Bài đăng của Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo

Thiền sư Việt Nam Thích Nhất Hạnh đã gửi thông điệp về chánh niệm và ý thức môi trường trong nhiều năm trước, khi những khái niệm đó chưa trở thành những thuật ngữ quen thuộc trong đời sống. Ngài là một vị thầy đã đem sự thực tập thiền quán vào các hoạt động mang tính xã hội theo đường lối bất bạo động. Tầm ảnh hưởng của Ngài đã vươn xa, vượt qua ranh giới của các vị đệ tử theo Ngài hay thậm chí những Phật tử khắp nơi và Ngài có thể được xem là một vị thầy đáng kính và nổi tiếng nhất đứng sau đức Dalai Lama.

Thiền sư đã viết rất nhiều tác phẩm nổi tiếng và đã sáng lập tăng thân bốn chúng tu học vững chãi và hòa hợp chủ yếu đặt tại Làng Mai Pháp.

Khi bước vào Làng Mai lập tức ta sẽ cảm nhận được sự hòa hợp và thanh tịnh nơi đây. Cũng có nhiều hoạt động khác nữa nhưng dường như ở đây hầu hết cuộc sống đều chậm lại – từ việc thiền hành qua những cây mận đến việc chấp tác cho khóa tu và sống chánh niệm với nhau.

Thầy luôn nhắc nhở sự thực tập sống trong giây phút hiện tại và đừng nên tính toán suy nghĩ quá nhiều về tương lai qua những lời dạy, những bức thư pháp và những bài thơ, mà ngày nay tất cả đều đã trở thành những lời khuyên dạy rất tinh tế.

Nguyện cầu hình ảnh và lời dạy của Thầy vẫn mãi trong chúng con theo năm tháng về sự thực tập chánh niệm và chế tác lòng từ bi.

Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo

Người sáng lập và lãnh đạo Ni viện Dongyu Gatsal Ling

 

Điện thư từ Tu viện Phật học Bangladesh


Thành kính phân ưu cùng quý thầy quý sư cô về sự mất mát ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Toàn thể Tăng thân

Bồ Đề Đạo Tràng tu viện Phật học Bangladesh

Tại Bihar India

 

Điện thư từ trường Đại học Hồng Kông

Thư chia buồn

Xin chân thành chia buồn trước sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Khi chúng ta thương tiếc cho sự ra đi của Thầy, chúng ta hãy cùng nhau tôn vinh cuộc đời và những lời dạy của Thầy. Tình thương của Thầy dành cho nhân loại không thể nghĩ bàn, và sức ảnh hưởng của Thầy không thể nào đo lường được. Thầy đã giúp cho chúng ta suy nghĩ và chiêm nghiệm về bản thân mình rộng hơn và sâu sắc hơn. Đạo đức vô hành của Thầy và công trình truyền bá đạo Phật và Thiền tập đầy nhiệt huyết của Thầy đã làm thay đổi thế giới, đồng thời cũng thay đổi mỗi người trong chúng ta, ngay cả khi chúng ta chưa từng để ý tới điều đó.

Chúng tôi vô cùng biết ơn những nhân duyên đã đưa Thầy đến Hồng Kông trên chặng đường hoằng pháp của mình. Thầy đã hiến tặng năm bài pháp thoại, trong đó có một bài pháp thoại nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Hồng Kông vào năm 2010. Trung tâm Phật học thuộc Đại học Hồng Kông đã phối hợp tổ chức sự kiện này. Tình cảm và lòng từ bi của Thầy trong những buổi chia sẻ đó đã làm nhẹ lòng và thức tỉnh tâm hồn bao nhiêu người và mãi vang vọng tới ngày hôm nay trong tất cả những ai đã có cơ hội lắng nghe Thầy. Năm 2014, chúng tôi vô cùng vinh hạnh khi được Thầy chấp nhận tham dự vào trường của chúng tôi bằng việc đón nhận văn bằng tiến sĩ danh dự – Tiến sĩ Khoa học Xã hội.

Ngọn lửa mà Thầy đã thắp sẽ không bao giờ tàn lụi và Thầy đã để lại cho chúng ta một gia tài về hòa bình mà tất cả chúng ta phải nhất định gìn giữ.

(Chữ ký)

Giáo sư Xiang Zhang

Chủ tịch kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Kông

 

Điện thư từ Hiệp Hội Tăng Già Parbatya – Bangladesh

Điện thư phân ưu

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người vĩ đại nhất của thế hệ chúng ta, Thầy là một hình mẫu của nhà hoạt động vì hòa bình quốc tế, người truyền bá sự thực tập chánh niệm và một nhà văn lỗi lạc. Thiền sư thực sự không thể thiếu ở thế kỷ này để mang lại hòa bình và hòa hợp trong những mối liên hệ giữa con người với con người không phân biệt tín ngưỡng, nguồn gốc và giới tính; và kết nối trực tiếp cuộc sống của chúng ta với thiên nhiên.

Thiền sư đã thong dong trời phương ngoại vào ngày 22 tháng 01 năm 2022. Đây là một mất mát lớn của toàn nhân loại trong cuộc vận động hòa bình cho thế giới. Thế giới mất đi một trong những đóa hoa đẹp nhất. Cách duy nhất để chúng ta trả ơn Thiền sư là theo lời hướng dẫn của Ngài để mang lại hòa bình và hòa hợp trong đời sống của chúng ta và môi trường xung quanh.

Chúng tôi mong bình an sẽ đến với Thiền sư và những học trò đáng kính của Ngài và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất của tôi tới tất cả tăng thân tứ chúng Làng Mai.

Thay mặt Hiệp hội Tăng già Parbatya Bangladesh ngưỡng mong Thiền sư Thích Nhất Hạnh có được hạnh phúc tối thượng của Niết bàn và đạt quả vị Bồ đề.

(Chữ ký)

Venerable Shraddhalankar Mahathera

Chủ tịch Hiệp hội Tăng già Parbatya Bangladesh

 

Điện thư từ Trung tâm Thiền Dhyana Zhitshok

Ngày 22/01/2022

Thư phân ưu

Kính gửi: Quý thầy, quý sư cô Làng Mai

Với sự buồn đau vô hạn, chúng tôi xin được chia buồn sâu sắc tới quý thầy, quý sư cô và toàn thể tăng thân Làng Mai trên toàn thế giới trước sự ra đi của người thầy đáng kính, Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Kính thưa Thầy! Chúng con biết nói sao cho đủ để bày tỏ sự tri ân Thầy đã dành cả cuộc đời để phụng sự cộng đồng, nhân loại và đất Mẹ. Thầy là một vị Bồ tát đích thực, lời nói của Thầy luôn đi đôi với hành động, qua đó, Thầy đưa những lời dạy của Bụt vào đời sống. Di sản Thầy để lại sẽ sống mãi với chúng con, những người đã nhờ Thầy mà thay đổi cuộc đời của mình.

Chúng con sẽ luôn có Thầy và luôn tôn kính Thầy bằng sự thực tập chánh niệm trong từng hơi thở, từng bước chân hôn lên mặt đất và từng lời nói ái ngữ, thương yêu.

Kính thư,

(Ấn ký)

H.E Chung Tulku Rinpoche

Người sáng lập Trung tâm Thiền Dhyana Zhitshok, Thimphu, Bhutan H.O

 

Điện thư từ cộng đồng Phật giáo Đức

Ngày 28 tháng 01 năm 2022

Thư phân ưu

Kính thưa quý thầy, quý sư cô Làng Mai,

Chúng tôi rất đau buồn khi nghe tin về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Với sự đồng cảm của những người trong cùng một Gia đình Tâm linh và với sự biết ơn sâu sắc đối với sự chỉ bảo và sự tận tâm của Thiền sư, chúng tôi xin gửi đến toàn thể tăng thân Làng Mai sự cảm thông và trái tim ấm áp của chúng tôi.

Chúng tôi tin tưởng rằng hạt giống tốt từ sự nghiệp của Thiền sư và sức mạnh của tăng thân sẽ vẫn tiếp tục giúp đỡ cho cộng đồng.

Kính thư,

Ban lãnh đạo Cộng đồng

Nils Clausen

Anna Karolina Brychcy

Claus Herboth

Điện thư từ Cộng đồng Lerab Ling và Tăng đoàn Rigpa Quốc tế

Ngày 22/01/2022

Thư phân ưu

Kính gửi tăng thân Làng Mai,

Chúng tôi rất đau buồn khi biết tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới tăng thân Làng Mai và những người Phật tử, những người bạn và các đệ tử của Thiền sư. Trong thời gian này, chúng tôi cũng rất vui khi biết di sản của Thiền sư sẽ được tiếp tục trong trái tim, trong tâm trí và trong hành động của rất nhiều người, những người đã được khai mở và chuyển hóa từ ngày gặp được Thiền sư.

Cộng đồng chúng tôi có chung một nhận thức sâu sắc theo lời Bụt dạy. Vì vậy, rất nhiều người trong chúng tôi tại tăng thân Rigpa đã tự học và thực hành bằng cách đọc những cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong những cuốn sách này, Thiền sư đã chia sẻ những hiểu biết của mình một cách rõ ràng và thú vị về cuộc đời của Bụt cùng những lời giải thích rất minh triết của Ngài thông qua các bài giảng như Tứ diệu đế và kinh Satipatthana. Chúng tôi sẽ luôn nhớ chuyến thăm của Thiền sư tới Lerab Ling vào năm 1993, Thiền sư đã trình bày một nếp sống chánh niệm bằng ngôn ngữ điềm đạm, hành động đơn giản và sự cởi mở, trong sáng của mình. Sogyal Rinpoche sẽ luôn nhớ về những lời dạy của Thiền sư. Ngài luôn khuyên học trò của mình khi gặp khó khăn thì hãy “tưới tẩm hạt giống vui vẻ” và khi dạy về tính không và sự cần thiết vượt lên trên tư duy khái niệm, Ngài thường thích thú nhắc nhở về sự điều chỉnh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đối với quan điểm của Shakespeare: “Tồn tại hay không tồn tại, đó không phải là một câu hỏi.”

Chúng ta cũng sẽ nhớ đến Thiền sư vì đã tìm ra rất nhiều cách để đưa đạo đức Phật giáo vào các hoạt động xã hội một cách thành công. Được biết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cùng người bạn của mình là Martin Luther King Jr. ở Mỹ tham gia vận động việc kết thúc chiến tranh và duy trì hòa bình trong chiến tranh Việt Nam. Gần đây, Thiền sư đã có bài phát biểu về biến đổi khí hậu theo lời mời của Liên hợp quốc.

Trong phát biểu của mình, Thiền sư viết:

“Trái đất là một người Mẹ yêu thương, nuôi dưỡng và bảo vệ tất cả các dân tộc và tất cả các loài mà không phân biệt. Khi bạn nhận ra Trái đất không chỉ đơn giản là môi trường sống, bạn sẽ muốn bảo vệ hành tinh xanh giống như bạn đang bảo vệ chính bản thân mình. Đây là sự nhận thức, là sự thức tỉnh mà chúng ta cần và tương lai của hành tinh phụ thuộc vào việc chúng ta có thể trau dồi sự hiểu biết này hay không.”

Thật là một di sản kỳ diệu và đầy chuyển hóa mà chúng ta và những người trên thế giới cần được đánh thức, lên tiếng và hành động với sự không sợ hãi, trí tuệ và lòng từ bi mà điển hình là đạo Bụt ứng dụng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. 

Một lần, khi nói về cái chết của mẹ một thiền sinh, Thiền sư nói: “Ngày mất của chúng ta là ngày tiếp nối của chúng ta dưới nhiều hình thức khác. Nếu bạn biết làm thế nào để chạm vào mẹ của bạn trong thế giới bản môn, bà sẽ luôn ở đó với bạn.” 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ còn có mặt mãi mãi bên cạnh chúng ta, tiếp thêm sức mạnh và nguồn cảm hứng từ những tiếp nối mới và đầy sinh động của Ngài.

Với tình yêu và sự tôn trọng sâu sắc nhất của chúng tôi,

Cộng đồng Lerab Ling và Tăng đoàn Rigpa Quốc tế