Bậc thầy đích thực

(Sư cô Chân Thệ Nghiêm)

Kính bạch Thầy, mỗi khi nghĩ về Thầy, tâm thương yêu của Thầy lại đong đầy trong trái tim chúng con. Nhớ ơn Thầy, chúng con xin nguyện gìn giữ những kỷ niệm đã từng có với Thầy trong trái tim thương yêu và rộng mở của chúng con.

Con rất biết ơn khi được làm đệ tử của Thầy, một vị thầy tâm linh đích thực. Người đã hướng dẫn chúng con trên con đường tâm linh, là hiện thân của hiểu biết, thương yêu, và truyền cảm hứng cho đệ tử qua cách sống của chính mình.

Năm 21 tuổi, con được ba con giới thiệu quyển sách Being Peace (Muốn an được an) của Thầy. Một thế giới mới như đang mở ra trước mắt con: Ồ, đây đúng là nếp sống an lành và từ bi. Con thấy một vị thầy đang chia sẻ rất chân thực, đầy bình an, niềm vui và tuệ giác. Lời Thầy thổi sức sống vào trái tim con, hướng đôi mắt con về con đường tâm linh. Nhờ Thầy, con đã được thức tỉnh và tìm đến nếp sống xuất gia.

Hiện thân của hiểu biết và thương yêu

Làm đệ tử của Thầy, con có cơ hội để trực tiếp cảm nghiệm sự hiểu biết và lòng từ bi của Thầy. Trong những năm đầu con ở Làng Mai, nhiều anh chị em chúng con may mắn được luân phiên nhau làm thị giả cho Thầy. Dù chúng con mỗi người có khả năng và tài năng khác nhau, Thầy vẫn luôn tìm cách để hiểu từng người và hướng dẫn thêm cho chúng con.

Trong những năm đầu xuất gia, con chật vật ghê lắm trong chuyện buông bỏ những thói quen riêng và tập thích nghi với đời sống tăng thân. Bởi vậy đến phiên làm thị giả cho Thầy, con hay căng thẳng mỗi khi Thầy có mặt. Mà Thầy thì luôn có mặt trọn vẹn và là tâm điểm chú ý của đại chúng trong mọi thời khóa. Khổ nỗi, trong thời sadi, con thường không cảm thấy thoải mái và tìm mọi cách để tránh những nơi tâm điểm đó.

Ấy vậy, Thầy luôn làm chủ được những hoàn cảnh tưởng chừng như căng thẳng ấy với sự khoan thai, đầy ung dung tự tại. Lấy đi sự ngăn cách giữa mình và mọi người, Thầy hiến tặng sự nhẹ nhàng ấy cho những người xung quanh. Đó chính là những lúc con tiếp xúc được lòng từ bi nơi Thầy. Thầy không bị chi phối bởi các tâm hành mặc cảm, hay những cảm xúc lên xuống khổ sở, nhưng Thầy cảm thông được với những ai rơi vào tình trạng đó. Đồng thời, Thầy hiểu cho tâm trạng của một người khá nhạy cảm và cần sự tế nhị.

Có một lần, con làm thị giả lái xe đưa Thầy từ xóm Mới về xóm Hạ. Trước đó, con có học cách lái xe tay số trên đường làng của Pháp, nhưng con thấy mình chưa thực sự vững lắm. Sáng hôm ấy, hai thầy trò đi khá êm đềm và suôn sẻ… cho tới khi xe chạy đến ngã tư. Chiếc xe tự nhiên giật mạnh rồi dừng lại đột ngột vì chết máy. Con nhìn xuống chiếc cần gạt, đỏ bừng mặt vì nghĩ mình đã làm gì sai rồi.

Nhanh như chớp, nhưng vẫn điềm tĩnh và nhẹ nhàng, Thầy chỉ tay ra ngoài cửa xe, vui vẻ ngắm cảnh gì đó ở đằng xa để giúp con bớt mặc cảm trách móc bản thân. Lúc đó, con vừa quê vì thấy mình làm lỗi, mà cũng vừa ý thức là Thầy đang giúp mình “thay chốt”, nên con chỉ biết im lặng. Tuy vậy, trong con đã ghi tạc lòng từ bi của Thầy. Bạch Thầy kính thương, cảm ơn Thầy đã từ bi với con.

Con còn một kỷ niệm khác với Thầy. Có một ngày, con làm thị giả cho Thầy ở thiền đường Cam Lộ, xóm Hạ. Trong khi Thầy và đại chúng đã an tọa, chuẩn bị cho buổi cơm quá đường rồi, con vẫn còn đứng ở lối đi chính giữa thiền đường. Đang loay hoay tìm cách làm sao để đến chỗ ngồi dành cho thị giả, con bỗng thấy một chỗ trống sát tọa cụ của Thầy. Thở phào nhẹ nhõm, con tìm lối đi tắt để tới chỗ đó, mà hoàn toàn không ý thức đó là một bước hết sức dại dột: lối đi đó băng ngang mâm cơm và bình bát dành cho Thầy. Thời điểm đó, sự thực tập của con còn non nớt lắm. Con nào biết bước qua đồ đạc của thầy mình là một sự thất lễ, huống hồ đây lại là mâm cơm của Thầy.

Ngay khi vừa dợm bước, con bắt gặp ánh mắt sắc bén và nghiêm nghị của Thầy ngước nhìn lên. Con lập tức bị đóng băng. Khi nhận ra người hậu đậu ấy là con, ánh mắt ấy ngay lập tức dịu lại. Với một cái gật đầu như để khẳng định, Thầy nhẹ nhàng nói: “À, đi đi con!”

Lại một lần nữa, cũng như bao lần khác, Thầy đã thông cảm cho sự vụng dại của con và xử lý tình huống thật từ ái. Hôm ấy, lẽ đương nhiên con đã học được một bài học về uy nghi rồi. Nhưng bài học lớn hơn mà Thầy đã dạy là tấm lòng độ lượng, bao dung vốn phát sinh từ tâm hiểu biết. Tấm lòng ấy luôn khiến con cảm động mỗi khi nhớ về Thầy. Đó cũng là điều mà con rất muốn tiếp nối Thầy và nuôi lớn trong sự thực tập của riêng con.

Hướng dẫn học trò một cách khéo léo

Thời còn là sadi, việc chuyển từ môi trường gia đình nhỏ sang sống ở môi trường cộng đồng như xóm Hạ quả là đầy thử thách đối với con. Con từng có bao nhiêu thắc mắc và băn khoăn xoay quanh chuyện “thế nào là nương tựa Tăng thân”, vì Thầy đặc biệt nhấn mạnh vào sự thực tập này. Con không thể nào hiểu được làm sao có thể nương tựa vào cái mà ta không thể định hình được và dường như không toàn hảo.

Một ngày nọ ở xóm Hạ, con thao thức quá chịu không nổi nên hỏi Thầy, với đôi mày nhíu lại đầy khẩn khoản: “Bạch Thầy, Thầy dạy chúng con về tầm quan trọng của Tăng thân, nhưng con thực sự không hiểu. Xin Thầy cho con hỏi: Tăng thân là gì?”

Thầy yên lặng nhìn con một lúc, rồi nhẹ nhàng trả lời: “Như trong bài hát đó con: Năm uẩn là Tăng … phối hợp tinh cần”. Ô hay! Cái câu này con nghe đi nghe lại, hát tới hát lui nhiều lần rồi. Nhưng lần này lại khác. Lời của Thầy như một luồng sáng, soi thấu vào sự hoang mang trong con. Giây phút ấy, con chợt nhận ra được mình và tiếp xúc được với thực tại dưới chân mình.

Ngẫm lại cuộc đối thoại giữa hai thầy trò, con nhận thấy Thầy có thể có rất nhiều cách để trả lời con. Vậy mà, Thầy đã chọn cách vượt thắng lối suy nghĩ theo trí năng và điều phục cái tâm đang còn nhiều lăng xăng của con. Câu trả lời của Thầy chạm tới những kinh nghiệm sống của con trước đây và giúp con có khả năng tiếp nhận ngay thời điểm đó.

Vậy là, Thầy đã phá tan chướng ngại và mở ra cánh cửa cho con có cơ hội lớn lên bằng kinh nghiệm trực tiếp của chính mình. Đã bao nhiêu năm rồi, lời dạy của Thầy vẫn tiếp tục là công án quý giá cho con quán chiếu. Từ nhiều góc độ khác nhau về thời gian và kinh nghiệm, con thường trở về với lời Thầy dạy để một lần nữa nhìn sâu vào cách hiểu và sự thực tập của mình.

Người làm vườn tận tụy

Thầy thường được ví như một bậc thầy về làm vườn. Thầy khéo léo vun xới, làm cho vườn ươm tăng thân ngày càng đa dạng và lớn rộng bằng sự nuôi dưỡng và khích lệ của mình. Người kiên trì chăm sóc từng chồi non trong sự thực tập của chúng con. Thậm chí ở mức căn bản hơn, Thầy chăm sóc cẩn thận hạt giống niềm tin đôi khi còn ngủ vùi trong chúng con, để rồi giúp chúng con đánh thức niềm tin vào khả năng tỉnh thức hay tính Bụt trong chính mình.

Với sự hiểu biết và niềm tin cậy, Thầy đã tưới tẩm hạt giống đức tin nơi con. Nhờ đó, con mới có thể khám phá ra tính lành thiện trong mình và xung quanh mình.

Một ngày nọ, trong không gian yên lắng ở Sơn Cốc, Thầy đem đến cho con một chậu hoa còn đang hé nụ. Thầy trò ngồi yên ngắm chậu hoa, rồi Thầy nói: “Con thấy không, con người mình cũng như bông hoa này đây. Hễ đúng thời điểm, và khi hoa đã sẵn sàng, các cánh hoa sẽ tự khắc bung ra thôi, con ạ”. Trong giây phút ấy, con cảm được sự cảm thông và chấp nhận của Thầy cho người học trò còn nhiều dè dặt, lúng túng và thiếu tự tin như con. Đồng thời con cũng cảm nhận Thầy như khéo léo động viên con: hãy cho phép bông hoa trong con được tự nhiên hé nở.

Mở thêm rộng lớn con đường

Đúng như hạnh nguyện của Bồ tát, Thầy luôn khuyến khích chúng con mở rộng đường tu và phụng sự. Đôi khi, điều này đòi hỏi chúng con phải vượt lên trên những tiện nghi, thách thức và mối quan tâm hiện tại của riêng mình để tăng thân có thể phát triển, để vòng tay của tăng thân có thể nới rộng thêm ra. Nhiều lần, Thầy đã thách thức chúng con mở rộng con tim, cởi mở tấm lòng để có thể hòa nhập và sánh kịp với tầm nhìn rất sâu rộng của Người.

Vào tháng Năm năm 2007, tăng thân nhỏ tại tu viện Thanh Sơn và tu viện Rừng Phong ở Vermont cuối cùng đã đóng cửa. Mùa hè năm ấy, sau nhiều tháng chuẩn bị và đóng thùng đồ đạc, đại chúng quyết định chuyển về “nhà mới” ở ngoại ô New York: Tu viện Bích Nham.

Như một đàn kiến ​​tập hợp lại sau khi bị lìa đàn, anh chị em chúng con bắt đầu tiến hành công việc chuyển đổi khách sạn và khu nghỉ dưỡng mùa hè trước đây thành một tu viện hoạt động quanh năm. Công việc chậm đã đành mà còn có phần thiếu tổ chức. Vào đầu mùa thu, công việc có tiến triển chút đỉnh, nhưng dường như không nhiều.

Tăng thân của Bích Nham thời đó giống một đoàn tàu nhỏ đang leo dốc. Đại chúng cố gắng nghĩ chuyện thực tế, nên thỉnh cầu Thầy cho phép tạm dừng việc tổ chức khóa tu lớn đầu tiên trong mùa tới. Nhiều lý do được đưa ra: nào là thời điểm hãy còn quá sớm, mình chưa chuyển thành tu viện kịp, đại chúng chưa chuẩn bị để sẵn sàng nhận thiền sinh… Thầy trả lời: “Tăng thân làm được”. Chúng con đưa thêm lý do: các dãy nhà chính vẫn cần được tu sửa. Thiền đường thậm chí lúc đó đâu đã được xây. Câu trả lời của Thầy: “Đó cũng không là trở ngại”. Kêu gọi sức mạnh và tinh thần tập thể, Thầy dạy đại chúng thuê một cái lều thật lớn thay cho thiền đường lúc đó chưa hiện hữu.

Chúng con lo cho viễn cảnh về một khóa tu mà một nửa các sinh hoạt diễn ra ngoài trời trong thời tiết băng giá của vùng New England sẽ là trở ngại cho thiền sinh. Nhưng có hề hấn chi, ngay sau khi chương trình ghi danh mở ra, người ta đăng ký đầy hết, còn vượt quá sức chứa của tu viện nữa.

Vào giữa tháng Mười, Bích Nham đã thực sự có thể mở cửa để tổ chức khóa tu đầu tiên của mình, trước sự hân hoan của bao nhiêu người. Quả thật, trời lạnh đến nhớ đời, và thưa vâng, khóa tu hóa ra là một trải nghiệm rất đúng thời đúng lúc và cực kỳ xứng đáng cho mọi người, giống như Thầy đã hình dung.

Trong những năm qua, Thầy đã kiên trì truyền đạt, và bảo đảm cho chúng con rằng: Mình vậy là quá đủ rồi (You are more than enough), và dạy phải Mở thêm rộng lớn con đường (Open the path wider). Hai lời nhắc nhở này có tác dụng bảo hộ cho tăng thân, giúp chúng con có thêm niềm tin vào chính mình, đồng thời luôn nhớ mở rộng trái tim và mở rộng vòng tay.

Trông chừng và bảo hộ cho chúng con

Cách đây vài năm, trong chuyến hoằng pháp diễn ra hai năm một lần tại Hoa Kỳ, tăng đoàn đang trên đường đến khóa tu kế tiếp bằng xe buýt. Lúc đó đã vào khuya, và hầu hết mọi người đều đang ngủ. Con tình cờ ngồi phía trước gần Thầy và người lái xe buýt. Thầy quay lại, mỉm cười với con. Thầy nói bằng tiếng Việt: “Mình cần giúp bác tài tỉnh táo đó con”. Nghe vậy, con cũng cố gắng để mắt đến bác tài. Vậy mà cuối cùng, mí mắt con sụp xuống và ngay sau đó con ngủ gật. Một lát sau tỉnh dậy, con ngượng ngùng nhìn sang, bắt gặp một cảnh tượng quen thuộc và dễ chịu: Thầy ngồi đó lưng thật thẳng, rất tỉnh táo, đang hướng mắt về con đường trước mặt. Trong con dâng lên niềm biết ơn, cùng với ý nghĩ: Thầy đang trông chừng và bảo hộ cho chúng con…

Dưới sự bảo hộ của Thầy, chúng con có điều kiện để lớn lên trên con đường tu học. Thầy kiên nhẫn hướng dẫn chúng con tiếp xúc với người thầy trong tự thân, cũng như dạy chúng con chịu trách nhiệm về sự tu học và hạnh phúc của chính mình. Điều đáng nhớ là suốt cuộc đời mình, Thầy đã đặt nền tảng cho chúng con tiếp bước Người với tất cả sự cẩn trọng và đầy tình thương.

Trên thực tế, tăng thân chúng ta đã phát triển thành một khu rừng xanh tươi, màu mỡ, thuận lợi cho sự thực tập khám phá và chuyển hóa tự thân. Ngày nay, tăng thân là chiếc nôi nuôi dưỡng sức sáng tạo và tiềm năng tiếp xúc độ đời. Mong sao, chúng ta tiếp tục bồi đắp những lớp trầm tích màu mỡ để nuôi dưỡng sự tỉnh thức và an lạc của nhiều thế hệ tương lai. Để mai sau, không biết bao nhiêu thế hệ tiếp bước chúng ta vẫn còn vang vọng mãi lời chào từ trái tim: Kính chào Thầy! Kính chào tăng thân Làng Mai!

(Bài viết được dịch từ tiếng Anh)

Tết năm nay vui hơn năm qua

Từ dạo tuyết phủ trắng xóa cả mặt đất những ngày cuối năm, ông mặt trời cứ gọi là biệt tăm biệt tích sau những đám mây mờ xám xịt. Ấy thế mà sáng nay ông chợt xuất hiện làm cho lòng người cũng rộn rã, hân hoan. Nắng ấm áp, dịu dàng. Bầu trời trong xanh, cao ngút ngàn, không một gợn mây. Dường như những áng mây cũng không in nổi dáng hình trước sự vời vợi, bao la của đất trời. Ngước mắt nhìn lên không gian thênh thang ấy, mọi bâng khuâng, muộn phiền cũng biến mất. “Không khí này đúng là không khí của mùa xuân đây”, một sư cô đã thốt lên như vậy. Con mỉm cười: “Theo cách tính 3 ngày tết, 7 ngày xuân của ông bà thì hôm nay – mồng 10 – là ngày xuân cuối cùng rồi”.

 

 

Đây là cái tết thứ tư của con ở Làng và cũng là cái tết ít xuất sĩ nhất từ khi con có mặt. Các anh chị em người thì về thăm nhà, người về dự lễ tiểu tường Sư Ông. Các giới tử cũng chỉ ăn Tết một nửa vì phải bay qua Thái vào mồng 4 Tết để chuẩn bị thân tâm cho việc thọ giới lớn trong Đại Giới Đàn Trừng Quang sắp tới. Do vậy mà trước Tết mọi người bảo nhau rằng chắc Tết năm nay sẽ bớt vui hơn mọi năm. Có thật như vậy chăng?

 Dù ít hay nhiều người, có những cái sẽ không thay đổi. Đại chúng vẫn cùng nhau dựng nêu, gói bánh, câu đối đỏ vẫn được những bàn tay khéo léo dán lên khung cửa, treo trên cành đào, nhánh mai. Lễ đón giao thừa vẫn hào hùng với tiếng chuông, tiếng trống. Giây phút thăm phòng, chúc Tết vẫn rộn rã niềm vui,… Đầu năm, được nói với nhau những lời dễ thương, chúc nhau những câu chúc an lành là một điều hạnh phúc. Lúc nhỏ, khi còn ở nhà, chúc Tết là để được nhận lì xì, còn bây giờ là cơ hội để con tưới thêm những bông hoa đẹp và bày tỏ niềm biết ơn với các anh chị em xuất sĩ. Con trân quý lắm nét đẹp này trong văn hóa ngày Tết.

Ít người cũng có cái hay: cho con cơ hội thấy được rõ ràng hơn sự mầu nhiệm của tăng thân. Tăng thân vận hành như những tế bào trong một cơ thể. Chỗ nào trống thì các tế bào khác tự động di chuyển đến và lấp vào thay thế. Có thể là không làm hay bằng các tế bào cũ nhưng con trân quý sự can đảm và tấm lòng của những vị đó. Con hay chọc các anh chị em con : “Thời thế tạo anh hùng”.

Năm nay, quý thầy cũng ít người, thế là quý sư cô xóm Hạ tự tập tành múa lân. Múa bài bản đến nỗi quý thầy nói rằng năm sau mời quý sư cô lên múa cho xóm Thượng luôn. Để có được hoa trái đẹp cúng dường đại chúng như vậy là cả một quá trình tập luyện, vượt qua những suy nghĩ của bản thân rằng mình không thể hay không muốn. Có khi thành công, có khi thất bại nhưng chỉ cần can đảm chấp nhận đối diện với những thử thách đến với mình, chúng ta sẽ có cơ hội học hỏi để lớn lên và trưởng thành hơn.

 

 

Sống trong tăng thân, không thiếu những thử thách. Chắc con sẽ nhớ mãi đêm nấu bánh chưng, bánh tét năm nay. Mọi năm, không khi nào con thức nấu bánh. Con nghĩ rằng mình không thể thức nổi. Tối đó, vì ham chơi, ham vui nên con thức đến ba giờ sáng. Không biết có phải ngạc nhiên với con mà ông trời bỗng nổi gió thật to. Gió thổi tung mái lều nấu bánh, quạt những chén dĩa bể tan tành. Con và sư em đứng níu giữ những chiếc cột trong lúc các chị em khác tìm cách gia cố lại lều.

Trời rất lạnh, tay con cứng đơ nhưng không than thở vì biết ai cũng đang cố gắng hết sức, làm điều tốt nhất mình có thể. Sư chị con nói mấy năm nấu bánh chưa bao giờ giông bão như hôm nay. Chắc vì thế mà có sự bất đồng ý kiến giữa sư chị và sư em con về cách thức gia cố lại lều. Lúc đó, con thấy rằng thử thách thật sự là hai chị em có giữ được hòa khí, buông được ý của mình xuống hay không. Sự thực tập của tự thân mỗi người đã tạo nên điều mầu nhiệm. Bên này căng thì bên kia chùng xuống, lùi một bước và sau đó chị em vẫn nhìn được nhau, vẫn cười nói với nhau. Điều đó làm con rất vui.

Con cũng học được cách im lặng, bình tĩnh lắng nghe. Nếu mình chưa có kinh nghiệm và đủ sáng suốt, lời nói của mình chỉ làm mọi thứ rối bời thêm. Có những lúc im lặng lại là cách yểm trợ tốt nhất. Con thấy hạnh phúc vì mình có mặt được với sư chị, sư em trong những giây phút khó khăn đó dù chẳng làm được gì nhiều. Tình huynh đệ nào đâu xa xôi, chỉ đơn giản là đồng hành với nhau vậy thôi.   

Năm nay, dù neo người nhưng hội chợ xuân ở xóm Mới vẫn được chuẩn bị đâu vào đấy. Nhờ có quý thầy giúp làm vài món, quý sư cô xóm Hạ thì giúp đón khách, rửa dọn. Giây phút nhìn sư anh, sư chị, sư em đeo tạp dề và hỏi rằng giúp được gì cho con, con thấy ấm lòng. Thầy không còn biểu hiện nữa nhưng tình huynh đệ chính là điều giữ con lại với tăng thân. Tấm lòng rất đẹp của các anh chị em cho con thêm động lực để bước tới.

Sáng nay con thức dậy khi đất trời còn đang ngủ. Con thắp nến, pha đãi mình một bình hồng trà và ngồi ngắm những nụ đào phớt hồng đang dần hé cánh. Con trân quý từng nụ hoa nhưng không nghĩ rằng một bông hoa rơi xuống sẽ làm cho nhành đào biến mất. Tăng thân cũng vậy. Dù người đến, người đi nhưng tăng thân vẫn luôn được nuôi dưỡng bằng tình thương, lòng biết ơn và ngọn lửa bồ đề tâm nơi mỗi anh chị em chúng con.

                                               Hương trà quyện tỏa với hương tâm

                                               Nến ấm trà thơm thấm cõi lòng

                                               Yên bình lặng ngắm nhành đào nở

                                               Hàm tiếu hoa khai đóa ân tình.  

Tết năm nay ít người, giản đơn hơn nhưng niềm vui đong đầy trong con với những trải nghiệm rất mới. 

 

 

(Sư cô Chân Trăng Bồ Đề)

Năm mới tinh khôi

Năm nay, Làng đã đón một cái Tết ấm cúng và sum họp. Rất nhiều vị cư sĩ đã về đón giao thừa, đi thăm phòng, chúc Tết và tham dự buổi bói kiều đầu xuân với quý thầy, quý sư cô. Những niềm vui giản đơn, mộc mạc nhưng không bao giờ là cũ: được cùng nhau nhảy sạp, xem múa lân, ngồi bên nhau uống tách trà, chuyện trò hay ăn một bữa cơm chung. Một cái Tết tròn đầy. Khung cảnh thật tươi vui. Nụ cười của người lớn và các em nhỏ cứ lan tỏa trong không gian như những bông tuyết rơi nhẹ nhàng vào ngày 28, 29 tết. Chắc mọi người sẽ khó quên được món quà mầu nhiệm mà đất trời dành tặng con người những ngày cuối năm.

Màu trắng trong trẻo của tuyết tương phản với lá cờ hội ngũ sắc, với câu đối đỏ trên bàn thờ Bụt là lời nguyện cầu của đất trời cho một năm mới thật mới, tinh khôi, ước mong bình an đến với mọi người, mọi loài. 

Xin gửi đến bạn chút niềm vui nho nhỏ như món quà đầu năm:

Hãy truyền cho nhau cái thấy

(Pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Kính thưa đại chúng,

Hôm nay là ngày 13 tháng 2 năm 2011, chúng ta đang ở tại chùa Từ Nghiêm xóm Mới, Làng Mai, trong mùa an cư kiết đông.

Chúng ta đang ngồi đây, ở một ngôi làng nhỏ của miền Nam nước Pháp. Chúng ta tới đây để làm gì? Ngồi đây chúng ta hãy phóng tâm, lấy con mắt của tâm mà nhìn người đó. Người đó không ở đây, người đó ở xa, có thể ở Á châu, Mỹ châu hay Phi châu. Người đó hiện bây giờ đang làm gì? Người đó là người mà ta thương hay ta ghét? Người đó hiện đang ở đâu và giờ này đang làm gì? Hãy lấy con mắt của tâm thức mà nhìn! Người đó đang thức, đang ngủ hay đang làm gì?

Nếu chúng ta biết ngồi yên và nhìn người đó từ xa, chúng ta có cơ hội thấy người đó rõ hơn. Ta ngồi yên một lúc và nhìn người đó đang lui hui, cắm cúi làm một việc gì ở một góc nào đó. Chỉ cần ngồi và nhìn bằng tâm thức của ta thì chỉ trong năm hay mười phút, ta đã cảm thấy niềm thương trong mình trào lên. Tội nghiệp cho người đó, ngày xưa có lúc ta đã từng giận hờn, trách móc và nói những lời nặng nề với người đó. Bây giờ ngồi đây một mình, ở một vùng rất xa, ta có cơ hội nhìn lại. Và nhờ ở xa cho nên ta thấy rất rõ.

Nhiều khi chúng ta phải đi rất xa mới thấy được cái mà chúng ta muốn thấy. Đôi khi ở sát một bên, chung đụng hàng ngày, trong mỗi giờ mỗi phút nhưng ta không thấy. Đợi cho đến khi ta đi rất xa, xa cách tưởng như không còn có cơ hội gặp lại nhau thì lúc ấy ta mới bắt đầu thấy được người đó và bắt đầu cảm thấy tội nghiệp, tội nghiệp cho người đó và cho chính mình. Vì mình đã không biết hành xử, không biết trân quý.

Đứng từ trên cao nhìn xuống

Ngày xưa khi đọc truyện của Hans Andersen, có một chuyện mà thầy rất thích. Đó là chuyện có hai đứa nhỏ đứng trên sân thượng của một nhà lầu rất cao nhìn xuống. Bên dưới có một đám con nít đang chơi với nhau. Có một con chó vừa mới chết nên bọn trẻ bàn với nhau là sẽ chôn con chó. Sau khi chôn xong, chúng đắp cho con chó một nấm mồ và chơi với nhau rất vui.

Chúng đắp mồ cho con chó đẹp quá mà không cho bọn con nít ở xóm thấy thì uổng, cho nên bọn trẻ mới tổ chức một buổi viếng thăm mồ của con chó. Chúng báo tin cho tất cả trẻ con trong xóm. Đứa nào muốn vào thăm thì phải có vé, nghĩa là phải có một cái nút, nút áo hay nút quần gì cũng được nhưng phải nạp vô. Con nít có nhiều đứa mặc quần treo, nó giật bớt nút bên này, vì còn cái nút bên kia cho nên cái quần không bị tụt xuống. Có đứa thì có năm, sáu cái nút trên áo nên giật bớt một cái cũng không sao. Đứa nào cũng rất muốn vào xem cái mồ của con chó. Thấy những đứa khác vô hết rồi mà mình chưa được vô cho nên dù nút áo hay nút quần thì chúng đều giật ra để làm vé đi vào.

Khi bọn trẻ đều đã vào bên trong để thăm quan mộ của con chó, có một bé gái rất nhỏ và nghèo ở bên ngoài, nó không được vào vì nó không có cái nút nào hết. Áo quần của nó rất tơi tả, vì vậy theo luật thì không được vô. Tất cả bọn con nít đều được vô thăm mộ con chó, còn nó thì phải đứng ở bên ngoài nên nó khóc than, đau khổ. Nó khóc như mưa như gió. Nó là đứa con nít duy nhất trong xóm không được đi vào vì không có cái nút.

Đứng từ trên sân thượng của tòa nhà là hai anh em, chúng thấy tất cả những gì xảy ra từ đầu đến cuối. Đứa em nói: Đứng từ trên cao nhìn xuống, mình thấy nỗi khổ niềm đau đó đâu có lớn lao gì, không có cái nút đi vào mà khóc như mưa như gió. Nỗi khổ niềm đau đó đâu có đáng gì đâu! Vậy mà đứa trẻ ở phía dưới đâu hề biết. Đứng từ trên cao nhìn xuống, mình có cái thấy rất khác về khổ đau của chính mình cũng như của người khác. Thầy không nhớ từng câu từng chữ, nhưng ý là như vậy. Truyện đó rất hay, chỉ khoảng một trang hay một trang rưỡi thôi mà thầy nhớ hoài.

Trên đường lên nguyệt cầu

Lần đầu tiên loài người tổ chức một chuyến đi rất xa, đi lên mặt trăng. Apollo 11 là tên của đoàn thám hiểm đó. Tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc để gửi các phi hành gia lần đầu tiên lên mặt trăng.

Khi phi thuyền bay ra ngoài bầu khí quyển, các phi hành gia đã chụp được những hình ảnh của trái đất lần đầu tiên trong lịch sử. Ngày xưa, thầy đã viết một bài thơ (về sự kiện này) có tên An tịnh tâm hành:

Trên đường lên nguyệt cầu
Quay nhìn lại
Tôi thấy em
Và tôi không ngừng kinh ngạc:
Em xinh đẹp quá chừng
Em là một chiếc bong bóng nước
Nổi trên biển không gian mông mênh
Em là đại địa
Em là hành tinh xanh
Hiển nhiên và mầu nhiệm
Nhưng rất đỗi mong manh.

 

          Earthrise, 1968, William Anders

Nguồn hình ảnh: https://www.nasa.gov/image-feature/apollo-8-earthrise.

Đi ra ngoài không gian, nhìn lại mới thấy hành tinh của chúng ta thật đẹp. Trong Thái Dương hệ và trong vũ trụ này chưa bao giờ thấy một cái gì đẹp và mong manh như vậy. Khi các phi hành gia lên tới mặt trăng và đi trên mặt trăng thì thấy mặt trăng rất khác, không có sự sống. Ban đêm trên mặt trăng, sở dĩ thấy đường được là nhờ ánh sáng của mặt trời phản chiếu bởi trái đất. Đứng ở dưới đất thì ta thấy trăng lên, còn ở trên mặt trăng, ta thấy trái đất đang lên. Trái đất nổi lên, không phải màu vàng mà xanh xanh trắng trắng, rất đẹp. Những hình ảnh đó đã được gửi về trái đất.

Các phi hành gia của Apollo 11 đều có cảm xúc rất sâu sắc khi nhìn lại những hình ảnh của trái đất. Các anh mô tả không gian trên mặt trăng lạnh lùng và khắc nghiệt vô cùng. Màu đen ở trên đó rất đen, ở dưới đất chưa bao giờ thấy màu đen như vậy. Dầu ở dưới đất có những đêm đen kịt, nhưng cái đen vẫn rất linh động, có sức nóng, có âm thanh và mùi hương. Còn màu đen trên mặt trăng rất lạnh lùng, đen tuyệt đối. Tuy là có vầng thái dương soi chiếu, nhưng không thấy được gì. Tại vì vũ trụ trên đó trống rỗng, ánh sáng phải chạm vào một cái gì đó thì mình mới thấy nó, còn ánh sáng đi trong khoảng không thì mình không thấy có ánh sáng. Trên mặt trăng không có màu xanh mà mình thấy mỗi khi ngửa mặt lên trời. Nhờ có bầu khí quyển và ánh sáng mặt trời chiếu lên đó nên mình mới thấy màu xanh của bầu trời. Khi đi ra ngoài khí quyển thì không còn màu xanh đó nữa, nó đen tuyệt đối, đen lạnh lùng.

Nhìn thấy trái đất, một niềm cảm thương lớn trào ra trong trái tim của các phi hành gia. Mấy tỷ người trên trái đất đang làm gì? Họ đang ăn, ngủ, làm việc, chọc nhau giận, đánh và giết nhau hay tranh nhau từng tấc đất. Rất tội nghiệp. Người da trắng chống người da đen, người da đen chống người da trắng, người miền Bắc chống người miền Nam, người miền Nam chống người miền Bắc… Khi ngồi ở một điểm rất xa và nhìn lại, ta có cái thấy rất khác. Ta thấy loài người chúng ta đang rất điên rồ và dại dội. Chúng ta có một hành tinh xinh đẹp và mầu nhiệm, vậy mà chúng ta đang làm cho nó tan nát.

Một phi hành gia không gian, khi về lại trái đất đã nói: khi đi, chúng tôi đi với tư cách những nhà chuyên môn, nhưng khi trở về, chúng tôi là những con người thật sự (“We went to the moon as technicians; we returned as humanitarians”). Chúng ta cần có một chuyến đi như vậy để thấy rõ mình là ai, hành tinh của mình quý giá đến thế nào, để thấy rằng chúng ta quá dại dột. Chúng ta ở trong đó mà không biết cái đó là cái gì, không trân quý nó và để cho nó mất đi.

Đối với sự sống cũng vậy. Mỗi người chúng ta đều đang có sự sống, nhưng chúng ta không biết trân quý sự sống. Chúng ta để thì giờ qua đi một cách dại dột và oan uổng. Chúng ta tiêu phí thì giờ và sự sống giống như lấy tờ 100 đô-la đem đốt. Đốt hết tờ này đến tờ khác. Chúng ta làm khổ nhau và đi tìm những cái chúng ta cho là hạnh phúc, trong khi đó chúng ta chất chứa khổ đau và tạo ra khổ đau cho nhau. Điều đó đang xảy ra bây giờ, ở đây, vậy mà chúng ta không thấy. Nhiều khi phải đi rất xa để nhìn lại, chúng ta mới thấy thiên đường chính là nơi chúng ta đang sống.

Các phi hành gia nói rằng trăng sao rất đẹp, nhưng rất lạnh lùng. Đó không phải là chỗ của mình. Chỉ có hành tinh nhỏ xíu, xanh xanh trắng trắng đó mới là nhà của mình, là nơi đón chào mình thôi. Chúng ta đang ở trong nhà, nhưng ta không biết trân quý ngôi nhà của mình, không biết trân quý thời gian chúng ta đang được ở nhà. Vì vậy những bức hình mà các phi hành gia gửi về là những tiếng chuông chánh niệm. Nhìn vào những bức hình ấy cũng giống như nghe một tiếng chuông, mình phải thức dậy. Thức dậy để thấy, để hiểu, để thương và để trân quý.

Con mắt của thế gian

Số lượng các phi hành gia có cơ hội đi ra ngoài trái đất chỉ có mấy trăm người thôi. Nhưng đó là anh em, là đại diện của chúng ta. Những người ấy đi ra ngoài nhìn và báo cáo lại cho chúng ta biết. Cũng như cơ thể của chúng ta nặng mấy chục ký, trong khi đó con mắt chỉ có mấy chục gram, nhưng con mắt thấy và báo cáo lại cho toàn bộ cơ thể biết. Mình đã có con mắt, đó là những phi hành gia đầu tiên bay ra khỏi quỹ đạo trái đất để lên mặt trăng. Họ biết rằng chuyến đi rất nguy hiểm, có thể đi và không bao giờ trở về nữa. Đi như vậy không phải là đi cho một mình họ mà đi cho cả nhân loại. Nhân loại cần có những bước tiến, cho nên cần có những người hy sinh đi trước. Các phi hành gia cũng có vợ con, họ biết những hiểm nguy đang chờ đợi mình. Một phi hành gia được hỏi: Hồi đêm anh có ngủ được không? Anh trả lời: Có, tôi có ngủ! Anh có uống thuốc ngủ không? Anh trả lời: Không! Tôi không uống thuốc ngủ, nhưng tôi có những cơn ác mộng rất khủng khiếp. Tại vì anh biết rằng ngày bước lên phi thuyền đó, có thể anh sẽ không bao giờ trở lại.

Những phi hành gia là con mắt của mình gửi ra ngoài không gian để nhìn cho mình. Khi con mắt báo cáo về, mình có nghe, có thấy không? Chúng ta cần giáo dục con cái chúng ta như thế nào để thấy được sự quý giá của hành tinh này, của sự sống, cũng như sự quý giá khi ta có cơ hội được sinh ra, lớn lên, bước đi và thở trên hành tinh này. Đó là giác ngộ. Thấy được rồi thì bước một bước là hạnh phúc, nói ra một lời là hạnh phúc. Mình chạm tới đất Mẹ thì bước chân của mình đầy thương yêu, mình nói ra một lời thì lời nói đó đầy thương yêu. Cái thấy đó làm thay đổi con người của mình.

 

 

Đức Thế Tôn cũng là con mắt của chúng ta. Ngài không cần du hành ra ngoài không gian, mà chỉ ngồi dưới cội Bồ Đề. Nhưng với con mắt của tâm, Ngài đã thấy được và báo cáo cho chúng ta biết rằng có một thế giới của tự do. Đó là niết bàn. Và có một con đường đi tới tự do, đó là con đường của Bát chánh đạo. Ngày xưa có nhiều vị đệ tử đã xưng tán Ngài là con mắt của thế gian. Các phi hành gia cũng đi theo con đường đó. Họ tình nguyện làm con mắt, tình nguyện nhìn cho ta và truyền cho ta cái thấy. Chúng ta có thấy hay không? Biết bao tiếng chuông đã được thỉnh lên, biết bao hình ảnh đã được gửi về, nhưng chúng ta vẫn sống trong ngủ mê, tiếp tục làm khổ nhau và tiếp tục làm hư hoại trái đất – tác phẩm có một không hai này của vũ trụ. Nếu quý vị là cha mẹ, là cô giáo, thầy giáo, là anh, là chị, quý vị phải có cái thấy đó và truyền lại cho con cháu chúng ta. Chúng ta phải thức dậy đi thôi, nếu không thì quá trễ! Đạo Bụt được gọi là đạo tỉnh thức. Tỉnh thức nghĩa là như vậy.

 

 

Lời khấn nguyện đầu năm Quý Mão 2023

 

Kính lạy chư vị Tổ tiên tâm linh và huyết thống của chúng con,

Kính lạy Thầy,

Trong giờ phút linh thiêng khởi sự cho năm mới 2023, chúng con ý thức rằng tất cả chư vị đều đang có mặt ở đây cùng với chúng con. Dù Thầy không còn hiện diện với chúng con qua hình tướng quen thuộc, chúng con vẫn cảm được sự có mặt của Thầy trong vô số hóa thân của Người. 

Chúng con nghe được giọng Thầy trong tiếng chim hót, tiếng gió xạc xào qua những rặng tre, khóm trúc và cảm được bước chân Thầy trên những con đường thiền hành đã đi vào huyền thoại. Chúng con thấy được sự tiếp nối của Thầy trong từng đệ tử xuất gia cũng như tại gia và trong các tăng thân có mặt khắp nơi trên thế giới. Được nuôi dưỡng bởi giáo pháp mà Thầy đã trao truyền, các tăng thân vẫn đang không ngừng phát triển và lớn mạnh.


 

Kính lạy chư vị Tổ tiên tâm linh và huyết thống của chúng con,

Kính lạy Thầy, 

Kính lạy Đất Mẹ – Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa,

Năm 2022 vừa qua thật sự là một năm của lòng tri ân, một năm cho chúng con nhìn lại và khắc ghi tất cả những gì tuyệt đẹp và mầu nhiệm mà đất Mẹ và liệt vị đã hiến tặng cho chúng con. Chúng con biết thưởng thức tiếng mưa rơi trên mái ngói trong những giờ thiền tọa, tiếng đàn sếu vang vọng niềm vui khi được bay với nhau như một tăng thân, cũng như vẻ đẹp huy hoàng của bầu trời vào lúc hừng đông hay hoàng hôn buông xuống.  

Hết lần này đến lần khác, chúng con thường xuyên trở về nương tựa nơi những lời dạy thâm sâu của liệt vị: từ sự thực tập có mặt và thưởng thức những nhiệm mầu của thiên nhiên cho đến những pháp môn giúp chúng con nhìn lại để thương mình và thương những người xung quanh; từ tuệ giác sâu sắc giúp chúng con thoát khỏi khuynh hướng phân biệt, kỳ thị đến những lời sách tấn trong việc xây dựng một tăng thân dễ thương, có thể làm khuôn mẫu cho một nền hòa bình thực sự. Chúng con quả thật vô cùng may mắn được là sự tiếp nối của liệt vị.

Chúng con xin phát nguyện trong năm 2023, chúng con sẽ tiếp tục thực tập để góp phần đem niềm vui, sự nhẹ nhàng, hòa điệu và năng lượng từ bi đến cho gia đình, tăng thân và cho thế giới.  

Chúng con nguyện thực tập mở lòng, biết lắng nghe sâu và nói năng bằng lời hòa ái để có thể thật sự có mặt và chăm sóc cho nhau. Chúng con nguyện nuôi lớn tuệ giác tương tức để thấy hạnh phúc của tăng thân là hạnh phúc của chính mình, biết nương tựa nơi tuệ giác tập thể trong khi cùng nhau tu tập, học, chơi và làm việc.

Nguyện cho mỗi chúng con đều biết nuôi dưỡng tâm thương yêu và học theo hạnh của đất Mẹ “thương yêu hết mực không kỳ thị, ôm lấy muôn loài chẳng sót ai”. 

Chúng con ý thức rằng thế giới đang đi qua những khủng hoảng nghiêm trọng. Chúng con nguyện sẽ nhìn sâu vào ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình để nhận diện và chuyển hóa những tổn hại mà chúng con đã và đang gây ra cho đất Mẹ và cho chính bản thân. Chúng con nguyện không nhắm mắt trước khổ đau, mà sẽ đối diện với khổ đau của chính mình và của thế giới bằng lòng can đảm và tâm vô úy.

Chúng con cũng nguyện sẽ tiếp tục sự nghiệp của Thầy trong việc tìm tòi, khám phá và phục hồi vẻ đẹp của nền văn hóa tâm linh, để từ đó hiến tặng cho xã hội nguồn năng lượng tỉnh thức và niềm vui sống, có khả năng chữa trị và bảo hộ cho chúng con và cho địa cầu này.

Kính xin liệt vị tiếp thêm năng lượng tuệ giác, từ bi và chứng minh cho chúng con khi chúng con dâng lời phát  nguyện này.

Chúng con kính dâng lên chư vị hương, hoa, trà, quả và xin lạy xuống bốn lạy để bày tỏ lòng biết ơn và hiếu thảo của chúng con.



Chương trình đón xuân Quý Mão tại Làng Mai

Kính bạch Sư Ông,

Kính thưa quý vị thân hữu gần xa. 

Mùa xuân đang về trên khắp mọi nhà, những người con xa quê hương cũng đang trở về bên gia đình để tận hưởng những niềm hạnh phúc với nhau, cùng nhau dọn dẹp, gói bánh và quây quần bên những mâm cỗ cuối năm. Mùa xuân cũng đã có mặt tại Làng Mai, được biểu hiện qua những chồi non, nụ cười, câu đối và những đàn chim đang kéo nhau về làm tổ. Như mọi năm, tứ chúng Làng Mai đều đón Tết cổ truyền chung với nhau. Ban biên tập xin gởi đến chương trình đón Tết năm Quý Mão. 

 

Thứ bảy, 21/1/2023( 30/1)_ Đón giao thừa tại Chùa Từ Nghiêm, xóm Mới

15:00: Pháp thoại cuối năm

17:00: Thiền hành

17:30: Đón giao thừa – Thiền đường Trăng Rằm

19:00: Dùng tối và văn nghệ miệt vườn – Nhà ăn

 

Chủ nhật, 22/1/2023 ( mùng 1 Tết) – Chùa Pháp Vân, xóm Thượng

10:00:  Lễ Tiểu tường Thiền Sư Thích Nhất Hạnh – Thiền đường Nước Tĩnh

12:30: Dùng trưa – Nhà ăn

14:00: Thăm phòng, chúc Tết Quý Thầy

18:00:  Dùng tối

 

Thứ hai, 23/1/2023 ( mùng 2 Tết) – Chùa Cam Lộ, Xóm Hạ

10:30: Bói Kiều, Shakespeare, Victor Hugo_ Thiền đường Hội Ngàn Sao

             Múa lân, đón khách

12:30: Dùng trưa, thăm phòng, chúc Tết

18:00: Dùng tối – Nhà ăn

 

Thứ tư, 25/1/2023( mùng 4 Tết)- Chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới

11:00: Hội chợ Xuân

14:00: Thăm phòng, chúc Tết

17:30: Dùng chiều 

 

Quý thầy, quý sư cô thương kính chúc quý cô bác, anh chị cùng đại chúng một năm mới an lành và hạnh phúc.

Thân kính,
Tăng thân Làng Mai

 

 

 

 

Xuân theo nắng về Làng

Trong không khí lạnh giá của mùa đông, thi thoảng ánh nắng vàng lại xuyên qua những chiếc lá tre xanh tươi, dịu dàng gõ lên những khung cửa gỗ ở Làng. Nắng báo tin rằng: mùa xuân đến rồi. Chỉ những tia nắng mỏng manh đã đủ tạo nên điều mầu nhiệm: làm cho khung cảnh những ngày cuối năm thêm vui tươi.

Đại chúng ở Làng đang cùng nhau đón Tết. Nắng cũng theo chân người đi dán những câu đối đỏ, có mặt trong ngày dựng nêu, xua tan những đám mây mù cho lá cờ hội được tung bay giữa nền trời xanh thẳm hay ngắm người ngồi gói bánh chưng, bánh tét. Nắng cũng ở lại cùng người trong ánh lửa bập bùng khi nấu bánh, hòa vào niềm vui sum họp của tăng thân.

Mời bạn theo chân nắng để chia sẻ niềm hạnh phúc với đại chúng Làng Mai trong dịp Tết cổ truyền:

Hình ảnh Lễ tiểu tường

Thấm thoắt mà đã tròn một năm từ ngày Sư Ông xả bỏ báo thân nơi Tổ đình Từ Hiếu. Những ngày này, tứ chúng đạo tràng Mai Thôn khắp nơi trên thế giới có cơ hội trở về thực tập chung với nhau, chế tác năng lượng bình an để thắp sáng sự có mặt của Sư Ông trong mỗi người.
 
Tại Tổ đình Từ Hiếu đã diễn ra một chương trình trọn vẹn ba ngày với những sinh hoạt chính như ngồi thiền, tụng kinh, tụng năm giới, lễ tưởng niệm,…được truyền trực tiếp qua kênh Youtube Làng Mai.
 
Vào tối  9.1, đại chúng đã quây quần bên nhau để làm lễ tưởng niệm. Mỗi câu chuyện, mỗi sự chia sẻ đều nói lên lòng biết ơn đối với Sư Ông và kinh nghiệm thực tập, áp dụng những lời dạy của Sư Ông vào đời sống hàng ngày.
 
Vào ngày 10.1, kỷ niệm một năm ngày viên tịch của Sư Ông, chư Tôn Đức, chúng xuất sĩ cũng như cư sĩ khắp nơi trở về rất đông. Nhờ sự có mặt của chư Tôn Đức, sự thực tập chánh niệm và tiếng tụng kinh trầm hùng của các vị xuất sĩ cũng như cư sĩ mà thiền đường Trăng Rằm toả ra một năng lượng rất hùng hậu và uy nghiêm.
 
Tuy khuôn viên chùa nhỏ, người lại rất đông nhưng ai cũng thực tập đi đứng, nói năng rất nhẹ nhàng. Sự thực tập của mỗi người là phẩm vật cúng dường quý nhất dâng lên Sư Ông trong ngày giỗ đầu.
 

Thực tập lạy nhau trước thềm năm mới

Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa đẹp và gia đình là nơi giữ gìn đầy đủ những nét văn hóa ấy. Cái đẹp ấy thể hiện cụ thể nhất trong cách ứng xử với nhau, đối đãi nhau. 

Tết nguyên đán hay Tết cổ truyền là ngày Tết đẹp nhất trong năm. Trong những ngày Tết cổ truyền, chúng ta có dịp được tắm mát và nuôi dưỡng mình trong nếp sinh hoạt đậm chất văn hóa của người Việt. 

Năm mới sắp đến, con ước muốn chia sẻ sự thực tập lạy nhau này đến ba mẹ, các anh chị và các em của con cũng như quý vị thân hữu gần xa để làm giàu thêm kho tàng thương yêu của giống nòi. 

Tương kính như tân

Kính nhau như khách quý, đó là lời dạy của các cụ ngày xưa cho đời sống vợ chồng. Các cụ đã có kinh nghiệm rằng nếu mình sống với nhau mà không biết nuôi dưỡng sự tương kính thì rất dễ làm khổ nhau. Ngày cưới, hai người đã thực tập nghi lễ lạy nhau trước bàn thờ gia tiên với sự có mặt của hai họ. Đó là một giây phút đẹp. Giây phút ấy chỉ xảy ra một lần trong đời của mỗi cặp vợ chồng và mình chỉ lạy người kia lần thứ hai khi người đó đã mất. Như thế thì tiếc quá! Một giây phút đẹp mà chỉ xảy ra một lần trong đời.

Với sự thực tập này, mình sẽ làm cho nét đẹp của giây phút ngày xưa sống lại trong giây phút hiện tại. Mục đích của sự thực tập lễ lạy này là để nuôi dưỡng sự tương kính, cái tình nghĩa giữa hai người khi chung sống với nhau. 

Cách thực tập:

Thời gian: Trước thềm năm mới sau khi đón giao thừa hoặc sáng ngày mùng một, cũng có thể thực tập vào một dịp kỷ niệm nào đó của hai vợ chồng. 

Địa điểm: Trước bàn thờ gia tiên hoặc trước bàn thờ Tam bảo, hoặc một nơi nào đó có đủ không gian và sự kính trọng. 

Tuần tự hai người đọc lời quán niệm cho nhau nghe và cuối cùng thì hướng về nhau lạy một lạy. 

Hai vợ chồng cũng có thể thực tập lạy nhau với sự có mặt của gia đình. Chắc chắn con cháu của các vị sẽ rất hạnh phúc khi thấy bố mẹ biết chăm sóc và vun bồi hạnh phúc cho gia đình. 

 

 

Dưới đây là hai lời quán niệm, với tinh thần là mỗi người nói lên cái phần của mình. Phần của người kia hãy để người kia nói. Đây là điều hết sức quan trọng. Đầu năm mới, mình không nên nói những cái không hay của người khác. Đó là sự kiêng cử, để mọi người ăn Tết cho ngon. 

Sự phát nguyện là một ý thức, một sự nhắc nhở cho mình, và cái đẹp nhất nằm ở giây phút mình phát nguyện chứ không phải là cái kết quả mình làm được bao nhiêu, mình chỉ cố gắng hết tấm lòng của mình thôi. 

Quán niệm trước khi lạy của người vợ:

Em cảm ơn anh đã đến với cuộc đời em. Anh là nơi nương tựa rất vững chắc cho em, cho các con, các cháu. Có chuyện gì xảy ra mà có anh ở nhà thì đều được giải quyết rất nhanh.

Em rất xin lỗi anh vì nhiều khi em đã không nhìn thấy được những cái đẹp trong anh; những lời nói chua cay khó nghe đã làm anh bực mình, làm anh muốn tránh xa em, vì những lúc ấy em không tươi mát. 

Nhiều lúc em quá bận lo cho con, cho cháu, cho những muộn phiền của em mà đã quên để ý đến sự có mặt của anh và chăm sóc anh. Không học cách hỏi thăm và có mặt cho anh mỗi khi anh cần. 

Trong năm mới, em nguyện sẽ học hạnh ái ngữ để em có thể nói một cách khéo léo hơn. Em cũng sẽ học hạnh kiên nhẫn để không nói khi lòng đang bực bội, sẽ trở về với hơi thở ý thức để làm dịu thân tâm mình và sẽ tìm cách nói cho anh hiểu khi mình có đủ không gian. 

Em cũng sẽ thực tập nhìn sâu để học nuôi dưỡng những cái đẹp, cái hay mà tổ tiên đã trao truyền nơi em, nơi anh và các con.

Xin anh tiếp tục làm nơi nương tựa vững chắc cho em trong năm mới. 

Quán niệm trước khi lạy của người chồng:

Anh cảm ơn tổ tiên và gia đình đã đưa em đến bên anh và thủy chung với anh cho đến ngày hôm nay. Trải qua bao nhiêu sóng gió mà mình vẫn còn bên nhau. Anh cảm thấy rất may mắn. 

Em đã chấp nhận con người anh, những thói quen không dễ thương của anh. Em đã thương yêu các con và làm cho gia đình luôn là nơi êm ấm.

Anh xin lỗi em vì nhiều lúc anh lo cho người khác, cho xã hội, công ty hay chính những dự án anh đang theo đuổi nên đã không thường xuyên có mặt cho em và gia đình. 

Trong năm mới, anh sẽ cố gắng học hạnh lắng nghe để có thể có mặt vững chãi cho em và các con. Anh sẽ học cách chia sẻ cái thấy của mình và mở lòng lắng nghe ý kiến của em và các con mà không áp đặt cái thấy của mình lên em và các con. Nếu cần anh sẽ học cách buông bỏ cái thấy của anh để hòa chung với cái thấy của gia đình. 

Anh cũng nguyện sẽ học cách chăm sóc bản thân và trân quý những điều kiện hạnh phúc mà gia đình đang có. Anh ý thức rằng, chính hạnh phúc của chúng ta là gia tài quý giá nhất cho các con. 

Năm mới mong em tiếp tục nuôi dưỡng niềm vui sống trong em, trong anh và gia đình. 

 

                                                                    

Qua mỗi năm thực tập, mình có thể tự làm lấy lời quán niệm cho mình để phù hợp với hoàn cảnh và ân tình của hai người. 

Sự thực tập này là một phẩm vật rất ý nghĩa để dâng lên Tổ tiên dịp đầu năm mới.

(Thầy Minh Hy)