Tu viện Lộc Uyển, California Mỹ

Khu đất nguyên sơ rộng 400 mẫu này nằm yên bình trong dãy núi Chaparral ở miền nam California, được bao quanh và bảo vệ bởi những cây sồi và cảnh quan thiên nhiên.

Tu viện Lộc Uyển được thành lập vào tháng 7 năm 2000 bởi Tăng thân bốn chúng Làng Mai. Giờ đây, đây là nơi nương tựa bình an và tự tại cho nhiều hành giả đến học hỏi nghệ thuật sống chánh niệm với Tăng thân. Tại Tu viện Lộc Uyển, một cộng đồng gồm hơn ba mươi người xuất sĩ và cư sĩ đang sống và tu tập cùng nhau quanh năm dưới sự hướng dẫn của Sư Ông Thích Nhất Hạnh (Thầy), theo truyền thống Đạo Bụt dấn thân, thực hành chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày. Tu viện có hai xóm: Xóm Vững Chãi (Solidity Hamlet) dành cho các quý thầy và cư sĩ na) và Xóm Trong Sáng (Clarity Hamlet) dành cho quý sư cô và cư sĩ nữ. Hai xóm mỗi tuần sẽ có những buổi thực tập cùng nhau.

Tại Tu viện Lộc Uyển, chúng ta được nuôi dưỡng không chỉ bằng những buổi ngồi thiền mà còn bằng việc hành thiền trong các hoạt động hàng ngày bên ngoài thiền đường. Chúng tôi được hướng dẫn bởi những lời dạy của Sư Ông về chánh niệm và chế tác bình an. Chúng tôi học cách sống chung với nhau như một cộng đồng và nương tựa vào tuệ giác của Tăng thân.

Liên lạc với tu viện:

2499 Melru Lane, Escondido, CA 92026, USA
Tel: +(1) (760) 291-1003 ext 100
Fax: +(1) (760) 291-1010
Email: deerpark@dpmail.net
Trang nhà: www.deerparkmonastery.org

 

Viện Phật học ứng dụng Châu Á (AIAB) tại Hồng Kông

Ngôi nhà của Làng Mai ở Hồng Kông là chùa Liên Trì (Lotus Pond Temple) trên Đảo Lantau hùng vĩ, nơi hơn một chục tăng ni, tất cả đều là đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sống, tu tập và hướng dẫn các khóa tu theo truyền thống Làng Mai.

Chính nơi đây, trên hòn đảo đầy núi và sương mù này, Viện Phật giáo Ứng dụng Châu Á (AIAB) đã được thành lập và phụng sự cư dân khu vực Châu Á.

Năm 2010, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đề xuất thành lập Viện Phật học Ứng dụng ở Châu Á, để giúp đưa các khía cạnh ứng dụng được và phù hợp của Phật giáo đến với người dân Châu Á, và vào mùa xuân năm 2011, ước mơ của Thầy đã trở thành hiện thực.

AIAB mang những giáo lý và các pháp môn thực tập của Phật giáo đến cho mọi người, giúp mọi người tiếp cận với sự bình yên và niềm vui trong chính họ, để sống trong giây phút hiện tại, để chữa lành và chuyển hóa khổ đau. Điều này có thể được thực hiện thông qua thực hành chánh niệm – với hơi thở và bước chân – khi chúng ta tiếp xúc với những điều kỳ diệu của cuộc sống.

AIAB là một trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Phật giáo Ứng dụng, với một Tăng thân xuất sĩ thường trú là thành phần cốt lõi, sẵn sàng giảng dạy các giáo lý và hướng dẫn các phép thực hành. AIAB đào tạo các vị Giáo thọ xuất gia và tại gia để giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực hành chánh niệm ở Hồng Kông, ở châu Á và ở các khu vực khác trên thế giới.

AIAB tổ chức các khóa tu cho những người trẻ tuổi và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, công tác xã hội, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, v.v. để giúp họ nghỉ ngơi, giải tỏa những căng thẳng trong cơ thể và tinh thần, đối phó với căng thẳng và những trở ngại khác trong cuộc sống để giải quyết những khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân, gia đình và nghề nghiệp.

Tất cả mọi người đều được hoan nghênh tham gia với chúng tôi vào Những Ngày Quán Niệm trên đảo, và các sự kiện khác ở “trung tâm thành phố”, cũng như các khóa tu dài hơn được tổ chức trên đảo hoặc ở các địa điểm khác.

Liên lạc với tu viện:

Chùa Trúc Lâm – Chu Lam Ching Yun (Quý thầy)
House No 41 Ngnong Ping Village,
Lantau Island, Hong Kong
Tel: +(852) 2985-5033

Chùa Liên Trì – Lotus Pond Temple (Quý sư cô)
Ngnong Ping Village,
Lantau Island, Hong Kong
Tel: +(852) 2985-5281
Fax: +(852) 3012-9832
Email: aiab@pvfhk.org
Trang nhà: www.pvfhk.org

Viện Phật học ứng dụng Châu Âu (EIAB) tại Đức

 

Cổng tam quan Viện Phật học ứng dụng Châu Âu (EIAB)

 

Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu, Làng Mai tại Đức

EIAB là Học viện Phật học Ứng dụng đầu tiên do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập vào năm 2008. Khuôn viên rộng lớn của EIAB nằm ở rìa thị trấn nhỏ Waldbröl, Đức, cách Cologne khoảng một giờ đồng hồ, giữa những cánh đồng trập trùng và rừng thông tráng lệ.

EIAB có một cộng đồng tu viện lớn với hơn 40 quý thầy quý sư cô. Điều này rất khác đối với một Học viện Phật giáo thông thường, nhưng tạo một năng lượng chánh niệm tập thể mạnh mẽ để hỗ trợ nhiều khóa học được diễn ra hàng năm.

Dựa trên sự phong phú trong giáo lý của Đức Phật, Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (EIAB) cung cấp một chương trình đào tạo hoàn chỉnh về các phương pháp cụ thể giúp giảm đau khổ và tạo hạnh phúc và bình an trong bản thân và trên thế giới. Khóa đào tạo tích hợp đầy đủ việc nghiên cứu kinh Phật với ứng dụng cụ thể ở mọi cấp độ của cuộc sống hàng ngày.

Dưới sự hướng dẫn bằng những bài giảng gián tiếp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cùng với sự hướng dẫn trực tiếp bởi các vị Giáo thọ Làng Mai, các học viên tại EIAB không chỉ có được nền tảng vững chắc về giáo lý Phật giáo thiết yếu, mà còn có thể làm chủ được thân, khẩu, ý của mình thông qua trau dồi nghệ thuật sống chánh niệm.

Cụ thể, các học viên học cách áp dụng giáo lý Phật giáo theo cách giúp giải tỏa căng thẳng, giảm stress và đau đớn; sử dụng tuệ giác, nhìn sâu để thấu hiểu bất cứ đau khổ nào đang tồn tại bên trong hoặc xung quanh họ; để nhận biết và chuyển hóa những cảm giác và cảm xúc đau đớn; biết sử dụng ái ngữ và lắng nghe sâu để tạo ra sự hiểu biết giữa các cá nhân và các nhóm đang có mâu thuẫn; và để củng cố niềm vui, sự tự do và trí tuệ vốn có trong mỗi người, điều vốn rất cần thiết cho sự chuyển hóa của tập thể.

Các vị Giáo thọ tại EIAB truyền sự hiểu biết và kinh nghiệm của họ không chỉ qua lời nói, mà còn quan trọng hơn, chính là thông qua sự hiện diện và cách sống hàng ngày của họ.

Các học viên tại EIAB sống cùng với cộng đồng xuất sĩ và trực tiếp hưởng lợi từ năng lượng chung của chánh niệm và chánh định. Được bao quanh bởi một cộng đồng hài hòa là sự hỗ trợ tốt nhất cho những ai muốn áp dụng chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày.

Đạo Phật được giảng dạy tại EIAB không phải là tôn giáo. Giáo lý Phật giáo được cung cấp một cách rất thực tế, phi tôn giáo, và những người thực hành thuộc bất kỳ nền tảng tôn giáo hoặc phi tôn giáo nào cũng đều có thể hưởng lợi từ việc học và áp dụng chúng vào thực tế.

Tất cả các chương trình đều được cung cấp bởi các Giáo thọ xuất gia hoặc tại gia, những người đã được chọn làm giảng viên dựa trên sự thực hành lâu năm, vững chãi, tinh tấn và khả năng sống hạnh phúc. Thỉnh thoảng, những giảng viên khách mời thông thạo một số môn học và nghệ thuật sống chánh niệm cũng sẽ được mời dẫn dắt một số chương trình.

Các khóa học của EIAB dành cho tất cả những ai mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của chính họ, của gia đình và cộng đồng của họ.

 

Liên lạc với Tu viện:

Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu

(European Institute of Applied Buddhism – EIAB)
Schaumburgweg 3, D-51545 Waldbröl, Germany
Tel: +49 (0) 2291 907 1373
E-mail: info@eiab.eu
registrar@eiab.eu
Trang nhà: www.eiab.eu

Làng Mai, Pháp

Làng Mai tại Pháp là một trung tâm thiền tập tọa lạc tại miền Tây Nam nước Pháp được hình thành vào đầu năm 1982. Làng Mai tiếng Pháp là Village des pruniers, tiếng Anh là Plum Tree Village, gọi tắt là Plum Village. Tên chữ của Làng Mai là Đạo Tràng Mai Thôn.

Làng Mai tại Pháp có ba ngôi chùa: Chùa Pháp Vân, Chùa Từ Nghiêm và chùa Cam Lộ. Chùa Pháp Vân là thiền viện dành cho các vị nam xuất gia. Chùa Từ Nghiêm và chùa Cam Lộ là thiền viện dành cho các vị nữ xuất gia. Hiện nay (năm 2009) số lượng quý thầy quý sư cô đệ tử của Sư Ông Làng Mai đang cư trú tại các trung tâm trên khắp thế giới đã lên tới gần 700 vị, thuộc 30 quốc tịch khác nhau. Làng Mai cũng là Viện Cao Đẳng Phật Học, nơi đào tạo các vị giáo thọ xuất gia và tại gia. Tại các trung tâm thuộc Làng Mai, ngoài các vị xuất sĩ ra còn có các vị cư sĩ cùng tới tu tập chúng rất tinh chuyên.

Mỗi năm tại Đạo Tràng Mai Thôn tổ chức nhiều khóa tu lớn như: Khóa tu mùa hè, khóa tu mùa thu, khóa tu mùa đông, khóa tu 21 ngày, khóa tu cho những người nói tiếng Pháp, tiếng Ý…, và những khóa tu cho các giới như: Khóa tu cho giới cảnh sát, khóa tu cho các nhà tâm lý trị liệu, khóa tu cho giới nghệ sĩ… do quý thầy, quý sư cô giáo thọ của Làng hướng dẫn giảng dạy. Ngoài ra hàng năm tăng thân cũng có những chuyến hoằng pháp khắp nơi trên thế giới.

 

Phật đường

 

Xóm Hạ được hình thành trước nhất, đó là vào ngày 28.9.1982. Xóm Hạ được đặt tên là chùa Cam Lộ, tên chữ là Mai Hoa Thôn Cam Lộ Tự. Sau khi mua Xóm Hạ được vài tháng chúng tôi mua được Xóm Thượng. Xóm Thượng trở thành chùa Pháp Vân, tên chữ là Thệ Nhật Sơn Pháp Vân Tự. Tới mùa xuân năm 1996 thì Làng Mai mua thêm được xóm Mới, đặt tên chùa Từ Nghiêm, tên chữ là Thiên Ý Thôn Từ Nghiêm Tự. Chùa Pháp Vân là thiền viện của các vị nam xuất gia, chùa Cam Lộ và chùa Từ Nghiêm là thiền viện của các vị nữ xuất gia. Sau đó nhu cầu tu tập của thiền sinh ngày càng đông, có khóa tu lên tới hàng ngàn người nên Chùa Pháp Vân có thêm Xóm Trung, Xóm Đoài, Sơn Hạ. Còn chùa Từ Nghiêm có thêm : Xóm Đầu Thôn, Xóm Lưng Đồi, và Xóm Giếng Thơm. Ngoài ra Chùa Từ Nghiêm còn có đồi Dương Xuân và suối Dương Xuân, đây là một niềm vui lớn cho các vị thường trú.

Ngoài nước Pháp, Làng Mai còn có nhiều trung tâm như : Tu viện Lộc Uyển, Tu viện Bích Nham, Tu viện Mộc Lan tại Mỹ; Tu viện Vườn Ươm tại Thái Lan, Chùa Tổ Từ Hiếu – Ni xá Diệu Trạm tại Việt Nam, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu tại Đức, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á tại Hồng Kông, Tu viện Nhập Lưu và Tu viện Sơn Tuyền tại Úc.

 

Xem thêm:

Các tu viện Làng Mai quốc tế

 

Rong chơi ngày nắng đầy

Sư em thương,

Chị xa Làng đã hai năm rồi, mau quá! Bao nhiêu chuyện đã xảy ra cho cả thế giới và cả đại chúng, cho chị và cho em. Đôi khi trong những giấc mơ hoặc khi ngồi kể chuyện cho nhau nghe, bao nhiêu kỉ niệm trong chị lại trở về. Chị em mình mà, rất dễ bị cuốn đi bởi những câu chuyện. Chuyện này nối tiếp chuyện kia thành những giai thoại trong đó có Thầy, có huynh đệ và có những ngày vui.

Những con đường thiền hành

Xa Làng, chị thường nhớ và thường mơ về những lối mòn mình đã đi. Đi quá nhiều lần và dần dần nó trở thành những lối mòn cả trong tâm thức. Những lối nào chị đi với ý thức sâu sắc thì nó “mòn” hơn, ăn sâu hơn và khi nghĩ về chị có cảm giác thân thương hơn. Đó là những con đường mình thường đi qua trong ngày, nhất là những con đường thiền hành.

Những con đường thiền hành của ba xóm ở Làng sao đẹp quá! Không biết bao nhiêu lần bước đi trên những con đường đó mà sao lần nào chị cũng thấy đẹp. Con đường quanh hồ sen hình trăng khuyết hay con đường nằm giữa những hàng mận hướng lên ngọn đồi của xóm Mới. Con đường xuyên qua Thánh đường Bạch Dương, dẫn vào cánh rừng nơi có hồ nước của xóm Hạ. Con đường đi xuống dốc, qua rừng sồi xuống đồi Bụt của xóm Thượng, và không thể không kể tới con đường thông huyền thoại mà Thầy thường nhắc đến. Còn nhiều con đường nữa, đẹp lắm! Đẹp trong khi mình dạo chơi một mình ở xóm, càng đẹp hơn khi chị em mình cùng được thiền hành với tăng thân. Hình ảnh đại chúng lặng lẽ, bình yên đi với nhau thật sống động, thân thương. Những ngày sắp rời Làng, mỗi lần thiền hành trên những nẻo đường ấy, chị đều có ý thức rất rõ. Chị đi cẩn trọng, gởi lòng biết ơn của mình đến con đường. Đôi lúc chị chạm vào một gốc mận hay một gốc thông để cảm nhận cũng như gửi một lời chào.

 

 

Rồi trên chặng đường tiếp theo, sẽ có những lối mòn thân thương mới, nơi ta có những trải nghiệm mới, nơi sẽ mãi ở lại trong lòng ta.

Phật đường

Xóm Mới có một nơi linh thiêng mà chị rất nhớ, đó là Phật đường. Mình thường gọi là thiền đường tím vì thảm trải nền có màu tím, màu đặc trưng của xóm Mới do Thầy chọn. Màu tím tượng trưng cho quốc độ của đức Bồ tát Quán Thế Âm. Ngày chị tới Làng, việc đầu tiên là tới lạy Bụt ở Phật đường. Bước vào, phát hiện ra nền nhà được lót bằng thảm màu tím, tím đậm đấy. Khoảng chính giữa có tượng Bụt màu hồng nhạt ngồi trong vòm đá thật tự nhiên, đẹp và bình yên. Thầy có viết hai câu đối cho Phật đường mà khi đọc lên sẽ cảm nhận được liền nơi mình đang đứng:

Trên đài sen trắng Như Lai hiện
Giữa rừng tre tím Quán Âm ngồi

Bước vào Phật đường, chị luôn có cảm giác mình được trang nghiêm và là chính mình. Cách bố trí trong Phật đường lúc nào cũng ngăn nắp và đẹp. Chị thích những bức tranh vẽ hoa mai, những bức thư pháp và thích cả chùm đèn tròn ngay chính giữa nữa. Phật đường trang nghiêm, lại trải thảm nên mọi người được nhắc nhở kỹ là không được ăn uống, không làm ồn,… để giữ nơi đó được sạch và yên.

Hồi trước, có một bộ xương người bằng plastic được đặt ở góc Phật đường để đại chúng quán chiếu. Có lần nó cũng được dùng làm ví dụ thế ngồi thiền cho đại chúng thấy rõ. Mỗi lần đi thực tập lạy sám pháp địa xúc một mình mà thấy bộ xương đó hoặc khi lạy xuống mà biết nó đứng đằng sau thì: Ôi sao mà sợ thế! Sau này, khi bộ xương bị hư hỏng, xộc xệch, chân một đường, tay một nẻo, rớt tùm lum thì mình đã “tiễn nó lên đường”.

Ngày xóm Mới bị lụt, nước tràn vào cả Phật đường làm ướt tấm thảm, không thể cứu chữa được nên mình phải buông bỏ. Gắn bó biết bao nhiêu năm trời nên ai cũng tiếc và nhớ tấm thảm tím đó. May sao mình đã tìm được tấm thảm nhựa màu tím khác để lót sàn nhà nên màu đặc trưng của Phật đường vẫn được giữ lại.

Chị thích nhất là hình ảnh mọi người thực tập ở Phật đường. Lâu lâu có công việc, không đi công phu với đại chúng được, khi đi ngang qua nhìn vào thấy đại chúng đang ngồi tụng kinh trong đó, đẹp và hùng hậu quá, ai mà không được đánh động. Sáng sớm và sau giờ ngồi thiền tối, các sư chị, sư em thường vào Phật đường để thực tập cá nhân. Hình ảnh đó đẹp lắm! Đôi khi chị không phải là người đang ngồi đó tâm tình với Bụt, lạy xuống tiếp xúc với đất Mẹ hay kinh hành thong thả, nhưng đứng nhìn thôi chị cũng được hưởng lây năng lượng của sự bình an. Tự nhiên lòng chị cũng có sự buông bỏ và hạnh phúc.

Sơn Cốc

Nhà của Thầy. Tự nhiên thôi, Sơn Cốc trở nên thiêng liêng. Đó là nơi dành riêng cho chúng xuất sĩ và khi đến đấy, lúc nào mình cũng cảm thấy ấm cúng.

Ai cũng thích mùa An cư kiết đông để mỗi tuần đều có ngày xuất sĩ ở Sơn Cốc. Những năm trước đó đại chúng còn vắng người lắm, ngồi lọt gọn trong thiền đường nhỏ trên lầu. Thầy thường ví thiền đường đó như bụng của hoàng hậu Maya, có bao nhiêu người cũng chứa hết. Ngày xuất sĩ, ai vào thiền đường trước thì được… ngồi sau, ai tới sau thì bị ngồi lên đằng trước, ngồi thật sít sao mới đủ chỗ. Ngày nào Thầy cũng nhắc nhở: Đi vào trong, đừng ngồi chận đường. Trong thiền đường có mấy cái cửa sổ nhỏ xíu, thường thì có mở hé hé để cho có không khí. Ai ngồi gần đó thì bị lạnh, còn lại mọi người trong thiền đường đều nóng đỏ mặt. Trong thiền đường có hệ thống sưởi, tối hôm trước Thầy đã bật lên để sưởi ấm sẵn cho các sư con ngày mai đến.

Sau đó vài năm đại chúng đông hơn nên phải chuyển xuống ngồi ở hai phòng phía dưới. Thầy ngồi ở phòng trong nên ở ngoài phải có một máy chiếu mới thấy Thầy. Nhiều khi anh chị em bận bàn tán khi Thầy hỏi về đề tài nào đó sôi nổi quá mà quên im lặng để nghe tiếp nên lâu lâu Thầy hỏi: nhóm “nhà lá” ngoài đó có nghe không?

Những bài pháp thoại ngày xuất sĩ thường rất gần gũi và thực tế với những gì đang diễn ra trong chúng. Ai cũng ngồi nghe chăm chú và có cảm giác là Thầy đang dạy riêng cho mình. Có những vấn đề trong chúng được nêu lên để Thầy chia sẻ tuệ giác của Thầy trong cách giải quyết các vấn đề đó. Mọi người thường hỏi nhau: làm sao mà Thầy biết vậy?

Sơn Cốc nhỏ nhưng cũng đủ chỗ cho Thầy dẫn đại chúng thiền hành một vòng quanh vườn, đi men theo suối Phương Khê đến hàng bạch dương và vòng về hướng có ba cây thông. Những ngày này Thầy trò thường ngồi quanh bếp lửa ngoài trời, quý thầy lúc nào cũng mang theo đàn và hát những bài thiền ca. Thầy thích ngồi chơi nghe các sư con hát, nhìn cảnh các sư con chơi với nhau rộn rã tiếng cười. Các chị em nhỏ tụi mình hồi đó ít ngồi chơi ở bếp lửa mà núp lui núp tới gần bụi tre, thưởng thức mấy món bữa lỡ, hoặc chạy nhảy chơi trò chơi.

Giờ cơm trưa là vui nhất. Hàng khất thực dài thật dài vì chỉ có hai bàn thôi, đại chúng nếu ai không có công việc gì thì đều tranh thủ đứng xếp hàng trước. Tới đúng giờ ăn là mọi người đều hàng lối ngay ngắn, không thể rời hàng vì sẽ mất chỗ ngay. Nếu đội nấu ăn đem cơm tới, nhờ người đi thỉnh chuông thì ai cũng nhường nhau, không ai chịu đi mới khổ chứ! Bao nhiêu là câu chuyện vui xoay quanh bàn khất thực ở Sơn Cốc. Có những ngày mưa không có đủ chỗ ngồi ăn, đại chúng khất thực và ngồi ăn trong nhà thì ôi thôi là chật chội. Vậy mà ai cũng hạnh phúc và hứng thú với những ngày xuất sĩ mới hay chứ.

Trong những khóa tu lớn, tới Sơn Cốc là dịp thầy trò có mặt cho nhau, sạc lại năng lượng và thắp lại ý thức mình là một người may mắn đang có nhiều cơ hội để thực tập và giúp người. Thầy luôn có đó như một người cha, quan tâm tới từng đứa con, không ai là không nhận được. Chị, em và các anh chị em khác đều mang theo trong mình tình thương ấy tới giờ đó thôi.

Thiền đường “Tình Thầy”

Dãy nhà đó đã có mặt từ khi Thầy có Sơn Cốc. Trong bức hình chụp Sơn Cốc từ những ngày đầu mà Thầy treo ở thư viện, mình đã thấy khu vực phía sau đó rồi. Thế nhưng nó bị hư hỏng nặng và không dùng được nên không ai quan tâm làm gì. Vậy mà không hiểu sao Thầy lại muốn sửa lại. Sau vài lần bảo thị giả đẩy xe vào tự mình xem xét, Thầy bắt đầu ra dấu gọi các thị giả ra dọn dẹp khu nhà bỏ hoang đó. Đầu tiên là hai thị giả theo hầu, sau đó gọi thêm nhóm thị giả còn lại và tiếp theo là cả đại chúng tham gia dọn dẹp. Thầy mời thầy Pháp Dung thiết kế bản vẽ. Thầy là người ra ý, đốc thúc, giám sát công trình. Những ngày thợ bắt đầu tới làm hầu như ngày nào Thầy cũng ra thăm và rất hứng khởi với dự án đó.

Công trình chưa hoàn tất thì Thầy đi Thái rồi về Việt Nam. Thầy là người khởi xướng còn việc thi công và hoàn tất là của các sư con. Cuối cùng thiền đường mới cũng được “khánh thành”, nhìn rất đơn sơ mà ấm cúng. Ở Từ Hiếu, ban thị giả nhận được những hình ảnh sinh hoạt của đại chúng trong thiền đường mới và đã chiếu lên cho Thầy xem. Bây giờ chị mới hiểu tại sao Thầy muốn làm công trình đó. Còn gì hơn là để cho các sư con của Thầy có một nơi thực tập ấm áp và có mặt cho nhau. Chị nghĩ, “Tình Thầy” là từ thật thích hợp để đặt tên cho thiền đường. Ngồi trong đó chắc hẳn ai cũng nghĩ đến và cảm nhận được tình Thầy.

 

Ngày popcorn (bắp nổ)

Nói đến Sơn Cốc và Thầy là chị nhớ đến có một ngày đáng nhớ, một ngày rất đặc biệt: Ngày popcorn.

Đó là thời gian Thầy mới bệnh. Suốt một thời gian đại chúng không được gặp Thầy vì Thầy ở Sơn Cốc để tĩnh dưỡng. Đại chúng nhớ Thầy và Thầy cũng nghĩ tới đại chúng, Thầy muốn đại chúng đừng lo lắng cho Thầy quá. Trước đó, Thầy đã muốn có một ngày xuất sĩ để đại chúng được lên Sơn Cốc gặp Thầy cho an tâm, cũng sẵn dịp đó Thầy muốn được nghe đại chúng tụng bài Tâm kinh tuệ giác qua bờ bằng tiếng Anh mà thầy Pháp Linh mới làm nhạc.

Để chuẩn bị cho ngày gặp đại chúng, Thầy đã sắp xếp rất kĩ càng. Không biết Thầy nghĩ gì mà một ngày nọ Thầy đề nghị mua cho Thầy một cái máy làm popcorn. Sư cô Chân Không và anh chị em thị giả nghe Thầy nói vậy ai cũng ngạc nhiên. Mọi người chưa tưởng tượng ra tu viện có một cái máy làm popcorn thì như thế nào. Cái máy đó chắc khó kiếm lắm, mà cũng không biết mua làm gì, để ở đâu? Thầy nói: mua cho Thầy đi, Thầy trả tiền, Thầy có tiền bán thư pháp. Nghe cũng đủ biết Thầy rất thích ý tưởng đó nên sư cô Định Nghiêm tìm trên mạng và mua được một cái máy để làm popcorn thật. Cái máy màu đỏ, không lớn lắm, có bánh xe để kéo.

Ngày máy được chuyển về, Thầy trò háo hức mở ra xem. Khi lắp ráp mới phát hiện ra do vận chuyển nên một miếng kính bị bể, thị giả dùng bao ni lông che tạm. Có được cái máy rồi, Thầy dạy: Bây giờ phải lên mạng học cách làm popcorn. Thầy Pháp Hữu, sư cô Nho Nghiêm, thầy Pháp Áo, thầy Pháp Nguyện và chị là ban thử máy, nổ bắp. Khách hàng là Thầy, sư cô Chân Không và sư cô Định Nghiêm. Thật hồi hộp với giây phút bỏ dầu ăn và bắp vào máy để thử và chờ đợi. Rồi bắp nổ trào ra khỏi cái nồi nhỏ ở trong máy, chao ôi là vui. Thầy thì cười tươi, quý sư cô thì hoan hô còn tụi chị cứ gọi là nhảy tưng lên. Thầy được mời chén bắp nổ đầu tiên và anh chị em cũng hào hứng thử. Thầy còn đề nghị nghiên cứu để vào ít muối và caramel cho bắp có vị nữa. Thế là thị giả lại tất bật nổ hết mẻ này tới mẻ khác để canh đo liều lượng và thời gian cho đúng. Những ngày đó anh chị em tha hồ ăn bắp nổ, còn gởi về cho xóm Mới ăn giùm.

Vài ngày sau, Thầy viết thư mời đại chúng đến dự ngày xuất sĩ và ăn popcorn. Những ngày đó, ngày nào Thầy cũng nhắc thị giả phải lấy máy ra tập luyện cho thật nhuần nhuyễn để trình diễn trước đại chúng.

Trước ngày hẹn vài ngày Thầy phải đi kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện. Khi các bác sĩ đề nghị Thầy ở lại thêm, Thầy nói: Không được, Thầy đã có hẹn ngày popcorn với các sư con rồi. Vậy là cả ban thị giả phải năn nỉ Thầy ở lại và liên lạc với đại chúng hoãn lại vài ngày để Thầy an tâm chăm sóc sức khỏe.

Rồi ngày đại chúng tập trung cũng tới. Ai cũng hào hứng. Từ trưa anh chị em thị giả đã chuẩn bị sẵn sàng nào là máy nổ bắp, bếp để thắng đường làm caramel, một ít muối và thùng để đựng khi ra sản phẩm. Ai cũng lo là đại chúng đông, làm không kịp. Còn Thầy thì chuẩn bị xuất hiện sao cho đẹp và Thầy cũng sắp xếp để lúc nào mình đem xe popcorn ra cho ấn tượng. Có cả một chương trình hẳn hoi, công nhận Thầy kỹ thật!

Chị cứ nhớ các thị giả nổ bắp ở trong phòng nghỉ phía sau, chỗ nhìn ra ba cây thông của Thầy (Thầy thường gọi đó là ba sư anh của các con). Đại chúng thì tập trung tụng bài Tâm kinh tuệ giác qua bờ, nghe hùng và hay lắm. Rồi thầy Pháp Áo đẩy xe chở Thầy ra ngồi ngắm đại chúng tụng kinh. Nhìn từ trong ra có thể thấy một số quý thầy, quý sư cô không tụng kinh được, chỉ đứng nhìn, một số đứng núp đằng sau… khóc.

Sau khi giới thiệu, Thầy ra dấu gọi đem xe popcorn tới và nổ cho đại chúng xem. Mọi người cùng được ăn popcorn. Đó là quà của Thầy và công thực hiện của ban thị giả. Thầy rất hạnh phúc được thấy đại chúng và đại chúng cũng hạnh phúc, cảm động được thấy Thầy. Popcorn ngon hay không ngon không quan trọng mà cái quý là ai cũng nhận được tình Thầy. Sau này cái máy được chuyển về xóm Mới, lâu lâu chị em lại mang ra nổ bắp chung ăn cho vui và ai cũng nhớ lại kỉ niệm ngày ấy.

Chuyện cũ thì kể bao giờ mà hết được em ha! Bây giờ chắc chắn Làng đã và đang thay đổi nhiều rồi. Khi chị rời xóm Mới, mấy khu nhà đang được sửa chữa, khi nào có dịp về lại chắc chị sẽ nhận không ra đó chứ. Nói vậy thôi, có thay đổi bao nhiêu đi nữa thì Làng vẫn nằm ở miền quê xinh đẹp đó, nơi yên bình, tách xa sự nhộn nhịp, vẫn với sự đơn giản trong không khí sinh hoạt đầm ấm, vui tươi.

 

 

Những ngày ở chùa Tổ, chị và các anh chị em thị giả thường kể chuyện cho nhau nghe bao nhiêu chuyện của Thầy, của Làng, của các trung tâm. Cốc Thầy yên bình mà cũng đầy ắp tiếng nói, tiếng cười. Chị em mình còn có Thầy, được về trong lòng tăng thân, có những tháng ngày để rong chơi. Mình còn trông chờ gì hơn? Chúc sư em tận hưởng những ngày vui, cười với những khó khăn đang có và là sự tiếp nối đẹp của Thầy, của Làng. Chị cũng chỉ làm chừng đó thôi.

Thương nhiều.

Sư cô Chân Thao Nghiêm

 

 

Làng Mai: Hành trình 40 năm

Nghe pháp thoại

Nếu bạn muốn học hỏi thêm Phật pháp và về những pháp môn tu tập để có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày, xin mời bạn vào Thiền đường để nghe pháp thoại. Xin đề nghị bạn đừng nằm trong khi đang nghe pháp. Bạn có thể đem theo một cái tọa cụ, gối ngồi nghe pháp thoại, hoặc gấp một chiếc chăn lại làm tám để thay tọa cụ. Tọa cụ kê dưới mông, và bạn ngồi xếp bằng theo kiểu bán già hoặc toàn già, hai đầu gối kê và chúc xuống nền pháp đường. Giữ cho lưng thật  thẳng, đầu thật thẳng nhưng không cứng. Buông thư tất cả các cơ bắp trong châu thân, chỉ nắm lấy hơi thở. Như vậy bạn có thể ngồi từ nửa giờ tới bốn mươi lăm phút mà không thấy mỏi. Ngồi thiền hay ngồi nghe pháp thoại cũng ngồi theo kiểu ấy. Bán già hay kiết già đều là kiểu ngồi hoa sen. Kiết già (hay toàn già) là để bàn chân phải trên bắp chân trái, và bắp chân trái lên  bắp chân phải. Bán già là hoặc để chân trái lên chân phải hoặc chân phải lên chân trái. Trong trường hợp chưa quen, bạn có thể ngồi theo kiểu nào cũng được miễn là lưng cho thẳng và đầu cùng một đường thẳng với lưng.

Nghe pháp là một phép thực tập rất dễ chịu. Những bài pháp thoại gieo trồng trong tâm thức do những hạt giống của hiểu biết, của thương yêu làm lớn lên khả năng chấp nhận, tha thứ và buông bỏ trong ta, để ta cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng và ta biết cách hành xử như thế nào để chuyển hóa tình trạng trong thân tâm cũng như trong hoàn cảnh. Phần lớn những bài pháp thoại mà bạn được nghe trong pháp đường đều ít có tính cách lý thuyết, giàu tính thực tập và cung cấp cho chúng ta những cái thấy cũng như những phương thức hành trì mà ta có thể thực hiện được. Nghe pháp thoại đều đều như thế trong thời gian ba, bốn tháng, vốn liếng Phật pháp của bạn sẽ giàu có một cách đáng kể và bạn có thể đóng góp một cách thực tế và hữu hiệu trong những buổi pháp đàm. Có những khóa học kéo dài trong ba tháng hoặc chín tháng và bạn có thể theo dõi các bài pháp thoại ấy cho hết khóa, và từ khóa này sang khóa khác, ba năm sau kiến thức Phật học cũng như khả năng hành trì của bạn sẽ tăng tiến rất nhiều. Chúng tôi đề nghị bạn theo học những khóa như Trái Tim Của Bụt, Công Phu Nở Đóa Sen Ngàn Cánh, Kinh Tam Di Đề, Con Đường Của Bụt, Các Định Đề Giáo Lý Làng Mai, Truyền Thống Sinh Động Của Thiền Tập Đạo Bụt.

Lời ngỏ trang nhà

Chào mừng khách quý và thân hữu của trang nhà Làng Mai.

Xin chào mừng quý vị đã tới với Trang Nhà chúng tôi. Trang Nhà Làng Mai là một nơi chúng ta đến để viếng thăm, tu tập và học hỏi. Chúng tôi chúng tôi có Thiền đường để quý vị đi vào ngồi thiền hoặc thực tập buông thư, nghe pháp thoại. Chúng tôi có Phật đường để quý vị đi vào tụng kinh và nghe kinh, chúng tôi có Tàng Kinh Các để quý vị đi vào tham khảo và học hỏi.

Ghé Đài Mây Tím, bạn có dịp ngắm nhìn quang cảnh ngôi chùa trong những sinh hoạt hằng ngày qua những vần thơ nhỏ, những câu văn chân thành, những bức thư trao đổi giữa Thầy và trò cùng những bài thiền ca vang lên trong đời sống tu học.

Nếu bạn có nỗi niềm thắc mắc xin mời bạn vào Tham Vấn Đường. Ở đây có những người trẻ thổ lộ tâm tình, đặt những câu hỏi và được một thầy hay một sư cô trả lời. Có thể bạn đang có một câu hỏi tương tự như thế và câu trả lời kia có thể giúp bạn. Nếu muốn, bạn cũng có thể đặt những câu hỏi gửi tới quý thầy, quý sư cô qua email: thamvan@langmai.org và kỳ sau có thể có câu trả lời chờ bạn sẵn ở Tham Vấn Đường.

Nếu bạn muốn nghe tiếng chuông trầm hùng của Đại Hồng Chung, nghe những bài Kệ Hô Chuông của các thầy và các sư cô, xin mời bạn lên Lầu chuông ở Cổng Tam Quan. Bạn cũng có thể làm như các vị xuất sĩ và cư sĩ Làng Mai và hàng ngàn các thân hữu của các vị ấy trên thế giới là đem tiếng chuông chánh niệm đặt vào máy tính của bạn, để mỗi 15 phút, bạn có cơ hội dừng lại để thở, mỉm cười và tiếp xúc được với những nhiệm mầu của cuộc sống trong bạn và chung quanh bạn. Làm như thế bạn tránh được những căng thẳng, mệt mỏi và những đau nhức trong cơ thể, và có cơ hội nuôi dưỡng thân tâm mình.

Chúng tôi mong ước là sau nửa giờ hay một giờ đồng hồ thăm viếng và thực tập quý vị cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng và an lạc hơn. Đó là nguyện ước và cũng là niềm vui của chúng tôi. Chúng tôi mong rằng quý vị đến với Trang Nhà không phải chỉ để tìm nghe tin tức mà chủ yếu là để tu tập với chúng tôi để có thêm nhiều bình an, thảnh thơi, nuôi dưỡng và trị liệu.

Ban biên tập trang nhà Làng Mai là những thầy, những sư cô trẻ được Tăng thân tin tưởng giao cho trách nhiệm chăm sóc Ngôi chùa điện tử. Chúng tôi mong ước cho bạn có thể nếm được niềm vui của thiền duyệt mỗi lần bạn ghé thăm chùa.

Để cho năng lượng tu học của chùa mỗi ngày một lớn mạnh, chúng tôi rất mong nhận được những lá thư chia sẻ về hoa trái của công phu áp dụng những thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày cũng như những góp ý làm sao để quý thầy, quý sư cô có thể giúp bạn hạnh phúc hơn khi về chùa. Bạn có thể gửi thư về cho ban biên tập theo địa chỉ: trangnha@langmai.org.

Thương quý và tin cậy!
Ban biên tập Trang nhà Làng Mai

Thiền đường

Nếu bạn đang bị căng thẳng, xin mời bạn vào Thiền đường để được thực tập ngồi thiền có hướng dẫn. Sẽ có một thầy hay một sư cô hướng dẫn cho bạn thực tập. Và cũng có thể sẽ có Thầy của chúng tôi, thiền sư Nhất Hạnh thỉnh chuông và hướng dẫn cho bạn thực tập. Bạn biết không, trong tạp chí của Oprah Winfrey ở Hoa Kỳ mà hàng trăm ngàn người vào thăm mỗi ngày, Thầy của chúng tôi cũng có mặt để hướng dẫn những bài thiền tập như: “Là hoa tươi mát”, “Là núi vững vàng”, và “Không gian thênh thang”.

Vào thiền đường, bạn cũng cơ hội được thực tập hát thiền ca trước khi được ngồi yên để lắng nghe sâu những bài pháp thoại của Sư Ông Làng Mai hay của quý thầy, quý sư cô giáo thọ của Làng hiện đang tu học tại khắp các tu viện Làng Mai quốc tế. 

Tại Thiền đường bạn cũng có thể thực thiền buông thư. Một thầy hay một sư cô sẽ hướng dẫn cho bạn. Có thể là trong khi thực tập thiền buông thư, bạn có thể ngủ thiếp đi và không tiếp tục nghe được những lời hướng dẫn thực tập nữa. Không sao, miễn bạn khỏe và thư giãn là được rồi. Lần sau bạn sẽ thực tập tiếp. Nếu mỗi ngày mà bạn thực tập được một thời thiền buông thư thì tốt lắm, sẽ phòng ngừa được rất nhiều chứng bệnh gây ra do sự bức xúc và căng thẳng trong đời sống hành ngày.