Thư Thầy

Ý hòa đồng duyệt

Thư ngày 25.07.2002

Thất Ngồi Yên Xóm Thượng 25-07-02
Các con thương của Thầy,

 

Chúng ta đang ở giữa khóa hè, và tuy năm nay mình đã có mở một khóa tiếng Việt, một khóa tiếng Pháp và một khóa 21 ngày tiếng Anh rồi nhưng khóa mùa Hè vẫn đông, nhất là ở Xóm Trung. Tội nghiệp cho các Thầy và các sư cô ở xóm Trung quá, tại vì đây là xóm quá đông và đồng bào thèm nói chuyện nhiều quá thành ra sự thực tập im lặng hùng tráng khó hơn ở các xóm khác, vì vậy mà phẩm chất tu học không được cao như mình mong ước. Có lẽ mình phải xin với các bác và các anh chị trong Xóm giúp mình một tay để cho các pháp môn thực tập đem lại hiệu quả chuyển hóa tốt đẹp, gây đức tin và tạo hạnh phúc cho người về Làng.

Thầy rất vui khi thấy tăng thân làm việc với nhau hòa điệu, biết buông bỏ ý kiến mình khi ý kiến người kia hơi cứng, để duy trì sự hòa thuận và để tình huynh đệ không bị tổn thương. Thầy nhớ đến hình ảnh bàn tay cầm một chiếc đũa: nếu bàn tay bên này cầm đầu đũa quá mạnh thì bàn tay bên kia thả đuôi đũa ra để cho chiếc đũa không bao giờ bị gãy. Đó là phép thực tập mầu nhiệm, rất mầu nhiệm, gọi là tùy thuận. (Trong chúng có sư cô Thuận Nghiêm!) Buông ra như thế vài ba lần thì bên kia thấy được hạnh tùy thuận của mình và sẽ từ từ bớt đi thái độ cố thủ ý kiến. Ai cũng biết là hạnh phúc tăng thân dựa trên hòa điệu: ý hòa đồng duyệt là một quá trình thực tập lâu dài, không thể một sớm một chiều mà làm cho toàn hảo được.

Vài ngày làm biếng tuần thứ hai, các sư bé (baby monks, baby nuns) đã được về Nội viện sinh hoạt với nhau rất vui. Tuy cũng chấp tác, nấu nướng, dọn dẹp, tưới cây, v.v… nhưng các bé đã làm chung trong tinh thần hỗ trợ để giúp đỡ nhau nuôi dưỡng tâm bồ đề, điều này rất cảm động. Các bé còn chăm sóc và nấu cơm cho Thầy nữa. Thấy các bé làm việc và chơi với nhau rất hòa thuận, vui vẻ và êm đềm như thế, Thầy đã nói các bé sau buổi cơm trưa: You make me very happy. Như vậy là học trò nuôi Thầy rồi, có phải không?

Thầy cũng rất vui khi các cháu bé Tây phương chơi vui và thực tập giỏi dưới sự hướng dẫn của các Sư cô và sư chú. Các cháu rất có phước. Được tiếp xúc với giới xuất gia và với sự thực tập ngay từ hồi còn bé thơ như thế, thì chắc chắn sau này khi lớn lên các cháu sẽ cảm thấy rất thoải mái (at home) với đạo Bụt, và đạo Bụt sẽ trở thành quê hương tâm linh của các cháu. Bố mẹ các cháu tuy hâm mộ đạo Bụt và thực tập hết lòng nhưng dầu sao cũng không được bằng các cháu đâu. Thế hệ thứ hai sẽ thuần túy hơn, và nếu các cháu lớn lên và đi xuất gia thì chúng sẽ vững vàng hơn trong con đường thực tập và tỷ lệ những người xuất gia thành công sẽ cao hơn bây giờ nhiều. Vì vậy cho nên chăm sóc và hướng dẫn cho các cháu là một công việc rất đẹp đẽ. Hình ảnh người xuất gia đi đứng và hành xử trong chánh niệm và từ bi sẽ để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lòng các cháu.

Thiền sinh Âu Mỹ về Làng tu tập đã trở thành một tập tục rất tốt đẹp. Con cháu của họ cũng sung sướng được về Làng để tu tập với cha mẹ cũng là một điều khích lệ chúng ta rất nhiều. Các sư anh và sư chị có được nhiều sư em dễ thương và hết lòng tu tập, đó là tăng thân mình có phước lớn. Các sư em có sư anh và sư chị giỏi để nương nhờ, đó cũng là phước đức lớn. Kinh sách bằng ngọai ngữ và các khóa tu mở ra ở các nước đã đem lại cho chúng ta hàng trăm ngàn bạn đạo, mà tăng thân cống hiến. Tất cả những sự kiện này đem lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui và nuôi dưỡng ta rất nhiều. Thầy thấy rõ đây là công trình chung của tăng thân, được chư tổ nâng đỡ và hộ trì. Nếu không có sự nâng đỡ và hộ trì ấy thì chắc chắn chúng ta đã không làm được những điều đã làm – Kể cả chuyện hoằng pháp ở Trung Quốc, sự quảng bá rộng rãi trong thế gian bằng hàng chục thứ tiếng những cuốn sách có tầm vóc lớn, cho đến cả sự mở rộng vùng đồi núi của tổ đình Pháp Vân ở núi Thệ Nhật.

Trong chúng ta còn có những người chưa vượt thoát được vài khó khăn bản thân hoặc chưa chuyển hóa hoàn toàn những tập khí còn lại, nhưng sự kiện này rất bình thường chúng ta không cần lo ngại, bởi vì chúng ta biết có tu tập thì có thể chuyển hóa, dù có khi hơi lâu một chút. Mà tu tập và chuyển hóa không phải là vấn đề cá nhân. Nếu con còn có khó khăn thì Thầy và Tăng thân sẽ tu tập chung với con mà vượt thoát các khó khăn ấy: mình sẽ làm chung với nhau, con đừng lo ngại. We shall do it together. Chúng ta đừng tự đòi hỏi quá nhiều. Phải biết cho nhau thời gian và không gian, phải biết nương vào và sử dụng tăng thân để cùng tu tập và chuyển hóa. Như vậy thì sự chuyển hóa chắc chắn sẽ tới, ta không cần lo lắng hoặc có mặc cảm. Tin nhau và tu tập cùng nhau, đó là cách giải quyết tốt đẹp hơn hết.

Thầy biết vào tuần thứ ba này của khóa tu mùa Hè, trong lúc số lượng thiền sinh lên cao nhất, chúng ta phải để nhiều năng lượng và thời giờ vào công việc chăm sóc và hướng dẫn, do đó có vị sẽ cảm thấy mệt mỏi. Viết lá thư này Thầy muốn nhắc các con là các con đang có Thầy và có nhau bên cạnh. Thầy rất ý thức là các con đang dâng hiến tất cả trái tim của mình cho lý tưởng. Nụ cười và hạnh phúc của thiền sinh, của người lớn cũng như các cháu bé, là phần thưởng rất xứng đáng cho chúng ta. Chỉ còn hai tuần lễ nữa là Thầy đã lên đường đi Bắc Mỹ với một số các con rồi. Thầy rất muốn từ đây đến đó, Thầy trò mình sẽ có dịp đi thiền hành với nhau quanh ngọn núi Thệ Nhật, để ngắm những khu đồi núi mới được sát nhập vào đất chùa tổ Pháp Vân. Con đường rất đẹp, và cảnh trí ngoạn mục sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều niềm vui. Vùng đất mới mở về phía Tây, phía Nam và phía Đông. Tất cả vào khoảng 36 mẫu Tây. Nhưng chúng ta sẽ chỉ đi chơi một vòng trên con đường đẹp nhất và chỉ cần tới khoảng sáu mươi hoặc bảy mươi phút. Hy vọng hôm ấy trời đẹp.

Thầy ôm tất cả các con vào lòng.
Thầy thương và tin cậy.

 

(Thư này Thầy cũng gởi cho các con của Thầy ở Rừng Phong và Lộc Uyển. Chỉ trong vòng mười hôm nữa là Thầy đã có mặt ở bên ấy với các con rồi.)