Con đã về tới chưa?

Nội Viện Phương Khê, ngày 2 tháng 6 năm 2014

Thương gửi các con của thầy khắp nơi,

Hôm qua, ngày 1 tháng 6 năm 2014, là ngày thiền sinh các nước tới để tham dự khóa tu 21 ngày tại Làng Mai về đề tài “Cái gì xảy ra khi ta  chết?”. Các thầy và các sư cô ở bốn xóm của Làng Mai đã ra ga và phi trường để đón thiền sinh về Làng. Khoá tu này có tới trên 700 thiền sinh tham dự.

Có hai sư cô ở xóm Hạ trên đường ra ga đã ghé Nội viện để trao lại một lá thư của ai đó gửi về xóm Hạ cho Thầy. Đó là các sư cô Lưu Nghiêm và Ngộ Nghiêm. Thầy hỏi Lưu Nghiêm: “Thiền sinh đã về tới gần đủ chưa?” Lưu Nghiêm trả lời: “ Dạ thưa thầy, họ đã về tới gần đủ”. Thầy hỏi tiếp: “ Còn con, con đã về tới chưa ?” Lưu Nghiêm ngập ngừng. Có lẽ bởi câu hỏi hơi đột ngột. Nhưng cuối cùng Lưu Nghiêm cũng chắp tay lại và trả lời Thầy: “Dạ thưa, con đã về tới”.  Sau khi Lưu Nghiêm và Ngộ Nghiêm chào Thầy để ra xe , Thầy cũng mặc áo đi ra thiền hành ở trong khuôn viên Nội Viện. Thầy nghĩ  là mấy trăm thầy trò nhà mình ở Làng phải thật sự về tới, mình mới có thể làm hạnh phúc cho hơn 700 thiền sinh về tu học với mình. Mình chưa về tới thì mình chưa đủ vững chãi, thảnh thơi và sự tươi mát để giúp người và độ đời.

“Về tới” có nghĩa là đã giải tỏa được những gì chưa ổn định trong lòng, có khả năng chế tác hỷ, lạc và chăm sóc cho những tâm hành chưa phải là hỷ lạc. Cái mà thiền sinh được thừa hưởng nhiều nhất khi về Làng không phải là những bài pháp thoại hay, hoặc những khung cảnh nên thơ và thanh tịnh của các xóm, mà là năng lượng tập thể bình an, tươi mát và tình huynh đệ trong đại chúng mà họ cảm nhận được khi bước chân về Làng.

Mục đích của thầy trò ta khi đi xuất gia là được độ người và giúp đời. Một khóa tu như khóa tu này là một cơ hội để chúng ta độ người và giúp đời. Mà khả năng độ người và giúp đời của chúng ta tùy thuộc vào khả năng chế tác năng lượng hỷ, lạc và bình an của chúng ta. Trong khi chúng ta lái xe đi đón thiền sinh, ghi tên cho họ, chuẩn bị phòng ốc cho họ, nấu cơm cho họ ăn, hướng dẫn cho họ thực tập,v.v. Chúng ta  phải làm những công việc ấy như thế nào để trong khi làm, ta vẫn có thể chế tác được hỷ, lạc và bình an. Đó là bí quyết của sự thành công.

Ở ngoài đời, có nhiều người làm việc rất giỏi, và giỏi hơn chúng ta nhiều, nhưng vì có người không biết cách chế tác hỷ lạc và bình an cho nên dễ bị căng thẳng và không tiếp tục lâu dài được. Họ không tiếp tục lâu dài được, một phần cũng vì họ không có một tăng thân vững mạnh để nương tựa. Còn chúng ta, chúng ta có một tăng thân. Thầy nhờ có các con, nhờ có tăng thân cho nên đến tuổi nầy mà Thầy vẫn còn tiếp tục được làm những gì mà Thầy ưa làm. Các con cũng vậy. Nếu các con nương vào tăng thân, đồng thời biết chế tác hỷ, lạc và bình an trong khi giúp người và độ đời thì các con cũng sẽ giữ được tâm bồ đề lâu dài. Chúng ta phải nương tựa vào nhau, phải nhắc nhở nhau để mọi người cùng nhau thực tập chế tác hỷ, lạc và bình an.

“Đã về tới” không có nghĩa là ta không còn vấn đề. Dù ta còn vấn đề, nhưng nếu ta có phương pháp thực tập và có niềm tin nơi tăng thân thì ta vẫn chế tác được bình an, dù vấn đề còn đó. Ở ngoài đời có những cơn sóng gió rất lớn, như những cuộc biểu tình và đảo chánh ở Thái Lan, hay những cuộc xung đột biển đảo ở Thái Bình Dương. Biển Đông hiện giờ đang nổi sóng. Nhưng sóng gió trong lòng ta cũng như sóng gió trong tăng thân, so với sóng gió ngoài đời thì không có nghĩa gì cả. Đó chỉ là sóng gió trong một bát canh. Và bát canh này lại là một bát canh chay, thành ra sóng gió này có thể được bình định một cách dễ dàng bằng những pháp môn thực tập hàng ngày như thiền đi, thiền thở, pháp môn chế tác hỷ lạc, làm lắng dịu niềm đau, ôm lấy nỗi khổ niềm đau của mình và nhận diện nỗi khổ niềm đau nơi người, lắng nghe, ái ngữ, v.v. Những thực tập căn bản ấy chúng ta đã được trao truyền và chúng ta đang thực tập hằng ngày. Chế tác bình an vì vậy là một pháp thực tập  mà ta có thể ứng dụng và thành công trong vòng năm phút hay nửa giờ. Và do sự thực tập đó mà ta có rất nhiều năng lượng hỷ, lạc và bình an để hiến tặng cho những thiền sinh đang tới với chúng ta .

Thầy trò ta biết nuôi nhau bằng lý tưởng độ đời. Mình cũng biết nuôi nhau bằng sự có mặt tươi mát và bình an của nhau. Thầy biết giờ này đây ở xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới,  xóm Sơn Hạ, xóm Vô Ưu, xóm Chùa Đại Bi, xóm Trăng Tỏ, xóm Trời Quang, xóm Vững Chãi, xóm Trong Sáng, xóm Tùng, xóm Hạc, xóm Mai Vàng,  xóm Trúc Xanh, xóm Liên Trì, xóm Trúc Lâm, xóm Diệu Trạm,  xóm Từ Hiếu, xóm Hơi Thở Nhẹ, xóm Từ Đức, xóm Long Thành v.v. các con của Thầy đang sống và làm việc như những bầy ong siêng năng, biết chế tác năng lượng hỷ, lạc và bình an để nuôi nhau, nuôi Thầy và làm hạnh phúc cho thiền sinh. Chúng  ta đang có mặt cho nhau và cho những người đến với chúng ta.

Hiện giờ trên xóm Thượng, có thầy đã viết một câu trên bảng tăng xá: Sự có mặt của chúng ta là món quà quý nhất cho thiền sinh. Chúng ta có mặt trong giờ xướng tụng, trong buổi thiền hành, trong buổi thiền tọa, trong buổi pháp đàm, trong bữa cơm chánh niệm. “I am here  for you”, đó là câu linh chú thứ nhất. Và chúng ta thực tập câu linh chú thứ năm “This  is  a legendary moment” (Đây là một giây phút huyền thoại). Trong Đại Giới Đàn Cam Lộ Vị ở Làng Mai, những câu linh chú ấy đã đem lại biết bao nhiêu là hạnh phúc cho tất cả mọi người, từ giới sư tới giới tử…

Khóa tu 21 ngày sẽ được tiếp nối bởi khóa tu mùa Hè và các khóa tu ở Học Viện Ứng Dụng châu Âu. Chúng ta có cơ hội để phụng sự. Ở Thái Lan, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Việt Nam và bao nhiêu nơi khác mà chúng ta đang có mặt, cỗ xe Phật Học Ứng Dụng đã lên đường, đã và đang tạo ra bao nhiêu kỳ tích. Hạnh phúc của chúng ta lớn lắm, vì chúng ta có tăng thân, có tình huynh đệ, có cơ hội phục vụ. Chúng ta không có lý do gì để than phiền, dù trên con đường phục vụ chúng ta có gặp nhiều trở ngại. Nhưng những trở ngại này cũng là những cơ hội để chúng ta được học hỏi và lớn lên. Đức khiêm cung nhờ đó mà vững mạnh.

Thầy ôm tất cả các con vào lòng.

Thầy

Nhất Hạnh.

Tổ chức trở lại sự tu tập tại Tổ Đình

Nội viện Phương Khê
Ngày 2.1.2014

Thân gửi tất cả các con của Thầy ở Từ Hiếu và Diệu Trạm,

Xin các con tổ chức trở lại sự tu tập tại Tổ Đình cho chu đáo và nghiêm túc. Các sinh hoạt như tụng giới, ngồi thiền, đi thiền, pháp đàm, pháp thoại, ăn cơm chánh niệm, chấp tác chánh niệm, buông bỏ những sách báo, phim ảnh và các thiết bị điện tử có công năng dẫn tới độc hại, v.v…cần được tất cả mọi người trong chúng tham dự và tuân thủ, kể cả các sư anh lớn.

Phải thiết lập lại những ngày Quán Niệm Chủ nhật và Thứ năm, phải tiếp nhận tập sự xuất gia. Không ai có thể vắng mặt ban ngày hay ban đêm mà không có phép của đại chúng. Các sư anh lớn như Từ Đạo, Từ Hòa, v.v…cũng phải tham dự hết lòng vào các ngày Quán Niệm và các khóa tu, như Thầy và các sư anh, sư chị lớn ở Làng Mai vậy.

Đây là lời căn dặn của Thầy mà cũng là lời căn dặn của Sư Thúc Chí Mậu. Hồi sinh tiền, Sư Thúc đã một lòng một dạ yểm trợ con đường tu học này. Sư Thúc cũng đã tiếp nhận Truyền đăng từ Thầy. Nếu các con thực sự muốn có hiếu với Sư Thúc thì phải làm theo những gì Sư Thúc mong muốn.

Đừng để người ngoài xen vào nội bộ của Tổ Đình. Cái gì hợp pháp là hợp pháp. Cái gì không hợp pháp là không hợp pháp, kể cả sự cưỡng chế. Huynh đệ phải ngồi lại với nhau để san bằng những dị biệt. Tuyệt đối không dùng ác ngữ và bạo động. Mình phải nắm lấy vận mệnh của chính mình. Thầy tin cậy nơi các con.

Thầy của các con

Nhất Hạnh.

 

* Bản sao kính gửi Hòa Thượng Thích Chí Mãn, Giám học Tổ Đình Từ Hiếu.

Tổ chức trở lại sự tu tập tại Tổ Đình

Hộ niệm Sư Bà Hải Triều Âm

Trên đây là bài kệ do Sư Ông Làng Mai viết để xưng tán công hạnh của Sư bà Hải Triều Âm, một vị chân tu mà trong nước ai cũng thương kính. Nói chuyện với Sư Ông Làng Mai, chúng tôi được nghe Sư Ông cho biết là bài kệ cũng có mục đích an ủi học chúng của các đạo tràng do Sư Bà thành lập và giáo huấn, trong đó có các vị ni trưởng, ni sư và hàng trăm vị Nữ khất sĩ, Thức xoa ma na và Sa di ni, nhiều vị trẻ trong số đó đã tiếp nhận giới pháp ở Đại Giới Đàn  Phương Bối năm 2007. Đồ chúng của Sư Bà còn là hàng chục ngàn vị Phật tử cư sĩ. Hình ảnh dòng sông là hình ảnh tăng thân gồm có tất cả quý vị ấy. Những con suối nhỏ đã tìm tới với nhau để tạo thành dòng sông và do sự giáo huấn, hướng dẫn của bậc nữ đạo sư là Sư Bà mà dòng sông ấy đã lên đường đi về tương lai của Đạo pháp. “Đi như một dòng sông” là hình ảnh của một tăng đoàn rất đẹp, có hòa điệu, có hạnh phúc, không hề có chia rẽ, có khả năng hiến tặng hạnh phúc cho đời. Tu tập và độ đời đem lại rất nhiều niềm vui và sự thảnh thơi. Do đó có hình ảnh “dòng sông nay đã lên đường rong chơi”. Hải Triều Âm là pháp hiệu của Sư Bà và Cát Tường Lan là bút hiệu của Sư Bà sử dụng để viết những bài về Phật pháp cho tuổi trẻ trên tạp chí Bồ Đề hồi Sư Bà còn trẻ. Cát Tường Lan là phiên âm của Catallan, tên thân phụ Sư Bà. Hồi còn trẻ, Sư Bà cũng hay được gọi là chị Ni, vì tên Pháp của chị là Eugénie. Ban Biên Tập chúng tôi đã tìm cách gửi bài kệ này về đạo tràng Dược Sư, nhưng không biết có tới được kịp không. Nếu có vị thân hữu nào ở gần đạo tràng, xin giúp chúng tôi mang bài kệ này tới và dâng lên cúng dường.

Ban Biên Tập Trang nhà Làng Mai

Trả về cho non sông

Ngày 18 tháng 07 năm 1974,
Các em tác viên Thanh niên Phụng sự xã hội,

 

Hồi sáng tôi có đọc một lá thư từ nhà gửi qua, tỏ vẻ lo lắng về “cuộc đất” của trường. Mỗi lần có tai nạn xảy ra cho trường là những lo lắng về địa lý lại có dịp sống lại. Không phải là tôi không tin nơi địa lý, nhưng tôi thấy “tâm lý” quan trọng hơn “địa lý” nhiều. Chùa Pháp Vân ngảnh mặt về hướng nào mới đúng? Cố nhiên là ngảnh mặt về phía quần chúng. Ngảnh lưng về phía quần chúng thì buồn cười quá đi, phải không các em?

Đất nước mình bị tai họa liên miên trong mấy chục năm nay có phải vì địa lý xấu không? Điện Thái Hòa, phủ Chủ Tịch và phủ Tổng Thống đã đặt hướng sai phải không? Theo mấy ông thầy địa lý, có lẽ ta phải thay hướng tất cả mọi tòa nhà hành chánh từ cấp trung ương đến cấp xã ấp. Nhưng chúng ta biết rằng tâm lý quan trọng hơn địa lý: chiến tranh và tai nạn phát xuất từ lòng người. Tâm bình thì thế giới bình, ai cũng biết điều đó, nhưng không mấy ai chịu bình tâm trước khi bình thiên hạ. Câu “nồi da xáo thịt” và câu “gà một nhà bôi mặt đá nhau” đứa bé nào cũng học thuộc nhưng không mấy ai khôn lớn mà lại biết thực hành nguyên tắc khôn ngoan kia để tránh cái cảnh tương tàn tương sát. Trường TNPSXH từ ngày thành lập, đã gánh chịu nhiều tổn thất. Bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương tích. Mỗi lần có tai nạn xảy đến như thế, mỗi người trong chúng ta đều thấy chết trong lòng một phần, và bị thương tích trong trái tim một ít. Hiện Hương và Vinh đang ở bên cạnh tôi; cả hai người đều mang thương tích nhưng thương tích mà tôi mang trong lòng không phải là không đớn đau bằng. Liên, Vui, Hy, Tuấn, Thơ, Lành, chú Trí và bảy người đồng tán toán công tác, chị Nhất Chi Mai, thầy Thanh Văn, thầy Châu Toàn… và Diệu, Xuân, Kê, Út, Lành, ngọc, Nguyện, Triều, Kỷ. Chúng ta là ai mà có thể tránh được thiệt hại, trong lúc toàn dân đang gánh chịu khổ đau? Chúng ta chia xẻ đau xót với dân tộc, chúng ta hiến phần đau thương của chúng ta. Bao nhiêu người đã chết vì bom đạn và hận thù. Những người đang mang thương tích và những người ra đã ra đi, trong chúng ta, là những người chưa hề đem hận thù gieo rắc. Hồi tháng bảy năm 1967 khi nghe tin Hy, Tuấn, Thơ và Lành bị giết, tôi viết:

Có mặt đồng bào
Có mặt các chị các anh
Máu của các em, tôi xin trả về cho non sông
Xương của các em, tôi xin trả về cho non sông
Máu xương đó trinh nguyên
Chưa bao giờ làm hoen ố giống Lạc Hồng
Còn những bàn tay các em
Tôi xin trả về cho nhân loại
Những bàn tay kia
Chưa bao giờ gây tàn hại
Những trái tim kia
Từ thời thơ ấu
Chưa bao giờ nhận gửi máu hờn căm

Và con da các em đây, xin gửi trả về cho đồng bào
Các em chưa bao giờ chấp nhận cảnh nồi da xáo thịt
Xin hãy dùng những mảnh da các em đây
Mà vá lại
Những đường rạch
Những vết cắt rướm máu
Trên thân hình dân tộc thương đau”

 

Tất cả chúng ta, những người đã bị thương tích hay đã ra đi đều đã chấp nhận sự hy sinh và những đớn đau với tâm niệm không oán thù. Tay chúng ta, may mắn thay, chưa từng dính máu đồng bào. Công lao chúng ta không có bao lắm, không đáng kể gì, nhưng chúng ta đã biết từ chối bạo lực. Tôi biết thế nên khuyên các em đừng nên đau xót lắm. Tôi khuyên các em, nhưng cũng là để khuyên tôi. Thương những người đã ra đi, ta biết thương những người còn ở lại. Ta phải sống với nhau cho xứng đáng. Đừng để khi mất đi người đồng sự ta mới biết tiếc nuối. Sống thì bắt nhịn đói nhịn khát. Chết đi mới làm cỗ bàn linh đình để hiến cho những con ruồi. Chúng ta hay lãng quên. Vì những tị hiềm phân bì nho nhỏ, chúng ta không cho nhau những ngọt ngào thương mến. Ta làm việc để thỏa mãn ước vọng thương yêu, đâu phải để kể công hay tích tụ phước đức. Người đồng sự của ta không làm được như ta, điều đó đâu có thể là nguyên nhân khiến ta ngưng bớt công việc của ta. Tôi nghe người ta nói các em làm việc giỏi. Điều đó chưa đủ cho chúng ta mừng. Điều quan trọng nhất chưa phải là làm việc giỏi. Điều quan trọng nhất là thương yêu nhau, và biết sống hạnh phúc bên nhau. Chúng ta làm việc cho hòa bình, thì chúng ta xây dựng hòa bình trong lòng ta và trong gia đình ta, có phải không?

Tại vì tôi nghĩ TNPSXH là một gia đình, nên tôi mới gọi các em là em. Nếu không tôi đã viết: các anh các chị tác viên. Không phải tôi thân cận với các em khóa một hơn với các em khóa hai và khóa ba. Có em tôi chưa được gặp, nhưng không phải vì thế mà tôi có cảm tưởng xa lạ khi nghĩ đến các em. Tôi nghĩ có thể rằng các em khóa ba mà ít chấp chặt và ít thành kiến hơn một vài em khóa một. Khóa nào thì cũng là TNPSXH. Khóa nào cũng chấp nhận đường lối xây dựng bất bạo động, từ bỏ bạo lực, phá trừ hận thù, xây dựng hòa giải. TNPSXH là một cái bè đưa ta tới bờ phụng sự, không phải là một gia tài để nâng niu, không phải một tượng thần để thờ cúng, không phải một cái Ngã để tô điểm. Các em đừng sợ mất TNPSXH, mà chỉ nên sợ mất tình thương và ý chí phụng sự. Khi nào thấy không khí TNPSXH khó thở quá thì bỏ mà đi quách; ra ngoài mà thực hiện lý tưởng thương yêu. Có biết bao người không còn trong TNPSXH nhưng đời sống của họ vẫn là một sự tiếp nối của lý tưởng phụng sự bất bạo động.

Em, tôi buồn lắm. Thầy Châu Toàn có hứa với tôi là sẽ tìm đất làm một làng TNPSXH, trong đó mỗi chúng ta có một lô đất để làm nhà và làm vườn. Đi đâu thì chúng ta cũng có một cái nhà và một cái vườn để tìm về, để nhớ, để thương. Tôi định gặp thầy Châu Toàn để nói: cho tôi một lô đất không xa lô đất của em để làm nhà và làm vườn (hồi sinh tiền thầy, tôi luôn gọi thầy là em). Và tôi xin thầy duy trì tất cả những cây lớn nhỏ mà có giá trị nghệ thuật trong khu đất làng. Tôi còn mơ ước có nhiều tảng đá lớn, và một con suối chảy qua làng. Em cũng có một lô đất, tôi cũng có một lô đất, Vinh cũng có một lô đất, Hương cũng có một lô đất, thầy Châu Toàn cũng có một lô đất… Chúng ta sẽ làm nhiều công viên nho nhỏ. Làng chúng ta sẽ mát dịu sáng trong như tình thương. Tôi tin thầy Châu Toàn có thể cộng tác với các em để tạo ra một khu làng đẹp đẽ như thể, bởi tôi biết thầy Châu Toàn là một chân nghệ sĩ. Thầy là vị tăng sĩ cắm hoa đẹp nhất mà tôi quen biết. Tôi biết nếu giao thầy việc làm làng cho chúng ta thì ta sẽ có làng rất đẹp, bởi vì tôi tin ở khả năng thẩm mỹ của thầy.

Ngày xưa chúng ta có Phương Bối, cũng là một nơi nương tựa của trường. Khi Phương Bối mất an ninh, ta có Trúc Lâm. Chắc chắn các em đã được hưởng những giờ phút an lạc ở trong lòng chiếc nôi tâm linh đó. Nhưng nay thầy Châu Toàn không còn nữa, một cây cổ thụ đã bị đổ ngã rồi. Làng TNPSXH, mà tôi muốn đặt tên là làng Hồng nếu ở đó ta trồng nhiều cây hồng ăn trái hoặc là làng Mai nếu ở đó ta trồng nhiều hoa mai, chưa thành hình thì thầy đã ra đi. Tôi mắc kẹt bên này chưa về được, vừa xót xa vừa trống lạnh. Tôi chẳng giúp gì cho các em được cả, nội một chuyện viết thư cho các em mà cũng chẳng viết được thường xuyên.

Thế nào các em cũng làm cho được làng Hồng, các em nhé. Tôi sẽ viết thư cho anh Thiều, cho thầy giám đốc mới. Chúng ta sẽ để dành nơi làm một công viên kỷ niệm chị Nhất Chi Mai, thầy Thanh Văn, thầy Châu Toàn và những anh em khác. Các em tìm cho ra một nơi có đất tốt, cây xanh, có đá, có nước. Tôi mê những thứ đó. Cây đá và nước là những thứ đẹp nhất: những thứ đó chữa lành thương tích của chúng ta. Và các em hãy cho tôi một lô đất trong làng ấy nhé. Tôi sẽ làm nhà, và xung quanh tôi sẽ trồng rau và rất nhiều rau thơm” ngò, tía tô, kinh giới, bạc hà, tần ô, lá lốt, thì là, vân vân. Khi em đến chơi thế nào tôi cũng đãi em một bát canh có rau thơm rắc lên trên mặt bát.

Mỗi năm, ta có ít nhất một tháng tĩnh tu tại làng, không hoạt động gì hết. Cả ngày ta đối diện với đá, với nước, với cây; cả ngày ta đối diện với chính ta. Trồng rau, tỉa đậu, chơi với các cháu nhà bên, ta tìm lại ta, chữa lành thương tích, trang bị thương yêu để sẵn sàng trở lại môi trường phụng sự. Tôi về thì tôi sẽ ở giữ làng cho các em. Tôi sẽ ra cổng làng đón từng em, tôi sẽ ngồi lắng nghe các em than thở, phân trần. Rồi tôi sẽ đưa các em về nhà em. Và chiều hôm đó tôi sẽ mở hội mừng em, mời trẻ em trong xóm đến ca hát. Tôi sẽ đọc cho em những bài thơ mà tôi viết để ca tụng tình thương và những bàn tay cần mẫn của các em, cùng những hoa lá các em làm xanh tốt trên mọi nẻo đường. Tôi thấy một làng và đem về làng cho các em những người anh những người chị những người mẹ để săn sóc cho em khi em cần đến sự săn sóc.

Thầy Châu Toàn tôi quen từ hồi thầy còn tám tuổi. Thầy đến tu viện của tôi trên núi Dương Xuân để hái hoa về trang trí cho ngày giỗ tổ tại chùa Trà Am. Thầy lúc ấy là chú điệu Hòa. Hòa leo lên cây hoa đại (tức là hoa sứ) hái từng giỏ hoa trắng muốt. Nhưng một cành hoa đại gảy, Hòa té xuống đất, gảy xương ống chân. Thầy Mật Thể (tác giả sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược) bổn sư của Hòa phải đưa Hòa vào bệnh viện, thầy ngồi hàng giờ trong bệnh viện với Hòa.

Rồi Hòa được gửi vào học Phật học đường Báo Quốc Huế, sau này mới có tên Hoàng Minh và pháp danh Châu Toàn. Năm 1952, tôi mời thầy Châu Toàn vào Nam, vừa để học thêm sinh ngữ, vừa để sống chung với nhau. Thầy Châu Toàn có viết vài truyện ngắn. Có một lần tôi nghe thầy kể về cốt chuyện của truyện “lỡ hẹn” mà thầy định viết (hoặc đã viết mà bản thảo không còn). Cốt chuyện ấy như sau. Một em bé nhà nghèo phải xa mẹ đi làm ăn chốn xa. Một hôm được biết trong tháng tới em sẽ phải đi tới một làng xa để nhận việc, và sẽ đi xe lửa ngang qua làng mình, em mới viết thư cho mẹ: “Mẹ ơi, ngày thứ hai tuần tới con sẽ đi xe lửa ghé qua làng mình năm phút. Xin mẹ ra ga cho con thăm, kẻo con nhớ mẹ quá. Và mẹ đem cho con vài cái bánh ít của mẹ làm, kẻo lâu nay con không được ăn bánh ít ngon của mẹ. Xe lửa sẽ đổ lại chừng năm phút”. Cậu bé trong mãi đến ngày khởi hành. Còn mười lăm phút nữa xe lửa sẽ ghé làng. Cậu nóng ruột. Cậu nhìn ra ngoài. Rồi cậu ra đứng sát cửa toa xe. Xe lửa hét lên một tiếng. Rồi từ từ ngừng lại. Cậu bé nhìn xớn xác. Không thấy hình bóng mẹ. Một phút, hai phút. Rồi ba phút, bốn phút. Cậu nhìn ra con đường đất từ xóm ra ga: không có một bóng người. Năm phút. Xe lửa lại mở còi, bánh xe từ từ lăn trên đường sắt. Mắt cậu bé vẫn dán vào con đường làng. Không có bóng người. Xe bắt đầu lăn tốc độ rằm rập. Cậu bé khóc nước mặt nhòe cả lũy tre và con đường làng. Bỗng cậu gạt nước mắt, trố mắt nhìn. Trên con đường làng đất đỏ, bóng một thiếu phụ, đầu đội một chiếc rổ con. Đúng là bà mẹ của cậu bé. Thấy xe đã chạy rồi, bà đứng dừng lại. Bà nhìn theo con tàu. Cậu bé đưa tay vẫy mẹ, nhưng tàu đã chạy khuất. Cậu trong thấy mẹ, nhưng mẹ không thấy cậu, cậu đứng trên xe, khóc như mưa. Một người hành khách nắm cánh tay cậu đưa vào trong toa.

Trong một khóa tu cách đây chừng hai tháng, thầy Châu Toàn viết cho tôi: “em mong có hòa hình để ra Quảng Bình tìm lại mẹ, mong rằng bà còn sống.” Không biết mẹ thầy còn sống hay không nhưng thầy không còn có dịp gặp mẹ nữa. Lời ước hẹn đã không được thành tựu. Ngày thầy mất 24.6.74, là ngày tôi ước hẹn gặp thầy ở Vạn Tường để bàn chuyện làm làng Hồng. Nhưng tôi đã không được gặp thầy. Nhận được tin dữ, tôi đóng cửa phòng một ngày. Tôi như một gốc cây bị đốn ngã. Tôi đánh điện về an ủi các em  nhưng tôi thì không an ủi được, sao trên đời có những chuyện “lỡ hẹn” đớn đau đến thế, hả em?

Tôi đọc kinh cầu nguyện cho thầy, cho tôi, và cho các em. Tôi viết những dòng này cho các em trong khi bên ngoài gió thổi rất mạnh. Tôi xin các em tạm nghỉ công việc một vài ngày. Chúng ta hãy nhìn lại nhau, để biết thương nhau hơn. Tôi gửi em tất cả niềm tin cậy của tôi.

Bầy ong siêng năng

Thư gửi các con của Thầy

Đầu năm nay Thầy có ý muốn viết một cuốn sách (cho vui) về thầy trò mình với đề sách là “Học trò tôi” hoặc “Đệ tử tôi” hay là “Học trò tôi và tôi” (my disciples and me), kể chuyện từng đứa lớn lên thế nào, gặp Thầy thế nào, đi xuất gia làm sao, gặp những chướng ngại nào, may mắn nào, trong liên hệ thầy trò và giữa anh chị em có những khó khăn nào, những ngại ngùng nào, những hạnh phúc nào, những cơ hội nào, những chuyển hóa nào, v.v.. Thầy nghĩ mình nói lên được sự thật nhiều từng nào thì sách sẽ hay chừng ấy và công việc biên tập cũng như công bố sẽ cho mình rất nhiều niềm vui và cũng cho độc giả mình rất nhiều niềm vui. Vui nhất là thầy trò mình cùng ghi chung được vào một tập sách rất nhiều chi tiết của sự sống tu tập, hành đạo và giúp đời, để thỉnh thoảng đem ra đọc chơi với nhau rồi cứ theo đó mà bổ túc cho sách ngày càng thêm giàu có. Nó cũng có thể là cơ hội để mình soi chiếu nội tâm, lý tưởng và sự thực tập của mình. Mình chỉ xuất bản khi nào mình thấy “tạm vừa ý” thôi, phải không? Các con sẽ phải mỗi người tự viết phần mình, viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, hoặc vừa Việt vừa Anh cũng không sao, Thầy sẽ thêm phần của Thầy vào rồi thầy trò mình sẽ làm việc biên tập (editing) chung cho vui.

Nhưng trong chuyến đi này Thầy lại có thêm một ý khác là thầy trò mình có thể viết về các cuộc du hành hoằng hóa của tăng đoàn mình, mục đích cũng là để ghi lại những chuyện rất hay mà mình có thể chia sẻ với hằng triệu người thân. Tại vì Thầy thấy tăng đoàn mình đi hành đạo cũng đẹp lắm, không kém gì tăng đoàn thời nguyên thủy. Có nhiều lúc Thầy thấy các con của Thầy làm việc chung một cách thầm lặng và chuyên cần như một bầy ong và Thầy cảm thấy rất hạnh phúc – hạnh phúc nhiều lắm. Mùa xuân này tại Làng Mai trong khóa tu 21 ngày với đề tài Con Mắt Của Bụt, Thầy có nói nhiều tới Tăng thân như một bầy ong. Các con ong màu vàng. “Sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai, vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng” (trong bài thơ Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng). Tăng đoàn của mình là tăng đoàn áo nâu nhưng thỉnh thoảng cũng biến thành tăng đoàn màu vàng để truyền giới, đi đâu cũng đi thành từng đoàn, làm gì cũng làm chung với nhau, rất đẹp. Có vài người từng bị nghe những lời xuyên tạc, khi được gặp tăng đoàn, thấy tăng đoàn tươi mát, hạnh phúc, làm việc chuyên cần và im lặng bên nhau, có đủ thương yêu, hòa hợp và rất dễ thương với họ, họ đã giật mình tỉnh thức và tự cải chính lấy những lời đàm tiếu họ đã từng nghe. Chúng ta đã từng đi nhiều chuyến ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ, tổ chức những khóa tu thật lớn, những ngày chánh niệm thật lớn, những buổi pháp thoại thật lớn có khi có cả bốn hoặc năm ngàn người tham dự. Cả thầy lẫn trò đã học hỏi được rất nhiều về cách tổ chức và hướng dẫn. Mỗi năm chúng ta đều có dịp học thêm và trong tương lai sẽ còn được học hỏi thêm nữa. Nhưng ngó lại thì trong năm nay, năm 2000, các con của Thầy đã giỏi lắm, chính Thầy cũng phải khen thầm. Các con giỏi không những khi thiết kế với nhau mà còn giỏi khi điều hợp công tác với người cư sĩ, lại biết nhận diện và sử dụng tài năng của họ, điều này thật quý. Tuy giữa chúng ta thỉnh thoảng cũng còn có một vài khó khăn, tuy giữa ta với người cư sĩ thỉnh thoảng cũng còn có một vài khó khăn, nhưng đó là chuyện đương nhiên phải có để giúp chúng ta được tiếp tục học hỏi thêm mỗi ngày, và những khó khăn đó bao giờ ta cũng vượt được nhờ sự hành trì giới luật, uy nghi, các pháp môn điều trị và làm mới.

Một khóa tu, một ngày quán niệm hay một buổi diễn thuyết công cộng lớn thường phải cần ít ra là một năm để chuẩn bị. Các con đã thiết kế ra sao, chuẩn bị thế nào, phân công làm sao, điều này chúng ta có thể ghi lại và chia sẻ với Tăng thân, với các sư em sau này và với các bạn khác. Có những khó khăn nào, những trở ngại nào, những trợ duyên nào, ta đều nên ghi chép lại. Ai làm gì thì ghi chép cái ấy, làm chung thì cũng ghi chép phần mình và nhận xét của mình. Những buổi họp chúng, đề cử người đi, những khó khăn trong việc ra thông cáo, thông bạch, đăng báo, truyền thanh, truyền hình, những đêm không được thức khuya làm việc với máy vi tính, những khó khăn không được Thầy và sư anh sư chị hiểu kịp cho, những khi phải mua vé trễ, tìm hãng xe để thuê, người đã có tên trong danh sách đi, bây giờ vì một lý do nào đó lại không đi được, và những điều xảy ra bất ngờ không tính trước, v.v… Ta phải ghi lại hết để mà khóc mà cười với nhau cho vui.

Các con nhớ lại mà xem, việc các sư anh, sư chị và sư em đi qua Escondido để chuẩn bị nơi cư trú cho tăng đoàn trong thời gian tăng đoàn lưu trú tại miền Nam Cali cũng đã ly kỳ không kém việc ông trưởng giả Cấp Cô Độc và thầy Xá Lợi Phất đi bộ từ Tu viện Trúc Lâm ở thủ đô Vương Xá đến thủ đô Xá Vệ và tìm mua được đất của thái tử Kỳ Đà. Nội về việc này cũng đã là một giai thoại lớn với tất cả những chi tiết li kì như sư em Pháp Dung gặp sư tử núi, như việc một con rắn từ trong rổ may của sư chị Trung Chính bò ra. (Chàng Pritam nói: “Nếu tôi mà như sư cô Trung Chính thì tôi sẽ bị heart attack mà chết ngay trước khi bị rắn cắn”). Rồi đến việc thầy Giác Thanh “dấn thân” hết mình, đứng ra giúp tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo tại chùa Huệ Quang. Có ai trước đây đã tưởng tượng có một thầy Giác Thanh đầy dẫy năng lượng như thế không?

Cuốn sách này mình tạm đặt tên là “bầy ong siêng năng”, trong khi chờ đợi một cái tên hay hơn. Các con ai đã ở vào vị trí và trách vụ nào thì viết về những gì mình đã trải qua, đã nghe và đã thấy. Trong các khóa tu, mình nghe và thấy cũng thật nhiều. Sư em Pháp Niệm và Pritam ngồi trong một nhóm pháp đàm ở khóa tu tại trường đại học UCSD đã nghe một thiền sinh Mỹ tám mươi mốt tuổi kể chuyện tại sao ông tới khóa tu. Ông nói tuy ông đã về hưu rồi, nhưng ông vẫn còn cổ phần trong thị trường chứng khoán. Gần đây giá cổ phần của ông xuống thấp quá, ông bị depression nặng. Ông phải đi bác sĩ tâm lý trị liệu để chữa. Ông thầy tâm lý nói: “Thôi ông đừng nhờ tôi chữa nữa. Hãy dùng số tiền đáng lý phải trả cho tôi để ghi tên vào khóa tu thầy Nhất Hạnh sẽ mở vào tuần tới tại UCSD. Tôi chắc là tới đó tu sáu ngày thế nào ông cũng hết depression”. Ông bác sĩ tâm lý này đã đọc sách Thầy, đã dự khóa tu và đã có từ bi đến mức không cần giữ khách hàng cho mình nữa. Bà vợ ông thiền sinh cũng đã bảy mươi bốn tuổi. Bà nói trong buổi pháp đàm là hai ông bà đã từng học đủ các đạo mà chưa thấy có đạo nào dạy thật rõ ràng, minh bạch về bản thân mình và cũng chưa thấy có đạo nào có tinh thần lạc quan, cởi mở và thực tiễn như đạo Bụt mà Thầy đang dạy. Nghe kể chuyện, Thầy nói “mình nên ghi tên hai ông bà lại để khi kể, mình biết “nói có sách, mách có chứng”. Những chuyện như vậy thật vui và đáng ghi chép, các con nghĩ có đúng không? Thầy biết mỗi người chúng ta đều có những chuyện như vậy để kể lại.

Hôm nay, chiều 20.9.00, Thầy có ý mời các con viết chung cuốn “bầy ong siêng năng” trước, ít nhất là ghi chép lại để đừng quên. Ghi chép chuyện hôm nay xong thì để thêm năm bảy phút ghi chép chuyện hôm qua và chuyện của các khóa trước. Hành văn cũng được mà ghi “notes” cũng được. Việc này vui lắm. Rồi trong khóa tu mùa đông, mình sẽ viết chung tập kia tức là tập “Thầy trò tôi”, vừa viết vừa học tiếp “Nhiếp Đại Thừa Luận”. Các con có bằng lòng không?

Thơ này Thầy sẽ đồng thời gửi cho các con của Thầy ở cả các xóm Thượng, Hạ, Mới, Thạch, Tùng, Trong Sáng, Vững Chãi và Bạch Vân. Thầy nghĩ tới tất cả các con và Thầy đang có hạnh phúc. Thầy ôm tất cả vào lòng và hôn trên trán từng đứa, ý thức rằng thầy trò mình đang được sống chung bên nhau.

 

Nhất Hạnh


Ta đang còn có nhau

Xóm Thượng, tuần thứ hai của khóa tu mùa Hè 2000
Các con rất thương quý của Thầy,

Chúng ta đang ở vào tuần thứ hai của khóa tu mùa Hè 2000, mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm, mỗi người trong chúng ta đều phải thức khuya dậy sớm, nhưng Thầy vẫn có thì giờ nghĩ đến các con và viết thư cho các con, và Thầy  biết các con cũng sẽ có thì giờ để đọc thơ Thầy. Dù các con đang ở xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới, Thanh Sơn, Rừng Phong hay Lộc Uyển, thì trách vụ và sự thực tập của chúng ta cũng giống hệt như nhau: đi từng bước vững chãi, thở từng hơi chánh niệm, gây niềm tin và hạnh phúc cho nhau và cho những người đến chúng ta. Trong chúng ta ai cũng có giữ được tâm của buổi ban đầu: chúng ta ai cũng tìm hướng đi lên chứ không ai chịu đi vòng quanh để tìm một chút ít tiện nghi và lời khen ngợi. Thầy có ý thức là chúng ta đang được sống bên nhau; Thầy cảm thấy sự có mặt của từng đứa con của Thầy và Thầy rất hạnh phúc. Mới mấy hôm trước đây sư em Anh Nghiêm đến ngồi gần bên sư anh Pháp Niệm và nói: “Thầy khen sư anh có khả năng đến với tất cả mọi người trong chúng và chơi được với tất cả mọi người trong chúng. Sư em cũng muốn sư anh chỉ cách để em cũng có thể làm được như sư anh.” Thầy nghe Pháp Niệm kể lại như thế và Thầy rất vui. Nếu mọi người trong chúng ta đều có niềm thao thức đó của sư em Anh Nghiêm thì hạnh phúc của tăng thân ta không mỗi ngày mỗi tăng tiến sao được?

Ngày xưa lớp của Thầy tại chùa Báo Quốc khá đông; anh em chơi với nhau rất thân, tưởng chừng như sẽ có nhau mãi mãi, ai dè bây giờ Thầy nhìn lại thì hầu như không còn ai. Những người em nhỏ nhất của Thầy cũng không còn, như Thầy Châu Toàn và Thầy Châu Đức. Bây giờ chỉ vẻn vẹn còn lại một hòa thượng Thiện Hạnh và một hòa thượng Thiện Bình. Thầy nhớ mấy câu thơ của Hoàng Cầm nói về các bức tranh Đông Hồ: “Mẹ con đàn lợn âm dương chia lìa đôi ngả, đám cưới chuột đang từng bừng rộn rã, bây giờ tan tác về đâu? “Các con đã thấy tranh đông hồ vẽ lợn âm dươngđám cưới chuột chưa? Trên xóm Thượng Thầy có đủ một bộ tranh Đông Hồ đó, vị nào muốn xem thì lên đây Thầy đưa cho xem. Nhìn lại, thấy chúng ta đang còn có nhau, cùng theo một pháp môn, muốn gọi nhau lúc nào cũng được, được đi thiền hành cùng nhau, được ngồi ăn cơm chánh niệm với nhau, được kiết đông an cư với nhau, điều này thật là hi hữu, Thầy không cảm thấy hạnh phúc sao được?

Tuy thỉnh thoảng trong chúng ta cũng có người vụng dại gây vài khó khăn và sự hờn tủi cho nhau, nhưng đó không phải là vì ta cố ý. Thầy cũng có khi còn vụng về, và Thầy biết luôn luôn các con sẵn sàng tha thứ cho Thầy. Thầy rất biết ơn các con, biết ơn một cách rất sâu sắc. Các con cho Thầy rất nhiều hạnh phúc, và hạnh phúc của Thầy càng ngày càng lớn khi thấy các con thương nhau và bỏ qua những lỡ lầm vụng dại của nhau. Ai trong chúng ta cũng biết rằng càng hòa thuận, càng thương yêu nhau thì ta càng độ được nhiều người và trở thành nơi nương tựa cho nhiều người. Thầy thấy trong chúng ta ai cũng bước được nhiều bước trên con đường tu tập và chuyển hóa. Ai cũng đã chuyển hóa, người thì mau hơn, người thì chậm hơn, chỉ có như vậy thôi. Thầy mong ước ai cũng trở nên giáo thọ, vị Sadi và Sadini nào đến lúc cũng được thọ giới lớn. Thầy không muốn ai bị sót trở lại. Nhưng Thầy cần tăng thân giúp đỡ Thầy để nâng đỡ cho các đương sự, và Thầy cũng cần các con giúp Thầy một tay.

Thời thế chuyển biến rất nhanh và có thể trong một ngày gần đây chúng ta sẽ được giao phó những trách vụ mới, nhất là ở quê hương. Thầy đã lớn tuổi, nhưng Thầy mong ước sẽ có mặt được với các con trong những công trình ấy, những công trình mà Thầy nghĩ là Bụt và các vị Tổ sư của chúng ta đã giao phó. Các con có đủ thông minh và tài năng, các con chỉ cần thương nhau và nắm lấy tay nhau thì không có chuyện gì mà các con lại không làm được.

Trong những tuần qua dù nhiệm vụ có nhiều, Thầy cũng đã tìm ra thì giờ và năng lượng để soi sáng và dùi dắt những đứa con nào của Thầy cần soi sáng  và dìu dắt những đứa con nào của Thầy cần soi sáng và dìu dắt. Bây giờ thì tất cả đều êm đẹp, và ai cũng đã làm mới. Ai cũng đã bỏ lại được quá khứ sau lưng và chấp trì lấy hiện tại, Thầy rất mừng.

Mai mốt, nghĩa là sau khóa hè, nhiều vị trong Tăng thân lại phải lên đường hoằng hóa, sẽ có không ít những con chim cất cánh lên đường. Tuy nhiên trong hiện tại chúng ta đang được sống bên nhau, làm việc với nhau. Thầy viết lá thư này chủ chốt là để nhắc các con của Thầy về sự kiện ấy. Thầy ôm tất cả các con vào lòng, với tất cả tình thương và niềm tin cậy.

Thầy
Nhất Hạnh

Bước chân con hãy về thanh thản

“Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng”

“Bước chân con hãy về thanh thản” – đây là sự thực tập của con, của các con. Nguyên tắc chỉ đạo cho sự thực tập này nằm gọn trong chữ Về. Về ở đây là không còn đi lang thang tìm kiếm. Về ở đây nghĩa là đã thấy được con đường của mình. Về đây là về nhà (back at your true home), về với hải đảo tự thân, về với bản tính chân thật của mình. Về đây là về với Tổ tiên, về với đất nước, về với cha mẹ, về với Thầy, về với chánh pháp, về với Tăng thân. Nơi chốn quê hương có tình nghĩa, có sự ấm áp và an lạc. Về đây cũng có nghĩa là về với con cháu của chính con. Nếu mình không về với con cháu thì con cháu sẽ bơ vơ biết bao, và chính mình cũng còn bơ vơ. Con hãy đọc chương nói về vua Trần Thái Tông trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 1. Vua cũng đã từng diễn tả sự thực tập của vua là sự thực tập về nhà.

“Về thanh thản” có nghĩa là con không phải hấp tấp vội vã, bởi vì theo pháp môn tu tập của chúng ta, mỗi bước chân đều có thể đưa ta trở về. Chỉ cần một bước là ta đã về, đã tới. Vì vậy hai chữ “thanh thản” ở đây cũng rất là quan trọng.

“Ngược dòng chân tính từ lâu, chúng con trôi nổi biển sầu mê..” Hai câu này trong bài Quy Mạng cũng kêu gọi một sự trở về, trở về với chân tính. Với từng bước chân thanh thản, con trở về trong từng giây từng phút. Sự thực tập này đem lại hạnh phúc, an lạc và thảnh thơi. Những chất liệu này nuôi dưỡng được con, nuôi dưỡng được chúng, nuôi dưỡng được Thầy, nuôi dưỡng được cha mẹ, Tổ tiên và con cháu.

Sự thực tập của Thầy cũng không khác. “Ta vẫn còn đến đi thong dong”. Chừng nào Thầy còn đến đi thong dong (coming, going, moving around with freedom) thì Thầy vẫn còn là nơi nương tựa cho con, cho các con. Và chừng nào các con vẫn còn trở về với những bước chân thanh thản thì các con vẫn còn là chỗ nương tựa và tiếp nối của Thầy. Và tuy nhìn bề ngoài ta có thể thấy tướng đầy tướng vơi xuất hiện nhưng trong bản chất nội dung thì vầng trăng vẫn là vầng trăng, không bị ý niệm khuyết tròn che lấp. “Không tròn không khuyết một vầng trăng”.

Thầy

Đất ruộng tìm về với nông dân

Thất ngồi yên, bảy giờ sáng, ngày 31 tháng 07 năm 2001

Đây là thơ Thầy viết cho các con ở ba đạo tràng Mai Thôn, Rừng Phong và Lộc Uyển. Hôm nay là ngày chót của tuần lễ thứ ba trong khóa tu mùa Hè ở Mai Thôn. Thiền sinh ở cả ba xóm đều đang có hạnh phúc. Thầy nghe nói trong các buổi pháp đàm ở xóm Thượng nhiều người đã khóc và chia sẻ hết mình về tâm tư và cuộc đời của họ. Thầy cũng nghe nói thiền sinh xóm Trung năm nay hạnh phúc nhiều hơn năm ngoái gấp bội. Tại các xóm Hạ và Mới, thiền sinh cũng biểu lộ rất nhiều hạnh phúc và thấy các thầy các sư cô Làng Mai đang lưu tâm săn sóc cho họ tận tình.

Năm nay thật nhiều trẻ em và thiếu nhi thiếu nữ ngoại quốc tới tu học, điều này làm Thầy rất vui. Hầu hết các em đều rất ngoan. Thầy có nói với một số các Thầy và các Sư cô rằng đó là những thửa ruộng tốt nhất mà trong đó mình có thể gieo trồng những hạt giống chánh pháp. Chúng ta như những người cày ruộng và gieo mạ. Thiền sinh là đất ruộng để ta gieo trồng. Đất ruộng tìm tới với nông dân. Hạnh phúc lớn của chúng ta là được tiếp tục sự nghiệp của đức Thế Tôn và tăng đoàn nguyên thỉ để gieo trồng hạt giống Phật pháp trong thế gian. Thầy biết các con của Thầy đang mỗi người trong vị thế của mình im lặng làm công việc ấy với tinh thần của tăng thân đồng đội. Phẩm chất hòa hợp của tăng thân năm nay rất cao, Thầy chưa nghe thấy có sự than phiền nào giữa các anh chị em với nhau. Ngày hôm nay tờ nhật báo Le Monde có đăng một bài dài về đạo tràng Mai Thôn của ký giả Henri Tincq viết và hàng triệu người đang đọc. Mai mốt người Pháp về Làng Mai tu học có thể rất đông, và chúng ta sẽ phải đành lòng nói “non” với rất nhiều người tri kỉ. Thật là tội nghiệp.

Năm nay cũng là một năm “thật đầy” không thua gì năm ngoái. Cuối năm nay các thầy các sư cô trẻ được truyền đăng đông lắm, làm Thầy rất vui. Mận của Làng đã chín. Và các con đã có tiến bộ rất nhiều nhất là trong lĩnh vực chăm sóc và dạy dỗ cho các sư em.

Hè năm nay có một số các Thầy lớn ở Việt Nam qua Làng Mai. Quý vị có vẻ có nhiều hạnh phúc khi thấy người Âu Mỹ tu học nghiêm chỉnh và thành công. Thầy có ý định mời quý Thầy viết cho tập kỷ yếu 20 năm Làng Mai, mỗi vị một bài, về cảm tưởng và nhận xét của các Thầy về sự tu học ở đây. Những bài ấy mình sẽ dịch thành Anh và Pháp ngữ để đăng trong tập kỷ yếu. Trong khóa tu mùa hè này Thầy cũng có dịp viết một bài về thiền để đăng trong tập Bách Khoa Y Khoa ở Hà Nội theo lời yêu cầu của một bác sĩ đang làm việc trong bộ Văn Hóa. Vị bác sĩ này nói là rất đông đọc giả tại Việt Nam đang trông chờ đọc bài của Thầy. Thầy cũng đã tìm ra được thì giờ để dịch truyện kiều ra văn xuôi cho tuổi trẻ đọc. Công việc này, Thầy nghĩ, chắc cũng phải đến cuối năm mới xong. Dịch Truyện Kiều ra văn xuôi còn khó hơn dich Kinh Tạp A Hàm.

Mùa Thu này Thầy và phái đoàn Làng Mai sẽ có dịp gặp các con ở Rừng Phong, Thanh Sơn và Lộc Uyển. Mùa Đông này sẽ có nhiều di chuyển, nhưng tất cả những di chuyển ấy chỉ tạo thêm nhiều niềm vui. Ở đâu thì cũng ở trong gia đình của Mr. Brown, ở đâu thì mình cũng có thể là bông hoa tươi mát cho cuộc đời.

Thầy lạy Bụt gia hộ cho các con của Thầy được an ổn, trong thân cũng như trong tâm, và nuôi dưỡng được niềm vui làm chỗ nương tựa cho Tăng thân và cho mọi người. Thầy thấy rất rõ các con là sự tiếp nối của Bụt của Tổ và của Thầy. Thầy thấy nơi các con, Thầy thấy Thầy bất diệt. Thầy có đức tin nơi các con, đức tin này vững chắc không ai có thể làm lung lay được.

Hạnh phúc của Thầy rất lớn, nhiều lúc lớn quá khiến Thầy có cảm tưởng là Thầy không đủ sức ôm được hết. Thầy cần các con giúp Thầy tiếp nhận và giữ gìn hạnh phúc ấy, cho mình và cho mọi người đến với mình.

Thầy ôm tất cả vào lòng với tất cả niềm thương yêu và tin cậy.

Thầy của các con

Sự tiếp nối đẹp

Thất Ngồi Yên, 02-04-2002

Khóa tu Francophone đang diễn biến tốt đẹp, các con làm việc rất giỏi, thiền sinh mới rất đông và họ rất hạnh phúc. Các con nhớ đi, đứng, nói, cười cho thật thong dong và chánh niệm, nhất là các em mới xuất gia. Đừng hấp tấp, đừng vừa đi vừa nói. Cô nào chú nào cũng là Thầy, cũng là sự tiếp nối của Thầy. Lá thư Làng Mai số tết đã tạo hạnh phúc rất nhiều, ở Việt Nam cũng như ở Đức và ở Mỹ. Ở Việt Nam lá thư ấy đã được in và phát hành thành sách, dầy tới 373 trang. Chỉ tiếc là họ không in được hình bìa của mình. Thầy đang nghĩ tới vân tập kỷ niệm Ngày Em Hai Mươi Tuổi, và mong các con, người nào cũng đóng góp được một bài. Có một số vị đã viết bài vào thời gian Thầy Pháp Niệm đã viết, những bài ấy có thể được in, nhưng nếu các con thấy có thể viết cận đại hơn và sống động hơn thì nên viết bài mới. Dài ngắn gì cũng được, miễn là có góp phần của mình. Nếu có thể tự mình đánh máy vào đĩa, hay nhờ anh chị em mình đánh máy vào đĩa rồi trao lại cho sư anh Pháp Hội hay sư em Pháp Duệ thì đỡ công cho các vị này lắm. Phải có một vài vị lấy máy thu thanh đi phỏng vấn để có bài của những ai không quen viết hay làm biếng viết. Sư em Pháp Duệ đã được Thầy nhờ chụp hình tất của tất cả các sư anh, sư chị và sư em để tập kỷ yếu có hình của tất cả mọi người, kể cả những “cố nhân”. Sư em Pháp Duệ nên nhờ các sư anh của mình bên Rừng Phong và Lộc Uyển làm giúp công việc này bên ấy. Hội Nghiêm muốn viết bài hay hơn cứ viết, in một lần hai bài cũng được. Thầy muốn các con ai cũng đóng góp trong ấy. Ai có hình đẹp của Làng thì đem cho sư anh Pháp Ấn để tìm cách in vào tập kỷ yếu. Hãy cùng làm chung như gói bánh chưng ngày Tết, cho vui. Thầy sẽ viết thêm một bài.

Thầy rất muốn mỗi buổi sáng các con uống một ly nước ấm thật lớn, hai ly càng tốt. Khi mua kem đánh răng hãy thử mua Fluocaril bi-fluore 250, thứ này rất tốt, cứ thế chận đứng caries rất mau lẹ, và rất có hiệu nghiệm. Phải mua ở tiệm thuốc tây mới có. Tháng tư ăn mặc cho đủ ấm bởi vì rất dễ bị cảm. Mai mốt mình nên tổ chức một Monastic day tại Nội viện cho vui, trước khi có khóa Tiếng Việt.

Thầy của các con.

___________________
Nhờ sư em Đẳng Nghiêm dịch thơ này ra anh ngữ giúp Thầy, cảm ơn con
.

Ý hòa đồng duyệt

Thất Ngồi Yên Xóm Thượng 25-07-02
Các con thương của Thầy,

 

Chúng ta đang ở giữa khóa hè, và tuy năm nay mình đã có mở một khóa tiếng Việt, một khóa tiếng Pháp và một khóa 21 ngày tiếng Anh rồi nhưng khóa mùa Hè vẫn đông, nhất là ở Xóm Trung. Tội nghiệp cho các Thầy và các sư cô ở xóm Trung quá, tại vì đây là xóm quá đông và đồng bào thèm nói chuyện nhiều quá thành ra sự thực tập im lặng hùng tráng khó hơn ở các xóm khác, vì vậy mà phẩm chất tu học không được cao như mình mong ước. Có lẽ mình phải xin với các bác và các anh chị trong Xóm giúp mình một tay để cho các pháp môn thực tập đem lại hiệu quả chuyển hóa tốt đẹp, gây đức tin và tạo hạnh phúc cho người về Làng.

Thầy rất vui khi thấy tăng thân làm việc với nhau hòa điệu, biết buông bỏ ý kiến mình khi ý kiến người kia hơi cứng, để duy trì sự hòa thuận và để tình huynh đệ không bị tổn thương. Thầy nhớ đến hình ảnh bàn tay cầm một chiếc đũa: nếu bàn tay bên này cầm đầu đũa quá mạnh thì bàn tay bên kia thả đuôi đũa ra để cho chiếc đũa không bao giờ bị gãy. Đó là phép thực tập mầu nhiệm, rất mầu nhiệm, gọi là tùy thuận. (Trong chúng có sư cô Thuận Nghiêm!) Buông ra như thế vài ba lần thì bên kia thấy được hạnh tùy thuận của mình và sẽ từ từ bớt đi thái độ cố thủ ý kiến. Ai cũng biết là hạnh phúc tăng thân dựa trên hòa điệu: ý hòa đồng duyệt là một quá trình thực tập lâu dài, không thể một sớm một chiều mà làm cho toàn hảo được.

Vài ngày làm biếng tuần thứ hai, các sư bé (baby monks, baby nuns) đã được về Nội viện sinh hoạt với nhau rất vui. Tuy cũng chấp tác, nấu nướng, dọn dẹp, tưới cây, v.v… nhưng các bé đã làm chung trong tinh thần hỗ trợ để giúp đỡ nhau nuôi dưỡng tâm bồ đề, điều này rất cảm động. Các bé còn chăm sóc và nấu cơm cho Thầy nữa. Thấy các bé làm việc và chơi với nhau rất hòa thuận, vui vẻ và êm đềm như thế, Thầy đã nói các bé sau buổi cơm trưa: You make me very happy. Như vậy là học trò nuôi Thầy rồi, có phải không?

Thầy cũng rất vui khi các cháu bé Tây phương chơi vui và thực tập giỏi dưới sự hướng dẫn của các Sư cô và sư chú. Các cháu rất có phước. Được tiếp xúc với giới xuất gia và với sự thực tập ngay từ hồi còn bé thơ như thế, thì chắc chắn sau này khi lớn lên các cháu sẽ cảm thấy rất thoải mái (at home) với đạo Bụt, và đạo Bụt sẽ trở thành quê hương tâm linh của các cháu. Bố mẹ các cháu tuy hâm mộ đạo Bụt và thực tập hết lòng nhưng dầu sao cũng không được bằng các cháu đâu. Thế hệ thứ hai sẽ thuần túy hơn, và nếu các cháu lớn lên và đi xuất gia thì chúng sẽ vững vàng hơn trong con đường thực tập và tỷ lệ những người xuất gia thành công sẽ cao hơn bây giờ nhiều. Vì vậy cho nên chăm sóc và hướng dẫn cho các cháu là một công việc rất đẹp đẽ. Hình ảnh người xuất gia đi đứng và hành xử trong chánh niệm và từ bi sẽ để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lòng các cháu.

Thiền sinh Âu Mỹ về Làng tu tập đã trở thành một tập tục rất tốt đẹp. Con cháu của họ cũng sung sướng được về Làng để tu tập với cha mẹ cũng là một điều khích lệ chúng ta rất nhiều. Các sư anh và sư chị có được nhiều sư em dễ thương và hết lòng tu tập, đó là tăng thân mình có phước lớn. Các sư em có sư anh và sư chị giỏi để nương nhờ, đó cũng là phước đức lớn. Kinh sách bằng ngọai ngữ và các khóa tu mở ra ở các nước đã đem lại cho chúng ta hàng trăm ngàn bạn đạo, mà tăng thân cống hiến. Tất cả những sự kiện này đem lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui và nuôi dưỡng ta rất nhiều. Thầy thấy rõ đây là công trình chung của tăng thân, được chư tổ nâng đỡ và hộ trì. Nếu không có sự nâng đỡ và hộ trì ấy thì chắc chắn chúng ta đã không làm được những điều đã làm – Kể cả chuyện hoằng pháp ở Trung Quốc, sự quảng bá rộng rãi trong thế gian bằng hàng chục thứ tiếng những cuốn sách có tầm vóc lớn, cho đến cả sự mở rộng vùng đồi núi của tổ đình Pháp Vân ở núi Thệ Nhật.

Trong chúng ta còn có những người chưa vượt thoát được vài khó khăn bản thân hoặc chưa chuyển hóa hoàn toàn những tập khí còn lại, nhưng sự kiện này rất bình thường chúng ta không cần lo ngại, bởi vì chúng ta biết có tu tập thì có thể chuyển hóa, dù có khi hơi lâu một chút. Mà tu tập và chuyển hóa không phải là vấn đề cá nhân. Nếu con còn có khó khăn thì Thầy và Tăng thân sẽ tu tập chung với con mà vượt thoát các khó khăn ấy: mình sẽ làm chung với nhau, con đừng lo ngại. We shall do it together. Chúng ta đừng tự đòi hỏi quá nhiều. Phải biết cho nhau thời gian và không gian, phải biết nương vào và sử dụng tăng thân để cùng tu tập và chuyển hóa. Như vậy thì sự chuyển hóa chắc chắn sẽ tới, ta không cần lo lắng hoặc có mặc cảm. Tin nhau và tu tập cùng nhau, đó là cách giải quyết tốt đẹp hơn hết.

Thầy biết vào tuần thứ ba này của khóa tu mùa Hè, trong lúc số lượng thiền sinh lên cao nhất, chúng ta phải để nhiều năng lượng và thời giờ vào công việc chăm sóc và hướng dẫn, do đó có vị sẽ cảm thấy mệt mỏi. Viết lá thư này Thầy muốn nhắc các con là các con đang có Thầy và có nhau bên cạnh. Thầy rất ý thức là các con đang dâng hiến tất cả trái tim của mình cho lý tưởng. Nụ cười và hạnh phúc của thiền sinh, của người lớn cũng như các cháu bé, là phần thưởng rất xứng đáng cho chúng ta. Chỉ còn hai tuần lễ nữa là Thầy đã lên đường đi Bắc Mỹ với một số các con rồi. Thầy rất muốn từ đây đến đó, Thầy trò mình sẽ có dịp đi thiền hành với nhau quanh ngọn núi Thệ Nhật, để ngắm những khu đồi núi mới được sát nhập vào đất chùa tổ Pháp Vân. Con đường rất đẹp, và cảnh trí ngoạn mục sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều niềm vui. Vùng đất mới mở về phía Tây, phía Nam và phía Đông. Tất cả vào khoảng 36 mẫu Tây. Nhưng chúng ta sẽ chỉ đi chơi một vòng trên con đường đẹp nhất và chỉ cần tới khoảng sáu mươi hoặc bảy mươi phút. Hy vọng hôm ấy trời đẹp.

Thầy ôm tất cả các con vào lòng.
Thầy thương và tin cậy.

 

(Thư này Thầy cũng gởi cho các con của Thầy ở Rừng Phong và Lộc Uyển. Chỉ trong vòng mười hôm nữa là Thầy đã có mặt ở bên ấy với các con rồi.)