Tình huynh đệ: Tình bạn với Mục sư Martin Luther King Jr.

Tháng Giêng năm 1967, sáu tháng sau lần gặp gỡ lần đầu tiên, Mục sư King đề cử Thầy cho giải Nobel Hòa Bình. Mục sư nói: “Những phát kiến cho hòa bình của thầy Nhất Hạnh, nếu được thực hiện, sẽ dựng lên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân bản”[i]. Vài tháng sau, vào ngày 4 tháng 4 năm 1967, trong bài diễn văn quan trọng “Beyond Việt Nam” tại nhà thờ Riverside, Mục sư King đã trích dẫn những đoạn trong cuốn Hoa sen trong biển lửa của Thầy. Đó là lần đầu tiên ông dứt khoát lên án chiến tranh và đi đến quyết định kết hợp phong trào đấu tranh cho hòa bình với phong trào dân quyền. Mục sư King đã chia sẻ thông điệp hào hùng của Thầy: “Kẻ thù của chúng ta không phải con người. Kẻ thù của ta là sự hận thù, kỳ thị, cuồng tín và bạo động”. Và khi Mục sư King xuống đường biểu tình chống chiến tranh, ông đã đi dưới tấm biểu ngữ có dòng chữ Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai? viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt[ii].

Tại Geneva tháng 05 năm 1967, Thầy và Mục sư King gặp nhau lần thứ hai, và cũng là lần cuối, trong hội nghị Pacem in Terris (Hòa Bình trên Trái đất) do Hội đồng các Giáo hội Thế Giới (World Council of Churches) tổ chức. Trong cuộc gặp này, Thầy và Mục sư King tập trung thảo luận về hướng đi xây dựng một “cộng đồng yêu quý”, xây dựng tình thân hữu giữa các dân tộc và các quốc gia dựa trên nguyên tắc bất bạo động, hòa giải, công bằng, bao dung và không kỳ thị. Cả hai đều thấy rằng đây không phải là một giấc mơ không tưởng, mà là một mục tiêu thực tế có thể đạt được khi số đông quần chúng tuân thủ theo những nguyên tắc và phương pháp sống hòa bình và bất bạo động. Theo hướng đi đó, tất cả mọi hoạt động tranh đấu và dấn thân đều phải dựa trên tinh thần bất bạo động, luôn đi theo đường hướng hòa giải, đoàn kết, nuôi dưỡng tình thương để có thể chuyển thù thành bạn và giúp xây dựng “cộng đồng yêu quý”[iii]. Tại Geneva, Thầy đã có dịp nói với Mục sư King: “ Mục sư có biết rằng ở Việt Nam người ta xem mục sư như là một vị Bồ tát hay không? Một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền, và đã đứng ra lên tiếng chống lại sự tàn sát ở Việt Nam. Vì vậy mà ở Việt Nam người ta coi mục sư là một vị Bồ tát, nghĩa là một người mang hết tất cả sức mình, hết năng lượng của mình để làm những việc có thể làm vơi được những đau khổ của chúng sanh”[iv].

Gần một năm sau thì Mục sư King bị ám sát. Thầy đang ở Hoa Kỳ thì nhận được tin dữ này. Sự ra đi đầy thương tâm của một người bạn, một người tri kỷ có cùng nhiệt tâm, cùng một hướng đi đã tác động đến Thầy một cách sâu sắc. “Tôi cảm thấy hoàn toàn suy sụp. Tôi không thể ăn, không thể ngủ. Tôi đã phát nguyện là sẽ tiếp tục xây dựng cái mà Mục sư King gọi là cộng đồng yêu quý, không chỉ cho chính tôi, mà cho cả ông ấy. Tôi đã và đang thực hiện lời hứa đó với mục sư King. Và tôi luôn cảm thấy sự yểm trợ của ông dành cho tôi”[v].

Cuối tháng Giêng năm 1968, khi Thầy đang ở New York thì được tin cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân ở Việt nam. Cuộc giao chiến và tàn phá xảy ra nặng nề nhất ở Huế, nơi chiến sự kéo dài hơn cả tháng. Hàng ngàn dân thường bị tàn sát. Chị Phượng và các cộng sự khác của trường TNPSXH viết thư kể cho Thầy về sự tàn bạo của đợt tấn công này. Đường phố đầy xác người chết. Chị và các bạn điều động tình nguyện viên đi nhặt xác và đào các hố chôn tập thể[vi]. Trong khi đó, khuôn viên của trường TNPSXH đã trở thành trại tị nạn cho hàng ngàn người. Sau cuộc bạo động này, nhiều vị tôn túc trong Giáo hội đã bị bắt giam. Hòa thượng Thích Đôn Hậu, người đã truyền giới lớn cho Thầy, đã bị bắt cóc mang ra Bắc. Nhiều chùa bị dội bom. Chùa Từ Hiếu cũng không tránh khỏi tình trạng bị bom đạn bắn phá. Không lâu sau đó, người thầy kính yêu của Thầy, Thiền sư Thích Chân Thật, viên tịch. Trong giờ phút cuối, Sư Ông đã nằm trong thế sư tử tọa, hai tay chắp lại thành búp sen. Sau này Thầy ghi lại: “Thầy trò mình cũng mong ước thực tập được như Sư Ông, giữ gìn chí nguyện và Tâm Ban Đầu cho nguyên vẹn trong suốt một đời tu”[vii]. Trong di chúc để lại, Thiền sư Thích Chân Thật đã đề cử Thầy tiếp nối làm trú trì chùa Từ Hiếu[viii]. Thầy không thể về dự tang lễ – các bạn của Thầy sợ Thầy sẽ bị nguy hiểm đến tánh mạng khi trở về Việt Nam. Họ thuyết phục Thầy ở lại ngoại quốc, tiếp tục kêu gọi hòa bình và vận động một mạng lưới quốc tế yểm trợ cho công tác nhân đạo của trường TNPSXH.

 

 

[i]  Mối tình tri kỷ

[ii] Điển hình như trong cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam vào ngày 25.3.1967 tại Chicago  (Los Angeles Sentinel)

[iii] Để hiểu thêm về giấc mơ xây dựng Cộng đồng Yêu quý của Mục sư King, xin xem tại đường link này: http://www.thekingcenter.org/king-philosophy#sub4

[iv]  Ai là người tri kỷ

[v] Trích từ tác phẩm At Home in the World (2016), “Martin Luther King Jr., Bodhisattva

[vi] Trích từ tác phẩm Con đường mở rộng  (chương 10: Tết Mậu thân) của Sư cô Chân Không

[vii] Trích Thư Thầy ngày 13.10.2009 với tựa đề Âm thanh huyền diệu của chiếc hồ cầm

[viii] Thầy là người đệ tử duy nhất được Sư Ông – Hoà thượng Thích Chân Thật – phú pháp truyền đăng và phó thác làm trú trì chùa Từ Hiếu. Từ khi được thành lập bởi Tổ khai sơn Tánh Thiên Nhất Định, chùa Từ Hiếu chỉ có 4 vị được chính thức phó thác làm trú trì:

  1. Hải Thiệu Cương Kỷ (1810-1899)
    HT.
    Thanh Thái Huệ Minh (1861-1939)
    HT
    . Thanh Quý Chân Thật (1884-1968)
    HT. Trừng Quang Nhất Hạnh (1926 – )

 Phụ tá cho vị trú trì là vị Giám tự: HT. Thích Huệ Đăng (1930-1892); HT. Thích Tâm Tịnh (1868-1927); HT. Thích Chí Niệm (1918-1979), sư đệ của Thầy; HT. Thích Chí Mậu (1948-2009), sư đệ của Thầy; TT. Thích Từ Đạo (1955-), đệ tử của HT. Thích Chí Mậu.