Thư Thầy

Trồng một nụ cười

Thư ngày 26.04.2010

Phương Khê nội viện, ngày 26 tháng 04 năm 2010
Thân gởi các con của Thầy gần và xa,

 

Thiền hành ở Rome

Buổi thiền hành tổ chức ở thủ đô Rome ngày 18.03.2010 vừa qua rất đẹp. Có trên 1500 người tham dự. Mười đứa trẻ nắm tay Thầy đi hàng đầu, trong đó có một em bé gái da màu. Phía trước, cách hàng Thầy đi khoảng hai mươi thước, có tám nhân viên cảnh sát công lộ, cũng đi thành một hàng. Điều đặc biệt nhất là tám vị này cũng đi rất thảnh thơi. Cách thức chận xe và hướng dẫn người đi đường của các vị ấy rất là dễ thương. Các vị ấy hành xử như những người bạn đối với xe cộ và với người đi đường chứ không có vẻ gì là người đang sử dụng quyền hành của mình để ra lệnh. Ta có cảm tưởng tám vị ấy cũng thuộc về Tăng thân, vì các vị cũng đang đi thiền hành. Quân và dân là một. Thầy nghĩ đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Buổi thiền hành đầu tổ chức tại Rome không được như thế. Đây là buổi thiền hành thứ năm. Thầy nhớ trong buổi thiền hành đầu, vị chỉ huy trưởng đã dùng điện thoại di động mà báo với các vị đồng liêu ở Tòa Thị chính là đoàn thiền hành đi chậm quá, chắc phải hơn một giờ nữa mới đi tới nơi. Và các vị cảnh sát hồi ấy tuy làm hết trách vụ của mình một cách hết lòng, nhưng không có vẻ thích thú và “đồng sự” với đoàn thiền hành như kỳ này. Chưa bao giờ trên đường phố thủ đô lại có sự thảnh thơi lớn lao như thế. Mỗi phân vuông của đường phố đều in dấu ấn thảnh thơi đó. Hoàn toàn không có sự gấp gáp nữa. Tai nạn không thể nào xảy ra trong một hoàn cảnh thảnh thơi như thế. Thành phố như dừng hẳn lại để vui chơi. Phía trước tám vị cảnh sát là một chiếc xe cảnh sát cũng đi với tốc độ thiền hành. Hàng chục ngàn người bên các hè phố và trên các tòa nhà hai bên đường phố đã chứng kiến sự thảnh thơi đó. Cuộc thiền hành tuy đông người tham dự nhưng không giống chút gì của một cuộc biểu tình, không cờ, không trống, không biểu ngữ, không khẩu hiệu, không ai đòi hỏi gì, không ai phản đối gì, không ai thỉnh nguyện gì. Tất cả đều im lặng tuyệt đối. Tất cả đều mỉm cười. Tất cả đều theo dõi hơi thở và thưởng thức những bước chân trên đường phố. Hòa bình an lạc và tình huynh đệ đang thật sự có mặt, ai cũng thấy rõ như thế.

Sáng 18.03.10, đại chúng đã tập họp tại công trường Piazza San Marco và tập hát những bài thiền ca mà lời ca có thể được áp dụng trong khi đi thiền hành như bài “đã về đã tới”. Các thầy và các sư chú gốc Ý đã hướng dẫn thiền sinh hát những bài thiền ca này bằng tiếng Ý. Khi Thầy đến thì chỉ mới có độ ba trăm thiền sinh quy tụ. Thầy ngồi chơi ở một ghế đá nơi công viên để nghe đại chúng tập hát. Thị giả của Thầy cho biết là một sĩ quan mặc thường phục muốn đến chào Thầy. Thầy đã chắp tay chào vị ấy và vị ấy cũng chắp tay búp sen chào lại. Vị ấy cho biết ông ta là người chịu trách nhiệm chỉ huy lực lượng bảo vệ an ninh cho Thầy và đoàn thiền hành. Sau đó vị thị giả đã chụp ảnh cho hai người.

Chừng mười phút sau, đám đông đã tăng lên khoảng 500 người. Thầy đến gần, bước lên bục, ngồi yên vài ba phút và bắt đầu chỉ dẫn về phương pháp thực tập thiền hành. Sư chú Pháp Biểu người Ý phiên dịch cho Thầy. Khi đoàn thiền hành khởi sự thì chưa được một ngàn người nhưng mười lăm phút sau thì số người tăng lên một ngàn rưỡi.

Đoàn thiền hành từ công trường Piazza San Marco đi qua đại lộ Delle Botteghe Oscure, tới đường via Celsea, ra đại lộ Del Plebiscito rồi sau đó qua đại lộ Corso Vittorio Emanuele cuối cùng tới tòa thị sảnh và ngồi xuống thực tập thiền tọa ở công trường Piazza Navona. Khi phái đoàn mới tới thì còn nghe tiếng nhạc kèn saxophone. Nhưng sau khi mọi người ngồi xuống và thực tập thở theo hướng dẫn của Thầy thì tiếng kèn im bặt. Công trường trở nên một thiền đường lộ thiên rất thanh tịnh. May mắn là trời có nắng và không có gió. Trên một ngàn năm trăm người thực tập quán chiếu về thiên nhiên, về tổ tiên, về mẹ cha, về sự sống, về vô ngã ngay giữa trung tâm thủ đô, thanh tịnh và hào sảng vô cùng. Cuối buổi thiền tọa, các vị xuất gia đã trì tụng bài Nguyện Ngày An Lành Đêm An Lành bằng Anh ngữ.

Trên bờ hồ Hoàn Kiếm

Như Thầy đã hứa với các con trong lá thơ ngày 16.03.10 là phái đoàn đi Ý sẽ hết lòng thực tập để cho mỗi bước chân có thể đạt được định lực thật cao cường. Mỗi người trong phái đoàn đã nuôi ý thức sáng tỏ về điều này trong suốt buổi thiền hành, cho nên phẩm chất chánh niệm đạt được rất cao. Mọi người tham dự đều được thừa hưởng năng lượng tập thể ấy cho nên hạnh phúc chế tác được trong buổi thiền hành cũng rất lớn. Buổi thiền hành không còn là một sự thực tập hình thức nữa, tuy về phương diện hình thức mà nói thì nó cũng rất đẹp. Nhiều vị trong số các con đã có mặt với Thầy trong các buổi thiền hành trên bờ hồ Hoàn Kiếm Hà Nội trong những chuyến về hoằng pháp của Thầy tại quê hương. Thầy nhớ buổi thiền hành trong chuyến đi 2008 ấy tại bờ hồ Hoàn Kiếm cũng có khoảng 1000 người tham dự. Chúng ta đã tập họp và ngồi thiền trước tượng vua Lý Thái Tổ và thiền hành xong chúng ta cũng trở lại đấy ngồi thiền trước khi về lại trú xứ của khóa tu là khách sạn Kim Liên. Hôm ấy không có cảnh sát giao thông đi bảo hộ nhưng buổi thiền hành đã được diễn ra rất êm ái. Năng lượng bình an và hạnh phúc của buổi thiền hành đã là một hiến tặng của chúng ta cho thủ đô Hà Nội. Hàng ngàn người đã thấy được đoàn thiền hành và được tiếp xúc lần đầu với loại năng lượng ấy. Tất cả các thiền sinh trước đó đều đã được học hỏi và thực tập phép thiền đi trong khóa tu ở Kim Liên cho nên mọi người đều hành trì rất giỏi. Trong buổi đi thiền hành này, ai cũng có khả năng hiến tặng bước chân, hơi thở và nụ cười.

Lời Nguyện

Thầy nhớ trong chuyến về nước năm 2007 để tổ chức các Đại trai đàn chẩn tế, nhiều người trong chúng ta đã thực tập thiền hành rất hết lòng. Mỗi bước chân ta đi cho hàng triệu đồng bào đã chết trong cuộc chiến. Mỗi bước chân ta đi cho hơn tám mươi triệu đồng bào đang có mặt. Các Trai đàn chẩn tế thường mang nhiều chất liệu của Mật Tông, nhưng trong các Trai đàn chẩn tế tổ chức năm ấy tại quê hương, Thầy trò chúng ta đã đưa sự thực tập thiền tọa và thiền hành vào, và vì vậy năng lượng của các Trai đàn chẩn tế này rất hùng hậu và có công năng chuyển hóa rất lớn. Biết bao nhiêu người đã đến với chúng ta để kể lại những câu chuyện chuyển hóa như thế. Và ai cũng rất ngạc nhiên là trong mùa nắng bức ấy mà các Trai đàn chẩn tế luôn luôn đem lại những cơn mưa. Có nhiều vị đã được thân nhân báo mộng để về dự trai đàn, nhất là ở Sóc Sơn. Những oan ức và khổ đau của hàng triệu người Việt trong và sau thời gian chiến tranh đã dồn chứa lại, và năng lượng tiêu cực ấy đã đè nặng trên đời sống của dân tộc trong bao nhiêu thập niên. Tại các Trai đàn chẩn tế, chúng ta đã hết lòng chế tác năng lượng của từ bi, của tha thứ, của bình an để mong chuyển hóa được thứ năng lượng tiêu cực kia. Ta đã mời những người đã chết đi bằng hai chân của chúng ta. Ta đã mời các vị ấy nhìn bằng hai mắt của chúng ta để thấy rằng non sông cẩm tú vẫn còn đó, và chúng ta nguyện nỗ lực giữ gìn để đừng đánh mất non sông ấy. Chúng ta đã long trọng hứa với những vị ấy là chúng ta sẽ không bao giờ khởi xướng trở lại một cuộc chiến tranh ý thức hệ, không bao giờ còn dại dột đi sử dụng những lý thuyết và vũ khí của người ngoài để tàn hại nhau. Sông núi linh thiêng đã chứng minh cho lời nguyện ấy, ở miền Nam, ra miền Trung cho tới miền Bắc.

Pháp thiếp

Ngày 19.03.10, các vị nào trong phái đoàn đi hoằng pháp tại Ý mà mới đến La Mã lần đầu đã được các Phật tử Ý hướng dẫn đi tham quan thủ đô. Thầy đã dặn dò là suốt một ngày đi tham quan ấy nên giữ gìn cho bước chân được vững chãi. Mỗi vị đã được trao truyền một pháp thiếp có in chữ 100% và dấu ấn của Đạo tràng Mai Thôn. Đây là một thách thức lớn. Đi tham quan thành Rome thế nào cũng tiếp xúc được với những kỳ quan thật đẹp và hùng tráng, thế nào cũng có nhu yếu chia sẻ với người đồng hành những nhận xét và những cảm xúc của mình. Trong khi đó phép đi thiền là khi đi thì không nói. Muốn nói hoặc muốn nghe thì phải dừng lại. Nói cho thật hết lòng, nghe cho thật hết lòng, rồi mới bước đi trở lại. Để làm được như thế, Thầy đã gửi theo một vị giáo thọ để quán sát và nhắc nhở. Thầy nghĩ rằng buổi tham quan hôm ấy thế nào cũng khó quên đối với các thành viên, kể cả những vị cư sĩ người Ý tổ chức tham quan cho mình.

 

Sư Anh Mã Thắng

Ngày xưa thầy Xá Lợi Phất vì trông thấy thầy Mã Thắng ôm bát đi thiền hành ở trên một con đường trong thành Vương Xá cho nên mới phát tâm đi xuất gia với Bụt. Thầy Mã Thắng (Asvajit) là một trong năm người đã từng tu khổ hạnh với Siddharta trước khi Siddharta thành Bụt, và đã trở thành thành viên của Tăng thân nguyên thủy gồm có sáu người trong đó có Bụt. Trước khi gặp thầy Mã Thắng, thầy Xá Lợi Phất đang theo học với một vị đạo sư tên là Sanjaya. thầy Mã Thắng đi rất đẹp, phong thái rất thảnh thơi, bước chân làm tỏa ra nhiều năng lượng an lạc và giải thoát. Một người còn khổ đau hệ lụy thì không thể nào bước được những bước chân như thế. Gặp thầy Mã Thắng, thấy thầy Mã Thắng đi, thầy Xá Lợi Phất có cảm tưởng là mình đã thấy được con đường mà mình đang tìm kiếm. Thầy đã tới chận đường thầy Mã Thắng để hỏi xem thầy tu theo pháp môn nào, và dưới sự chỉ dẫn của vị đạo sư nào. Sau khi biết thầy Mã Thắng là đệ tử của một vị thầy tên là Sakya Gotama, thầy Xá Lợi Phất đã biết ngay rằng đó là vị thầy mà mình đang thực sự tìm kiếm lâu nay. Hồi ấy, thầy Xá Lợi Phất cũng còn nôn nóng lắm. Thầy muốn biết ngay là Bụt dạy thứ giáo pháp nào. Và thầy hỏi thầy Mã Thắng. Thầy Mã Thắng đã trả lời là cứ lên vườn tre Trúc Lâm mà hỏi Bụt, nhưng thầy Xá Lợi Phất không thể chờ được. Thầy năn nỉ thầy Mã Thắng nói cho một câu thôi. Cuối cùng thầy Mã Thắng đã chiều ý và đã đọc: “Các pháp từ duyên sinh, các pháp từ duyên diệt.” Từng ấy cũng đã đủ cho tâm tư của thầy Xá Lợi Phất bừng sáng. Và thầy tức tốc trở về nơi cư trú của thầy và rủ người bạn thân thiết của mình là Mục Kiền Liên đi tìm Bụt ngay tức khắc. Chúng ta ai cũng biết thầy Xá Lợi Phất là một sư anh lớn của giáo đoàn, nhưng có nhiều người trong chúng ta cứ hay quên rằng chính thầy Mã Thắng, một sư anh của thầy Xá Lợi Phất, là người đã đưa thầy Xá Lợi Phất vào giáo đoàn của Bụt.

Đi bằng chân của Bụt

Hiện giờ Tăng thân chúng ta đang có mặt khắp nơi trên thế giới, và ai cũng là sư em của thầy Mã Thắng, ai cũng muốn tiếp nối sự nghiệp của thầy Mã Thắng. Các con của Thầy trên đất nước Việt Nam cũng đang đi những bước chân của thầy Mã Thắng. Nhìn cách đi của các con, mọi người biết các con là em của thầy Mã Thắng. Các con có thể đi ở Cam Ranh, ở Hội An, ở bờ hồ Hoàn Kiếm, ở dốc Nam Giao, ở đại học Cần Thơ, ở chợ Bến Nghé… Mới tuần trước đây, bốn thầy ở Làng Mai đi khám sức khỏe để làm giấy gia hạn chiếu khán lưu trú, cũng được đón lại, hỏi các thầy có phải là từ Làng Mai tới hay không. Mỗi khi bước đi ở các phi trường Thầy cũng thường bị nhận diện, không phải vì khuôn mặt của mình mà vì bước chân của mình. Thầy nghĩ chúng ta có thể tiếp nối sự nghiệp của đức Thế Tôn bằng cách đi những bước chân thảnh thơi của Ngài, và điều này nhiều người trong chúng ta đã làm được.

Các con của Thầy ở Việt Nam đâu có cần Thầy về mới được đi thiền hành ở dốc Nam Giao, ở bờ hồ Hoàn Kiếm hay ở chợ Bến Nghé? Ai cấm được chúng ta đi thảnh thơi ngay trên quê hương của chúng ta? Chúng ta đã tổ chức thiền hành ở nhiều thành phố lớn trên thế giới: Tokyo, Seoul, New Delhi, Frankfort, Rome, Paris, Sydney, Nairobi, Hạ Môn, London, New York, Chicago, Los Angeles, Tel Aviv, Moscow, v.v… Ngày xưa, Bụt đã đi thảnh thơi trên hai mươi quốc gia, nhất là những nước trong lưu vực sông Hằng. Bụt và các thầy như Mã Thắng, Xá Lợi Phất, Ca Diếp đã in dấu chân bình an của các vị trên các vùng đất ấy. Nối tiếp sự nghiệp của Bụt, chúng ta đã mang bước chân ấy đi khắp năm châu. Ta đi bằng hai chân của ta nhưng cũng là bằng hai chân của Bụt. Bằng bước chân, ta làm cho Bụt thường trú trên thế gian. Muốn được như thế, mỗi bước chân phải chế tác được niệm và định. Bước chân nào cũng chứng tỏ được là chúng ta đã về, đã tới; bước chân nào cũng chế tác được thảnh thơi, vững chãi và an lạc.

Trong xã hội hiện nay, nhiều người đi như bị ma đuổi, không có thảnh thơi, không có an lạc. Người ta bảo là tại vì người ta không có thì giờ, công việc nhiều, đâu có ăn không ngồi rồi mà đi thảnh thơi như mình. Chúng ta biết điều đó không đúng. Thầy biết các con của Thầy làm việc rất giỏi, công việc có hiệu năng rất lớn và thành tựu rất nhiều. Đó là nhờ phép thực tập an trú trong giây phút hiện tại, đó là nhờ chúng ta đi được những bước chân thảnh thơi và an lạc. Chỉ có những người đi như thế mới làm được như thế. Thầy nghĩ tới sự nghiệp của Bụt. Bụt đã có khả năng đi như thế, ngay trước thời gian thành đạo. Lần đầu tiên đi vào thành Vương Xá để khất thực, Bụt đã được vua Bimbisara trông thấy. Bước chân thảnh thơi của Bụt đã gây ấn tượng lớn nơi vị quốc vương này. Và sau đó họ trở thành một đôi bạn thân thiết, một cặp thầy trò gương mẫu.

Tôi trồng một nụ cười

Làng Mai tại Pháp, đứng về phương diện kiến trúc, không có gì đặc biệt. Những người tới viếng thăm và tu học tại Làng Mai chỉ ghi nhớ có ba thứ: tiếng chuông, nụ cười và bước chân. Khi mọi người dừng lại để nghe tiếng chuông, dù đó là tiếng chuông đại hồng của xóm Thượng, tiếng chuông gia trì của xóm Hạ, hay tiếng chuông báo chúng của xóm Mới thì vị thân hữu kia cũng dừng lại, và nhờ năng lượng tập thể của Tăng thân, tiếp xúc được với chính mình và với sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Phẩm chất của tiếng chuông rất cao, không phải là nhờ ở hợp chất của kim thuộc, mà nhờ ở năng lượng chánh niệm có công năng làm cho tâm ý dừng lại, đừng đi rong ruổi nữa. Còn nụ cười? Nụ cười có được là do sự thảnh thơi và niềm vui đem tới. Phần lớn các vị xuất sĩ sống ở Mai Thôn là những người trẻ. Họ có khả năng sống một đời sống vật chất đầy đủ hoặc dư dả ở ngoài đời, nhưng họ đã buông bỏ tất cả để sống đời sống tu tập và để giúp đời, ngày nào cũng có cơ hội cho người thêm niềm vui, làm cho người bớt khổ, vì người tìm tới để tu tập không hiếm. Và chúng ta có rất nhiều cái để hiến tặng cho họ, trong đó nụ cười là một tặng phẩm mà họ không bao giờ quên được. Ai cũng lạ lùng thấy Làng Mai có nhiều người trẻ như thế và có nhiều nụ cười đến thế. Có lần, một vị ký giả tham dự khóa tu ở Bát Nhã đã nói trong bài tường thuật của ông về nụ cười này và ông đã dùng khóm từ biển cười. Biển cười là một từ mới có thể đưa vào Từ Điển Làng Mai. Trong kinh Hoa Nghiêm ta có những danh từ biển âm thanh, biển công đức v.v.. nhưng chúng ta chưa có danh từ biển cười. Khóa tu năm ngàn người mà người nào cũng tươi cười. Nhiều người trong chúng ta còn nhớ tới khóa tu năm 2007 ấy. Nụ cười này nở rất tự nhiên, như một đóa hoa, không phải như những nụ cười ngoại giao hay đón khách. Nụ cười ấy không phải tự nhiên mà có được. Phải gieo trồng, phải tưới tẩm nó rồi mới có cái vui, gặt hái nó để hiến tặng cho mọi người. Phép thực tập thở ý thức và bước chân thiền hành đã đem lại nụ cười ấy. Ấn bản tiếng Đức của sách Từng Bước Chân An Lạc mang tựa đề là Tôi trồng một nụ cười (Ich pflanze ein Lacheln). Đúng như thế. Nụ cười tới từ hạt giống hỷ lạc có sẵn trong chiều sâu tâm thức ta. Sự thực tập hơi thở và bước chân giúp cho hạt giống ấy nẩy mầm và hiến tặng nụ cười.

Châu báu

Thêm vào tiếng chuông và nụ cười, ta còn có tặng phẩm quý giá thứ ba: bước chân chánh niệm. Đó cũng là một tặng phẩm mà các thân hữu đã viếng thăm chúng ta đã tiếp nhận và không thể nào quên được. Có rất nhiều vị quyết tâm đem bước chân ấy về nơi cư trú của họ. Bệnh tật có thể bị lây, nỗi buồn có thể bị lây, thì niềm vui của bước chân an lạc cũng có thể bị lây! Hiện giờ có hàng triệu người trên thế giới đang có khả năng đi những bước chân thiền hành như thế, trong đó có những người rất bận rộn, một nhà doanh thương hay một dân biểu quốc hội. Mang được hơi thở nụ cười và bước chân về nhà thì sự sống của họ thay đổi. Vì vậy chúng ta phải cho các vị ấy một cơ hội. Khi đến với đạo tràng, các vị ấy được tiếp nhận tiếng chuông có phẩm chất, nụ cười có phẩm chất và bước chân có phẩm chất. Phẩm chất ấy cao hay thấp là tùy thuộc nơi sự thực tập niệm và định của chúng ta khi thỉnh chuông, nghe chuông, thở, mỉm cười và bước chân đi. Cũng vì vậy mà trước khi đi hoằng pháp ở Ý năm nay, Thầy đã viết thư cho các con về sự thực tập thiền hành. Chúng ta có thể đầu tư cả thân và tâm trong mỗi bước chân một trăm phần trăm, nhờ thế mỗi bước chân có thể đem lại thành quả “đã về đã tới” cũng một trăm phần trăm. Có quyết tâm là các con làm được. Tặng phẩm ấy, ta là người được thừa hưởng trước. Đó là an lạc, thảnh thơi và thương yêu. Và những người thân hữu đến với chúng ta chắc chắn là sẽ nhận được tặng phẩm ấy. Tặng phẩm này là châu bảo thứ thật, bởi vì nó đã được chúng ta gieo trồng, tưới tẩm và chăm sóc bằng công phu thực tâp hàng ngày. Đó là phẩm vật quý giá nhất của chúng ta để cúng dường lên Tổ tiên tâm linh và huyết thống, đó là tặng phẩm của chúng ta cho cuộc đời.

Năm 1996, Thầy đã gửi Thông bạch Tiếng Chuông và Bước Chân về cho các chùa thuộc Tổ đình và môn phái Từ Hiếu. Thầy nghĩ rằng tiếng chuông, nụ cười và bước chân chánh niệm có khả năng làm trang nghiêm (nghĩa là làm đẹp) cho mọi đạo tràng. Chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ khi nào có nhiều rồng phượng, tôn tượng và bảo tháp nguy nga thì chùa mới đẹp. Có ba tặng phẩm tiếng chuông, nụ cười và bước chân thì chùa đã đẹp lắm rồi.

Mê Ngộ Cảnh

Các đạo tràng của chúng ta, Mai Thôn, Lộc Uyển, Bích Nham, Sen Búp, Mộc Lan, Cây Phong, Bát Nhã, vv… đều có khả năng hiến tặng những phẩm vật ấy cho đời. Có bao nhiêu quyền lực hoặc có bao nhiêu tiền cũng không mua được những phẩm vật ấy. Các siêu thị không cung cấp những phẩm vật ấy. Chỉ có thực tập như một Tăng thân mới gieo trồng, tưới tẩm và gặt hái được những phẩm vật ấy. Đó là những tặng phẩm chứ không bao giờ có thể là hóa phẩm.

Thầy mong các con của Thầy ai cũng đã nhận pháp thiếp 100% để thực tập. Đó là chiếc Mê Ngộ Cảnh mà vị đạo sĩ trao cho chàng dũng sĩ ngày chàng xuống núi, trong truyện Cửa Tùng Đôi Cánh Gài.  Không sử dụng Mê Ngộ Cảnh, chàng dũng sĩ đã tự đánh mất lý tưởng và sự liêm khiết của mình. Mỗi lần thấy con bước đi thong dong, an lạc, Thầy thấy Bụt trong con, Thầy thấy thầy Mã Thắng trong con. Và Thầy cũng thấy Thầy trong con. Thầy rất hạnh phúc. Những bài thi kệ trong sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn như các bài Quay Về Nương Tựa, Đây Là Tịnh Độ, Đã Về Đã Tới, v.v.. đều có thể được sử dụng để đi thiền hành. Thầy cũng đã nhiều lần sử dụng bài Nương Tựa A Di Đà. Đi thiền hành, ta có thể đi cho cha, cho mẹ, cho anh, cho chị, cho Bụt, cho Thầy… Ta đi bằng chân của ta, nhưng ta cũng có thể đi bằng chân của cha, của mẹ… Lòng ta tràn ngập yêu thương khi ta đi như thế. Cha, Mẹ, Thầy, Bạn… trong ta cũng đang được thảnh thơi trong những bước chân của ta. Ta có thể đi nhịp 2/3, 3/5, 4/6, 5/8, v.v… Nhịp 2/3 là thở vào bước hai bước, thở ra bước ba bước. Ta có thể đếm bước chân. Hoặc ta sử dụng thiền ngữ như đã về/con đã về, đã tới/con đã tới. Đã về là hai bước, con đã về là ba bước. Trong nhịp 3/5 ta có thể thực tập đi cho mẹ/con đang đi cho mẹ. Đi cho mẹ là ba bước, con đang đi cho mẹ là năm bước. Bụt Pháp Tăng/con quay về nương tựa cũng là nhịp 3/5. Con hạnh phúc/ba ơi con hạnh phúc cũng là 3/5. Các con có thể chế tác nhiều thiền ngữ rất hay để đưa phẩm chất của bước chân lên cao.

Trời phương ngoại, trăng đầu non

Thầy viết thư này cũng để báo tin cho các con biết là bắt đầu từ Cây Sen Xanh, các vị xuất sĩ sẽ không mang tên Pháp Nghiêm nữa mà sẽ bắt đầu mang tên TrờiTrăng. Trời là mặt trời, trăng là mặt trăng. Trời cũng có thể là bầu trời hay khung trời. Con trai là mặt trời, con gái là mặt trăng. Thay vì sử dụng thuần túy chữ Hán Việt, ta sẽ tìm cách sử dụng chữ Việt càng nhiều càng tốt. Đây là một bước tiến nữa của chúng ta về hướng dân tộc hóa đạo Bụt, Việt Nam hóa đạo Bụt.

Các em TrờiTrăng cũng mang tên Chân ở phía trước để sau này mình vẫn biết rằng mình là huynh đệ của nhau. Ví dụ pháp tự Trời Phương Ngoại thì viết cho đủ là Chân Trời Phương Ngoại,Trăng Đầu Non thì viết cho đủ là Chân Trăng Đầu Non.  Các em sau này sẽ có những cái tên rất đẹp, và mình hãy mừng cho các em. Chúng ta sẽ có những sư chú như sư chú Chân Trời Phương Bối, Chân Trời Thân Hữu, Chân Trời Mây Bạc, Chân Trời Sáng Tỏ, Chân Trời Bình Minh, Chân Trời Thảnh Thơi, Chân Trời Tương Lai, Chân Trời Hiểu Biết, Chân Trời Thương Yêu, Chân Trời Viễn Mộng, Chân Trời Trong, Chân Trời Đầy Sao, v.v… Chúng ta sẽ có những sư cô như sư cô Chân Trăng Mười Sáu, Chân Trăng Rằm, Chân Trăng Thu, Chân Trăng Lá Lúa, Chân Trăng Đầu Núi, Chân Trăng Soi, Chân Trăng Chiếu, Chân Trăng Vằng Vặc, Chân Trăng Quê Hương, Chân Trăng Sáng Tỏ, v.v… Các con đừng ngại tên dài quá, vì ngày xưa hồi thời Bụt các thầy các sư cô cũng có nhiều vị có tên dài lắm như Ma Ha Ca Chiên Diên, Châu Lợi Bàn Đà Già hay Uppalavanna (Liên Hoa Sắc). Từ hai mươi năm nay Thầy đã đặt pháp danh bằng chữ Nôm như thế cho các đệ tử cư sĩ của Thầy như Tâm Ban Đầu, Tâm Thảnh Thơi, Tâm Thanh Thản. Năm nay mình sẽ áp dụng cho các vị xuất sĩ. Ban đầu thì nghe hơi lạ tai, nhưng dần dần càng nghe càng hay và có thể sẽ hay hơn cả những tên Hán Việt. Các con biết đó, có nhiều người đã nghĩ là thơ chữ Nôm không thể nào hay được như thơ chữ Hán. Cho đến khi Truyện Kiều của Tố Như ra đời, mình mới biết được khả năng và cái đẹp của tiếng Việt.

Suối Thương Yêu

Theo dòng kệ của pháp phái Liễu Quán, thì pháp danh của các con bắt đầu bằng chữ Tâm và đệ tử của các con mang pháp danh bắt đầu bằng chữ Nguyên. (Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Đức Bổn Từ Phong…) Nguyên là dòng suối. Vậy các con cũng có thể đặt pháp danh cho đệ tử của mình hoặc bằng chữ Nguyên hoặc bằng chữ Suối hay chữ Nguồn. Suối Cảm Hứng, Nguồn Cảm Hứng, Suối Thương Yêu, Nguồn Thương Yêu, Suối Thương, Nguồn Hiểu. Nhiều vị đệ tử của Thầy không phải là những người gốc Việt đã đặt pháp danh cho đệ tử của các vị ấy những pháp danh bắt đầu bằng chữ Source, cũng có nghĩa là Suối là Nguồn. Source of Inspiration là Nguồn Cảm Hứng. Các anh chị lớn của các con cũng đã đặt hàng ngàn pháp danh bắt đầu từ chữ Source cho các đệ tử của mình, bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, v.v… rồi. Con cháu của tổ Liễu Quán ở Tây Phương hiện giờ đông lắm, hàng triệu người. Các vị giáo thọ Tiếp Hiện cư sĩ trên thế giới cũng đã được phép truyền ba quy và năm giới từ hai mươi năm nay. Có nhiều tên rất hay. Và chắc là Sư tổ Liễu Quán đã mỉm cười rất hoan hỷ khi nghe những cái tên như Nguồn An Lạc Cho Thân Tâm (Source of Peace and Joy for Body and Mind). Và đó cũng là cảm hứng cho người có tâm thực tập!

Thầy đi Ý Đại Lợi về thì sau đó đã có khóa tu cho người Pháp tại Làng Mai từ ngày 9.04.2010 cho đến ngày 15.04.2010. Tất cả các buổi pháp thoại cho khóa tu này đều đã được nói ở thiền đường Hội Ngàn Sao của Xóm Hạ. Thiền sinh Pháp tham dự khóa tu này càng năm càng đông. Trời mùa xuân rất đẹp. Thầy đã giảng Tâm Kinh Bát Nhã cho khóa tu. Thiền sinh hạnh phúc lắm. Nhân dịp này, nhà xuất bản Sully cũng đã  ấn hành cuốn Cérémonies du Coeur, tức là Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn bằng tiếng Pháp. Như vậy là Tăng thân Pháp năm ngoái đã có Thiền Môn Nhật Tụng bằng tiếng Pháp năm nay lại có Nghi Thức Đại Toàn bằng tiếng Pháp nữa.

Chân cứng đá mềm

Khi Thầy viết những dòng này thì tại xóm Mới chùa Từ Nghiêm khóa tu Sức Khỏe cũng đang ở vào ngày cuối. Khóa tu này thiền sinh ăn rất ít nhưng vận động rất nhiều. Mỗi ngày đi bộ ba giờ đồng hồ, lại có chấp tác, tập khí công và thiền lạy. Khóa tu cũng được hướng dẫn bằng tiếng Pháp. Ăn ít như thế mà ai cũng hạnh phúc rất nhiều mới thật là lạ!

Năm nay Tăng thân phải đương đầu với nhiều thách thức mới nhưng tất cả các anh chị em không ai ngại ngùng, tất cả đều nhìn về phía trước và đi tới với một niềm vui. Viện Phật học Ứng dụng châu Âu sẽ tổ chức hai khóa tu lớn ngay tại cơ sở của Viện, một khóa cho người nói tiếng Đức và một khóa cho người nói tiếng Hòa Lan. Các thầy và các sư cô bên ấy yêu cầu Làng Mai gửi qua thêm ít nhất là 70 vị xuất sĩ để có đủ nhân sự tổ chức khóa tu. Thiền sinh Bắc Âu rất phấn khởi bởi vì Waldbroel thành phố nơi Viện Phật học châu Âu tọa lạc rất gần với các nước như Bỉ, Hòa Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Ý, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, v.v.. trong khi Làng Mai thì ở tận miền Nam nước Pháp. Tại Hoa Kỳ mùa thu này, sẽ có hai khóa tu lớn được chính thức hóa thành khóa tu hàng năm, dù có mặt Thầy hay không có mặt Thầy, đó là khóa ở Estes Park tiểu bang Colorado và khóa Bích Nham tiểu bang New York.  Các thầy và các sư cô ở Lộc Uyển và Bích Nham thế nào cũng cầu viện đến các vị xuất sĩ ở Làng Mai, bởi vì các khóa tu ấy là những khóa tu khá lớn. Trong khi đó thì Tăng thân ở Đông Nam Á đang tổ chức những khóa tu mùa Thu cho Thầy tại các nước như Hồng Kông, Thái Lan, Mã Lai Á, Tân Gia Ba và Indonesia. Nhật Bản, Đại Hàn và Đài Loan thì phải chờ đến sang năm. Thầy về tới Đông Nam Á giảng dạy mà không ghé Việt Nam hướng dẫn cho đồng bào tu tập và thăm viếng các con của Thầy thì cũng thấy thiêu thiếu làm sao ấy, nhưng tình thế là như vậy, biết làm sao hơn. Thầy trò chúng ta phải biết chờ đợi. Đó là sự thực tập nhẫn Ba la mật. Thầy cầu nguyện cho tất cả các con ai cũng được chân cứng đá mềm.

Thầy của các con

Nhất Hạnh