Bầy ong siêng năng

Thư gửi các con của Thầy

Đầu năm nay Thầy có ý muốn viết một cuốn sách (cho vui) về thầy trò mình với đề sách là “Học trò tôi” hoặc “Đệ tử tôi” hay là “Học trò tôi và tôi” (my disciples and me), kể chuyện từng đứa lớn lên thế nào, gặp Thầy thế nào, đi xuất gia làm sao, gặp những chướng ngại nào, may mắn nào, trong liên hệ thầy trò và giữa anh chị em có những khó khăn nào, những ngại ngùng nào, những hạnh phúc nào, những cơ hội nào, những chuyển hóa nào, v.v.. Thầy nghĩ mình nói lên được sự thật nhiều từng nào thì sách sẽ hay chừng ấy và công việc biên tập cũng như công bố sẽ cho mình rất nhiều niềm vui và cũng cho độc giả mình rất nhiều niềm vui. Vui nhất là thầy trò mình cùng ghi chung được vào một tập sách rất nhiều chi tiết của sự sống tu tập, hành đạo và giúp đời, để thỉnh thoảng đem ra đọc chơi với nhau rồi cứ theo đó mà bổ túc cho sách ngày càng thêm giàu có. Nó cũng có thể là cơ hội để mình soi chiếu nội tâm, lý tưởng và sự thực tập của mình. Mình chỉ xuất bản khi nào mình thấy “tạm vừa ý” thôi, phải không? Các con sẽ phải mỗi người tự viết phần mình, viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, hoặc vừa Việt vừa Anh cũng không sao, Thầy sẽ thêm phần của Thầy vào rồi thầy trò mình sẽ làm việc biên tập (editing) chung cho vui.

Nhưng trong chuyến đi này Thầy lại có thêm một ý khác là thầy trò mình có thể viết về các cuộc du hành hoằng hóa của tăng đoàn mình, mục đích cũng là để ghi lại những chuyện rất hay mà mình có thể chia sẻ với hằng triệu người thân. Tại vì Thầy thấy tăng đoàn mình đi hành đạo cũng đẹp lắm, không kém gì tăng đoàn thời nguyên thủy. Có nhiều lúc Thầy thấy các con của Thầy làm việc chung một cách thầm lặng và chuyên cần như một bầy ong và Thầy cảm thấy rất hạnh phúc – hạnh phúc nhiều lắm. Mùa xuân này tại Làng Mai trong khóa tu 21 ngày với đề tài Con Mắt Của Bụt, Thầy có nói nhiều tới Tăng thân như một bầy ong. Các con ong màu vàng. “Sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai, vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng” (trong bài thơ Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng). Tăng đoàn của mình là tăng đoàn áo nâu nhưng thỉnh thoảng cũng biến thành tăng đoàn màu vàng để truyền giới, đi đâu cũng đi thành từng đoàn, làm gì cũng làm chung với nhau, rất đẹp. Có vài người từng bị nghe những lời xuyên tạc, khi được gặp tăng đoàn, thấy tăng đoàn tươi mát, hạnh phúc, làm việc chuyên cần và im lặng bên nhau, có đủ thương yêu, hòa hợp và rất dễ thương với họ, họ đã giật mình tỉnh thức và tự cải chính lấy những lời đàm tiếu họ đã từng nghe. Chúng ta đã từng đi nhiều chuyến ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ, tổ chức những khóa tu thật lớn, những ngày chánh niệm thật lớn, những buổi pháp thoại thật lớn có khi có cả bốn hoặc năm ngàn người tham dự. Cả thầy lẫn trò đã học hỏi được rất nhiều về cách tổ chức và hướng dẫn. Mỗi năm chúng ta đều có dịp học thêm và trong tương lai sẽ còn được học hỏi thêm nữa. Nhưng ngó lại thì trong năm nay, năm 2000, các con của Thầy đã giỏi lắm, chính Thầy cũng phải khen thầm. Các con giỏi không những khi thiết kế với nhau mà còn giỏi khi điều hợp công tác với người cư sĩ, lại biết nhận diện và sử dụng tài năng của họ, điều này thật quý. Tuy giữa chúng ta thỉnh thoảng cũng còn có một vài khó khăn, tuy giữa ta với người cư sĩ thỉnh thoảng cũng còn có một vài khó khăn, nhưng đó là chuyện đương nhiên phải có để giúp chúng ta được tiếp tục học hỏi thêm mỗi ngày, và những khó khăn đó bao giờ ta cũng vượt được nhờ sự hành trì giới luật, uy nghi, các pháp môn điều trị và làm mới.

Một khóa tu, một ngày quán niệm hay một buổi diễn thuyết công cộng lớn thường phải cần ít ra là một năm để chuẩn bị. Các con đã thiết kế ra sao, chuẩn bị thế nào, phân công làm sao, điều này chúng ta có thể ghi lại và chia sẻ với Tăng thân, với các sư em sau này và với các bạn khác. Có những khó khăn nào, những trở ngại nào, những trợ duyên nào, ta đều nên ghi chép lại. Ai làm gì thì ghi chép cái ấy, làm chung thì cũng ghi chép phần mình và nhận xét của mình. Những buổi họp chúng, đề cử người đi, những khó khăn trong việc ra thông cáo, thông bạch, đăng báo, truyền thanh, truyền hình, những đêm không được thức khuya làm việc với máy vi tính, những khó khăn không được Thầy và sư anh sư chị hiểu kịp cho, những khi phải mua vé trễ, tìm hãng xe để thuê, người đã có tên trong danh sách đi, bây giờ vì một lý do nào đó lại không đi được, và những điều xảy ra bất ngờ không tính trước, v.v… Ta phải ghi lại hết để mà khóc mà cười với nhau cho vui.

Các con nhớ lại mà xem, việc các sư anh, sư chị và sư em đi qua Escondido để chuẩn bị nơi cư trú cho tăng đoàn trong thời gian tăng đoàn lưu trú tại miền Nam Cali cũng đã ly kỳ không kém việc ông trưởng giả Cấp Cô Độc và thầy Xá Lợi Phất đi bộ từ Tu viện Trúc Lâm ở thủ đô Vương Xá đến thủ đô Xá Vệ và tìm mua được đất của thái tử Kỳ Đà. Nội về việc này cũng đã là một giai thoại lớn với tất cả những chi tiết li kì như sư em Pháp Dung gặp sư tử núi, như việc một con rắn từ trong rổ may của sư chị Trung Chính bò ra. (Chàng Pritam nói: “Nếu tôi mà như sư cô Trung Chính thì tôi sẽ bị heart attack mà chết ngay trước khi bị rắn cắn”). Rồi đến việc thầy Giác Thanh “dấn thân” hết mình, đứng ra giúp tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo tại chùa Huệ Quang. Có ai trước đây đã tưởng tượng có một thầy Giác Thanh đầy dẫy năng lượng như thế không?

Cuốn sách này mình tạm đặt tên là “bầy ong siêng năng”, trong khi chờ đợi một cái tên hay hơn. Các con ai đã ở vào vị trí và trách vụ nào thì viết về những gì mình đã trải qua, đã nghe và đã thấy. Trong các khóa tu, mình nghe và thấy cũng thật nhiều. Sư em Pháp Niệm và Pritam ngồi trong một nhóm pháp đàm ở khóa tu tại trường đại học UCSD đã nghe một thiền sinh Mỹ tám mươi mốt tuổi kể chuyện tại sao ông tới khóa tu. Ông nói tuy ông đã về hưu rồi, nhưng ông vẫn còn cổ phần trong thị trường chứng khoán. Gần đây giá cổ phần của ông xuống thấp quá, ông bị depression nặng. Ông phải đi bác sĩ tâm lý trị liệu để chữa. Ông thầy tâm lý nói: “Thôi ông đừng nhờ tôi chữa nữa. Hãy dùng số tiền đáng lý phải trả cho tôi để ghi tên vào khóa tu thầy Nhất Hạnh sẽ mở vào tuần tới tại UCSD. Tôi chắc là tới đó tu sáu ngày thế nào ông cũng hết depression”. Ông bác sĩ tâm lý này đã đọc sách Thầy, đã dự khóa tu và đã có từ bi đến mức không cần giữ khách hàng cho mình nữa. Bà vợ ông thiền sinh cũng đã bảy mươi bốn tuổi. Bà nói trong buổi pháp đàm là hai ông bà đã từng học đủ các đạo mà chưa thấy có đạo nào dạy thật rõ ràng, minh bạch về bản thân mình và cũng chưa thấy có đạo nào có tinh thần lạc quan, cởi mở và thực tiễn như đạo Bụt mà Thầy đang dạy. Nghe kể chuyện, Thầy nói “mình nên ghi tên hai ông bà lại để khi kể, mình biết “nói có sách, mách có chứng”. Những chuyện như vậy thật vui và đáng ghi chép, các con nghĩ có đúng không? Thầy biết mỗi người chúng ta đều có những chuyện như vậy để kể lại.

Hôm nay, chiều 20.9.00, Thầy có ý mời các con viết chung cuốn “bầy ong siêng năng” trước, ít nhất là ghi chép lại để đừng quên. Ghi chép chuyện hôm nay xong thì để thêm năm bảy phút ghi chép chuyện hôm qua và chuyện của các khóa trước. Hành văn cũng được mà ghi “notes” cũng được. Việc này vui lắm. Rồi trong khóa tu mùa đông, mình sẽ viết chung tập kia tức là tập “Thầy trò tôi”, vừa viết vừa học tiếp “Nhiếp Đại Thừa Luận”. Các con có bằng lòng không?

Thơ này Thầy sẽ đồng thời gửi cho các con của Thầy ở cả các xóm Thượng, Hạ, Mới, Thạch, Tùng, Trong Sáng, Vững Chãi và Bạch Vân. Thầy nghĩ tới tất cả các con và Thầy đang có hạnh phúc. Thầy ôm tất cả vào lòng và hôn trên trán từng đứa, ý thức rằng thầy trò mình đang được sống chung bên nhau.

 

Nhất Hạnh


Ta đang còn có nhau

Xóm Thượng, tuần thứ hai của khóa tu mùa Hè 2000
Các con rất thương quý của Thầy,

Chúng ta đang ở vào tuần thứ hai của khóa tu mùa Hè 2000, mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm, mỗi người trong chúng ta đều phải thức khuya dậy sớm, nhưng Thầy vẫn có thì giờ nghĩ đến các con và viết thư cho các con, và Thầy  biết các con cũng sẽ có thì giờ để đọc thơ Thầy. Dù các con đang ở xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới, Thanh Sơn, Rừng Phong hay Lộc Uyển, thì trách vụ và sự thực tập của chúng ta cũng giống hệt như nhau: đi từng bước vững chãi, thở từng hơi chánh niệm, gây niềm tin và hạnh phúc cho nhau và cho những người đến chúng ta. Trong chúng ta ai cũng có giữ được tâm của buổi ban đầu: chúng ta ai cũng tìm hướng đi lên chứ không ai chịu đi vòng quanh để tìm một chút ít tiện nghi và lời khen ngợi. Thầy có ý thức là chúng ta đang được sống bên nhau; Thầy cảm thấy sự có mặt của từng đứa con của Thầy và Thầy rất hạnh phúc. Mới mấy hôm trước đây sư em Anh Nghiêm đến ngồi gần bên sư anh Pháp Niệm và nói: “Thầy khen sư anh có khả năng đến với tất cả mọi người trong chúng và chơi được với tất cả mọi người trong chúng. Sư em cũng muốn sư anh chỉ cách để em cũng có thể làm được như sư anh.” Thầy nghe Pháp Niệm kể lại như thế và Thầy rất vui. Nếu mọi người trong chúng ta đều có niềm thao thức đó của sư em Anh Nghiêm thì hạnh phúc của tăng thân ta không mỗi ngày mỗi tăng tiến sao được?

Ngày xưa lớp của Thầy tại chùa Báo Quốc khá đông; anh em chơi với nhau rất thân, tưởng chừng như sẽ có nhau mãi mãi, ai dè bây giờ Thầy nhìn lại thì hầu như không còn ai. Những người em nhỏ nhất của Thầy cũng không còn, như Thầy Châu Toàn và Thầy Châu Đức. Bây giờ chỉ vẻn vẹn còn lại một hòa thượng Thiện Hạnh và một hòa thượng Thiện Bình. Thầy nhớ mấy câu thơ của Hoàng Cầm nói về các bức tranh Đông Hồ: “Mẹ con đàn lợn âm dương chia lìa đôi ngả, đám cưới chuột đang từng bừng rộn rã, bây giờ tan tác về đâu? “Các con đã thấy tranh đông hồ vẽ lợn âm dươngđám cưới chuột chưa? Trên xóm Thượng Thầy có đủ một bộ tranh Đông Hồ đó, vị nào muốn xem thì lên đây Thầy đưa cho xem. Nhìn lại, thấy chúng ta đang còn có nhau, cùng theo một pháp môn, muốn gọi nhau lúc nào cũng được, được đi thiền hành cùng nhau, được ngồi ăn cơm chánh niệm với nhau, được kiết đông an cư với nhau, điều này thật là hi hữu, Thầy không cảm thấy hạnh phúc sao được?

Tuy thỉnh thoảng trong chúng ta cũng có người vụng dại gây vài khó khăn và sự hờn tủi cho nhau, nhưng đó không phải là vì ta cố ý. Thầy cũng có khi còn vụng về, và Thầy biết luôn luôn các con sẵn sàng tha thứ cho Thầy. Thầy rất biết ơn các con, biết ơn một cách rất sâu sắc. Các con cho Thầy rất nhiều hạnh phúc, và hạnh phúc của Thầy càng ngày càng lớn khi thấy các con thương nhau và bỏ qua những lỡ lầm vụng dại của nhau. Ai trong chúng ta cũng biết rằng càng hòa thuận, càng thương yêu nhau thì ta càng độ được nhiều người và trở thành nơi nương tựa cho nhiều người. Thầy thấy trong chúng ta ai cũng bước được nhiều bước trên con đường tu tập và chuyển hóa. Ai cũng đã chuyển hóa, người thì mau hơn, người thì chậm hơn, chỉ có như vậy thôi. Thầy mong ước ai cũng trở nên giáo thọ, vị Sadi và Sadini nào đến lúc cũng được thọ giới lớn. Thầy không muốn ai bị sót trở lại. Nhưng Thầy cần tăng thân giúp đỡ Thầy để nâng đỡ cho các đương sự, và Thầy cũng cần các con giúp Thầy một tay.

Thời thế chuyển biến rất nhanh và có thể trong một ngày gần đây chúng ta sẽ được giao phó những trách vụ mới, nhất là ở quê hương. Thầy đã lớn tuổi, nhưng Thầy mong ước sẽ có mặt được với các con trong những công trình ấy, những công trình mà Thầy nghĩ là Bụt và các vị Tổ sư của chúng ta đã giao phó. Các con có đủ thông minh và tài năng, các con chỉ cần thương nhau và nắm lấy tay nhau thì không có chuyện gì mà các con lại không làm được.

Trong những tuần qua dù nhiệm vụ có nhiều, Thầy cũng đã tìm ra thì giờ và năng lượng để soi sáng và dùi dắt những đứa con nào của Thầy cần soi sáng  và dìu dắt những đứa con nào của Thầy cần soi sáng và dìu dắt. Bây giờ thì tất cả đều êm đẹp, và ai cũng đã làm mới. Ai cũng đã bỏ lại được quá khứ sau lưng và chấp trì lấy hiện tại, Thầy rất mừng.

Mai mốt, nghĩa là sau khóa hè, nhiều vị trong Tăng thân lại phải lên đường hoằng hóa, sẽ có không ít những con chim cất cánh lên đường. Tuy nhiên trong hiện tại chúng ta đang được sống bên nhau, làm việc với nhau. Thầy viết lá thư này chủ chốt là để nhắc các con của Thầy về sự kiện ấy. Thầy ôm tất cả các con vào lòng, với tất cả tình thương và niềm tin cậy.

Thầy
Nhất Hạnh

Bước chân con hãy về thanh thản

“Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng”

“Bước chân con hãy về thanh thản” – đây là sự thực tập của con, của các con. Nguyên tắc chỉ đạo cho sự thực tập này nằm gọn trong chữ Về. Về ở đây là không còn đi lang thang tìm kiếm. Về ở đây nghĩa là đã thấy được con đường của mình. Về đây là về nhà (back at your true home), về với hải đảo tự thân, về với bản tính chân thật của mình. Về đây là về với Tổ tiên, về với đất nước, về với cha mẹ, về với Thầy, về với chánh pháp, về với Tăng thân. Nơi chốn quê hương có tình nghĩa, có sự ấm áp và an lạc. Về đây cũng có nghĩa là về với con cháu của chính con. Nếu mình không về với con cháu thì con cháu sẽ bơ vơ biết bao, và chính mình cũng còn bơ vơ. Con hãy đọc chương nói về vua Trần Thái Tông trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 1. Vua cũng đã từng diễn tả sự thực tập của vua là sự thực tập về nhà.

“Về thanh thản” có nghĩa là con không phải hấp tấp vội vã, bởi vì theo pháp môn tu tập của chúng ta, mỗi bước chân đều có thể đưa ta trở về. Chỉ cần một bước là ta đã về, đã tới. Vì vậy hai chữ “thanh thản” ở đây cũng rất là quan trọng.

“Ngược dòng chân tính từ lâu, chúng con trôi nổi biển sầu mê..” Hai câu này trong bài Quy Mạng cũng kêu gọi một sự trở về, trở về với chân tính. Với từng bước chân thanh thản, con trở về trong từng giây từng phút. Sự thực tập này đem lại hạnh phúc, an lạc và thảnh thơi. Những chất liệu này nuôi dưỡng được con, nuôi dưỡng được chúng, nuôi dưỡng được Thầy, nuôi dưỡng được cha mẹ, Tổ tiên và con cháu.

Sự thực tập của Thầy cũng không khác. “Ta vẫn còn đến đi thong dong”. Chừng nào Thầy còn đến đi thong dong (coming, going, moving around with freedom) thì Thầy vẫn còn là nơi nương tựa cho con, cho các con. Và chừng nào các con vẫn còn trở về với những bước chân thanh thản thì các con vẫn còn là chỗ nương tựa và tiếp nối của Thầy. Và tuy nhìn bề ngoài ta có thể thấy tướng đầy tướng vơi xuất hiện nhưng trong bản chất nội dung thì vầng trăng vẫn là vầng trăng, không bị ý niệm khuyết tròn che lấp. “Không tròn không khuyết một vầng trăng”.

Thầy

Đất ruộng tìm về với nông dân

Thất ngồi yên, bảy giờ sáng, ngày 31 tháng 07 năm 2001

Đây là thơ Thầy viết cho các con ở ba đạo tràng Mai Thôn, Rừng Phong và Lộc Uyển. Hôm nay là ngày chót của tuần lễ thứ ba trong khóa tu mùa Hè ở Mai Thôn. Thiền sinh ở cả ba xóm đều đang có hạnh phúc. Thầy nghe nói trong các buổi pháp đàm ở xóm Thượng nhiều người đã khóc và chia sẻ hết mình về tâm tư và cuộc đời của họ. Thầy cũng nghe nói thiền sinh xóm Trung năm nay hạnh phúc nhiều hơn năm ngoái gấp bội. Tại các xóm Hạ và Mới, thiền sinh cũng biểu lộ rất nhiều hạnh phúc và thấy các thầy các sư cô Làng Mai đang lưu tâm săn sóc cho họ tận tình.

Năm nay thật nhiều trẻ em và thiếu nhi thiếu nữ ngoại quốc tới tu học, điều này làm Thầy rất vui. Hầu hết các em đều rất ngoan. Thầy có nói với một số các Thầy và các Sư cô rằng đó là những thửa ruộng tốt nhất mà trong đó mình có thể gieo trồng những hạt giống chánh pháp. Chúng ta như những người cày ruộng và gieo mạ. Thiền sinh là đất ruộng để ta gieo trồng. Đất ruộng tìm tới với nông dân. Hạnh phúc lớn của chúng ta là được tiếp tục sự nghiệp của đức Thế Tôn và tăng đoàn nguyên thỉ để gieo trồng hạt giống Phật pháp trong thế gian. Thầy biết các con của Thầy đang mỗi người trong vị thế của mình im lặng làm công việc ấy với tinh thần của tăng thân đồng đội. Phẩm chất hòa hợp của tăng thân năm nay rất cao, Thầy chưa nghe thấy có sự than phiền nào giữa các anh chị em với nhau. Ngày hôm nay tờ nhật báo Le Monde có đăng một bài dài về đạo tràng Mai Thôn của ký giả Henri Tincq viết và hàng triệu người đang đọc. Mai mốt người Pháp về Làng Mai tu học có thể rất đông, và chúng ta sẽ phải đành lòng nói “non” với rất nhiều người tri kỉ. Thật là tội nghiệp.

Năm nay cũng là một năm “thật đầy” không thua gì năm ngoái. Cuối năm nay các thầy các sư cô trẻ được truyền đăng đông lắm, làm Thầy rất vui. Mận của Làng đã chín. Và các con đã có tiến bộ rất nhiều nhất là trong lĩnh vực chăm sóc và dạy dỗ cho các sư em.

Hè năm nay có một số các Thầy lớn ở Việt Nam qua Làng Mai. Quý vị có vẻ có nhiều hạnh phúc khi thấy người Âu Mỹ tu học nghiêm chỉnh và thành công. Thầy có ý định mời quý Thầy viết cho tập kỷ yếu 20 năm Làng Mai, mỗi vị một bài, về cảm tưởng và nhận xét của các Thầy về sự tu học ở đây. Những bài ấy mình sẽ dịch thành Anh và Pháp ngữ để đăng trong tập kỷ yếu. Trong khóa tu mùa hè này Thầy cũng có dịp viết một bài về thiền để đăng trong tập Bách Khoa Y Khoa ở Hà Nội theo lời yêu cầu của một bác sĩ đang làm việc trong bộ Văn Hóa. Vị bác sĩ này nói là rất đông đọc giả tại Việt Nam đang trông chờ đọc bài của Thầy. Thầy cũng đã tìm ra được thì giờ để dịch truyện kiều ra văn xuôi cho tuổi trẻ đọc. Công việc này, Thầy nghĩ, chắc cũng phải đến cuối năm mới xong. Dịch Truyện Kiều ra văn xuôi còn khó hơn dich Kinh Tạp A Hàm.

Mùa Thu này Thầy và phái đoàn Làng Mai sẽ có dịp gặp các con ở Rừng Phong, Thanh Sơn và Lộc Uyển. Mùa Đông này sẽ có nhiều di chuyển, nhưng tất cả những di chuyển ấy chỉ tạo thêm nhiều niềm vui. Ở đâu thì cũng ở trong gia đình của Mr. Brown, ở đâu thì mình cũng có thể là bông hoa tươi mát cho cuộc đời.

Thầy lạy Bụt gia hộ cho các con của Thầy được an ổn, trong thân cũng như trong tâm, và nuôi dưỡng được niềm vui làm chỗ nương tựa cho Tăng thân và cho mọi người. Thầy thấy rất rõ các con là sự tiếp nối của Bụt của Tổ và của Thầy. Thầy thấy nơi các con, Thầy thấy Thầy bất diệt. Thầy có đức tin nơi các con, đức tin này vững chắc không ai có thể làm lung lay được.

Hạnh phúc của Thầy rất lớn, nhiều lúc lớn quá khiến Thầy có cảm tưởng là Thầy không đủ sức ôm được hết. Thầy cần các con giúp Thầy tiếp nhận và giữ gìn hạnh phúc ấy, cho mình và cho mọi người đến với mình.

Thầy ôm tất cả vào lòng với tất cả niềm thương yêu và tin cậy.

Thầy của các con

Sự tiếp nối đẹp

Thất Ngồi Yên, 02-04-2002

Khóa tu Francophone đang diễn biến tốt đẹp, các con làm việc rất giỏi, thiền sinh mới rất đông và họ rất hạnh phúc. Các con nhớ đi, đứng, nói, cười cho thật thong dong và chánh niệm, nhất là các em mới xuất gia. Đừng hấp tấp, đừng vừa đi vừa nói. Cô nào chú nào cũng là Thầy, cũng là sự tiếp nối của Thầy. Lá thư Làng Mai số tết đã tạo hạnh phúc rất nhiều, ở Việt Nam cũng như ở Đức và ở Mỹ. Ở Việt Nam lá thư ấy đã được in và phát hành thành sách, dầy tới 373 trang. Chỉ tiếc là họ không in được hình bìa của mình. Thầy đang nghĩ tới vân tập kỷ niệm Ngày Em Hai Mươi Tuổi, và mong các con, người nào cũng đóng góp được một bài. Có một số vị đã viết bài vào thời gian Thầy Pháp Niệm đã viết, những bài ấy có thể được in, nhưng nếu các con thấy có thể viết cận đại hơn và sống động hơn thì nên viết bài mới. Dài ngắn gì cũng được, miễn là có góp phần của mình. Nếu có thể tự mình đánh máy vào đĩa, hay nhờ anh chị em mình đánh máy vào đĩa rồi trao lại cho sư anh Pháp Hội hay sư em Pháp Duệ thì đỡ công cho các vị này lắm. Phải có một vài vị lấy máy thu thanh đi phỏng vấn để có bài của những ai không quen viết hay làm biếng viết. Sư em Pháp Duệ đã được Thầy nhờ chụp hình tất của tất cả các sư anh, sư chị và sư em để tập kỷ yếu có hình của tất cả mọi người, kể cả những “cố nhân”. Sư em Pháp Duệ nên nhờ các sư anh của mình bên Rừng Phong và Lộc Uyển làm giúp công việc này bên ấy. Hội Nghiêm muốn viết bài hay hơn cứ viết, in một lần hai bài cũng được. Thầy muốn các con ai cũng đóng góp trong ấy. Ai có hình đẹp của Làng thì đem cho sư anh Pháp Ấn để tìm cách in vào tập kỷ yếu. Hãy cùng làm chung như gói bánh chưng ngày Tết, cho vui. Thầy sẽ viết thêm một bài.

Thầy rất muốn mỗi buổi sáng các con uống một ly nước ấm thật lớn, hai ly càng tốt. Khi mua kem đánh răng hãy thử mua Fluocaril bi-fluore 250, thứ này rất tốt, cứ thế chận đứng caries rất mau lẹ, và rất có hiệu nghiệm. Phải mua ở tiệm thuốc tây mới có. Tháng tư ăn mặc cho đủ ấm bởi vì rất dễ bị cảm. Mai mốt mình nên tổ chức một Monastic day tại Nội viện cho vui, trước khi có khóa Tiếng Việt.

Thầy của các con.

___________________
Nhờ sư em Đẳng Nghiêm dịch thơ này ra anh ngữ giúp Thầy, cảm ơn con
.

Ý hòa đồng duyệt

Thất Ngồi Yên Xóm Thượng 25-07-02
Các con thương của Thầy,

 

Chúng ta đang ở giữa khóa hè, và tuy năm nay mình đã có mở một khóa tiếng Việt, một khóa tiếng Pháp và một khóa 21 ngày tiếng Anh rồi nhưng khóa mùa Hè vẫn đông, nhất là ở Xóm Trung. Tội nghiệp cho các Thầy và các sư cô ở xóm Trung quá, tại vì đây là xóm quá đông và đồng bào thèm nói chuyện nhiều quá thành ra sự thực tập im lặng hùng tráng khó hơn ở các xóm khác, vì vậy mà phẩm chất tu học không được cao như mình mong ước. Có lẽ mình phải xin với các bác và các anh chị trong Xóm giúp mình một tay để cho các pháp môn thực tập đem lại hiệu quả chuyển hóa tốt đẹp, gây đức tin và tạo hạnh phúc cho người về Làng.

Thầy rất vui khi thấy tăng thân làm việc với nhau hòa điệu, biết buông bỏ ý kiến mình khi ý kiến người kia hơi cứng, để duy trì sự hòa thuận và để tình huynh đệ không bị tổn thương. Thầy nhớ đến hình ảnh bàn tay cầm một chiếc đũa: nếu bàn tay bên này cầm đầu đũa quá mạnh thì bàn tay bên kia thả đuôi đũa ra để cho chiếc đũa không bao giờ bị gãy. Đó là phép thực tập mầu nhiệm, rất mầu nhiệm, gọi là tùy thuận. (Trong chúng có sư cô Thuận Nghiêm!) Buông ra như thế vài ba lần thì bên kia thấy được hạnh tùy thuận của mình và sẽ từ từ bớt đi thái độ cố thủ ý kiến. Ai cũng biết là hạnh phúc tăng thân dựa trên hòa điệu: ý hòa đồng duyệt là một quá trình thực tập lâu dài, không thể một sớm một chiều mà làm cho toàn hảo được.

Vài ngày làm biếng tuần thứ hai, các sư bé (baby monks, baby nuns) đã được về Nội viện sinh hoạt với nhau rất vui. Tuy cũng chấp tác, nấu nướng, dọn dẹp, tưới cây, v.v… nhưng các bé đã làm chung trong tinh thần hỗ trợ để giúp đỡ nhau nuôi dưỡng tâm bồ đề, điều này rất cảm động. Các bé còn chăm sóc và nấu cơm cho Thầy nữa. Thấy các bé làm việc và chơi với nhau rất hòa thuận, vui vẻ và êm đềm như thế, Thầy đã nói các bé sau buổi cơm trưa: You make me very happy. Như vậy là học trò nuôi Thầy rồi, có phải không?

Thầy cũng rất vui khi các cháu bé Tây phương chơi vui và thực tập giỏi dưới sự hướng dẫn của các Sư cô và sư chú. Các cháu rất có phước. Được tiếp xúc với giới xuất gia và với sự thực tập ngay từ hồi còn bé thơ như thế, thì chắc chắn sau này khi lớn lên các cháu sẽ cảm thấy rất thoải mái (at home) với đạo Bụt, và đạo Bụt sẽ trở thành quê hương tâm linh của các cháu. Bố mẹ các cháu tuy hâm mộ đạo Bụt và thực tập hết lòng nhưng dầu sao cũng không được bằng các cháu đâu. Thế hệ thứ hai sẽ thuần túy hơn, và nếu các cháu lớn lên và đi xuất gia thì chúng sẽ vững vàng hơn trong con đường thực tập và tỷ lệ những người xuất gia thành công sẽ cao hơn bây giờ nhiều. Vì vậy cho nên chăm sóc và hướng dẫn cho các cháu là một công việc rất đẹp đẽ. Hình ảnh người xuất gia đi đứng và hành xử trong chánh niệm và từ bi sẽ để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lòng các cháu.

Thiền sinh Âu Mỹ về Làng tu tập đã trở thành một tập tục rất tốt đẹp. Con cháu của họ cũng sung sướng được về Làng để tu tập với cha mẹ cũng là một điều khích lệ chúng ta rất nhiều. Các sư anh và sư chị có được nhiều sư em dễ thương và hết lòng tu tập, đó là tăng thân mình có phước lớn. Các sư em có sư anh và sư chị giỏi để nương nhờ, đó cũng là phước đức lớn. Kinh sách bằng ngọai ngữ và các khóa tu mở ra ở các nước đã đem lại cho chúng ta hàng trăm ngàn bạn đạo, mà tăng thân cống hiến. Tất cả những sự kiện này đem lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui và nuôi dưỡng ta rất nhiều. Thầy thấy rõ đây là công trình chung của tăng thân, được chư tổ nâng đỡ và hộ trì. Nếu không có sự nâng đỡ và hộ trì ấy thì chắc chắn chúng ta đã không làm được những điều đã làm – Kể cả chuyện hoằng pháp ở Trung Quốc, sự quảng bá rộng rãi trong thế gian bằng hàng chục thứ tiếng những cuốn sách có tầm vóc lớn, cho đến cả sự mở rộng vùng đồi núi của tổ đình Pháp Vân ở núi Thệ Nhật.

Trong chúng ta còn có những người chưa vượt thoát được vài khó khăn bản thân hoặc chưa chuyển hóa hoàn toàn những tập khí còn lại, nhưng sự kiện này rất bình thường chúng ta không cần lo ngại, bởi vì chúng ta biết có tu tập thì có thể chuyển hóa, dù có khi hơi lâu một chút. Mà tu tập và chuyển hóa không phải là vấn đề cá nhân. Nếu con còn có khó khăn thì Thầy và Tăng thân sẽ tu tập chung với con mà vượt thoát các khó khăn ấy: mình sẽ làm chung với nhau, con đừng lo ngại. We shall do it together. Chúng ta đừng tự đòi hỏi quá nhiều. Phải biết cho nhau thời gian và không gian, phải biết nương vào và sử dụng tăng thân để cùng tu tập và chuyển hóa. Như vậy thì sự chuyển hóa chắc chắn sẽ tới, ta không cần lo lắng hoặc có mặc cảm. Tin nhau và tu tập cùng nhau, đó là cách giải quyết tốt đẹp hơn hết.

Thầy biết vào tuần thứ ba này của khóa tu mùa Hè, trong lúc số lượng thiền sinh lên cao nhất, chúng ta phải để nhiều năng lượng và thời giờ vào công việc chăm sóc và hướng dẫn, do đó có vị sẽ cảm thấy mệt mỏi. Viết lá thư này Thầy muốn nhắc các con là các con đang có Thầy và có nhau bên cạnh. Thầy rất ý thức là các con đang dâng hiến tất cả trái tim của mình cho lý tưởng. Nụ cười và hạnh phúc của thiền sinh, của người lớn cũng như các cháu bé, là phần thưởng rất xứng đáng cho chúng ta. Chỉ còn hai tuần lễ nữa là Thầy đã lên đường đi Bắc Mỹ với một số các con rồi. Thầy rất muốn từ đây đến đó, Thầy trò mình sẽ có dịp đi thiền hành với nhau quanh ngọn núi Thệ Nhật, để ngắm những khu đồi núi mới được sát nhập vào đất chùa tổ Pháp Vân. Con đường rất đẹp, và cảnh trí ngoạn mục sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều niềm vui. Vùng đất mới mở về phía Tây, phía Nam và phía Đông. Tất cả vào khoảng 36 mẫu Tây. Nhưng chúng ta sẽ chỉ đi chơi một vòng trên con đường đẹp nhất và chỉ cần tới khoảng sáu mươi hoặc bảy mươi phút. Hy vọng hôm ấy trời đẹp.

Thầy ôm tất cả các con vào lòng.
Thầy thương và tin cậy.

 

(Thư này Thầy cũng gởi cho các con của Thầy ở Rừng Phong và Lộc Uyển. Chỉ trong vòng mười hôm nữa là Thầy đã có mặt ở bên ấy với các con rồi.)


Hiến tặng hạnh phúc

Stone Hill College, ngày 13 tháng 8 năm 2002,
Các con rất thân yêu của Thầy!

 

Thầy mong hồi hôm các con đã ngủ được một giấc ngủ ngon. Stone Hill đẹp và dễ chịu cả Umass và Ucsd. Hôm chủ nhật vừa qua (11.08.02) ở xóm Thạch Lang trong khi các vị giáo thọ họp chuẩn bị cho khóa tu, Thầy đã ngồi ở nhà trà ngắm các sư cô sư chú chèo thuyền chơi đùa với nhau trên hồ với rất nhiều hạnh phúc. Rất tiếc mình chỉ có được một ngày như thế để chơi đùa với nhau ở Rừng Phong. Khóa tu là một cơ hội để cho anh chị em được gặp gỡ nhau sau nhiều tháng sống ở những địa phương cách biệt. Tuy chúng ta đang phải lo điều hợp cho một khóa tu đông gần 900 người nhưng đây cũng là một cơ hội để chúng ta được sống chung và làm việc bên nhau, dù mọi người đều có trách nhiệm quan trọng. Như Thầy đã nói trong buổi giảng hướng dẫn tối qua cho thiền sinh, mỗi giây phút trong ngày đều có thể là một sự hiến tặng. Tư duy từ ái, ngôn ngữ từ ái và hành động từ ái là những gì ta có thể hiến tặng cho nhau và cho thiền sinh trong khóa tu. Sự thực tập này đem tới rất nhiều hạnh phúc cho bản thân và cho rất nhiều người. Trong chúng ta có những vị tu học và hành trì rất vững chãi nhưng cũng có một vài vị còn yếu kém. Chúng ta nên nghĩ tới những vị này không phải với tâm niệm phiền trách mà với tâm niệm từ ái và tìm cách khéo léo để nâng đỡ cho các vị ấy, bằng tâm hiểu biết, bằng sự chăm sóc lân mẫn và bằng ngôn từ hòa ái. Tăng đoàn chúng ta là sự tiếp nối của Tăng đoàn Thế Tôn và nếu nhìn kỹ ta có thể thấy được Đức Thế Tôn đang có mặt với chúng ta trong khóa tu này. Thầy nhớ tới những lời này trong Bài Tụng Hạnh Phúc: “Hạnh phúc thay được sống trong Tăng đoàn Thế Tôn, được hành trì giới định, sống vững chãi thảnh thơi trong từng giây từng phút của sự sống hàng ngày, và trực tiếp tham gia vào sự nghiệp độ sinh của Bụt và Bồ tát!” Những câu kinh này là sự thực đang xảy ra bây giờ và ở đây. Nếu chúng ta được nhắc nhở thường xuyên (tùy niệm) thì hạnh phúc sẽ có mặt trong từng giây phút. Lý tưởng của chúng ta rất đẹp, pháp hành trì của chúng ta rất đẹp mà công việc tạo dựng và hiến tặng hạnh phúc cho người cũng rất đẹp, có thể là đẹp hơn những gì chúng ta đã từng mong ước trong quá khứ.

Chúng con nhớ đi những bước đi thật chánh niệm, dẫm lên tịnh độ mà đi. Khi đi thì đừng vội vã, suy nghĩ và nói chuyện. Mỗi bước chân là một sự hiến tặng tuyệt vời. Mỗi hơi thở và mỗi nụ cười cũng như thế. Thầy rất hạnh phúc khi thấy các con sống và làm việc yên lặng và hòa thuận như một đàn ong, và trong tình huynh đệ. Thầy không chắc những con ong kia có ý thức về tình huynh đệ không, hay chúng chỉ có vô phân biệt trí. Thầy thì Thầy có ý thức về tình huynh đệ (maitri), từ maitri có nghĩa là tình huynh đệ, tình bằng hữu, bởi vì maitri cũng từ mitra mà ra, mà maitra có nghĩa là bạn.

Theo cái thấy của Thầy thì tổ chức và hướng dẫn một khóa tu cũng là tạo dựng và hiến tặng tịnh độ cho mọi người. Mình có tịnh độ trong trái tim thì mình làm được việc ấy. Còn có công việc nào đẹp đẽ và cao cả hơn? Thầy chúc các con của Thầy rất nhiều hạnh phúc.

Thầy

Hành trang

Lộc Uyển ngày 04 tháng 09 năm 2002,
Kính gởi các thầy, các sư cô và các sư chú có mặt tại Lộc Uyển trong khóa tu nói tiếng Việt.

 

Khóa tu này là một cơ hội để chúng ta thực tập thúc liễm thân tâm và chứng tỏ là chúng ta có khả năng sống hài hòa và hạnh phúc trong tình huynh đệ. Chúng ta làm như thế không phải là vì khóa tu, mà trái lại sử dụng khóa tu để làm như thế.

Thúc liễm là chỉnh đốn, vén khéo, đừng để cho bung thùa. Sự có mặt của một tăng thân thao thức muốn học hỏi, thực tập và có đức tin nơi chính mình là một cơ hội để mình thấy được vị trí, vai trò và sứ mạng của mình với tư cách một người xuất gia. Bước chân, hơi thở, câu nói, nụ cười, cách hành xử và cách làm việc chung với nhau phải có phẩm chất và công năng tạo niềm tin cho người và đem cho người hạnh phúc. Đó không phải là giả trang thiền tướng mà là sự thực tập bằng trái tim. Nếu ta không có hạnh phúc với nhau, nhường nhịn nhau và nói những lời thương yêu với nhau, nói tóm lại, nếu chúng ta không có đủ chất liệu của tình huynh đệ, thì chúng ta không có gì nhiều để hiến tặng.

Thầy biết tình thương và tâm bồ đề của mỗi người trong các con đều đang có mặt và ta chỉ cần mở trái tim ra là dòng suối ngọt có thể tuôn trào. Tư kiến và buồn phiền sẽ trôi đi hết một khi dòng suối ấy bắt đầu tuôn chảy. Đừng đòi hỏi hết khóa tu mới ngồi lại để bàn về chuyện này. Ta hãy dâng hiến nguồn cam lộ ấy ngay trong khóa tu. Hãy làm việc và tu tập bên nhau trong thương yêu và trong buông thả.

Thầy tin tưởng ở các con.

(sáu giờ chiều)


Lời căn dặn của Thầy trong thời gian tăng đoàn đang ở Mỹ

1.      Dù ở đâu, phi trường, thành phố, cầu thang, phòng vệ sinh… đều phải đi theo kiểu thiền hành, vững chãi và thảnh thơi, không được gấp gáp.
2.      Không nói chuyện trong khi bước. Nếu cần trả lời một câu hỏi, hay hỏi một câu hỏi, thì dừng lại. Cho người kia biết là khi đi mình phải thực tập, và khuyên họ cùng thực tập.
3.      Tại Rừng Phong, Núi Xanh và các khóa tu, thực tập uy nghi trong lúc tiếp xúc với người khác phái, giống hệt như thực tập tại Làng Mai. Người cư sĩ không hiểu thì giải thích cho họ, và mời họ thực tập.
4.      Đi đâu và tham dự vào sinh hoạt nào của tăng thân (thiền tọa, thọ trai, thiền hành, v.v..) cũng phải có ý thức về sự có mặt của thân thứ hai của mình. Đừng đánh mất thân ấy.
5.      Chịu trách nhiệm về phẩm chất uy nghi và chánh niệm của thân thứ hai và nhắc nhở thân ấy trong trường hợp phẩm chất chánh niệm xuống thấp. Nếu mình không đủ sức thì nhờ đến Thầy và Tăng thân.
6.      Có chuyện gì không vừa ý thì đừng tỏ lộ sự bực tức, trong đám đông, giữa buổi họp, hay bất cứ lúc nào. Nắm cho được hơi thở, và tìm lúc thích hợp, chỗ thích hợp, nói ra điều mình cảm nghĩ với thái độ ung dung và ngôn ngữ hòa ái.
7.      Nhớ rằng hạnh phúc và hòa điệu của Tăng thân trong chuyến hoằng pháp là trên hết. Đừng vì công việc mà làm mất hòa khí và hạnh phúc của Tăng thân.
8.      Biết rằng đang được cùng Tăng thân làm hạnh phúc cho hàng ngàn người là một cơ hội lớn. Hãy tận hưởng từng giây phút của chuyến đi. Bước nào cũng là bước trong Tịnh Độ!

 

Thương và tin cậy

Thầy

Nắm lấy cơ hội

Nội viện Phương Khê, ngày 28 tháng 10 năm 2002
Các con thương của Thầy!

Đức Thế Tôn cho chúng ta rất nhiều cơ hội. Mỗi chuyến đi là một cơ hội. Mỗi lần được ở nhà là một cơ hội. Mỗi buổi sáng là một cơ hội. Mỗi bước chân là một cơ hội. Mỗi buổi ngồi thiền là một cơ hội. Chúng ta có biết nắm lấy cơ hội hay không, hay cứ để cơ hội tuột khỏi tầm tay mỗi khi chúng đến?

Đại chúng đã cho chúng ta nhiều cơ hội. Thầy cũng đã cho chúng ta nhiều cơ hội. Các sư anh, sư chị và sư em ta cũng đã cho ta nhiều cơ hội. Vấn đề là nắm được cơ hội, biết mình có nhiều may mắn, để sau này không hối tiếc là mình đã không biết nắm lấy cơ hội.

Ngày xưa Thầy đã viết: “Mỗi lần ngã là một lần đứng dậy. Để trưởng thành. Để cuộc đời nhường một bước đi lên” (trích trong bài thơ Dựng Tượng Tuổi Thơ viết vào khoảng năm 1964). Chúng ta có thể học được rất nhiều từ kinh nghiệm bản thân. Đã đành ta có tập khí cũ. Nhưng ta có thể luyện tập khí mới. Mà mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi buổi sáng hoặc mỗi chuyến đi là một cơ hội thực tập. Đây là cơ hội thứ mấy rồi? Ai mà biết được. Bởi vì ai mà đếm được. Nhiều lắm. Hạnh phúc là do ta. Hạnh phúc không do người khác ban cho ta. Khổ đau cũng vậy. Khổ đau cũng do ta. Khổ đau không phải do người khác trao cho ta. Biết như thế, ta không còn than phiền, không còn trách móc. Ta quyết tâm làm mới trong ta. Bởi vì một cơ hội nữa đang tới. Ta quyết không để cho nó vượt khỏi tầm tay ta. Mùa Thu đang đẹp. Và chúng ta đang có nhau. Tăng thân của chúng ta lớn lắm. Và chúng ta đang tiếp nối sự nghiệp của Bụt và của chư Tổ. Thầy cầu Bụt và chư Tổ ban cho các con thật nhiều năng lượng.

Thương,
Nhất Hạnh

Về Việt Nam

Nội viện, ngày 15 tháng 11 năm 2004

Đã sắp đến ngày lên đường đi Việt Nam, Thầy xin cám ơn tất cả quý vị đã ghi tên cùng đi với Thầy trong chuyến đi lịch sử này. Chuyến đi ba tháng của chúng ta sẽ là phẩm vật cúng dường của chúng ta cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải hiến tặng những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể hiến tặng.

Ngày rời Việt Nam 39 năm về trước để kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tranh tang thương nơi đây, Thầy cũng giống như một tế bào của cơ thể Tăng thân bị lấy ra khỏi cơ thể Tăng thân. Nếu tế bào ấy đã không bị khô chết sau vài năm lưu đày, bởi vì Thầy đã thực tập mang Tăng thân đêm ngày trong trái tim mình. Trong thời gian giảng diễn và nỗ lực vận động hòa bình, thầy đã có cơ hội chia sẻ sự thực tập của mình với các bạn ở Âu, Mỹ, Úc và Á châu và khuyến khích họ cùng thực tập. Không có ngày nào mà thầy xao lãng sự xây dựng Tăng thân mà thầy đã có thể tái tạo ra được một đoàn thể Tăng thân nguyên vẹn gồm đủ bốn chúng. Bây giờ trở về quê hương, thầy không trở về như một tế bào mà là như một Tăng thân trọn vẹn. Và quý vị chính là Tăng thân của Thầy, nghĩa là một phần của chính hình hài thầy.

Việt Nam là một đất nước đẹp, một giống người đẹp. Chúng ta sẽ có cơ hội nghiên cứu những cái đẹp ấy. Chúng ta sẽ có dịp đi thiền hành bên hồ Gươm, leo núi Yên Tử nơi đã từng có một vị vua tên là Trần Nhân Tông xuất gia và thực tập, rong chơi ở Vịnh Hạ Long nổi tiếng là một trong những thắng cảnh bậc nhất Đông Nam Á… Đi đâu, chúng ta cũng sẽ thực tập an trú thảnh thơi trong từng giây từng phút hiện tại, và làm tỏa chiếu năng lượng an lạc và tin yêu quanh ta. Các vị Phật tử cư sĩ sẽ cư trú ở các khách sạn, phải lấy khách sạn làm trung tâm tu học, đi, đứng, nói cười, ăn uống trong chánh niệm. Người ta sẽ chú ý và quan sát chúng ta kỹ lắm, nhất là giới công an. Giới công an sẽ có khả năng thấy được năng lượng lành tỏa chiếu từ sự thực tập của chúng ta và chắc chắn sẽ tiếp nhận được nhiều lợi lạc từ sự tiếp xúc ấy.

Năm giới mà chúng ta thực tập sẽ biểu hiện một cách cụ thể nhất pháp môn tu chánh niệm của Làng Mai. Trong chúng ta sẽ không có ai hút thuốc, ăn thịt cá, uống rượu dù là rượu vang hay rượu bia. Không tà dâm, không nói lời tà ngữ. Khi đi thì chúng ta tập trung tâm ý vào bước chân và hơi thở mà không nói chuyện. Khi cần nói thì dừng lại mà nói. Chúng ta thực tập để trở thành Tăng thân của Bụt Thích Ca và hình hài của Thầy. Những vị nào là giáo thọ hoặc giáo thọ tập sự xin chăm sóc để cho sự thực tập của Tăng thân suốt trong ba tháng được tươi mát, vững chãi và hạnh phúc. Như thế chúng ta sẽ tạo hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người trong suốt chuyến đi.

Thầy sẽ được gặp quý vị trong vài ba hôm nữa.

Thầy

 

(Thư thầy viết cho các thành phần trong tăng thân đi Việt Nam gồm trên 30 quốc tịch)