Bích Nham và những hạnh phúc đơn sơ
Chân Pháp Nguyện
Con đường nhựa từ tăng xá dẫn đến thiền đường sáng nay thật yên và trong lành. Trời đã vào thu, bắt đầu se lạnh. Những vì sao điểm tô cho dải ngân hà thêm diễm tuyệt. Thong thả an nhiên, tôi bước vào thiền đường, chắp tay xá Bụt, xá chiếc bồ đoàn và thầm đọc bài kệ: “Ngồi đây ngồi cội Bồ đề, vững thân chánh niệm không hề lãng xao”. Giọng hô canh của thầy Pháp Tịnh rất trong và ấm, năng lượng thiền đường thật trầm hùng. Sau khi xả thiền, tôi nhìn lên phía bàn thờ Bụt và thấy hai câu đối do chính Sư Ông viết: “Nước Bích lắng trong ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện. Non Nham tú lệ mỗi lần nhìn lại mỗi lần mới tinh”. Hai câu đối đã nói lên được những cảm nghĩ của tôi về tu viện Bích Nham và giúp tôi có nguồn cảm hứng viết xuống dòng sẻ chia như một lời tri ân.
Tu viện Bích Nham
Tu viện được thành lập vào năm 2007, tọa lạc trên triền núi Sam trong thung lũng Walker, New York. Tu viện rộng khoảng 90 mẫu đất (acres). Ở đây có nhiều vách núi màu xanh, nhân đó Sư Ông đặt tên là Bích Nham.
Tu viện có hai xóm: Tùng Xanh dành cho quý thầy và Hạc Trắng là chỗ quý sư cô. Tùng là một loại cây quý mọc trên núi cao hoặc đất đá khô cằn, chịu nhiều sương gió và bão tuyết, nhưng rất xanh tươi và vững chãi, tượng trưng cho khí tiết thanh cao, thịnh vượng và bền bỉ. Hạc là một loài chim quý, tượng trưng cho sự trường thọ, sắt son.
Xóm Tùng Xanh có rất nhiều cây tùng, có cốc Thạch Lang, tăng xá Tình Huynh Đệ, vườn Bụt, lều Mông Cổ và thiền đường Đại Đồng có khả năng chứa được 900 người, thiền đường được làm bằng gỗ thông nên rất thơm. Xóm Hạc Trắng được bao quanh bởi một khu rừng tự nhiên có nhiều cây thông, phong, sồi, bulô và nhiều động vật hoang dã. Những con suối chảy qua hiền hòa, có thể nghe âm thanh róc rách vọng đến từ cánh rừng phía sau vào những ngày mưa lớn. Con đường Pleasant Valley quanh co trên triền đồi là điểm chia ranh giới giữa hai xóm.
Uống trà, xây dựng tình huynh đệ
Ngày làm biếng, ngoài trời nắng đã lên cao, mọi thứ đều êm đềm vắng vẻ. Đây là mùa An cư đầu tiên của tôi tại tu viện Bích Nham. Không khí an cư rất nhẹ nhàng và trầm lặng. Bên xóm Tùng Xanh năm nay mỗi huynh đệ đều phát ba lời nguyện để thực tập. Phần tôi thì chọn ba nguồn cảm hứng để thực tập, đó là chăm sóc sức khỏe, ngồi thiền cho có phẩm chất và đi không nói chuyện. Tứ chúng tu học và làm việc với nhau rất hạnh phúc trong tinh thần lục hòa. Những buổi thực tập Làm mới giúp hai xóm có sự truyền thông và tình huynh đệ càng ngày càng gắn bó.
Hôm qua ngoài trời tuyết rơi trắng xóa. Huynh đệ ngồi quây quần bên lò sưởi, uống trà và đàm đạo, không khí rất ấm áp. Những giây phút như thế là cơ hội cho anh em chúng tôi xây đắp tình huynh đệ. Đây là kinh nghiệm sống, là pháp sống cần thiết cho cuộc đời. Chúng tôi thấy rất rõ, xây dựng tình huynh đệ là một sự thực tập căn bản về tình thương đích thực. Trên bàn học của tôi có treo một tấm thư pháp của Sư Ông: “Bài học quan trọng nhất trong cuộc đời là bài học thương yêu”.
Tính cao quý có được từ cách sống thanh cao
Sáng nay, một số quý thầy và quý sư cô trong nhóm tiền trạm vào thành phố New York để sắp xếp cho những buổi sinh hoạt vào cuối tuần. Số người còn lại ở nhà được nghỉ ngơi cho đến thứ Bảy sẽ vào thành phố yểm trợ cho những chương trình tu học.
Chuyến hoằng pháp ở Mỹ năm nay bắt đầu từ tu viện Bích Nham. Quý thầy, quý sư cô từ các trung tâm khắp nơi về đây sum họp một nhà, không khí rất vui tươi và đầm ấm. Nhìn những tà áo nâu nhẹ nhàng thoáng bước, tôi lại nhớ đến lời Sư Ông dạy ở Thái Lan vào năm 2013: “Quê hương là chốn tăng thân xum vầy, bàn chân địa xúc hãy về”.
Trong khóa tu này, chúng tôi có tổ chức một cuộc triển lãm thư pháp của Sư Ông ở cốc Thạch Lang. Những tấm thư pháp là di sản quý báu của Sư Ông mà chúng tôi đã sưu tầm và lưu trữ được hơn mười năm qua. Ngoài những tấm thư pháp, chúng tôi còn trình bày tiểu sử sơ lược về cuộc đời Sư Ông. Bài tiểu sử được đặt ngay trung tâm của phòng triển lãm. Bên trên, chúng tôi có treo một tấm thư pháp bằng tiếng Anh: “Nobility comes from noble living” (Tính cao quý có được từ nếp sống thanh cao). Thiền sinh rất xúc động, có người quỳ xuống lạy, có người ngồi tịnh tâm và có rất nhiều người không cầm được nước mắt.
Thiền hành trong mưa
Một trong những điều tôi thích nhất ở Bích Nham là được đi thiền hành vào rừng. Trời cuối thu thường có mưa rơi lác đác, con đường thiền hành xuyên qua khu rừng càng trở nên huyền thoại. Có một hôm trời mưa, đại chúng đã đổi buổi thiền hành ngoài trời thành buổi kinh hành trong thiền đường Đại Đồng. Thầy Pháp Khôi và tôi xin phép được đi thiền hành ngoài trời, mỗi người che một cây dù và chầm chậm thiền hành vào rừng. Đi đến nơi nào cảm thấy hứng thú thì anh em chúng tôi dừng lại ngắm nhìn, đặc biệt là bên dòng suối. Trời mưa nhỏ hạt dần và sương mù trở nên rõ rệt trong khu rừng. Đi một hồi tôi cảm thấy lạnh và ý thức rất rõ cái lạnh đang từ từ thấm vào thân thể. Thiền sư Quy Sơn có dạy: “Sống gần gũi với các bậc thiện tri thức thì cũng như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng cũng có nhuần thấm”. Tôi thấy thực tập chánh niệm cũng thế. Thực tập lâu ngày dần dần sẽ trở thành thói quen và giúp ta ý thức rõ ràng những gì đang xảy ra bên trong cũng như bên ngoài ta. Ví dụ, khi mới thực tập đi thiền hành thì mình cảm thấy không thoải mái cho lắm, bước chân của mình trở nên nặng nề, vì tập khí đi nhanh đã quen rồi. Thực tập lâu ngày mình sẽ cảm thấy dễ chịu, tự nhiên và hạnh phúc, mình sống được với những bước chân nhẹ nhàng và thảnh thơi.
Dọc theo con đường thiền hành có nhiều thảm rêu xanh, êm và đẹp. Tôi ý thức bàn chân tôi đang chạm vào thảm rêu và cảm thấy rất hạnh phúc. Từng bước chân bình an đưa anh em chúng tôi ra khỏi khu rừng đến bên bờ hồ. Trời vẫn còn mưa lất phất. Chúng tôi đến bên cây cầu và đứng nhìn mặt hồ tĩnh lặng. Trước mắt tôi là tượng Bụt được tạc bằng nham thạch núi lửa Indonesia, hình ảnh được phản chiếu trên mặt hồ cùng với những chiếc bong bóng đang phập phồng. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhớ lại những ngày còn thơ đi lùa vịt dưới trời mưa. Lúc đó tôi khoảng mười tuổi. Không hiểu vì sao tôi rất thích những chú vịt con. Mỗi lần đi chợ thấy người ta bán vịt con thì liền năn nỉ mẹ mua cho vài chú. Lúc đầu mẹ tôi không chịu, nhưng tôi năn nỉ riết rồi mẹ tôi cũng xiêu lòng. Cuối cùng mẹ đã mua cho tôi mười chú vịt con. Đó là một món quà lớn mà mẹ đã cho tôi. Sau nhà có một cái ao to, mỗi ngày tôi ra đó vớt bèo và vớt tép đem về cho các chú ăn. Cứ mỗi lần các chú đói bụng thì cả nhà đều biết, các chú kêu rất to. Hồi còn nhỏ, các chú suốt ngày cứ quấn quýt bên tôi. Đặc biệt có một chú vịt con, tôi đi đâu thì chú cũng chạy theo sau. Từ khi được thả xuống ao, các chú rất hạnh phúc được bơi lội đi chơi suốt ngày. Chiều nào tôi cũng phải đi kêu các chú về. Từ khi có mấy chú vịt con để chơi, tôi ít tới lui chơi với bọn trẻ trong xóm. Các chú là những người bạn và cũng là niềm vui của tôi mỗi ngày. Đó là thiên đường tuổi thơ chăn vịt của tôi. Tôi thấy khi mình có một tuổi thơ đẹp thì tuổi thơ đó sẽ tiếp tục nuôi dưỡng mình mãi mãi. Cảm ơn buổi thiền hành trong mưa trưa nay đã cho tôi sống lại những giây phút của tuổi thơ!
Mùa thu Bích Nham
Sau khóa tu ở Bích Nham, một số đông xuất sĩ đã lên đường qua tu viện Mộc Lan để tiếp tục chuyến hoằng pháp. Tôi cùng một số vị ở nhà để dọn dẹp tu viện và nghỉ ngơi. Mỗi ngày chúng tôi có thời khóa nhẹ, như ngồi thiền và làm việc. Tu viện Bích Nham mùa này thật tuyệt vời. Chúng tôi thường lên núi Sam ngồi uống trà và ngắm nhìn chiếc áo lụa mây trời diễm lệ. Từ đỉnh núi nhìn xuống có thể thấy được một biển sắc mênh mông. Những giây phút như thế đúng thật là thiên thu trong khoảnh khắc, cho ta một trạng thái vô sự, không cần đi đâu và cũng không cần làm gì.
Trong tăng xá của xóm Tùng Xanh có treo vài tấm thư pháp của Sư Ông. Tấm mà tôi thường lưu ý đến là “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ, làm người một kiếp cũng như không”, như một thông điệp. Câu thư pháp đã nuôi dưỡng tôi rất nhiều. Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi thấy bức thư pháp này là tại thiền đường Nến Ngọc. Mùa thu năm 2009, lúc đó tôi đang làm thị giả cho Sư Ông. Thầy trò dạo chơi trong khuôn viên của tu viện và Sư Ông dẫn tôi vào viếng thăm thiền đường Nến Ngọc. Đi một vòng, tôi chợt thấy tấm thư pháp, từng chữ từng chữ đánh động tâm trí tôi suốt ngày hôm ấy. Thầy trò tiếp tục dạo chơi trong khu rừng xóm Hạc Trắng, có một vài sư cô cũng xin được tháp tùng để đi thiền hành với Sư Ông vào rừng. Bước vào cửa rừng, cả khu rừng lấp lánh đủ màu thu. Dưới mặt đất lá vàng phủ kín. Thầy trò dừng lại. Một sư cô bước tới thưa: “Bạch Thầy, ngày xưa ông Cấp Cô Độc đã từng lót vàng lá cho Bụt trong tu viện Kỳ Viên. Ngày nay ông Cấp Cô Độc vẫn còn đó lót đường cho Thầy trò mình đi. Lần này không phải là vàng lá mà là lá vàng”. Thầy trò cùng cười.
Chiều ngày 11 tháng 10, anh em chúng tôi tranh thủ đi lên đỉnh núi Sam để tận hưởng một lần chót trước khi rời khỏi Bích Nham để qua Lộc Uyển vào hôm sau. Chúng tôi biết khi trở lại vào cuối tháng Mười một thì phong cảnh sẽ không còn tráng lệ như vậy nữa. Anh em tôi đùa: “Đẹp thế này, đành lòng nào mà bỏ đi!”.
Lộc Uyển hào hùng
Ngày 12 tháng 10, máy bay đưa anh chị em chúng tôi về Lộc Uyển đã đáp xuống phi trường San Diego vào lúc 5 giờ chiều. Đi máy bay cả ngày nên về tới Lộc Uyển thật hạnh phúc. Một hạnh phúc lớn nữa là gặp lại các huynh đệ từ những trung tâm khác. Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm và đi vòng quanh ngắm phong cảnh Lộc Uyển. Lâu ngày trở lại Lộc Uyển, tôi thấy nơi đây đẹp hơn xưa. Sư Ông thường dạy về giáo lý Ly sinh hỷ lạc, nếu buông bỏ được thì niềm an lạc sẽ đến. Tuy phong cảnh ở Bích Nham mùa này rất tráng lệ, nhưng núi rừng của Lộc Uyển cũng rất hào hùng. Mỗi nơi có mỗi vẻ đẹp khác nhau. Đồi núi của Lộc Uyển hùng vĩ và tĩnh lặng, rất thích hợp cho người tu. Trong tác phẩm Làng Mai nhìn núi Thứu, Sư Ông có dạy: “Sống hạnh phúc quả thật là một nghệ thuật và nghệ thuật đó ta phải đào luyện mới có. Nó tùy thuộc ở tâm ta cho đến độ nếu ta đánh mất khung cảnh và phải đi sang một khung cảnh khác thì ta vẫn còn có thể giữ được hạnh phúc.”
Mỗi lần về lại Lộc Uyển tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Đi tới đâu tôi cũng thấy dấu chân và hình bóng Sư Ông, đặc biệt là ni xá mới. Cốc Tùng Bút của Sư Ông đã từng tọa lạc tại nơi này, mỗi lần Thầy trò chúng tôi về Lộc Uyển đều ở cốc Tùng Bút. Vì cần không gian để xây ni xá nên cốc Tùng Bút đã được tháo dỡ đi. Quý sư cô rất dễ thương, đã xây cho Sư Ông một cái cốc mới đối diện với ni xá. Ngày tôi xuống thăm ni xá mới, bao nhiêu ký ức đã trở về trong tôi. Tôi ý thức rất rõ là tôi đang đi và đang ngắm nhìn cho Sư Ông.
Trong thời gian ở Lộc Uyển, chúng tôi có một khóa tu xuất sĩ, một khóa tu cho người Mỹ, một khóa tu cho người Việt, hai ngày quán niệm và một buổi pháp thoại công cộng tại thành phố Los Angeles. Tuy chuyến hoằng pháp kỳ này không có sự hiện diện của Sư Ông, nhưng số thiền sinh tham dự rất đông, ai cũng có mặt hết lòng. Ngoài những ngày có thời khóa, anh em chúng tôi thường đi leo núi. Có những ngọn núi như núi Voi, núi Lắc, cho đến bây giờ tôi mới có cơ hội để leo. Thật thú vị! Lên đến đỉnh núi, đứng trên một tảng đá lớn, bao nhiêu mệt mỏi và những suy tư đều tan biến. Nhìn lên, chiếc thảm da trời xanh biếc bao trùm cả không gian. Chúng tôi mỗi người chọn cho mình một tảng đá và nằm xuống để tận hưởng khí thiêng đất trời, nghe gió hú trong những khe đá khổng lồ, thật mầu nhiệm.
Hạnh phúc đơn sơ
Có những đêm trăng sáng, anh chị em chúng tôi kéo nhau lên Yên Tử uống trà, ngắm trăng và đàm đạo. Ngồi trên một phiến đá lớn, chúng tôi có thể thấy được vầng trăng treo lơ lửng trên ngọn đồi phía đông, trước mặt là một biển đèn muôn màu của đô thị. Tôi pha một bình trà nóng và mời các huynh đệ cùng nhau thưởng thức. Núi rừng Lộc Uyển thật yên bình, tâm tư chúng tôi thêm an tịnh.
Bên kia dãy núi, phía những ánh đèn đô thị, hiện giờ có bao nhiêu con người đang chạy tìm những thú vui dục lạc. Tôi nói chuyện với huynh đệ: “Tối nay là thứ Bảy. Giờ này ở ngoài phố có những người trẻ đang đi tìm những thú vui, như là đi liên hoan, câu lạc bộ khiêu vũ, quán rượu, sòng bạc hoặc khu vui chơi giải trí. Còn anh chị em mình thì ngồi đây uống trà, ngắm trăng và thưởng thức sự tĩnh lặng của núi rừng”. Tôi đùa: “Có những con tim tối nay sẽ không ngủ yên”. Mọi người nghe thế đều cười. Có một huynh đệ hỏi: “Làm sao thầy biết rõ như vậy?”. Tôi đáp: “Đó là kinh nghiệm cá nhân, là con đường mà tôi đã đi qua và tôi cũng biết đó là con đường mà rất nhiều người trẻ đã và đang đi qua”. Nói đến đây, tôi nhớ đến ngày xưa trước khi đi tu, tôi đã lầm lẫn giữa dục lạc và an lạc. Tôi nghĩ rằng, hạnh phúc tức là thỏa mãn những ham muốn. Nhưng làm sao mà thỏa mãn được? Vì lòng tham vốn không có đáy. Ham muốn này được thỏa mãn thì lại phát sinh những ham muốn khác to lớn hơn. Và chúng ta rốt cuộc chỉ là nô lệ cho những ham muốn của chính mình. Nếu quan sát cho kỹ ta sẽ thấy, từ khi theo đuổi một ham muốn cho tới khi đạt được ham muốn ấy, niềm vui ta nhận về thì ít mà phiền não phải mang thì nhiều biết bao. Và niềm vui lớn nhất mà ta có chính là giây phút không mong cầu, là niềm vui của sự tĩnh lặng nội tâm, là niềm vui từ trong phát khởi ra, niềm vui do chính mình tự tạo.
Được làm một người tu thật là hạnh phúc. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở trong giây phút thực tập là cơ hội cho mình tỉnh thức và tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống. Hạnh phúc của người tu rất bình dị và đơn sơ, nhìn những chiếc lá vàng đang rơi, ngắm những giọt mưa lác đác nghiêng nghiêng trên đường, xem những chiếc bong bóng đang phập phồng trên mặt nước hoặc ngắm nhìn vầng trăng đang treo lơ lửng trên không gian cũng đủ làm cho chúng tôi hạnh phúc. Khoảnh khắc đơn sơ chứa đựng cả thiên thu mầu nhiệm khi ta có sự yên tĩnh trong tâm hồn.
Tôi đã về tu viện Bích Nham và tu viện Lộc Uyển rất nhiều lần, nhưng hạnh phúc của tôi là cứ mỗi lần về là mỗi lần tôi cảm thấy mới, thấy đẹp. Tôi thường nhắc tôi: “Lúc nào vẫn còn thấy đẹp, vẫn còn thấy mới thì lúc đó mình vẫn còn biết ơn và vẫn còn hạnh phúc”.