buồn đều do cách sống, suy nghĩ, nói năng của bạn, vì thế, đệ tử Bụt phải soi chiếu vào ba nghiệp. Lời nói nào, việc làm nào, suy nghĩ nào gây ra đổ vỡ, đem đến đau khổ, hiểu lầm, thì bạn phải ý thức rõ hành động ấy để dừng lại. Tự do có mặt từ năng lực thúc đẩy của ba nghiệp là thân, khẩu, ý.
Thời đại kỹ thuật tối tân này, con người tạo ra một hệ thống mạng lưới cực kỳ tinh vi mà vĩ đại. Ngoài những khám phá khoa học, kỹ thuật, công nghệ truyền thông tuyệt hảo đăng tải trên mạng lưới, con người còn đăng tải các chương trình, phim ảnh, sách vở không lành mạnh xuất phát từ sự thèm khát, dục vọng hoặc nhu yếu làm giàu của giới doanh nhân. Bởi thế đệ tử Bụt nếu không cẩn thận, không cầm lấy giới luật mà lạc vào các chương trình này thì coi như công trình tu học bấy lâu nay bị phá vỡ, giống như xây nhà trên cát, chỉ cần một đợt sóng biển thôi cũng đủ phá tan hết nhà cửa.
Các loại máy móc điện tử này cũng tạo ra nhiều khó khăn cho bạn. Ai cũng tìm mọi cách để có tiền mua sắm máy móc tối tân như iPod, iTouch, iPhone… Tới khi có máy tối tân và thuê bao mạng lưới rồi, bạn trở nên bận rộn. Máy móc, mạng lưới là các con nghiện không khác gì một thứ ma túy, chi phối hết thời gian, không gian, tâm tư của bạn. Càng đi vào cái ổ nhền nhện của mạng lưới, bạn càng khao khát nó, do thế càng ngày chất nghiền của bạn càng tăng. Nói như thế không phải chúng ta lên án khoa học kỹ thuật hay mạng lưới toàn cầu, nhưng vì thiếu kiến thức, thiếu bản lãnh, thiếu sự hướng dẫn, đa số tuổi trẻ vào mạng lưới đều bị lạc vào các chương trình giải trí không lành mạnh hoặc đọc tin tức không cần thiết cho đời sống tâm linh, đưa tới tâm trạng chán nản, u trệ, tối tăm, vì thế bạn không còn thích thú nơi sự thực tập hàng ngày như ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, bái sám, pháp đàm.
Người tu mà không tu tập chánh niệm, thiền định thì không phải là đệ tử Bụt, giống như ca sĩ mà không ca hát thì không phải là ca sĩ, họa sĩ mà không hội họa thì không phải là họa sĩ, bác sĩ mà không khám bệnh thì không phải là bác sĩ… Công phu thực tập hàng ngày là các món ăn tinh thần đã được Bụt, Tổ, Thầy chế biến, dọn ra thật ngon lành, và bạn có thể tùy ý chọn món nào thích hợp với khẩu vị của bạn. Nếu đệ tử Bụt mà không thực tập công phu tức là bạn tự bỏ đói nếp sống tâm linh, giống như thân thể không có thức ăn thì từ từ nó sẽ héo mòn, ốm yếu, bệnh tật.
Bạn trẻ thân mến! Chúng ta phải phát khởi phong trào thanh lọc thân tâm, cách mạng đời sống tâm linh của người đệ tử Bụt. Hãy tránh xa chúng bạn xấu ác, chỉ suốt ngày đam mê các trò chơi tiêu khiển, ăn uống, mê ngủ, chơi bời, bon chen, kiếm tiền… Không nên đem các dụng cụ điện tử về chùa hay phòng, không nên đem mạng lưới vào phòng, xóa bỏ và tẩy chay các sản phẩm không lành mạnh. Trong lịch sử chưa có một thế lực nào tàn phá tâm hồn người xuất sĩ bằng các trò chơi, phim ảnh, thông tin không lành mạnh từ mạng lưới và ti vi. Chúng là các cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la chứa đầy dục vọng, thèm khát, bạo động, hận thù. Nếu cần liên hệ, truyền thông với quần chúng, chùa có thể có một máy tính nối mạng lưới chung, và đại chúng phải có nội quy dùng mạng lưới và máy tính để tránh tình trạng nghiện ngập hay tiêu khiển chương trình không lành mạnh.
Hãy trở về lắng nghe tiếng chuông linh thiêng mời gọi tâm hồn bạn đang phiêu bạt ở chốn u minh, thất niệm, khát vọng, bơ vơ, lạc loài. Bạn là đệ tử Bụt chứ đâu phải là cô hồn, ma quỷ sống vất vơ vất vưởng nào đâu! Bạn hãy trở về với mình, trở về với tỉnh thức, hãy bước ngay vào con đường tự do để thấy Bụt, Tổ và Thầy đang mỉm cười chào đón đứa con thất lạc bấy lâu nơi cõi u minh đen tối, nơi chốn trần gian đọa đày:
Đường đẹp là con đường của trái tim biết hiểu, biết yêu thương, biết tha thứ, biết cởi mở để bạn bước vào vùng trời bao la của tự do tâm hồn. Đẹp cách mấy mà không có tự do, thì con đường ấy chỉ là con đường cụt, con đường chết, chỉ đưa tới ngục tù giam hãm. Con đường tự do là sự thực tập với tất cả tấm lòng thiết tha. Bạn phải trở thành chú tiểu tập sự ngày xưa mới bước vào chùa được đi công phu tụng kinh, bái sám, chấp tác. Thời hành điệu là thời vàng son, thiêng liêng, trong sáng, là đỉnh cao tâm linh, bởi tâm hồn các điệu chỉ chứa đựng duy nhất một vị là vị cam lộ an lạc, thanh lương của giáo pháp.
Con đường đẹp là con đường tự do, tự do mỗi hơi thở, tự do từng bước chân, tự do trong mỗi tâm niệm cho đến tự do cuối cùng, tức là thân tâm hoàn toàn lặng lẽ, an nhiên, thanh thoát mà kinh gọi là Niết bàn, và tôi gọi là bao la, lặng lẽ.