Thư Thầy

Hành trang

Thư ngày 04.09.2002

Lộc Uyển ngày 04 tháng 09 năm 2002,
Kính gởi các thầy, các sư cô và các sư chú có mặt tại Lộc Uyển trong khóa tu nói tiếng Việt.

 

Khóa tu này là một cơ hội để chúng ta thực tập thúc liễm thân tâm và chứng tỏ là chúng ta có khả năng sống hài hòa và hạnh phúc trong tình huynh đệ. Chúng ta làm như thế không phải là vì khóa tu, mà trái lại sử dụng khóa tu để làm như thế.

Thúc liễm là chỉnh đốn, vén khéo, đừng để cho bung thùa. Sự có mặt của một tăng thân thao thức muốn học hỏi, thực tập và có đức tin nơi chính mình là một cơ hội để mình thấy được vị trí, vai trò và sứ mạng của mình với tư cách một người xuất gia. Bước chân, hơi thở, câu nói, nụ cười, cách hành xử và cách làm việc chung với nhau phải có phẩm chất và công năng tạo niềm tin cho người và đem cho người hạnh phúc. Đó không phải là giả trang thiền tướng mà là sự thực tập bằng trái tim. Nếu ta không có hạnh phúc với nhau, nhường nhịn nhau và nói những lời thương yêu với nhau, nói tóm lại, nếu chúng ta không có đủ chất liệu của tình huynh đệ, thì chúng ta không có gì nhiều để hiến tặng.

Thầy biết tình thương và tâm bồ đề của mỗi người trong các con đều đang có mặt và ta chỉ cần mở trái tim ra là dòng suối ngọt có thể tuôn trào. Tư kiến và buồn phiền sẽ trôi đi hết một khi dòng suối ấy bắt đầu tuôn chảy. Đừng đòi hỏi hết khóa tu mới ngồi lại để bàn về chuyện này. Ta hãy dâng hiến nguồn cam lộ ấy ngay trong khóa tu. Hãy làm việc và tu tập bên nhau trong thương yêu và trong buông thả.

Thầy tin tưởng ở các con.

(sáu giờ chiều)


Lời căn dặn của Thầy trong thời gian tăng đoàn đang ở Mỹ

1.      Dù ở đâu, phi trường, thành phố, cầu thang, phòng vệ sinh… đều phải đi theo kiểu thiền hành, vững chãi và thảnh thơi, không được gấp gáp.
2.      Không nói chuyện trong khi bước. Nếu cần trả lời một câu hỏi, hay hỏi một câu hỏi, thì dừng lại. Cho người kia biết là khi đi mình phải thực tập, và khuyên họ cùng thực tập.
3.      Tại Rừng Phong, Núi Xanh và các khóa tu, thực tập uy nghi trong lúc tiếp xúc với người khác phái, giống hệt như thực tập tại Làng Mai. Người cư sĩ không hiểu thì giải thích cho họ, và mời họ thực tập.
4.      Đi đâu và tham dự vào sinh hoạt nào của tăng thân (thiền tọa, thọ trai, thiền hành, v.v..) cũng phải có ý thức về sự có mặt của thân thứ hai của mình. Đừng đánh mất thân ấy.
5.      Chịu trách nhiệm về phẩm chất uy nghi và chánh niệm của thân thứ hai và nhắc nhở thân ấy trong trường hợp phẩm chất chánh niệm xuống thấp. Nếu mình không đủ sức thì nhờ đến Thầy và Tăng thân.
6.      Có chuyện gì không vừa ý thì đừng tỏ lộ sự bực tức, trong đám đông, giữa buổi họp, hay bất cứ lúc nào. Nắm cho được hơi thở, và tìm lúc thích hợp, chỗ thích hợp, nói ra điều mình cảm nghĩ với thái độ ung dung và ngôn ngữ hòa ái.
7.      Nhớ rằng hạnh phúc và hòa điệu của Tăng thân trong chuyến hoằng pháp là trên hết. Đừng vì công việc mà làm mất hòa khí và hạnh phúc của Tăng thân.
8.      Biết rằng đang được cùng Tăng thân làm hạnh phúc cho hàng ngàn người là một cơ hội lớn. Hãy tận hưởng từng giây phút của chuyến đi. Bước nào cũng là bước trong Tịnh Độ!

 

Thương và tin cậy

Thầy