Thư Thầy

Hạnh nguyện

Thư ngày 31.05.2009

Phương Khê nội viện, mùa xuân, ngày 31 tháng 05 năm 2009,
Thân gửi các con của Thầy, gần và xa!

Công phu sáng trong sách “Thiền môn nhật tụng” có một bài văn sám mà ngày xưa khi còn làm sa di Thầy rất thích tụng. Văn của bài sám rất hay, và nội dung của bài sám rất có công năng nuôi dưỡng chí nguyện của người tu. Mỗi lần tụng đọc bài sám, chú Phùng Xuân thường để cho lời kinh ôm ấp thấm sâu vào từng huyết quản, từng tế bào của cơ thể. Bài sám văn này là một giấc mơ thật đẹp của người tu, và Thầy rất biết ơn Thiền sư Di Sơn đã viết ra bài sám văn ấy. Các con cũng đã biết bài ấy rồi, đó là bài Sám Quy Mạng. Tên của nó là Phát Nguyện Văn. Tác giả bài Sám Quy Mạng (Phát Nguyện Văn) này là Thiền sư Kiểu Nhiên đời Đường, văn chương rất lỗi lạc. Những văn bia về các Thiền sư sơ kỳ Thiền Tông đều do một tay Ngài viết. Di Sơn là tên núi; vì kính quý Ngài nên dân chúng gọi Thiền sư là Di Sơn thay vì Kiểu Nhiên. Thiền sư họ Tạ, tự là Thanh Trú. Tác phẩm để lại cho đời là “Trữ sơn tập”, mười cuốn.

Trong sách “Nhị khóa hợp giải”, Thiền sư Quán Nguyệt có nói: “Nếu bạn không thích bài Sám Quy Mạng này thì có thể thay vào bằng một bài khác như bài Khế Thủ, bài Thập Phương Tam Thế Phật, hay bài Nhất Tâm Quy Mạng”. Nhưng ai lại không thích bài Sám Quy Mạng này! Thầy nghĩ là đã có biết bao nhiêu thế hệ người trẻ xuất gia đã được bài Sám này nuôi dưỡng, vỗ về và an ủi. Hồi chưa tới tuổi hai mươi, Thầy đã có ước mơ dịch bài này ra quốc văn. Và giấc mơ ấy đã được thành tựu khi Thầy còn là một vị giáo thọ trẻ tuổi giảng dạy tại Phật Học Đường Nam Việt. Thầy đã dịch bài Sám Quy Mạng ra tiếng Việt trong thể thơ lục bát. Nhiều vị học tăng và học ni thời ấy của Phật Học Đường Nam Việt (Chùa Ấn Quang) đã học thuộc lòng. Và bài Sám ấy hiện đang có mặt trong sách “Nhật tụng thiền môn 2010” của chúng ta.

Phần lớn những câu văn trong bài Sám đều là những câu bốn chữ hay sáu chữ, xen lẫn với nhau rất khéo léo, thành ra âm điệu bài tụng có lúc thì êm dịu, có lúc thật trầm hùng.

“Kiếp sau, nhờ hạt giống trí tuệ linh thiêng gieo trồng trong kiếp này, con xin được sinh trở lại trong một môi trường có văn hóa, lớn lên được gặp một vị Thầy sáng và được xuất gia từ hồi còn là thiếu nhi. Sáu căn của con đều sẽ được thông lợi và ba nghiệp của con cũng sẽ được thuần hòa. Con sẽ không bị thói đời làm ô nhiễm và con sẽ sống một cuộc đời phạm hạnh thanh cao. Con sẽ hành trì các giới luật một cách nghiêm minh. Không vướng vào duyên nghiệp thế gian, con sẽ thực tập các uy nghi một cách nghiêm túc và con sẽ biết bảo hộ cho tất cả mọi loài chúng sanh, bắt đầu từ những sinh vật rất nhỏ bé”.

“Con sẽ tu tập theo chánh pháp và liễu ngộ được giáo pháp Đại thừa, nhờ vậy mà con sẽ khai mở được cánh cửa hành động của lục độ và thành tựu được những gì mà các vị hành giả khác phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp mới thành tựu được”.

Đọc những đoạn vừa qua các con có thấy đó là một giấc mơ vĩ đại không? Nếu không có hạt giống của bồ đề tâm, nếu không có hạt giống của hạnh nguyện Bồ tát thì làm sao làm phát khởi được một ước muốn vĩ đại như thế?

Các con hãy cùng Thầy đọc tiếp:

“Con sẽ thiết lập được đạo tràng tu học khắp nơi khắp chốn, con sẽ phá tan được muôn trùng mạng lưới của sự nghi ngờ. Con sẽ hàng phục được mọi ma chướng và sẽ truyền lại ngọn đèn chánh pháp để cho ba ngôi Tam Bảo sẽ mãi mãi tiếp tục ngời sáng trong tương lai. Con sẽ phụ tá cho chư Bụt mười phương mà không bao giờ cảm thấy mệt mỏi; con sẽ tu tập thành tựu được tất cả các pháp môn. Con sẽ thực tập trên cả hai bình diện xã hội và trí tuệ để làm lợi ích cho chúng sanh khắp nơi. Con sẽ đạt tới sáu phép thần thông và sẽ thành tựu được quả vị Phật đà ngay trong một kiếp”.

“Sau đó con sẽ không xa lìa pháp giới; trái lại con sẽ đi vào và có mặt trong vạn nẻo trần gian. Năng lượng từ bi của con sẽ không thua gì năng lượng từ bi của Bồ tát Quan Âm, đại dương hạnh nguyện của con cũng sẽ bao la như đại dương hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền”.

“Ngay trong cõi này và ở các cõi khác, con sẽ ứng hiện thành những sắc thân khác nhau để tuyên dương diệu pháp”.

“Nơi những nẻo đường địa ngục và quỷ đói, con sẽ hoặc phóng ra những đạo hào quang lớn, hoặc tự mình hiện thần biến tướng: bất cứ ai thấy được dung mạo con hoặc nghe đến danh hiệu con đều có khả năng phát tâm bồ đề và lập tức vượt thắng mọi khổ đau của kiếp luân hồi”.

“Những vùng đất cháy khô cằn như vạc lửa, hay những con sông băng tuyết lạnh giá, con sẽ làm cho chúng biến thành những khu rừng thơm”.

“Vào những thời mà tật dịch bệnh khổ lan tràn, con sẽ hóa hiện ra vô số dược thảo thuốc men, chữa lành được cả những chứng bệnh trầm kha, gặp khi nạn đói hoành hành, con sẽ hóa hiện ra gạo lúa dồi dào để giảm nghèo cứu đói”.

“Không có công tác nào làm lợi ích cho nhân gian mà con sẽ từ nan”.

“Sau đó, con sẽ giúp cho tất cả mọi người, trong đó có kẻ thân và người thù trong nhiều kiếp, cùng với bà con quyến thuộc đời này, để ai cũng có thể buông bỏ được những sợi dây ái nhiễm ràng buộc, để cùng với tất cả chúng sinh thực hiện được đạo giác ngộ”.

“Hư không kia còn có thể có giới hạn, nhưng nguyện ước con thì không có chỗ cùng. Con nguyện cho tất cả các loài, hữu tình và vô tình, đều đạt tới quả vị nhất thiết chủng trí”.

Những lời kinh trong Sám văn ngày xưa đã tưới tẩm hạt giống Bồ đề của chú sa di nhỏ vào mỗi buổi sáng công phu. Không biết vì lý do gì mà chú cứ tin là giấc mơ kia sẽ có thể thành tựu, dù chung quanh chú chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ được điều đó, và chưa thấy ai đang làm được điều đó.

Lời kinh quá đẹp khiến sau này Thầy đã lấy chữ trong ấy để đặt pháp hiệu cho các vị thọ giới tại Làng Mai. Ví dụ pháp tự Chân Hương Lâm của Sư thầy Đàm Nguyện ở Hà Nội. Hương lâm là những khu rừng thơm. “Những vùng đất cháy khô cằn như vạc lửa hay những con sông băng tuyết lạnh giá, con sẽ làm cho chúng biến thành những khu rừng thơm – hỏa hoạch băng hà chi địa biến tác hương lâm.”

Thật là vừa nên thơ vừa hợp với ý hướng bảo hộ sinh môi. Lời kinh quá hùng tráng thành thử mình có cảm tưởng mình không còn là một tín đồ đang cầu xin ơn phước, mà là một vị đại sĩ có thần lực độ đời rất vĩ đại: “Năng lượng từ bi của con sẽ không thua gì năng lượng từ bi của Bồ tát Quan Âm, đại dương hạnh nguyện của con cũng sẽ bao la như đại dương hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền – đẳng Quan Âm chi từ tâm, hành Phổ Hiền chi nguyện hải”.  Người trì tụng Sám văn không còn mặc cảm thua kém nữa, và thấy mình cũng có thể làm được những gì mà các vị Bồ tát lớn đang làm. Những lời kinh như thế làm chấn động cả tâm can của người hành giả. “Bất cứ ai thấy được dung mạo con hoặc nghe đến danh hiệu con đều sẽ có khả năng phát tâm Bồ đề và vĩnh viễn vượt thắng mọi khổ đau của kiếp luân hồi – phàm hữu kiến ngã tướng, nãi chí văn ngã danh, giai phát Bồ đề tâm, vĩnh xuất luân giao hồi khổ.” Và như thế thì con cũng sẽ không thua bất cứ một vị Phật nào hay một vị Bồ tát lớn nào trong quá trình hành đạo.

Giấc mơ của bài Sám Quy Mạng chỉ là giấc mơ suông hay một giấc mơ có thể biến thành hiện thực?

Nhiều thế hệ hành giả, trong đó có các con, đã từng tụng đọc Sám văn này, và đã có thể từng đặt câu hỏi ấy. Ngày xưa, Thầy không đặt câu hỏi ấy. Tuy là chung quanh mình chưa thấy dấu hiệu nào chứng tỏ giấc mơ kia có thể trở thành sự thực, nhưng Thầy vẫn ôm ấp giấc mơ đó và tin rằng nó sẽ trở thành hiện thực. Những thập niên bốn mươi và năm mươi là những thập niên của đói kém của chiến tranh. Giới xuất gia tìm đủ mọi cách để duy trì sự thực tập trong phạm vi chùa viện của mình nhưng cũng đã gặp phải không biết bao nhiêu khó khăn. Ngay những người trẻ trong giới xuất gia cũng bị tù đày, thủ tiêu và áp bức. Là một thầy tu trẻ Thầy đã từng đọc lịch sử Lý Trần và đã thấy rằng nếu đạo Bụt đã có khả năng giúp cho đất nước hùng mạnh và thái bình trong những triều đại ấy thì đạo Bụt cũng có thể làm được như thế trong thời đại hiện tại. Tại sao không? Đó là câu hỏi của Thầy, dù đạo Bụt vào những thập niên ấy vẫn chưa thoát ra được trạng thái suy đồi cần phải vượt thoát. Có lẽ cái thấy ấy về đạo Bụt Lý Trần đã cho Thầy một niềm tin rằng giấc mơ của Sám Quy Mạng không phải chỉ là một giấc mơ suông mà là một giấc mơ có thể trở thành hiện thực.

Hồi còn là vị giáo thọ trẻ ở Ấn Quang, Thầy đã dịch Sám Quy Mạng với một ngôn ngữ khiêm cung. Nguyên văn: “Năng lượng từ bi của con sẽ không thua gì năng lượng từ bi của Bồ tát Quán Âm, đại dương hạnh nguyện của con cũng sẽ bao la như đại dương hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền” đã được Thầy dịch là “Mưa từ rưới khắp nhân thiên, mênh mông biển hạnh lời nguyền độ tha.” Nguyên văn: “Bất cứ ai thấy được dung mạo của con hoặc nghe đến danh hiệu con đều sẽ có khả năng phát tâm bồ đề và vĩnh viễn vượt thắng mọi khổ đau của kiếp luân hồi” đã được Thầy dịch là: Chỉ cần thấy dạng nghe danh, muôn loài thoát khỏi ngục hình đớn đau.” Mấy mươi năm ở hải ngoại không có cơ hội ôn lại bản dịch ấy, Thầy chỉ còn nhớ được một vài đoạn. May quá, Hòa thượng Như Huệ, Viện chủ chùa Pháp Hoa (ở Úc Đại Lợi) trong dịp về chứng minh đại giới đàn Nến Ngọc tổ chức ở Làng Mai mùa hè 1996 đã đọc lại cho Thầy chép xuống toàn bài. Hòa thượng Như Huệ đã từng là học tăng trong Phật học đường Nam Việt, và đã học thuộc lòng bản dịch của Sám văn Quy Mạng. Nhờ đó mà bản dịch ngày nay còn được giữ lại trong sách Nhật Tụng Thiền Môn. Thầy nghĩ là Thầy trò chúng ta cần đọc tụng Sám văn Quy Mạng ít nhất mỗi tuần một lần, để tâm bồ đề được tiếp tục nuôi dưỡng. Tâm bồ đề là nguyện ước, là giấc mơ của người hành giả chân chính. Tâm bồ đề bị soi mòn thì chúng ta không còn năng lượng để đi tới mà thực hiện giấc mơ.

Khuya nay, trong giờ thiền tọa, chúng ta hãy cùng nhau quán chiếu để thấy rằng giấc mơ kia đang từ từ biến thành hiện thực.

“Kiếp sau xin được làm người, sinh ra gặp pháp sống đời chân tu, dắt dìu nhờ bậc minh sư”, điều này ta đã thực hiện được.

“Sáu căn ba nghiệp thuần hòa, không vương tục lụy theo đà thế nhân, một lòng tấn đạo nghiêm thân, giữ gìn phạm hạnh nghiệp trần lánh xa”, đó là sự thực tập hành trì giới luật và uy nghi hàng ngày của chúng ta.

“Đạo tràng dựng khắp nơi nơi, lưới nghi phá hết trong ngoài sạch không”, đó là những gì mà Thầy trò chúng ta đang nỗ lực thực hiện. Tăng thân hiện giờ đang có mặt khắp nơi, mỗi quốc gia trên thế giới đều có hàng chục hoặc hàng trăm đoàn thể tu học theo pháp môn chánh niệm, gọi là Tăng thân chánh niệm (Communities of mindful living). Những thành phố lớn như: Nữu Ước, Luân Đôn, Los Angeles, Paris, Amsterdam, Berlin, đều đã có nhiều Tăng thân. Những khóa tu tổ chức khắp nơi, những tác phẩm viết về đạo Bụt đi vào cuộc đời đã trở thành một mạng lưới chánh pháp có mặt khắp nơi, đang nỗ lực phá tan được những ngộ nhận và nghi ngờ đối với đạo Bụt, cho thế giới thấy rằng đạo Bụt là một nền nhân bản có tính khoa học, không phải là tôn giáo thần quyền, mê tín dị đoan, tiêu cực yếu đuối. “Lưới nghi phá hết trong ngoài sạch không” là như thế.

“Truyền đăng Phật pháp nối dòng vô chung”. Chúng ta đã đào tạo được khá nhiều các vị giáo thọ và giáo thọ tập sự, xuất gia và tại gia, số người tiếp nhận truyền đăng cho đến nay đã lên tới trên 300 vị.

“Thuốc thang cứu giúp cho đời, áo cơm cứu giúp cho người bần dân, bao nhiêu lợi ích hưng sùng, an vui thực hiện trong vòng trầm luân”. Đây là công tác xã hội, đây là một phần của đạo Phật ứng dụng, của đạo Phật đi vào cuộc đời.

Chúng ta đã lập được Trường Thanh niên Phụng sự xã hội đào tạo trên 600 tác viên và hàng ngàn trợ tác viên và cảm tình viên (làm việc công quả mà không nhận phụ phí), thành lập các làng Hoa Tiêu và làng Tự Nguyện để nâng cao phẩm chất sự sống ở nông thôn về cả bốn mặt giáo dục, y tế, kinh tế và tổ chức. Các tác viên xã hội đã làm việc cứu trợ nạn nhân chiến tranh, chăm sóc các trại tị nạn, có trại lên đến 11.000 người, thành lập các trung tâm định cư trên những vùng đất mới, tái thiết lại những làng bị bom đạn tàn phá. Chúng ta có Ủy ban Tái thiết và Phát triển xã hội, làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (1972 – 1975). Chúng ta đã có chương trình bảo trợ trên 10.000 trẻ em mồ côi vì chiến tranh. Chúng ta đã có chương trình Máu Chảy Ruột Mềm cứu trợ thuyền nhân trên biển. Chúng ta đã thành lập tổ chức Pour les Enfants du Vietnam, rồi Partage avec les Enfants du Monde, cứu giúp cho trẻ em 17 nước trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã có chương trình Hiểu và Thương, để cứu trợ lũ lụt, giúp trẻ em nghèo thiếu ăn và thất học, mở lớp dạy nghề, xây cầu, đào giếng nước ngọt, mở những lớp học bán trú ở các vùng sâu vùng xa, trả lương một ngàn cô giáo và bảo mẫu. (*)

Cái hay là ở chỗ trong khi làm công tác xã hội, các thành phần trong Tăng thân vẫn giữ được sự thực tập giới luật, thiền ngồi, thiền đi, xây dựng tình huynh đệ và học đi như một dòng sông…

“Không có công việc nào lợi ích cho nhân gian mà con sẽ từ nan – đản hữu lợi ích vô bất hưng sùng”, đó là hạnh nguyện của chúng ta.

Các vị giáo thọ của chúng ta, trong đó có rất nhiều vị còn ở tuổi thanh xuân, đang thực sự mang đạo Bụt đi vào cuộc đời, một đạo Bụt nhập thế. Chúng ta đã mở những khóa tu đặc biệt để giúp cho mọi giới, những khóa tu dành cho giới làm công tác xã hội, giới văn nghệ sĩ, tài tử điện ảnh… có khóa tu đông đến  2.000 người như khóa tại Washington DC cho các nhà tâm lý học và tâm lý trị liệu, những khóa tu dành cho giới giáo chức, dành cho giới thương gia, dành cho giới y sĩ và y tá, dành cho các nhà chính trị và dân biểu quốc hội, dành cho giới cảnh sát và nhân viên công lực, giới tranh đấu cho hòa bình và nhân quyền, giới bảo hộ sinh môi… Chúng ta đã đi vào các bệnh viện và các nhà tù để giúp tổ chức tu tập và chuyển hóa…

Từ đạo Bụt nhập thế chúng ta đi vào đạo Bụt ứng dụng. Chúng ta mở phong trào Wake Up cho các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới, những đoàn thể tu tập theo chánh pháp để phục vụ cho một xã hội lành mạnh và có từ bi. Chúng ta lập Viện Phật học Ứng dụng, cung cấp các khóa tu cho giới phụ huynh có khó khăn với con cái, cho giới thanh niên thiếu nữ đang có khó khăn với bố mẹ, cho những ai vừa khám phá ra là mình bị bệnh nan y, cho những ai có người thân mới mất. Ai cũng có thể đến để ghi tên học hỏi và thực tập mà không cần phải quy y. Chúng ta cống hiến đạo Bụt cho thế giới không phải một tôn giáo mà một nghệ thuật sống với những phương pháp chuyển hóa và trị liệu… Chúng ta đang nỗ lực thực tập để bảo hộ sinh môi, tự mình thực tập và kêu gọi mọi người thực tập sống như thế nào để có thể có được một tương lai cho trái đất, để chuyển ngược được quá trình hâm nóng địa cầu. Tu viện Lộc Uyển của chúng ta hiện giờ đã hoàn toàn chỉ sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời. Tất cả các đạo tràng và các Tăng thân của chúng ta trên thế giới đang thực tập tiêu thụ trong chánh niệm, mỗi tuần có một ngày không sử dụng xe hơi, xe gắn máy… Tất cả những điều này chứng tỏ là chúng ta đang quyết tâm thực hiện giấc mơ mà không phải chỉ ngồi đó để quán tưởng và để cho bài Sám ru chúng ta trong một giấc mơ thật đẹp.

Trong những năm gần đây, đạo Bụt với sự thực tập chánh niệm đã dần dần đi vào các lĩnh vực y học, khoa học, luật học và xã hội học. Tinh thần bất nhị và bao dung, không kẹt vào giáo điều của đạo Bụt bắt đầu được thế giới nhận biết, và trên bước đường toàn cầu hóa đạo Bụt có thể góp phần quan trọng trong việc chế tác một nền tâm linh đạo đức toàn cầu. Chúng ta biết giấc mơ có thể và đang trở thành hiện thực. Nếu chúng ta không bị vướng vào địa vị, tiền bạc, tiếng khen, chức vụ, v.v.., nếu chúng ta biết đi với Tăng thân như một dòng sông mà không phải như một giọt nước riêng lẻ thì chúng ta sẽ có cơ hội nhiều hơn để thực hiện được giấc mơ. Có phải thế không các con? Thầy mong các con đọc xong thư này thì góp ý với Thầy.

 

Thầy của các con,

Nhất Hạnh

________________________


(*) Chúng ta đã có những công tác tại các xóm nghèo Mã Lạng Quốc Thanh, Cầu Bông Bàn Cờ, và các lớp trung học miễn phí đêm (bắt đầu từ năm 1961, của Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn với các sinh viên Phật tử như: Huê Dương, Chiểu, Khanh, Chi, Nhiên, và Phượng). Chúng ta bắt đầu lập làng Tình Thương với Sư anh Nhất Trí của các con, và các chú Tâm Quang và Tâm Thái với hơn 100 sinh viên Phật tử trong đó có các chị Phượng, Thảo, Thanh, Uyên, Trà Mi, Phùng Thăng, Nga và Tuyết, các anh Quyền, Trâm, Nguyên, Tích, Thanh, Tài (1964 – 1965) và bà Hiệu. Chúng ta đã tổ chức những đoàn sinh viên đi lạc quyên để cứu lụt và cứu đói sau trận Hồng Thủy năm Giáp Thìn dọc theo hai bờ sông Thu Bồn lên đến thượng nguồn. Chúng ta đã lập trường Thanh niên Phụng Sự xã Hội (từ 1965 đến 1975), Ủy ban Tái thiết và Phát triển VN (từ 1971 đến 1975 dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thiện Hòa). Các thầy Thanh Văn và Châu Toàn, Từ Mẫn, sư chú Phạm Phước… là những cánh tay Bồ tát điều động hàng ngàn tác viên, trợ tác viên và cảm tình viên xã hội đã thực hiện được bao nhiêu công tác giúp cho hàng chục ngàn đồng bào nạn nhân chiến cuộc. Trong công tác, bảy người trong chúng ta đã thiệt mạng trong đó có: Liên, Vui, Thơ, Tuấn, Hy, Lành và sư anh Nhất Trí của các con. Cô Bùi thị Hương bị mất một đoạn chân và anh Lê Văn Vinh phải suốt đời ngồi xe lăn. Chị Nhất Chi Mai (chị Cả trong 6 người Tiếp Hiện đầu tiên của các con) đã đem thân làm đuốc, để kêu gọi hai bên lâm chiến ngưng chém giết nhau (16.07.1967). Trong chương trình Máu Chảy Ruột Mềm trên biển Nam Hải, sư cô Chân Không, anh Luke Fogarty, chị Trang Fogarty, chị Kirsten Roep và chị Mobi Warren đã điều động vớt được 606 thuyền nhân trên biển (1976). Tiếp đó là chương trình thầm lặng cứu người bằng ghe đánh cá trên Vịnh Thái Lan do sư cô Chân Không tiếp tục điều động (1976 – 1978). Sau đó, chúng ta đã thành lập chương trình giúp thuyền nhân ở các trại tị nạn, an ủi và gửi phẩm vật cứu trợ, sách học Anh và Pháp ngữ, kinh Nhật Tụng cho các trại tị nạn như : Songklha, Trad, Sikkhiu, Chonburi… Chúng ta đã thành lập Chương trình Cứu trợ xã hội Hiểu và Thương và hoạt động âm thầm từ  năm 1975 tới bây giờ (2009). Tại hải ngoại, đã có chương trình Hiểu và Thương ấy, hoạt động ở Hà Lan (cùng với chị Kirsten Roep và bà Hebe Kohbrugge), ở Pháp có ba chương trình: Pour les Enfants du Viet Nam, Partage avec les enfants du Monde, và Partage (cùng với anh Pierre Marchand). Trong hai chương trình sau, chúng ta đã hoạt động để giúp trẻ em đói trong 17 nước nghèo trên thế giới trong đó có: Bangla Desh, Ấn Độ, Liban, Thái Lan, Brésil, Colombie… Chúng ta cũng có chương trình Từ Thị (Maitreya Fonds) tại Đức do anh Chân Pháp Nhãn – Karl Schmied  và chị Chân Diệu chủ trương và đang được tiếp nối bởi anh Chân Giác Lưu Christian Kaulf. Tăng thân Thụy Sĩ với chị Margrit Witwer và Tăng thân Ý Đại Lợi đã yểm trợ cho chương trình Hiểu và Thương. Tăng thân Thuyền Từ của chị Chân Ý và anh Chân Trí đã hỗ trợ hơn 600 trẻ em đói kém của chương trình Hiểu và Thương ở Quảng Trị và Thừa Thiên. Tăng thân Hoa Tuyết (Snow Flower Sangha) và anh Chân Thuyên bảo trợ cho hàng trăm giếng nước ngọt cho các gia đình đông con ở xa các vùng sâu vùng xa không có điện có nước. Anh Minh và chị Liên với chương trình Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời năm nào cũng hợp tác với Tăng thân Toronto hỗ trợ rất nhiều nạn nhân lũ lụt đói kém. Tổ chức Hussman Foundation ở Hoa Kỳ đã bảo trợ 57 cô giáo và bảo mẫu và hơn 700 trẻ em thiếu ăn vùng Bảo Lâm, Di Linh… cúng dường xây cất thiền đường ở Bát Nhã. Chị Lilian Cheung đóng góp xây dựng ni viện Diệu Nghiêm và Diệu Trạm.