14. Tý gặp chú jean-pierre, người chăn cừu
Sáng hôm sau, trời hửng nắng. Chú Dũng đưa Tý và Miêu đi thăm Xóm Hạ. Trước hết chú đưa Tý và Miêu đi viếng các ngôi nhà. Có cả thảy là tám cái nhà ở Xóm Hạ. Tất cả đều nằm trên lưng đồi. Ðầu xóm là nhà bác Mounet, có rất nhiều cửa kính và có giây leo leo kín cả tường. Cách nhà bác Mounet vài mươi thước là nhà của gia đình Tý. Giữa hai nhà có một dãy cây tùng rất xanh dùng làm hàng dậu. Tất cả mọi ngôi nhà đều được xây bằng đá. Chú Dũng nói những ngôi nhà này đã được xây cất trước đây chừng hai trăm năm. Tường rất dày, dày có tới bảy hay tám tấc. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương. Sát nhà của Tý là nhà “se” rất rộng. Nhà “se” (tiếng Pháp là chai) là chỗ để làm rượu nho. Có máy ép nho và có nhiều hầm chứa rượu. Ngôi nhà kế là một nơi dùng để chứa rơm, còn lớn hơn nhà của Tý nữa. Nhà này có một lối vào rất lớn. Cửa vào xây bằng đá tảng theo hình vòng cung; có hai cánh cửa gỗ to tướng khép lại. Cửa này phải là người lớn mới đủ sức mở hay đóng. Nhìn vào Tý thấy rơm được chất đầy từng bó thật lớn. Chú Dũng nói nhà này sẽ được làm thành thư viện và thiền đường cho Xóm Hạ. Nhà kế là một cư xá, nghĩa là một cái nhà để ở. Nhà này có bốn phòng ngủ và một phòng lớn vừa làm phòng khách vừa làm nhà bếp. Ở đây cũng có nơi để đốt lò sưởi. Kế bên lại có một nhà làm rượu nho trong đó có nhiều hầm chứa rượu. Phía trước cư xá, Tý thấy một giếng nước xây bằng đá có ống bơm tay. Vòng ra phía sau, đi chừng năm mươi thước nữa, Tý thấy có một cái nhà khác. Chú Dũng nói nhà này vốn là một cư xá nhưng lâu nay đã được dùng cho cừu ở. Bên trong, Tý thấy rất nhiều rơm và nhiều máng nước để cừu uống. Vòng ra phía trước có một ngôi nhà khác. Chú Dũng nói nhà này ngày xưa người ta dùng làm chỗ sấy mận.
– Sấy mận là gì hả chú Dũng? Miêu hỏi.
– Sấy mận là đốt lửa để sấy cho trái mận khô lại. Ở vùng này có một thứ mận gọi là pruneaux d’Agen ăn ngon lắm, nhưng quá nhiều thành ra người ta phải sấy cho khô để dành và đem sang bán cho các nước Âu Châu khác. Mận sấy là một nguồn lợi tức quan trọng của vùng này.
Chú Dũng cho biết lâu nay người ta không sấy mận trong nhà này nữa. Trái lại, họ dùng ngôi nhà để nuôi gà và nuôi heo. Ði xa hơn nhà sấy mận chừng năm mươi thước nữa, Tý và Miêu thấy một dãy nhà dài, dài chừng sáu mươi thước. Chú Dũng nói nhà đã được dựng lên để sấy thuốc lá. Hiện nay vì không trồng thuốc lá nữa cho nên nhà lại dùng để chứa rơm. Nhà có mái lợp bằng những tấm xi măng dợn sóng và không có vách.
Xem xong các ngôi nhà, chú Dũng, Tý và Miêu xuống thăm vườn nho, hai cây sồi cổ thụ và hồ nước. Vườn nho đã trụi lá. Những gốc nho cao hơn Tý và lớn gần bằng bắp tay của chú Dũng. Chú Dũng bảo trong mùa Ðông này, chú phải cắt tỉa các cành nho thì mùa thu năm sau nho mới có trái. Bác Mounet đã hứa chỉ cho Ba và chú Dũng cách tỉa, làm cỏ và bỏ phân cho vườn nho.
Qua khỏi vườn nho, chú Dũng dừng lại bên cây táo (pommier). Chỉ vào những trái táo đỏ chói còn lại trên cây, chú Dũng nói:
– Táo này ngon lắm. Hôm trước Sư Ông và chú Dũng đã hái được mấy giỏ rồi. Những trái còn lại Sư Ông bảo để dành cho Tý và Miêu hái.
Lập tức Tý bám lấy thân cây táo leo lên. Miêu cũng bắt chước anh. Ðây là lần đầu tiên Tý được hái trái táo trên cây táo và cắn vào một trái táo khi chân còn đứng trên cành táo.
Trái táo rất ngọt. Chú Dũng bảo tại Xóm Hạ có vào khoảng mười cây táo, mười cây lê, bốn cây mận, tám cây đào tiên, tám cây anh đào và năm cây hồ đào. Chú bảo hiện giờ trái hồ đào rụng nhiều lắm, Tý và Miêu có thể tha hồ đi lượm. Hạt hồ đào ăn béo lắm, nhưng trước khi ăn phải lấy đá đập bể cái vỏ cứng bên ngoài. Cây hồ đào tiếng Tây gọi là noyer. Chú Dũng nói vườn ruộng Xóm Hạ rộng lắm, không thể đi thăm hết trong buổi sáng được. Chú đưa Tý và Miêu tới thăm hai cây sồi cổ thụ. Hai cây sồi lớn thật, lớn hơn hai cây sồi trong trí tưởng tượng của Tý nhiều. Ba người đi phía dưới và nghe gió thổi vi vu trên cành lá. Một ngọn gió thổi qua hơi mạnh làm trái sồi rụng xuống như mưa. Tý đợi cho hết gió mới ngước mắt nhìn lên. Cành lá sum suê che kín hết cả trời. Nghe nói những cây sồi này đã sống hơn ba trăm tuổi. Ðối với hai cây sồi này, ngoại chỉ là một thiếu nhi… Chú Dũng lượm hai trái sồi, một đưa cho Tý, một đưa cho Miêu. Chú nói bọn gà ưa ăn trái sồi này lắm.
Nhắc đến gà, chú Dũng cười. Chú nói với Tý và Miêu:
– Nhà mình đã có tám con gà rồi. Của dì Marie-Paule cho. Dì nói nên nuôi gà để có trứng mà ăn cho bổ. Trong đất làng có mấy mẫu bắp sắp được gặt. Mai mốt, khi bắp đã gặt xong, Tý và Miêu sẽ đi mót những trái bắp sót đem về để nuôi gà.
Bỗng Tý nghe nhiều tiếng lục lạc. Tiếng lục lạc càng lúc càng gần, càng lúc càng rõ. Tý chưa kịp hỏi thì chú Dũng đã đưa tay chỉ về phía hai cây táo. Theo tay chỉ, Tý thấy một đàn cừu rất đông, một đàn cừu ít nhất cũng có tới vài trăm con, đang rộn rịp đi tới. Phía sau, có một người mặc áo ấm dài, đầu đội nón len, chân đi ủng, tay cầm một cây gậy dài, đang lùa cừu đi tới.
– Ðó là chú Jean-Pierre, người chăn cừu, chú Dũng nói. Chú Jean-Pierre đang lùa cừu tới ăn cỏ quanh hai cây sồi cổ thụ. Lẫn trong đàn cừu, Tý thấy có cả những con dê. Có cả một con dê con đang lẩn quẩn bên chân con dê mẹ. Chú Dũng tới bắt tay chú Jean-Pierre rồi giới thiệu Tý và Miêu. Chú cho Tý và Miêu biết rằng nhà chú Jean-Pierre ở cách đây chừng ba cây số. Chú Jean-Pierre chăn cừu, chăn dê, làm pho-mai sữa cừu và pho-mai sữa dê đem ra chợ bán. Chú được phép cho cừu và dê ăn cỏ ở đây cho tới hết tháng mười một. Chú Dũng vuốt tay áo ấm của Tý và cho Tý biết áo của Tý được làm bằng lông cừu. Tý nhìn lại bầy cừu. Lông của chúng lấm lem. Có con vướng bùn cả mình đen thui. Lông cừu như thế mà làm được những cái áo ấm trắng nõn thì tài thật. Chú Dũng bảo mỗi đầu hạ, người ta hớt lông cừu cho cừu mát, và đem lông ấy đi bán cho người chế tạo sợi len. Những người này đem lông cừu giặt thật sạch. Họ còn giặt lông cừu bằng những chất hóa học khiến cho lông cừu trở thành trắng nõn. Họ lại có thể nhuộm lông cừu bằng đủ thứ màu. Áo của Tý được đan bằng len trắng và len nâu. Len chỉ có nghĩa là lông cừu. Len là một từ ngữ lấy từ chữ laine của Pháp. Ngày xưa ở nước ta có người gọi áo len là áo lông cừu, hoặc là áo cừu. Áo ấm được gọi là áo ngự hàn, tức là áo để ngăn cái lạnh.
Gần sát vườn nho là ruộng bo bo. Người ta trồng bo bo để cho trâu bò gà vịt ăn. Chú Jean-Pierre nói với chú Dũng là bọn cừu ưa bo bo lắm. Nếu chú vô ý một chút, tức thì bầy cừu tấn công vào ruộng bo bo. Chú bảo loài cừu thích ăn bo bo cũng như loài người thích ăn bánh bông lan vậy. Câu ví von đó làm cho Miêu bật cười. Miêu ưa ăn bánh bông lan vô cùng.
Tới hồ nước, chú Dũng chỉ cho Tý và Miêu thấy những cây cao, thẳng và ốm mọc bên bờ hồ và bảo đó là những cây bạch dương. Lá bạch dương đã úa vàng và sắp rụng. Chú Dũng chỉ hồ nước và nói với hai đứa:
– Mai mốt mình sẽ mua vài con vịt thả xuống hồ nước này để chúng bơi cho đẹp.
Chú cho Tý và Miêu biết là trong vườn nhà còn một hồ nước lớn bằng mấy mươi hồ nước này, nhưng ở hơi xa và phải mang ủng mới đi thăm được. Chú nói là mùa xuân tới, chú sẽ trồng nhiều mẫu bắp, nhiều mẫu hướng dương và đủ loại rau đậu để đủ ăn trong gia đình.
Khi ba chú cháu về tới nhà, thì Ba và Mẹ đã tháo mở các thùng hành lý và sắp đặt mọi thứ vào kho, vào kệ và vào tủ. Mẹ đã tìm thấy chỗ để gạo, để muối, để soong, nồi, và chảo. Cô Chín đã lo chu đáo mọi thứ. Trong tủ lạnh có đủ thức ăn cho một tuần lễ. Trong kho, có rất nhiều ly tách, soong chảo, muỗng, nĩa. Cô Chín nói những thứ này là do dì Marie-Paule, Marie-Thé và chú thím Charles đem đến tặng cả. Mẹ bằng lòng nhất là mười cái chén và mười đôi đũa mà Cô Chín đã mua ở tiệm thực phẩm Á Ðông. Mẹ nhờ Tý săn sóc Chó Con, và đi vào bếp chuẩn bị bữa cơm trưa Việt Nam đầu tiên trên đất Pháp, trong nhà bếp của Mẹ.