XI. Cứu giúp đồng bào trong và ngoài nước – 1975

1. Trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm

Ngày 30.04.1975, miền Nam sụp đổ. Thầy và các bạn hữu cùng các cộng tác viên trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam bị cắt đứt liên lạc một cách đột ngột. Các bạn Thuỵ Điển, Hà Lan, Tân Tây Lan, v.v. đang muốn gửi những số tiền lớn cho các công tác cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, yểm trợ cô nhi chiến tranh. Nhưng tất cả các chương trình cứu trợ đều bị đóng cửa, kể cả trường TNPSXH và các ban từ thiện của các chùa. Chính phủ mới tịch thu tất cả tài khoản trong ngân hàng của Uỷ ban Tái thiết và Phát triển Xã hội của GHPGVNTN. Tất cả các cơ sở của giáo hội, tất cả những hoạt động văn hóa xã hội đều bị ngưng lại. Hình Thầy và chị Phượng bị treo trong bảo tàng viện Tội ác Mỹ ngụy với tội danh là “đại phản động tình báo Hoa Kỳ CIA”.

Đến cuối năm 1975, Thầy và chị Phượng vẫn tìm cách gửi 300 tấn gạo và 150.000 đô-la về cho các cô nhi nhưng không cô nhi nào nhận được. Tất cả đều biến mất. Bên nhà lâm vào tình trạng tuyệt vọng, bên này Thầy và các cộng sự cũng tuyệt vọng. Thầy trò có hai tay mà không làm được gì để giúp đồng bào ở bên nhà. Nhiều học trò đồng sự của Thầy cảm thấy hụt hẫng và sụp đổ. Thầy thấy việc cần thiết nhất lúc này là có một nơi để tĩnh cư, để trị liệu, để khôi phục niềm tin và nhiệt huyết phụng sự trong trái tim mỗi người. Thầy đóng cửa văn phòng ở Sceaux. Một số tình nguyện viên làm việc cho Phái đoàn xin về nước, số còn lại theo Thầy rút hẳn về Phương Vân Am để tĩnh tu và trị liệu.

Một cộng đồng gồm chín người được thành lập nhanh chóng ở Phương Vân Am. Nếp sống ở đây cũng đơn giản và bình dị như ở Sceaux. Ai cũng ngủ dưới đất trong chiếc túi ngủ, kể cả Má chị Phượng đã lớn tuổi. Thầy hay bị trúng gió nên có một chiếc giường thấp trong cái thất vách đá.

Khung cảnh thiên nhiên ở Phương Vân Am rất an lành. Để sống sót qua giai đoạn tuyệt vọng này, Thầy đã biết nhìn lên, nhìn lên để tiếp xúc với trăng sao. Thầy đã cầu cứu tới trăng sao:

Quê hương tôi là đây

Chỉ có dòng sông, chỉ có hàng cau, bụi tre, vườn chuối.

Mặt trái đất dù mang đầy cát bụi

Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm.

(Chỗ đứng, Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt)

Những câu thơ này không phải để ca tụng trăng sao đẹp, ca tụng thiên nhiên mà là để tự nhắc Thầy rằng ngoài bình diện của khổ đau, của tuyệt vọng còn có sự nhiệm mầu của trăng sao.

Trong giai đoạn khó khăn này, Thầy cũng sáng tác bài hát Ý thức em mặt trời tỏ rạng, trong đó có đoạn:

Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh

Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm

Cho em hai mươi bốn giờ tinh khôi

Cho em bầu trời bao la

Bài này chỉ có những hình ảnh đẹp và thanh bình như đồng hoa hướng dương, rừng cây vương nắng, hương quế tần ô, hàng dừa ven sông, v.v. Thầy biết nếu mình không nuôi dưỡng mình bằng những gì tươi mát và mầu nhiệm của cuộc sống thì mình có thể đánh mất thăng bằng và không thể tiếp tục công việc của mình được. Sự thực tập hơi thở chánh niệm, thiền hành và hiện pháp lạc trú của Thầy trong thời điểm này miên mật hơn bao giờ hết. Thầy chỉ cho các học trò trở về với hiện tại và nhận diện ra những mầu nhiệm của sự sống vẫn hiện hữu nơi mỗi bông hoa, nơi mỗi chiếc lá, nơi mỗi cái nhìn từ bi. Dân chúng quanh vùng không biết thiền hành là gì, họ ngạc nhiên khi thấy một đoàn người cùng leo lên đồi chầm chậm bên nhau và đi vào rừng chơi mà không ai nói với ai một lời nào. Mỗi ngày trong khung cảnh thênh thang ở Phương Vân Am, Thầy trò được Đất mẹ ôm ấp và xoa dịu những thương tích trong lòng.

Thầy về đây cuốc đất, trồng rau, ngồi thiền và thiền hành. Thầy dành nhiều thời gian làm vườn và những công việc ở ngoài trời. Thầy rất thích làm việc chân tay, vừa làm vừa quán niệm. Thầy trở về quyết tâm tu tập để chữa lành vết thương trong mình và để tìm ra một con đường mới.

2. “Từng nắp hộp kín đáo nuôi tình thương”

Không lâu sau đó, Thầy và các cộng sự tìm ra phương cách để tiếp tục chương trình cứu trợ. Trong thời điểm đất nước còn bị phong tỏa, thuốc men rất thiếu thốn, nhất là thuốc tây. Tuy không thể gửi tiền về nhưng Thầy và các vị cộng sự tiếp tục gây quỹ để gởi những gói thuốc tây đến các vị Tôn túc, những gia đình có người đi học tập cải tạo hay những gia đình nghèo đông con, với danh nghĩa là thân nhân. Hồi ấy, chưa có nhiều Việt kiều ở Mỹ và ở châu Âu để gửi tiền về tiếp tế trong nước, nhưng Thầy và các vị cộng sự đã đặt ra không biết bao nhiêu tên họ của thân nhân ở nước ngoài, ví dụ ở bên kia có Đào Duy Từ thì bên này có cháu là Đào Thị Mây, bên kia là Lê Thương thì bên này có người nhà là Lê Thị Phương Hương. Bưu điện mỗi ngày nhận hàng trăm gói quà về Hà Nội, Huế cho tới Sài Gòn.

Thời đó, bưu điện chỉ cho phép gởi những gói quà cân nặng tối đa một kí-lô, nên Thầy và các vị cộng sự phải chọn những loại thuốc có thể bán được bên ấy nhiều tiền nhất. Công việc mỗi ngày của Thầy trò là gói quà, lấy dây để cột và viết những hàng chữ hướng dẫn trên nắp hộp một cách thật khéo để không bị hiểu lầm là bức thư có tính cách chính trị: “Thuốc này rất quý, thuốc này phải bán với giá này mới không bị lỗ, còn cái hộp thuốc này có thể giữ lại để trị bệnh cho gia đình và phải uống như thế này…” Trong nhiều năm tháng, người nhận quà được hướng dẫn rất kỹ cách sử dụng để có thể vừa trị bệnh cho gia đình, vừa mua được gạo và thức ăn để cầm cự sống sót trong ba hay bốn tháng trước khi nhận gói quà kế tiếp[265]. Tuy vậy, họ hoàn toàn không biết ai thực sự là người đã gửi chúng. Nhờ gói quà,  nhiều gia đình có được phương tiện đi thăm nuôi cha, anh, em hoặc con cái đang ở trong tù hay trong các trại học tập cải tạo. 

Một hôm, Thầy nghe tin rất nhiều sách báo bị xem là văn hóa đồi trụy và bị đem đi đốt, kể cả sách Thầy viết và những tác phẩm của các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Tại Bruxelles, Bỉ, Thầy đi mua hết tất cả sách quý của Việt Nam, thu gom về một nơi để nếu trong nước đốt hết thì ngoài này, Thầy còn giữ được một phần. Hầu hết các văn nghệ sĩ lúc bấy giờ hoàn toàn bị tê liệt vì tuyệt vọng, mất hết cảm hứng để sáng tác. Thầy và các vị cộng sự quyết định yểm trợ đặc biệt giới học giả và văn nghệ sĩ, những tinh hoa của gia tài văn hóa Việt Nam, những người có thể nói lên được tiếng nói của trái tim, của dân tộc. Mục đích của Thầy và các vị cộng sự là giúp một phần làm sống dậy nguồn cảm hứng của các thi sĩ, họa sĩ và nghệ sĩ để họ có thể tiếp tục sáng tác. Những đóa hoa kỳ diệu của đất nước cần phải tiếp tục tỏa hương, không thể để cho những tài năng đó tàn lụi. Thầy gửi những gói quà cứu trợ kèm theo những lá thư ký tên giả cho mỗi học giả và văn nghệ sĩ một năm ba hoặc bốn lần, và phải làm một cách rất kín đáo để bên kia không bị liên lụy vì chính quyền cho rằng có liên hệ với nước ngoài[267]. Những gói quà đó có thể giúp các văn nghệ sĩ vượt qua khó khăn để tiếp tục đi tới. Đối với các văn nghệ sĩ, những hộp thuốc tây rất quý đã đành, có thể giúp cả gia đình họ sống sót trong giai đoạn đó. Tuy nhiên điều nuôi dưỡng họ trên hết là lá thư gửi kèm theo, một lá thư từ một độc giả ngưỡng mộ họ, muốn gửi ít quà để chứng tỏ lòng biết ơn mà thôi. Chính Thầy là người cố vấn để các bạn trẻ viết những lá thư biết trân quý, biết thán phục trong khi phân tích những tác phẩm của họ. Khi đã thân quen rồi, Thầy và các bạn còn chia sẻ thêm về nếp sống tu tập bên này nhằm nâng đỡ họ thêm về mặt tâm linh. Thầy và các vị cộng sự yểm trợ các văn nghệ sĩ không phải bằng vật chất mà bằng cả trái tim của mỗi người. Các nhà văn, các nhà nghệ sĩ đã rất ngạc nhiên khi thấy ở nước ngoài, có những người trẻ hiểu được họ một cách sâu sắc. Như một phép lạ, có những vị đã buông bút vậy mà khi nhận được những lá thư như vậy, họ đã bắt đầu sáng tác trở lại một cách tươi mới, tin tưởng.

Lúc này rất nhiều những người trẻ xuất gia cũng như tại gia cùng tham dự vào công việc gói quà để cứu trợ cho những người ở bên nhà. Các cựu tác viên của trường TNPSXH cũng âm thầm đi phát quà nơi các vùng kinh tế mới. Đến những năm 80, mỗi tháng, khoảng 40 tăng thân nhỏ gửi quà trong đủ loại hộp, từ các địa chỉ khác nhau trên thế giới, viết bởi đủ các tuồng chữ cho vài ngàn gia đình ở Việt Nam.

Tháng 09 năm 1976, Thầy nhận được một xấp đầy đủ tài liệu về 12 thầy và sư cô tự thiêu ở Phụng Hiệp, Cần Thơ cách đó mười tháng, với lá thư thỉnh nguyện chính phủ tôn trọng tự do tôn giáo. Thầy liên lạc và tìm cách có một cuộc đối thoại với ông Đại sứ quán Việt Nam nhưng đã bị từ chối. Thầy đành phải gửi đến báo chí một thông báo khẩn (Urgent press release). Ngay ngày hôm sau, ngày 09 tháng 09 năm 1976, ba hãng thông tấn và bốn tờ nhật báo lớn của Pháp là Le Monde, Le Figaro, France SoirLa Croix đăng tin này trên trang lớn. Các tờ báo nổi tiếng như New York Times, The International Herald Tribune cũng đăng tin này. Những tin tức này đã làm cho sự gia nhập của Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc bị chậm trễ. Nhiều ký giả ngoại quốc thấy hình Thầy trong viện bảo tàng Tội ác Mỹ ngụy rất ngạc nhiên và đã hỏi chính phủ vì sao lại có sự việc như vậy trong khi Martin Luther King Jr., nhà tranh đấu nhân quyền nổi tiếng trên thế giới, đã đề cử Thầy cho giải Nobel hòa bình. Vài năm sau, hình Thầy được lấy đi, nhưng hình chị Phượng (sư cô Chân Không) vẫn ở đó cho đến sau khi Thầy và sư cô được trở về nước năm 2005.

   3. Máu chảy ruột mềm

Cuối tháng 11 năm 1976, Thầy đang tham dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình Thế giới (World Conference on Religion and Peace, WCRP) tại Singapore thì nhận được tin về số phận của những thuyền nhân Việt Nam mà lúc ấy, chưa ai biết đến trên thế giới. Đã có hơn hàng chục ngàn người trôi dạt ngoài biển khơi, nhắm mắt giao thân mạng mình cho bão tố và hải tặc.

Qua ngày thứ ba của hội nghị, Thầy trình bày một đề tài mới phát sinh về thảm kịch của thuyền nhân. Các tàu bè qua lại vịnh Thái Lan không dám vớt người tị nạn bởi vì không có bến nào chịu cho người tị nạn lên. Ghe đánh cá vớt người tị nạn thì bị phạt và bị tù. Tàu nào vớt người tị nạn sẽ không được phép cập bến dỡ hàng, lấy dầu, lấy nước. Nếu tàu ấy cần ghé Singapore gấp để dỡ hàng, chủ tàu sẽ phải đóng tiền thế chân là mười ngàn Mỹ kim mỗi đầu người tị nạn. Nếu thuyền người tị nạn tới được bờ thì thường bị đẩy trở ra biển. Những người đã vào được trại tị nạn là những người đã khôn ngoan đục chìm thuyền của họ trước khi nhà chức trách địa phương bắt được họ. Tuy vậy, các trại tị nạn hồi đó cực khổ hơn bao giờ hết. Chỗ cư trú có rất nhiều rắn rít, thực phẩm và thuốc men thiếu thốn, lính địa phương đánh đập và thường xuyên hãm hiếp phụ nữ tị nạn mà không ai dám làm gì. Cuối cùng, Thầy đọc một bài thơ mà Thầy mới sáng tác bằng tiếng Anh tối hôm trước. Bài thơ có tựa đề Anh sẽ không ngủ được đêm nay Yoshiaki Isaka. Bài thơ đã làm chấn động ba trăm nhà lãnh đạo tôn giáo và các ký giả có mặt hôm ấy, khiến cho Thông tấn Pháp (Agence France Presse) và Thông tấn UPI (United Press International) đã gửi điện thư đăng trọn vẹn bài thơ của Thầy. Ngày hôm sau, những tờ nhật báo lớn của Singapore và của nhiều nước khác cũng đăng nguyên bài thơ trên. Tại Hội Nghị Tôn giáo và Hòa bình Thế giới châu Á, Thầy đề nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo có mặt trong đại hội yểm trợ Thầy trong công việc tổ chức một chiến dịch cứu người trên biển. Mọi người đồng ý mời Thầy làm giám đốc điều hành Chương trình cứu trợ người tị nạn trên biển với sự phụ tá của một giám đốc quản trị, một phó giám đốc, và hai thủ quỹ[268].

Ngày hôm sau, Hội đồng Tôn giáo và Hòa bình Thế giới châu Á tổ chức một cuộc họp mặt và mời ông Giám đốc Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), Đại sứ sáu nước Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông, Philippine, Indonesia, Bộ Nội vụ Singapore cùng nhiều đại sứ các nước như Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Đức, Hà Lan, Thuỵ Sĩ và các nước Bắc Âu tham dự.

Lúc bấy giờ có khoảng 150.000 thuyền nhân ở sáu nước Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông, Philippine, Indonesia, nhưng mỗi nước chỉ nhận được 12 visa mỗi tháng cho mấy chục ngàn thuyền nhân. Số thuyền nhân cập bến các nước tiếp tục tăng mỗi ngày nhưng Úc và các nước châu Âu, chưa nước nào có chính sách tiếp nhận thuyền nhân. Nhân danh Giám đốc điều hành Chương trình cứu trợ người tị nạn trên biển của Hội đồng Tôn giáo và Hòa bình Thế giới, Thầy long trọng thỉnh cầu chính quyền Hoa Kỳ và Úc nhanh chóng tăng chỉ tiêu nhận thêm thuyền nhân, nhưng lời thỉnh cầu chưa được chấp nhận.

Văn phòng được đặt tại Singapore. Các Hội đoàn đã từng giúp Việt Nam như Hội Committee for Helping Children in Vietnam của Kirsten Roep, Comité pour les enfants du Vietnam của Pierre Marchand, Third Way in Vietnam đã gửi tiền để Thầy thực hiện kế hoạch ngay lập tức. Một số các bạn từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu như Mobi và Kirsten được mời qua để yểm trợ. Thầy cùng chị Phượng và những người cộng sự thuê bốn chiếc tàu: chiếc Roland, chiếc Leap Dal, chiếc Sài Gòn 200 là một chiếc tàu nhỏ cơ động có thể tìm vớt thuyền nhân rồi chuyển họ đến một trong hai chiếc tàu lớn Roland và Leapdal, và sau đó, chiếc Black mark, một thuyền máy nhỏ xíu dùng để chở thực phẩm, thuốc men và đưa bác sĩ Choy Leng ra khám bệnh và phát thuốc cho đồng bào mỗi ngày. Ngoài ra, Thầy còn mướn một chiếc máy bay nhỏ để tìm kiếm những người trôi dạt trên biển. Thầy ngồi trên phi cơ bay ngang dọc trên biển Đông hay dọc theo bờ biển Thái Lan, Mã Lai, Indonesia suốt cả ngày để tìm những chiếc thuyền đang bơ vơ ngoài biển rồi báo cho chiếc Saigon 200 đến vớt.

Sáng nào, Thầy và các vị cộng sự cũng thức dậy sớm để ngồi thiền, thiền hành. Thầy biết rằng cần phải hướng dẫn chương trình này với năng lượng của tâm linh. Chủ đích của Thầy là gây một tiếng vang lớn trên thế giới về thảm trạng của người tị nạn đường biển, do đó phương pháp của Thầy rất táo bạo: vớt các thuyền nhân tị nạn và âm thầm, không chờ giấy phép, cứ đi thẳng sang đảo Guam, địa phận Hoa Kỳ, và một chiếc khác đi thẳng đến Úc. Khi tàu sắp tới, Thầy và các vị cộng sự sẽ đánh điện cho báo chí ra đón, để đặt các nước Úc và Mỹ vào thế phải chấp nhận người tị nạn. Qua báo chí, quần chúng Hoa Kỳ và quần chúng Úc sẽ biết thảm trạng của thuyền nhân và sẽ làm áp lực để chính quyền họ tăng chỉ tiêu tiếp nhận người vào hai nước này. Chương trình này táo bạo lắm, phải được hành động một cách im lặng và bí mật khi chính sách của Singapore chưa cho phép bất cứ thuyền nhân nào cập bến. 

Tuy vậy, tin tức về chương trình mà Thầy đặt tên là Máu chảy ruột mềm vẫn bị lọt ra ngoài. Trong vòng năm tuần, Thầy và các cộng sự đã vớt được hơn 800 thuyền nhân ngoài biển khơi và trên chiếc Roland, một bé gái ra đời. Thầy đã viết tặng bé một bài thơ với tựa đề Chúng ta hãy trả lời (đăng trong tập Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt). Đài BBC và đài VOA tiếng Việt báo tin rằng có một chiếc tàu đang cứu người trên biển và sẽ đưa thuyền nhân thẳng tới Úc hay tới Hoa Kỳ mà không chờ giấy phép. Điều này đã làm cho Giám đốc của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn (UNHCR) và các tòa đại sứ Hoa Kỳ và Úc liên kết với nhau để chống lại chương trình của Thầy một cách ráo riết. Vào lúc hai giờ khuya, cảnh sát đến vây quanh văn phòng và vào lục soát bên trong. Họ tịch thu giấy thông hành của Thầy và ra lệnh cho Thầy phải rời khỏi lãnh thổ Singapore trong vòng 36 giờ đồng hồ. Trong lúc ấy, hai chiếc Saigon 200 và Blackmark không được phép rời bến để tiếp tế nước uống, thực phẩm và y dược cho hai chiếc tàu Leapdal và Roland đầy người tỵ nạn. Chiếc Roland chuẩn bị lên đường đi Úc thì đột nhiên bị hỏng máy. Biển động mạnh và chiếc Roland không được phép đi vào hải phận Mã Lai để tránh bão. Tuy ngồi trên đất liền, Thầy cũng có cảm giác là một với 800 thuyền nhân đang lênh đênh trên biển. Thầy đã ngồi thiền và thực tập thiền hành suốt đêm hôm đó. Thầy đã thực tập đề tài thiền quán dục an đắc an (欲 安 得 安). Nếu thực sự muốn an thì có an, an ngay trong cơn nguy khốn[272], và Thầy đã ngạc nhiên thấy mình trở nên an tĩnh một cách lạ lùng. Trong lúc ấy, Thầy không thấy có niềm lo sợ nào nữa. Đây không phải là tâm trạng liều, mà là sự an lạc, tĩnh tại. Thầy không bao giờ quên được những giây phút thiền tọa, những hơi thở và những bước chân quán niệm trong thời gian ba mươi sáu giờ ngắn ngủi đó. Thầy đã thiết lập lại sự bình an và sáng suốt để có một cái thấy sáng tỏ và tìm ra một giải pháp cho vấn đề: làm thế nào xóa được lệnh trục xuất, để ở lại Singapore lâu hơn, để có thời gian sắp xếp công việc, bảo đảm sự an toàn cho 800 thuyền nhân ở trên tàu[274]. Thầy đã chờ tới sáng để đến nhờ ông Jacques Gasseau, đại sứ Pháp, can thiệp với chính quyền Singapore cho Thầy được ở lại thêm mười ngày, đủ thì giờ để sắp xếp cho 800 thuyền nhân được an toàn và kết thúc chương trình.

Trước đó, ông Đại sứ Pháp đã từng âm thầm yểm trợ Thầy. Ông cho phép những thuyền nhân mà Thầy chở đến và leo rào vào tòa đại sứ vào ban đêm, được ở lại trong khuôn viên tòa đại sứ cho đến khi cảnh sát tới làm biên bản và bỏ tù. Nhờ vậy mà những thuyền nhân này sẽ không bị đẩy lại ra biển và chết ngoài khơi. Trước tấm lòng nhân hậu đó, Thầy đã viết bài thơ Bắc một chiếc cầu:

Có cây ngô đồng cho chim Phượng đậu

   Có người đứng đó cho tình thương sâu

   Luật lệ nhiều khi như màn lưới sắt

   Giam người trong kiếp trầm luân thương đau

   Nhưng lòng nhân ái như bàn tay Phật

   Phá tan địa ngục đập nát u sầu

Thành phố sáng nay nắng lên bát ngát

Có chim bồ câu bay liệng trời cao

Tôi nhớ tới người tấm lòng cương trực

Nụ cười mát dịu như nước nhiệm mầu

Trẻ thơ nhớ người như hoa nhớ nắng

Như nước nhớ nguồn, như trăng nhớ sao

Tâm đã quyết rồi hiềm gì bạo lực

Thân đi vào đời cưỡi trên ba đào

Bắc một cây cầu từ hang địa ngục

Lên tới cõi trời, mở hội ngàn sao.

Rời Singapore, Thầy bay đi Melbourne. Các vị linh mục dòng Jesuits bạn của cha Berrigan đón Thầy và tổ chức cho Thầy họp báo. Hai tờ nhật báo quan trọng của Úc in bài viết về thuyền nhân trên nguyên một trang giấy. Sau đó, tờ nhật báo Washington Post cũng đăng bài về Chương trình Máu chảy ruột mềm. Tờ New York Times còn gửi ký giả Henry Kamm trên chiếc thuyền nhỏ ra tận hải phận quốc tế để phỏng vấn trực tiếp thuyền nhân trên chiếc Roland. Mấy tuần sau, Úc bắt đầu chính sách mở cửa nhận thuyền nhân. Chính quyền Hoa Kỳ cũng tăng chỉ tiêu tiếp nhận thuyền nhân từ 1.000 người lên đến 8.000 người mỗi năm, rồi vài tháng sau lên đến 15.000 người và cuối cùng là 100.000 người.

Về lại Paris, với sự hỗ trợ của hội International Boat People, trụ sở đặt tại Hòa Lan, Thầy tổ chức một chương trình cứu trợ nhỏ. Thầy và các bạn chỉ dùng một chiếc thuyền đánh cá Thái để ra biển, không mang biểu ngữ cứu trợ nhưng trên thuyền có đủ thực phẩm, nước ngọt, hải bàn, dầu và hải đồ để hướng dẫn ghe đồng bào đến gần các trại tị nạn hầu tránh việc bị xua đuổi. Chiếc thuyền tên là Shantisuk. Thầy và các cộng sự chỉ hoạt động được tám tháng. Sau đó vì hải tặc phát sinh nhiều quá, thấy nguy hiểm cho nhân viên nên Thầy đành phải chấm dứt chương trình. Sau đó chính phủ Pháp bắt đầu tài trợ một chương trình vớt thuyền nhân bằng một chiếc tàu lớn đặt tên Ile de Lumière.

4. Nhà xuất bản Lá Bối hải ngoại

Nhìn lại những gì đã xảy ra trong thời gian qua, nếu không có những pháp môn thực tập cụ thể, điển hình là pháp môn thiền thở mà Thầy đã tìm thấy trong kinh An ban thủ ý và kinh Bốn lĩnh vực quán niệm thì Thầy không thể đối phó dễ dàng với những tai nạn và  những khó khăn lớn xảy ra liên tục như thế. Những ngày giờ khó khăn nhất của Thầy là khi nghe tin một nhóm người vào tấn công và giết hại các tác viên xã hội tại trường TNPSXH ở Phú Thọ Hòa năm 1966; khi năm anh em TNPSXH bị bắn chết bên bờ sông Sài Gòn vào một đêm trong khi đang đi công tác; khi nghe tin đệ tử Nhất Chi Mai tự thiêu; khi chính phủ miền Nam loan tin đã vô hiệu hóa hộ chiếu của Thầy; khi các thầy Thanh Văn và Châu Toàn; những người học trò mà Thầy thương yêu và tin cậy còn hơn em ruột, qua đời một cách bất ngờ; khi trường TNPSXH bị đóng cửa hay khi Thầy bị trục xuất khỏi Singapore trong lúc đang điều khiển chương trình Máu chảy ruột mềm với hàng trăm thuyền nhân không được phép ghé vào lãnh hải Singapore tránh bão, v.v. Nếu không có sự thực tập miên mật, làm sao Thầy có thể chịu đựng và vượt qua được?

Ở Phương Vân Am, Thầy bắt đầu soạn thảo để tự in sách gửi đi cho đồng bào thuyền nhân ở các trại tị nạn như quyển Kinh Nhật tụng, Kinh Quán niệm hơi thở, Kinh Người biết sống một mìnhKinh Bát đại nhân giác do Thầy dịch và chú giải. Hội Hòa giải Thân hữu thấy máy in của Thầy vừa cũ, vừa xấu nên đã gửi tặng Thầy cái máy đánh chữ Varityper cũ của họ, tuy cũ nhưng mẫu chữ đẹp giống chữ in với máy sắp chữ in typo. Thầy đã học nghề in ấn[276] và để in tiếng Việt, Thầy dùng bút nét thật nhỏ để bỏ từng dấu sắc, dấu huyền, hỏi, ngã, nặng cho từng chữ. Thầy góp nhặt những bài dạy học Pháp văn, Anh văn, tự đặt bố cục, dàn trang rồi tự in tay cuốn Đàm thoại Anh-Việt-Pháp để gửi đi các trại tị nạn. Thế là nhà xuất bản Lá Bối hải ngoại được thành lập ngay trong thất Vách đá của Thầy với chồng giấy in, cái máy in nhỏ hiệu Gestetner và máy nướng bản in. Nhà xuất bản Lá Bối lấy địa chỉ ở Sceaux rồi sau đó ở Bourg La Reine.

Với rất nhiều tình thương và sự thích thú, Thầy làm thợ in, khắc bản kẽm bằng giấy, nướng, in, xén, xếp thành sách, thiết kế bìa, in bìa, cắt, đóng và xén thành từng cuốn sách. Ngoài cái máy cắt tay, Thầy chỉ cần dùng những viên gạch réfractaire, một cái dũa, một cái bàn chải đánh răng và một cái bánh xe lăn mà có thể đóng sách đẹp và mau không thua gì những máy đóng sách ngoài thị trường. Theo Thầy, cái máy in cũng như một con trâu. Thầy có thể làm bạn với cái máy in và nhiều khi xóa bỏ được ranh giới giữa mình và máy in nữa, giống như cậu bé chăn trâu và con trâu trong mười bức tranh chăn trâu trong nhà thiền (Thập mục ngưu đồ). Thầy nói: nhiều khi cái máy in cũng khó trị như một con trâu chứng. Những lúc máy in bị hư, Thầy mày mò và tự sửa lấy. Thầy còn dán một chữ “breathe” (thở) phía dưới máy để nhắc Thầy thực tập theo dõi hơi thở chánh niệm những lúc phải cúi xuống thật thấp trong khi sửa máy. Sau này các bạn đến Phương Vân Am tu học như Vương Hồ, Quỳnh Hoa, Tuk, chú Hương, Triết, Vũ và Lễ… đều được Thầy dạy và người nào cũng biết đóng sách trong chánh niệm.

Thầy viết và xuất bản những chuyện thật đau lòng về thuyền nhân qua truyện ngắn Hồng, câu chuyện một cô bé trên thuyền tị nạn bị chết chìm và biến thành con cá hồng. Qua truyện Bưởi, Thầy nói lên tâm trạng của những người Việt xa xứ: mối tình với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn và mối tình với vùng đất mới, một khung trời tự do với tất cả mọi tiện nghi nhưng vẫn còn xa lạ như trên cung trăng. Giống như Bưởi, nhiều người muốn “thân này ví xẻ thành hai được” để có thể vừa lo cho tương lai của con cái nơi xứ lạ quê người, vừa lo cho gia đình và bà con của mình ở quê nhà. Ba truyện ngắn Tùng, Bưởi, Hồng được xuất bản năm 1979 trong tác phẩm Bưởi. Một năm sau, Thầy xuất bản thêm ba truyện ngắn nữa là Tố, Thiều và Lan, những câu chuyện thương tâm về chiến tranh.

Tuy Thầy không còn đi vớt thuyền nhân, nhưng Thầy tiếp tục nhận được mỗi tuần cả trăm lá thư cầu cứu từ đồng bào tị nạn ở các trại Nam Dương. Những lá thư kể rõ tất cả những khổ cực, gian nguy, những tình cảnh đau thương, chết chóc, tủi nhục trên biển cả của những gia đình nạn nhân hải tặc. Những tin tức ấy dồn dập đến mỗi ngày, Thầy phải đi vào rừng thiền hành, có khi một ngày nhiều lần để có thể làm lắng dịu cảm xúc, để có đủ khả năng tiếp tục công việc cứu trợ.

Dưới đây là một đoạn thư Thầy viết an ủi đồng bào:

“Chúng tôi đã nhận được hàng ngàn lá thơ của đồng bào từ các trại tỵ nạn ở Nam Dương, Thái Lan và Mã Lai, và anh em chúng tôi đã nhiều lần khóc khi nghe đồng bào kể lại những gian nguy khổ nhục trên biển cả. Các Phật tử thân cận và những người bạn ngoại quốc đã từng đóng góp hàng tháng để gởi về giúp các trại cũng nhờ chúng tôi gởi lời thăm đồng bào và mong chia sẻ chút xíu những khổ đau mà đồng bào đã chịu đựng. Anh em chúng tôi trong ban Xã hội từ hai năm nay đã học nhịn cơm hai bữa mỗi tuần để nhớ tới đồng bào bên nhà và góp thêm phần vào quỹ tương trợ (chúng tôi đã xin một ít sách của nhà Lá Bối để gởi qua và cũng đã in được mấy ngàn cuốn Anh-Pháp-Việt đàm thoại để gửi qua cho đồng bào dùng, để quên bớt thời gian chờ đợi dài dặc trong trại.

Nếu thơ này đến có hơi trễ là tại cùng một lúc, chúng tôi nhận được nhiều thơ quá và chưa có đủ phương tiện để phúc đáp ngay, xin quý vị thông cảm.

Kính thư”

Vào một buổi thiền trà sáng ở Phương Vân Am sau giờ ngồi thiền, Thầy đọc bài thơ Hãy gọi đúng tên tôi, với hình ảnh em bé thuyền nhân 12 tuổi bị làm nhục trên biển, và người hải tặc không có một trái tim biết nhìn biết cảm. Thầy thấy mình là em bé 12 tuổi mà cũng là người hải tặc, là người trong trại cải tạo mà cũng là người đảng viên cao cấp, là người buôn bán vũ khí và cũng là em bé nghèo đói trơ xương. Thầy giải thích rằng Thầy đã may mắn lớn lên trong một hoàn cảnh để trở thành một con người như bây giờ. Nếu không may được sinh ra và bị bỏ rơi bởi một cô gái người Thái còn quá trẻ, nếu lớn lên trong một môi trường đầy dẫy bạo động, xấu xa, không ai thương và chăm sóc, đói khát tình thương thì có thể Thầy cũng đã trở thành một người hải tặc. Hiện giờ cùng khắp trên thế giới đang có những em bé lớn lên bị bỏ rơi, bị hiếp đáp và đang thèm khát tình thương. Nếu những người xung quanh thờ ơ và không làm gì để giúp thì chúng ta đang góp phần vào việc đẩy các em bé bất hạnh kia trở thành hải tặc thôi. Bài thơ này là một ví dụ của sự thực tập vừa ôm ấp niềm đau vừa quán chiếu về sự thật tương tức để đau buồn và oán hận có thể chuyển thành từ bi. Hôm ấy, có mặt cha Daniel Berrigan. Nghe Thầy nói xong, cha đứng dậy xin phép rồi ôm Thầy thật lâu. Nhiều vị mục sư và linh mục khác đến ghi tên tham dự khóa tu với Thầy sau đó là vì họ đã đọc được bài thơ này.

Sau này, Thầy đích thân đi thăm viếng đồng bào ở các trại tị nạn. Có khi Thầy lặn lội đến tận các trại nằm ở các cù lao ngoài biển xa xôi như Heiling Chau, Chimawan… Không những Thầy tìm cách an ủi, cứu trợ các thuyền nhân về phương diện vật chất mà cũng chỉ dạy đồng bào những phương pháp nuôi dưỡng và trị liệu trong đời sống hằng ngày ở trại.

Nhà xuất bản Lá Bối hải ngoại ở Phương Bối Am tiếp tục in một số tác phẩm của các tác giả khác trong tuyển tập truyện ngắn Một bó hoa đồng[279]; Hồng bay mấy lá, tuyển tập thơ tiền chiến; Tắm mát ngọn sông Đào, thơ văn nhạc sáng tác từ quốc nội[280]; Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục… Thầy còn tái bản những tác phẩm của Thầy mà nhà xuất bản Lá Bối đã xuất bản ở Việt Nam như Nẻo về của ý, Phép lạ của sự tỉnh thức, Việt Nam Phật giáo sử luận I (1977), Vấn đề nhận thức trong Duy thức học[282], những truyện cổ tích nước Văn Lang được Thầy viết lại với rất nhiều từ bi thành cuốn Văn Lang dị sử[283],… 

Tại Phương Vân Am, Thầy cũng đã viết xong Việt Nam Phật giáo sử luận II. Bỏ dấu từng chữ trên 286 trang in, đối với Thầy không mệt và tốn công chút nào mà lại còn vui nữa. Như một nhà họa sĩ, Thầy vừa theo dõi hơi thở, vừa vẽ tỉ mỉ từng nét, từng dấu trên mỗi chữ, mỗi dòng.

Không những Thầy có những quyển sách cần thiết gửi tặng cho đồng bào ở các trại tị nạn mà còn có rất nhiều sách để các học trò Thầy gửi bán cho các người Việt tị nạn tại châu Âu hiện đang ngày một đông. Từ tháng 05 năm 1975, Thầy không còn dạy học ở Paris nữa, cũng không đi dạy mỗi năm tại các trường Amsterdam và Nijmegen như trước. Để tự túc kinh tế, thời gian đầu Thầy tổ chức làm mè xửng theo công thức xin được từ Sư bà Diệu Không. Thầy trò làm mỗi ngày để thử nghiệm và đã in nhãn hiệu với hình con gà đàng hoàng, nhưng sau đó dự án không thành. Nhờ Thầy in sách bán cùng với bản quyền khoảng mười bốn tác phẩm của Thầy xuất bản ở châu Âu và châu Mỹ, cộng đồng ở Phương Vân Am có đủ tiền mua gạo muối.

5. Tươi son bền sắt

Thầy tiếp tục viết sách nhưng Thầy cũng dành ra rất nhiều thời giờ cho lao động chân tay như làm vườn, trồng cây, in sách và đóng sách. Với Thầy, làm việc cũng là tu, cũng là thời gian tĩnh tâm, phác họa lại con đường trước mặt. Viễn tượng về lại Việt Nam còn xa xôi nên Thầy muốn mở rộng con đường hoằng pháp tại phương Tây. Ngoài chuyện cứu trợ đồng bào trong nước, nay có thêm công tác cứu trợ đồng bào ở các trại tị nạn. Thầy thường xuyên nhắc nhở các học trò thực tập chánh niệm trong khi làm việc. Một hôm, thấy chị Phượng đang say sưa gói những hộp thuốc tây, Thầy làm chị giật mình bằng một câu hỏi: “Này Phượng, nếu tối nay con bị đứng tim chết thì con cũng nhẹ nhàng mỉm cười ra đi, không tiếc nuối gì cả, phải không con?” Thầy nhắc nhở các học trò vừa làm việc hết mình vừa thực tập buông thả để không bị kẹt vào đó. Nhiều lúc đang mải mê làm việc, nghe Thầy hỏi “Mọi người đang làm gì đó?”, các bạn trẻ sực tỉnh giấc mơ “công việc”, vội trở về với hơi thở chánh niệm và mỉm cười buông thư. Các học trò ngoại quốc của Thầy đến làm thiện nguyện như Pierre, Neige, Philippe, Sudarat, Krisana, Martine…, ai cũng được nhắc nhở thường xuyên bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Có lần nghe Thầy hỏi, Sudarat, người Thái đã đứng thẳng dậy cười và thưa Thầy bằng tiếng Thái: “thâm ngàn mi xa ma thí”, có nghĩa là cô vừa làm việc vừa thực tập chánh niệm. Tại văn phòng của Phái đoàn Hòa bình ở Paris, ở Sceaux, rồi tại đây, những người trẻ tình nguyện đến làm việc với Thầy ai cũng được Thầy hướng dẫn thực tập thiền tọa, thiền hành, pháp đàm và tụng giới.

Thầy nhắc các học trò của Thầy rằng điều quan trọng nhất là giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào. Muốn có thì giờ và phương tiện để lo cho những người cơ cực lận đận, mình phải sống thật đơn giản về phương diện vật chất mà thâm sâu về phương diện chánh niệm.

Tháng tư lá lục hoa cười

Cho trăng thêm tuổi, cho đồi thêm xuân

Vườn xanh cây mướp trổ bông

Trẻ thơ đùa giỡn trước sân nắng đào

Chợ văn bán sách lầu cao

Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui

Xót quê lòng có ngậm ngùi

Tin quê dồn dập tới lui chẳng ngừng

Chùa xưa vắng tiếng chuông ngân

Trẻ kia cha mẹ gửi thân tù đày

Văn nhân nghệ sĩ bó tay

Con thơ nheo nhóc chẳng ai ngó ngàng

Sóng xô nghiêng vịnh Thái Lan

Bao nhiêu tuổi ngọc chìm làn nước sâu

Tấm thương, lòng vẫn nguyện cầu

Nỗi đau dường ấy, làm sao đỡ đần?

Trước sau xin chớ ngại ngần

Những bàn tay ấy tình thâm vẫn tròn

Giữ cho bền sắt tươi son

Giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào…

(Tươi son bền sắt, Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt)

Cộng đồng Phương Vân Am mỗi ngày một đông hơn với những người tị nạn mới đến. Tất cả đều ăn chay, nằm đất trong các túi ngủ. Cuối tuần có các em tị nạn ở Troyes về để được ăn cơm chay nữa[285]. Sự có mặt của các thiếu nhi làm cho không khí tươi vui lên. Có bé Minh Tâm, cháu nội giáo sư Trần Văn Khê, bé Thủy con ba Triết, bé Long, bé Ton, con của các thuyền nhân mới đến Pháp định cư và còn đang đi tìm việc làm ở Paris hoặc lo giấy tờ đoàn tụ với gia đình bên Mỹ. Thầy dạy ca dao, dạy học và làm cả những bài hát cho các bé hát. Bé Minh Tâm được ba mẹ đưa tới văn phòng Phái đoàn Hòa bình chơi từ khi mới hai tuổi rưỡi, lúc bé bắt đầu tập nói. Thầy đã bế bé và dạy bé nói câu: “Mùa thu lá đỏ đẹp”. Sau này khi bé Minh Tâm đi thăm ông nội là giáo sư Trần Văn Khê, câu nói đầu tiên bé thưa ông nội là: “Mùa thu lá đỏ đẹp”. Ông nội bé vô cùng thán phục: “Ôi, cháu tôi nghệ sĩ quá!” Còn bé Thuỷ sáu tuổi, khi được vào rừng chơi, bé giang tay ra chỉ những chiếc lá thu vàng đang rơi và đọc một đoạn văn của nhà văn Đinh Hùng: “Thu hôm nay tôi đi trong rừng thu vàng óng ả này, ngắm từng chiếc lá vàng rơi. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về đây để gặp mùa thu thương nhớ cũ, chân ai đi xa vắng ngoài kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh?”

Giờ chấp tác ở Phương Vân Am đầy ắp công việc nhưng không khí lại rất êm ả. Thầy trò hay ngồi chung quanh chiếc bàn gỗ vuông thấp uống trà mỗi sáng sau giờ ngồi thiền. Phật đường có chỗ ngồi thiền cho hơn 20 người. Vào giờ cơm chiều, mười mấy Thầy trò ngồi ăn chung, sau đó cùng nhau hát các bản dân ca của các dân tộc khác nhau. Laura, Philippe, Martine đều là những nghệ sĩ yêu thích ca nhạc, biết đàn guitar và viele – một loại nhạc khí cổ của Pháp. Mỗi ngày được chấm dứt bởi một buổi ngồi thiền. Mỗi thứ bảy là ngày quán niệm. Mọi người ngưng công việc, chỉ tắm giặt, dọn phòng, cắm hoa, làm vườn, làm tất cả những gì mình thích trong chánh niệm.

Qua những bài giảng và những quyển sách, càng ngày càng đông người Việt tị nạn đến tu tập cùng Thầy. Thầy bắt đầu tổ chức và hướng dẫn các khóa tu cuối tuần vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật, mỗi tháng một lần, rồi đến những khóa tu mùa Hè, khóa tu về Duy biểu học, v.v. Rất nhanh chóng, Phương Vân Am trở nên quá nhỏ khi chỉ đủ chỗ ở cho 15 thầy trò vào mùa Đông và thêm 35 người đến dự khóa tu mùa Hè. Các thiền sinh đến đây tu học chỉ được ở một tuần rồi phải đi, để nhường chỗ cho những người khác đến.

Viễn tượng về nước rất xa vời, Thầy quyết tâm dời về miền Nam nước Pháp, nơi có nhiều nắng nhất và có nhiều nông trại bỏ hoang bán rẻ . Sau khi xem khoảng năm mươi cơ sở bất động sản, ngày 29 tháng 11 năm 1978, Thầy tìm ra một căn nhà lớn mười ba phòng. Thầy đặt tên nơi này là Phương Khê (Sơn Cốc) vì bên phải miếng đất có một dòng suối nhỏ. Thầy tiếp tục ở Phương Vân Am để hướng dẫn các khóa tu và dùng Phương Khê để tàng trữ tất cả hồ sơ của Phái đoàn Hòa bình tại Hội đàm Paris, của GHPGVNTN từ trung ương cho đến các tỉnh từ năm 1968 đến 1974 mà phần lớn đã bị thiêu hủy ở quê nhà. Thư từ báo cáo tin tức từ Việt Nam và những tài liệu họp báo cũng được lưu trữ đầy đủ nơi đây.

Ngày 13 tháng 06 năm 1982, Thầy ở New York tham dự một cuộc biểu tình cho hòa bình để chống vũ khí nguyên tử, cùng với một số đệ tử của cố Thiền sư người Nhật Shunryu Suzuki. Theo tờ New York Times, đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ[288]. Thầy dẫn đầu phái đoàn đi một cách chậm rãi, bình an. Tốc độ đi của đoàn quá chậm cho đám đông ở phía sau, nên nhiều người đã vượt qua và tỏ vẻ rất tức giận. “Có rất nhiều giận dữ trong phong trào hòa bình,” Thầy quan sát. Đối với Thầy, sự thực tập chánh niệm là điều vô cùng thiết yếu để chế tác hòa bình: “Cách ta sống đời sống hàng ngày sẽ góp phần làm nên hòa bình hay chiến tranh. Chánh niệm có thể cho ta biết là ta đang đi về hướng chiến tranh và chính năng lượng chánh niệm sẽ giúp ta quay lại để đi về hướng khác, hướng của hòa bình”[289]. Với chánh niệm, chúng ta có thể thay đổi cách tư duy. Hoạt động hòa bình không chỉ là việc tháo gỡ bom. Thậm chí khi ta vận chuyển toàn bộ bom lên mặt trăng, ta cũng vẫn không có an ninh, bởi vì gốc rễ của chiến tranh và của những trái bom vẫn còn đó, ở trong tâm thức cộng đồng của chúng ta. Chúng ta không thể xóa bỏ chiến tranh bằng các cuộc biểu tình đầy giận dữ. Chuyển hóa tâm thức cộng đồng là cách duy nhất có thể xóa bỏ chiến tranh tận gốc.

Và như thế Thầy đã chuyển trọng tâm từ các cuộc biểu tình và họp báo qua công việc có bề sâu hơn, đó là việc chuyển hóa tâm thức cộng đồng qua các khóa tu chánh niệm và qua nếp sống cộng đồng. Các khóa tu đã trở thành lĩnh vực hoạt động của Thầy bắt đầu từ đây.

Cuối chuyến đi này, nhiều nhóm người Hoa Kỳ muốn cúng dường đất để Thầy thiết lập trung tâm thực tập chánh niệm nhưng Thầy trở về Pháp, quyết chí thực hiện mơ ước mà Thầy đã ôm ấp từ nhiều năm.

X. Những khám phá Phật học

1. Trường Viễn Đông Bác Cổ của đại học Sorbonne

Trong số những nhân sĩ và trí thức hết lòng yểm trợ Thầy trong giai đoạn này có giáo sư người Pháp Paul Demiéville[240]. Ông là một học giả Phật học trứ danh, người mà cả những học giả nổi tiếng như Étienne Lamotte, André Bareau đều coi là sư phụ. Khi xuất bản bản dịch Lâm Tế lục[241], ông gởi cho Thầy một tập với dòng chữ Nho: “Nhất Hạnh thiền sư giảo chinh, Đới Mật Vi kính trình”. Thầy đọc bản dịch rất thông minh của tác giả và hết sức khâm phục tinh thần học giả liêm khiết nơi ông. Ông viết rằng có nhiều đoạn trong cuốn Lâm Tế lục, ông vẫn còn chưa thấu triệt và ông cảnh cáo với độc giả là đừng quá tin vào những lời bình giải của ông.

Năm 1973, nhà xuất bản Seghers mời giáo sư Demiéville viết một cuốn sách về thiền. Ông nói rằng ông chỉ là một học giả, còn Thầy mới là người có thực hành thiền. Do đó ông từ chối nhà xuất bản và mời Thầy viết về đề tài đó. Clefs pour le Zen, chương đầu của quyển sách là Thắp sáng hiện hữu, báo trước sự ra đời của phép tu chánh niệm mà quyển Phép lạ của sự tỉnh thức sẽ chuyên chở sau này. Clefs pour le Zen được dịch sang nhiều thứ tiếng và đây là cuốn sách thứ ba của Thầy xuất bản ở phương Tây, năm 1973[243].

Vào năm 1971, có lần Thầy mời giáo sư về thọ trai ở Maisons Alfort, nơi Thầy cư trú. Năm đó giáo sư Demiéville khoảng 80 tuổi. Ông mời Thầy vào dạy ở trường École Pratique des Hautes Études của đại học Sorbonne tại phân khoa Bác ngữ học và Sử học (Sciences historiques et philologiques). Thầy nhận lời dạy môn lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ông có cho Thầy mượn bộ Việt Nam Thập vấn tuần san của trường Viễn Đông Bác Cổ mà ông có để dạy lớp này. Thầy rất hạnh phúc trở lại giảng dạy ở học đường sau bao nhiêu năm bôn ba ở xứ người. Thầy có hướng dẫn cho một số sinh viên làm luận án về những đề tài Phật học Việt Nam như Đời sống và Giáo lý của Thiền sư Thích Huyền Quang.

Là một giáo sư ở trường École Pratique des Hautes Études của đại học Sorbonne, Thầy có cơ hội khai thác bộ sưu tập những tài liệu Phật giáo phong phú tại thư viện quốc gia của Pháp ở Paris và thư viện của trường Viễn Đông Bác Cổ. Thư viện quốc gia của Pháp có rất nhiều tạp chí Việt Nam được tàng trữ, trong đó có đầy đủ các tạp chí Tiếng Chuông Sớm do chùa Bà Đá phát hành, tạp chí Đuốc Tuệ, Từ Bi Âm và rất nhiều tư liệu khác. Trường Viễn Đông Bác Cổ có rất nhiều Microfilm lưu trữ những tác phẩm cổ có liên hệ tới Phật giáo Việt Nam. Ông giám đốc rất dễ thương, vui lòng cho Thầy sử dụng những Microfilm đó. Từ những năm 1950, sau khi đọc tác phẩm Bản báo cáo của một nhà khoa học đã từng nghiên cứu Kinh điển Phật giáo (Nhất cá khoa học giả nghiên cứu Phật Kinh đích báo cáo) của tác giả Uông Trí Biểu, Thầy ước mơ viết một cuốn sách nói về những điểm tương đồng giữa Phật học và khoa học. Vì vậy mỗi khi có cơ hội, Thầy đều học thêm khoa học. Học khoa học cũng tạo cho Thầy một thói quen luôn tìm tòi, thử nghiệm những điều mình học hỏi và thực tập. Tại trường Viễn Đông Bác Cổ, Thầy căn cứ vào khoa học, bác ngữ học (ngành chuyên nghiên cứu về địa điểm và ngày tháng xuất hiện của một tài liệu cổ) và khảo cổ học (ngành chuyên khám phá, khai quật những tài liệu cổ) để nghiên cứu và so sánh các văn bản. Những phát hiện về văn bản học và khảo cổ học đã giúp Thầy rất nhiều trong quá trình tìm hiểu về lịch sử đạo Bụt. Nhờ những khám phá ấy mà Thầy biết được khá tường tận về tuổi tác và địa điểm xuất hiện của những bộ kinh, phân biệt được giáo lý đạo Bụt nguyên chất với những trào lưu của đạo Bụt phát triển. Cái hiểu của Thầy về Phật học, từ Tam bảo qua Tứ đế, Bát chánh đạo, Mười hai nhân duyên đến Niết bàn cứ từ từ sâu thêm và cuối cùng đạt tới nhất quán. Công phu tu tập của Thầy cũng dựa trên những cái thấy ấy rất nhiều.

2. Thiền sư Khương Tăng Hội và kinh An ban thủ ý

Thầy khám phá ra được một số dữ kiện về lịch sử Phật giáo Việt Nam như tên thật của Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Quốc Tung. Tuệ Trung Thượng Sĩ là anh ruột mà không phải là con của tướng Trần Hưng Đạo như mọi người nghiên cứu và tuyên bố trước đó. Sự khám phá đó đã được nhiều học giả Nam cũng như Bắc Việt Nam công nhận[244].

Thêm một khám phá quan trọng nằm ở các tài liệu quý hiếm với các chi tiết về cuộc đời của Thiền sư Khương Tăng Hội, một danh tăng kiệt xuất người Việt, có cha là một thương nhân gốc Khương Cư (ngày nay là Uzbekistan) thuộc Trung Á và mẹ là người Việt[245]. Vào năm 247 sau công nguyên, Thiền sư Tăng Hội đã từ Giao Châu du hóa lên miền Bắc, đến nước Đông Ngô (bây giờ là miền Nam Trung Quốc), trở thành vị Thiền sư đầu tiên hoằng pháp tại Trung Quốc, trước Tổ Bồ Đề Đạt Ma ba thế kỷ. Thiền sư Tăng Hội đã độ vua Ngô Tôn Quyền, đã dựng chùa Kiến Sơ đầu tiên tại Luy Lâu, và tổ chức giới đàn truyền giới cho các vị xuất gia đầu tiên của Đông Ngô, thiết lập nền tảng và cấu trúc cho một truyền thống thiền Phật giáo hưng thịnh suốt hơn một ngàn năm tại Trung Hoa[246]. Thầy rất vui khi tìm ra được vị tổ sư đầu của thiền tập Việt Nam là tổ sư Khương Tăng Hội, và Thầy mong ước trong một thời gian không lâu, tất cả các chùa ở Việt Nam sẽ đều thờ tổ Khương Tăng Hội. Trong các tác phẩm của Thiền sư Tăng Hội để lại, Thầy chú ý đặc biệt đến Bài tựa Kinh An ban thủ ý. Nhờ bài tựa này mà Thầy đã lục tìm ra được nguyên bản của bài kinh này trong tạng Pali. Trong kinh An ban thủ ý (Ānāpānasatisutta), Bụt hướng dẫn thực tập mười sáu phương pháp thở từ căn bản đến chi tiết một cách rõ ràng để hướng tâm ý an trú trong chánh niệm. Tất cả các giáo lý thực tập của đạo Bụt đều nằm gọn trong mười sáu hơi thở. Nhưng nội dung của kinh trong tạng Pali rất khác với nội dung của kinh An ban thủ ý có lời tựa của thiền sư Tăng Hội còn được lưu truyền trong tạng Hán. Thầy lại trở về trong tạng Hán tìm hiểu và đã phát hiện ra ba kinh trong ấy. Đó là các kinh mang số 803, 810 và 815 của bộ Tạp A Hàm. Ba kinh này góp lại thì đầy đủ tất cả những chi tiết và nội dung của kinh An ban thủ ý trong tạng Pali.

Có được văn bản tiếng Pali rồi, Thầy trở về trong Hán tạng và tìm thấy bài kinh này với tên Đại An ban Thủ ý kinh. Nghiên cứu này của Thầy đã được ghi lại trong tác phẩm Nẻo vào thiền học, Kinh Quán niệm hơi thở do Thầy dịch và chú giải, và sau này trong tác phẩm Thiền sư Khương Tăng Hội: Sơ tổ của thiền tông Việt Nam và Trung Hoa (2001). Nhờ ba kinh trên mà Thầy đã chỉnh sửa được một khuyết điểm do sự truyền thừa trong văn bản Pali.

Ngày Thầy khám phá ra kinh An ban thủ ý (Quán niệm hơi thở), Thầy hạnh phúc như thể đã tìm ra một kho báu. Thầy có cảm giác Thầy là người hạnh phúc nhất trên đời. Trở về với suối nguồn nguyên thuỷ, Thầy gia công nghiên cứu và thực tập các kinh như Tứ niệm xứ (Bốn lĩnh vực quán niệm), Niệm thân, Người biết sống một mình, v.v. Những cái thấy và những chứng nghiệm của Thầy trong thời gian ấy đã trở thành nền tảng cho những pháp môn thực tập mà Thầy cống hiến mãi về sau này[249].

3. Việt Nam Phật giáo sử luận IPhép lạ của sự tỉnh thức

Dù ở xa, Thầy đã không quên thế hệ các tu sĩ trẻ bên nhà khi Thầy khám phá ra những tư liệu thú vị, và Thầy đã ngồi xuống để viết cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận I. Tác phẩm này được xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1973 dưới bút hiệu Nguyễn Lang.

Về lại Paris từ Bangkok sau khi hiệp định Paris được ký, Thầy dọn văn phòng về Sceaux, vùng ngoại ô phía Tây Nam Paris[250] để không phải lái xe đi làm băng qua Paris mỗi ngày. Ba căn phòng được dùng làm phòng ngủ vào ban đêm và là phòng làm việc vào ban ngày. Những hàng kệ đầy hồ sơ cô nhi, tài liệu của Phái đoàn Hòa bình và sách vở dạy học của Thầy che kín các bức tường từ dưới lên đến trần nhà. Phòng khách cũng là thiền đường, phòng ăn, phòng làm việc và cả phòng ngủ. Không có chỗ, Thầy phải đặt cái máy roneo in tài liệu cho Phái đoàn vào phòng tắm, thế là căn phòng tắm trở thành nhà in sách tài liệu[251].

Hòa ước Paris được ký kết vào tháng 03 năm 1973, nhưng chiến tranh Việt Nam vẫn kéo dài thêm hai năm  và  ngày càng ác liệt. Vì thương các bạn tác viên trẻ của trường TNPSXH phải đương đầu quá nhiều với những khó khăn và bức xúc trong các công tác ở quê nhà dưới lửa đạn, Thầy viết một lá thư dài cho anh Lê Nguyên Thiều, Tổng thư ký ban điều hành của trường. Thầy muốn chia sẻ với các tác viên kinh nghiệm thực tập chánh niệm của chính Thầy trong hơn một thập niên. Chủ ý của Thầy là đưa ra một đường hướng tâm linh trong khi phụng sự. Những pháp môn thực tập thật cụ thể, dễ dàng áp dụng để có thể sống chánh niệm và an trú trong hiện tại. Sau này Thầy giải thích: “Bởi vì nếu bạn không tu tập trong khi phụng sự, bạn sẽ đánh mất mình, tinh thần bị kiệt quệ, và đó không phải là đạo Bụt dấn thân”[252]. Sau đó, bản thảo lá thư được đánh máy lần đầu tiên tại văn phòng ở Sceaux và in bằng Ronéo. Về Sài Gòn, lá thư được nhà xuất bản An Tiêm in thành sách với tựa đề Ý thức em mặt trời tỏ rạng dưới bút danh Thạc Đức. Vừa in xong thì miền Nam sụp đổ. Năm sau, chị Phượng đã in nhỏ trang sách lại thành 1/4 của mẫu giấy A4 và gửi từng xấp thư mỏng qua bưu điện về Việt Nam cho những người thân, trong đó có các sư bà Như Huệ (Vĩnh Bửu), Thể Thanh, Viên Minh, các Ni sư Phước Hiển, Trí Hải v.v. Ni sư Phước Hiển in chui quyển sách này ở thành phố Hồ Chí Minh với tựa đề Hàm tiếu thiền (Phép lạ của sự tỉnh thức), tác giả là Thạch Đức.

Trong số các bạn tình nguyện viên của Phái đoàn Hòa bình, em Mobi đã học tiếng Việt để dịch các hồ sơ cô nhi qua tiếng Anh. Mobi dịch ngay quyển sách sang tiếng Anh[253] và Neige Achiary dịch ra tiếng Pháp. Năm 1975, Jim Forest vừa thấy được bản dịch liền nhuận văn lại và đưa cho nhà xuất bản Hòa Bình của Hội Thân hữu Hòa giải phát hành ngay với tựa đề The Miracle of Being Awake. Ngay sau khi Jim in một chương đầu trên tờ Fellowship Magazine và thông báo ai cần mua nguyên quyển thì tới tòa soạn, nhiều vị mục sư, linh mục, những thành viên của hội đã lái xe đến tận New York để mua vài chục quyển tặng người thân. Sau đó, Jim đã đem quyển sách tới Beacon Press, một nhà xuất bản có tầm vóc. Nhà xuất bản Beacon Press đòi mua luôn bản quyền tác phẩm và xin sửa tựa đề tác phẩm thành The Miracle of Mindfulness[254]. Năm 1976, tác phẩm được xuất bản ở Sri Lanka và Thái Lan như một “cẩm nang thiền tập cho những nhà hoạt động trẻ tuổi”. Hòa thượng Nyanaponika, người Đức, tác giả cuốn The Heart of Buddhist Meditation, đến viếng thăm Thầy tại Sceaux.  Hòa thượng ở lại, cùng Thầy đi thiền ở công viên Sceaux và đọc được cuốn sách này. Hòa thượng đã xin để tác phẩm được xuất bản bởi nhà xuất bản Buddhist Publication Society của Hội Theravada Buddhists ở Colombo, tại Sri Lanka.

Tác phẩm đã nhanh chóng trở thành một cẩm nang thiền tập chánh niệm hàng đầu ở phương Tây. Jon Kabat-Zinn, giáo sư, bác sĩ y khoa dạy về chánh niệm hàng đầu trên thế giới đã nói: “Đó là quyển sách đầu tiên đánh thức đọc giả phương Tây, làm họ lưu ý tới đề tài chánh niệm”. Đây là một thiền phổ đột phá trong lĩnh vực thiền tập vào những năm cuối của thập niên 1970 và những năm đầu của thập niên 1980, đưa sự thực tập thiền ra khỏi thiền đường và chỉ cho mọi người biết làm thế nào để có thể đem chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Như lời một học giả trường đại học Oxford đã nói: “Quyển sách đã âm thầm gieo hạt giống cho một cuộc cách mạng”. Đến nay thì quyển sách đã trở thành một tác phẩm cổ điển về thiền tập bán chạy nhất, vẫn được tiếp tục tái bản với hơn 30 thứ tiếng.

4. Chiếc bè không phải là bờ bên kia (The Raft Is Not the Shore)

Trong thời gian ở hải ngoại để vận động hòa bình, Thầy có cơ hội tiếp xúc với giới nhân bản tâm linh và trí thức ở Âu Mỹ và trên thế giới, những nhân vật và những tổ chức có cái nhìn nhân bản khoáng đạt và tiến bộ[256]. Sự giao lưu văn hóa đã cho Thầy cơ hội nhìn lại cái hiểu của mình về Phật học, đào sâu và hiểu được đạo Bụt một cách sâu sắc và khoáng đạt hơn. Trong số những nhân vật này là linh mục Daniel Berrigan.

Tháng 09 năm 1974, cha Berrigan đến văn phòng Phái đoàn Hòa bình ở Sceaux và ở lại với Thầy vài tháng. Thầy rất quý trọng nếp sống thanh bạch, đẹp đẽ của cha Daniel Berrigan cho lý tưởng hòa  bình[257] và Thầy đã nhường phòng Thầy cho Ngài. Bên cửa sổ căn phòng có một cây bạch dương rất đẹp. Một buổi sáng đẹp trời của mùa thu,  khi nhìn cây bạch dương óng ánh lá vàng, Thầy nói: “Các con có thấy cây bạch dương nhà mình tuyệt vời không? Mà linh mục Daniel Berrigan cũng tuyệt vời như cây bạch dương. Mình phải tặng cha Berrigan giải hòa bình Bạch Dương mới được!”. Buổi tặng huy chương có chiếu trải dưới cây bạch dương, có trà rất ngon do Thầy pha, có bánh ngọt, có Thầy đọc diễn văn và có Pierre Marchand, Hương, Thoa, Lợi, Mobi và chị Phượng hát tặng cha. Sau đó cả nhóm đi thiền trong công viên Sceaux rất vui. Cha Berrigan cũng ở lại với Thầy ở Phương Vân Am sau này. Những cuộc đàm thoại đáng nhớ trong đêm khuya giữa cha và Thầy đã được ghi âm lại và sau đó in thành tác phẩm với tựa đề The Raft Is Not the Shore (Chiếc bè không phải là bờ bên kia, Beacon Press, 1975).

5. Những ngày cuối tại văn phòng Phái đoàn Hòa bình ở Sceaux

Người trẻ quốc tế đến văn phòng làm thiện nguyện càng ngày càng đông[259]. Có các bạn tình nguyện làm việc toàn thời gian (như Pierre, Neige, Mobi, Hương), một số sinh viên khác đến giúp bất định kỳ, tùy theo khả năng của họ. Lại có một nhóm các bạn như Thoa, Lợi, Hoàng Anh, Hằng, Hải Tính, Nga, anh Trương, Huệ Châu, anh Hướng và anh Cao Thái, lãnh hồ sơ về nhà dịch mỗi đêm vài giờ. Mỗi sáng, Thầy và các bạn thường ngồi thiền rồi uống trà chung. Sau đó, Thầy thường đọc một bài thơ cho mọi người nghe. Trong ngày, các bạn trẻ tổ chức nhạc hội gây quỹ, kêu gọi người bảo trợ các em mồ côi, dịch hồ sơ các em ra đủ thứ tiếng để gửi đi các nơi tìm người bảo trợ. Tuy công việc nhiều nhưng mỗi ngày, Thầy cũng dịch được 20 hồ sơ cô nhi từ tiếng Việt ra tiếng Anh hay tiếng Pháp. Trước khi dịch một hồ sơ, Thầy nâng hình em bé lên, dành vài giây nhìn vào mắt em bé, nhìn kỹ tấm hình, quán tưởng để thấy được hoàn cảnh của bé khi ba má mất và thở để niềm thương cảm tuôn trào trong trái tim mình trước khi đặt bút xuống dịch. Thầy quán chiếu để thấy mình và em là một. Thấy Thầy làm việc, các bạn trẻ cũng học được cách nhìn sâu trong khi làm để chất liệu từ bi trong trái tim mỗi người được nuôi lớn, và công việc này trở thành một phép thiền quán. Một đội ngũ trẻ trung, tràn đầy lý tưởng và năng lượng sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để giúp Thầy như ghi địa chỉ, dán tem trên báo Le Lotus để gửi đi các nơi. Họ yểm trợ những công tác xã hội ở Việt Nam bằng nhiều cách, điều hành bởi chính những tác viên của trường TNPSXH, phối hợp với các tổ chức nhân đạo như F.O.R., Third Way in Vietnam, Comité pour les Enfants du Vietnam, Swedish International Development Aids (SIDA) v.v…[262]

Sau một ngày dài làm việc, Thầy và các bạn trẻ dùng cơm chiều rồi ngồi uống trà bên nhau. Tất cả mọi người đều tham dự vào một giờ thiền ca trước khi đi ngồi thiền. Laura Hassler, Pierre Marchand, Graeme Allwright… đều là những người đánh đàn guitar rất hay. Họ hát các bài hát hòa bình (có khi gọi là phản chiến) tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Có khi Pierre hát bài hát em vừa đặt nhạc xong như bài thơ Dặn dò của Thầy. Mỗi ngày được chấm dứt bằng một buổi ngồi thiền chung với Thầy. Thầy cũng tổ chức những buổi tụng giới, những ngày tu quán niệm tại đây. Trước đó, Thầy hay mượn trụ sở của trung tâm Quakers ở đường Vaugirard tại Paris tổ chức ngồi thiền mỗi tuần một lần để các thân hữu có thể đến tham dự, nhưng từ khi văn phòng dời về Sceaux, rộng hơn thì Thầy chỉ sử dụng văn phòng này cho các buổi thực tập thiền ngồi.Ở ngoài nước, Phái đoàn Hòa bình tìm cách quyên góp từ các tổ chức nhân bản trên thế giới như Amnesty International, Brot Für Die Welt, Oxfam, cũng như kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ Thuỵ Điển và các nước trung lập không tham gia vào chiến tranh Việt Nam. Quyên góp được bao nhiêu, mỗi ba tháng, Phái đoàn Hòa bình chuyển trực tiếp qua Ủy ban Tái thiết và Phát triển Xã hội của GHPGVNTN trong nước. Ban thủ quỹ của Ủy ban lo việc phân phối chi tiêu cho những chương trình từ thiện của Giáo hội Phật giáo ở 42 tỉnh. Các tác viên trường TNPSXH đảm trách các dự án phát triển xã hội. Trong và ngoài nước, mọi người làm việc trong sự hòa hợp và có rất nhiều hiệu quả. Trường TNPSXH đã trở thành  phần chủ lực trong Uỷ ban Tái thiết và Phát triển Xã hội, cộng tác với các cấp Giáo hội, số người làm việc của Phật giáo đã lên tới gần mười ngàn người, hoạt động khắp nơi trên lãnh thổ miền Nam. Các trung tâm định cư, làng hoa tiêu, làng tự nguyện, làng tái thiết được thực hiện khắp nơi. Ông Phan Quang Đán, Bộ trưởng Xã hội của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đã khen Phật giáo làm nhanh và làm giỏi quá! Riêng về công tác bảo trợ cho cô nhi nạn nhân chiến tranh, con số khởi đầu là 860 cô nhi được bảo trợ vào năm 1973 đã tăng dần lên đến khoảng 20 ngàn vào tháng 05 năm 1975[263]. Mỗi em thay vì vào một cô nhi viện thì được một gia đình chú thím hoặc cô chú  nuôi. Trong khi những ân nhân phát tâm nuôi cô nhi  ngày càng đông thì chương trình bị đứt đoạn khi miền Nam sụp đổ.

IX. Hòa đàm Paris (1968 – 1973)

1. Phái đoàn Phật giáo Việt Nam

Năm 1968, Thầy được đức Tăng thống của GHPGVNTN – Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, ủy nhiệm thành lập và hướng dẫn một phái đoàn Phật Giáo Việt Nam để có mặt tại Hội Nghị Hòa Bình ở Paris. Trong Hội Nghị có các phe lâm chiến tham dự, nhưng không có tiếng nói của người dân. GHPGVNTN đại diện tiếng nói của người dân đang ngày đêm sống trong bom đạn.

Sau khi thương thuyết với Bộ Ngoại giao Pháp, Thầy đặt trụ sở văn phòng Phái đoàn Hòa bình của GHPGVNTN tại Maisons Alfort (số 88, đường Gambetta), rồi tại Paris quận 18[203]. Phái đoàn Hòa bình cung cấp cho các giới nhân bản, các giới tôn giáo, các giới báo chí và chính trị những thông tin mà các phái đoàn trong Hòa đàm không cung cấp. Đó là những đau khổ, những áp bức, tuyệt vọng của người dân. Đất nước bị tan tành bởi một cuộc tranh chấp giữa hai phía. Anh em một nhà bôi mặt đá nhau. Người Việt sử dụng ý thức hệ ngoại lai và vũ khí ngoại lai để giết nhau.

Phái đoàn Hòa Bình ra mắt trong một Buổi cầu nguyện cho hòa bình tại phòng họp lớn của khách sạn Quai d’Orsay sát bên Bộ Ngoại giao. Ngày 8 tháng 6 năm 1969, gần sáu trăm đồng bào Việt Nam đến tham dự từ khắp nơi trong nước Pháp cùng với các thầy đang sống ở hải ngoại[204]. Trong số những nhân sĩ thế giới được mời đến có Tiến sĩ Heinz Kloppenburg[205], ông Alfred Hassler, vừa là tổng thư ký Hội Thân hữu Hòa giải (Fellowship of Reconciliation hay F.O.R.), vừa là chủ tịch Lương tâm Quốc tế về Chiến tranh Việt Nam (International Conscience of Vietnam), ông Danilo Dolci[206], Lord Philip Noel-Baker[207], ông Hannes De Graaf[208], ông Jean Goss-Mayr[209], ông Devi Prasad thuộc Hội Quốc tế chống chiến tranh (War Resistance International) gồm 37 nước trên thế giới. Khoảng sáu trăm đồng bào Phật tử Việt Nam rất cảm động khi được tụng chung bài tụng Kinh Cầu nguyện hòa bình mà Thầy đã sáng tác[210] cuối năm 1965.

Ngày hôm sau, tại Fontainebleau diễn ra một cuộc họp mặt ra mắt Phái đoàn Hòa bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Dưới sự áp lực của các phe lâm chiến là các phái đoàn Hà Nội, Sài Gòn và Mỹ, chính quyền Pháp đã không cho phép Thầy tổ chức buổi ra mắt ở Paris mà phải làm tại Fontainebleau và không được họp báo. Nhưng nhiều ngày sau, lần lượt các đài truyền hình Hà Lan, báo chí Đức, Bỉ đều đến phỏng vấn Thầy và đã đăng những bản tin về cuộc ra mắt này.

Đài Truyền hình Hà Lan đang phỏng vấn Thầy nửa chừng thì bị chính quyền Pháp đến cấm quay hình. Nhưng về Hà Lan, họ vẫn làm ra được một cuốn phim ngắn hai mươi phút về Phật giáo Việt Nam. Họ chiếu thêm những hình ảnh về Hòa thượng Quảng Đức, những hình ảnh Phật giáo Việt Nam tranh đấu bất bạo động năm 1963 và một đoạn phỏng vấn Thầy. Tờ nhật báo Trouw, rất có uy tín trên toàn quốc, đăng nguyên một bài về Phật giáo Việt Nam ở nguyên trang đầu khổ A3 của tờ báo. Hai tờ tuần báo Open Deur Onderweg De Nieuwe Linie viết nhiều bài dài về những công tác của Phật giáo Việt Nam cho người nghèo đói, nạn nhân của chiến tranh.

Thầy cùng những người cộng sự biên tập và phát hành tờ Le Lotus ra tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt. Tờ báo được các nhóm tại Anh và Mỹ[211] in thêm ra nhiều ngàn bản để phổ biến và thúc đẩy phong trào tranh đấu cho hòa bình ngày càng lớn mạnh khắp châu Âu và Mỹ[212]. Đây là tờ báo của Phật giáo, đại diện cho tiếng nói của người dân chạy dưới đạn bom, hay những nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền trong nước. Một trong những tin tức đó là thầy Thiện Minh bị vu khống và kết án 15 năm khổ sai. Thầy Thiện Minh là một nhà ngoại giao xuất sắc đã luôn đem thắng lợi về cho Phật giáo trong cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm năm 1963. Ba năm sau, Thầy đã bị ám sát hụt. Là một người túc trí và can trường, Thầy đã từng đóng góp lớn lao cho phong trào phục hưng Phật giáo từ 1949 đến 1974. Cảm thấy đây là một người nguy hiểm vì tài giỏi, Thầy thường bị những thế lực tìm cách sát hại. Thầy Nhất Hạnh đã vận động thế giới gây áp lực ráo riết với chính quyền Việt Nam trong suốt bốn năm cho đến năm 1973, thầy Thiện Minh mới được trả tự do.

   2. Hộ chiếu vô hiệu hóa

Tháng 05 năm 1971, Thầy nhận lời mời của những thượng nghị sĩ George McGovern, Claiborne Pell, và Birch Bayh đến nói chuyện tại buổi gặp mặt đông đảo các nghị sĩ Thượng và Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington D.C. Sau đó Thầy lại đi thêm một vòng nước Mỹ và nói chuyện với những vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị tại đây. Trong chuyến đi này, có lúc trong một ngày mà báo chí đăng tải rất nhiều về những tàn phá do các cuộc đụng độ quân sự lớn ở Việt Nam. Mỏi mệt sau bao nhiêu tháng trường lê gót vận động để mong cho cuộc chiến chấm dứt, Thầy đã nhận diện và ôm ấp nhiều ngày nỗi cô đơn, đau buồn ức nghẹn này cho đến khi niềm cảm xúc được lắng dịu. Bài thơ này Thầy đã viết bài thơ Ấm áp trong khoảng thời gian đó:

   Tôi bưng mặt trong lòng hai bàn tay

Có phải để khóc đâu anh

Tôi bưng mặt để giữ cho ấm áp sự cô đơn

Hai bàn tay chở che

Hai bàn tay nuôi dưỡng

Hai bàn tay ngăn cản

Sự ra đi hờn dỗi của linh hồn.

Một hôm, Thầy đang ở Washington D.C, một phái viên tờ The Baltimore Sun gọi điện để báo cho Thầy biết là chính quyền miền Nam Việt Nam vừa gửi điện văn thông báo cho ba quốc gia Hoa Kỳ, Pháp và Anh là họ đã vô hiệu hóa hộ chiếu của Thầy. Mục đích là để Thầy chấm dứt công việc đi khắp thế giới kêu gọi đình chiến, đi tới thương thuyết hòa bình. Vị ký giả này đề nghị Thầy nên đi trốn và ở ẩn một nơi không ai biết để khỏi bị dẫn độ về nước và ở tù. Hồi ấy, Thầy có một người bạn cũng đang hoạt động cho hòa bình như Thầy, cũng đã từng bị tù tội và cũng đã từng đi trốn để khỏi bị truy nã. Đó là linh mục Daniel Berrigan, một vị linh mục dòng Tên, đồng thời cũng là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Nhưng Thầy không muốn ở lại Hoa Kỳ và xin tị nạn ở đấy, vì Hoa Kỳ đang tham chiến tại Việt Nam.

Đêm đó, Thầy đã sáng tác bài thơ Tôi về lật lại trang xưa. “Cuộc vận động cho hòa bình rất mệt nhọc, mỗi đêm ngủ tại một thành phố khác nhau, giấy thông hành vô hiệu hóa. Thầy cảm thấy nhớ nhà, không biết đi về đâu, ao ước một bữa cơm trời mưa, hương tía tô thu tóm quê nhà sắc, hương, hơi thở. Nhớ nhà” (Thử tìm dấu chân trên cát)

Những bức tường che gió sương

Tạo thành một không gian góc ấm

lửa nến lung linh,

cười nhẹ hương trầm ngày Nguyên đán

Lửa đốt mảnh chứng thư

Bùa phép trần gian trước sau vẫn là vô hiệu

Gió thổi mau

Xa tít biển khơi, cánh chim nào vội vã

Ta ở đâu?

Điểm quy tụ là nhớ thương

Nhà

Ôi quê hương tuổi nhỏ, đồi xanh um cỏ dại.

Thầy quyết định về Pháp để xin tị nạn chính trị, sau buổi diễn thuyết tại Quốc hội Canada. Để tránh trường hợp dẫn độ xảy ra tại Paris, Thầy điện thoại cho các bạn ở Paris để họ tổ chức tiếp đón và họp báo ở phi trường. Nếu cần thì Thầy sẽ tuyên bố xin tị nạn ngay ở phi trường. Hồi đó, chị Phượng đang đi diễn thuyết vận động cho hòa bình ở Trung Mỹ, trong đó có Costa Rica. Chị cũng được gọi về Paris cùng lúc để chuẩn bị. May mắn thay, khi đến Pháp, Thầy đã không bị dẫn độ mà sau đó, còn được giấy tờ tị nạn nữa.

Không còn hy vọng về lại quê nhà và cũng không biết mình bị lưu đày bao lâu, sự thực tập hiện pháp lạc trú của Thầy từ đây lại càng sâu sắc và miên mật. Thầy nhận trái đất này làm quê hương mà không còn là một mảnh đất nhỏ phía bên kia địa cầu.

3. Đại đồng Thế giới, khởi đầu phong trào sinh môi 

Trước đó một năm, Thầy đã khởi đầu phong trào sinh môi với chương trình Đại đồng Thế giới (The Great Togetherness) để kêu gọi các nước bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của toàn thể nhân loại. Thầy đã cùng ông Alfred Hassler, cô Dorothy Murphy (thư ký của Alfred), bà Ethelyn Best và chị Phượng tại căn phòng nhỏ nơi Thầy cư trú[217] để bàn bạc về chương trình. Mọi người đồng ý lấy hình năm em nhỏ đại diện cho năm châu của địa cầu cùng nắm tay nhau bao quanh trái đất, làm biểu tượng cho Đại đồng Thế giới. Không lâu sau đó, ông Alfred mời được sáu khoa học gia nổi tiếng trên thế giới họp buổi họp kế tiếp tại Menton gần thành phố Nice, miền đông nam nước Pháp. Hoạt động của họ bắt đầu bằng bản Tuyên ngôn Menton (Menton Statement) – “Một thông điệp cho 3.5 tỷ công dân của hành tinh trái đất”. Bản tuyên ngôn đề cập tới vấn đề tàn hại sinh môi, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số. Được phác thảo vào tháng 05 năm 1970[218], bản tuyên ngôn được gửi đến các nhà khoa học của các nước.

Để gây quỹ giúp ban tổ chức có thể đi tới nhiều nước vận động những người nổi tiếng kêu gọi thế giới tham gia chương trình này, Alfred đã sắp xếp cho nhà tỷ phú Chester Carlson, người sáng chế ra máy Xerox photocopy được gặp Thầy. Ông hy vọng Thầy sẽ cảm hóa vợ chồng nhà tỷ phú này để họ tặng một triệu đô-la cho chương trình như đã hứa. Bà tỷ phú hỏi Thầy một câu về tái sinh và chắc mẩm Thầy sẽ xác nhận niềm tin của bà là bà sẽ đầu thai kiếp sau để tiếp tục làm nhà tỷ phú. Nhưng Thầy không có ý ngoại giao và làm bà vui lòng mà lại dùng một công án thiền để tìm cách giúp bà hiểu được giáo lý cao siêu Bụt dạy:

– “Này bà, nếu đạo Bụt dạy vô ngã thì ai sẽ tái sinh? Ai sẽ đầu thai đây? Nếu bà nhìn sâu hơn về giáo lý vô ngã và sự tái sinh, bà sẽ khám phá ra nhiều điều kỳ diệu lắm. Đạo Bụt không đơn giản như vậy đâu.” 

Bà tỷ phú ngạc nhiên nhưng lại không thức tỉnh bởi công án ấy nên chương trình Đại đồng Thế giới hụt mất một triệu đô-la! Bản tuyên ngôn có chữ ký của  hơn 2000 khoa học gia và được đăng trên tạp chí Courier của UNESCO, ấn bản tháng 07 năm 1971. Một năm sau, Thầy cùng các cộng sự gặp ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và được ông cam kết yểm trợ. Từ ngày 01 đến ngày 06 tháng 06  năm 1972, Thầy và các bạn đứng ra chủ trì Hội nghị Môi trường có tên Đại Đồng (Great Togetherness), song song với Hội Nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Môi trường ở Stockholm[221]. Hội nghị Đại Đồng mời các khoa học gia bảo vệ sinh môi nổi tiếng và thuộc giới tiến bộ, đồng thời cũng mời luôn các khoa học gia bảo vệ địa cầu được Liên Hiệp Quốc mời – những vị dám thẳng thắn nói lên cái thấy của mình. Nếu Liên Hiệp Quốc không phổ biến tiếng nói của họ thì Đại hội Đại Đồng sẽ phổ biến. Sinh thái học bề sâu (deep ecology), tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo hộ trái đất tiếp tục là những đề tài quan trọng được Thầy đưa vào các bài giảng  và các tác phẩm của Thầy sau này.

4. Phương Vân Am: sự tiếp nối của Phương Bối Am

Nhưng niềm vui của Thầy khi tham dự Hội nghị Đại Đồng bị gián đoạn khi hay tin thầy Thanh Văn, giám đốc điều hành Trường TNPSXH ở Việt Nam vừa viên tịch trong một tai nạn giao thông khi một binh sĩ Hoa Kỳ say rượu lái xe tông vào. Thầy Thanh Văn là học trò của Thầy từ hồi còn làm điệu Hưng ở chùa Linh Phong tại Trại Hầm Đà Lạt, lúc điệu mới 13 tuổi[222]. Khi thành lập Viện Cao đẳng Phật học, Thầy đã đề cử thầy Thanh Văn làm Chánh Văn phòng. Khi thành lập trường TNPSXH, Thầy lại đề cử thầy Thanh Văn làm Giám đốc điều hành. Thầy Thanh Văn đã không phụ lòng tin cậy của Thầy. Tháng Năm năm 1968 khi du kích tràn ngập và cả vùng Phú Thọ Hòa bị bắn đại pháo rocket dữ dội, hơn 10.000 người dân đổ xô vào tị nạn trong khuôn viên trường TNPSXH. Thầy Thanh Văn cùng các tác viên đã tổ chức chăm sóc, băng bó cho những nạn nhân, nuôi ăn và bảo vệ tính mạng của đồng bào. Quân Mặt trận đã tới đặt súng máy bắn gần sát khuôn viên trường. Nếu súng phòng không được bắn lên, quân lực Hoa Kỳ sẽ oanh tạc trường và đồng bào sẽ chết hết. Thầy đã đợi trời tối, bò sát đất để tránh đạn bắn từ hai phía lâm chiến. Qua đến địa điểm các ổ súng phòng, Thầy thuyết phục những người lính Mặt trận giải phóng dời súng đi nơi khác. Các bạn ngăn thầy vì đã có một tác viên tình nguyện làm chuyện này, nhưng Thầy đã đích thân bò đi và đã thành công. Thầy Thanh Văn đại diện cho thế hệ trẻ đang đương đầu với bom đạn để đem tình thương đến cho đồng bào bất hạnh chạy dưới lửa đạn. Thầy là người lãnh đạo phong trào TNPSXH, một cuộc cách mạng xã hội bất bạo động, cộng tác với đồng bào để chuyển đổi tình trạng. Sự hy sinh của Thầy được xem như là sự hy sinh của những chiến sĩ tranh đấu cho hòa  bình.

Chưa bao giờ chị Phượng và chú Thanh Hương thấy Thầy buồn khổ như chiều hôm ấy khi cầm trong tay tờ điện tín báo tin dữ. Thầy không nói, không cười, đóng cửa hơn hai tháng trời. Thầy hủy tất cả mọi cuộc viếng thăm và gặp gỡ đã định trước.

May mắn  ở Pháp, Thầy và các cộng sự cũng có một nơi như Phương Bối Am để trở về nuôi dưỡng và trị liệu. Năm ngoái, Thầy, chị Phượng và chú Thanh Hương kiếm được một nông trại nhỏ đổ nát, diện tích miếng đất chừng ba ngàn thước vuông ở miền quê Fontvannes, giữa con đường liên tỉnh nối liền thành phố Troyes và Sens nằm ở miền trung nước Pháp, cách Paris về phía đông nam khoảng 150 km. Đó là một nông trại bỏ hoang từ lâu với ngôi nhà nằm đơn độc trên đồi cao, tựa trên một triền đồi phía Nam của rừng Othe. Sau ngọn đồi ấy còn nối tiếp những ngọn đồi khác. Nhìn xa xa là rừng sồi đã ngả màu vàng đỏ sang thu. Với tiền lương dạy học, Thầy mua miếng đất này bằng cách trả góp và đặt tên cho “vân thâm xứ” của Thầy là Phương Vân Am. Để cho người phương Tây dễ nhớ, nơi đây còn được gọi là Les Patates Douces hay Sweet Potatoes (Khoai Lang), để nhớ tới người dân nghèo Việt Nam. Khoai lang là món rẻ tiền nhất ăn thay cơm khi đói.

Trước mặt am về phía bên kia quốc lộ 60 là những quả đồi và cánh rừng. Sau lưng am là ruộng lúa mì và phía bên phải cách đó 500 mét là đồng cỏ của một nông trại nuôi bò. Trên đỉnh đồi trái sau lưng am là một rừng thông, ở đó có một cây thông rất lớn và sum suê, Thầy đặt tên là cây thông Thanh Từ. Ngoài ngôi nhà chính đã hư nát nhiều chỗ, cốc của Thầy là cái chuồng bò kế bên, mái đã dột, một phía tường đã bị sập. 

Hôm đó, Thầy dẫn các tình nguyện viên ở văn phòng Phái đoàn Hòa bình gồm chị Phượng, chú Thanh Hương, Cao Thái, Mobi, Hương, Neige, Krisana, Thoa, Lợi, Pierre đi xem nhà mới và thiền hành trong rừng. Hoa đồng cỏ nội đẹp như trong cõi tiên. Một buổi khuya mùa thu dưới chân đồi nơi ẩn cư của Thầy tại rừng Othe, Thầy làm bài thơ Ảo hóa:

Mí mắt chân trời mỏi

Đầu núi nghiêng nghiêng tìm gối tựa

Đêm về thơm giấc cỏ hoa…

Khi đêm về, lần đầu tiên Thầy trò nếm được cái lạnh nơi miền quê nước Pháp vào tháng Mười, nhất là khi vách tường bằng đá có nhiều lỗ hở. Lò sưởi củi hay lò sưởi điện đều không làm ấm được dù chỉ một góc phòng. 

Sau mỗi tuần làm việc, Thầy và cả nhóm đều phấn khởi về đây vào những ngày cuối tuần để tĩnh tu và sửa sang nhà mới. Ông Dolat, một thợ hồ địa phương, phải đến tráng xi măng, ráp cửa mới, bít hết các khe hở trên vách tường Thầy mới dám ngủ lại đêm mà không bị cảm. Thầy trò mướn thợ làm phần tối thiểu để xây thêm nhà bếp và nhà vệ sinh theo kiểu mới với rất nhiều cửa kính cho có ánh sáng. Phần còn lại, những công việc của thợ hồ, thợ mộc và thợ điện, việc nào làm được là Thầy trò đều tự làm hết. Thầy tự bắt điện, bắt đèn, sửa máy sưởi, sửa điện. Thầy cũng học trộn hồ và cầm bay để xây lại thành giếng  đã cũ trước sân am. Xung quanh giếng, Thầy mắc nhiều chiếc võng nơi có cây mận rất ngon và một cây táo sai trái. Chả bù với vài cọng rau húng Thầy trồng trong các chậu đất nung đặt ngoài cửa sổ văn phòng Paris hay ngoài ban-công nơi căn hộ tại Maison-Alfort, nơi đây Thầy trồng đủ các thứ rau thơm: rau húng, tía tô, kinh giới, ngò, quế, persil, céléri, ciboulette… cộng với các thứ rau tần ô, cải cay, cải ngọt, bí ngô v.v. Vườn rau của Phương Vân Am không khác gì một vườn rau ở quê hương, nhất là khi hoa cải nở vàng và bướm bay đầy vườn. Đặc biệt là Thầy dạy mọi người phối hợp hơi thở chánh niệm vào mỗi động tác cuốc đất nên làm vườn mà không thấy mệt.

Ở đây, Thầy không bao giờ dùng chất độc hóa học để giết sâu và ốc sên. Có lần Thầy để ra mười phút để quán sát một con sâu con. Vì không muốn con sâu đó ăn mất chồi cây mới lên, Thầy dùng một ngọn lá đưa con sâu ra ngoài đồng cỏ. Đến mùa ấm sang năm, ai cũng hớn hở đi hái những luống rau tần ô mơn mởn và cải bẹ xanh bụ bẫm. Ăn không hết, Thầy trò nghĩ đến việc “bỏ mối” cho các hiệu thực phẩm Việt Nam. Nhưng bà chủ tiệm chỉ chịu mua với giá bảy mươi lăm xu một bó rau, Thầy trò quyết định không bán mà đem tặng cho các gia đình người Việt và những quán ăn Việt Nam nằm trên đường về văn phòng. Nhà nào, quán nào khi nhận quà cũng nài nỉ mời Thầy trò ở lại dùng cơm với họ.

5. Hãy ngưng ngay sự giết chóc (Stop the Killing Now)

Có những người đến văn phòng của Phái đoàn Hòa bình phụ Thầy thông dịch, viết thư hay viết bài như bà Ethelyn Best, chị Marthe De Venoge, Laura, con gái của Alfred Hassler và Jim Forest. Jim Forest, chủ bút tờ bán nguyệt Fellowship của Hội Thân hữu Hòa giải thường viết nhiều bài đăng trên các tờ báo của nhóm tranh đấu cho hòa bình. Họ tìm người đỡ đầu cho trẻ em mồ côi cũng như người già neo đơn – những nạn nhân của chiến tranh, và yểm trợ các chương trình của trường TNPSXH[226]. Họ làm thiện nguyện không lương, lại còn phải tập sống trong những điều kiện đơn giản cực kỳ. Tiền lương dạy học của Thầy ở Sorbonne và tiền chị Phượng dạy kèm toán cho học trò trung học chỉ đủ để trả những chi phí tối thiểu. Văn phòng của phái đoàn là một căn phòng nhỏ xíu, thuê với giá rẻ nhất có thể, nằm sát đường Metro Porte Clignancourt trong một khu nghèo của người di dân gốc Ma-rốc và Ả Rập. Thầy trò đều ăn chay và chỉ ăn gạo bể mua được ở các tiệm bán thực phẩm dành cho chim. Một hôm, ông bán hàng hỏi chú Thanh Hương:

– Nhà quý vị có nhiều chim lắm hả?

– Dạ nhiều lắm, chín con, con nào con nấy to như thế này! Chú liền làm dấu to bằng con người.

Thời ấy, có đủ mọi thứ khó khăn, từ cơ sở, giấy tờ cư trú cho đến cơm áo. Có đêm, chị Phượng phải đi xin ngủ nhờ ở một nhà hàng ăn vì không có chỗ ngủ. Tuy vậy, ai cũng cảm thấy thỏa lòng với những công việc mình làm mỗi ngày trên con đường lý tưởng và thương yêu. Thường sau bữa cơm tối, mọi người quây quần bên Thầy để nói chuyện về văn hóa Việt Nam, văn hóa Hoa Kỳ, kể cho nhau nghe những mẩu chuyện thời sinh viên hay những tin tức mới nhận được từ quê nhà. Các bạn còn hát dân ca và những bài hát cho hòa bình như bài By The River Side hoặc là Where have all the flowers gone?, hay ngồi yên để nghe một bài thơ của Thầy, rồi ngồi thiền trong im lặng trước khi chia tay về nhà.

Cuộc chiến vẫn tiếp tục mỗi ngày mỗi khốc liệt hơn. Thầy đề nghị Ủy ban Lương tâm Quốc tế về vấn đề Việt Nam (International Committee of Conscience on Vietnam) kêu gọi một cuộc họp báo tại Hôtel Lutèce ở Paris với chiến dịch Hãy ngưng ngay sự giết chóc (Stop the Killing Now). Ngày 11 tháng 10 năm 1971, một phái đoàn nhân sĩ của Ủy ban đến từ nhiều nước châu Âu (gồm có nhà thần học Hannes De Graaf, tiến sĩ Heinz Kloppenburg, tiến sĩ Maria Lucker, tiến sĩ Howard Shomer, giáo sư Jean Goss-Mayr, Kenneth Lee…), cùng với Phái đoàn Phật giáo Việt Nam (gồm Thầy, tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng và giáo sư Cao Ngọc Phượng) đi thăm từng đại diện của các phe lâm chiến trong bàn Đàm phán Paris cho Việt Nam[229] để kêu gọi các phe lâm chiến sớm đi đến thỏa hiệp. 

Cũng vào ngày này, nhật báo New York Times in trên trang lớn 9.000 chữ ký của các nhân sĩ, từ 22 nước kêu gọi Hãy ngưng ngay sự giết chóc. Trong số các nhân sĩ, có những vị lãnh đạo tinh thần của nhiều tôn giáo, chính khách của nhiều chính quyền, năm trăm nghị sĩ quốc hội từ nhiều nước, kể cả mười tám nghị sĩ của nước Việt Nam Cộng hòa.

Cùng lúc đó, Alfred Hassler và chị Heidi Vaccaro ở Rome đã tổ chức một cuộc biểu tình với sự tham gia của 300 tu sĩ Cơ đốc giáo, mỗi vị đeo quanh cổ một tờ cáo thị có viết tên của một tăng sĩ Phật giáo Việt Nam khác nhau đang nhịn ăn cầu nguyện cho hòa bình ở khám Chí Hòa, Sài Gòn, nơi họ đang bị giam giữ. Báo chí nói khá nhiều về tin này trên nhiều nước. Một tuần sau, chính quyền miền Bắc có những điểm đề nghị mới, rồi chính quyền miền Nam cũng vậy. Những điểm đề nghị chấm dứt chiến tranh của hai phe lâm chiến có nội dung gần nhau hơn.

Vào thập niên 60, dân Mỹ sẵn sàng yểm trợ Thầy trong việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng những người tham gia phong trào hòa bình ở Mỹ không có đủ kiên nhẫn. Họ rất dễ nổi giận khi những gì họ làm không đem lại kết quả như mong muốn. Có rất nhiều giận dữ và bạo động trong các phong trào hòa bình lúc bấy giờ.

Năm 1972, Hội đồng các nhà thờ Tin Lành trên toàn thế giới (World Council of Church – WCC) có trụ sở tại Genève mời Thượng tọa Huyền Quang, tổng thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN và Thầy, đại diện Phái đoàn Hòa bình GHPGVNTN đến tham dự hội nghị. Mục sư Leopold Niilus, đại diện Hội đồng đã đề nghị các nhà thờ trên thế giới nên có lập trường rõ rệt hơn về Việt Nam, chỉ nên ủng hộ những người bị áp bức: “Thưa quý vị, tình trạng của Việt Nam hiện nay là chỉ có tên tướng cướp đang hãm hiếp một cô gái trên xa lộ. Chúng ta phải rõ ràng, nhà thờ nên đứng về phe tên tướng cướp hay về phe cô gái bị hãm hiếp? Cô gái bị hãm hiếp là dân Việt Nam và tên cướp trên xa lộ là quân đội tàn bạo của Hoa Kỳ. Cô gái bị hãm hiếp là dân Việt Nam đang tranh đấu một cách tuyệt vọng với tên tướng cướp Hoa Kỳ, ta phải làm gì và phải làm ngay đi!”.

Ngay sau đó, Thầy được mời lên tiếng: “Cảm ơn mục sư. Chúng ta ai cũng phải đứng về phe cô gái bị hãm hiếp ngay, không do dự. Tuy nhiên, ai là tướng cướp và ai là cô gái bị hãm hiếp? Đối với chúng tôi, tên tướng cướp là cái nhìn sai lệch của những người lãnh đạo đang ung dung ngồi ở Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và ngay cả tại Việt Nam. Họ cung cấp những tin tức không đúng sự thật, bóp méo sự thật và giấu nhẹm sự thật với quần chúng của họ. Họ cung cấp lý thuyết của một chủ nghĩa thiên đàng. Họ cung cấp vũ khí. Họ ra lệnh ép buộc gửi ra chiến trường những đứa con trai của quê hương mà trái tim còn nóng hổi với lý tưởng và sẵn sàng hy sinh cho một cái gì đẹp và lành cho cuộc đời. Họ biến những thanh niên ngây thơ thành những kẻ giết người thành thạo để bắn vào đầu anh em đồng loại của họ, những người cũng cùng có một trái tim yêu thương như họ. Đối với chúng tôi, cô gái bị hãm hiếp không phải chỉ là những bà mẹ, những người nông dân lam lũ chạy dưới đạn bom mà còn chính là những binh sĩ trẻ trung, không biết rằng mình đang bị đưa vào một guồng máy nghiến nát tính người. Cô gái bị hãm hiếp ấy cũng là những người lính Mỹ hoàn toàn không biết sự thật gì về Việt Nam, ra đi đáp lời kêu gọi giải phóng cho dân Việt Nam khỏi nạn độc tài tàn ác”. Cả thính đường im phăng phắc. Ông Chủ tịch Hội đồng các nhà thờ Tin Lành trên toàn thế giới đứng dậy cám ơn và long trọng hứa sẽ ủng hộ hết lòng tiếng nói của Phái đoàn Hòa bình GHPGVNTN.

Trong những tháng cuối đầy căng thẳng của cuộc hòa đàm, GHPGVNTN và Phái đoàn Hòa bình bị các phe lâm chiến vu cáo và chụp mũ. Với văn phong nhẹ nhàng và hài hước, Jim Forest đã đứng ra viết những bài báo nói lên chỗ đứng văn hóa và tinh thần của Phật giáo Việt Nam.

6. Hiệp định Paris

Ngày 27 tháng Giêng năm 1973, hiệp định Paris được ký kết và lệnh đình chiến được ban hành. Khi ấy, Thầy đang ở Bangkok để có một cuộc họp với thượng tọa Thiện Minh và thượng tọa Huyền Quang, tổng thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN. Trong sự mừng vui, người mà Thầy nghĩ tới đầu tiên là Nhất Chi Mai, một trong sáu đệ tử Tiếp Hiện đầu tiên của Thầy, người đã tự thiêu vào ngày Phật đản năm 1967 để kêu gọi các phía lâm chiến dừng lại việc tàn sát nhau, trả hòa bình lại cho Việt Nam. Thầy cũng nhớ đến những giây phút Thầy cảm thấy khỏe nhẹ vô cùng mỗi khi có được 24 giờ đình chiến, biết rằng trong những giờ phút đó súng đạn im hơi và đồng bào ở nhà không ai bị giết chết. Thầy sáng tác bài thơ Bé đã sinh ra rồi tại một bưu điện nhỏ ở thành phố Bangkok. Thầy đã chép tay mấy chục bản trên giấy vàng bạc mua được ở khu chợ bình dân gần đấy, để gửi tặng những người đã cùng hợp tác với Thầy trong công việc kêu gọi hòa bình. Thầy biết trước là hòa bình sẽ mong manh lắm và hiệp ước đình chiến rất khó được tôn trọng. Thầy đã xin quý thầy trong Giáo hội nỗ lực vận động quần chúng Phật tử tranh đấu bảo vệ đình chiến và kêu gọi hai bên tôn trọng hiệp ước. Bài thơ cũng nói lên ước vọng: hòa bình là cơ hội rất hiếm có, ai nấy đều phải góp phần vào việc nuôi dưỡng bảo vệ con chim hòa bình còn yếu đuối và trứng nước mà Thầy gọi là “bé”:

Bé đã sinh ra rồi

Chân trời xôn xao dâng ánh sáng

Hoa cỏ ơi sống dậy

Núi rừng ơi sống dậy

Thật đã qua rồi đêm tối hãi hùng

Ánh sáng dồn

Trên cánh bướm mong manh

Hoa cải rực vàng

Trên lối cũ.

Cành mai ấy

Ngày tôi về trước ngõ

Có rưng rưng giọt ngọc nhìn tôi cười?

Đất tái sinh

Cho sắc hương đoàn tụ

Cho nước non nầy

Lại thành cẩm tú

Hãy cho hết hai bàn tay anh

Cơ hội muôn thuở một lần

Níu sự sống trên vành nôi ươm biếc.

7. Trường Thanh niên phụng sự xã hội được hợp thức hóa trở lại

Hiệp định Paris vừa được ký kết tháng Giêng năm 1973 thì trong một cuộc họp ở Bangkok với Thầy, thượng tọa Thiện Minh và thượng tọa Huyền Quang thay mặt GHPGVNTN đồng ý đứng ra thành lập Uỷ ban Tái thiết và Phát triển xã hội với sự hợp tác của các tác viên trường TNPSXH. Sau khi bị tách rời ra khỏi Viện đại học Vạn Hạnh, trường TNPSXH đã hoạt động không có giấy phép của chính quyền từ 1966 đến lúc bấy giờ. Sau bảy năm, giờ đây trường TNPSXH được Giáo hội công nhận và hợp thức hóa[235].

Song song với việc phát triển xã hội ở những vùng bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn, Uỷ ban Tái thiết và Phát triển xã hội cũng hỗ trợ hết lòng các công tác từ thiện của giáo hội Phật giáo ở các tỉnh như tìm người đỡ đầu cho hàng chục ngàn cô nhi tại nhà, nạn nhân chiến cuộc. Thầy cùng với hai thượng tọa soạn thảo bức thư tha thiết kêu gọi các thầy và các ni sư, sư cô chịu khó đứng ra lập những nhà giữ trẻ, trông coi dạy dỗ các cô nhi. Lá thư vừa được gửi đi thì con số nhà giữ trẻ tăng vọt: từ 17 nhà trẻ trong toàn quốc, con số đó đã lên đến hơn 300 nhà trẻ trải dài ở 42 tỉnh miền Nam trong vòng gần một năm. Chư Ni địa phương là những vị Bồ tát chăm lo cho các cháu như Ni sư Như Huyền ở Quảng Ngãi, Ni sư Cát Tường ở Huế, Ni sư Viên Minh ở Nha Trang, Ni sư Thể Thanh ở Cam Ranh.

Trong những năm gần đây, các thầy ở bên nhà dường như hiểu được tấm lòng của Thầy nên quý mến và hợp tác với Thầy nhiều hơn. Thượng tọa Huyền Quang có viết chung với Thầy tác phẩm Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, Viện Hóa đạo xuất bản năm 1973. Thượng tọa Trí Thủ thì đã luôn yểm trợ Thầy từ ban đầu. Vào năm 1971, thượng tọa Trí Thủ được mời đến tham dự lễ khánh thành đại giảng đường của viện Đại học Vạn Hạnh. Nhìn thấy tên mình ở hàng đầu trên bảng ghi công, thượng tọa lên tiếng rằng: “Tên thầy Nhất Hạnh phải được để hàng đầu mới đúng. Đã ghi thì phải ghi cho chính xác, còn không thì nên dẹp tấm bảng viết sai đi”[237].Một năm sau buổi họp tại Bangkok, với tư cách Phó chủ tịch của Đại hội Tôn giáo Thế giới và Hòa bình[238], Thầy mời thượng tọa Thích Thiện Minh và thượng tọa Thích Huyền Quang của GHPGVNTN sang tham dự đại hội tại Louvain, Bỉ. Họp xong, Thầy đưa hai thượng tọa đi thăm núi Alps ở Chamonix, thăm đỉnh trượt tuyết cao nhất châu Âu. Hai vị cũng được đi thăm những lâu đài cổ đẹp nhất dọc bờ sông Loire, lâu đài Versailles gần Paris. Khi hai thượng tọa thăm Phương Vân Am, nơi ẩn tu của Thầy, hai vị được đãi cơm rau sau những ngày chỉ dùng cơm tây và khoai tây chiên. Thầy không biết rằng đó là lần gặp gỡ cuối cùng của Thầy với thầy Thiện Minh[239].

VIII. Kêu gọi Hoà bình và bị lưu đày – 1966

1. Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành

Sáng ngày 11 tháng 05 năm 1966, đưa Thầy ra phi trường có thầy Thanh Văn, anh Lê Triều Quang, chị Phượng, chị Uyên và bà bác sĩ Hiệu. Máy bay cất cánh, Thầy nhìn xuống và cố nhìn cho rõ mảnh đất đau thương đang quằn quại trong biển lửa của chiến tranh. Những giọt nước mắt cứ chảy và Thầy để cho chúng chảy mà không cần lau làm gì nữa.

Dựa lưng và ngả đầu vào ghế ngồi, Thầy để cho cuốn phim quá khứ chiếu lại trong đầu để quán chiếu. Từ ngày về nước, hai năm rưỡi trời trôi qua, Thầy đã làm được gì và chưa làm được gì? Những khuyết điểm nào, những bài học nào mà Thầy đã rút tỉa được? Một điều thật rõ ràng là rất đông những người trẻ, nhất là giới sinh viên đã luôn luôn sát cánh với Thầy trong mọi công tác văn hóa, giáo dục và xã hội mà Thầy khởi xướng như những hình thức mới của một đạo Bụt đi vào cuộc đời. Thầy cảm thấy rất biết ơn, rất có niềm tin nơi người trẻ.

Mười ngày trước khi rời Việt Nam đi Hoa Kỳ, Thầy đã về Huế lạy Sư Ông Thanh Quý và xin phép Sư Ông xuất ngoại ba tháng: “Con sẽ cố gắng vận động dư luận thế giới, tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”. Sư Ông có vẻ lưu luyến và bịn rịn. Sư Ông muốn Thầy chính thức kế thế Sư Ông để làm trụ trì chùa Từ Hiếu. Sư Ông bảo Sư Ông đã làm sẵn giấy tờ. Thầy lạy Sư Ông và xin Sư Ông giao phó trách nhiệm ấy cho thầy Chí Niệm, sư huynh của Thầy. Sư Ông không nói gì. Sáng hôm sau, ngày 01.05.1966, sau buổi công phu khuya, Sư Ông làm lễ đắc pháp cho Thầy trong chánh điện và ban cho Thầy một bài kệ truyền đăng:

Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành 

Hành đương vô niệm diệc vô tranh

Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây khả tự thành.

Trưa hôm ấy, Thầy lạy tạ Sư Ông và không kịp ăn cơm, ra phi trường cho kịp chuyến bay về Sài Gòn.

Giờ đây ngồi trên máy bay, Thầy lẩm nhẩm dịch bài kệ như sau:

Gặp hướng Xuân đi hãy kiện hành

Đi trong vô niệm lại vô tranh

Đèn tâm nếu chiếu vào nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành.

Sau này, Thầy có đổi vài chữ trong bản dịch này thành:

Đi gặp mùa Xuân, bước kiện hành

Đi trong vô niệm với vô tranh

Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành.

Bài kệ này sẽ làm kim chỉ nam trong suốt cuộc đời tu học và hành đạo của Thầy.

2. Hình ảnh về Thầy

Tại trường Đại học Cornell ở Ithaca, Thầy đã giảng dạy trong suốt ba ngày về công trình phục hưng của Phật giáo Việt Nam hiện đại với đạo Bụt dấn thân (Engaged Buddhism), phong trào làm mới đạo Bụt ở Việt Nam để đối diện những vấn đề về tâm lý, xã hội và chiến tranh. Thầy cũng nói về trường Đại học Vạn Hạnh, trường TNPSXH và những hình thức tu tập có thể đem đạo Bụt vào đời. Giáo sư Kahin là một nhà trí thức khả ái mà sau này, giáo sư và Thầy đã trở thành bạn thân của nhau. Giáo sư đã đi Việt Nam, đã tới thăm trường TNPSXH và đã gặp thầy Thanh Văn, chị Phượng và các bạn trẻ. Từ Việt Nam, ông bay thẳng đến Paris để thăm Thầy, để mang thư từ và quà Tết cho Thầy. Ông luôn luôn ủng hộ đường lối hòa bình của Phật giáo Việt Nam.

Từ giã Đại học Cornell, giáo sư Browne đưa Thầy về New York, đến trụ sở Hội Thân hữu Hòa giải (Fellowship of Reconciliation – gọi tắt là F.O.R) ở Nyack, cách New York chừng nửa giờ xe hơi về phía Đông Bắc. Đây là một tổ chức liên tôn về hòa bình và công bằng xã hội nổi tiếng ở Hoa Kỳ lúc bấy giờ[159]. Tháng 07 năm 1965, hội này đã tổ chức một phái đoàn tôn giáo quốc tế viếng thăm Việt Nam và đã tới gặp Thầy tại chùa Pháp Hội. Thầy đã tiếp phái đoàn ở thư viện của chùa. Phái đoàn gồm có một mục sư người Đức tên Martin Niemoller, ngày xưa đã ở tù trong chế độ Đức Quốc Xã; một mục sư người Thụy Sĩ tên André Trocmé; mục sư Dahlberg, chủ tịch giáo hội Tin lành Hoa Kỳ; linh mục Murray của tòa Tổng giám mục Boston, Hoa Kỳ: giáo sư Jacob Weinstein, đại điện hội đồng các vị lãnh đạo Do Thái giáo, Hoa Kỳ và khoảng mười nhân vật khác trong giới lãnh đạo tôn giáo và nhân bản. Alfred Hassler, Tổng thư ký của hội tại Hoa Kỳ và chủ tịch của hội trên toàn thế giới, đã nói chuyện với Thầy khá lâu. Qua cuộc nói chuyện, Thầy thấy Hội Thân hữu Hòa giải là một tổ chức nhân bản phục vụ cho hòa bình và hòa giải, có nền tảng tâm linh và tôn giáo nhưng không hề có khuynh hướng truyền đạo. Hội cũng không ủng hộ bất cứ một đảng phái chính trị nào. Tuy có nguồn gốc từ truyền thống Tin lành nhưng hội rất cởi mở đối với các tôn giáo khác. Thầy đã đàm luận với giáo sư Browne và đề nghị để hội này đứng ra sắp đặt chương trình du thuyết và vận động tại Hoa Kỳ cho Thầy.

Ở Việt Nam, những người lạ mặt đã vào thảy lựu đạn và bắn tiểu liên vào chánh điện chùa Lá của trường TNPSXH. Một số các tác viên tử nạn và bị thương. Họ chọi một trái lựu đạn vào phòng Thầy nhưng Thầy đã rời Việt Nam được năm ngày và đang họp báo tại Trung tâm Tôn giáo ở trụ sở Liên Hiệp Quốc (Unicus Cross Center for United Nations). Tờ New York Times tường thuật lại buổi họp báo này trong số báo ra ngày 17 tháng 05 năm 1966. Sau buổi họp báo này ở New York, Thầy đi Boston, San Francisco và Los Angeles để diễn thuyết tại các trường đại học và các nhà thờ. Thầy đã gặp gỡ báo chí, trả lời phỏng vấn của các đài truyền thanh, truyền hình, gặp gỡ giới trí thức và những nhà lãnh đạo tôn giáo cấp tiến và nhân bản. John Heidbrink của tổ chức Thân hữu Hòa giải đã đi theo để phụ tá Thầy về mặt tổ chức. Tại San Francisco, Thầy có gặp các thiền sinh trẻ người Hoa Kỳ, đệ tử của thiền sư Suzuki. Trong khi đàm đạo, họ hỏi Thầy về ý nghĩa của thế ngồi kiết già. Thầy hỏi lại họ: “Thế các anh có biết thế ngồi hoa cúc không?”. Họ rất ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe nói tới thế ngồi hoa cúc[161]. Không khí tại các trường đại học miền Bắc và Nam California rất cởi mở, các sinh viên và các giáo sư đón tiếp Thầy thật nồng hậu.

Một ký giả đã diễn tả lại ấn tượng mà Thầy để lại trong lòng ông, đăng trên tờ New York Post đúng một tuần sau khi Thầy đến Hoa Kỳ:

Ông ấy là một người nhỏ thó, mảnh khảnh trong chiếc áo thầy tu; có đôi mắt khi thì buồn, khi thì rất linh động; giọng nói nhỏ nhẹ và truyền cảm. Nói theo kiểu bình dân của Mỹ thì có lẽ chiếc đầu của ông ta đang được tướng Nguyễn Cao Kỳ treo giá ở Sài gòn. […] Ông ta nói bằng một ngôn ngữ quốc tế của một học giả bị cuốn vào bi kịch của lịch sử, khao khát chấm dứt sự điên rồ của chiến tranh […]. […] Khi được hỏi về ‘tự do’ và ‘dân chủ’, ông ta sẽ hỏi lại bạn: “Tự do và dân chủ để làm gì nếu bạn không còn sống?” […] Lắng nghe một con người ốm yếu nhưng chân thành và đầy nhiệt tâm như thế, người ta tự hỏi Bộ Ngoại giao có nên cho phép ông ta được trực tiếp hội kiến Tổng thống Johnson hay không[162].

3. Cha Thomas Merton

Rời Los Angeles, ngày 28.5.1966, Thầy đi Kentucky để thăm cha Thomas Merton ở tu viện Gethsemani thuộc tiểu bang Kentucky. Cha Thomas Merton là một nhà thần học rất nổi tiếng của Thiên Chúa giáo. Về tới đây, Thầy đã khản cả tiếng sau những ngày du thuyết vừa qua. Cha Thomas tiếp Thầy với tất cả sự niềm nở của một người tri kỷ. Cha nói nếu Thầy khàn tiếng thì Cha sẽ hủy bỏ buổi nói chuyện đã dự định từ trước cho các cha ở tu viện. Nhưng Cha nói Thầy nên cố gắng ăn cơm chiều với Cha viện trưởng như đã sắp đặt trước. Cha đề nghị: “Thầy cứ im lặng mà ăn, để Cha trú trì nói một mình cũng được. Thỉnh thoảng Thầy chỉ cần gật đầu vài cái là đủ. Nhưng mà Thầy đừng để ý nhiều đến những điều Cha ấy nói. Cha ấy đọc toàn là báo Times Magazine, thành ra bị phái hữu ảnh hưởng nặng”. Tối đó, sau khi ăn cơm với Cha viện trưởng, Thầy mời cha Thomas đến phòng Thầy đàm đạo. Hai người nói chuyện rất tương đắc về vấn đề tu học rồi về chiến tranh. Thầy tặng Cha một cuốn Aujourd’hui le Bouddhisme mà Thầy có đem theo. Cha mừng lắm. Thầy hô canh tiếng Hán bài Nhất canh dĩ đáo thượng thiền sàng cho Cha nghe và Cha xướng lễ theo điệu Grégorian cho Thầy nghe. Hai người ngồi chơi với nhau đến nửa đêm. Sau cuộc gặp gỡ, cha Thomas Merton có viết một bài báo với tựa đề: “Thich Nhat Hanh is my brother” (Thích Nhất Hạnh là huynh đệ của tôi).

Đêm hôm ấy, Thầy không ngủ được vì mệt quá. Trong khi đó, cha Thomas đã thức để viết một bài thông bạch về Thầy: “A statement concerning Thich Nhat Hanh”. Đó là ngày Chủ nhật, Pentecôte, 29.05.1966. Cha viết kêu gọi tất cả bạn bè yểm trợ Thầy với đoạn chót như sau:

“Tôi đã nói Nhất Hạnh là người anh em của tôi, điều này rất đúng. Hai chúng tôi đều là người xuất gia, và chúng tôi cũng đã đi tu suýt soát cùng một tuổi. Cả hai đều là thi sĩ, đều có khuynh hướng hiện thực. Tôi cảm thấy rất gần gũi với thầy Nhất Hạnh hơn với rất nhiều người đồng bào của tôi, và tôi không ngần ngại gì mà không nói điều ấy ra. Những mối dây tương kết này cần phải được nói lên.

Đó là những mối dây tương liên của một tình liên đới mới, một tình huynh đệ mới đang bắt đầu hiển lộ trên năm châu, một tình huynh đệ vượt qua mọi ranh giới chính trị, văn hóa, chủng tộc và tôn giáo để liên kết những người trẻ của tất cả các nước lại mà phục vụ cho một cái gì còn quý giá hơn một lý tưởng hoặc một chương trình. Sự kết hợp này của những người trẻ là hy vọng duy nhất còn lại của thế giới. Nhân danh tình huynh đệ ấy, tôi kêu gọi các bạn yểm trợ cho thầy Nhất Hạnh. Các bạn hãy làm bất cứ cái gì có thể làm được để yểm trợ thầy. Nếu các bạn có yêu mến tôi, có muốn làm cái gì cho tôi thì hãy làm cái ấy cho thầy Nhất Hạnh”. 

Bài này của cha Thomas Merton đã được đăng trên báo của hội Thân hữu Hòa giải và trên nhiều tờ báo Công giáo khác. Sau này khi nhà xuất bản Hill and Wang phát hành cuốn Hoa sen trong biển lửa (Vietnam, lotus in a sea of fire) của Thầy, họ đã đăng lại bài này ở phần phụ lục.

Sáng hôm sau, cha Thomas lấy xe hơi chở Thầy và John, phụ tá của Thầy, đi chơi, thăm ngôi nhà ngày xưa của tổng thống Lincoln. Đáng lý cha không được ra khỏi tu viện trong thời gian tĩnh tu đó, nhưng cha đã trốn đi chơi với Thầy. Cha có một cái máy chụp hình và cha bảo mọi người đứng yên để cha chụp hình. Cha bấm máy hình một cái tách rồi lên phim thật nhanh trong khi mọi người nghĩ là hình đã chụp xong, họ thư giãn và tự nhiên ra, cha lại bấm một cái tách. Tấm hình chụp sau luôn luôn đẹp hơn tấm trước.

Khi The New York Review of Books đăng các bài thơ về hòa bình của Thầy, họ cũng đăng một tiểu sử ngắn về tác giả, trong đó họ nói Thầy là một nhân vật đi tiên phong trong phong trào hòa bình Phật giáo và các hoạt động xã hội, người đã có hơn 20 tác phẩm được xuất bản và là một trong những nhà thơ được yêu chuộng trong nước[165]. Nhưng ấn tượng của cha Thomas Merton lần đầu tiên gặp Thầy lại nằm ở một khía cạnh khác: “Điều trước tiên mà tôi nhận thấy ở thầy Nhất Hạnh đó là thầy thực sự là một bậc chân tu; rất yên lắng, nhẹ nhàng, bình dị, khiêm cung. Ta có thể thấy chất Thiền nơi con người của thầy” [166]. Trong một bài giảng cho các con chiên, Cha cũng nói rằng chỉ cần thấy cách Thầy đóng cửa thôi cũng đủ biết Thầy là một ông thầy tu thực thụ. Mấy chục năm sau, khi nghe được băng giảng đó của Cha, một thiếu phụ đã tìm đến trung tâm tu học nơi Thầy cư trú để được bí mật quán sát cách Thầy đóng cửa.

Giã từ cha Thomas, Thầy tới Chicago ở lại nhà mục sư Howard Schomer, giám đốc viện thần học Chicago để tham dự một đại lễ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tổ chức tại nhà thờ Rockefeller trong viện đại học Chicago, với sự tham dự của nhiều giới lãnh đạo tôn giáo trong tiểu bang Illinois vào ngày 30.05.1966. Trong lễ cầu nguyện hòa bình đó, Thầy đã đứng lên trong buổi lễ để đọc kinh Từ Bi và mở lời kêu gọi hòa bình. Tờ New York Times đã có đăng lại buổi cầu nguyện hòa bình vào số báo ngày 31 tháng 05.

4. Mục sư Martin Luther King Jr.

Ngày 31 tháng 05 năm 1966, Thầy gặp mục sư Martin Luther King Jr. lần đầu và hai người đã có dịp đàm đạo thật lâu về vấn đề Việt Nam. Mục sư Martin Luther King Jr. là người lãnh đạo phong trào dân quyền ở Mỹ, nhân vật trẻ tuổi nhất được chọn để nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1964 vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc qua các phương tiện bất bạo động. Trước khi gặp Thầy, mục sư King chỉ tranh đấu dân quyền cho người da màu. Nhiều vị cố vấn đã khuyên mục sư không nên đụng đến vấn đề chiến tranh Việt Nam, một vấn đề rất phức tạp lúc bấy giờ, để không bị mất người ủng hộ. Thầy đưa cho mục sư một ấn bản của cuốn Đối thoại: cánh cửa Hoà bình (Dialogue) xuất bản một năm trước đó tại Sài Gòn, trong đó có lá thư Thầy viết cho ông vào ngày 0l.06.1965, đúng một năm trước đó. Mục sư King đọc lại bức thư này rất kỹ. Lá thư có nhan đề Đi tìm kẻ thù của con người (In search of the enemy of man). Mục sư King và Thầy mở một cuộc họp báo tại khách sạn Sheraton ở Chicago cho khoảng 300 người. Đây là lần đầu tiên Thầy thấy một buổi họp báo lớn và đông đảo như thế. Có cả hàng trăm chiếc máy ghi âm, hàng trăm ống kính hướng về phía hai người. Để bắt đầu cuộc họp báo, mục sư King và Thầy công bố một thông điệp chung[168]. Thông điệp này được các tổ chức Fellowship of Reconciliation và Southern Christian leadership Conference đứng tên phổ biến[169]. Đó là lần đầu tiên mục sư King công khai tuyên bố cương quyết chống chiến tranh Việt Nam. Mục sư cũng kêu gọi mọi người lắng nghe tiếng nói của thầy Nhất Hạnh, không đại diện cho một chính quyền hay một phe phái chính trị nào ở Việt Nam mà chỉ đại diện cho những người đang sống dưới bom đạn. Ngày hôm sau, hình Thầy gầy ốm, xanh xao, ngồi bên vị mục sư lãnh đạo phong trào dân quyền của giới da màu Hoa Kỳ được đăng khắp nơi trên báo chí với những bài tường thuật về cuộc họp báo này. Tờ New York Times và nhiều nhật báo quan trọng của các nước như International Herald Tribune, Le Monde (Pháp), Trouw (Hà Lan), Tribune de Genève (Thuỵ Sĩ)… cũng đăng bản kiến nghị với nhan đề They are our brothers whom we kill (Những người ta đang tàn sát chính là anh em của ta) với chữ ký của 10.000 nhân vật tôn giáo và nhân bản của bốn mươi quốc gia, trong đó có tên của Martin Luther King Jr. Chính Alfred Hassler của Hội Thân hữu Hòa giải là người đã thực hiện được bản kiến nghị này sau khi thành lập một Ủy ban Lương tâm Quốc tế về Việt Nam (International Committee of Conscience on Vietnam).

Khi Thầy từ giã mục sư King để đi Washington D.C., cô thư ký của mục sư đưa cho Thầy một lá thư và dặn lên máy bay hãy đọc. Trên máy bay, mở thư ra, Thầy thấy những dòng sau đây: “Thầy Nhất Hạnh, tôi thương Thầy quá. Tôi thương đất nước của Thầy quá. Tôi không biết diễn tả tâm tình của tôi như thế nào cả. Tôi chỉ muốn được ôm Thầy trong hai vòng tay tôi nhưng tôi đã không dám làm. Tôi cầu nguyện cho Thầy đạt được điều Thầy mong muốn”.

Ngồi trên máy bay, Thầy muốn duyệt lại bản tuyên bố mà Thầy đã thảo tối qua để ngày mai trình bày trong cuộc gặp gỡ với các nhà báo tại thủ đô, nhưng Thầy mệt quá. Thầy phải dựa lưng vào ghế và nhắm mắt lại để theo dõi hơi thở.

5. Lưu  vong

Trong cuộc họp báo vào ngày 01 tháng 06 tại Washington, Thầy đưa ra một bản kiến nghị gồm năm điểm nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trong đó có đề nghị Hoa Kỳ ngưng oanh tạc ngay lập tức và mời Hà Nội cùng mở một cuộc thương thuyết[171]. Trong buổi họp báo và tuyên bố này có khoảng 20 vị lãnh đạo dân biểu Hoa Kỳ, trong đó có ông John M. Dowd, dân biểu của tiểu bang New York. Ngày hôm sau trong buổi họp quốc hội, dân biểu John M. Dowd đã đọc ra bản kiến nghị và tán thành năm điểm của Thầy, vì vậy Công báo của Quốc Hội (Congress News) đã đăng lại toàn bộ 5 điểm ấy. Ngay ngày hôm đó, trên các phương tiện truyền thanh, báo chí và chính quyền miền Nam Việt Nam (chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và Quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu) đã tố cáo Thầy tội phản quốc. Thầy bị tước quyền được trở về nước.

Thầy không bao giờ có tư tưởng muốn ở lại nước ngoài. Thầy đã xin phép Sư Ông đi vài tháng, và đã hẹn với các bạn trẻ rằng Thầy đi rồi Thầy sẽ về. Tất cả những người thương của Thầy đều ở trong nước. Sư Ông cũng như những người trẻ đang cộng tác sát cánh với Thầy để thực hiện lý tưởng chung đều ở trong nước. Ra mặt chống đối đường hướng của chính quyền tức là chấp nhận mọi hiểm nguy sẽ đến với mình. Tình thương chân thật làm cho Thầy có đủ can đảm để quyết định làm những gì cần làm, nhưng điều này cũng làm Thầy đau khổ lắm. Thầy biết Thầy đã không phản bội những người Thầy thương yêu, nhưng Thầy cũng biết rằng họ cũng có thể đau khổ như Thầy. Những gì Thầy tiên đoán đã tới, đúng hai mươi ngày sau khi rời quê hương. Tối hôm ấy, Thầy không ngủ được. Lâu rồi, Thầy có viết một truyện ngắn. Truyện kể về một bé trai có mẹ đang bệnh. Nghe lời thầy thuốc, bé đi vào rừng để tìm một loại rễ cây có thể chữa được bệnh cho mẹ. Trước khi đi, bé dặn dò đứa em của mình ở nhà chăm sóc mẹ. Thầy viết truyện ngắn đó trong thời gian quê hương đang bị chiến tranh. Quê hương như một bà mẹ đang hấp hối và Thầy đã đi ra hải ngoại tìm cách kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên quê hương. Cũng giống như một em bé dặn đứa em nhỏ của mình ở nhà chăm sóc mẹ để mình đi hái thuốc về cứu mẹ. Trong khi tìm kiếm thuốc trong rừng, bé tâm tâm niệm niệm rằng mẹ đang bệnh sắp chết và bé phải tìm cho được thuốc về cứu mẹ. Bé không thể nào dành thì giờ để làm chuyện khác mà quên đi sứ mạng quan trọng của mình. Thầy cũng là em bé này nhưng giờ đây, Thầy sẽ không được về với mẹ nữa. Tội của Thầy là đã dám lên tiếng kêu gọi hòa bình. Cuộc đời lưu vong của Thầy bắt đầu từ đây, khi Thầy tròn 40 tuổi, và sẽ kéo dài trong 39 năm tới.

Ngày 02 tháng 06 năm 1966, Hội Thân hữu Hòa giải đã sắp đặt để Thầy gặp McNamara – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Ông dự tính chỉ gặp Thầy mười lăm phút thôi, theo kiểu ngoại giao. Nhưng đến khi gặp Thầy rồi, ông lắng nghe Thầy rất chăm chú và đã để cho người khách kế tiếp đợi ông ba mươi phút. Đây là lần đầu tiên ông được nghe trực tiếp từ người dân Việt Nam, không qua tình báo CIA và những nguồn tin khác.

Thầy còn gặp Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, Thượng nghị sĩ George McGovern. Ngày 09 tháng 06, những bài thơ mạnh mẽ nói về hòa bình của Thầy được đăng trên trang đầu của tờ New York Review of Books. Đêm hôm đó, buổi văn nghệ đặc biệt “Việt Nam và lương tâm Hoa Kỳ” (“Vietnam and the American Conscience”) được tổ chức tại tòa thị chính thành phố New York với sự hiện diện của một số các nhà trí thức và các văn nghệ sĩ lớn Hoa Kỳ như nhà biên kịch Arthur Miller, nhà thơ Robert Lowell và cha Daniel Berrigan. Thầy đã đọc bài thơ Pháp giới thực ấn và bài Hòa bình.

Sáng nay vừa thức dậy,

Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường

Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình

Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa

Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở

Nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng điều tôi ước mơ?

(Hòa bình, trích từ tác phẩm Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện)

Hai tuần sau, Thầy xuất hiện trên chuyên mục “Talk of the Town” của tờ The New Yorker (ngày 15/06/1966).

6. Hoa sen trong biển lửa

Hội Thân hữu Hòa giải tiếp tục tổ chức cho Thầy đi kêu gọi hòa bình ở châu Âu. Tháng 11, Thầy bay đi thủ đô các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan và Bỉ. Đi đến đâu Thầy cũng mở những buổi họp báo. Thầy thuyết trình về tình hình Việt Nam tại các trường đại học và các nhà thờ, thường là cho số lượng thính giả hơn một ngàn người trong giới sinh viên, giới trí thức, văn nghệ sĩ, và giới lãnh đạo tôn giáo. Thầy nói chuyện trước Quốc hội của Thụy Điển và Vương quốc Anh. Thầy cũng có dịp gặp gỡ triết gia Bertrand Russell tại Anh.

Một trong những người yểm trợ Thầy hết lòng là cô Hebe Kohlbrugge. Cô Hebe được chính phủ Hòa Lan tặng nhiều huy chương vì lúc hơn 23 tuổi, cô đã cứu được hàng ngàn người Do Thái sống ở Đức và Hà Lan thoát khỏi sự tàn sát bằng hơi ngạt của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ II. Sau khi được gặp Thầy, cô đề nghị ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Lan tiếp Thầy. Khi nghe tin Bộ Ngoại giao từ chối, cô đòi trả lại huy chương mà cô được chính phủ Hà Lan ban tặng. Thế là ông Bộ trưởng đã tiếp Thầy và lắng nghe Thầy trình bày về chiến tranh Việt Nam. Ông hứa sẽ làm những gì trong khả năng của chính phủ Hà Lan để giúp thế giới biết rõ hơn về tình hình Việt Nam cũng như tiếng nói bất bạo động của Phật giáo về ngưng chiến và lịch trình rút quân của Hoa Kỳ.

Khi tới Paris, Thầy thấy rõ rằng mình cần phải có một văn bản, một tài liệu để nói rõ hơn về bản chất cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Vì vậy tại đây, Thầy bắt đầu viết cuốn A Lotus in the Sea of Fire (Hoa sen trong biển lửa) bằng tiếng Anh. Phật giáo, một loại sức mạnh tâm linh giống như một bông sen đang cố gắng sống sót trong biển lửa của bom đạn. Cha Thomas Merton viết lời tựa và ông Alfred Hassler tìm được ngay một nhà xuất bản lớn của Hoa Kỳ, nhà xuất bản Hill and Wang ở New York phát hành quyển sách này. Chỉ trong vòng mấy tháng, nhà xuất bản đã bán được 40.000 cuốn. Một nhà xuất bản khác phát hành quyển sách ở Anh. Bản tiếng Đan Mạch phát hành tại Copenhague. Quyển sách đã được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Ý, tiếng Đức và nhiều thứ tiếng khác. Đây là cuốn sách thứ hai của Thầy phát hành tại phương Tây, vào năm 1966. Thầy tự dịch ra tiếng Việt, đến cuối tháng Giêng năm ấy cuốn sách đã tái bản đến lần thứ tư tại Paris[177]. Một người bạn Mỹ trong phong trào hòa bình mang giúp bản dịch về Việt Nam. Tại đây, sách này được in chui và tái bản nhiều lần với hàng chục ngàn bản[178]. Rất nhiều bạn trẻ đã âm thầm phổ biến cuốn sách, trong đó có chị Phượng. Chị bị bắt ở Huế rồi giải vô tù ở Sài Gòn vì đã in ấn và phân phát chui cuốn sách quốc cấm đó.

Ở Ý, Thầy được hội kiến hai lần với Đức Giáo hoàng Paul VI và ngỏ lời mời Ngài đi thăm viếng Việt Nam[179]. Ở Đức, Thầy kết bạn với mục sư Lutheran Heinz Kloppenburg và Martin Niemöller, một nhà thần học và chống lại Đức quốc xã. Ở Hà Lan, Thầy kết bạn với nhà tranh đấu Hebe Kohlbrugge – người đã cứu hàng chục ngàn người Do Thái khỏi sự tàn sát của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai và nhà thần học Hannes de Graaf. Tất cả những vị này đã trở thành những người bạn trung kiên và cộng tác viên sát cánh của Thầy trong công cuộc tranh đấu cho hòa bình, cho nhân quyền, cho tương lai trái đất.

Đến mùa thu năm 1967, chuyến du thuyết kêu gọi hòa bình của Thầy tiếp tục qua châu Úc, Tân Tây Lan, Philippines và Nhật Bản. Đi theo Thầy làm phụ tá trong chuyến đi Úc, Tân Tây Lan và châu Á là anh Raphael Goult, người của tổ chức Thanh niên Hòa giải. Khi đến Philippines, Thầy gửi anh Raphael về Việt Nam đi gặp những người thân của Thầy để đưa những tin tức, cho biết Thầy đang làm gì và Thầy cần gì để cuộc vận động ở ngoại quốc thành công. Anh Raphael cầm một tấm hình Thầy với dòng chữ viết tay của Thầy phía sau tấm hình: người mang thư này là một người bạn mà mình có thể tin cậy được. Mùa Giáng sinh và Tết Tây năm đó, Thầy còn đang ở Nhật Bản. Giáo sư Kahin từ Đại học Cornell đã bay qua Nhật để gặp Thầy, tìm cách yểm trợ để công việc của Thầy được tiếp tục.

Trong chuyến du thuyết từ năm 1966 đến năm 1967, Thầy đã đến mười chín quốc gia. Thường thường, Thầy chỉ có được hai ngày để làm việc tại một thành phố. Mỗi đêm ngủ ở một chỗ lạ và nhiều khi nửa đêm thức dậy, Thầy không biết mình đang ở đâu. Phải suy nghĩ một hồi rồi mới nhớ ra mình đang ở thành phố của nước nào, và cánh cửa phòng nằm ở phía nào. Thầy thường nằm thở trên ba chiếc ghế trống kế nhau trên máy bay và đó là thời gian nghỉ ngơi duy nhất mà Thầy có được. Vừa bước xuống máy bay, ngay tại phi trường là đã có họp báo rồi. Thầy muốn đi thật nhiều nơi để cung cấp cho thế giới một cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc chiến Việt Nam. Điều này là điều duy nhất mà Thầy có thể làm.

Tháng 01 năm 1967, sáu tháng sau lần gặp gỡ đầu tiên, Mục sư King đề cử Thầy cho giải Nobel Hòa Bình. Mục sư nói: “Những phát kiến cho hòa bình của thầy Nhất Hạnh, nếu được thực hiện, sẽ dựng lên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân bản”[182]. Vài tháng sau, vào ngày 04 tháng 04 năm 1967, trong bài diễn văn quan trọng Beyond Việt Nam tại nhà thờ Riverside, mục sư King đã trích dẫn những đoạn trong cuốn Hoa sen trong biển lửa của Thầy. Đó là lần đầu tiên ông dứt khoát lên án chiến tranh và đi đến quyết định kết hợp phong trào đấu tranh cho hòa bình với phong trào dân quyền. Mục sư King đã chia sẻ thông điệp hào hùng của Thầy: “Kẻ thù của chúng ta không phải con người. Kẻ thù của chúng ta là sự hận thù, kỳ thị, cuồng tín và bạo động”. Và khi mục sư King xuống đường biểu tình chống chiến tranh, ông đã đi dưới tấm biểu ngữ có dòng chữ Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai? viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt[183].

7. Mất mát

Từ ngày Thầy rời Việt Nam, chiến tranh và sự thống khổ tại đây vẫn không hề suy giảm. Số lượng lính Mỹ có mặt ở Việt Nam nhanh chóng tăng lên và vượt qua con số 500.000 người. Ngày 26.04.1967, trường TNPSXH bị tấn công làm một giáo viên và một sinh viên bị thiệt mạng. Tháng 05 năm 1967, Thầy đang ở Paris thì được tin Nhất Chi Mai, một trong sáu đệ tử Tiếp Hiện đầu tiên của Thầy, tự thiêu vào ngày Phật đản, mồng 08 tháng Tư âm lịch (16.05.1967). Trước khi tự thiêu, chị đã đọc và ghi âm lại vào băng cassette bài thơ Dặn dò của Thầy để gửi cho ba mẹ và cho chủ tịch nước miền Bắc và miền Nam. Chị cũng để lại một bức thư cho Thầy, viết rằng: “Thầy ơi, Thầy đừng lo, chắc chắn sẽ có hòa bình”. Thầy đã ghi lại nỗi đau của sự mất mát ấy trong những bài thơ và kêu gọi những người bạn khác viết bài để vinh danh Nhất Chi Mai. Thầy đã làm một bài thơ theo kiểu văn xuôi để tưởng nhớ Nhất Chi Mai, có tựa đề là Chân dung với bút hiệu Thạch Đức và Nhất Hạnh. Trong bài này có câu: “Buổi sáng có mặt trời, ôi vũ trụ ta muốn ôm người vào hai tay.”[184] Bài này được in trong tập Chim về trên không, thi văn nhạc họa kỷ niệm Nhất Chi Mai. Tập sách gồm nhiều bài viết của nhiều tác giả khác nhau, nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó có một bài rất cảm động của ông đạo Dừa và gồm những lá thư tuyệt mệnh của chị để lại[185].

Tại Geneva tháng 05 năm 1967, Thầy và mục sư King gặp nhau lần thứ hai, trong hội nghị Hòa Bình trên Trái đất (Pacem in Terris) do Hội đồng các Giáo hội Thế Giới (World Council of Churches) tổ chức. Mục sư đã mời Thầy lên ăn sáng để đàm đạo. Vì bận họp báo nên Thầy lên trễ nửa giờ. Ông đã để dành thức ăn sáng cho Thầy và để trong một cái mâm có đèn cầy đốt ở bên dưới cho ấm. Trong buổi gặp gỡ này, Thầy và mục sư King tập trung thảo luận về hướng đi xây dựng một “cộng đồng yêu quý”, xây dựng tình thân hữu giữa các dân tộc và các quốc gia dựa trên nguyên tắc bất bạo động, hòa giải, công bằng, bao dung và không kỳ thị. Thầy đã nói với ông: “Mục sư có biết rằng nhiều người Việt Nam xem Mục sư như là một vị Bồ tát hay không? Một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền, đã đứng ra lên tiếng chống lại sự tàn sát ở Việt Nam, một người mang hết tất cả sức mình, hết năng lượng của mình để làm những việc có thể giúp làm vơi được những đau khổ của chúng sanh”. Ông rất hoan hỷ khi nghe như thế và sau này mỗi khi nghĩ tới buổi họp mặt ấy, Thầy lại thấy ấm lòng vì đã nói được với ông câu ấy trong lần gặp gỡ cuối cùng đó. Gần một năm sau, Thầy còn đang ở Hoa Kỳ và cảm thấy bàng hoàng khi nhận được tin mục sư King bị ám sát. Sự ra đi thương tâm của một người bạn tri kỷ, một người cùng chí hướng đã khiến Thầy rất buồn. Thầy đã phát nguyện và thực hiện công trình xây dựng một cộng đồng yêu quý cho mục sư và Thầy luôn cảm thấy sự yểm trợ của ông dành cho Thầy.

Trong khi tiếp tục du thuyết để kêu gọi cho hòa bình, Thầy nhận được tin dữ là tám tác viên của trường TNPSXH bị bắt mất tích vào ngày 14.06.1967, trong đó có sư chú Nhất Trí – người đệ tử xuất gia đầu tiên của Thầy. Chưa đầy ba tuần sau, Thầy lại nhận được tin năm tác viên trẻ của trường TNPSXH bị bắn bên bờ sông Thủ Thiêm ngày 04.07.1967 trong khi đang xúc tiến công việc phát triển cộng đồng tại xã Bình Phước, tỉnh Bình Dương. Một người té xuống sông sống sót, bốn người còn lại chết ngay tại chỗ. Người tác viên còn sống kể lại rằng trước khi bắn, một người trong nhóm lạ mặt đó đã đặt tay lên trán của một tác viên và nói: “Chúng tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi buộc lòng phải giết các anh”. Sự kiện này đã được Thầy viết trong bài thơ Xin trả về cho non sông, cho nhân loại, cho đồng bào trong tuyển tập Tiếng đập cánh loài chim lớn. Thầy cũng đã viết một vở thoại kịch về cái chết của những người học trò này, với tựa đề Nẻo về tiếp nối đường đi[188].

Thảm trạng này xảy ra chỉ ba tháng sau khi những người lạ mặt đến tận trường TNPSXH đêm 26 tháng 04 năm 1967 để giết tác viên của trường bằng lựu đạn. Mười hai người sinh viên đã gục ngã, người chết, người thì bị thương. Năm trước, sau khi Thầy lên đường xuất ngoại để kêu gọi hòa bình độ vài ngày, những người lạ mặt cũng đến tại khuôn viên trường và quăng lựu đạn làm cho Lê Văn Vinh vỡ óc và trở thành bán thân bất toại. Một trái lựu đạn đã được liệng vào phòng Thầy. Không có mặt Thầy trong lúc đó, nhưng trái lựu đạn đã bị cái màn cửa hắt trở ra và nổ ở ngoài. Trong khi làm công tác tại nông thôn, các tác viên của trường cũng thường bị làm khó dễ, bắt trói, dọa giết và đuổi đi, bởi vì các tác viên rất được lòng dân quê.

Mỗi lần trường bị thảm sát, thầy Thanh Văn lại đứng lên để thiết tha nói lại một lần quan điểm phụng sự của trường: “Chúng tôi tin rằng quý vị đã hiểu lầm chúng tôi. Chúng tôi không theo một phe phái chính trị nào, chỉ đứng thuần tuý trên lập trường nhân bản mà phụng sự.” Sau những lần như thế, sự thảm sát đã dừng lại nhờ thái độ bất bạo động không tỏ ra thù ghét bất kỳ ai của trường. Sau này, dù công tác xã hội vẫn phải đương đầu với nhiều trở ngại và thử thách, trường TNPSXH không bị tấn công lần nào nữa. Muốn sống sót trong những giây phút cực kỳ khó khăn ấy, các học trò của Thầy đã phải biết bám lấy hơi thở và bước chân để đừng bị cảm xúc kéo đi, để có đủ bình an mà thấy được cái gì nên làm và cái gì không nên làm.

Đầu năm 1968, Thầy trở lại Bắc Mỹ và giảng thuyết trước Thượng viện Quốc hội Canada[189]. Cuối tháng Giêng, khi Thầy đang ở New York thì được tin về cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân ở Việt Nam. Hàng ngàn dân thường bị tàn sát. Đường phố đầy xác người chết. Ở Sài Gòn, chị Phượng và các bạn điều động tình nguyện viên đi nhặt xác và đào các hố chôn tập thể. Trong khi đó, khuôn viên của trường TNPSXH đã trở thành trại tị nạn cho khoảng mười ngàn người. Sau cuộc bạo động này, nhiều vị tôn túc trong Giáo hội đã bị bắt giam, trong đó có Hòa thượng Thích Đôn Hậu, người đã truyền giới Tỳ kheo cho Thầy.

Đến tháng Tư, Thầy nhận được thư của các tác viên trường TNPSXH báo tin Sư Ông, Thiền sư Thích Chân Thật, viên tịch. Cuộc giao chiến và tàn phá xảy ra nặng nề nhất ở Huế, nơi chiến sự kéo dài hơn cả tháng. Nhiều chùa bị dội bom. Chùa Từ Hiếu cũng không tránh khỏi tình trạng bị bom đạn bắn phá. Trong hai năm Thầy xa quê hương, Sư Ông thường kể chuyện về sư chú Phùng Xuân cho các điệu trong chùa nghe: Ngày xưa lâu lắm, ở đây có một điệu học kinh rất mau thuộc. Kinh Lăng Nghiêm năm đệ mà điệu đó học trong vòng mười hai ngày thôi. […] Điệu đó thông minh và học giỏi lắm. […] Điệu nấu canh [me đất khoai lang] rất ngon. Mùa hè mà ăn canh me đất nấu với khoai lang thì rất mát. Nhưng đến bữa dọn cơm, điệu làm sao đó mà trên mâm cơm quên đôi đũa, chỉ có muỗng thôi. Hôm đó thầy dùng cơm bằng muỗng và điệu đứng hầu phía sau. Thầy hỏi điệu: “Ngoài vườn còn tre nhiều không?”. Điệu trả lời: “Dạ bạch Ôn, ở ngoài vườn tre nhiều lắm, những cây tre cán giáo măng rất nhiều. Dì Tư mới bẻ vô kho cho chúng ăn rất ngon”. Thầy dạy: “Chút nữa ra chặt cho thầy cây tre”. Khi đó điệu nhìn lại mâm cơm thì mới thấy không có đôi đũa. […] Điệu đó bây giờ lên thầy rồi và hiện đang ở bên Tây.

Có những buổi chiều, Sư Ông hay chống gậy đứng nhìn về hướng cổng tam quan mà lẩm bẩm: “Thầy về chưa?”. Những lúc đó, điệu Hồng không hiểu Sư Ông đang hỏi thầy nào. Tuổi càng ngày càng lớn nên sức khỏe của Sư Ông cũng yếu dần đi. Đến ngày mồng tám tháng Hai năm ấy, Sư Ông không dùng cơm nữa mà chỉ uống nước thôi. Đêm ấy vào lúc ba giờ sáng, Sư Ông ngồi dậy nhờ điệu thị giả đi mời các thầy lớn đến cho Sư Ông nói chuyện. Nhưng các thầy lớn đã đi tản cư hết rồi, trong chùa chỉ còn thầy tri sự và ba điệu thôi[192]. Gần bốn giờ sáng, Sư Ông đi vệ sinh và tẩy rửa sạch sẽ rồi về giường nằm nghiêng bên phải, hai tay chắp lại thành búp sen. Đến sáu giờ sáng, điệu Hải thị giả của Sư Ông phát hiện ra Sư Ông đã viên tịch. Vì hoàn cảnh chiến tranh nên tang lễ Sư Ông chỉ có khoảng ba mươi vị tăng đến tham dự và diễn ra trong vòng ba ngày. Sư Ông qua đời mà Thầy không về được, Thầy buồn lắm! Thầy có viết thư than thở với cha Thomas Merton, người bạn tri kỷ của Thầy. Cha Merton viết lại cho Thầy một câu mà Thầy cảm thấy được an ủi rất nhiều : “Thầy của thầy bây giờ hoàn toàn tự do, chúng ta nên vui về sự ra đi tự do của Ngài”.

Những năm sau đó, Thầy nằm mơ nhiều lần về tới đồi Dương Xuân, thấy mình leo lên chùa, vượt cổng tam quan, đi quanh hồ bán nguyệt, đi trên con đường mà Thầy thường đi thời còn làm sa di. Con đường này đã trở thành con đường huyền thoại và hay đi vào giấc ngủ của Thầy. Lần nào cũng vậy, mỗi khi về chùa, Thầy thấy Sư Ông vẫn còn đó, Sư Ông ra đón Thầy. Bước lên tam cấp vào Ái Nhật Đường, Thầy lại cúi đầu trước liêu của Sư Ông phía tay trái (mỗi khi đi đến đó Thầy luôn cúi đầu dù Sư Ông có ngồi đó hay không). Tình Thầy trò vẫn luôn đậm đà, ấm áp như xưa. Sự cung kính, thương yêu vẫn còn nguyên vẹn, dầu Sư Ông đã tịch.

8. Tìm cách về nhà

Trong những bức thư các bạn trẻ viết cho Thầy, có một bức thư đề nghị Thầy về Hồng Kông để gặp thầy Thanh Văn và bàn thêm về đường hướng của trường TNPSXH. Lá thư này làm Thầy suy nghĩ. Đêm hôm sau, Thầy viết thư trả lời rằng Thầy quyết định sẽ bay đi Hồng Kông sau chuyến đi vận động ở các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ[196]. Tháng 05 năm 1968, Thầy rời San Francisco bay về Đông Nam Á. Trên máy bay, Thầy bị nhức đầu và sốt nhẹ. Thầy phải tìm một nơi có ba chiếc ghế trống để ngả lưng. Ở lại Hồng Kông hai tuần, Thầy nói chuyện điện thoại để biết thêm tin tức tại quê nhà và thăm dò cách thức vận động để có thể về nước. Đang có cuộc hòa đàm tại Paris, Thầy hy vọng tình thế sẽ thay đổi. Thầy có ý nhờ cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, hiện đang làm Quốc vụ khanh vận động cùng với các bạn trong giới tôn giáo và nhân bản quốc tế. Nhưng cả thầy Thanh Văn và chị Phượng đều không đồng ý với dự tính của Thầy. Bà Ethelwyn Best[198] bay từ Việt Nam để mang thư từ và tin tức chi tiết qua cho Thầy. Thầy Thanh Văn viết: “Thầy không nên về, Thầy về thì sẽ khổ vì con đường của Thầy vạch ra tuy đúng nhưng quá sớm. Người ta chưa theo kịp. Con đường thứ ba đúng là con đường mà chúng ta đang cần tới, nhưng những người quyết tâm đi trên con đường ấy không có nhiều. Phải để cho người ta ê chề cả hai phía, thấy được bộ mặt thật của cả hai phía thì người ta mới biết quý con đường thứ ba. Những cuộc thảm sát tại Huế trong đó hàng ngàn người bị chôn tập thể là những tiếng chuông cảnh tỉnh. Con thấy người ta chỉ chịu mở mắt khi thấy được những điều như thế. Con nghĩ Thầy không nên về bây giờ, mà nếu có hoà bình, Thầy cũng không nên về vội. Phải đợi cho nước bùn lắng đọng cái đã”.

Chị Phượng viết: “Nếu Thầy về mà ngồi trong tù thì thật là khỏe cho Thầy, và điều đó sẽ làm cho lời nói của Thầy có thêm sức mạnh sau này để ngăn cản không cho người ta lôi kéo đất nước vào những guồng máy vô nhân. Nhưng con sợ họ sẽ không bỏ tù Thầy mà sẽ tìm cách thủ tiêu Thầy. Chắc chắn là cả hai bên sẽ tìm cách dụ Thầy theo họ. Và nếu không dụ được, họ sẽ tìm cách giết Thầy bởi vì uy tín của Thầy rất lớn và khi Thầy nói sẽ có không biết bao nhiêu người nghe. Con biết Thầy có nhu yếu về để cùng chia sẻ những khổ đau thiết thực của người dân, nhưng con biết rằng nếu Thầy về, Thầy cũng chỉ tiếp xúc được rất ít, vì Thầy sẽ bị họ cô lập hoá…”[199]

Trong khi chờ đợi gặp lại thầy Thanh Văn, Thầy đi thăm nhà xuất bản và phát hành các kinh sách Phật giáo gọi là Hương Cảng Phật giáo kinh lưu thông xứ và ở lại đó cả ngày để xem sách. Thầy đi thăm chùa Bảo Liên ở đảo Lantau nơi Thầy rất thích thiền hành vòng ra phía sau lưng chùa. Tại đây có một chóp núi thường ẩn trong sương mù. Chùa có cửa vào đề ba chữ Bất nhị môn và có biển đề Vân thâm xứ. Vách trước nhà khách có đề bốn câu thơ:

Hữu độ tức phi tịnh

Ngôn thuyên hà sở vi

Phật thuyết nguyên vô ngã

Thiền sư vấn thị thuỳ?

Thầy lẩm nhẩm dịch:

Có độ làm sao tịnh?

Ngôn ngữ vướng bận hoài

Phật đã bảo vô ngã

Vậy Thiền sư là ai?

Đi thiền và ngồi thiền ở chùa rất thoải mái nên Thầy xin ở lại đây ba hôm. Buổi sáng Thầy hay ngồi nói chuyện và uống trà với bác thư ký của chùa ở phòng khách, nơi có treo một bức vẽ hoa sen và những nét chữ của thầy Thái Hư: “Khả đăng bỉ ngạn sơn”.

Bà Ethelyn ở lại Hồng Kông được tám ngày rồi về lại Sài Gòn. Cô Mai Sa[200] lại bay qua để tiếp tục báo cáo tình hình của trường TNPSXH cho Thầy nghe. Cô cho biết có thể cả thầy Thanh Văn, cả chị Phượng, người đã từng có hộ chiếu xuất ngoại sang Pháp, đều sẽ không qua được Hồng Kông gặp Thầy vì giấy tờ khó khăn lắm.

Đọc thơ của các bạn trẻ và nói chuyện với Mai Sa, Thầy nhớ lại khi Thầy mới sang Hoa Kỳ để vận động hòa bình, các giới tôn giáo, trí thức và tuổi trẻ bên ấy đã đáp ứng với một thái độ rất nhân bản, phong trào hòa bình không mang nặng tính chính trị như bấy giờ. Sau một thời gian hoạt động, vận động, đòi hỏi mà không thấy chiến tranh chấm dứt, nhiều người tỏ ra sốt ruột. Từ sốt ruột nhiều người sinh ra nóng nảy, giận dữ. Từ nóng nảy và giận dữ, nhiều người mất niềm tin nơi khả năng nhân bản và bất bạo động. Họ cảm thấy bất lực. Họ nghĩ chỉ có bạo lực mới nói chuyện được với bạo lực. Và vì vậy họ muốn quân đội miền Bắc và Mặt trận Giải phóng chiến thắng quân đội Hoa Kỳ để quân đội Hoa Kỳ bắt buộc phải triệt thoái khỏi Việt Nam. Và từ sự ủng hộ giải pháp thương thuyết hòa giải mà Thầy gọi là con đường thứ ba (the third way) họ chuyển sang ủng hộ miền Bắc và Mặt trận Giải phóng.

Chỉ còn mười ngày nữa là chiếu khán Hồng Kông của Thầy hết hạn. Bỗng nhiên chiều ngày 24 tháng 07, chị Phượng xuất hiện. Nhờ quen biết, chị đã xin được hộ chiếu và thị thực vào giờ chót, mặc dù đang nằm trong danh sách đen vì dám tham gia phong trào kêu gọi hòa bình. Chị Phượng được phép ở lại Hồng Kông năm ngày. Gặp lại Thầy, chị Phượng rất xúc động vì Thầy mới xa nhà có hai năm mà đã ốm và già hơn mười tuổi. Chị kể cho Thầy nghe những lời dặn dò của chư Tôn đức mà chị đã xin tham vấn trước khi lên đường. Các thượng tọa Trí Quang, Thiện Hoa, Thiện Hòa (viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) đều nghĩ rằng Thầy không nên về nước mà phải tiếp tục ở hải ngoại để làm Phật sự. Thầy lắng nghe và hỏi thêm thái độ của từng thượng tọa, từng thầy, từng tác viên. Cuối cùng Thầy đồng ý tiếp tục công việc kêu gọi hòa bình ở nước ngoài với sự phụ tá của chị Phượng như một nhân chứng của cuộc chiến.

VII. Lãnh đạo phong trào hòa bình Phật giáo và hoạt động xã hội (1964 – 1966)

1. Viện Cao đẳng Phật học

Ngày 10.01.1964, Thầy rời Hoa Kỳ về lại Việt Nam, mang theo tuệ giác và kinh nghiệm tu học mới làm nền tảng cho những chương trình sắp tới. Trên đường về nước, Thầy ghé qua Paris mười ngày để diễn thuyết hai lần về đề tài Phật giáo cho Hội Phật tử Việt kiều. Cô Phùng Khánh (sau này là Sư bà Trí Hải), học trò cũ của Thầy từ khi còn học tú tài ở Sài Gòn, bấy giờ đang du học tại đại học Indiana, đã có mặt tại New York để kịp bay đi Paris với Thầy. Tại Paris, trong vòng mấy hôm, người trẻ ở đây đã in xong cuốn sách Đạo Phật ngày nay, loạt bài ở tạp chí Liên Hoa mà Thầy đã viết tại chùa Pháp Hải ở Cồn Hến, Huế. Ngày 22.01.1964, Thầy bay về Sài Gòn. 

Việc đầu tiên khi về lại quê hương là Thầy gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật giáo và sinh viên để lắng nghe về tình hình đất nước. Trong một buổi họp với những người trẻ tại chùa Trúc Lâm, Thầy đề nghị hai phương án cụ thể cho các bạn trẻ thực hiện ngay trong tuần tới: thứ nhất, mỗi tuần dành hẳn một ngày trọn vẹn để cùng nhau đến chùa Trúc Lâm tu tập, tĩnh lặng thân tâm và thảo luận kế hoạch hành động; thứ hai, thiết lập một làng thí điểm (còn gọi là làng tự nguyện hay làng tình thương) nhằm tái thiết và phát triển nông thôn.

Họp xong, hai ngày sau Thầy đã một mình tìm lên Phương Bối, bất chấp những lời can ngăn vì sợ nguy hiểm cho Thầy. Trèo lên đến chỗ rẽ vào lối Thiền Duyệt Thất, Thầy bắt gặp Nguyên Hưng (thầy Thanh Văn) đang đứng cạnh thất, tay cầm một cái xà gạc. Thì ra khi nghe tin Thầy về nước, Nguyên Hưng đã đoán rằng thế nào Thầy cũng về thăm Phương Bối Am nên đã đến đây trước và tự tay phát dọn những lối đi để đón Thầy về. Tuy khung cảnh rất hoang vắng và điêu tàn, Thầy nhận ra con đường lên Thiền Duyệt Thất vẫn đẹp, khóm hồng vẫn nở cho ba chiếc hoa đỏ thắm, những gốc thông Thầy trồng ngày xưa nay đã lên cao xanh tốt…

Thỏa lòng sau chuyến về thăm Phương Bối, Thầy lại có một buổi họp với các thầy trong Hội đồng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN)[91] và đưa ra ba điểm kiến nghị cụ thể để cộng đồng Phật giáo có thể góp phần vào việc chấm dứt tình trạng chia rẽ và bạo động trên đất nước:

1. Giáo hội nên đứng lên kêu gọi anh em miền Nam và miền Bắc Việt Nam ngồi lại tìm giải pháp chung để chấm dứt chiến tranh cốt nhục tương tàn.

2. Giáo hội nên cấp thiết thành lập một Viện Cao đẳng Phật học để xây dựng lớp trí thức mới, có tu có học rành mạch những điều Phật dạy hầu hướng dẫn đất nước đi về hướng đại trí đại bi, khoan dung, và biết lắng nghe tiếng nói của toàn dân.

3. Giáo hội nên xây dựng ngay một trung tâm đào tạo tác viên xã hội để về các vùng nông thôn giúp người nghèo – những người thiếu ăn, thiếu học, chưa biết cách tổ chức làng xã – nhằm thúc đẩy việc thay đổi xã hội một cách bất bạo động, dựa trên giáo lý của Bụt.

Một ngày trước khi Thầy đề nghị điểm thứ nhất thì ở Sài Gòn, tướng Nguyễn Khánh đã lật đổ chính quyền cách mạng của tướng Dương Văn Minh. Tướng Khánh ra sắc luật đặt đảng Cộng Sản và đảng Trung Lập ra ngoài vòng pháp luật. Hoa Kỳ cũng tuyên bố chống giải pháp trung lập hóa Việt Nam. Thế là niềm hy vọng thương thuyết hòa bình giữa hai phe lâm chiến của điểm thứ nhất mà Thầy đưa ra chưa gì đã tan thành mây khói.

Các thầy trong Viện Hóa Đạo chỉ đồng ý điểm thứ hai là thành lập Viện Cao đẳng Phật học. Tuy nhiên, vì không có tài chánh và cũng không có cơ sở nên Giáo hội giao cho Thầy trách nhiệm kiếm phương tiện để thực hiện dự án.

Thầy lập tức soạn thảo một chương trình với 14 mục[92]. Trong mục đầu là mục 

Khái quát: Viện Cao đẳng Phật học là một trường Cao đẳng Tôn giáo chuyên về Phật học. Mục đích của Viện là đào tạo một thế hệ Phật tử mới, có kiến thức đại học về Phật giáo để phục vụ cho những nhu cầu mới của Phật giáo Việt Nam. Phối hợp những nét đặc thù của hệ thống đại học Pháp và Bắc Mỹ, Thầy đặt ra hệ thống chứng chỉ nhỏ và những thể thức mới[93]. Thầy cũng thiết lập một chứng chỉ gọi là Thiền tập. Sinh viên ghi tên vào lớp ấy không những được học mà còn được thực tập thiền quán, trong đó có thiền ngồi, thiền đi và những phép chỉ quán như Lục diệu pháp mônNgũ đình tâm quán.

Thầy, với tư cách là Viện trưởng sáng lập, viết thư chính thức mời thầy Trí Thủ làm Viện trưởng. Thầy Minh Châu – sẽ về vào tháng Tư từ Ấn Độ – làm Phó viện trưởng. Thầy Thiên Ân làm Giáo thọ trưởng. Bác Trịnh Văn Sâm, kiến trúc sư đã từng học ở Paris, làm Tổng thư ký. Thầy Thanh Văn làm Chánh văn phòng. Các giáo sư trường đại học Văn Khoa và đại học Sư Phạm tự nguyện dạy không lương như giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Cao Hữu Đính, Bửu Kế, Hồ Hữu Tường, Tam Ích, Nguyễn Đắc Kham, Nghiêm Thẩm[95]. Thầy mời thầy Thanh Từ giảng kinh A Hàm[96].

Vì không có cơ sở, Thầy phải mượn tạm một số ngôi chùa trong đô thành. Chùa Xá Lợi đồng ý cho Viện Cao đẳng Phật học sử dụng hai phòng ở để làm hai lớp học. Chùa Pháp Hội đã vui lòng cho Thầy mượn làm trụ sở chính. Chùa tọa lạc tại số 702/105 đường Phan Thanh Giản, là hậu thân của chùa Hưng Đạo, nơi mà chú Phùng Xuân và các bạn an cư lần đầu với thầy Trí Hữu mười lăm năm về trước. Chùa bây giờ rất khang trang, cao ráo, có giảng đường, thư viện, văn phòng và nhiều phòng ốc để làm lớp học. Tuy vậy, điểm đặc biệt của Viện Phật học này là trụ sở chính nằm trong một vùng nghèo bùn lầy nước đọng. Trời mưa, mọi người phải lội qua mấy vũng nước mới tới được Viện. Hai bên đường đi, bà con trong xóm nghèo họp chợ, bán đủ các thức, từ cá khô, cá tươi cho đến khoai lang, rau muống. Buổi sáng, Thầy chỉ việc bước ra đường là có thể mua thức ăn điểm tâm, khỏi phải làm bếp. “Vài ba đồng bạc xôi đỗ, gói trong lá chuối đem về sớt lại trong một chiếc đĩa lớn. Thêm hai đôi đũa nữa. Thế là xong. Hoặc là mấy đồng bạc khoai lang hay khoai từ mới luộc xong, đang còn nóng hổi. Còn trà thì người lao công của Viện sáng nào cũng cho chúng tôi một bình khá lớn”. Từ cửa sổ phòng Thầy trên tầng gác, Thầy có thể thích thú ngắm nhìn toàn cảnh những bà bán hàng đầu tiên dọn hàng khi trời còn tờ mờ sáng, cảnh bà Tư múc hủ tiếu bán và những khách hàng đến ăn quà với tất cả những chi tiết. “Có chị hàng vải và anh chàng bán nồi niêu xoong chảo bằng nhôm tới bày hàng ngay trước cửa Viện mà bán. Nhất là anh hàng nồi. Ảnh bày hàng trên một khoảng đất rộng có đến tám thước vuông. Hàng của anh phản chiếu ánh mặt trời sáng choang. Có khi anh bày thêm một hàng dài các thứ dao lớn nhỏ cần dùng cho việc nội trợ.” (Nẻo về của ý)

Hai tháng sau buổi họp với các vị lãnh đạo Giáo hội, ngày 13 tháng 03 năm 1964, một cuộc tiếp tân tại chùa Pháp Hội khai giảng chính thức Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn. Thầy và ban tổ chức điều đình với các bạn hàng trước đó một hôm là sáng mai xin đừng họp chợ ngay trước cửa chùa Pháp Hội. Các vị Đại sứ, các ngoại giao đoàn và giới trí thức văn hóa Sài Gòn đều được mời tới tham dự. Thầy viết sẵn cho thầy Viện trưởng một bài diễn văn khai mạc, có dịch ra tiếng Anh, nói về đường lối cách mạng giáo dục của Viện. Trường lúc ấy đang còn thiếu thốn nhiều quá nên ông Tổng thư ký Trịnh Sâm phải đi mượn nhiều ghế dựa bọc vải tại những tiệm mộc quen biết. Ông còn nhờ được bốn cô chiêu đãi viên từ Hàng không Việt Nam về để tiếp khách. Con đường phía trước chùa có một ổ gà trũng làm thành vũng nước khá lớn. Thầy đã yêu cầu ông xin hoặc mua một xe sạn lấp cái vũng nước này trước ngày khai mạc. Bận quá, ông đã không có đủ thì giờ để làm. Trời đổ mưa vào sáng tiếp tân. Quan khách đến thật đông. Các ông khách quý phải xắn ống quần, rón rén từng bước từ ngoài đường để tránh các vũng nước bùn. Trong lời chào đón quan khách, Thầy đã nhắc tới vũng nước mưa trước cổng chùa và xin lỗi. Lễ khai mạc chấm dứt, ông Tổng thư ký thì thầm: “Thì ra Thầy muốn lấp những vũng bùn đó mà không cần những xe đất và đá của bộ Công chánh”. 

Sau này, Viện Cao đẳng Phật học trở thành Viện Đại học Vạn Hạnh, ông Tổng thư ký thấy chợ hẻm này làm mất “uy tín” cho Viện đại học quá, có vài lần ông xin phép Thầy: “Tôi chỉ gọi một điện thoại thôi là chúng ta dẹp được chợ. Bởi vì chợ họp bất hợp pháp. Rồi ta sẽ xin Công chánh năm bảy xe đất đá để lấp các hố nước, làm cho lối đi vào trường có vẻ nghiêm chỉnh thêm ra”. Nhưng lần nào Thầy cũng mỉm cười từ chối và khuyên “ông đừng nên làm cái chuyện thất đức và thất nhân tâm đó. Cái Viện Đại học của ông làm lợi cho văn hóa dân tộc đâu thì chưa thấy mà nếu làm như thế thì đã có thể gây thất nghiệp cho gần một trăm người tiểu thương” (Nẻo về của ý). Thầy nghĩ tới bà Tư hủ tiếu và Thầy biết là chẳng bao giờ ông Tổng thư ký có thể thuyết phục được Thầy về sự cần thiết cho cái thể diện của trường. 

Thầy dời thư viện gồm khoảng 20,000 quyển sách từ Phương Bối về Viện. Ngày 18 tháng 03, Thầy bắt đầu giảng khóa học đầu tiên về Pháp tướng duy thức học. Thầy Tuệ Sỹ lúc đó còn là chú Tuệ Sỹ cũng thường trú tại Pháp Hội và là sinh viên xuất sắc nhất trong các chứng chỉ Duy thức và Bát nhã mà Thầy giảng dạy. Bài nào của chú cũng được 15 hoặc l6 điểm.[100] Chứng chỉ Phật học Đại cương có 150 sinh viên ghi tên học. Sinh viên các trường Văn khoa, Y khoa, Dược khoa và Sư phạm tới tự nguyện làm việc văn phòng và các công việc khác của Viện rất đông. Không khí làm việc trong Viện rất tươi trẻ. Tất cả những người trẻ này đều dễ thương, có lý tưởng, hòa thuận và đầy tin yêu.

Ngày 15 tháng 08 năm 1964, Viện Cao đẳng Phật học khai giảng khóa mùa Thu, thời điểm mà Viện Phật học có tên mới là Viện Đại học Vạn Hạnh. Viện được Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa cấp giấy phép ngày 17.10.1964. Một lớp Dự bị Cao đẳng cũng được khai giảng tại chùa Pháp Hội, nhằm nâng đỡ các học tăng và học ni chưa có bằng tú tài và vì thế chưa được ghi tên làm sinh viên chính thức của trường Cao đẳng Phật học. Lớp Dự bị này dạy thêm các môn quốc văn, sinh ngữ, khoa học, sử, địa và toán. Tất cả các giáo sư dạy lớp này cũng đều dạy tự nguyện không lương. Các sư chú, các sư cô theo học lớp này vẫn có thể dự thính những giảng khóa trong Viện Cao đẳng. Cuối năm, các sinh viên nào thi đủ điểm sẽ có chứng chỉ của Viện cấp phát để có thể ghi tên học chính thức và để thi bằng Cử nhân Phật học trong tương lai.

Chùa Trúc Lâm ở Gò Vấp trở thành một địa điểm nơi những người tu trẻ và các sinh viên cùng gặp gỡ và thực tập chung với nhau như một cộng đồng. Quý thầy gồm có Đồng Bổn, Thanh Văn, Thanh Tuệ, Thanh Hương, Thanh Hiện, Từ Mẫn, Châu Toàn, Nhất Trí; và các bạn sinh viên gồm có Tâm Quang, Tâm Thái, Thu Hà, Trà Mi, Phùng Thăng. Nơi đây, Thầy có một cái am vuông mỗi chiều ba thước, với một cửa sổ tròn nhìn về hông chánh điện. Nền am làm bằng đất nện. Một đêm nọ, thức dậy lúc hai giờ rưỡi khuya. Thầy nằm yên trên giường và thở cho đến khi chuông khuya bắt đầu ngân nga mới ngồi dậy. Thầy đi chân không trên nền đất. Nhìn ra cửa sổ trong đêm tối đen, Thầy ý thức sự có mặt của bụi trúc đào, cây hoa đại trong vườn và cảm nhận được chủ thể nhận thức không thể tồn tại ngoài đối tượng nhận thức. Đột nhiên thời gian và khoảng cách tự tiêu diệt, tan biến.

“Nền đất lạnh gây cảm giác mát lạnh nơi gan bàn chân của tôi, và sự thấm lạnh ấy đột nhiên khiến tôi tỉnh táo và minh mẫn một cách lạ thường. Tôi đi từng bước tìm tới cửa sổ và tỳ tay nơi cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời đất vẫn còn đen tối và tôi không nhìn thấy được gì cả. Tuy nhiên trong đêm đen, tôi vẫn biết cây lá trong vườn còn đó, và bụi trúc đào cũng còn đó ở góc bên kia. Cây hoa đại vẫn còn ở trước cửa sổ. Mà sở dĩ như vậy là tại vì chủ thể nhận thức không thể tồn tại ngoài đối tượng nhận thức. […] Và ngoài kia, núi sông, trời đất, những ngôi sao lớn nhất và thực hữu, và mặt trời của tôi cũng chỉ nằm trong lòng nhận thức. Đột nhiên thời gian và khoảng cách tự tiêu diệt, tan biến. […] Dù em có cách xa muôn vạn do tuần thì muôn vạn do tuần ấy cũng được nối liền trong một lân hư trần. Dù cho bách thiên vạn kiếp thì bách thiên vạn kiếp ấy cũng trở về nối liền với hiện tại trong một sát na. Hiện hữu của em tự nhiên trở về bừng tỏa nơi nhận thức tôi. Đột nhiên tôi mỉm cười. […] Nguyên Hưng biết rằng màn đêm […] trở thành rạng rỡ vô cùng trong nhận thức tôi. Và hiện hữu mầu nhiệm trở thành bừng tỏa nơi nụ cười huyền diệu ấy. Tôi biết là em có đó vì tôi còn đây và tôi biết vì tôi còn đây nên em còn đó.

[…]

Đó phải chăng là dấu hiệu của thực tại bất sinh bất diệt?” (Nẻo về của ý)

Sáng dậy, Thầy làm bài thơ Vòng tay nhận thức trong đó có những câu:

Xanh nghĩa là xanh cho ai

Hồng nghĩa là hồng cho ai

Nghiêng mình bên dòng nước trong, em hỏi

Hiện hữu ca lời duy nhất nhiệm mầu

Tôi bỗng mỉm cười trước đêm sâu hồn nhiên trinh bạch

Tôi biết vì tôi còn đây nên em còn đó

Và hiện hữu em trở về bừng tỏa

Nơi nụ cười huyền diệu của đêm nay.

Thầy đã giảng bài thơ này trong khóa Pháp tướng Duy thức học tại Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn.

2. Nhà xuất bản Lá Bối

Song song với việc thành lập Viện Cao đẳng Phật học, nhà xuất bản Lá Bối cũng được thành hình vào tháng Ba. Thầy trao cho thầy Thanh Tuệ trách vụ giám đốc nhà xuất bản và cô Nguyễn Thu Hà làm quản lý. Hai tác phẩm đầu tiên mà Lá Bối phát hành là Bông hồng cài áo[104] Đạo Phật đi vào cuộc đời. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, nhà xuất bản đã lấy lại đủ tiền vốn để in những tác phẩm kế tiếp một cách nhanh chóng như Tình người[105], Đạo Phật ngày nay, Đạo Phật hiện đại hoá, Câu chuyện dòng sông của Phùng Khánh dịch, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện… Ngoài những tác phẩm Phật học, Lá Bối còn xuất bản các tác phẩm về văn học, triết học, xã hội, giáo dục, và luôn cả những tác phẩm âm nhạc như Trường ca Con đường cái quan, Mẹ Việt NamMười bài Tâm ca của Phạm Duy. Nhà xuất bản Lá Bối lúc đầu được đặt tại số 411/5 đường Phan Đình Phùng, một căn nhà lụp xụp nghèo nàn. Nhưng Lá Bối đã nổi tiếng một cách mau chóng và sau đó được dời về nhà số 120 đường Nguyễn Lâm.

Nhà xuất bản Lá Bối tổ chức một buổi tiếp tân tại chùa Pháp Hội và giới văn nghệ sĩ tới tham dự khá đông, trong đó có nhạc sĩ Phạm Duy, các nhà văn Hồ Hữu Tường, Tam Ích… Trong buổi hội thảo, với tư cách Giám đốc sáng lập, Thầy nói về những tiêu chuẩn sáng tác văn nghệ theo quan điểm đạo Bụt: Văn nghệ Phật giáo có trách nhiệm khai thịtrị liệu. Khai thị là mở ra và chỉ cho quần chúng thấy được sự thật của tình trạng. Theo ngôn ngữ đạo Bụt, đây là sự quán chiếu về khổ đế và tập đế. Chiến tranh, nghèo đói và chia rẽ là sự thật. Văn nghệ sĩ phải nhìn thẳng vào sự thật, trình bày sự thật rõ ràng, và đề nghị những biện pháp cụ thể để cứu chữa tình trạng. Đây là trị liệu. Văn nghệ phải có một sứ mạng và văn nghệ sĩ phải dấn thân tranh đấu để thực hiện chí nguyện của mình. Sau buổi hội thảo, một số nhà văn ở lại ăn cơm chay do sinh viên đại học Vạn Hạnh thết đãi. 

Nhà văn Tam Ích được mời dạy văn chương tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Ông đã được “đọc cọp” cuốn Tình Người tại một tiệm sách ở Đà Lạt. Tình Người là một tập truyện ngắn kể về những câu chuyện trong thời gian Thầy còn làm điệu và sư chú tại chùa Từ Hiếu. Những truyện này đã được đăng trước đó trong tạp chí Phật Giáo Việt Nam và xuất bản bởi Lá Bối vào năm 1965 với bút hiệu Tâm Quán.

Ông rất thích tập truyện này nhưng không biết tác giả Tâm Quán là ai. Trong tập Ý Văn của anh do Lá Bối xuất bản năm 1967, Tam Ích viết về Tình người như sau: “Kỹ thuật dựng chuyện rất giản dị… Chính sự giản dị đó làm ra sự kín đáo và vững vàng của kỹ thuật. Tình người có hương vị của Tự Lực Văn Đoàn, có màu sắc văn chương rất Việt Nam, rất Việt Nam mà không xưa, rất mới mà không cần táo bạo”.

3. Đoàn Thanh niên Phụng sự Xã hội

Trong buổi họp với hội đồng Viện Hóa Đạo khi mới về nước, Thầy có đưa ra ba điểm kiến nghị. Điểm thứ ba là Giáo hội đứng ra làm một cuộc cách mạng xã hội nông thôn với chương trình Thanh niên Phụng sự Xã hội. Các thầy trong hội đồng Viện Hóa Đạo từ chối.

Thầy liền họp với các sư chú, sư cô và các sinh viên hai ngày sau đó tại chùa Trúc Lâm để tự xúc tiến chương trình. Đây không phải là một công tác từ thiện hay xã hội mà là một hành động cho hòa bình, với chất liệu từ bi làm nền tảng. Chương trình không nhắm đến mục tiêu giúp đỡ cho một ai khác mà chỉ là phụng sự cho chính mình, chính dân tộc và đất nước mình, không phân biệt giữa người giúp đỡ và người được giúp đỡ. Bắt đầu từ năm 1961, Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn mà Thầy hướng dẫn đã có những công tác từ thiện tại các xóm nghèo như Mã Lạng Quốc Thanh, Cầu Bông Bàn Cờ, và các lớp trung học miễn phí được tổ chức vào ban đêm. Bấy giờ, Thầy và các bạn trẻ khởi sự với xóm Cầu Kinh ở Gia Định, cách Sài Gòn chừng mười cây số để làm làng thí điểm, lo việc cải thiện nếp sống của làng về bốn phương diện y tế, kinh tế, giáo dục tổ chức với ba phương châm tình thương, trách nhiệmtự nguyện. Anh Như Thông và chị Điệp, hai vị dược sĩ đảm trách phần y tế. Cô Phương Thảo bên Dược Khoa đã mời về cho tăng thân Trúc Lâm nhiều sinh viên Y Khoa năm thứ sáu, như các anh Trâm, Nguyên và Quyền. Các bạn Tâm Quang, Tâm Thái, Trà Mi, Ngọc Thanh, Phùng Thăng và Phương Thảo đảm trách chương trình giáo dục. Mỗi người dân tự nguyện đứng dậy chủ động cải thiện nếp sống của mình mà không chờ đợi sự giúp đỡ từ chính quyền. Thầy hướng dẫn cho sư chú Nhất Trí – người đệ tử đầu tiên được Thầy thế phát xuất gia, là một tấm gương của sự khiêm nhường và lòng từ bi – phụ trách chương trình. Sư chú Nhất Trí, lúc khoảng 10 tuổi, đã được thầy Châu Đức dẫn từ Quảng Nam vào và gửi gắm cho Thầy tại chùa Phước Huệ, B’lao. Thầy truyền Năm giới cho chú và năm 1964, sư chú đã được Thầy thế phát xuất gia. Hai học trò cũ của Thầy ở B’lao là Tâm Quang và Tâm Thái cũng về đây thường trú để dạy các lớp học và phối hợp hơn 100 sinh viên Phật tử về làng làm việc. Cuối tuần Thầy hay về ngủ lại với hai chú. Có một lần khi trường chưa được xây cất, Thầy ngủ lại bên một đụn rơm dùng làm trường học và bị bò cạp cắn, nhức nhối suốt cả đêm.

Các bạn trẻ chơi và múa hát với trẻ em trong làng, dạy các em đọc và viết, cùng dân làng tổ chức được ba lớp học tại ba căn nhà của người dân trong xóm. Sau đó các bạn họp với dân làng để thành lập ban xây cất trường Chim Sơn Ca. Đây là lần đầu tiên người dân tự đứng lên xây dựng trường học cho con em của mình, đúng theo tinh thần tự nguyện. Người góp tre, người góp lá dừa để lợp mái. Vách trường làm bằng bùn trộn rơm do xóm Cày Đáy[112] hiến tặng. Cạnh trường học là trạm y tế Tình Thương với một tủ thuốc cấp cứu. Tất cả trẻ con trong làng đều được đi học. Các sinh viên luật cũng đã thiết lập tòa án tại chỗ với một vị chánh án để làm giấy Thế vì khai sinh cho các em. Các bạn cũng huấn luyện dân làng các kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng hệ thống tưới tiêu, hướng dẫn vệ sinh trong cộng đồng và xây các bệnh xá để chữa bệnh tiêu chảy, các bệnh nhiễm trùng. Dân làng được học những nghề thủ công và cách trồng nấm rơm để cải thiện thu nhập cho gia đình. Chị Thu Hà đảm trách chương trình này. Sinh viên học chứng chỉ Phật học đại cương tại trường Cao đẳng Phật học đều có những giờ thực tập tại làng Cầu Kinh, cùng với các thí điểm sau này, và tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng, Hồng Bàng.

Thành công với thí điểm tại làng Cầu Kinh, Thầy và các tác viên xã hội trẻ, cả xuất sĩ và cư sĩ, bắt đầu thành lập một thí điểm thứ hai ở làng Thảo Điền. Cô Phượng (sau này là Sư cô Chân Không) đã trình xong luận án Rong nước ngọt ở trường Đại học Khoa học Paris và vừa về đến Sài Gòn. Cô hăng hái tình nguyện đảm trách chương trình này ngay lập tức. Sư chú Nhất Trí cũng về sống thường trú và làm việc tại đây. Trẻ con ở đây thương sư chú lắm và thường gọi chú là chú Trí trụ trì, giọng đớt thành ra chú Chí chụ chì. Có sư chú về đây cùng với các bạn sinh viên, trẻ con trong làng lần đầu tiên được ăn Tết Trung thu. Giới sinh viên rất hăng hái tham dự công tác tại các thí điểm, họ đến càng ngày càng đông. Các cô Trà Mi, Ngọc Thanh và Phùng Thăng được kể đến trong số những người đã tham dự từ đầu vào việc thiết lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn, làm làng thí điểm và tuần san Hải Triều Âm. Những thí điểm khác trong nước được thành lập và sau này được gọi là làng hoa tiêu, có nghĩa là làng kiểu mẫu đi đầu, gây cảm hứng cho các làng khác.

Từ cuối thập niên 50, Thầy đã thấy tầm quan trọng của một nơi để trở về tu tập, nuôi dưỡng và trị liệu trên con đường phụng sự. Vừa về lại từ chuyến đi Mỹ, trong buổi họp đầu tiên với những người trẻ, Thầy đã yêu cầu mọi người, dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng phải dành hẳn một ngày trọn vẹn mỗi tuần để tập họp ở chùa Trúc Lâm, Gò Vấp. Cả cộng đồng cùng nhau thiền tọa, thiền hành, ăn với nhau một bữa cơm trong chánh niệm và cùng ngâm thơ, pháp đàm, ca hát với nhau để cung cấp chất liệu tâm linh, bồi đắp tình thương yêu và niềm tin.

4. Tăng thân Trúc Lâm

Cộng đồng những người trẻ sinh hoạt ở Trúc Lâm, có khi gọi là gia đình Trúc Lâm, gồm có các thầy Thanh Văn, Đồng Bổn, Thanh Tuệ, Thanh Hương, Thanh Hiện, Từ Mẫn, Châu Toàn… tạo thành một khung cảnh rất thanh tịnh, an lạc và đầy sự thương mến. Các thầy Đồng Bổn và Châu Toàn đã săn sóc mọi người và đã làm tất cả những gì có thể để tăng thân có hạnh phúc và an lạc. Thầy Đồng Bổn thường tự tay kho một nồi mít thật ngon để mọi người ăn cơm. Thầy Châu Toàn cắm hoa và trang hoàng từng góc chùa thật mỹ thuật, hoặc bằng một chiếc lá hoặc bằng một cành cây đơn sơ. Vào đến Trúc Lâm, các bạn trẻ có cảm tưởng như về đến ngôi nhà tổ mát mẻ và an lành. Mọi người được học cách ăn cơm trong chánh niệm và ai cũng xếp hàng tự lấy thức ăn. Giới trẻ tìm đến chùa Trúc Lâm tham dự ngày chánh niệm mỗi Chủ nhật càng ngày càng đông.

Sinh viên Viện Cao đẳng Phật học đã tổ chức một trại hè gọi là Trại hè Đối thoại tại Huế. Một đoàn sinh viên đông hơn một trăm người đã khởi hành cùng Thầy từ Sài Gòn hôm 22.7.1964 và đã sinh hoạt tại Huế chín ngày. Trong thời gian ở Huế, đoàn sinh viên Sài Gòn đã có những buổi hội thảo với các sinh viên Huế, đã đi làm công tác để được gần gũi với đồng bào nông thôn. Họ bắc được một chiếc cầu sườn sắt dài 32 thước ở làng Nam Phổ, lợp tôn một cái chợ tại xã Tân Phú, đắp một con đường dài 1500 mét và đi khám bệnh, phát thuốc cho hai ngàn người. Các địa điểm công tác đều ở quận Phú Vang (Nam Phổ, Diên Trường, An Lưu).

Có một lần anh Nguyễn Văn Ân đang chỉ dẫn cho nông dân cách chăn nuôi, làm thế nào để nuôi gà không bị chết. Một thiếu phụ trong làng hỏi anh:

– Cậu làm việc như thế, chính phủ trả lương cho cậu mỗi tháng bao nhiêu ?

– Dạ cháu không phải là công nhân của chính phủ. Cháu đâu có lương tiền gì đâu. Cháu ăn cơm chùa rồi đến đây làm công quả thôi.

– Người ta làm công quả ở chùa chớ có ai làm công quả ở ngoài đâu?

– Thưa bác, đời bây giờ khổ quá, chính Phật trong chùa cũng phải đi ra ngoài giúp dân chớ đâu phải chỉ ở trong chùa mà thôi. Thành ra tụi cháu cũng vậy, cũng đi ra ngoài theo Phật làm công quả. Công quả ở đâu cũng là công quả cả, bác à.

Câu trả lời thật đơn sơ nhưng biểu lộ được tinh thần của đạo Phật đi vào cuộc đời (Engaged Buddhism) mà người dân quê có thể hiểu được một cách dễ dàng.

Thầy nghiên cứu thêm về các  kibbutz ở Do Thái, các ashram và các hoạt động của phong trào Bhudan của Vinoba Bhave ở Ấn Độ. Thầy còn đích thân đi Philippines vào tháng 11 năm 1966 để thăm viếng và quán sát công tác của phong trào tái thiết nông thôn (The Philippines Rural Reconstruction Movement) bên ấy trong vòng hai tuần lễ.

5. Ruột đau chín khúc

Tháng 11 năm 1964, trận bão lụt Giáp Thìn tàn phá nặng nề hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, cướp đi hơn 4000 sinh mạng và cuốn trôi hàng ngàn ngôi nhà. Nạn nhân trong những vùng có giao tranh chịu thiệt thòi nhất, vì không ai dám tới tận nơi để cứu trợ. Thầy, sư chú Nhất Trí và chị Phượng đã tổ chức chuyến cứu trợ với hàng trăm bao gạo và rất nhiều thức ăn khô, áo quần, thuốc men và tiền bạc mà Đại học Vạn Hạnh đã quyên góp được. Chị Phượng, chủ tịch hội sinh viên Phật tử Viện Đại học Vạn Hạnh, trở thành một lãnh đạo hăng say và tháo vát trong các công tác xã hội của trường. Trên đường, Thầy gặp lại hai người học trò cũ rất thân thiết là các thầy Như Vạn và Như Huệ. Hai thầy đã lo việc thuê ghe máy, chuyên chở phái đoàn và phẩm vật cứu trợ. Đi đến đâu, Thầy cũng gặp lại những học trò cũ và được họ yểm trợ để công việc cứu trợ được suôn sẻ. Một đoàn thuyền treo cờ Phật giáo và biểu ngữ cứu trợ đi ngược dòng Thu Bồn lên đến thượng nguồn dưới những làn đạn để phân phát lương thực và các vật dụng cần thiết cho bà con tại huyện Đức Dục, tỉnh Quảng Nam. Đây là vùng bị tàn phá nhiều nhất vì chiến tranh và thiên tai, dân chúng đói khổ cực kỳ. Đoàn đã gặp những trẻ em trúng đạn mình đầy máu me, những thanh niên xanh xao thiếu ăn, những người cha ngồi thừ mất hồn vì cả vợ con đã bị lũ cuốn đi. Xác chết từ thượng nguồn trôi xuống còn mắc kẹt trên cây. Ruồi muỗi khắp nơi. Hầu hết những người dân sống sót đều đang bị kiết lỵ. Các thầy, các chú và các sinh viên đi từng xóm, từng nhà, để cung cấp tặng phẩm. Khi phái đoàn ra về, dân chúng ra bến đưa tiễn rất đông. Bảy, tám bà mẹ trẻ bồng con lội xuống bờ sông, van xin các sinh viên mang những đứa con nhỏ của họ về Sài Gòn nuôi giùm. Đêm hôm đó, Thầy đã cắt đầu ngón tay, nhỏ máu xuống dòng sông Thu Bồn và phát nguyện sẽ không bao giờ quên đồng bào khổ cực đang chết từng ngày vì thiên tai, vì bom đạn ở những vùng xa xôi như vậy. Thầy đã viết bài thơ Ruột đau chín khúc, đăng ở báo Thiện Mỹ số 13 ra ngày 09.02.1965 và trong tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện.

6. Tuần san Hải Triều Âm

Cũng trong năm này, vào ngày 24 tháng 4, tuần san Hải Triều Âm ra đời do Thầy làm chủ bút và thầy Châu Toàn làm thư ký tòa soạn. Đây là cơ quan thông tin văn hóa của Viện Hóa Đạo. Số đầu in 80 ngàn bản và ngay sau đó phải tái bản. Bắt đầu từ số sau, 50 ngàn bản đã được in mỗi tuần, được chuyển ra Huế và Đà Nẵng bằng đường hàng không. Đây là một tờ báo văn nghệ, thông tin và nghị luận với sự cộng tác của nhiều nhà văn và nhà thơ như Tam Ích, Doãn Quốc Sỹ, Trụ Vũ, Tuệ Mai, Từ Phong, Vũ Hoàng Chương, Võ Đình Cường. Hải Triều Âm là tờ báo đầu tiên công khai đăng các bài thơ và nhạc về hòa bình, cũng như các bài tham luận Phật giáo quan trọng. Bản báo cáo của phái đoàn Liên Hiệp Quốc về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm cũng được đăng trên tờ báo này. Các bài thơ về hòa bình của Thầy, được viết theo thể thơ tự do, chạm đến trái tim của hàng triệu người dân Việt. Mặc dù Thầy chưa bao giờ gọi thơ của mình là “thơ tự do” nhưng những bài thơ của Thầy được xem là những tác phẩm tiêu biểu của phong trào Thơ Mới[123].

Tuy chế độ Ngô Đình Diệm không còn nhưng lực lượng của họ, đảng Cần Lao, vẫn tiếp tục hoạt động. Báo Hải Triều Âm số 2 ra ngày 30.04.1964 đăng Thông bạch của Giáo hội Phật Giáo tỉnh Bình Định cho biết tại các quận Hoài Nhơn, Tuy Phước và Phù Mỹ, người của chế độ cũ (Ngô Đình Diệm) đã trở lại trong các cấp chính quyền và gán cho các Phật tử những nhãn hiệu như trung lập và thân cộng. Trong những số kế tiếp, báo Hải Triều Âm cũng đăng tin về các chiến dịch đàn áp, những cuộc bắn giết, đánh đập và trả thù như thế ở miền cao nguyên Phú Yên và Quảng Đức. Những người Cần Lao đã ngụy tạo những văn kiện nói về các cuộc gặp gỡ giữa các thầy trong Giáo hội và Mặt trận Giải phóng (cộng sản) để dọa người Hoa Kỳ, để người Hoa Kỳ làm lơ trước những hành động đàn áp Phật tử. Họ làm cho người Mỹ tin rằng những người Phật tử sẽ làm cho miền Nam thất trận và người Mỹ không còn sự chọn lựa nào khác là yểm trợ cho những thế lực chủ chiến Cần Lao cũ, nghĩa là yểm trợ cho họ. Từ đó mà có đạo luật số 004/65 ký ngày 17.05.1965 cấm phổ biến tư tưởng trung lập. Vào thời điểm này tại miền Nam, trung lập chỉ có nghĩa là thân cộng.

Thầy biết rằng viết bất cứ điều gì và làm bất cứ động tác nào cho hòa bình đều là nghiêm trọng và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng Thầy vẫn phải viết và vẫn phải làm để soi sáng cho giới trẻ. Cả hai bên lâm chiến đều hô hào rằng họ nói lên mong muốn đích thực của dân chúng, nhưng miền Bắc là tiếng nói của khối cộng sản, và miền Nam là tiếng nói của khối tư bản. Người Phật tử thực tập theo con đường từ bi, hòa giải mà không phải là con đường của hận thù và sát phạt. Làm sao chúng ta có thể chấp nhận được một cuộc chiến mà anh em một nhà xem nhau như kẻ thù, dùng ý thức hệ và vũ khí của bên ngoài để tàn sát lẫn nhau, nhân danh tổ quốc và hòa bình. Cuộc chiến này là một tai họa của đất nước và dân tộc. Là Phật tử, chúng ta chỉ muốn tạo ra một phương tiện để tiếng nói của người dân được lắng nghe, và người dân chỉ muốn hòa bình mà không phải là “chiến thắng” cho bên này hoặc bên kia.

Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Từ tháng 08 năm 1964, báo Hải Triều Âm đã bắt đầu đăng những bài thơ kêu gọi chấm dứt chiến tranh của Thầy như bài Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngon lửa dữ[124] đăng trong số 18, ra ngày 26.08.1964. Số 20 – ra ngày 03.09.1964 – có đăng bài Lời khẩn nguyền đau thương của dân tộc, kêu gọi hai bên lâm chiến ngừng lại cuộc chiến tranh tương tàn. Bài này do chính Thầy viết. Có thể đây là bài báo đầu tiên xuất hiện trong báo chí miền Nam công khai kêu gọi ngừng chiến. Bài này đã gây xúc động lớn trong quần chúng. Thầy Châu Toàn và anh Võ Đình Cường trong ban tòa soạn đã bị cảnh cáo và bị chất vấn tại sao lại đăng một bài công khai kêu gọi ngưng chiến như thế, nhất là lại dám gọi những người bên phía Mặt Trận là những “người anh em”. Tuy vậy, tòa soạn Hải Triều Âm đã họp và quyết định giữ vững lập trường hòa bình của Phật giáo.

Tuần báo Hải Triều Âm chỉ ra được tới số 21 và phải đình bản vào ngày 10.09.1964. Ngày 27.10.1964, ban biên tập cho ra đời tuần báo Thiện Mỹ với cách trình bày như Hải Triều Âm. Dưới hai chữ Thiện Mỹ có tiêu đề: Văn hóa Dân tộc – Đạo Phật ngày nay. Thiện Mỹ là tên của một vị thầy đã tự thiêu trong cuộc tranh đấu chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Thiện Mỹ bắt đầu đăng tác phẩm Đạo Phật đi vào cuộc đời của Thầy và một truyện dài của Võ Đình Cường[126]. Số 6 ra ngày 1.12.1964 có đăng bài Sài Gòn ơi, đập tan đi ảo ảnh, một trong những bài thơ chống chiến tranh mạnh nhất của Thầy.

7. Đạo Phật hiện đại hóa

Giữa tháng Giêng năm 1965, tuần báo Thiện Mỹ bắt đầu đăng loạt bài có chủ đề Đạo Phật hiện đại hóa. Số 31 ra ngày 25.6.1965 in tiêu đề: Tuần báo phát động tư trào hiện đại hóa Phật giáo và vận động văn hóa dân tộc. Từ số này trở đi, Thầy viết về những ý niệm căn bản làm nền tảng cho phong trào Thanh niên Phụng sự Xã hội.

Danh từ Đạo Phật hiện đại hóa trở nên phổ thông từ đây. Vấn đề áp dụng đạo Bụt vào đời sống mới và dòng tu Tiếp Hiện đã được viết tới trong quyển Đạo Phật đi vào cuộc đời, xuất bản trước đó khoảng sáu tháng, làm căn bản cho tác phẩm Đạo Phật hiện đại hóa. Những bài viết này đánh dấu một tiến trình quan trọng trong nhận thức của Thầy về phương diện tu học và hành đạo, một cái thấy về đường lối đổi mới và phát triển đạo Bụt nhằm thỏa mãn những nhu cầu của con người mới và hoàn cảnh mới. Ở chương đầu của tác phẩm Đạo Phật hiện đại hóa, Thầy đã viết:“Hiện đại hóa không phải là thế tục hóa đạo Phật”. Thầy nhận xét rằng: “Tuy số lượng tăng sĩ của Giáo hội gia tăng và tuy sức làm việc của giới xuất gia cũng gia tăng gấp bội, ta vẫn thấy rằng hầu như tất cả các việc làm đó đều hướng về sự phát triển tổ chức và sự gây dựng cơ sở mà không phải là để thực hiện sự tu chứng”. Thầy viết về nhu yếu trang bị lại những tu viện với ba nguyên tắc: phá chấp, khế cơ và thực chứng, để làm cơ sở tinh thần cho công trình hiện đại hóa. Trong phần kết luận, Thầy viết: “Tôi đã can đảm nói ra những gì mà chúng tôi cho là cần thiết, và sẵn sàng nhận chịu tất cả những búa rìu của dư luận. Chúng tôi tin tưởng rằng tiếng nói xuất phát từ kinh nghiệm và khổ đau sẽ có giá trị truyền cảm của nó… Đối với Giáo Hội, tin tưởng ở tinh thần tự do truyền thống của đạo Phật, chúng tôi xem tập sách này như một bản điều trần viết ra bằng thiện chí xây dựng…”

Ngày 23.04.1965, Lá Bối phát hành Đạo Phật hiện đại hóa và Thầy đã dành một cuộc nói chuyện về tác phẩm này tại giảng đường viện đại học Vạn Hạnh. Thính chúng hầu hết là người trẻ trong giới học tăng, học ni và sinh viên. Giữa buổi nói chuyện, nghĩ tới những nỗi khó khăn và tủi nhục của giới trẻ trên bước đường thực hiện lý tưởng, nghĩ tới những thế lực bảo thủ, ganh tỵ, gièm pha, Thầy đã chảy nước mắt. Buổi nói chuyện kết thúc trong im lặng và xúc động lớn. Sau đó, Thầy về phòng đóng cửa lại và từ chối không gặp bất cứ ai.

Tại Viện Đại học, Thầy hướng dẫn một lớp hội thảo hàng tuần về vấn đề tuổi trẻ cho các sinh viên của các phân khoa trường đại học Sài Gòn. Trong các cuộc hội thảo này, Thầy đã lắng nghe các bạn sinh viên phát biểu về các đề tài như lý tưởng, học hành, cha mẹ, tôn giáo, thương yêu, cô đơn,… và Thầy đã hiểu được rất nhiều về tâm tư của người trẻ hiện thời. Thầy chỉ đặt câu hỏi và ngồi nghe, rồi dùng mười lăm phút chót để soi sáng cho các bạn trẻ bằng giáo pháp của đạo Bụt. Các buổi hội thảo đều rất linh động, bởi vì ai cũng cảm thấy thoải mái và biết rằng mình có thể nói thật những điều mình cảm và nghĩ. Trong một buổi hội thảo, Thầy và các sinh viên đã ngồi nghe bài Để lại cho em do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Nguyễn Đắc Xuân và lấy đó làm đề tài cho buổi hội thảo. Đó là một bài tự thú và sám hối rất cảm động:

Để lại cho em một nước phân lìa

Để lại cho em một giống nòi chia…

Nhưng em thương anh thương anh

cho súng phải thở dài

nhưng em thương anh thương anh

cho tàu bay khóc với

nhưng em thương anh thương anh

cho lựu đạn im tiếng…

Buổi hội thảo này đã tạo cảm hứng cho Thầy viết nên tác phẩm Nói với tuổi hai mươi, trong đó Thầy đưa ra những hướng dẫn cụ thể để giúp người trẻ vượt qua các vấn đề hiện thời. Không có danh từ Phật học trong quyển sách này nhưng tinh thần đạo Bụt vẫn được biểu lộ, vừa giản dị vừa sâu sắc. Giữa năm 1965, Lá Bối phát hành tác phẩm này trong một hộp đựng rất đẹp để các bạn trẻ có thể làm quà tặng nhau. Sách bán rất chạy và đã được in lại rất nhiều lần. Một tập san văn nghệ hàng tháng cũng đã được Lá Bối xuất bản với nhan đề là Giữ thơm quê Mẹ[127]. Nói với tuổi hai mươi đã được đăng trong tạp chí này. Rất nhiều độc giả trẻ hâm mộ đã viết thư cho tác giả qua nhà xuất bản Lá Bối. Nhà văn Duyên Anh trong tác phẩm Bò sữa gặm cỏ cháy đã nói tác giả Nói với tuổi hai mươi dường như là tác giả duy nhất có thể nói với tuổi trẻ bằng giọng yêu thương và hiểu biết.

8. Văn học “phản chiến”

 Đầu năm 1965, các bạn trẻ chọn 34 bài thơ kêu gọi hòa bình đại diện tiếng nói của người dân trong cảnh bom đạn thống khổ của chiến tranh, và xin in thành tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện, do họa sĩ Hiếu Đệ vẽ bìa. Những bài này trích trong số gần 500 bài thơ của Thầy trong một tập thơ do chính tay Thầy chép tại chùa Pháp Hội khoảng 1964-1965, thầy Thanh Tuệ đã đóng rất đẹp để tặng Thầy. Tập thơ bị kiểm duyệt và cắt gần hết, chỉ còn lại bảy bài. Các bạn trẻ quyết định tự in tập thơ đầy đủ. 5000 bản đã được bán hết trong vòng một tháng. Lá Bối lập tức tái bản. Điều mà cả hai phe lâm chiến đang mong muốn đạt đến là chiến thắng chứ không phải hòa bình. Không lâu sau đó, những bài thơ của Thầy và thậm chí đoản văn Bông hồng cài áo đều bị lên án là “thơ văn phản chiến”[130] và bị công kích dữ dội trên đài phát thanh. Mặc dù vậy, tập thơ này vẫn được in chui và phổ biến rộng rãi. Cảnh sát được lệnh đi tịch thu tập thơ, nhưng tại Huế, có một viên cảnh sát lại còn chỉ cho các nhà sách giấu tập thơ vào tủ, đợi có khách vào hỏi mới nên đem ra!

Nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy cảm hứng từ những bài thơ của Thầy để phổ nhạc cho bài Tâm ca số 1: Tôi ước mơ, và bài Tâm ca số 7: Kẻ thù ta trong Mười bài tâm ca: “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?”[131] Phạm Duy và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã tới hát nhiều lần cho sinh viên trường TNPSXH và Đại học Vạn Hạnh. Bài Kẻ thù ta rất hùng mạnh, nói lên được lập trường nhân bản của đạo Bụt đi vào cuộc đời mà tất cả sinh viên Phật tử và thanh niên đều ưa thích. Bài hát được đem ra hát trong các buổi hội họp của sinh viên học sinh và trong mọi sinh hoạt, có khi hát cả ngoài phố. Đặc biệt ở Huế, từ trẻ con cho đến các cụ già, không ai không biết bài hát ấy. Cuối năm 1965, Thầy đã viết lời tựa cho Mười bài tâm ca để Lá Bối phát hành. Đây là những bài hát rất chân thật và đầy đạo tâm. Trước đó, Lá Bối đã xuất bản Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy. 

Thầy sử dụng văn hóa và nghệ thuật như một khí cụ  để chống lại sự đàn áp. Sáng tác của các cây bút kêu gọi hòa bình, các nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ, dù là bất hợp pháp, đều được phát hành rộng rãi. Văn học “phản chiến” trở thành loại sách được bán nhiều nhất ở Việt Nam, thậm chí còn lọt vào các đơn vị quân đội.

Trong khoảng thời gian này, lo ngại quân cộng sản chiếm ưu thế, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson đã gửi một đội quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đến Việt Nam. Đến mùa hè thì đã có hơn 125 ngàn lính Mỹ trên đất Việt. Thầy và các nhà trí thức hàng đầu ở Việt Nam nhận ra rằng sự yểm trợ của các nhà lãnh đạo tâm linh và nhân quyền nổi tiếng ở phương Tây là rất cần thiết để giúp công luận có một cái nhìn khác về cuộc chiến tranh Việt Nam. Qua hai cuộc chiến tranh, Thầy đã chứng kiến những người lính Pháp đến Việt Nam để giết và bị giết, và những người Mỹ trẻ tuổi cũng đến đây để giết và bị giết, Thầy thấy nguyên nhân gây ra khổ đau ở Việt Nam không phải là từ những người lính Mỹ mà là từ một chính sách không có tuệ giác, một chính sách được thực hiện bởi sợ hãi và cái thấy sai lệch.

Vì lý do đó mà vào tháng 06 năm 1965, Thầy cùng với các cộng sự nhất trí rằng Thầy nên viết thư cho Mục sư Martin Luther King Jr., nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, còn những vị khác thì viết thư cho Jean-Paul Sartres, Henry Miller, v.v. Năm lá thư của năm nhà trí thức và nhân bản Việt Nam gửi cho năm nhà trí thức và nhân bản thế giới, kêu gọi họ đánh động dư luận toàn cầu về khổ đau Việt Nam và vận động chấm dứt cuộc chiến tranh ở đây. Những lá thư này đã được NXB Lá Bối in trong tác phẩm Dialogue (Đối thoại) bằng tiếng Anh vào năm 1965. Hồ Hữu Tường, nhà văn, nhà báo và chính trị gia, viết cho Jean Paul Sartres, nhà triết học và nhà hoạt động chính trị người Pháp; nhà văn Tam Ích viết cho André Malraux, nhà văn và chính trị gia người Pháp; nhà thơ và dịch giả Bùi Giáng viết cho René Char, một nhà thơ trữ tình lớn nhất của Pháp thế kỷ XX; and Phạm Công Thiện, vừa là thi sĩ, nhà văn, triết gia và là học giả, viết cho nhà văn người Mỹ Henry Miller. Lá thư Thầy viết cũng được đăng trên báo Thiện Mỹ số 33, ngày 09.07.1965. Trong bức thư gửi Mục sư Martin Luther King Jr., Thầy viết: “Ở đây không ai muốn chiến tranh cả. Vậy thì chiến tranh để làm gì? Và chiến tranh cho ai? […] Tôi biết chắc rằng bởi vì Mục sư đã từng dấn thân vào một cuộc tranh đấu cam go nhất cho bình đẳng và nhân quyền, Ngài là một trong những người có thể hiểu thấu và chia sẻ được những đau khổ không bờ bến của dân tộc Việt. Các nhà nhân bản lớn trên thế giới chẳng thể nào ngồi yên và giữ yên lặng được. Ngài không thể im lặng được”[138]. Một năm sau đó, khi hai vị gặp nhau tại Chicago thì Mục sư Martin Luther King Jr. đã tham gia vào Ủy ban Lương tâm Quốc tế về vấn đề Việt Nam (International Committee of Conscience on Vietnam)[139]

9. Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội

Phong trào Thanh niên Phụng sự Xã hội đã được thai nghén từ khoảng năm 1960-1961, nhưng mãi đến tháng 06  năm 1965, trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (TNPSXH) mới được khai giảng chính thức tại chùa Từ Nghiêm như một phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh, với một vị Giám đốc điều hành rất trẻ và tận tụy là thầy Thanh Văn. Những người trẻ là lực lượng duy nhất yểm trợ chương trình này. Ngày 05.06.1965 tại Viện Đại học Vạn Hạnh, Thầy thuyết trình về Cương lĩnh và Chương trình thực hiện cuộc cách mạng xã hội bất bạo động bằng con đường TNPSXH. Hướng đi của trường là xây dựng nên một tổ chức hoạt động xã hội chính quy, gắn liền với quần chúng, trung lập về chính trị, một nơi đào luyện cho người trẻ những kỹ năng thực tế và giúp họ có tinh thần vững vàng để có thể đi về những làng mạc nghèo khổ bị bom đạn tàn phá, giúp dân xây trường học, bệnh xá, làm nhà ở cho người vô gia cư và tổ chức những hợp tác xã nông nghiệp[140]. Chương trình đặt trọng tâm vào sự phát triển cộng đồng nông thôn vốn là cơ bản của xã hội Việt Nam vào thời đó.

Gần hai tuần sau, tuần san Thiện Mỹ, trong số 30 xuất bản ngày 18.06.1965, đã đăng một bài của Lữ Hồ với tựa đề “Từ lý thuyết đến thực hiện: Công cuộc hiện đại hóa Phật giáo đã được khởi đầu với sự thành lập trường Thanh niên Phụng sự Xã hội”. Lữ Hồ đề nghị gọi chương trình này là chương trình Nhất Hạnh. Ông viết: “Nhất Hạnh là một lý thuyết gia về kinh tế xã hội của tư trào hiện đại hóa và đồng thời cũng là giám đốc chuyên môn của trường Thanh niên Phụng sự Xã hội”.

Ban giảng huấn gồm có cả những giáo sư đã tốt nghiệp các đại học Hoa Kỳ như ông Võ Văn Quýt. Vị nào cũng tự nguyện giảng dạy không lương. Giáo sư Vương Pển Liêm chuyên môn dạy về giáo dục cộng đồng. Một vị linh mục cũng được mời đến giảng dạy về Ki Tô giáo, để các tác viên biết cách tránh tạo ra sự ngăn cách và kỳ thị khi về nông thôn gặp người Công giáo. Thầy phụ trách giảng hai khóa: Những nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho phong trào TNPSXH và Cách xử sự của người tác viên khi về các làng quê làm thiện nguyện.

Văn phòng và các lớp học đầu của trường được đặt tại Ni viện Từ Nghiêm với sự yểm trợ hết lòng của Ni sư Vĩnh Bửu (Như Huệ) và toàn thể ni chúng ở đây. Khóa  đầu có tới trên một ngàn thanh niên, thiếu nữ và tăng ni trẻ tuổi ghi tên. Qua một kỳ thi tuyển được tổ chức ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn và Cần Thơ, 300 sinh viên được thu nhận. Tất cả đều là sinh viên nội trú. Trường có ba cư xá cho sinh viên nội trú: Chùa Huệ Lâm (154 đường Tùng Thiện Vương, quận 8) do sư cô Giác Nhẫn hết lòng trang bị để làm cư xá cho ni sinh và nữ sinh viên; chùa Trúc Lâm ở Gò Vấp được thầy Đồng Bổn trang bị để làm cư xá cho học tăng; cư xá ở đường Trương Minh Giảng dành cho nam sinh viên. Cư xá này là một dãy nhà dài nằm trên một khoảng đất khá rộng, sát cầu Trương Minh Giảng[142]. Trường có đến ba địa điểm cho sinh viên nội trú, với một chiếc xe hơi 7 chỗ hiệu Renault làm phương tiện chuyên chở[143].

10.Chùa Lá

Chương trình TNPSXH tạo dựng một niềm tin rất lớn trong lòng người trẻ. Nhưng rồi một hôm, trong khi Thầy đi công tác ở Huế, một nghị quyết được ký tại Viện Đại học Vạn Hạnh để tách Viện ra khỏi trường TNPSXH, đồng thời ngưng phụ cấp cho trường 50.000 đồng mỗi tháng. Mục đích quyết định này là để ba trăm sinh viên trường TNPSXH bị cô lập và không kéo thêm được sinh viên Đại học Vạn Hạnh đi theo đường hướng hòa bình do Thầy đề xướng. Các bạn trẻ trong ban Giám đốc trường TNPSXH xôn xao. Bị tách ra như thế, trường sẽ yếu hẳn về phương diện tài chính cũng như về phương diện pháp lý, và vì vậy trường rơi vào tình trạng dễ bị đập phá. Thầy liền khuyên ban Giám đốc lập tức dời trường về cơ sở mới ở Phú Thọ Hòa.

Trước đó, Thầy có giao cho bác Trịnh Sâm và thầy Thanh Văn đi tìm một miếng đất làm nơi xây dựng cơ sở cho trường TNPSXH và họ đã tìm ra một khoảng đất rộng độ bốn mẫu tại Phú Thọ Hòa trong vòng đai Sài Gòn. Thầy Đồng Bổn nhận trách nhiệm thiết kế và xây dựng giảng đường, phòng ốc, cư xá và thư viện cho trường. Hồi đó dân các làng Thảo Điền và Cầu Kinh thường gọi thầy Đồng Bổn là thầy Tám, người thông thạo nhiều nghề, từ nghề cạo gió cho đến nghề xây cất, được bà con khắp nơi thương kính. Tất cả tiền nhuận bút và lương dạy học từ trường Đại học Văn khoa, Thầy đưa hết vào quỹ nuôi tác viên xã hội. Ngân khoản thu được chỉ đủ cho thầy Đồng Bổn mua xi măng, cát và vật liệu. Thầy Đồng Bổn đã điều động sinh viên đúc gạch, xây móng, đào giếng và tự xây cất lấy cơ sở. Thầy Nhất Hạnh vẽ kiểu để xây dựng một ngôi chùa trong khuôn viên trường. Mọi người gọi là chùa Lá vì chùa được dựng bằng lá và tre với mái tranh rất đẹp, một ngôi chùa của người dân nghèo, đơn sơ, gần gũi, đồng sự. Thầy đặt tên là chùa Pháp Vân, tên của ngôi chùa đầu tiên có mặt trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam. Để trang trí chùa Lá, Thầy chỉ dùng tre và mây để làm bàn, ghế, trường kỷ, kể cả bàn thờ.

Giờ đây, tất cả sinh viên từ ba địa điểm đều được quy tụ về khuôn viên của trường ở Phú Thọ Hòa. Trong khi chờ đợi cư xá xây cất xong, nhiều sinh viên phải ngủ trong chánh điện chùa Lá hoặc cắm lều bên ngoài. Thầy cũng về đây thường trú luôn và có dịp làm quen với từng sinh viên[145]. Thấy trường giống như một đứa bé bị đẩy ra ngoài trời trong một đêm mưa gió bão bùng. Thầy đã nghỉ dạy lớp Dự bị ở Đại học Vạn Hạnh và Triết học Đông phương tại trường Đại học Văn khoa để dồn hết thì giờ và năng lực vào công trình xây dựng trường TNPSXH. Những ngày quán niệm mỗi tuần ở chùa Trúc Lâm cũng đã được dời về đây.

Thầy Thanh Văn vẫn là Giám đốc điều hành, với sự cộng tác của anh Lê Nguyên Thiều làm Tổng thư ký và bốn người trong dòng tu Tiếp Hiện là anh Phúc, chị Phượng, chị Uyên và chị Mai làm ban Quản trị. Thỉnh thoảng tới văn phòng trường, Thầy đem theo một gói kẹo, tặng cho mỗi người một viên, thăm hỏi, khích lệ từng người, hay làm một bài thơ tặng các tác viên để nuôi dưỡng và khích lệ họ.

Ngày 20.03.1966, Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh đưa ra một quyết nghị trong đó có câu: “Chúng tôi kêu gọi giới lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam, nhất là các vị lãnh đạo Phật giáo và Thiên Chúa giáo, ý thức được sứ mạng lớn lao mà lịch sử giao phó cho họ, đứng lên mà kêu gọi chấm dứt ngay cuộc chém giết tại Việt Nam”[146]. Mười ngày sau đó, Tổng hội Sinh viên trường Đại học Sài Gòn cũng đưa ra ba quyết nghị mà quyết nghị thứ ba là “chống đối cực lực cuộc chiến tranh diệt chủng tại Việt Nam”[147].

Ngày 01.05.1966, Tổng liên đoàn Lao động lên tiếng: “Chúng tôi cực lực chống đối mọi quyết định và hành động âm mưu kéo dài cuộc chiến tranh diệt chủng tại Việt Nam”. Cũng vào ngày này, một cuộc biểu tình đòi hòa bình đã diễn ra trong không khí hoàn toàn bất bạo động. Đây là ngày lễ Lao động và chính phủ không thể cấm công nhân diễu hành. Các bạn trong các Liên đoàn Công nhân định tổ chức một cuộc diễu hành để đòi thành lập nội các hòa bình, đáp lại lời tuyên bố của tướng Nguyễn Cao Kỳ nói rằng nội các của ông là nội các chiến tranh. Tổng hội Sinh viên Sài Gòn phối hợp với Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh đã tham dự tích cực vào việc tổ chức. Để bảo đảm cho cuộc diễu hành thuần tuý bất bạo động, các sinh viên Đại học Vạn Hạnh và rất đông các sinh viên trường TNPSXH đã tham dự và hợp tác với các lực lượng công nhân thợ thuyền để bảo đảm thêm cho tính cách bất bạo động của cuộc biểu tình, không để cho các phần tử phá hoại chen vào khiêu khích cho cảnh sát đàn áp. Cuộc diễu hành đã rất nghiêm chỉnh và hùng tráng; người tuy đông như thác, nhưng tất cả điều diễn biến trong vòng trật tự và không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Thầy đã đóng góp cho cuộc biểu tình hai bài thơ cùng một chủ đề: Lời người dân Lao động Sài Gòn.

Giới sinh viên và quần chúng lao động đã can đảm thẳng thắn nói lên tiếng nói cho hòa bình, hai chữ cấm kỵ nhất của thời đại và chế độ. Thầy không cảm thấy cô đơn nữa. Tiếng nói của Thầy đang hòa với tiếng nói của tuổi trẻ và giới lao động.

11. Dòng tu Tiếp Hiện

Ngày trăng tròn tháng 02 năm 1966, trong chánh điện chùa Lá, Thầy truyền giới Tiếp Hiện cho sáu thành viên đầu tiên để thành lập chúng chủ trì của dòng tu Tiếp Hiện. Đó là các chị Phan Thị Mai, Cao Ngọc Phượng, Phạm Thúy Uyên và các anh Đỗ Văn Khôn, Nguyễn Văn Phúc và Bùi Văn Thanh. Đây là một dòng tu dựa trên Mười bốn giới mà mới nghe qua, các giới này có vẻ giống với giới Bồ tát truyền thống. Mười bốn giới Tiếp Hiện biểu hiện nếp sống của người Tiếp Hiện và là bản chất của dòng tu này. Mỗi năm, các vị Tiếp hiện phải thực tập ít nhất sáu mươi ngày tĩnh tu, trung bình là chín mươi ngày. Mỗi tuần họ đều về đây để cùng tụng giới với nhau trong ngày quán niệm.

Những giới đầu có liên hệ tới tinh thần phá chấp, một cái thấy mới về một đạo Bụt dấn thân hiện đại. Giới thứ nhất: “Không được thờ làm thần tượng bất cứ một chủ nghĩa và những lý thuyết nào dù lý thuyết Phật giáo. Những hệ thống giáo lý trong đạo Phật phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn mà không phải là những chân lý tuyệt đối”. Tinh thần tự do và phá chấp của kinh Kim Cương Bát Nhã được biểu hiện trong giới này. Đối với Thầy, những giới này chính là câu trả lời trực tiếp cho cuộc chiến tranh ý thức hệ tại Việt Nam, là câu trả lời trực tiếp cho chủ nghĩa giáo điều và thái độ cuồng tín khi mà người ta sẵn sàng giết hoặc chết cho niềm tin của mình. Mạng sống con người cần được xem là quý giá hơn bất cứ một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào dù đó là chủ thuyết cộng sản hay chống cộng. Nếu cái thấy này không duy trì được thì người Tiếp Hiện không còn chánh kiến. Mà đã không có chánh kiến thì sẽ không có chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp, do đó tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của họ sẽ tạo thêm đau thương cho chính họ và cho đồng loại. Người Tiếp hiện có cái thấy ấy rồi nhưng phải thường xuyên duy trì cái thấy ấy. Đó là sự thực tập chánh niệm và chánh định. Dòng tu Tiếp Hiện được lập ra như một phong trào kháng chiến tâm linh.

Cả trăm sinh viên trẻ của trường TNPSXH đều mong muốn thọ giới Tiếp Hiện. Trong khi chờ đợi, họ được làm những thành viên của chúng đồng sự, cùng thực tập Mười bốn giới nhưng chưa được chính thức thọ giới. Cả hai chúng chủ trì và chúng đồng sự đều là những tác viên xã hội năng nổ, hết lòng đem lý tưởng của đạo Bụt áp dụng vào đời sống hằng ngày. Họ yểm trợ lẫn nhau trong việc kết hợp đời sống tâm linh vào hoạt động xã hội. Các buổi học, các buổi họp, các buổi hội thảo của tất cả các khối từ giáo dục qua công tác phổ triển, đều được bắt đầu bằng những phút tĩnh tâm, thực tập hơi thở chánh niệm và cầu nguyện. Những ngày quán niệm mỗi tuần ở Trúc Lâm và sau này ở Chùa Lá đã giúp mọi người khôi phục được sự bình tĩnh và tươi mát sau một tuần làm việc nặng nhọc.

Tình trạng của đất nước vào thời điểm này rất khó khăn cho những công tác Phật sự, nhất là những công tác cứu trợ nạn nhân chiến tranh, nạn nhân bão lụt, đào tạo và điều động các tác viên xã hội đi vào những vùng nơi mà dân quê đang rất cần sự giúp đỡ. Không khí nghi kỵ, hận thù, sợ hãi và bạo động bao trùm: tu tập cũng khó mà làm việc cũng khó. Các tác viên xã hội bị cả hai phía tham chiến ngăn cản và có khi tàn sát. Nếu họ không có một pháp tu thì không thể nào điều phục được thân tâm để có đủ bình an và sáng suốt giải quyết công việc. Nếu không có sự thực tập để duy trì niềm hy vọng và lòng từ bi thì không thể sống sót được. 

Trong thời gian này, một trong những làng mà các TNPSXH đang giúp tái thiết gần vùng phi quân sự đã bị ném bom. Họ xây lại làng. Khi làng bị ném bom lần thứ hai, các học trò của trường hỏi Thầy là có nên dựng lại làng nữa hay không, và Thầy đã trả lời: “Nên”. Làng lại tiếp tục bị ném bom lần thứ ba. Và khi được hỏi, Thầy suy nghĩ một hồi lâu rồi trả lời: “Nên”. Sau này, trong tác phẩm At Home in the World (2016), bài “Not Giving Up,” Thầy giải thích: “Thật sự trong giây phút đó, tôi phải thực tập thở và trở về với chính mình khi các bạn trẻ hỏi tôi. Phải thú thật là lúc ấy tôi chẳng có hy vọng gì nhiều, nhưng nếu tôi không còn hy vọng thì tôi sẽ khiến cho các bạn trẻ đau buồn và tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng sẽ lây lan và đây là một điều tệ hại nhất. Tôi phải nhớ Bụt đã thường dạy rằng tất cả mọi hiện tượng đều vô thường, kể cả chiến tranh, để nuôi một chút hy vọng le lói trong lòng mà trở thành nơi nương tựa cho các em”.

Dòng tu Tiếp Hiện chuyên chở giáo lý của Thầy về việc “không theo phe trong một cuộc tranh chấp”. Nguyên tắc của trường TNPSXH là không dính tới các thế lực chính quyền và chính trị và vì vậy không thể nhận phụ cấp của chính quyền, dù chính quyền có đề nghị phụ cấp đi nữa. Nhận tiền của chính quyền, trường sẽ bị phía lâm chiến bên kia xem là công cụ của chính quyền. Người ta có thể thấy rõ ràng là sự trung lập về chính trị vừa là điểm mạnh nhất nhưng cũng là điểm làm TNPSXH gặp nhiều hiểm nguy nhất. Với một đất nước bị chia cắt nặng nề, thậm chí sự trung lập cũng làm cho cả hai phe lâm chiến cảm thấy bị đe dọa. 

Ở trường TNPSXH, khối Huấn luyện, khối Công tác, khối Phổ triển,… cùng làm việc với nhau một cách hài hòa. Khối Phổ triển có nhiệm vụ thông báo và chia sẻ kiến thức chuyên môn của trường với các đoàn thể thiện nguyện khác và thiết lập nền tảng yểm trợ thường xuyên cho phong trào TNPSXH trong cơ sở hạ tầng. Sáu thành viên của chúng chủ trì dòng tu Tiếp Hiện nằm trong khối này, đứng ra lo liệu công việc cùng với ban quản trị để đi đến từng nhà ở các con đường trong thành phố xin gạo và thực phẩm cho sinh viên. Cứ mỗi ba tháng, khối Phổ triển đi thăm viếng các gia đình bảo trợ, để cảm ơn sự đóng góp của gia đình ấy và để cho họ biết diễn tiến và thành quả của công tác. Nhiều người bắt đầu biết đến trường vì các tác viên được quần chúng nông thôn rất thương mến. Một ngàn hai trăm gia đình trên toàn quốc đã ký giấy ưng thuận đóng góp hàng tháng từ ba chục đồng đến một ngàn hai trăm đồng để chịu phần chi phí cho trường. Những tiểu thương bán thuốc lá, bán rau cải, bán hàng lẻ trên phố cũng hoan hỷ đóng góp. Đây là một phong trào xã hội duy nhất tại miền Nam Việt Nam đã được nuôi dưỡng bằng tài chánh của quần chúng Việt Nam và được quần chúng Việt Nam bảo vệ. Trường này không hề nhận tài trợ của Bộ Xã hội chính phủ Việt Nam Cộng hòa hoặc những chương trình xã hội được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Khi một gia đình tình nguyện đóng góp, dù một số tiền rất nhỏ như ba mươi đồng mỗi tháng, gia đình ấy trở thành một gia đình bảo trợ của trường, và nếu trường bị khủng bố hoặc đàn áp, gia đình đó sẽ can thiệp. Đến năm 1971, có 3000 gia đình bảo trợ. 

Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Từ khuôn viên trường TNPSXH vào những buổi chiều hay lúc nửa đêm, tiếng súng giao tranh của hai bên lâm chiến nghe rất rõ. Cách trường chừng hơn một cây số, quân du kích đã đặt súng pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất. Thầy thức dậy trong tiếng gầm dữ dội của đại bác. Từ cửa sổ nhìn ra phía ruộng, Thầy thấy họng đại bác khạc lửa sáng ngời. Sau đó chừng nửa giờ có phi cơ đến oanh tạc. Đạn rocket réo lên. Ngôi làng kề bên, ngôi làng mà Thầy mới tới thăm viếng hồi chiều, đang bị máy bay bắn xuống. Một mảnh rocket  đã xuyên thủng mái chùa Pháp Vân nơi Thầy đang cư trú. Đêm ấy mấy trăm thầy trò đều nằm sát xuống đất. Sáng hôm sau thầy trò vào làng để thăm hỏi người dân. Có những bụi tre xác xơ và những ngôi nhà hư hại. Máy bay chỉ bắn càn rocket xuống làng, vì lúc ấy cuộc pháo kích đã chấm dứt nên máy bay không tìm ra được vị trí đặt súng pháo kích. Chỉ có dân lành là lãnh đủ.

Mùa xuân năm 1966, tiến sĩ George McTurnan Kahin, nhà sử học và cũng là giáo sư chính trị học của trường đại học Cornell, mời Thầy sang Hoa Kỳ để giảng dạy về Phật giáo Việt Nam hiện đại, tại khoa Chính trị học về Đông Nam Á của trường mà ông đang phụ trách. Chính giáo sư Robert S. Browne, giáo sư thần học ở Đại học Fairleigh Dickinson, New Jersey, trong Ủy ban Liên Đại học Thảo luận về Chính sách Ngoại giao Hoa Kỳ[155] cùng với chủ tịch Ủy ban là giáo sư Douglas Fitzgerald Dowl đã đề nghị giáo sư George McTurnan Kahin chính thức viết thư mời Thầy. Chuyến đi của Thầy do Nhóm liên đại học của trường Cornell (Cornell’s Inter-University Team) đài thọ. Thầy liền nắm lấy cơ hội này để nói rõ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam không muốn đánh nhau nữa, chỉ muốn ngồi xuống thương thuyết để đi tới một giải pháp hòa bình. Xin các cường quốc trên thế giới đừng dùng Việt Nam làm một chỗ để tranh giành ảnh hưởng, xin đừng sử dụng ý thức hệ cũng như bom đạn trên đất nước nhỏ bé đó. Thầy muốn kêu gọi lương tâm quốc tế can thiệp để chấm dứt cuộc chiến ở quê hương. Mục đích táo bạo của Thầy là sẽ vận động dư luận ở Bắc Mỹ và châu Âu, sẽ kêu gọi lương tâm nơi các giới trí thức và nhân bản trên thế giới lên tiếng can thiệp để chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam. Bà bác sĩ Hiệu, chị Uyên và chị Phượng lo mọi giấy tờ và thủ tục xuất ngoại cho Thầy.

12. Dặn dò

Một ngày trước khi lên đường, Thầy ngồi với thầy Thanh Văn và một số các vị trong ban giám đốc trường TNPSXH. Thầy nói Thầy sẽ đi khoảng ba tháng rồi Thầy sẽ về. Thầy căn dặn các bạn trẻ ở lại thương nhau và nương vào nhau để tu học và làm việc. Thầy để lại bài thơ Dặn dò , trong đó có những đoạn:

Xin hứa với tôi hôm nay

Trên đầu chúng ta có mặt trời

Và buổi trưa đứng bóng

Rằng không bao giờ em thù hận con người

Dù con người

Có đổ chụp trên đầu em

Cả ngọn núi hận thù

Tàn bạo,

Dù con người

Giết em, […]

Đày ải em vào hang sâu tủi nhục

Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn

Kẻ thù chúng ta không phải con người

Xứng đáng chỉ có tình xót thương

[…]

Hãy rót cái nhìn dịu hiền

Từ đôi mắt

Hãy can đảm

Dù không ai hay biết

Và nụ cười em

Hãy để nở

Trong cô đơn

Trong đau thương thống thiết

Những người yêu em

Dù lênh đênh

Qua ngàn trùng sinh diệt

Vẫn sẽ nhìn thấy em

Tôi sẽ đi một mình

Đầu tôi cúi xuống

Tình yêu thương

Bỗng trở nên bất diệt

Đường xa

Và gập ghềnh muôn dặm

Nhưng hai vầng nhật nguyệt

Sẽ vẫn còn

Để soi bước cho tôi.

(Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt)

VI. Princeton và Colombia: một khung trời mới (1961 – 1963)

1. Mùa tuôn dậy

Năm 1961, Thầy được chương trình Fulbright Fellowship cấp học bổng sang Hoa Kỳ học ngành Tôn giáo tỷ giảo tại chủng viện thần học của Princeton ở tiểu ban New Jersey, một ngôi trường rất tĩnh lặng. Trước khi đi, Thầy trở về từ giã Phương Bối. Thầy viết bài thơ Đề Thiền Duyệt thất tặng thầy Thanh Từ:

Gối nhẹ mây đầu núi

Nghe gió thoảng hương trà

Thiền duyệt tâm bất động

Rừng cây dâng hương hoa

Một sớm ta thức dậy

Sương lam phủ mái nhà

Hồn nhiên cười tiễn biệt

Chim chóc vang lời ca

Đời đi về muôn lối

Quan san mộng hải hà

Chút lửa hồng bếp cũ

Ấm áp bóng chiều sa

Đời vô thường vô ngã

Người khẩu Phật tâm xà

Niềm tin còn gửi gắm

Ta vui lòng đi xa

Thế sự như đại mộng

Quên tuế nguyệt ta đà

Tan biến dòng sinh tử

Duy còn Ngươi với Ta.

Tại Princeton, Thầy ở tại Brown Hall trong khuôn viên của Viện Thần học (Theological Seminary campus). Thầy theo các khóa học về lịch sử tư tưởng Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Thầy được nghe những triết gia và các nhà thần học hiện đại danh tiếng từ khắp nơi đến giảng diễn như Jacques Maritain, một nhà thần học hàng đầu từ Pháp. Những kiến thức này giúp Thầy rất nhiều để hiểu và dễ dàng đối thoại với các bạn từ các truyền thống khác. Thầy chia sẻ một cách hữu hiệu sự thực tập của Thầy và giúp họ làm mới truyền thống của họ. Thầy còn theo học một lớp lịch sử Phật giáo Trung hoa của giáo sư Kenneth Ch’en, nhà nghiên cứu về Phật giáo Trung Hoa, giáo sư giảng dạy tại các đại học và là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như The Chinese Transformation of Buddhism, Buddhism in China: a Historical Survey. Đi nghe các khóa giảng và viết luận văn xong, Thầy còn rất nhiều thì giờ trong ngày. Trường đại học Princeton thời ấy không khác gì một tu viện kín và Thầy có cảm giác như được nhập thất. Không còn phải đối phó với những khó khăn, không còn bận rộn với những công việc cấp bách của tòa soạn hay của Phật học đường, Thầy có nhiều thời gian để thưởng thức thiền hành trên những con đường trong khuôn viên trường.

Chính tại Princeton, lần đầu tiên trong đời Thầy thấy được cảnh tượng đất trời chuyển mình rõ ràng như vậy, từ mùa thu sang mùa đông, từ mùa đông sang mùa xuân. Thầy hiểu được từ Mùa rơi (Fall) hay Mùa xuân, Mùa tuôn dậy (Spring) trong tiếng Anh. Mùa rơi với  triệu chiếc lá chín đủ màu rơi trên đầu, trên cổ, trên áo, trên khắp mặt đất. Lần đầu tiên Thầy thấy tuyết rơi trắng xóa giữa đất trời. Chưa bao giờ Thầy được thấy cảnh tượng đất trời chuyển mình thay áo, từ những cành cây mộc lan đen đủi trụi lá, bỗng nhiên cả trăm rồi cả ngàn cánh hoa đâm chồi nở rộ trước cả những chồi lá đầu tiên. Mặt đất bỗng nhiên được lót bởi những thảm cỏ xanh non, cây cối xung quanh được bao phủ bởi một màu xanh mơn mởn mà Thầy chưa bao giờ thấy. Rồi hàng vạn bông hoa dại muôn màu trồi lên khắp nơi từ lòng đất. Thầy hiểu được vì sao mùa xuân tiếng Anh là spring. Spring có nghĩa là tuôn dậy và cũng có nghĩa là dòng suối. Chồi non tuôn dậy giữa đất trời như một dòng suối tuôn từ các khe đá. Mùa xuân là mùa tuôn dậy. Cảnh tượng xung quanh làm Thầy nhớ đến hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông:

Một tiếng sấm Xuân vừa chấn động

Khắp nơi cây cối nẩy mầm non.

Trong bài Trường ca Avril mà Thầy có cảm hứng sáng tác vào mùa xuân này cũng có câu: Tôi về khi vũ trụ đang chuyển mình trong mùa tuôn dậy…

Với sự thực tập hơi thở chánh niệm, Thầy thực sự có cái thấy sâu sắc với sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Thầy chứng nghiệm được thế nào là hiện pháp lạc trú, thế nào là tuệ giác vô nguyện. Vô nguyện cũng là vô tác. Thầy không cần chạy theo gì hết trong tương lai, dù là đi tìm Phật quả. Phật quả nằm mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Thiên nhiên tinh khôi và Thầy có khả năng an trú hoàn toàn trong giây phút hiện tại nên những cái thấy của Thầy trở nên rất sâu. Thầy hiểu được sâu sắc hơn những gì mà trước đây Thầy từng chiêm nghiệm trong những câu thơ của thiền sư Thiền Lão:

“Thuý trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,

Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân”

(Nghĩa là: trúc tím hoa vàng không có phải là cảnh ngoài, mây trắng trăng thanh đều hiển lộ toàn chân)

Hay:

“Chư pháp tùng bản lai,

Thường tự tịch diệt tướng,

Xuân đáo bách hoa khai,

Hoàng oanh đề liễu thượng”

(Thầy dịch: Các pháp từ xưa nay, Bản tánh thường vắng lặng, Xuân đến trăm hoa mừng, Oanh vàng ca liễu thắm)

Nhờ tiếp xúc sâu sắc với thiên nhiên, với sự sống, Thầy cũng tiếp xúc sâu sắc với chính thân thể và tâm hồn Thầy. Thầy thấy được thân thể Thầy cũng mầu nhiệm như sự sống. Thầy chữa trị được chứng trầm cảm và mất ngủ. Sức khỏe của Thầy phục hồi một cách nhanh chóng. Trong sự bình an và tĩnh lặng, Thầy có cơ hội để nhìn lại và chiêm nghiệm quá trình học hỏi, tu tập và hành đạo của Thầy trong mười mấy năm qua. Thầy nhận ra được những vết thương trong lòng vẫn còn sâu đậm và Thầy chuyên tâm thực tập hơi thở chánh niệm, tiếp xúc với thiên nhiên để trị liệu cho chính mình.

Những chứng nghiệm tâm linh trong các buổi thiền quán và sau những buổi thiền hành suốt giai đoạn sống ở Princeton đã được Thầy kể lại chi tiết trong tác phẩm Nẻo về của ý.

Trong thời gian này, Thầy vẫn tiếp tục hướng dẫn đoàn Sinh viên Phật tử từ xa. Các bạn sinh viên Phật tử quê nhà vẫn viết thư tham vấn Thầy về đề tài cho những buổi hội thảo của họ. Thầy cũng thường xuyên nhận được những lá thư kể về tình hình bên nhà. Khi nghe tin sư cô Diệu Âm, người đóng góp nhiều công sức và niềm tin cho công trình Am Phương Bối đã tịch, Thầy rất bàng hoàng. Thầy viết trên tờ giấy bản thảo ba chữ đơn sơ “thương tiếc chị” và quỳ xuống cầu nguyện.

Từ giữa năm 1961, chiến cuộc giữa lực lượng du kích của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và chính quyền Sài Gòn lan tới Phương Bối. Mọi người bị buộc phải rời Phương Bối để vào trong ấp chiến lược. Thầy Thanh Từ, chú Thanh Tuệ và dì Tâm Huệ, những người đã từng quyết chí ở lại với Phương Bối Am, cũng đều phải lần lượt ra đi. “Hết rồi, hết rồi, Phương Bối đã lọt ra khỏi tầm tay của chúng ta rồi. Tội nghiệp cho từng gốc cây, từng bụi cỏ, từng lối mòn. […] Chúng ta còn lại gì cho ngày mai? Mỗi người một ngã. Phương Bối đã tủi thân đến mức độ nào? Chiếc nhà Thượng có đứng vững được trước gió mưa cho đến khi chúng ta trở về hay không?” Thế nhưng Thầy cũng viết: “… không biết sao tôi cứ tin rằng chúng ta không bao giờ mất Phương Bối. Phương Bối vẫn còn đó, vẫn chịu đựng biệt ly cũng như tất cả chúng ta hiện đang mỗi người một nẻo, cũng chịu biệt ly. Phương Bối đã trở nên thực tại trong lòng người. Phương Bối đã chiếm chỗ linh thiêng trong lòng chúng ta. Ở bất cứ phương trời nào, nghe đến Phương Bối là ta cảm động. Bữa trước viết cho Mẫn tôi nói: dù cho phong ba bão táp có đánh bạt chúng ta mỗi người một ngã thì niềm tin vẫn đưa chúng ta về trả lại cho nhau”. (Nẻo về của ý)

Trong khi tình trạng trong nước càng ngày càng căng thẳng, tuần nào Thầy cũng trả lời mấy chục lá thư để nuôi dưỡng và động viên những người thương và các học trò của Thầy. Thầy dùng aérogrammes (loại giấy gửi thư theo đường máy bay, không cần phong bì) để đỡ tốn tiền tem và trước khi ký tên cuối lá thư, Thầy luôn luôn ghi bốn chữ: Thương và tin cậy.

2. Bông hồng cài áo

Mùa hè 1962, Thầy được mời về trại hè thiếu nhi ở Ockanickon vùng Medford, tiểu ban New Jersey để nói về phong tục tập quán và nếp sống người Việt Nam cho ba nhóm trẻ mỗi tuần. Ngoài ra, Thầy còn tham gia hết các sinh hoạt với bọn trẻ như đi chơi rừng, chèo thuyền, bơi lội, làm thủ công, chơi bóng bàn, bóng chuyền, chạy đua, đóng kịch, hát, chơi trò chơi lớn, v.v. Thầy rất hạnh phúc được sinh hoạt với trẻ thơ và sống trong một căn nhà gỗ tên Pomona, bốn bề bao quanh bởi thiên nhiên. Quan tâm, thương yêu và tạo môi trường gieo trồng những hạt giống tốt vào tâm thức các em thiếu nhi là công hạnh xuyên suốt cuộc đời của Thầy. Trong suốt ba tháng, Thầy có nhiều thì giờ để đọc sách, ngồi thiền, thiền hành… Một hôm, sau 30 phút thiền hành một mình trong rừng, Thầy về lại căn nhà gỗ và viết xuống một mạch đoản văn Bông hồng cài áo, làm quà cho những người trẻ tuổi ở quê nhà. Bài viết ca ngợi tình mẹ, nhằm gây cảm hứng để người đọc biết tiếp xúc và trân quý những mầu nhiệm của sự sống mà họ đang có ngay trong giây phút hiện tại (dṛṣṭadharmasukhavihāra). Thầy đã viết ra những dòng chữ giản dị đó trong lúc chim hót vang rừng mà không hề biết rằng đây là quyển sách đầu tiên vạch ra hướng đi mới trên con đường tu tập và hoằng pháp mà Thầy sẽ triển khai trong suốt cuộc đời của Thầy.

Thầy đã chuyển đoản văn này về Việt Nam theo hình thức một lá thư gửi cho chị Trương Thị Nhiên – một sinh viên trong nhóm “Những cây tùng”. Đoàn Sinh viên Phật tử đã tổ chức liền lễ Bông hồng cài áo vào mùa Vu Lan năm ấy tại chùa Xá Lợi và đã chép tay 200 bản để làm quà tặng nhau. Mỗi bản đoản văn còn được cài một hoa hồng hay một hoa trắng làm bằng giấy. Tháng sau, đoản văn được đăng lần đầu tiên trên nguyệt san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung phần, do Thầy Đức Tâm làm chủ bút, dưới tựa đề Nhìn kỹ Mẹ. Thượng tọa Trí Thủ, Bổn sư của thầy Đức Tâm, đọc được đoản văn và đã khóc vì cảm động. Mãi đến năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối do Thầy thành lập mới in tác phẩm này thành sách. Tác phẩm đã mang lại cảm hứng cho rất nhiều sáng tác sân khấu và âm nhạc. Trong số đó, những tác phẩm nổi tiếng nhất cho đến hôm nay là kịch bản cải lương do cố soạn giả Hoàng Khâm viết cho đoàn cải lương Thanh Minh, vở kịch nói do nghệ sĩ Kim Cương chuyển thể và ca khúc do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc. Kể từ năm 1962, lễ Bông hồng cài áo hàng năm đã trở thành một phần quen thuộc của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Quyển sách đã được phát hành trên một triệu bản, có mặt trong tủ sách của hầu hết gia đình Phật tử và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Đây là quyển sách bằng tiếng Việt đầu tiên đưa chánh niệm trở thành một sự thực tập tâm linh trong đời sống hàng ngày. Quyển sách được viết với ngôn ngữ đầy thi ca nhưng cũng rất đỗi tự nhiên và giản dị mà trẻ con cũng có thể hiểu được. Bông hồng cài áo không mang hình thức giáo lý đạo Bụt, nhưng về bản chất, nó là một bài thiền hướng dẫn, giúp người đọc tiếp xúc với sự có mặt mầu nhiệm của mẹ trong giây phút hiện tại. Thầy thấy được năng lượng tỉnh thức của thiền tập là một nguồn năng lượng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.  

Sau này khi nhìn lại những năm tháng ở Mỹ, Thầy chia sẻ: “Tôi lớn lên và xuất gia tại Việt Nam. Tôi đã học hỏi và tu tập theo đạo Bụt ở Việt Nam. Trước khi tới phương Tây, tôi đã giảng dạy cho nhiều thế hệ tăng sinh ở Việt Nam. Nhưng giờ đây, tôi có thể nói rằng tôi đã chứng đạo ở phương Tây ”[71].

3. Chuẩn bị cho “một mùa Đông băng giá”

Theo chương trình liên kết giữa hai trường đại học Princeton và Columbia, Thầy ở lại Hoa Kỳ thêm một năm để tiếp tục công việc nghiên cứu tại Chủng viện Thần học (Union Theological Seminary) trực thuộc Đại học Columbia. Ở đó, Thầy có cơ hội làm quen với tư tưởng các nhà thần học hiện đại như Karl Bath, Paul Tillich, Martin Buber. Thầy cũng đã tận dụng kho tư liệu về đạo Bụt rất giàu có được lưu giữ tại thư viện Butler. Thầy còn học thêm tiếng Phạn. Hai giáo sư chính của phân khoa mà Thầy đang theo học là giáo sư Horace Friess và giáo sư Anton Zigmund-Cerbu. Giáo sư Cerbu là một học giả lỗi lạc người Thụy Sĩ, một chuyên gia trong lĩnh vực tôn giáo Á đông. Ông thành thạo khoảng 40 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Phạn[72]. Cả hai giáo sư đều rất thích thú khi nghe Thầy trình bày về tư tưởng của thánh Thomas d’Aquin qua tác phẩm Summa Contra Gentiles[73] dưới cái nhìn của thiền học. Đề tài mà giáo sư Cerbu chọn cho Thầy viết luận án là Nhận thức luận trong Duy thức. Thầy đã nghiên cứu và giảng dạy Duy thức suốt sáu năm ở Phật Học đường nên Thầy viết xong luận án trong vòng hai mươi mốt ngày. Giáo sư Cerbu thường mời Thầy về nhà ăn cơm và cả hai cùng trao đổi nhiều câu chuyện với nhau bằng tiếng Pháp.

Giáo sư Friess cũng ân cần với Thầy và yểm trợ Thầy một cách đặc biệt. Ông là người đã giao cho Thầy phụ trách một khóa giảng trong trường cao học[74]. Sau đó ông thường ép Thầy vào sinh hoạt với ban giảng huấn như ăn cơm với họ, thuyết trình… Những sinh viên theo học với Thầy rất dễ thương và hiếu học. Trong số đó có các tu sĩ Công giáo, giáo sư tại trường Manhattan College, một trường nổi tiếng nơi các anh em cựu tổng thống Kennedy từng học.

Thầy cũng nhận dạy mỗi tuần năm giờ và ngồi văn phòng để giúp sinh viên sưu tầm tài liệu. Thầy thuê nhà ở gần trường. Trong những sinh viên của Thầy, có Steve Headley rất mến Thầy và đã xin thuê nhà ở chung. Hai thầy trò sống, trao đổi tư tưởng và tương trợ nhau rất thân kính. Steve đã lắng nghe rất chăm chú về tình trạng đất nước Việt Nam, muốn cùng về Việt Nam với Thầy và cùng nuôi ước nguyện tìm lại Phương Bối. Anh bắt đầu học nói tiếng Việt và sau này cũng xin về Việt Nam ghi danh học ở Viện Cao đẳng Phật học do Thầy thành lập. Là người Mỹ sinh ra ở Boston, Steve đã học cạo gió cho Thầy với dầu cù là Vicks mỗi khi Thầy bị trúng gió.

Năm đó khi trời bắt đầu chuyển sang Đông, ngắm nhìn những hàng cây trụi lá, Thầy có linh cảm về những gì sẽ xảy đến và Thầy đã học được bài học về sự chịu đựng âm thầm của những hàng cây: “Một mùa đông băng giá sẽ tới và không thể dung tha những gì non nớt, bé bỏng và phù hoa. Phải vượt qua những giai đoạn non nớt, bé bỏng, phù hoa đi để mà chịu đựng. Phải già dặn, phải cô độc, phải sẵn sàng nghiến răng mà chịu đựng. […] Đất nước chúng ta thế nào rồi cũng phải trải qua một cơn bão táp tàn khốc. […] Sóng gió sẽ đến bất cứ vào lúc nào. Chúng ta không thể vô tâm vô tư được. Phải bắt chước những hàng cây kia, rụng hết tất cả mọi lá phù hoa đi để mà sửa soạn chịu đựng bão táp, mưa gió, tuyết sương. Chúng ta không thể nào còn bé bỏng và non nớt được nữa. Chúng ta phải già dặn, phải khổ hạnh, phải vững chãi để mà vượt qua cơn thử thách sắp đến” (Nẻo về của ý). Những tuần lễ sau đó, Thầy thường có những ác mộng kỳ lạ.

Lâu sau đó, vào đêm mùng 02 tháng 11 năm 1962, Thầy đã thức để đọc về cuộc đời và tư tưởng của Dietrich Bonhoeffer, một nhà thần học và là một mục sư người Đức (1906-1945). Đức Quốc Xã cầm tù và xử tử ông năm ông 39 tuổi. Sự bình an, từ bi và dũng cảm của Bonhoeffer trong những ngày cuối cùng trong trại tập trung đã đánh động Thầy một cách sâu sắc: “Đầu hôm tôi thức để đọc Bonhoeffer, và giai đoạn chót của đời chàng đã giúp tôi làm bừng tỉnh dậy cái bầu trời đầy sao sáng sẵn có trong tâm linh mỗi người. Tôi bỗng thấy sung sướng lạ kỳ và có cảm nghĩ rõ rệt rằng tôi có thể chịu đựng được những đau khổ lớn lao nhất mà thường ngày tôi không thể hoặc chưa thể chịu đựng nổi. […] Bonhoeffer chỉ là một giọt nước cuối làm tách nước tràn đầy, một nhân duyên cuối cùng, một làn gió nhẹ thổi tới cho trái cây chín muồi rụng xuống. Được sống trọn một đêm như thế thì ta không nên than trách chi hết nữa về cuộc đời. […] Can đảm và nghị lực dâng tràn, ta thấy óc và tim ta là những đóa hoa; những cảm xúc, những rung động, những đau khổ của chúng ta đều hiện hữu một cách rất mầu nhiệm, tuy ta biết rằng hình hài ta vẫn là hình hài của chính ta. […] Sự sống đã mầu nhiệm mà khổ đau cũng mầu nhiệm. Cuộc đời sẽ xấu xí sẽ đen tối và sẽ không thể có, nếu không có khổ đau. (Nẻo về của ý)

Trước đức độ và sự dũng cảm phi thường của Bonhoeffer, Thầy nhận ra sự có mặt của các vị Bồ tát ngay giữa lòng đất Mẹ mà không phải chỉ có trong kinh điển. Suốt một tháng, Thầy quán chiếu về hình ảnh các vị Bồ tát trong kinh Pháp hoa và kinh Bát Nhã. Thầy thấy rằng các vị Bồ tát không như những thần linh xa cách con người mà là những người bạn quý có thể gặp ngay trong cuộc sống này, ngay cả trong số những người trẻ ở Việt Nam mà Thầy đang dắt dẫn. Những người trẻ ấy đang đem lý tưởng hiểu biết và thương yêu để đi vào cuộc đời, đang nỗ lực và hành động để giúp giảm thiểu những khổ đau vẫn đang diễn ra xung quanh họ. Thầy đã phát khởi hạnh nguyện nuôi dưỡng người trẻ. Thầy bắt đầu dự tính về những giáo pháp và chương trình phù hợp để yểm trợ họ khi về lại Việt Nam. Thầy suy nghĩ đến một cuốn sách sẽ viết với tựa đề Đạo Phật đi vào cuộc đời.

4. Cuộc tranh đấu bất bạo động

Những gì Thầy linh tính trong mùa đông trước đó đã xảy ra. Giữa tháng 05 năm 1963, Thầy nhận được một tập tài liệu về cuộc đàn áp Phật giáo tại quê nhà. Trước ngày lễ Phật Đản năm ấy, chính quyền Ngô Đình Diệm cấm Phật tử treo cờ Phật giáo. Tối hôm Phật đản, chính quyền lại không cho truyền đi buổi phát thanh Phật giáo tại đài phát thanh Huế. Quân đội đã dùng chiến xa và súng ống đàn áp quần chúng tụ họp trước đài phát thanh. Tám người chết và bốn người bị thương. Nhiều thiếu nhi trở thành nạn nhân của cuộc tàn sát. Cuộc tranh đấu bất bạo động cho sự bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội của giới Phật tử bắt đầu từ đây và nhanh chóng biến thành một phong trào toàn quốc ba ngày sau đó. Bổn sư của Thầy, thiền sư Thích Chân Thật, cùng nhiều bậc cao tăng khác tại quê nhà đã cùng nhau tham gia cuộc biểu tình để phản đối hành động đàn áp này.

Tại Hoa Kỳ, các bạn như Steve, David, mục sư Harrington, giáo sư Windmiller, giáo sư Robert Browne, anh Trương Ngọc Bích và chị Lê Thị Bạch Lan… đã phụ Thầy dịch và trình bày một tập tài liệu khá đầy đủ. Thầy in tập tài liệu và gửi cho 111 phái đoàn của các nước đại diện tại Liên Hiệp Quốc để vận động Liên Hiệp Quốc cử một phái đoàn sang Việt Nam điều tra về vụ đàn áp Phật giáo và vi phạm nhân quyền. Thầy còn viết một bức thư cho các nhật báo lớn trong vùng, nói về nỗi khổ đau mà dân chúng và Phật tử phải chịu đựng dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Thầy đã có nhiều buổi diễn thuyết, trả lời phỏng vấn cho các giới truyền thông và trở thành phát ngôn viên tích cực của phong trào Phật giáo Hòa bình đang diễn ra ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Một hôm, Thầy bàng hoàng khi thấy trên tờ New York Times đăng hình ảnh Thượng tọa Thích Quảng Đức, 66 tuổi, châm lửa tự thiêu giữa đường phố Sài Gòn. Thầy nhớ đến cuộc gặp gỡ Thượng tọa lần đầu ở Nha Trang và thời gian cùng sống chung với Ngài tại chùa Long Vĩnh ở Sài Gòn. Một hôm đang ngồi làm việc, thầy Quảng Đức đã vào phòng chú Nhất Hạnh từ hồi nào, tới gần và hôn lên đầu chú. Chú rất cảm động, quay lại, nắm tay thầy, mời thầy ngồi xuống và nói chuyện về tình hình Phật sự trong nước. Giờ đây hình ảnh và tin tức Thượng tọa tự thiêu đã tràn ngập trên truyền hình và báo chí quốc tế. Thế giới chấn động. Thầy liên lạc với các nhóm Việt kiều ở Hoa Kỳ, tìm tới Đại hội Sinh viên Công giáo tại Chicago để kết hợp những nỗ lực vận động và đã được các bạn ủng hộ.

Qua đến tháng Tám, Thầy lại nhận được tin tự thiêu của nhiều thầy và sư cô khác nữa như thầy Nguyên Hương, thầy Thanh Tuệ, sư cô Diệu Quang và thầy Tiêu Diêu. Hơn 1000 Tăng Ni  bị chính quyền đàn áp và bỏ tù, hàng trăm vị đã mất tích. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam cũng bị bắt. Đau đớn đến cùng cực, Thầy phải thực tập thiền hành suốt mấy ngày trong công viên Riverside. Cuối cùng, Thầy quyết định sẽ tự thiêu trong vòng bảy ngày tới để phát động phong trào tại Hoa Kỳ. Thầy sắp đặt xong mọi việc. Thầy biết là với hành động này, Thầy sẽ không phụ lòng những người Thầy thương yêu, nhưng cũng có thể làm cho họ buồn khổ khi nghe tin. Nhưng chỗ đứng hiện tại của Thầy là một ngã tư quốc tế và hành động có phương pháp của Thầy sẽ có thể đem lại những chấn động lớn.

Chiều 25.08.1963, Thầy đi bộ qua đường phố với ý thức rằng trong một tuần lễ nữa mình sẽ không còn đi ở trên con đường này. Thầy đi với ý thức sáng tỏ. Thầy thấy sự sống với tất cả sự mầu nhiệm của nó. Thầy đi trên đất mà đôi khi thấy mình như đang đi trên mây. Cảm giác này, cái thấy này, Thầy đã diễn tả được một phần nào sau này trong bài thơ Chân dung viết bằng văn xuôi để kỷ niệm Nhất Chi Mai, một người đệ tử Tiếp hiện của Thầy, tự thiêu cho hòa bình năm 1967: “Buổi sáng có mặt trời, ôi vũ trụ ta muốn ôm người vào hai tay…” Sáng hôm sau, Thầy gặp giáo sư Friess ở văn phòng trường đại học Columbia như thường lệ. Ông hỏi chuyện Thầy về tình hình ở Việt Nam. Thầy kể hết cho ông nghe. Ông yên lặng hồi lâu. Rồi ông ngửng lên hỏi Thầy: “Vậy Thầy định làm gì?” Thầy hơi bối rối. Nhất định là không thể nói với giáo sư, hay bất cứ ai. Thầy cũng im lặng hồi lâu không đáp. Cuối cùng giáo sư nhìn Thầy và nói rất điềm đạm: “May là có Thầy ở đây để giúp cho các bạn Thầy ở bên nhà. Bây giờ họ ở tù hết rồi, đâu có làm gì được nữa. Thầy hãy dùng thì giờ và tâm lực của Thầy để vận động cho họ”. Thầy giật mình. Thầy vẫn ngồi yên. Giáo sư đặt nhẹ tay lên vai Thầy rồi đi vào trong văn phòng riêng của ông. Thầy đi vào bàn giấy của mình lấy thư từ, rồi về nhà, vừa đi vừa chiêm nghiệm. Tới đường 109, thầy quyết định hủy bỏ ý định tự thiêu. Thầy có cách thức của Thầy để phụng sự đạo pháp và cuộc đời.

Bài thơ Lửa đốt em tôi đã ghi lại nỗi đau và quyết tâm tiếp tục sự nghiệp hoạt động cho hòa bình của Thầy, trong đó có những câu:

Lửa đốt em tôi

Ôi là da là thịt

Em có đau không? nước mắt tôi không đủ

Để tưới lên, mát dịu hồn bé nhỏ linh thiêng

Tôi còn đây, thương tích dẫu nặng nề,

Mang nguyện lớn chuyển trao về thế hệ.

Tôi còn đây, chúng tôi hứa chẳng bao giờ phản bội.

Em nghe không? – chẳng bao giờ phản bội,

Vì tim em đã hóa trái tim tôi.

Thầy tìm đủ mọi cách để đi gặp các vị Đại sứ lãnh đạo phái đoàn các nước tại Liên Hiệp Quốc. Ông Đại sứ Sri Lanka (Tích Lan) hứa với Thầy sẽ đưa vấn đề Việt Nam ra nghị trình của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và sẽ vận động một số Đại sứ các nước Á Phi yểm trợ đề nghị của ông. Quả nhiên, sáng ngày 07 tháng 10 năm 1963 tại New York, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mở một cuộc họp về vấn đề Việt Nam.

Cũng vào sáng hôm đó gần bên phòng đại hội, tại Trung tâm Tôn giáo (Church Center for the United Nations), Thầy họp báo để nói rõ về nhu yếu gửi nhanh chóng một phái đoàn sang điều tra về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Sau buổi họp báo, Thầy tuyên bố bắt đầu tuyệt thực để cầu nguyện cho buổi họp của Liên Hiệp Quốc thành công.

Thầy tuyệt thực tại American Buddhist Academy, đúng lúc Thầy đã kiệt sức sau nhiều tuần làm việc không ngừng nghỉ. Steve tình nguyện làm thị giả Thầy, túc trực ở chùa, không cho nhà báo hay hãng truyền hình nào đến quấy rầy. Đến ngày Thầy ăn lại, Steve không biết nấu cháo nên đã đem đến cho Thầy một thẻ sô cô la và một ly sữa.

Steve báo cáo rằng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định gửi ông Abdul Rahman Pazhwak, đại sứ Afghanistan, dẫn một phái đoàn qua Việt Nam điều tra. Phái đoàn sẽ rời New York ngày 21.10.1963 và muốn gặp Thầy trước khi lên đường để được chỉ dẫn làm sao có thể tiếp xúc được với sự thật khi đến Việt Nam. Nghe Steve báo cáo và “ăn” sữa xong, Thầy trả lời phỏng vấn cho hai hãng vô tuyến truyền hình.

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến phi trường Tân Sơn Nhất sáng sớm ngày 24.10.1963 và đã bắt đầu công việc điều tra ngay từ hôm đó. Phái đoàn chưa hoàn tất công việc thì ngày 01.11.1963, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Thầy hoàn tất chương trình Thạc sĩ về Tôn giáo của Chủng viện Thần học trực thuộc trường đại học Columbia[86]. Hai giáo sư Friess và Cerbu đều mời Thầy ở lại Columbia để mở khoa Việt học và mở rộng thêm ngành Phật học trong phân khoa. Ban quản trị trường đại học cũng yểm trợ dự kiến này của hai giáo sư chính của phân khoa. Thầy bắt đầu đi dạy trở lại cho giảng khóa mùa đông[87]

5. Xin cúi đầu đưa về

Giữa tháng 12 năm 1963, một điện tín của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ mời thầy về lại quê hương. Thầy tính làm lơ không trả lời. Ngày hôm sau Thầy nhận thêm hai điện tín nữa từ Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo và từ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Giáo sư Cerbu vẫn cương quyết thuyết phục Thầy ở lại. Ông lặp lại câu mà ông vẫn thường nói với Thầy: Tình trạng ở Việt Nam chưa dung nạp được người trí thức”. Giáo sư Friess đã viết thư cho chính quyền Sài Gòn xin cho Thầy ở lại.

Còn đang phân vân thì chiều ngày 21 tháng 12, Thầy nhận được một lá thư của thầy Trí Quang với nội dung: “Tôi kiệt sức quá rồi, nhất là về phương diện sức khỏe. Còn về phương diện khả năng thì tôi thấy tôi đã cằn cỗi và hẹp hòi quá. Đặt tin tưởng cả vào Nhất Hạnh”. Ngày cuối năm Thầy nhận được thư từ Phật học viện Nha Trang, cũng mời Thầy về. Trong khi vẫn chưa nhận lời trở về thì Thầy lại nhận được một bức điện tín từ hãng máy bay Pan Am báo rằng vé máy bay đã được mua sẵn từ Sài Gòn và đang chờ Thầy tại sân bay.

Từ năm 1960, Thầy đã quyết đoạn tuyệt với những phiền não của tổ chức Phật giáo để chuyên việc nghiên cứu, sáng tác và thiền tập. Nhưng đêm đó, tiếng gọi của Phương Bối và của các bạn trẻ bên nhà đã thắng. Thầy biết là Thầy lại phải bắt buộc trở về với tổ chức Phật giáo. Thầy không thể nào từ chối lá thư của thầy Trí Quang. Biết đâu, đây là một cơ hội để kêu gọi hòa bình cho đất nước? Đêm đó không ngủ được, Thầy chấp nhận làm người con trai khờ dại thêm một lần nữa và Thầy đã viết bài thơ Xin cúi đầu đưa về “hai bàn tay” của Thầy cho tổ chức Phật giáo, hai bàn tay mà lúc bấy giờ thương tích băng bó vẫn chưa lành[88]:

Đây hai bàn tay tôi

Xin trả về cho em

Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát

Tôi đã trở về, như một kẻ đầu hàng ngoan ngoãn

Dù muôn khổ đau, lòng không oán thán,

Bởi vì dưới ngôi sao em tôi đã sinh ra,

Bởi vì em tôi mới sinh ra

Để vạn kiếp làm người trai khờ dại[89]

[…]

Đây hai bàn tay tôi

Xin cúi đầu đưa về

Em nhìn xem: những vết thương ngày xưa

Vẫn chưa lành dấu máu

Mười ngón đơn sơ hồn em xin đậu

Như những giọt sương ngời đầu ngọn cỏ rung rinh

[…]

Đây hai bàn tay xưa

Băng bó vẫn chưa lành

Tôi mang về trả lại

Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát

“Người ta phụ mình nhưng mình vẫn cứ thương. Hai bàn tay đã từng bị nghiến nát và tôi đã cố gắng băng bó cho lành, để rồi bây giờ đem dâng lại. Ta chỉ có hai bàn tay thôi, hai bàn tay của một người trẻ, hai bàn tay để mà thương yêu, để mà xây dựng, đóng góp, nhưng bàn tay cứ bị nghiến nát hoài, nên có khi giận, có khi buồn mà bỏ đi. Rồi vì thương nên dù bị nghiến mà vẫn trở về để có thể bị nghiến nát thêm lần nữa. Đầu hàng thôi, dù đã bỏ đi rồi nhưng bỏ đi không được, phải trở về xây dựng.”

V. Thực tập để sống còn

1. Lâm bệnh

Từ khoảng cuối năm 1956, sức khỏe của Thầy suy giảm. Các bác sĩ Tây y và Đông y không giúp Thầy phục hồi được. Thầy phải tự tìm cách trị liệu bằng phương pháp theo dõi hơi thở, tiếp xúc sâu sắc với thiên nhiên. Thầy kể: “Sau một thời gian ốm đau tưởng chết, tôi rút về nằm ở ngôi chùa nhỏ bé và an tĩnh ở Blao”[35]. Thầy thường tìm đến những nơi tĩnh lặng để nghỉ ngơi, khi thì ở Blao, khi thì ở Sa Đéc hay Nha Trang. Trong những giai đoạn khó khăn này, sư chú Trí Không luôn xin đi theo Thầy để làm thị giả. 

Thầy Đường Hạnh lúc này đã trụ trì chùa Phước Huệ, trụ sở chính của Chi hội Phật giáo Công Hinh (một tên gọi khác của Blao). Bao quanh chùa là những vườn chè lâu năm thật xanh tốt[37]. Thầy cất một cái am nhỏ mái lá vách đất ngay giữa vườn chè. Từ con đường phía dưới đi lên am, Thầy treo một miếng gỗ với hàng chữ viết tay Phương Bối am. Ai muốn đi lên am Thầy, bước đến đây đều phải đi chậm lại, thở đều và niệm thầm danh hiệu Bụt. Nơi đây rất tĩnh mịch, thời tiết lại ấm hơn ở Đà Lạt, Thầy có điều kiện thuận lợi để tĩnh dưỡng, nghiên cứu và viết lách.

Một số học tăng từ chùa Ấn Quang như Trí Không, Long Nguyệt, Như Trạm… xin đi theo Thầy và thành lập một tăng thân nhỏ tại đây với nếp sinh hoạt rất giản dị[39]. Thỉnh thoảng các học giả từ Sài Gòn lên thăm Thầy như giáo sư Cao Hữu Đính. Các học tăng rất gần gũi với Thầy và vẫn gọi Thầy bằng “chú”. Thầy chơi bóng bàn với các sư chú mỗi chiều. Có vị còn rất ngạc nhiên khi thấy Thầy đắp y Tỳ kheo trong buổi lễ cầu siêu cho mẹ cách đây mấy tháng vì họ vẫn nghĩ rằng Thầy chưa thọ giới lớn. Thầy đề ra một chương trình tu học và các vị cư sĩ cư ngụ gần đó thường đến tham gia. Các vị cư sĩ rất hạnh phúc và đã đặt một cái máy phát điện nhỏ chạy khoảng vài tiếng đồng hồ mỗi tối. Nhờ vậy mà các thời tụng kinh tối trở nên thân mật, gần gũi hơn và Thầy có đèn sáng để viết lách vào mỗi đêm.

Trong thời gian này, lần đầu tiên các sư chú được Thầy dạy về lịch sử các tư tưởng Phật giáo, quá trình hình thành và phát triển của các tông phái, các truyền thống Phật giáo khác nhau, các kinh điển căn bản của các truyền thống Nam tông và Bắc tông, những môn học chưa được dạy ở Phật học đường như Dị bộ tông luân luận của ngài Thế Hữu, Tranh luận sự trong A-tỳ-Đạt-ma của Thượng tọa bộ và Kinh Na Tiên Tỳ kheo. Thầy muốn tạo cảm hứng cho những người xuất gia trẻ phát triển trí tò mò để tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi mà không chỉ học để thi cử, đỗ đạt và lấy những mảnh bằng. Thầy muốn mỗi người xuất gia biết cách nuôi lớn cái thấy sáng tỏ nơi chính mình mà không chỉ đơn thuần là tin tưởng một cách mù quáng và cố chấp vào bất kỳ một học thuyết nào, kể cả học thuyết Phật giáo. Thầy dạy các sư chú trẻ cách sử dụng các môn khoa học, lịch sử và văn chương như là những công cụ để có thể đi xa hơn trong khi nghiên cứu đạo Bụt[42]. Có lần thấy một sư chú trẻ thường hay nghe đài truyền thanh và đưa ra nhiều nhận định, Thầy dạy sư chú phải biết sáng suốt suy ngẫm những gì mình nghe mà không tin một cách mù quáng, không cố chấp, không nên chủ quan cho cái mình biết là chân lý rồi ép buộc người khác phải theo ý kiến đó.

Thỉnh thoảng, Thầy cùng mọi người đi thăm sư cô Diệu Âm ở Djiring, đi bộ trong rừng Đại Lão gần bên, nơi có sông, có thác Bobla, Liên Khang, Pongour để thăm thú các cảnh đẹp thiên nhiên. thưởng thức tiếng chim, tiếng suối. Các chú thường mang theo thức ăn để đi dã ngoại. Sau khi ăn xong, tất cả nằm trên các tảng đá bên bờ suối để nghỉ ngơi. Thầy khuyến khích mọi người thưởng thức thiên nhiên, trời xanh, mây trắng, thực sự làm tinh thần tươi mới lại. Có khi mọi người ngồi giữa rừng để nghe Thầy kể chuyện, đọc thơ hoặc chia sẻ tầm nhìn của Thầy về tương lai Phật giáo Việt Nam. Có những lúc Thầy cho mọi người ngồi thành vòng tròn và ghi chép. Đây chính là những giây phút trao truyền sâu sắc nhất giữa thầy và trò.

Chính trong thời gian ở chùa Phước Huệ, tại chiếc am lá giữa vườn trà mà Thầy có một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, Thầy thấy mẹ, và lần đầu tiên Thầy chứng thực một cách sâu sắc rằng “còn”, “mất” chỉ là những ý niệm mà thôi. Điều này đến với Thầy như một tuệ giác mà không phải là lý thuyết. Trong giấc mơ, “dung nhan mẹ không có gì biến đổi. Tôi nói chuyện với mẹ tôi rất tự nhiên, không có một mảy may cảm giác rằng tôi trong bốn năm, chịu đựng ý tưởng mất mẹ. […] Bữa đó, tôi thức dậy vào lúc một giờ rưỡi khuya và thấy phép mầu hiển hiện. Niềm đau xót không còn nữa và tôi chứng thực rằng ý tưởng mất mẹ trong suốt bốn năm vừa qua chỉ là những ý tưởng. Thấy được mẹ tôi trong giấc mơ ấy rồi tức là thấy mẹ tôi mãi mãi”. Thầy giải thích, “Đêm đó, tôi thấy một cách rất hiện thực rằng sự sinh diệt của mẹ tôi là một cái gì do tôi tạo ra mà không phải là một thực tại khách quan. Sự hiện thực của mẹ tôi không tùy thuộc vào sinh diệt; không phải nhờ sinh mà mẹ tôi có, không phải vì diệt mà mẹ tôi không có…” (Trích Nẻo về của ý

Chính nơi đây Thầy đã viết và biên tập các bài báo cho tờ Phật giáo Việt Nam từ tháng 9 năm 1956 đến tháng 4 năm 1959. Để gây ý thức về một nền Phật giáo dân tộc, Thầy đề nghị các chùa thờ Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi thay vì Tổ Bồ Đề Đạt Ma[48]. Thầy xiển dương giáo lý Duy thức và thiền Việt Nam, cũng như lễ nhạc và giáo dục của Phật giáo Việt Nam. Thầy đề nghị tổ chức lại nếp sống thanh quy của tu viện để xây dựng chúng xuất gia và đào tạo tăng tài. Thầy cũng dồn hết tâm lực vào chuyện kêu gọi sáu tập đoàn Phật giáo trong cả nước đi đến thống nhất thực sự để phát huy sức mạnh và cùng nắm tay nhau xây dựng hòa bình cho đất nước. Đây cũng là mục tiêu chính mà Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã nêu lên rõ ràng bằng bản tuyên ngôn trong đại hội lần thứ nhất vào tháng 05 năm 1951 tại chùa Từ Đàm, Huế: “Hỡi toàn thể Phật tử Việt Nam, chúng ta hãy san phẳng những hình thức sai biệt, cùng chung sức chung lòng để làm tròn sứ mạng kiến tạo hòa bình”. Tuy nhiên, Thầy đã phải đối mặt với sự chống đối gay gắt từ phía lãnh đạo của các tập đoàn. Tại đại hội thứ III ngày 17.08.1957 và đại hội thứ IV năm 1959, Tổng hội Phật giáo Việt Nam vẫn không thống nhất được. Sáu tập đoàn vẫn giữ nguyên. Giữa năm 1959, các tập đoàn quyết định không yểm trợ tài chính cho tờ Phật giáo Việt Nam nữa và tờ nguyệt san mà Thầy làm chủ bút bị đình bản[50].

Đau khổ vì tình trạng tang thương của đất nước cũng như tình trạng của Phật giáo lúc bấy giờ, Thầy quyết định đi tìm một nơi ẩn dật để quay về tu luyện, để nuôi dưỡng, bồi đắp niềm tin và trị liệu những vết thương.

2. Phương Bối Am: trung tâm tu học đầu tiên

Tháng 07 năm 1957, Thầy tìm mua được một miếng đất thích hợp với diện tích gần 26 mẫu tây giữa rừng Đại Lão, một nơi yên tĩnh nằm trong địa hạt làng B’su Danglu của hai người Thượng tên là K’Briu and K’Brôi, cách Blao và chùa Phước Huệ khoảng mười cây số. Mảnh đất được bao quanh bởi cây cối xanh tươi, những dòng suối trong và những con đường rất đẹp cho thiền hành. Tu viện mới được đặt tên là Đại Lão Sơn Phương Bối Am, gọi theo tên của cái am lá trong vườn chè tại chùa Phước Huệ.

Thầy nhớ lại: “Ẩn mình trên rừng núi Đại Lão, Phương Bối đã xòe những cánh đồi hoang vu và êm dịu như một chiếc nôi lớn – một chiếc nôi lót bằng bông đá, hoa dại, cỏ rừng – chào đón chúng tôi. Ở đây chỉ có cây rừng, có chim, có vượn. Ở đây chúng tôi sẽ xa được trong một thời gian tất cả những xấu xa nhỏ mọn của cuộc đời” (Nẻo về của ý). Đó là một nơi trú ẩn lý tưởng cho một cộng đồng nhỏ – một nơi để đọc sách, viết lách, hành thiền và chiêm nghiệm – được bao bọc bởi núi rừng hùng vĩ, bình an và tĩnh lặng. Phương Bối đồng thời cũng rất hoang dại và vô cùng linh động. Đôi khi Thầy và các bạn gặp cả cọp, cùng trải qua những cơn bão rừng, có khi họ bị đánh thức trong đêm bởi những tiếng động kỳ lạ vọng ra từ rừng sâu, hay những thời khắc ngưng đọng trong cảnh núi rừng hùng vĩ giữa một đêm trăng huyền bí. Tháng Giêng năm 1958, Thầy cùng các bạn bắt đầu dọn đất và sau đó trồng sáu mẫu trà để làm phương tiện tự túc kinh tế cho tu viện.

Trong thời gian xây dựng Phương Bối, Thầy và các bạn vẫn tiếp tục tu học tại chùa Phước Huệ. Hai chú Thanh Tuệ và Nguyên Hưng là hai người học trò thân cận nhất của Thầy lúc đó. Cùng với sư cô Diệu Âm, hai chú đã chăm lo cho Phương Bối từ những buổi đầu. Gần đây cũng có một trường Bồ Đề tư thục, nơi một số các chú điệu đang học. Điệu Trí khoảng mười tuổi, do thầy Châu Đức gửi tới, sau này được xuất gia với Thầy và có tên  Nhất Trí. Điệu Thắng là đệ tử của sư cô Diệu Âm, mới bảy tuổi, chỉ được Thầy trao cho ba giới là không giết hại, không trộm cắp và không nói dối. Điệu Thắng chính là Hòa thượng Nguyên Hạnh, Viện chủ chùa Việt Nam ở Mỹ sau này.

Ngoài việc viết bài và làm chủ bút cho tờ Phật giáo Việt Nam, Thầy còn tóm tắt những bài dạy về Duy thức học mà Thầy đã giảng dạy tại lớp Tam niên trung học để Phật học đường Nam Việt xuất bản vào tháng 6 năm 1958 dưới nhan đề Duy thức học với bút hiệu Thạc Đức và lời tựa của Thượng tọa Thích Thiện Hòa. Thầy cũng gom góp những bài viết để Phật học đường Trung phần xuất bản vào tháng 2 năm 1959 thành tác phẩm Để hiểu đạo Phật với bút hiệu Phương Bối. 

Thầy phát hành 2000 quyển Duy thức học, lấy thêm tiền bản quyền những cuốn sách để có đủ tiền xây nhà Thượng ở Phương Bối và một ngôi nhà gỗ bốn gian đơn sơ làm thiền đường, thư viện, chỗ làm việc, phòng ngủ cho các thầy và các sư chú, phòng ăn và phòng khách. Gọi là nhà Thượng bởi vì đây là một ngôi nhà có hai mái úp vào nhau như hai bàn tay chắp thành búp sen theo lối nhà sàn – kiểu nhà người Thượng. Nhà Thượng được xây trên một ngọn đồi cũng được gọi là đồi Thượng. Đó là vào mùa hè năm 1958. Thầy Thanh Từ cũng lên dựng một cái thất gần đồi Thượng mà Thầy đặt tên là Thiền Duyệt Thất.

Với Phương Bối, Thầy đã thực sự tạo nên một môi trường dành riêng cho sự tu tập, nghiên cứu, trị liệu, thơ ca và xây dựng cộng đồng. Một chúng thường trú được hình thành, trong đó có các sư chú Thanh Văn, Thanh Tuệ, nhà văn Lý Đại Nguyên, dì Tâm Huệ. Thầy Giải Thích về đây vẽ cho thiền đường một bức chân dung của Bụt. Thầy và các bạn thưởng thức thiền tọa vào sáng sớm và buổi tối, thiền trà vào buổi chiều. Phương Bối là một mô hình thử nghiệm để làm mới và phục hồi sinh lực cho đạo Bụt. Rất nhiều câu chuyện về đời sống của Thầy và các bạn được Thầy kể lại trong tác phẩm Nẻo về của ý. Và như thế, Phương Bối đã trở thành một kiểu mẫu để rồi về sau rất nhiều trung tâm thực tập chánh niệm của Thầy được hình thành và phát triển khắp nơi trên thế giới vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Khoảng tháng 10 năm 1958, sức khoẻ Thầy lại đi xuống. Thầy phải giao tờ Phật giáo Việt Nam cho hai nhà văn Võ Đình Cường và Giang Tâm trông coi tạm. Thầy biết rằng Thầy đã gồng mình quá sức trong tình trạng đất nước chiến tranh, sự mất mát người mẹ kính quý, những thương tích từ sự ganh tỵ trong nội bộ Phật giáo, v.v. Thầy tưởng đã vượt qua được những khó khăn này, nhưng kỳ thật, chúng đã tích tụ theo năm tháng và đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của Thầy.

Trong giây phút cơn bệnh trở nên nguy kịch nhất, Thầy đã bám lấy hơi thở, thở thật chậm và thật sâu với tất cả sức lực còn lại của mình. Đến lúc cảm thấy dễ chịu hơn, Thầy gắng sức  để trở dậy thiền hành, và Thầy đã sống sót. Từ khi còn là một chú điệu, Thầy đã được học kinh hành. Tại chùa Báo Quốc, Thầy đã được học nguyên tắc sổ tức. Giờ đây, Thầy tự tìm ra cách thức thở và đi để có thể làm tĩnh lặng thân tâm, đó là cách kết hợp hơi thở và bước chân một cách tự nhiên trong khi đi. Thay vì sử dụng phương pháp sổ tức, Thầy đếm bước chân với hơi thở trong sự hòa điệu. Bằng cách hoàn toàn tập trung vào bước chân và hơi thở – mà không vào bất cứ một cái gì khác – Thầy đã có khả năng thực sự dừng lại (chỉ – śamatha), và làm lắng dịu cơn đau mà không bị cơn đau kéo đi. Thầy đã bắt đầu thực hành phương pháp đó hồi còn ở chùa Ấn Quang và tiếp tục thể nghiệm ở Blao, Phương Bối, bệnh viện ở Tokyo và sau đó nữa là ở trường Đại học Princeton, Hoa Kỳ cũng như trong những thập kỷ kế tiếp, khi cái hiểu của Thầy về kinh Quán niệm hơi thởBốn lĩnh vực quán niệm càng sâu hơn.

Mùa xuân năm 1959, Thầy được mời đi Nhật Bản với tư cách chủ bút tờ Phật giáo Việt Nam để tham dự lễ Phật đản quốc tế kỷ niệm 2500 năm ngày Bụt đản sinh cùng với các thầy Thiện Hoa, Mật Hiển và Tâm Châu. Vì Thầy biết một chút tiếng Anh nên phải đọc một bài thông điệp – đó là bài diễn văn đầu tiên bằng tiếng Anh của Thầy. Bài này được in lại trong Phật giáo Việt Nam số 28. Trong chuyến đi, Thầy trở bệnh và phải nhập viện ở Tokyo. Thầy tiếp tục thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm trên các hành lang bệnh viện, để hết tâm ý vào hơi thở và buông bỏ những lo lắng. Sau bao nhiêu thử nghiệm, các bác sĩ vẫn không chẩn bệnh được cho Thầy. Thầy về lại Phương Bối giữa tháng Năm.

Tại Phương Bối, cầu Mai được dựng trên con đường vào am. Thư viện đã có được trên hai vạn cuốn sách. Các cư sĩ rất thích đến đây vào cuối tuần để tu học trong không khí tự nhiên và cởi mở, không hình thức. Cư sĩ Dương Thi, phó tỉnh trưởng Lâm Đồng luôn dẫn cả gia đình về đây mỗi thứ Bảy hàng tuần.

3. Đạo Phật ngày nay và đoàn Sinh viên Phật tử

Tháng 11 năm 1959, từ nhu cầu của sinh viên các trường đại học và giới trí thức trẻ, Thầy bắt đầu mở một khoá dạy giáo lý hàng tuần tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn. Toàn ban hướng dẫn Gia đình Phật tử cùng theo họ, kể cả nhà văn Võ Đình Cường. Khóa học chấm dứt vào tháng 03 năm 1960 nhưng có mười mấy sinh viên từ các trường y, trường dược, trường luật… lại tới với Thầy và xin học tiếp. Thế là Thầy lại tiếp tục một khóa mới cho họ tại Tổ đường Ấn Quang. Lần này, Thầy muốn thành lập một đoàn Sinh viên Phật tử theo tinh thần của đoàn Phật học Đức dục ngày xưa. Thầy dạy nhóm sinh viên này học kinh như dạy các học tăng và họ đã tiếp nhận giáo pháp hết lòng. Sau mỗi buổi học, các sinh viên đều có pháp đàm. Họ phát biểu ý kiến và đôi khi ý kiến rất khác nhau rồi cuối cùng được Thầy dung hợp và đúc kết. Không khí trong lớp học rất cởi mở và thân ái. Từ nhóm sinh viên này, có mười ba bạn trẻ đầy nhiệt huyết nhất, được gọi là “Mười ba cây tùng”[56].

Mùa thu năm 1960, Thầy dẫn năm cây tùng về Nha Trang để phụ tá Thầy tổ chức Đại hội hoằng pháp toàn quốc do thầy Trí Thủ, Ủy viên Hoằng pháp, giao phó. Tại chùa Hải Đức, trụ sở Phật học viện Nha Trang, Thầy đã hướng dẫn cách thức tổ chức, điều động cho các học tăng của Phật học viện. Rất đông các thầy và các sư cô từ khắp nơi về dự đại hội. Thầy nắm lấy cơ hội này để thống nhất những phương thức hành đạo về mặt nghi lễ, giáo dục, hoằng pháp… dù cho các tập đoàn Phật giáo vẫn chưa chịu đi đến sự thống nhất thực sự.

Ở Huế, thầy Đức Tâm, đã từng học chung với thầy ở Phật học đường Báo Quốc, đang là chủ bút tạp chí Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Việt, đã mời Thầy viết bài. Chùa của thầy Đức Tâm ở Cồn Hến, một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương và Thầy đã ghé đây ở hai tuần để chìu lòng người bạn cũ. Mỗi sáng thầy Đức Tâm đều mời Thầy một ly trà tường vi và đãi Thầy món bắp luộc – đặc sản ở Cồn Hến. Sau đó hai thầy đi thiền quanh Cồn và đàm đạo. Thầy viết một loạt bài về đạo Bụt nhập thế, khai triển ý tưởng về “Đạo Phật đi vào cuộc đời” mà Thầy đã nói đến trong loạt bài đăng trên báo Dân chủ năm 1955. Những bài báo này đã được in thành sách Đạo Phật ngày nay và được NXB Lá Bối phát hành năm 1965. Nhà nghiên cứu nhân chủng học Lê Văn Hảo sống tại Paris lúc bấy giờ là người đã dịch cuốn sách này sang tiếng Pháp với tựa đề Aujourd’hui le Bouddhisme và Mục sư Thomas Merton viết lời giới thiệu, trở thành tác phẩm đầu tiên của Thầy được xuất bản ở phương Tây.

Tháng 02 năm 1961, Thầy cùng thầy Quảng Liên và thầy Thiện Châu mở một lớp giáo lý khác cho người trẻ mỗi sáng Chủ nhật tại chùa Ấn Quang. Cùng lúc đó, đoàn Sinh viên Phật tử học với Thầy từ khóa đầu vẫn muốn tiếp tục theo học lớp giáo lý với Thầy nên Thầy phải dạy thêm một buổi cho họ vào mỗi chiều Chủ nhật tại Tổ đường Ấn Quang và sau đó tại chùa Xá Lợi. Mùa hè năm đó, đoàn sinh viên được đi thăm Phương Bối vào dịp cuối tuần. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối mà cả đoàn được thưởng thức ngồi thiền, đi thiền, nghe Thầy đọc thơ, pháp đàm trong khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng của núi rừng Phương Bối.

Trong khoảng thời gian này, các học tăng và đoàn Sinh viên Phật tử thường được nghe Thầy đọc thơ hay đọc những câu truyện mà Thầy sáng tác như Cửa tùng đôi cánh gàiCâu chuyện người con trai khờ dại. Thầy đã viết hai truyện này trong tâm trạng buồn tủi và chán nản: “Chính trị thì khôn ngoan, tìm đủ mọi cách cho tiềm lực dân tộc không có cơ phát hiện. Tổ chức Phật giáo thì thủ cựu, chia rẽ. Chúng ta, những người trẻ tuổi, không có tiền bạc, không có uy thế, không có một ‘miếng đất để cắm dùi’, làm sao thực hiện được ước mộng?” (Nẻo về của ý) 

Còn trẻ, mới trên dưới ba mươi tuổi, đầy năng nổ và nhiệt huyết, Thầy đã để hết tâm lực vào chuyện xây dựng Phật học đường và đạo Bụt Việt Nam. Thầy chỉ làm mà không cần ai biết. Thầy sử dụng mười mấy bút hiệu khác nhau cho hàng loạt bài viết đăng trên báo hay các quyển sách mà không ký tên Thầy. Là chủ bút, Thầy cũng không để tên mình ngoài bìa cũng như ở trang trong của tờ Phật giáo Việt Nam. Thầy không nhận chùa riêng mà cũng không bỏ thì giờ giao tiếp với bổn đạo để được cúng dường, mặc dù Thầy không có tiền để trả viện phí khi ốm đau. Thầy không giữ một chức vị nào trong Phật học đường Nam Việt cũng như trong Tổng hội Phật giáo. Ấy vậy mà khó khăn lớn nhất trong quãng đời này mà Thầy phải đối diện là sự ganh tỵ.

May thay, còn có các vị tôn túc luôn thương yêu, tin tưởng và yểm trợ Thầy hết mực như Hoà thượng Huệ Quang, Hoà thượng Khánh Anh, Thượng tọa Thiện Hòa, Thượng tọa Nhật Liên, Thượng tọa Trí Thủ. Giới trẻ xuất gia cũng như tại gia đều rất yêu mến và tin tưởng Thầy. Họ xem Thầy như một người anh gần gũi và luôn đi theo Thầy để nương tựa, đồng thời để yểm trợ. Họ là nguồn an ủi của Thầy. Cũng chính nhờ họ mà Thầy có thêm sức mạnh để chống đỡ và vượt qua được những giai đoạn khó khăn.

IV. Đôi vai gánh vác

1. Trấn an học tăng khi đất nước bị chia đôi

Ngày 20.07.1954, Hiệp định Genève được ký kết. Đất nước bị chia đôi, toàn dân bàng hoàng. Học tăng bị dao động và hoang mang cùng cực. Ban giám đốc Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang đã giao phó hoàn toàn trách nhiệm cho Thầy để cải tổ lại chương trình tu học và vạch ra một con đường mới cho giới xuất gia trẻ. 

Thầy đã triệu tập các buổi họp, vạch ra một chương trình đào tạo mới để đáp ứng nhu yếu của tăng sinh và giúp họ có thêm niềm tin vào tương lai. Trong chương trình không những có ngành Phật học mà còn có cả ngành thế học. Có học tăng nội trú và ngoại trú. Ngoại trú cũng được ở lại ăn cơm trưa. Tăng sinh tốt nghiệp sẽ có được lượng kiến thức tương đương với nền giáo dục ngoài đời. Các giáo sư được mời vào dạy các môn sinh ngữ, toán, lý, hóa, sử, văn…  Ngoài các lớp sinh ngữ tại Phật học đường, Thầy còn khuyến khích tăng sinh học thêm tiếng Pháp qua đài phát thanh Pháp Á mỗi ngày lúc 8 giờ tối. Thầy dạy Lịch sử Phật giáo, tiếng Việt và Văn học Phật giáo. Các lớp học được nhiều học tăng yêu thích nhất là lớp tiếng Việt và lớp Văn học Phật giáo. Học tăng được khám phá văn chương Việt Nam qua các nhà văn và nhà thơ như Tô Hoài, Thế Lữ, Nguyễn Bính… Những tiết sửa luận văn của Thầy là những giây phút rất vui thú, học sửa từng câu thật kỹ về văn và ý. Các sư chú trước đây học chữ Hán, bây giờ, lần đầu tiên họ được biết đến ngữ pháp, cách viết văn và làm thơ tiếng Việt. Văn học Phật giáo là một môn học mới do Thầy tiên phong giảng dạy. Thầy dịch và bình giảng những bài thi kệ của các thiền sư. Thầy áp dụng phương pháp bình giảng văn học vào nghiên cứu nhận thức văn học Phật giáo, từ thi kệ của các thiền sư đời Lý, Trần cho đến các bản sớ, văn phát nguyện, văn tán Phật, Bồ tát đã có từ bao đời trong nền văn chương Phật giáo. Trong khi học, các tăng sinh người miền Nam cũng rất thích thú khi được nghe Thầy tán với âm điệu Huế bài Cực lạc từ hàng hay bài tán Quan Âm: Thùy dương liễu nhi biến sái cam lồ. Thầy còn giảng Du già khoa nghi pháp yếu cho cả lớp biết hàm ý sâu sắc và điêu luyện trong các bài triệu thỉnh mười loại cô hồn mà nhà thơ  Nguyễn Du đã dịch thoát thành Văn chiêu hồn. Thầy nỗ lực giúp cho thế hệ tăng sinh trẻ khám phá được cái đẹp và sức mạnh của ngôn ngữ cũng như có khả năng diễn đạt và viết lách bằng tiếng Việt. Trong số các tăng sinh, có các sư chú như Trí Không, Minh Cảnh… mà sau này trở thành giáo sư của các trường Phật học hay học giả nghiên cứu và giảng dạy.

Thầy tổ chức lại mọi phương diện tu học và đời sống hàng ngày của các học tăng. Thầy cho dỡ bỏ các bức vách ngăn giữa các phòng trong cư xá để cho khoảng 40 tăng sinh sống chung trong một phòng rộng rãi và thoáng khí. Trên tường có sơn một khẩu hiệu “Học tăng là sức sống của đạo pháp đang lên”. Buổi tối, đèn thắp sáng choang, học tăng sinh hoạt rất hăng say. Lần đầu tiên tại Phật học đường, học tăng hát vang những bài ca Phật giáo như bài Thích Ca Mâu Ni Phật của Thẩm Oánh hay bài ca chính thức của đoàn Phật học Đức Dục. Phòng Thầy là phòng thứ ba trên lầu nhà Tổ. Lúc nào cũng có các sư chú lân la, quây quần bên Thầy để hỏi Thầy những thắc mắc về bài vở. Phòng không bao giờ khóa cửa nên khi Thầy đi vắng, các sư chú cũng vào chơi, lấy những bài luận văn của Thầy ra đọc, nhất là xem điểm cùng những lời khen của các giáo sư ở trường đại học Văn khoa. Khi Thầy đi Đà Lạt, sư chú Thanh Hương còn vào phòng Thầy ngủ nữa.

Không khí Phật học đường Ấn Quang thay đổi hẳn. Ngoài ra, các học tăng còn biết tổ chức giúp nhau khi đau ốm, thiếu thốn. Trước đó, trong một buổi hội thảo có mặt tất cả học tăng dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Thầy đã nói lên được tiếng nói của tăng sinh về những khó khăn hiện thực của người xuất gia đưa đến tinh thần “chacun-pour-soi” (mạnh ai nấy lo). Để đẩy mạnh tinh thần lục hòa, Thầy thành lập Hội liên lạc văn hóa học tăng và xuất bản tập san có tên Sen hái đầu mùa. Những buổi sinh hoạt chung như hội thảo, diễn thuyết, du ngoạn… được tổ chức thường xuyên. Mỗi sáng Chủ nhật, vào lúc bảy giờ rưỡi tại giảng đường Ấn Quang, học tăng được nghe thầy Thanh Từ giảng về Cổ Văn học Phật giáo Lý Trần, thầy Thiện Hoa giảng về Duy thức, thầy Nhất Hạnh giảng về các triết hệ Phật giáo hay cư sĩ Võ Đình Cường giảng về lý thuyết và phương pháp sáng tác văn nghệ và khảo luận. Đại đức Ananda Mangala từ Ấn Độ, Pháp sư Diễn Bồi từ Trung Quốc cũng đã được mời đến diễn thuyết và Thầy làm thông dịch viên. Sau buổi diễn thuyết, pháp sư đã ở lại dự thiền trà cuối năm với học tăng và đã viết tặng Phương Bối Am bốn chữ Hán Bối Diệp Phân Phương.

Đồng thời với trách nhiệm trông coi chương trình giáo dục tại Phật học đường Ấn Quang, Thầy đã ghi danh học cử nhân Văn chương Pháp và Việt với tên Nguyễn Xuân Bảo ở trường đại học Văn khoa Sài Gòn, được thành lập vào tháng 09 năm 1954. Từ Ấn Quang, Thầy đạp xe đến trường đại học, và sau khi tan học thì đạp xe về lại Ấn Quang để đứng lớp giảng dạy. Đây là một điều rất mới thời bấy giờ. Thầy đã tham dự các khóa giảng của những giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Khắc Kham và Nghiêm Toản. Một ngày nọ, Thầy không khỏi bất ngờ khi thấy giáo sư Nguyễn Đăng Thục sử dụng cuốn Đông phương luận lý học của Thầy xuất bản năm 1950, làm tài liệu giảng dạy trong lớp mà Thầy đang theo học. Thầy hoàn tất chương trình đại học và nhận bằng cử nhân Văn chương Pháp và Việt, trong khi vẫn tiếp tục làm thơ, viết báo, viết sách cho xuất bản[26]. Thầy đốc giáo Thiện Hoa của Phật học đường Nam Việt cũng mời Thầy giảng một lớp triết học, trong lớp lúc bấy giờ có các thầy như Huyền Vi, Thiền Định và thầy Thanh Từ cùng tham dự.

2. Phật giáo bị đàn áp và Đạo Phật qua nhận thức mới

Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm – một nhà lãnh đạo theo Cơ đốc giáo – bắt đầu củng cố quyền hành bằng cách sử dụng tất cả mọi phương tiện, bao gồm cả tuyên truyền, dọa nạt, đàn áp và khủng bố những người không cùng một quan điểm chính trị. Người theo đạo Cơ đốc được chính quyền yểm trợ một cách công khai, trong khi đó những người theo đạo Bụt càng lúc càng bị đàn áp và bị đẩy ra lề xã hội.

Ông Vũ Ngọc Các, chủ bút của nhật báo Dân chủ, một tờ báo trung lập, mời Thầy viết một loạt mười bài báo quan trọng[27]. Ông muốn Thầy chỉ ra sức mạnh và khả năng mang lại ánh sáng cho đất nước của Phật giáo Việt Nam, cũng như chứng minh rằng đạo Bụt không phải là bất cập hay lỗi thời như nhiều người vẫn nói. Trong tình trạng bất ổn và đầy sức ép của một đất nước bị chia cắt, cái nhìn của Thầy về một đạo Bụt dấn thân đã định hình, được trình bày một cách rõ ràng và mới mẻ. Thay vì đăng vào trang hai hay ba trong mục Tôn giáo hay Văn hóa thì những bài viết táo bạo của Thầy được in ở trang đầu của tờ báo với dòng chữ lớn màu đỏ: Đạo Phật qua nhận thức mới. Lấy bút hiệu Thạc Đức, Thầy đề ra một hướng đi mới cho dân chủ, tự do, nhân quyền, tôn giáo và giáo dục. Bài báo thứ mười, cũng là bài cuối trong loạt bài này, bình luận về thuyết “nhân vị” của Tổng thống Diệm[28]. Các bài báo này bán rất chạy và gây ra một cú sốc trong cả nước. Thầy Trí Quang là một trong những độc giả lúc bấy giờ, tự mình mỗi sáng đi bộ ra góc đường để mua báo và theo dõi từng bài viết. Tháng 02 năm 1957, những bài viết đó được Hội Phật học Nam Việt in thành sách Đạo Phật qua nhận thức mới với bài tựa của cư sĩ hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Mùa thu năm 1955, sau bảy năm xa Huế, Thầy trở về thăm Tổ đình Từ Hiếu  thăm Bổn sư và huynh đệ. Thầy lạy Sư Ông ba lạy rồi khoanh tay đứng hầu bên cạnh như ngày nào. Sư Ông ngồi hỏi chuyện rất lâu. Thầy mang một bức chân dung của Sư Ông được đắp bằng lụa nổi để dâng lên vị thầy khả kính của mình. Bức chân dung hiện vẫn còn trong liêu phòng của Sư tổ Thanh Quý Chân Thật. 

Sau đó Thầy đi thăm thầy Trọng Ân và chùa Báo Quốc. Các thầy và các anh em học tăng rất vui mừng và đã sắp xếp để Thầy nói chuyện với các tăng sinh một buổi. Thầy cùng với các thầy Châu Đức và Thiện Hạnh đi thăm hết mọi ngõ ngách của chùa, từ “cây nhãn thư viện” cho đến vườn chùa, sân tháp. Thầy cũng rất hạnh phúc khi được về thăm mẹ, thăm cha và em trai út. Đây là lần cuối cùng Thầy được thấy mẹ vẫn còn khỏe mạnh.

3. Vận động thống nhất nền Phật giáo Việt Nam

Ngày 01 tháng 04 năm 1956, Tổng hội Phật giáo Việt Nam khai mạc đại hội kỳ II tại chùa Phước Hòa và họp năm ngày liên tiếp tại chùa Ấn Quang. Thầy được mời làm chủ bút của nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng hội. Thầy quyết nắm lấy phương tiện và thời khắc này để thực hiện một cuộc vận động tư tưởng thống nhất nền Phật giáo Việt Nam, để gây ý thức về một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc, thúc đẩy hòa giải và ngăn chặn cuộc tranh chấp ý thức hệ giữa miền Bắc và miền Nam, cống hiến cho đất nước một cơ hội để xây dựng nền độc lập kinh tế và chính trị mới. Thầy đào sâu vào lịch sử Việt Nam để đề ra một con đường đưa đất nước thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vai trò “dấn thân” của đạo Bụt trong thời kỳ Lý – Trần từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, vốn là một nguồn cảm hứng cho Thầy từ khi còn làm điệu.

Ngay trong số đầu ra mắt, Thầy đã đăng một bài với nhan đề Hướng đi của người Phật tử Việt Nam, ký tên Dã Thảo, nói lên niềm tin vào từ bi và trí tuệ trong tự thân chính là hướng đi của người Phật tử, vượt thoát khái niệm Duy vật biện chứng pháp lẫn Duy thần. Thầy đã sử dụng hơn mười bút hiệu như Hoàng Hoa, Thạc Ðức, Nguyễn Lang, Dã Thảo, Tâm Kiên, Minh Hạnh, Phương Bối, B’su Danglu, Tuệ Uyển, Tâm Quán, Thiều Chi và Nhất Hạnh, để viết nhiều thể loại khác nhau như khảo luận, dịch thuật, hồi ký, ca dao mới, phỏng vấn, truyện ngắn, kịch, thơ… Thầy xiển dương giáo lý Duy thức và thiền Việt Nam, cũng như lễ nhạc và giáo dục của Phật giáo Việt Nam. Thầy đề nghị tổ chức lại nếp sống thanh quy của tu viện để xây dựng chúng xuất gia và đào tạo tăng tài. 

4. Mẹ mất

Cũng trong thời gian này, tình trạng sức khỏe của mẹ bắt đầu suy sụp. Thầy Thiện Tấn đưa mẹ về Đà Lạt. Thầy Giải Thích cũng đang thường trú tại chùa Linh Quang và chị Cầm cũng về với mẹ. Thầy Nhất Hạnh ngưng về lại Phật học đường Ấn Quang để được ở suốt bên mẹ. Cả bốn anh chị em cùng nhau chăm sóc mẹ trong những tháng ngày còn lại. Mẹ của Thầy qua đời vào ngày Rằm tháng Chín âm lịch năm 1956. Thầy viết trong nhật ký cũng như trong tác phẩm Bông hồng cài áo: “Tai nạn lớn nhất đã xảy ra cho tôi rồi […] Lớn cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi.”

III. Tìm một hướng đi mới

1. Sư chú Nhất Hạnh và Tiếng địch chiều thu

Mùa xuân năm 1949, sau hai năm tu học ở Phật học đường Báo Quốc, chú Phùng Xuân, lúc đó 23 tuổi, cùng các chú Tâm Cát và Đức Trạm, những thành viên của nhóm Tiếng Sóng, quyết định rời Phật học đường. Họ dự tính đi tiên phong vào Sài Gòn để học hỏi rồi báo cáo lại cho các anh em khác trong nhóm. Ba chú được nhiều huynh đệ yểm trợ, kể cả thầy Trọng Ân và thầy Thiện Tấn, tức anh kế của chú, cũng đã xuất gia làm đệ tử của thầy Trí Thủ.

Trước khi lên đường, các chú đã chọn cho mình một pháp hiệu. Chú Phùng Xuân lấy tên Nhất Hạnh, chú Đức Trạm là Chánh Hạnh, và chú Tâm Cát là Đường Hạnh. Chú Phùng Xuân đã viết một lá thư sám hối gửi về cho Sư Ông chùa Từ Hiếu. Chú hứa với thầy là chú sẽ không phụ lòng tin cậy của thầy. Chú và các anh em cũng viết một lá thư rất lễ phép cho ban giám đốc Phật học đường, thưa rõ vì sao các chú phải ra đi, với những nguyện vọng thiết tha mà đã nhiều lần được bộc bạch nhưng không được lắng nghe hay thực hiện. Ngồi trên chiếc tàu đã rời cảng Đà Nẵng, chú Phùng Xuân bị say sóng và chợt thấy nhớ nhà, nhớ chùa da diết.

Đến Sài Gòn, ba chú đi thăm các chùa và các Phật học đường. Một hôm các chú quen được thầy Trí Hữu và được thầy mời về phụ thầy Bảo Đảnh xây dựng chùa Hưng Đạo, một ngôi chùa tranh mới được thành lập ở Vườn Bà Lớn. Tại đây, trong mùa an cư đầu tiên, chú Phùng Xuân đã chép lại thành một tập khoảng 50 bài thơ và kịch thơ Tiếng địch chiều thu mà chú đã sáng tác. Quyển thơ đầu tay này sẽ được nhà xuất bản Long Giang ấn hành với tên mới của tác giả là Nhất Hạnh. Họa sĩ Lê Trung sẽ vẽ bìa và minh họa.

Tối nào đồng bào và trẻ em trong xóm cũng đến chùa Hưng Đạo tụng kinh rất đông. Các chú thành lập một đoàn thiếu nhi Phật tử và dạy cho các em thuộc lòng những bài kinh tiếng Việt như Đệ tử kính lạy hay những bài nhạc đạo như Trầm hương đốt. Vào những dịp lễ lược, nhiều chùa trong vùng đã thường xuyên mời đoàn thiếu nhi chùa Hưng Đạo đến tụng kinh và hát.

Cuối năm này, ba chú đã được phép lưu trú tại Phật học đường Giác Nguyên ở Khánh Hội để đi học Anh văn gần đó. Vị trú trì là thầy Hành Trụ vừa dịch xong Kinh Ông Bột. Thầy nhờ chú Phùng Xuân nhuận văn và viết lời tựa. Với lời đề nghị của chú, thầy đã rất hoan hỷ đổi tên sách thành Kinh Hiền Nhân.

Sau khi ở đây vài tháng, ba chú nhận một ngôi chùa ở Gia Định miền Đồng Ông Cộ, đó là chùa Lâm Hoa. Tại đây, chú Nhất Hạnh viết lại những câu chuyện trong kinh Bách dụ bằng thơ song thất lục bát. Tập Thơ Ngụ ngôn này sẽ được nhà xuất bản Đuốc Tuệ ở Hà Nội phát hành với bút hiệu Hoàng Hoa và được thầy Tố Liên, một trong những vị cao tăng đang nỗ lực chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc, viết lời tựa.

2. Chùa Ứng Quang, lớp dạy đầu tiên

Sau mùa an cư năm 1949, thầy Trí Hữu lập một am tranh lấy tên là Trí Tuệ Am. Sau khi xây được chánh điện và một tăng xá, thầy đổi tên am thành chùa Ứng Quang, nhưng mọi người lại gọi là chùa Cà Tăng, vì vách chùa làm bằng cà tăng. Chú Nhất Hạnh ở lại chùa và bắt đầu mở lớp dạy cho mười mấy điệu nhỏ xíu về văn hóa và về Phật pháp. Điệu lớn nhất khoảng mười ba tuổi, tên là Võ Thắng Tiết. Điệu này chính là thầy Từ Mẫn, giám đốc thứ hai của nhà xuất bản Lá Bối sau này. Các điệu nghịch quá nên có lần chú Nhất Hạnh đã phải dùng tới roi mây. Khi thoáng thấy vẻ mặt Thắng Tiết không vui, chú rất hối hận và từ đó, chú không bao giờ dùng đến roi mây nữa. Chùa Ứng Quang nhanh chóng trở thành một Phật học đường nhỏ với một lớp giảng kinh cho tăng sinh trẻ tuổi từ các chùa lân cận.

Chùa Ứng Quang được thành lập chưa được bao lâu thì trở thành Phật học đường Nam Việt. Thầy Nhật Liên, tổng thư ký của Phật học đường đề nghị đổi tên thành chùa Ấn Quang. Chú Nhất Hạnh bắt đầu giảng dạy về Phật giáo sử. Chính tại nơi đây, thi sĩ Trụ Vũ đã tìm đến chú sau khi đọc tập thơ Tiếng địch chiều thu và tình bạn giữa hai người bắt đầu từ đó. Là giáo thọ trẻ nhất của Phật học đường, chú hết lòng chăm sóc và dạy dỗ các học tăng trẻ. Cũng như thầy Trọng Ân đã từng luôn gọi các chú là em và tự xưng mình là anh, tại Ấn Quang, chú Nhất Hạnh cũng xưng hô anh em với các chú Trí Không, Thanh Hương, Thanh Hiện, Thanh Văn, Long Nguyệt, Viên Hạnh, Thắng Hoan, Từ Mẫn, Thiện Tánh, Minh Cảnh, Minh Thành, Như Huệ, Như Trạm… Trong phòng chú không có những dĩa lê táo do các bổn đạo cúng dường nhưng lúc nào cũng rất đông các học tăng trẻ. Thầy trò tu học bên nhau trong tình huynh đệ, không hề có một chút khoảng cách.

3. Những hoạt động tại Đà Lạt

Vừa giảng dạy, chú Nhất Hạnh vừa nghiên cứu về Nhân minh luận để viết cuốn Đông phương luận lý học. Đây là cuốn sách đầu tiên của chú về Phật học được nhà xuất bản Hương Quê ấn hành, vào mùa xuân năm 1950.

Trong những tháng qua, chú đã đọc nhiều sách báo như những tác phẩm Introduction à la Philosophie, hay Duy thức nghiên cứu của Lữ Trưng viết bằng văn bạch thoại mà học giả Châu Tự Ca viết bài tựa. Gia nhập kháng chiến hay tiếp tục con đường xuất gia, đó là một câu hỏi lớn nằm sâu trong tim chú qua bao nhiêu năm tháng. Nhờ đã thừa hưởng được tuệ giác từ các bậc đàn anh, về phương diện kinh nghiệm cũng như về phương diện phán đoán, chú quyết định tiếp tục trên con đường xuất gia. Và chú biết chú phải cố gắng hết lòng mới mong phát giác ra được trong đạo Bụt những gì mà chú đã quyết chí đi tìm từ khi mới bước chân vào chùa.

Cuối năm 1950, chú cùng thầy Thiện Minh viếng thăm Đà Lạt. Theo lời mời, chú ở lại chùa Linh Sơn dạy các điệu và giúp chăm sóc tờ báo Hướng Thiện. Chú có mang theo bản thảo tập thơ Xuân vàng gồm những bài được làm theo thể “tự do” và một kịch thơ Xuân ly loạn mà chú đã chuẩn bị cho nhà xuất bản Long Giang ấn hành. Sau khi đọc xong bản thảo, thầy Thiện Minh cứ ngâm nga mãi bài Nhớ mùa xuân cũ và đề nghị đổi tên tập thơ thành Ánh xuân vàng. Lúc bấy giờ, Phó hội trưởng của tỉnh hội Phật giáo là nhà thơ Nguyễn Vỹ, ông đã đọc được Tiếng địch chiều thu của chú và hết lòng khen ngợi tập thơ trên tờ báo của ông. Bác Thiện Thắng Huỳnh Văn Trọng cũng đọc được tập thơ và đã tìm đến chú. Không lâu sau đó, bác Thiện Thắng và chú cùng nhau thành lập nhóm Phật giáo Thiện Hữu với sự yểm trợ của nhóm trí thức Đà Lạt. Đây là tên mà chú dịch ra từ Les Amis du Bouddhisme, hội Phật giáo ở Pháp. Hội này phát hành tờ báo La Pensée Bouddhique mà chú đã đọc hết tất cả các số. Tờ báo cung cấp một nguồn nghiên cứu nghiêm túc, có tính hàn lâm và rất phong phú về đạo Bụt. Chú muốn một tờ báo có giá trị tương đương ở Việt Nam và chú đề nghị sẽ biến tờ báo Hướng Thiện thành tạp chí khổ nhỏ với cái tên mới là Liên Hoa. Liên Hoa cũng lấy nguồn cảm hứng từ Le Lotus Bleu, một tờ báo xuất bản tại Pháp, rất mới và rất trong sáng, với hình bông sen trắng in trên nền trời xanh. Bác Thiện Thắng đứng tên chủ nhiệm, chú Nhất Hạnh đứng tên chủ bút.

Qua mùa xuân năm 1951, tại chùa Linh Sơn Đà Lạt, chú được gặp thầy Tố Liên và cư sĩ Viên Quang, quản lý nhà in Đuốc Tuệ. Cả hai đều rất ngạc nhiên khi biết tác giả của tác phẩm Thơ Ngụ ngôn là một sư chú trẻ. Thầy Tố Liên đã từng đề tựa cho tập thơ của chú như thế này: “Bạn Hoàng Hoa có lẽ cũng đã va chạm với rất nhiều bức tường xuẩn động manh tòng của người đời giữa đường trần lao khổ ải rồi mới chịu quay đầu về rừng Thiền để thu hút lấy khí vị tinh anh của những đóa hoa Ưu Bát và mới có nổi một bầu thanh tâm thanh khí mà rèn luyện nên cái tác phẩm vô giá này để đem cống hiến cho các bạn…”  

4. Sám nguyện: Đệ tử chúng con từ vô thỉ…

Trước khi trở lại Sài Gòn, chú ghé thăm Nha Trang. Tại đây, chú gặp thầy Tương Ưng trú trì chùa Phước Hải. Thầy mời chú ở lại an cư với thầy và dạy các điệu trong chùa. Ngoài việc dạy dỗ, chú viết cuốn Gia đình tin Phật. Đây là cuốn sách giáo lý phổ thông đầu tiên mà chú viết, với những đề tài thực tế như đức tin, ăn chay, đi chùa, sám hối, học hỏi và tụng niệm. Chú muốn đem đạo Bụt áp dụng ngay vào đời sống hàng ngày của gia đình: cách thực tập của cha mẹ, con cái, vai trò của người cha, người mẹ và người con lớn trong gia đình. Chú đã đề nghị một nghi thức tụng niệm thuần bằng quốc văn. Chú trình bày bài Sám nguyện mà chú đã sáng tác tại chùa Linh Sơn Đà Lạt:

Đệ tử chúng con từ vô thỉ

Gây bao nghiệp chướng bởi lầm mê

Đắm trong sinh tử đã bao lần

Nay đến trước đài Vô thượng giác…”

Bài này sau đó được đưa vào Nghi thức tụng niệm của Tổng hội Phật giáo và đến nay vẫn còn phổ biến.

Sau mùa an cư, thầy Đức Phong, học trò lớn của thầy Trí Thủ, và chú Thiện Tấn, anh ruột của chú, từ Huế vào thăm. Hai thầy cho biết Phật Học đường Báo Quốc đã thay đổi rất nhiều. Trong chương trình có thêm các lớp sinh ngữ, triết học và khoa học. Thầy Đức Phong muốn đi biển hóng gió và chú Nhất Hạnh đề nghị thuê xe đạp để đi. Ba huynh đệ đạp thật khoan thai thành một hàng dài để giữ uy nghi của người xuất gia. Cư sĩ hai bên phố rất ngạc nhiên. Đó là ba thầy tu Việt Nam đầu tiên đi xe đạp.

Về lại Sài Gòn, chú Nhất Hạnh, chú Thiện Tấn ở lại với các chú Đường Hạnh và Chánh Hạnh tại tịnh thất Pháp Hải, một tịnh thất bằng tranh miền Gia Định. Các chú bàn bạc với nhau và đồng ý rằng họ cần học thêm khoa học, văn chương và triết học để có được những kiến thức cần thiết cho sự hành đạo sau này. Tháng Chín năm đó các chú là những người xuất gia hiếm hoi dám ghi tên học toán, lý, hóa và văn học tại một trường tư thục vùng Tân Định. Những môn khác các chú tự học lấy. Các chú biết rằng những môn học này có thể giúp họ làm cho sự thực tập đạo Bụt gần gũi với đời sống, họ sẽ nói được ngôn ngữ của thời đại để giảng bày giáo lý của Bụt theo cách mà mọi người có thể hiểu được. Chú Thiện Tấn và chú Nhất Hạnh học chương trình Pháp và môn học mà chú Nhất Hạnh thích nhất là văn học sử Pháp. Chú đã thuộc lòng nhiều bài thơ của các thi sĩ Pháp nổi tiếng, trong đó có Lamartine, Victor Hugo, Alfred de Musset, Alfred Alphonse Daudet. Chú rất thích các tác phẩm Lettres de mon MoulinLe Petit Chose của Alphonse Daudet. Chú làm những bài luận văn về Molière, Racine và Corneille với nhiều sự thích thú và thường được điểm cao.

5. Thọ Giới lớn

Tháng 10 năm 1951, thầy Đôn Hậu từ Huế vào và được Thầy Nhật Liên cung thỉnh làm Hòa thượng Truyền Giới trong Đại giới đàn Ấn Quang. Chú Nhất Hạnh được Sư Ông cho phép thọ giới Tỳ kheo trong dịp này cùng với các chú Đường Hạnh và Chánh Hạnh.

Vào cuối năm ấy, thầy Đức Thiệu, một đệ tử lớn của thầy Trí Thủ mời thầy Nhất Hạnh lên Cầu Đất để mở một khóa giáo lý mười lăm ngày tại chùa Viên Giác. Lớp học bắt đầu mỗi buổi tối sau giờ cơm chiều cho khoảng chừng ba mươi học viên mà đa số là người trẻ. Thầy đặt pháp danh cho tất cả các học viên bên nam bắt đầu bằng chữ Đức và bên nữ bắt đầu bằng chữ Phương. Có cô bé Phương Nguyên sau này trở thành Ni trưởng Như Lý, trú trì chùa Long Hoa tỉnh Long An. Cuối khóa, mỗi học viên đều viết một bài để in thành văn tập kỷ niệm xuất bản trên tạp chí Liên Hoa mà Thầy làm chủ bút.

Thấy các người trẻ ở đây có nhiều năng khiếu về kịch nghệ, mỗi chiều, Thầy tập cho họ diễn vở kịch Cậu Đồng mà Thầy đã phóng tác từ vở kịch Le Tartuffe của Molière, một đại thi hào Pháp thế kỷ 17. Họ sẽ trình diễn vở kịch này trong dịp Tết để gây quỹ Gia đình Phật tử Cầu Đất. Bên cạnh đó Thầy còn viết thêm vở kịch Quán bên sông để tập cho nhóm người trẻ này.

Sau Tết, Thầy về lại tịnh xá Pháp Hải ở Sài Gòn để tiếp tục đi học. Sinh hoạt tại đây rất có đạo vị và ấm cúng. Tuy nhiên, vì không tổ chức lễ lược và cúng kiếng nên các thầy không có bổn đạo cúng dường. Mỗi ba tháng, Thầy được nhận tiền phụ cấp từ tòa soạn Liên Hoa vì là chủ bút. Thầy rất hãnh diện nhưng số tiền không đủ để trả tiền học và tiền ăn. Rốt cuộc thì tịnh xá Pháp Hải phải giải tán.

Hai thầy Thiện Tấn và Nhất Hạnh dọn về chùa Long Vĩnh ở Phú Nhuận của thầy Quảng Đức. Tại đây, thầy Nhất Hạnh đã viết cuốn Là Phật tử, một cuốn sách nhằm thỏa mãn nhu yếu của một người Phật tử trẻ, hiện đại, trí thức. Bác sĩ Hoàng Mộng Lương sau này đã khen rằng cuốn ấy còn thực dụng và hay hơn cuốn Le Dhamma du Bouddha của Jagdish Kasyapa nữa. Thầy Quảng Đức rất ngọt ngào và rất thương hai thầy trẻ. Khi thầy có mặt ở chùa thì ai cũng được ăn no và ăn ngon. Nhưng thầy thường xuyên vắng mặt và nhiều khi trong chùa hết gạo. Các thầy có nhiều hôm đói bụng, đạp xe đến trường không nổi. Một hôm từ chùa Ấn Quang đến nhà xuất bản Long Giang về, Thầy vừa đói vừa sốt. Số tiền trong túi chỉ còn đủ mua cháo nên Thầy liền ghé quán chay Tín Nghĩa để mua một tô cháo dùng cho đỡ đói. Khi cho tiêu vào tô, vì tay Thầy run quá nên đã lỡ rắc luôn cả hủ tiêu vào tô cháo. Không thể dùng được vì quá cay, tiền trong túi cũng hết nên cuối cùng Thầy đành để bụng đói ra về.

Thế là hai thầy lại dời qua chùa Phước Hòa, trụ sở của Hội Phật học Nam Việt. Tháng 09 năm 1952, ông Hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã đề cử Thầy điều hợp đại lễ cung nghinh xá lợi Phật từ Tích Lan. Có hàng trăm ngàn người khắp cả nước đến chiêm ngưỡng và lễ bái suốt một tuần. Ông cũng mời Thầy thuyết pháp nhiều lần sau đó. Có một lần Thầy giảng liên tiếp trong hai tuần lễ về đề tài Chỉ và Quán. Bài giảng được đánh máy và in trên tạp chí Từ Quang. Hội Phật học Nam Việt sau đó tập hợp và in thành cuốn Chỉ Quán yếu lược vào năm 1955. Họa sĩ Lê Vinh ở Đà Lạt vẽ một vòng tròn màu đỏ chói rất hùng tráng cho bìa sách. Đây là tác phẩm thiền đầu tay của Thầy.

6. Trường trung học và tiểu học Tuệ Quang

Lấy được bằng tú tài, Thầy và thầy Thiện Tấn trở lại Đà Lạt để thành lập trường trung học và tiểu học Tuệ Quang tại chùa Linh Quang. Đây là ngôi trường tư thục đầu tiên của Phật giáo do các vị xuất gia phụ trách[15]. Hiểu được nỗi khó khăn của người xuất gia trẻ muốn được học nhưng không có chỗ cư trú, cơm ăn và tiền đóng học phí, Thầy và thầy Thiện Tấn hỗ trợ mọi điều kiện để các sư cô, sư chú có được một môi trường tu học an ổn. Các chùa trên cao nguyên đều có gửi các điệu về tu học. Trường cũng xây thêm cư xá nội trú cho các nữ sinh và nam sinh từ Sài Gòn và Nha Trang về học. Trong chương trình đào tạo của trường Tuệ Quang có các môn về khoa học và cả tiếng Pháp. Thầy mời các thầy Quang Phú và Huệ Hưng, những thầy có căn bản Phật pháp rất thâm sâu, về dạy nội điển cho các sư cô và sư chú. Tất cả các giáo sư đều có lương tháng, kể cả các vị xuất gia.

Đầu mùa thu 1953, hai thầy Thiện Hòa và Thiện Hoa mời Thầy về lại Phật học đường Ấn Quang để giúp việc dạy dỗ cho học tăng nội trú, nhất là lớp trung học. Thầy phụ trách lớp Lịch sử Phật giáo. Trong khoảng thời gian này, Thầy gặp thầy Thanh Từ mới đến từ Trà Ôn. Thầy trao cho thầy Thanh Từ xem một số thi kệ của các thiền sư đời Lý, Trần mà Thầy đã dịch ra tiếng Việt. Hai thầy thường bàn với nhau về cách phục hưng lại thiền học Việt Nam. Các thầy Quảng Liên, Huyền Dung, Nhật Liên và Quảng Minh đã đi du học, chỉ còn lại hai thầy Thiện Hòa và Thiện Hoa trong Ban giám đốc Phật Học đường. Bắt đầu từ đây, Thầy phải chia thời gian của mình ra cho hai nơi là Đà Lạt và Sài Gòn.

Thầy đã bỏ hết tâm sức để chăm sóc các sư cô, sư chú ở Tuệ Quang và Ấn Quang. Cả hai nơi đều là chỗ nương náu cho nhiều người tu trẻ với không khí ấm cúng và tươi vui. Tại Đà Lạt, ngoài việc tu và học, Thầy còn sắp đặt để các thầy và các sư chú phụ trách đều đặn những buổi phát thanh hằng tuần của Phật giáo trên đài phát thanh Đà Lạt. Học sinh Tuệ Quang đã lên phát thanh nhiều bài nhạc Phật giáo. Các sách như Gia đình tin Phật, Là Phật tử, và các bài báo trong Hướng ThiệnLiên Hoa cũng đã được trích đọc trên đó. Đài phát thanh Phật giáo Đà Lạt được khen là có phẩm chất và có tính cách thực dụng.

Tại Ấn Quang, có một điều đổi mới là thỉnh thoảng các học tăng được cùng nhau đi cắm trại hoặc đi nghỉ mát vài ngày. Có lần các học tăng được đi chơi biển Vũng Tàu, họ đem theo một nồi cà ri để ăn trưa. Xe rồ máy thì có một học tăng chạy ra trễ, vội vàng leo lên xe và làm rớt đâu mất một chiếc dép mà kiếm hoài không ra. Học tăng sau khi tắm biển và thiền hành, đã tổ chức pháp đàm trên bãi cát. Giờ ăn trưa rất vui. Nồi cà ri ngon và thơm phức, nhưng đến khi gần hết, các sư chú mới tìm ra được chiếc dép thất lạc trước đó nằm dưới đáy nồi!

II. Những năm đầu tu học ở Huế

1. Điệu Sung

Điệu Sung cảm thấy rất hạnh phúc trong thời gian làm điệu[6]. Chú tắm mình trong cảnh trí thiền môn với những điệu kinh trầm hùng của những buổi công phu sớm tối. Chỉ hai tuần lễ sau ngày xuống tóc, chú đã học thuộc lòng thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Hai tuần sau đó, chú thuộc luôn cả hai thời công phu. Người bạn mới quen và rất hạp tánh với điệu Sung là điệu Lộc. Điệu Lộc nhỏ hơn điệu Sung gần bốn tuổi nhưng vào chùa trước chú ba năm nên chuyện gì cũng biết để chỉ bày cho chú. Chú học chấp tác mọi công việc trong chùa như gánh nước, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, trồng khoai, trồng sắn, gọt mít, chăn bò, bứt bổi, trải chuồng bò với lá bổi, ủ phân xanh, kiếm củi, nấu ăn… Chính trong khi chăn bò, chú học thuộc bốn cuốn Luật tiểu nên vốn liếng chữ Hán của chú khá lên nhanh chóng. Chú còn được học thêm Hán văn với Thầy Quang Diệp. Thầy viết chữ Hán rất đẹp và bảo các điệu đóng vở để tập viết chữ lớn. Thầy dùng mực son để chấm bài. Những chữ nào điệu Sung viết đẹp thì được Thầy khen bằng những nét son sổ dọc theo hàng.

Điệu Lộc là đệ tử của thầy Quang Diệp. Thầy Quang Diệp và sư cô Diệu Trí là đệ tử của Sư Ông Huệ Minh, sư huynh của Sư Ông Từ Hiếu. Sư cô Diệu Trí đang trông coi chùa Diệu Nghiêm gần chùa Từ Hiếu, thuộc đất chùa Tổ. Sư cô Diệu Trí rất thương điệu Sung. Sư cô bảo chú lượm những cành thông già, làm thành những bó củi và tìm người nhờ bán giúp chú để lấy tiền mua giấy, bút, mực hay bàn chải đánh răng chia cho các chú khác. Đánh răng bằng bàn chải thời bấy giờ là một hiện tượng lạ, bình thường mọi người dùng xác cau để đánh răng. Các điệu thấy chú đánh răng với bàn chải cũng bắt chước. Thầy Chánh Kiến không vui lắm, nhưng sau đó, thầy cũng bắt đầu đánh răng bằng bàn chải. Giữ bò chừng sáu tháng, điệu Sung được làm thị giả cho Hòa thượng Bổn sư.

Khoảng thời gian làm thị giả cho Sư Ông Từ Hiếu là những tháng ngày hạnh phúc sâu sắc của chú. Chú được Bổn sư dạy cách hầu Thầy, cách đóng cửa có chánh niệm, cách pha trà với hoa mộc hái trong vườn chùa, cách nướng măng hay nấu canh khoai me đất… Trời nóng mà thời canh me đất nấu với khoai lang rất mát và ngon miệng lắm. Chú thường theo sau Sư Ông vào những giờ chúng tăng chấp tác. Chú học cách Sư Ông giám sát công việc, lúc cho ý kiến hay đơn giản chỉ là có mặt với mọi người một cách hoan hỷ. Có hôm chú theo Sư Ông đi hái măng cán giáo, hay cùng Sư Ông lên đồi hái nấm thông, nấm mào gà đem về cho dì Tư nấu. Sư Ông không bao giờ la rầy đệ tử, ngay cả những lúc điệu Sung lầm lỗi. Mỗi lần được Sư Ông nhắc, điệu Sung ghi nhớ và không bao giờ lập lại lỗi lầm đó. Một hôm, chú đóng cửa mạnh và gây tiếng động, Sư Ông gọi chú lại rồi dạy chú trở ra và đóng cửa lại thêm một lần nữa. Từ đó trở đi, chú luôn luôn đóng cửa nhẹ nhàng trong chánh niệm.    

Lần khác, chú dọn cơm mà quên dọn đũa. Sư Ông đã dùng chiếc muỗng múc canh để thời hết bữa cơm mà chú không hề hay biết mặc dù chú đang đứng hầu ngay sau lưng Sư Ông. Để tranh thủ thì giờ, chú hay đứng khoanh tay ôn bài hay đọc báo Viên Âm. Hôm đó thời cơm xong, Sư Ông dạy chú ra vườn đốn một cây tre. Chú vâng lời và ngây thơ hỏi Sư Ông đốn tre để làm chi. Sư Ông trả lời rằng để vót thêm đũa. Chú nhìn lại mâm cơm và phát hiện mâm cơm thiếu đũa. Từ đó, điệu Sung không bao giờ dám quên dọn đũa trên mâm cơm, cũng không bao giờ học bài hay đọc báo trong lúc hầu thầy dùng bữa.

Một lần chú được theo Sư Ông đến thăm Hòa thượng Phước Huệ, trú trì chùa Hải Đức. Chú nhìn thấy một vị thiền sư đang ngồi thật thẳng, tự tại trên sập gỗ, trong lòng chú phát lên một lời nguyện là sẽ thực tập để có thể ngồi được như vậy.

Điệu Sung rất thích được phụ thầy Giải Thích in thêm Thiền môn Nhật tụng từ những mộc bản được tàng trữ trên gác của lầu trống trong chùa Từ Hiếu[10]. Bản gỗ được đặt dưới đất bên hiên chánh điện, mặt có chữ nằm lên trên. Thầy Giải Thích phết mực lên mặt chữ bằng một cái chổi nhỏ, rồi đặt lên đó một tờ giấy bản  thật ngay ngắn. Tiếp theo, Thầy dùng một chiếc lá mít để xoa lên giấy, ép giấy xuống mặt chữ để giấy ăn mực thật đều. Khi lấy tờ giấy lên, tất cả những hàng chữ nhỏ đã được in vào giấy rất đẹp và rõ ràng. Thầy Giải Thích lại quét mực lên để in thêm bản thứ hai. Cứ như thế, điệu Sung phụ Thầy in từ trang này tới trang khác. In xong mười cuốn, điệu giúp Thầy sắp các bản gỗ theo đúng thứ tự các trang trở lại lên gác của lầu trống. Được tu chung với anh Nho, lại được phụ anh in kinh, điệu Sung rất hạnh phúc và luôn trân quý những khoảnh khắc này. Trong chùa, ai cũng thương điệu Sung. Dì Tư, người lo việc bếp núc trong chùa, thường nhờ chú hái và gọt mít để dì nấu canh, kho hay làm món trộn. Chú gọt mít rất khéo. Ngồi trên bậc cấp ở hồ bán nguyệt, hai chân nhúng trong nước, chú đặt trái mít trong nước rồi gọt. Mủ mít sẽ trôi trong nước mà không dính vào trái mít hay vào dao. Một hôm cũng tại hồ bán nguyệt, chú đang ngồi nhổ cỏ thì thấy một cư sĩ nam đi ngang qua. Đi quá chú chừng mười bước, ông quay trở lại và đến bên chú. Nhìn cách ông ăn mặc, chú biết ông là nhà giàu. Ông chắp tay nhờ chú niệm Phật cầu nguyện cho con của ông đang bệnh nặng. Nói chuyện với chú xong, ông bước đi tiếp về phía chánh điện, chắc để gặp Sư Ông. Chú tiếp tục nhổ cỏ, vừa nhổ vừa niệm Phật cầu nguyện. Trong khung cảnh yên bình, chú biết ngoài kia, có nhiều người khổ lắm, kể cả người giàu.

​Điệu Sung rất thích nghe giọng xướng tán của thầy Quang Diệp và thầy Chánh Kiến. Mỗi khi hai thầy cùng xướng tán bài Tọa bồ đề tọa, điệu Sung lắng nghe một cách say sưa. Tiếng tang mõ hòa vào nhau nhịp nhàng nghe hay quá! Điệu Sung và các chú khác cứ theo đó mà tập mỗi ngày cho đến khi làm được. Chưa đầy một năm điệu Sung đã biết tán xấp, tán rơi. Chú cũng học xong bốn cuốn Luật tiểu và tất cả các thời kinh nhật tụng. Chú bắt đầu học Phật pháp căn bản theo các sách Phật giáo khái luậnPhật giáo yếu lược, những tác phẩm dịch thuật của thầy Mật Thể. Chú được đọc ké nhiều bộ sách từ thầy Giải Thích, trong đó có các sách của Phật học tùng thư do ông Đoàn Trung Còn chủ trương. Đặc biệt, chú rất thích đọc loạt bài Kết sinh tương tục luận của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, những bài viết về Duy thức học của Phạm Hữu Bính, hay những bài Pháp văn như La Pratique de la méditation. Những bài này được in trong những số Viên Âm do đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục trông nom với văn phong rất mới và trẻ. Tờ Giải Thoát với hàng chữ Cơ quan nghiên cứu và áp dụng đạo Phật vào đời sống mới cũng đặc biệt thu hút chú. Chú chơi hòa đồng với các điệu khác và thường giúp các bạn đồng tu hiểu được một cách dễ dàng các câu kinh bằng cách giải thích đơn giản của chú. 

Một hôm thầy Quang Diệp cho biết điệu Sung sẽ được thọ giới sa di vào ngày rằm tháng Chín sắp tới. Chú mừng lắm và viết thư báo tin cho gia đình. Nhưng thời gian chú thọ giới cũng là thời gian gia đình tổ chức đám cưới cho chị Cầm, chị gái duy nhất của chú, vì vậy bố mẹ không vào dự lễ thọ giới của chú được. Mặc dù chú rất hạnh phúc khi được cùng anh tu tập nhưng thỉnh thoảng chú cũng nhớ nhà lắm. Có hôm ngang qua hàng rào chè tàu xuống hồ bán nguyệt, chú thấy nhớ mẹ, nước mắt chú ứa ra, nhưng chú đã cầm được những dòng nước mắt nhớ nhung ấy.

Điệu Sung định viết thư về nhà xin tiền để mua vải may y và nấu xôi chè cúng dường đại chúng vào ngày chú thọ giới, nhưng sư cô Diệu Trí bảo rằng mình đi tu đã không giúp được gì cho gia đình về tài chánh thì không nên xin tiền của gia đình. Sư cô tự xoay sở và lo cho chú. Từ khi xuống tóc, điệu Sung chỉ được mặc áo năm thân, giờ công phu mới được mặc áo tràng, một chiếc áo tràng chung cho các điệu. Sư cô Diệu Trí cũng hứa may cho chú một chiếc áo nhật bình nâu. Chú thích áo nhật bình còn hơn cả áo tràng vì chỉ có người xuất gia mới được mặc áo nhật bình. Áo nhật bình mặc rất gọn và dễ thương.

Trước ngày điệu Sung thọ giới, sau buổi công phu chiều, các điệu thấy Sư Ông ngồi nghiêm chỉnh trên bộ phản có kê hộp tợ, mắt đeo kính, đang chú tâm khâu một chiếc áo cũ. Điệu Lộc đến xin Sư Ông để dì Tư khâu giúp Sư Ông. Sư Ông ngẩng lên nhìn chú rồi nói rằng Sư Ông muốn tự tay chuẩn bị một món quà cho điệu Sung. Điệu Sung đứng đó rất cảm động.

​​

​​

2. Sư chú Phùng Xuân

Rằm tháng 09 năm 1945, điệu Sung được thọ giới sa di với pháp danh Trừng Quang (澄), nghĩa là ánh sáng lắng yên, tĩnh lặng, và pháp tự Phùng Xuân (逢春), nghĩa là đi gặp mùa xuân. Chú chính thức thuộc vào thế hệ thứ 42 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 8 của phái Liễu Quán. Một hôm sau buổi công phu khuya, nhìn ra cửa chánh điện, chú thấy ánh trăng lung linh đang chiếu xuống hồ bán nguyệt. Chú cảm thấy tâm bồ đề soi sáng cả cõi lòng và chú đã viết bằng bút chì lên cây cột ngay gần đó dòng chữ Hán: “眾 生 無 邊 誓 願 渡” (Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ).

Một năm sau (1946), cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ. Mặt trận kháng chiến ở Huế tan vỡ. Dân chúng và tất cả mọi người trong chùa được lệnh tản cư và chỉ để lại vườn không nhà trống. Mọi người tưởng rằng đi tản cư khoảng vài tuần lễ nên chỉ đem theo một số ít lương thực và hai chai nước tương. Nhưng rồi chuyến đi đã kéo dài nhiều tháng. Chai nước tương thứ nhất đã hết. Mỗi lần chai nước tương thứ hai cạn tới nửa, chú Phùng Xuân lại nấu nước muối đổ vào cho đầy. Bấy giờ nước tương không còn vị tương nữa mà chỉ còn là nước muối. Mọi người ăn ít lại. Mỗi ngày, chú Phùng Xuân hái đủ loại rau dại ngoài ruộng để nấu cho đại chúng.

Rốt cuộc quân đội Pháp đã chiếm đóng thành phố Huế và quân kháng chiến rút hết về những vùng chiến khu. Mọi người được hồi cư.   

Khi thầy Trí Thủ tái lập Phật học đường tại chùa Báo Quốc với cương vị giám đốc, Sư Ông cho phép chú Phùng Xuân ra tùng học tại đây. Chú được ghi tên vào lớp tiểu học. Thấy chú học khá, thầy Trí Thủ xếp cho chú lên học lớp của thầy đang dạy và một số những buổi học khác của lớp trung học, trong đó có lớp Quốc văn do anh Võ Đình Cường phụ trách. Ngoài những lớp học kinh điển, chú còn được học thiền qua tác phẩm Tu tập Chỉ Quán tọa thiền pháp yếu của thiền sư Trí Giả, sơ tổ tông Thiên Thai, Trung Hoa. Trong các giáo sư của chú có những vị còn rất trẻ như thầy Trọng Ân, một người thường gần gũi, thương và nâng đỡ học tăng trẻ. Thầy Trọng Ân cũng là thi sĩ với bút hiệu Trúc Diệp.

Từ năm 12 tuổi, chú Phùng Xuân đã bắt đầu làm thơ và có đưa anh Nho xem. Trong khung cảnh huyền diệu ở chùa Từ Hiếu khiến chú không thể không trở thành thi sĩ. Thỉnh thoảng chú đưa những bài thơ mà chú vừa sáng tác cho thầy Trọng Ân xem. Cũng như anh Nho, thầy thường tỏ lời khen ngợi và khuyến khích chú tiếp tục sáng tác. Chú cũng thường xuyên được vào phương trượng hầu Hòa thượng Phước Hậu để được nghe kể chuyện và đọc thơ. Ngài là Tăng cương chùa Báo Quốc và cũng là một thiền sư thi sĩ. Hòa thượng có dạy cho chú cách niệm Bụt A Di Đà: Bụt nào cũng là Bụt A Di Đà. Niệm Bụt A Di Đà là niệm tất cả các Bụt. Chú cũng rất mến mộ thầy Mật Thể qua các tác phẩm Cải tổ Sơn môn HuếXuân đạo lý. Theo thầy Mật Thể, đạo Bụt có thể đem lại một “mùa xuân mới” cho đất nước, có thể mở một con đường thoát cho nhân loại.

Từ khi quân đội Pháp trở lại và chiến tranh Việt Pháp bùng nổ cuối năm 1946, tình trạng đất nước càng thêm tang thương. Tại Phật học đường, chú Phùng Xuân và các huynh đệ như các chú Đồng Bổn, Châu Toàn, Châu Đức, Tâm Thường, Tánh Huyền, Thiện Hạnh, Trí Không, Tâm Cát, Chơn Trí, Mãn Giác, Đức Trạm, Thiên Ân, Đức Tâm, v.v. ai cũng muốn đóng góp ít nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều bạn học của chú đã bị bắn chết và các huynh đệ đã bí mật tổ chức lễ cầu siêu. Họ sống và tu học với nhau, cùng chung một thao thức, một lý tưởng, họ thương nhau còn hơn anh em ruột.

Họ sống và tu học, chơi đùa, vui buồn có nhau. Các học tăng thời đó rất thích đọc tiểu thuyết. Vì nội quy của Phật học đường không cho phép nên các chú đã tổ chức một “thư viện chui” trên cây nhãn trước sân chùa, trong đó có những tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Quý Ôn và các thầy thường qua lại nơi cây nhãn nhưng chưa bao giờ phát hiện ra thư viện trên cây. Một hôm có ba chú không chịu đi công phu, ở ngoài lượm đá ném rào rào trên những cây nhãn để trái nhãn rụng xuống. Thật ra không phải các chú thèm nhưng tại kỷ luật của Phật học đường rất nghiêm khắc nên các chú có cảm tưởng họ là nạn nhân trong không khí đó, họ không có tự do. Và ba chú muốn chứng tỏ, một lần và một lần thôi rằng họ có khả năng vi phạm kỷ luật nên cố ý ném đá để cho vị giám niệm biết mà ra bắt. Sáng hôm sau ba chú được kêu vào và bị phạt quỳ nhang. Ba chú quỳ ba nơi. Chú Phùng Xuân quỳ nơi thư viện và thầy Hoàng Thơ, một giáo thọ trẻ viết chữ Hán rất đẹp, đi ngang qua thấy chú quỳ và hỏi “sướng chưa chú?” và chú Phùng Xuân trả lời “dạ bạch thầy, sướng!”. 

Chú Phùng Xuân được phép về chùa mỗi tháng hai lần. Mỗi lần về chùa chú đều dành thì giờ để chăm sóc từng điệu trong việc học hành. Sư Ông và các thầy lớn rất vui và rất bằng lòng về chú. Tuy vậy, chú cảm thấy xấu hổ và bất an. Chú còn quá nhiều thắc mắc về con đường chú đang theo. Chú thấy những gì chú đang học và đang thực tập không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của tự thân và của tình trạng đất nước. Chú vừa thương đạo vừa thương nước. Tuy nhiên, chú chưa tìm ra được con đường. Con đường kháng chiến với máu xương và căm thù không thích hợp với chú[12]. Con đường tu học tách rời ra khỏi những thực tại khổ đau của đất nước cũng không làm chú thỏa mãn. Có lần chú đã tâm sự những băn khoăn của mình với thầy Trọng Ân. Thầy trầm ngâm và nói rằng chính thầy cũng chưa tìm ra được cái mà chú muốn tìm. Tuy vậy, trong thâm tâm, chú vẫn tin rằng nếu đạo Bụt có sự đổi mới và phục hồi lại những giáo lý cũng như những thực tập cốt tủy thì có khả năng giúp làm vơi bớt khổ đau trong xã hội, góp phần vào việc khôi phục hòa bình, độc lập và thịnh vượng cho dân tộc, như ông cha ta đã từng làm được trong các thời đại Lý Trần.

3. Tiếng Sóng

Chú Phùng Xuân và các huynh đệ học tăng tại chùa Báo Quốc đã thành lập tờ nội san viết tay có tên là Hoa Sen. Các sư cô của Ni viện Diệu Đức mượn đọc với rất nhiều cảm hứng và sau đó cũng làm một tờ khác, gọi là Hoa Khai. Nhận thấy nội dung của tờ báo mang nặng tính lý thuyết, chú và các bạn đã lập một tờ báo khác, một tờ báo có thể nói được chí hướng và con đường của họ trong tình trạng đau thương của đất nước, đầy chiến tranh và tang tóc. Ở Trung Hoa, trong tạp chí Hải Triều Âm, thầy Thái Hư viết nhiều bài Phật pháp rất hay và rất hợp với thời đại. Chú Phùng Xuân đề nghị đặt một cái tên thật Việt Nam như Tiếng Sóng. Các bạn đồng ý và đề cử chú làm trưởng ban biên tập. Tiếng Sóng rất được hoan nghênh và các bạn gởi bài đăng thật nhiều. Thầy Trọng Ân cũng yểm trợ ban biên tập hết lòng. Nhưng Tiếng Sóng đã bị đình bản vì những tư tưởng được trình bày trong đó quá cấp tiến và táo bạo[14].

Những tờ báo Phật học cấp tiến, đặc biệt là tờ Tiến Hóa đã rất thu hút chú Phùng Xuân. Chủ trương của báo Tiến Hóa là phải hành động mà đừng nói lý thuyết suông. Tuệ giác của đạo Bụt cần được hiện đại hóa. Báo Tiến Hóa đăng các bài viết nói về sự quan trọng của việc nghiên cứu khoa học, xã hội và kinh tế để hiểu gốc rễ thực sự của nghèo khổ, áp bức và chiến tranh, để có thể diệt trừ tận gốc những nguyên nhân ấy mà không chỉ có tụng niệm và cầu nguyện.

Chú Phùng Xuân tin rằng ngoài kia có một khung trời rộng để học hỏi và khám phá, để tìm ra được con đường đáp ứng lại những nhu yếu sâu kín trong trái tim mình.