Chương 8 – Tập 1 Có mặt cho nhau

 

  • Khám phá những phương pháp có mặt cho người khác, phát triển kỹ năng chia sẻ suy nghĩ và cảm thọ về những mối liên hệ một cách cởi mở, kỹ năng lắng nghe sâu, nói lời ái ngữ và hòa giải xung đột bằng lòng nhân ái, cảm thông, hiểu biết và từ
  • Tiếp nhận những hướng dẫn thực tế, cụ thể từng bước một về hai pháp môn thực tập căn bản của Làng Mai: 1) Chia sẻ trong vòng tròn bằng phương pháp ái ngữ và lắng nghe sâu.
  • Làm mới (áp dụng phương pháp ái ngữ và lắng nghe sâu trong những mối liên hệ, khôi phục truyền thông và hòa giải xung đột).
  • Quán chiếu những phương pháp tiếp xúc với người khác chánh niệm hơn, thành thật hơn sâu sắc hơn, giúp các em học sinh phát triển khả năng này trong mối liên hệ của các em, được minh họa bằng những ví dụ đề nghị của những giáo viên thực tập có kinh nghiệm.

Chú ý về ngôn ngữ: Nếu ngôn ngữ trong chương này không phù hợp hoàn cảnh của mình và học sinh, chúng ta có thể thay thế bất cứ ngôn từ nào mang lại hiệu quả.

  • Đối với ba hoặc mẹ, chúng ta thể sử dụng “ba mẹ” hoặc “người bảo hộ”
  • Đối với gia đình, ta thể sử dụng “những người thương”, “bạn” hay “những người ta sống chung”.
  • Đối với tình thương lòng từ bi, ta thể dùng từ “quan tâm”, “tử tế”, “cảm thông” hoặc “kính trọng”.

Lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ

Học cách có mặt cho nhau, có mặt trọn vẹn cho người khác, tự thân nó là sự thực tập chánh niệm. Khi có mặt trọn vẹn, chúng ta phát triển được tình thương, từ bi đối với bản thân và người khác, hiểu được sự kết nối sâu sắc hơn giữa ta với người khác. Món quà lớn nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể hiến tặng cho người khác là sự thực tập chánh niệm của chính mình. Thông qua việc phát triển khả năng an trú trong giây phút hiện tại, sự thực tập chánh niệm giúp ta hoàn toàn có mặt cho bản thân và cho người khác, một sự có mặt tỉnh thức. Đó là nền tảng cho những mối liên hệ của chúng ta.

Thương yêu là khả năng chăm sóc, bảo hộ và nuôi dưỡng. Nếu không có khả năng chế tác những nguồn năng lượng này cho chính bản thân thì rất khó để chăm sóc người khác. Chúng ta phải học cách thương yêu chính mình, hoàn toàn có mặt bình an cho tự thân. Cho nên, chánh niệm luôn luôn bắt đầu với tự thân (dù là giáo viên hay học sinh). Nếu chúng ta thực tập được như vậy thì mỗi nụ cười, mỗi hơi thở ý thức đều đóng góp để tạo nên một cộng đồng vững chãi, tĩnh lặng, biết chăm sóc cho nhau.

Để yêu thương trọn vẹn ta phải hiểu được người kia. Chỉ quan sát thôi thì không đủ để thấy được người kia như chính họ và hiểu được nỗi khổ đau của họ. Chúng ta phải trở thành một với đối tượng quán chiếu, nhận diện những khổ đau về sinh lý và tâm lý của họ. Chúng ta phải tiếp xúc với hình hài, cảm thọ và tâm hành của họ. Chúng ta hiểu rằng khổ đau của họ và khổ đau của ta không tách rời nhau. Từ bi theo nghĩa đen là “đau nỗi đau của người khác” hay “đau với người khác”, đó là khả năng của con người, hiểu thấu được nỗi khổ đau của đối phương và có động lực muốn giúp đối phương bớt khổ. Khi lắng nghe đối phương sâu sắc và tiếp xúc được với khổ đau của họ thì từ bi trong ta sẽ phát khởi.

Nếu chúng ta biết sử dụng lời nói ái ngữ, có khả năng nói lời thương yêu và từ bi với đối phương, thì đối phương sẽ mở trái tim ra và kể cho ta nghe về những khó khăn và khổ đau của họ. Nếu biết lắng nghe bằng tâm từ bi, ta có khả năng khôi phục lại truyền thông, mang lại sự hòa giải và trị liệu. Trong trường hợp mình là giáo viên thì mình có thể thực tập với những người trong gia đình trước. Khi đã thành công với những người trong gia đình, chúng ta có thể mang sự thực tập này vào trường học. Bằng sự thực tập này ta có thể khôi phục truyền thông với đồng nghiệp và hòa giải với họ.

Để lắng nghe sâu, chúng ta phải duy trì từ bi trong trái tim ta. Nhờ có từ bi bảo hộ nên ta có thể lắng nghe mà không ngắt lời đối phương. Khi kể cho ta nghe đối phương có thể giận dữ hoặc nói lời cay đắng. Những gì người khác nói có thể đầy tri giác sai lầm và rất khó nghe. Những gì ta nghe có thể tưới tẩm những hạt giống giận dữ, bực bội trong ta, làm cho ta mất khả năng lắng nghe. Nhưng nếu ta đưa sự chú tâm về với hơi thở chánh niệm, buông bỏ những phản ứng và duy trì từ bi trong ta thì ta được bảo hộ. Thở vào thở ra, ta tự nhắc nhở rằng, ta đang lắng nghe đối phương chỉ với một mục đích duy nhất là giúp đối phương vơi bớt khổ đau và làm cho trái tim họ nhẹ nhõm. Cho dù đối phương có nói sai đi nữa ta cũng không ngắt lời người ấy, không chỉnh người ấy, bởi vì nếu làm như vậy thì ta biến buổi thực tập này thành buổi tranh cãi, và như thế là ta làm hư buổi lắng nghe. Vài ngày sau ta có thể cho người đó một số thông tin giúp người đó phá đi tri giác sai lầm của họ, nhưng không phải ngay bây giờ. Bây giờ chỉ để lắng nghe thôi. Nếu chúng ta thở vào thở ra và duy trì ý thức sáng tỏ ấy, thì ta được bảo hộ bởi lòng từ bi và ta có khả năng lắng nghe sâu mà không phán xét hay phản ứng. Điều này mang lại sự trị liệu rất lớn cho đối phương. Đối phương có thể là vợ hay chồng, là cha hay mẹ, hoặc là người trong gia đình cùng sống chung với ta. Khi phục hồi lại sự truyền thông và hòa giải được với người ấy, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn. Chúng ta sẽ mang sự thực tập này vào trường học. Sự thực tập lắng nghe sâu có khả năng chuyển hóa mối liên hệ của chúng ta, ở nhà cũng như ở cơ quan làm việc.

Sinh viên học sinh trong thời đại này khổ đau rất nhiều, và vì các em khổ đau nên giáo viên cũng khổ đau. Một số em do gia đình đổ vỡ, không ai hiểu được các em hoặc lắng nghe các em. Khi các em khổ đau chúng ta cũng khổ đau, và chúng ta mất rất nhiều năng lượng. Với kinh nghiệm thực tập chánh niệm, giáo viên có thể nhận ra ngay những khổ đau trong lòng các em.

Có thể có những em nhỏ mà ta rất khó tiếp xúc để giúp đỡ như những em có nhiều bạo động, sợ hãi và giận dữ. Chúng ta biết rằng các em không biết cách xử lý những năng lượng này. Nhờ thực tập phương pháp lắng nghe sâu, các thầy cô giáo hiểu được những em này xuất thân từ những gia đình khó khăn. Nếu gia đình mà bố mẹ hạnh phúc, thương yêu nhau thì em sẽ không như vậy. Em ấy là nạn nhân của khổ đau do ba mẹ trao truyền lại. Ý thức được điều đó, khi gặp một em cứng đầu, bạo động và giận dữ, ta không còn giận em đó nữa. Ta biết rằng những em như thế là nạn nhân của môi trường, hoàn cảnh và của những gì ba mẹ trao truyền lại. Như vậy, thầy cô giáo cảm thấy lòng từ bi phát khởi trong trái tim mình khi nhìn em này. Người giáo viên đó không khổ đau vì giận dữ. Thay vì trừng phạt em thì yếu tố hiểu biết và thương yêu phát khởi trong lòng, chúng ta muốn làm một điều gì đó để giúp em bớt khổ. Vì thầy cô giáo có khả năng hiểu được khổ đau của chính mình và chế tác năng lượng từ bi cho chính mình, nên các vị ấy cũng có khả năng thấy được khổ đau trong lòng người khác và có khả năng chế tác hiểu biết, thương yêu cho người đó.

Hãy tưởng tượng thầy cô giáo và học sinh ngồi lại nói chuyện với nhau về những niềm hạnh phúc mà họ đã có, về những khổ đau mà họ đã đi qua. Chúng ta cần lắng nghe để hiểu nhau. Khi đã hiểu nhau chúng ta sẽ không đổ lỗi cho nhau, hoặc không gây khó khăn cho nhau nữa. Chúng ta sẽ cùng đi với nhau trên con đường giảng dạy và học tập dễ dàng, nhanh chóng hơn. Giáo viên có thể nói với học sinh: “Thầy biết là em đang khổ đau. Có thể là em đang có khó khăn trong gia đình. Sở dĩ em không có nhiều tiến bộ trong học tập là do những khó khăn này. Vì vậy em hãy nói cho thầy nghe đi.” v.v… Cả lớp có thể ngồi lắng nghe em bằng tâm từ bi. Cùng lắng nghe chung với nhau sẽ giúp học sinh chuyển hoá, bởi vì những em học sinh khác cũng có thể có những nỗi khổ, niềm đau tương tự. Nếu thấy em học sinh nào khổ đau, buồn bã và không thật sự có mặt thì ta nên nói chuyện với em, hỏi xem có chuyện gì xảy ra với em không. Có thể em nói: “Mẹ em đã nhập viện sáng nay và em không biết là mẹ em có thể sống được hay không.” Làm thế nào để em có thể học được cách xử lý cảm thọ này? Mình không thể áp đặt ý muốn của mình lên em được, vì vậy giáo viên phải nói chuyện với cả lớp: “Chúng ta có một bạn học sinh có mẹ đang nhập viện và bạn ấy lo lắng vô cùng. Cả lớp chúng ta hãy thực tập hơi thở chánh niệm chung với nhau. Chúng ta sẽ gửi năng lượng chánh niệm và từ bi cho mẹ bạn.” Sử dụng năng lượng chánh niệm tập thể được chế tác từ sự thực tập hơi thở của giáo viên và học sinh, ta giúp em vơi đi nỗi khổ đau lo lắng để em có thể theo dõi bài học. Đây là điều mà giáo viên có thể làm cho học sinh. Lắng nghe nhau, hiểu được khổ đau của nhau để cùng nhau làm lắng dịu cảm thọ và cảm xúc. Như vậy chúng ta sẽ làm lớn lên sự hiểu biết, cảm thông nơi nhau và chúng ta không còn gây khổ đau cho nhau nữa.

Khi các em vượt qua được khó khăn của chính mình, hiểu được khổ đau của ba mẹ, các em có thể giúp đỡ ba mẹ. Chúng ta đã tổ chức những khóa tu chánh niệm cho những người trẻ ở châu Âu, Nam Mỹ và châu Á, ở đây nhiều người trẻ có kinh nghiệm chuyển hóa và trị liệu. Sau đó khi về nhà, các em có khả năng khôi phục lại truyền thông với ba mẹ. Nhiều em trong số đó đã mời ba mẹ cùng thực tập với các em. Giáo viên cũng có thể làm như vậy. Chúng ta có khả năng giúp học sinh bớt khổ và giúp các em hiểu được cách làm thế nào để bớt khổ đau. Sau đó về nhà các em cũng có thể giúp cho ba mẹ các em bớt khổ.

Chúng ta nên tổ chức những buổi để giáo viên và học sinh ngồi lại lắng nghe nhau. Sự truyền thông sẽ trở nên tốt đẹp, công việc giảng dạy và học tập sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Sử dụng lời nói ái ngữ và mời người kia nói ra để họ vơi bớt khổ đau là một trong những điều tốt đẹp nhất mà giáo viên có thể học hỏi. Những gì các em không nhận được từ ba mẹ, các em sẽ nhận được từ thầy cô giáo của mình. Bằng sự thực tập này giáo viên biến lớp học thành một gia đình đích thực, trong đó có sự truyền thông và thương yêu nhau.

Có mặt cho nhau

 Tại sao phải thực tập bài tập này?

  • Để giúp ta nói ra được những suy nghĩ, cảm thọ của mình một cách chân thành và cởi mở hơn.
  • Để phát triển kỹ năng lắng nghe sâu: giúp chúng ta tập trung, đợi đến phiên mình chia sẻ, hiểu được người khác, thừa hưởng kinh nghiệm và tuệ giác của mọi người, mở rộng tầm nhìn, cảm nhận được lòng nhân ái, từ bi và cảm thông lớn hơn.
  • Để phát triển kỹ năng nói lời ái ngữ: học cách chia sẻ kinh nghiệm, niềm vui, khó khăn và đặt câu hỏi một cách cởi mở, chánh niệm. Điều này giúp ta cẩn trọng hơn khi quan tâm, chăm sóc người khác.
  • Để giúp ta cảm thấy mình có giá trị, được công nhận, được lắng nghe, được hiểu và thấy gần gũi thân thương với mọi người.
  • Để xây dựng sự kết nối với tự thân và với người khác, nhận ra kinh nghiệm của ta không phải là duy nhất.

Với kinh nghiệm giáo dục, hầu hết các giáo viên đều hiểu được sự kết nối quan trọng và cần thiết như thế nào cho sự sống và cho sự thành công của mình. Hầu hết đều mong muốn phát triển một mối liên hệ chân tình, biết quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Họ biết rằng mối liên hệ tốt không những là nền tảng cho hạnh phúc và an lạc cá nhân mà còn là nền tảng cho những hoạt động tốt của trường, trong đó việc dạy học sẽ phát triển mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cao. Cảm giác an toàn, được chăm sóc, được kết nối với bạn bè cùng lớp, với một nhóm có tình bạn, với trường học và gia đình là điều kiện tiên quyết cho việc sẵn sàng dạy và học, sẵn sàng thưởng thức những ngày mới ở trường.

Tuy nhiên, như tất cả chúng ta đã biết rõ, tiếp xúc với người khác thường không dễ dàng gì mấy. Con người thường đấu tranh để bám víu vào một cái gì có ý nghĩa, để phát triển ý thức xã hội, để vượt ra ngoài tính ích kỷ chỉ biết quan tâm đến chính mình, để vượt ra những tri giác sai lầm, để hiểu và chăm sóc người khác sâu sắc hơn. Quen với những hoạt động của tâm thức qua sự thực tập chánh niệm, chúng ta thấy rằng tất cả chúng ta đều có khuynh hướng sống nhiều bằng cái đầu, như “nhai đi nhai lại” ý kiến của mình, lên kế hoạch cho tương lai, ôn lại quá khứ… mà quên chú ý đến những người đang có mặt quanh ta trong giây phút hiện tại.

Liên hệ với người khác trở nên khó khăn hơn bao giờ hết trong một thế giới phức tạp có nhiều áp lực mà chúng ta đang tạo ra cho chính mình. Cô đơn và cô lập đã trở thành dịch bệnh xã hội, trớ trêu thay ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi chúng ta đang sống trong thời đại mà sự kết nối lại hiển nhiên dựa trên màn hình kỹ thuật số. Đối với người trẻ cũng như người lớn, những vấn đề về tâm thần như lo lắng, trầm cảm đang tăng lên theo đường xoắn ốc. Gia đình thì đang tan vỡ ra từng mảnh. Con người thì luôn tấn công nhau khi có những cuộc xung đột xảy ra, ở địa phương, trong nước hay toàn cầu. Cho dù bây giờ chúng ta có đang ở trong một khung cảnh hòa bình đi nữa thì những hình ảnh bạo động cũng liên tục đi vào nhà mình bằng những phương tiện truyền thông mà người trẻ luôn thấy lo lắng. Trong nhà, ta luôn có nguy cơ bị chi phối bởi những phương tiện truyền thông xã hội, mạng lưới và những kết nối ảo liên tục xảy ra trong hai mươi bốn giờ. Những quảng cáo luôn tạo cho ta cảm giác bất an, luôn thấy thiếu thốn, thiếu tiện nghi khi so sánh cuộc sống của mình với những người khác.

Trường học không phải lúc nào cũng có khả năng xây dựng một trung tâm tĩnh lặng, an toàn, có tình bằng hữu. Nhiều trường rất bận rộn và gây nhiều áp lực, cả thầy cô giáo lẫn học sinh luôn hướng về tương lai, lúc nào cũng nhấn mạnh vào những khó khăn kế tiếp cần phải vượt qua để giúp học sinh thành công trong một xã hội vật chất và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong lớp học, tại sân trường và trên mạng lưới, chế nhạo và bắt nạt thường là những ảnh hưởng ngầm, có khi tăng vọt nghiêm trọng khiến mọi người căng thẳng, và tồi tệ nhất là làm suy yếu sức khỏe tinh thần và niềm an vui. Như thầy Thích Nhất Hạnh đã đề nghị, trường phổ thông và đại học cần làm ngược lại khuynh hướng này, nỗ lực tìm cách xây dựng từ bi bằng cả trái tim mình, giúp loài người hợp tác và chăm sóc lẫn nhau. Tất cả những phương pháp thực tập được trình bày trong bộ sách này hình thành nên một nền tảng quan trọng, giúp ta hiểu được tâm mình, hiểu được động lực, suy nghĩ, cảm thọ và những phản ứng của thân thể, để nuôi lớn không gian, nuôi lớn sự tĩnh lặng, để có thể liên hệ tiếp xúc với người khác một cách chân thành và hòa hợp.

Chương này xây dựng trên nền tảng đó với hai phương pháp thực tập chính là “Chia sẻ trong vòng tròn bằng phương pháp Ái ngữ và Lắng nghe sâu” và “Làm mới”. Làm mới có bốn bước. Bước đầu tiên được gọi là “tưới hoa” hay trân quý những điểm tích cực của người khác, có thể được dạy thành một phần riêng, hoặc như là điều kiện đầu tiên cho ba bước kia: xin lỗi (bày tỏ sự hối lỗi), trị liệu niềm đau và xin người khác giúp đỡ. Những thực tập này có mục đích rõ ràng là giúp chúng ta liên hệ với người khác hiệu quả hơn, giúp chúng ta phát triển khả năng có mặt, biết quan tâm lẫn nhau và có từ bi hơn. Phương pháp này cũng giúp ta giải quyết những niềm đau và những khó khăn. Đây không phải là một công thức “mì ăn liền” đơn giản có thể áp dụng một cách máy móc để khắc phục khó khăn, mà là cách tạo điều kiện cho mọi người được chia sẻ, được lắng nghe sâu và được trân quý để rồi vấn đề tự nó có thể được phục hồi.

Ban đầu những phương pháp thực tập này có vẻ hơi gượng gạo hoặc quá máy móc. Nhưng điều quan trọng là tạo ra cho mọi người một cơ hội. Đó là một cái giàn giúp ta xây dựng khả năng lắng nghe sâu và chia sẻ từ trái tim mình bằng lời ái ngữ. Dần dần thói quen này trở nên tự nhiên hơn, và chúng ta thấy rằng không phải lúc nào chúng ta cũng cần cái giàn này, không phải lúc nào cũng cần đi đầy đủ tất cả các bước. Tuy nhiên, khi đang học hỏi, hoặc khi có cảm xúc mạnh đi lên, các bước này sẽ yểm trợ ta, giúp ta chia sẻ và lắng nghe bằng tâm từ bi và lòng nhân ái.

…….

Cuối chương này, chúng ta sẽ nghe một vài chia sẻ từ những giáo viên có kinh nghiệm nói về giá trị của việc có mặt cho nhau, giá trị của các mối liên hệ bằng những cách khéo léo, cùng những phương pháp cụ thể về cách chia sẻ trong vòng tròn, lắng nghe sâu, nói lời ái ngữ và làm mới.

Chia sẻ trong vòng tròn bằng phương pháp ái ngữ và lắng nghe sâu

 Chuẩn bị và đồ dùng

  • Xếp ghế thành vòng tròn.
  • Chuông và dùi thỉnh (không bắt buộc nhưng nên có).
  1. Chắp tay xá

Khi chia sẻ trong vòng tròn ta cần tìm cách nào đó cho mọi người bày tỏ ý định nếu họ muốn nói. Phương pháp truyền thống của Làng Mai giúp mọi người chia sẻ là xá xuống. Khi ai đó chắp tay xá là ra dấu cho mọi người biết họ muốn chia sẻ. Để đáp lại, những người khác cũng chắp tay xá xuống công nhận người chuẩn bị chia sẻ. Một phương pháp thay thế phổ biến ít mang tính truyền thống hơn là sử dụng “thẻ nói”, như dùng chiếc lông chim, vỏ sò, cây que, hoặc viên sỏi được chuyền quanh vòng tròn, người nào nhận vật đó (thẻ nói) thì có quyền chia sẻ mà không bị người khác ngắt lời.

Người chia sẻ không bị người khác ngắt nửa chừng cho đến khi người ấy ra dấu là mình đã chia sẻ xong, bằng cách chắp tay xá xuống.

Những người khác cũng chắp tay xá để cho người kia biết là mọi người hiểu mình đã chia sẻ xong.

Sau đó, người khác có thể bày tỏ là họ muốn chia sẻ.

Tóm tắt phần thực tập này có trong phần Phụ lục A, tập 2, Đi như một dòng sông

Sau đây là phương pháp cơ bản để chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của mình. Ta nên thử chia sẻ vài lần với một nhóm bạn bè và đồng nghiệp trước khi chia sẻ với học sinh.

Nếu chắp tay xá không phù hợp với hoàn cảnh của mình, ta có thể làm một dấu hiệu khác được trong nhóm chấp nhận, tuy nhiên chúng ta không nên giới thiệu cách đưa tay bởi vì cách này mang ý nghĩa cạnh tranh và thảo luận bằng trí năng.

Có đôi khi từ chia sẻ này đến chia sẻ kế tiếp mọi người ngưng hơi lâu. Điều này cũng không sao. Chúng ta hãy xem đó là cơ hội cho mình trở về với hơi thở. 

  1. Chuẩn bị phòng và nhóm 

Tập trung thành vòng tròn, ngồi trên ghế hoặc trên sàn.

Ngồi như thế nào để mọi người thấy thoải mái và thấy được nhau.

Ban đầu, chúng ta nên giải thích ngắn gọn. Sau đó, khi cả nhóm có kinh nghiệm hơn, ta có thể trở lại chi tiết. Chúng ta nên bắt đầu bằng những đề tài an toàn. Khi giới thiệu những đề tài nhạy cảm, ta nên thêm vào những nguyên tắc cơ bản.

 

Giải thích rõ là mình đang đóng một vai trò đặc biệt làm người hướng dẫn. Mình sẽ giữ cho buổi chia sẻ an toàn bằng cách hướng dẫn buổi chia sẻ lúc bắt đầu và kết thúc.

 

Nếu có nhiều người muốn tình nguyện chia sẻ, mình sẽ chỉ định ai là người chia sẻ. Nếu có ai chia sẻ quá dài thì nhẹ nhàng ngăn lại.

  1. Giải thích cách chia sẻ cơ bản

 

Tập chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của mình.

Lắng nghe sâu bằng trái tim cởi mở mà không phán xét hay phản ứng.

Cách chia sẻ, ví dụ như chắp tay xá hay dùng “thẻ nói”.

Chia sẻ là tự nguyện. Nếu chưa sẵn sàng, có thể thông qua và chỉ cần lắng nghe thôi.

 

  1. Thêm những nguyên tắc cơ bản cho việc lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ

Người nói phải thực tập ái ngữ, nói cách khác là chia sẻ từ trái tim một cách chánh niệm. Chia sẻ trực tiếp những kinh nghiệm cá nhân, không đổ lỗi, phán xét, chỉ mô tả thôi.

Khi người khác chia sẻ, ta thực tập lắng nghe sâu. Cố gắng hết khả năng của mình để chỉ lắng nghe mà không phán xét, không lên kế hoạch là mình sẽ chia sẻ gì. Không đánh mất mình trong những suy nghĩ, cảm thọ và tri giác về những gì người khác đang chia sẻ.

Đừng bắt đầu quá chi tiết. Những chi tiết tinh tế hơn, ta sẽ giải thích khi các em đã nắm được những điều cơ bản.

Chúng ta có thể đáp lời người khác mà không cho lời khuyên hoặc đưa ra ý kiến. Nếu ai đó chia sẻ gây cho ta cảm hứng thì chúng ta có thể tiếp tục đề tài đó, nhưng phải dựa trên những kinh nghiệm cá nhân của mình mà không phải là những ý niệm hay lý thuyết, và không nên cho lời khuyên.

Chúng ta đồng ý với nhau là những gì mọi người chia sẻ phải được giữ kín, phải được để lại trong vòng tròn, để chúng ta cảm thấy an toàn khi biết rằng câu chuyện của ta sẽ không được kể cho người khác ngoài vòng tròn nghe.

Nếu muốn kể cho ai đó về buổi chia sẻ, chúng ta phải hỏi người kia trước xem có được hay không. Nếu người kia không đồng ý thì ta phải tôn trọng ý muốn của người đó.

  1. Bắt đầu: Thở và chuông

Thỉnh ba tiếng chuông để bắt đầu, giữa mỗi tiếng chuông là ba hơi thở.

  1. Chia sẻ trong nhóm

Giới thiệu đề tài và mời mọi người chia sẻ về những suy nghĩ, những cảm nhận của mình về đề tài đó.

Vài đề nghị cho những đề tài đầu tiên (nếu là học sinh chia sẻ):

  • Một điều tốt đẹp về một nơi nào đó (có thể là trường phổ thông, đại học, thành phố, làng quê) nơi mình đang sống và học tập.
  • Điều gì đó đã làm cho mình cười trong tuần này.
  • Động vật nào mình thích nhất và muốn giống nó.
  • Thời tiết bên trong hiện nay của mình như thế nào (nắng ấm, có mây hay mưa v…)

Mời các em học sinh chia sẻ những gì mà các em cảm thấy an toàn khi được nói ra trong nhóm. Giải thích cho các em là nếu các em muốn chia sẻ thêm nhưng không cảm thấy an toàn thì có thể chia sẻ cho giáo viên sau đó.

Khi mới bắt đầu chúng ta nên chọn những đề tài đơn giản nhẹ nhàng để mọi người thấy thích thú chia sẻ.

Thỉnh thoảng, tùy thuộc vào hoàn cảnh và thời gian chia sẻ, ta có thể thỉnh một tiếng chuông để mọi người trong vòng tròn có cơ hội thở chánh niệm chung với nhau.

Cho phép một vài khoảng lặng xảy ra, nhưng nếu im lặng trong một thời gian dài mà không có ai chia sẻ, ta có thể đặt câu hỏi hoặc đưa ra thêm vài đề tài để làm cho mọi người có cảm hứng.

  1. Kết thúc

Nếu thích hợp ta có thể hát chung với nhau một bài hát trước khi thỉnh chuông.

Nhắc các em rằng mình có thể nói chuyện riêng với các em nếu các em muốn.

Khi mọi người đã chia sẻ xong, hoặc hết giờ thì kết thúc.

Thỉnh ba tiếng chuông để kết thúc, giữa mỗi tiếng chuông là ba hơi thở.

Là người hướng dẫn, trước khi thỉnh chuông, ta chia sẻ ngắn gọn chân thành từ sự quán chiếu của mình để đưa những suy nghĩ, cảm nhận và những câu hỏi đã được chia sẻ đúc kết lại với nhau.

Khi chuẩn bị rời vòng tròn, người hướng dẫn mời mọi người tôn trọng tinh thần thực tập chia sẻ trong nhóm này, điều đó sẽ yểm trợ cho người khác rất nhiều.

Nhắc nhở mọi người khi rời khỏi phòng học phải giữ bí mật những gì đã được chia sẻ. Không được mách lẻo, chọc ghẹo hay bắt nạt sau đó. Nếu ai đó đã chia sẻ điều gì trong vòng tròn, có thể họ không muốn những điều này lại được đưa ra bàn cãi ngoài vòng tròn.

 Những cách khác về sự thực tập chia sẻ trong vòng tròn

Khi mọi người có kinh nghiệm hơn và tin tưởng nhau hơn, ta từ từ đưa thêm những đề tài có tính cách cá nhân và tình cảm vào. Ta có thể đưa vào những đề tài ở “mức trung bình” mà giáo viên đã sử dụng hiệu quả:

  • Điều gì làm nên một người bạn, một đồng nghiệp tốt.
  • Làm thế nào để thể hiện là mình quan tâm đến người khác.
  • Điều gì làm mình cười, khóc, giận dữ, sợ hãi, hạnh phúc thực sự.
  • Thực tập hơi thở ý thức, đi thiền, ăn cơm chánh niệm v… trong hai mươi bốn giờ qua như thế nào.

 Khi học sinh đã quen với sự thực tập này và đã xây dựng được niềm tin với nhau, ta uyển chuyển giới thiệu những đề tài sâu hơn. Không nên khuyến khích học sinh mở lòng chia sẻ nếu thấy điều đó sẽ làm cho các em tổn thương và bị người khác bắt nạt, chọc ghẹo. Đừng nghiêng về những đề tài quá nghiêm trọng hay quá hời hợt, buồn cười (cần giữ sự thăng bằng). Dần dần học sinh có thể tự đề nghị đề tài chia sẻ. Ban đầu nên áp dụng chia sẻ trong vòng tròn nhỏ để các em không chán, đến khi mọi người quen với sự thực tập này ta có thể mở rộng vòng tròn thêm.

Có nhiều cách chia sẻ trong vòng tròn bằng phương pháp lắng nghe sâu: chia sẻ những niềm vui, những cảm nhận, những sự kiện, kế hoạch, và cách giải quyết vấn đề. Ta có thể sử dụng cách này để hướng dẫn bất kỳ một đề tài, một môn học nào như một phương pháp học tập.

Ngồi lại với nhau, nhìn mặt nhau và chia sẻ cho nhau nghe bằng tấm lòng thương kính, dần dần, chúng ta xây dựng được một gia đình có tình anh chị em ngay trong lớp học.

 Nhìn sâu: Những câu hỏi quán chiếu về cách chia sẻ bằng lời ái ngữ và lắng nghe sâu

Có thể chúng ta nghĩ rằng thực tập như vậy là đủ rồi. Nhưng nếu ta muốn khám phá thêm thì những câu hỏi sau đây có thể giúp cho ta rất nhiều. Đây là những câu hỏi dành cho giáo viên để tự quán chiếu, hoặc sử dụng cho học sinh trong giờ chia sẻ, hay đơn giản chỉ để những câu hỏi đi vào tâm thức các em.

  • Thực tập này ảnh hưởng lên tâm thức, thân thể và hơi thở như thế nào? (Ta có thể đặt những câu hỏi cụ thể hơn liên quan đến những gì đã xảy ra trong suốt thời gian thực tập.)
  • Bây giờ mình cảm thấy thế nào? Tâm thức, thân thể, hơi thở mình đang ở đâu? (Ta có thể hỏi câu hỏi này bất cứ lúc nào trong khi thực tập, nếu muốn ta có thể dùng chuông.)
  • Khi thực tập ái ngữ, ta cảm thấy như thế nào? Có khác với cách mà ta thường nói không? Có thấy thật lòng không hay bị bắt buộc?
  • Khi thực tập lắng nghe sâu ta thấy như thế nào? Không ngắt lời người khác, không phán xét, hoặc phê bình có khó không?
  • Cảm thấy thế nào khi được cả nhóm lắng nghe?

Ta có thể thêm vào một số câu hỏi thích hợp khác, liên quan đến những kinh nghiệm có thật trong cuộc sống một cách đơn giản, cởi mở, có tính chất khuyến khích mà không lên án. Chấp nhận tất cả những câu trả lời kể cả những câu trả lời tiêu cực như “chán nản”, “phiền phức”, “em thấy nổi giận”… mà không phản ứng hay cố tìm cách “sửa chữa” khi người tham dự không thích sự thực tập này.

Làm Mới

Tại sao phải thực tập làm mới?

  • Để thực tập thêm những kỹ năng truyền thông chân thật: lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ.
  • Để xây dựng sự kết nối với chính mình, với người khác trong lớp, trong trường phổ thông, đại học, cộng đồng và gia đình.
  • Để tạo ra một cộng đồng, một môi trường hài hòa và an toàn hơn ngay trong lớp học, trong phòng nhân viên và trong gia đình.
  • Học cách trân quý nhau, cách xin lỗi, cách bày tỏ niềm đau và xin sự giúp đỡ.
  • Học cách giải quyết khó khăn và xung đột.

Tất cả chúng ta ai cũng trải qua những khó khăn và xung đột với người khác. Đây là một phần trong đời sống hằng ngày của chúng ta, có mặt trong bất kỳ xã hội loài người nào. Trẻ em cũng trải qua vô số những cuộc xung đột lớn nhỏ, trong một nhóm ngang hàng nhau, trong lớp học, tại sân chơi, ở nhà và trong cộng đồng. Những niềm đau, khó khăn, xung đột là bình thường và chúng ta có thể giải quyết được nếu chúng ta có thiện chí và kỹ năng. Nhiều trường phổ thông và đại học đang bắt đầu tích cực và chủ động trong lãnh vực này, như nỗ lực học hỏi về những quan hệ tình cảm, xã hội, chống tình trạng bắt nạt, giải quyết kỳ thị, xung đột, phòng ngừa bạo động, hòa giải và khôi phục công bình.

Làm mới có thể tạo nên một phần hữu ích trong nỗ lực này. Đây là một phương pháp có cấu trúc, giúp mọi người xử lý những xung đột đã phát khởi và ngăn chặn những xung đột có thể phát khởi trong tương lai. Chúng ta có thể sử dụng khi có trường hợp đặc biệt xảy ra hoặc khi có những khó khăn lâu dài như giận dữ, phẫn nộ hay ngược đãi đang làm hư hại mối liên hệ của mình. Mục đích của việc làm mới là ngăn ngừa những tổn thương đang được xây dựng lên từ từ để tình trạng trở nên an toàn hơn cho mọi người trong gia đình, trong nhóm, trong lớp học, trong trường hay trong đại học.

Chúng ta có thể nhìn những khó khăn một cách tích cực, xem đó như là những cơ hội giúp chúng ta lớn lên và làm cho sự kết nối trở nên sâu sắc hơn nếu ta biết xử lý khéo léo với tâm hồn cởi mở, đầy cảm thông và nhân từ.

Cả giáo viên lẫn học sinh có thể sử dụng pháp môn Làm mới trong nhóm hay Làm mới với một người. Phương pháp này bao gồm bốn bước.

Những chú thích về thời gian và kế hoạch giúp thực tập hiệu quả

  • Chọn thời gian khi mọi người cảm thấy yên lắng và sẵn sàng lắng nghe. Khi một điều gì đó đặc biệt xảy ra và mọi người vẫn còn giận dữ hay khổ đau thì đi thiền hoặc ngồi thiền có thể hiệu quả hơn sự thực tập làm mới.
  • Để cho mọi người tình nguyện và đồng ý.
  • Phải đảm bảo là mọi người đi thứ tự từng bước làm mới trong suốt buổi chia sẻ, vì cần phải theo thứ tự từng bước một: tưới hoa, xin lỗi (bày tỏ sự hối tiếc), nói ra niềm đau của mình và xin sự giúp đỡ từ đương sự. Những bước này định hướng buổi chia sẻ, giúp người lắng nghe chuẩn bị tốt hơn để tiếp nhận những gì người khác đang chia sẻ.
  • Trong buổi thực tập làm mới, người hướng dẫn luôn luôn khuyến khích mọi người chia sẻ nhiều về bước một, đó là tưới hoa,

trân quý những điểm tích cực của người khác. Đôi khi chỉ cần tưới hoa, trân quý những điểm tích cực của người kia thôi mà những khó khăn cũng đã được giải quyết rồi. Đây là một sự thực tập rất dễ thương và có khả năng khôi phục truyền thông.

  • Từ từ chuyển qua những bước kế tiếp. Không cần phải vội vàng và không phải ai cũng cần đi qua tất cả các bước làm mới
  • Tốt nhất là để mọi người tự cho biết khi nào họ muốn chia sẻ mà không phải là chọn người mình thấy sẵn sàng. Một cách khác là trong khi tưới hoa, chúng ta có thể đi một vòng và mời mọi người tưới hoa cho người ngồi bên cạnh. Luôn luôn cho mọi người quyền tự do “cho qua” và có thể chia sẻ
  • Chia sẻ với âm điệu nhẹ nhàng, dễ chịu. Nếu thấy căng thẳng hoặc sợ hãi thì không nên chia sẻ.

Bốn bước đầy đủ của phương pháp thực tập Làm mới

Đây là ghi chú về những bước thực tập giúp tự thân mình hiểu và giải thích sự thực tập cho người khác. Chúng ta sẽ tìm thấy cách hướng dẫn làm chủ toạ cho buổi thực tập Làm mới sau.

Bước một: tưới hoa (bày tỏ sự trân quý)

Hoa cần phải tưới để được tươi. Chúng ta bắt đầu chia sẻ bằng cách tìm vài điểm tươi mát để chia sẻ và để nghe về nhau.

Bây giờ hoặc sau này, chúng ta có thể dùng phép ẩn dụ tưới vườn và nói rằng chúng ta đang cẩn trọng nuôi những hạt giống trong người khác như lòng nhân ái, cởi mở, nhẹ nhàng, để chúng có thể nảy mầm và lớn lên, và để cho những hạt giống như giận dữ, ganh tị, nghi ngờ ngủ yên trong lòng đất.

Nên thực tập với âm điệu nhẹ nhàng, dễ chịu, có khả năng mang lại nhiều niềm vui.

Chúng ta có thể chia sẻ để cho mọi người yên tâm là: “Những gì mình nói về người khác không cần phải là những điều lớn lao, nếu nhìn sâu ta có thể luôn tìm thấy một điểm nào đó để trân quý về người khác.” (Ta có thể làm mẫu với một hoặc hai học sinh.) Có thể là những đức tính thông thường (“Bạn vui tính/tốt bụng/giỏi toán/mình thích nụ cười của bạn/đôi giày của bạn rất ngầu”) mặc dù nói những điểm cụ thể thì lúc nào cũng có lợi hơn như nói về một điều gì đặc biệt đã xảy ra (“Tuần trước bạn chia sẻ bánh mì sandwich với mình, mình rất vui.)

Nếu muốn ta có thể ngưng ở bước này.

Bước thứ hai: xin lỗi (nhận trách nhiệm về mình)

Trong bước thứ hai của phần chia sẻ, ta bày tỏ sự hối tiếc về những lỗi lầm, yếu kém hay những hành động thiếu khéo léo của chính mình. Sư cô Chân Không1 ở Làng Mai giải thích lý do tại sao phải bày tỏ sự hối tiếc: “Khi mình thực sự xin lỗi về điều mà mình đã gây ra và mình thấy hối hận thì những niềm đau mà người kia đang có có thể tan biến hoàn toàn bởi lời xin lỗi của ta. Tự mình xin lỗi trước khi người khác cho mình biết họ bị tổn thương là một cách rất hiệu quả để làm mới mối quan hệ. Cho dù mình chỉ xin lỗi một phần trong tình huống xảy ra thôi, nhưng nếu những lời xin lỗi của mình chân thành thì người kia sẽ nghe và sẽ trân quý.”

Nếu muốn, chúng ta có thể dừng ở đây.

(1)Sư cô Chân Không, tác giả của cuốn sách Beginning Anew: Four Steps to Restoring Communication (Thực tập Làm mới: Bốn bước để tái lập truyền thông), Berkeley, CA:Parallax Press, 2014.

Bước thứ ba: nói lên niềm đau, nỗi khổ

 Bước này, chúng ta nói ra những khổ đau mà ta nghĩ là người kia đã gây cho ta.

Đây là vấn đề nhạy cảm, nên tốt nhất là ta nên bỏ qua bước này nếu trong nhóm mọi người chưa có kinh nghiệm thực tập. Trong trường hợp này, tốt hơn ta nên thực hiện làm mới riêng với người đó. Ta có thể mời thêm một người đã có kinh nghiệm vững chãi ngồi chung, người mà cả hai đều tin tưởng và kính trọng. Người đó có mặt để nâng đỡ, hướng dẫn sự thực tập và thỉnh chuông. Nếu trong nhóm có kinh nghiệm và đoàn kết thì làm mới chung với nhau sẽ có lợi cho mọi người.

  • Nếu là người chia sẻ thì ta có thể bắt đầu bằng cách: “Tôi cảm thấy bị tổn thương bởi vì tôi có cảm giác là bạn đã nói, đã làm điều này hay điều kia”.
  • Giải thích là khi chia sẻ, chúng ta tập trung vào những cảm nhận và tri giác của mình. Chúng ta không đổ lỗi cho người khác, chỉ mô tả những gì mà ta nghĩ người kia đã làm và những tri giác của họ ảnh hưởng đến ta như thế nào. Điều này cho phép khả năng có thể xảy ra là tri giác của ta không đúng một trăm phần trăm.
  • Nếu là người lắng nghe, ta cố gắng lắng nghe bằng sự hiểu biết, cảm thông và tĩnh tại, với ước muốn giúp đỡ người kia bớt khổ mà không phán xét hay tranh cãi.
    • Cho dù mình biết những gì mình đang nghe là không đúng sự thật, chúng ta cũng thực tập tiếp tục lắng nghe sâu mà không ngắt lời người đó. Điều này có thể không dễ dàng. Nếu khổ đau, chúng ta âm thầm thực tập nhận diện, ôm ấp và làm cho nó lắng dịu bằng cách thở với nó. Chúng ta có thời gian để trả lời sau về tình huống đó khi mình yên lắng, có thể là vài ngày sau nếu như cảm xúc của mình còn mạnh trong lúc này. Sau đó, khi mình sẵn sàng để trả lời, đầu tiên là ta tưới hoa cho người kia và xin lỗi người
  • Bây giờ là lúc lắng Mục đích của việc lắng nghe là phát khởi lòng từ bi đối với người khác. Nếu cắt ngang lời người kia, có thể chúng ta làm cho người kia giận dữ và buổi làm mới sẽ biến thành buổi tranh cãi. Trong khi tranh cãi, chúng ta trở nên phòng thủ, và như vậy việc chuyển hóa khó khăn, làm lắng dịu cảm xúc hay giải quyết xung đột không thể nào xảy ra.
  • Nếu được, ta nên theo dõi niềm đau đã được chia sẻ trong nhóm, chúng ta có thể đề nghị một buổi làm mới cụ thể cho hai người. Buổi này do giáo viên hướng dẫn nếu đó là hai em học sinh, hoặc là một đồng nghiệp nếu đó là hai giáo viên.

Bước thứ tư: xin giúp đỡ

 Bước này, chúng ta bày tỏ cách mình muốn người khác giúp mình trong tình huống khó khăn như thế nào (Ví dụ: “Người em họ tôi mới mất gần đây nên tôi rất buồn, tôi không hiểu lý do vì sao em mất. Bây giời tôi xin mọi người giúp đỡ tôi” hoặc là “Tôi muốn mọi người giúp đỡ để tôi có thể dừng lại thói quen giận một cách dễ dàng.”)

Chúng ta có thể xin sự giúp đỡ bất cứ lúc nào trong buổi Làm mới. Ta không cần phải theo thứ tự tiến trình tưới hoa, xin lỗi, hay nói ra nỗi khổ đau như trên.

 Tóm tắt phần thực tập này có trong phần Phụ lục A, tập 2, Đi như một dòng sông

 Chúng ta có thể ngưng bất cứ lúc nào, và nhớ rằng nói ra niềm đau có thể tốt hơn nếu được thực hiện giữa hai người. Điều quan trọng là ta nên ôn lại cách thực tập nói lời ái ngữ và lắng nghe sâu nếu trong nhóm có người mới, dù chỉ một người. Tuy nhiên, bất kể là mình hướng dẫn nhiều hay ít thì cũng không thể đoán trước được những chia sẻ sẽ như thế nào, kể cả những nỗi khổ, niềm đau, họ sẽ chia sẻ những gì họ muốn. Là người hướng dẫn, chỉ cần mình giữ bình tĩnh, dễ thương, tích cực bằng cách theo dõi hơi thở và đặt câu hỏi cho chính mình: tôi có thể trả lời như thế nào để ít làm tổn thương người trong cuộc? Như thế, chúng ta sẽ luôn tìm ra giải pháp. Sử dụng chuông đúng lúc, hướng dẫn mọi người quay về chia sẻ những cảm nhận của mình mà không đổ lỗi cho người khác.

Làm mới

Đồ dùng và chuẩn bị

  • Giáo viên đã có kinh nghiệm và chuẩn bị chu đáo trong sự thực tập này, ví dụ như ai đó đã thực tập trước ở nhà hay với bạn bè.
  • Ghế hoặc tấm trải trên sàn, được xếp thành vòng tròn.
  • Một lọ hoa nhỏ với vài bông hoa hoặc một chậu cây đẹp (chỉ gợi ý). Đặt chậu cây hay lọ hoa chính giữa vòng tròn.
  • Chuông và dùi thỉnh (không bắt buộc nhưng nên có).
  1. Giới thiệu sự thực tập cho cả nhóm

Bắt đầu bằng cách ngồi yên thành vòng tròn. Thỉnh ba tiếng chuông, giữa mỗi tiếng cách nhau ba hơi thở.

Nhắc nhở mọi người về cách chia sẻ trong vòng tròn bằng phương pháp ái ngữ và lắng nghe sâu, ví dụ như chỉ một người nói thôi, không được ngắt lời người khác, nếu muốn có thể cho qua, v.v…

Giải thích rõ những bước mà mình dự định thực tập trong buổi này để mọi người hiểu thứ tự và bản chất từng bước. Chẳng hạn như nếu chỉ muốn thực tập tưới hoa trong buổi này thì chúng ta chỉ giải thích bước một trong phần giới thiệu. Điều này rất cần thiết, tuy nhiên, nếu chúng ta đang thực tập nói ra niềm đau thì những người tham dự nên biết là phải theo trình tự các bước, và bắt đầu bằng cách tưới hoa, tiếp theo sau đó là xin lỗi trước khi chia sẻ niềm đau.

  1. Bắt đầu chia sẻ

Thỉnh thêm một tiếng chuông nữa và thở ba hơi thở chánh niệm

Nếu trong nhóm có nhiều người tham dự lần đầu thì ta có thể làm mẫu chia sẻ trước, để những người tham dự hiểu được tiến trình của các bước một, hai, ba, bốn.

Người nào muốn chia sẻ thì đến nhận bình hoa hoặc chậu cây rồi trở về chỗ ngồi và đặt trước mặt. Chậu cây hay bình hoa nhắc nhở mình sử dụng lời nói ái ngữ.

Người nói sẽ mở đầu bằng cách tưới hoa, chia sẻ một hoặc hai điều mà người ấy thích, trân quý hoặc đánh giá cao về người khác. Những người khác chỉ việc lắng nghe.

Người nói có thể dừng ở đây sau khi tưới hoa, hoặc tiếp tục xin lỗi hay nói lên niềm đau nỗi khổ của mình, hoặc xin sự giúp đỡ, tùy theo cảm hứng và cảm nhận của người ấy.

Khi người đó nói xong thì chắp tay xá xuống để mọi người biết là mình đã chia sẻ xong. Đem bình hoa về lại giữa vòng tròn hoặc chuyền cho người bên cạnh.

Sau đó đến lượt người khác. Nếu giữa hai người chia sẻ có một khoảng dừng lâu thì cũng không sao, có thể đó là một dấu hiệu cho thấy mọi người đang quán chiếu cẩn thận và sâu sắc. Chúng ta có thể thưởng thức hơi thở trong khi quán chiếu về những bông hoa.

Nếu chuyền bình hoa quanh vòng tròn thì ta có thể xin mọi người tình nguyện để bắt đầu.

  1. Chuông và kết thúc

Nếu thích hợp, chẳng hạn như với các em nhỏ, ta có thể hát chung một bài hát vui tươi. Nếu mọi người thấy thoải mái, có thể cầm tay nhau thở trong vòng một phút.

Là người hướng dẫn, ta có thể chia sẻ cái thấy ngắn gọn của mình để đúc kết.

Thỉnh ba tiếng chuông, khoảng cách giữa mỗi tiếng chuông là ba hơi thở để kết thúc buổi chia sẻ.

Những cách thức khác về sự thực tập Làm mới

  • Chỉ tưới hoa thôi thường cũng rất hữu ích, hoặc chỉ tưới hoa và xin lỗi. Tưới hoa càng thường xuyên càng tốt, ngay cả những lúc bình thường không phải là những lúc thực tập trang nghiêm.
  • Với những em học sinh nhỏ tuổi, chúng ta có thể dùng tranh ảnh để tưới hoa, điều này rất có lợi trong một nhóm đông người, nhằm giúp mọi người tiếp nhận những lời chia sẻ tích cực một cách nhanh chóng. Ta có thể đưa cho mỗi em một cái card có hình cuống hoa và đài hoa mà không có cánh hoa. Sau đó phát cho mỗi em bốn cánh hoa, trên mỗi cánh hoa có tên một số bạn cùng lớp. Mời các em viết gì đó về người có tên trên cánh hoa vào mặt kia và ký tên nếu muốn. Âm thầm quan sát để đảm bảo những điều được viết xuống là những điều tích cực, ta có thể đi một vòng để thâu lại. Khi phát ra ta phải xem lại. Cuối buổi các em nhận được bốn cánh hoa của mình và dán lên trên tấm card làm thành một bông hoa.

Nhìn sâu: Những câu hỏi quán chiếu về sự thực tập làm mới

 Có thể ta thấy thực tập như vậy là đủ rồi. Nhưng nếu ta muốn khám phá thêm thì đây là một số câu hỏi đề nghị để chia sẻ hoặc chỉ để nó đi vào tâm thức mình.

  • Bây giờ ta cảm thấy thế nào? Tâm thức, thân thể và hơi thở ta đang ở đâu? (Ta có thể đặt câu hỏi này bất cứ lúc nào trong khi thực tập, có thể dùng chuông để trợ giúp.)
  • Sự thực tập này ảnh hưởng lên tâm thức, thân thể và hơi thở ta như thế nào?
  • Chúng ta cảm thấy như thế nào khi được tưới hoa? (Đón nhận tất cả những câu trả lời. Mọi người thường hay thấy bối rối và nghĩ là mình không xứng đáng.)
  • Chúng ta cảm thấy như thế nào khi tưới hoa cho người khác? Có thấy chân thật không hay là bị ép buộc?
  • Phần nào dễ hơn cho mình?
  • Chúng ta có muốn áp dụng thêm pháp môn làm mới trong hoặc ngoài lớp học không?

Ta có thể thêm vào một số câu hỏi thích hợp khác. Đặt những câu hỏi đơn giản, cởi mở, có tính chất khuyến khích mà không lên án. Chấp nhận tất cả những câu trả lời kể cả những câu trả lời tiêu cực như “Em thấy giận, tổn thương, bị hiểu lầm”. Cẩn thận để đừng phản ứng hay cố sửa sai ngay.

Có mặt cho nhau trong đời sống hằng ngày và trong lúc giảng dạy 

Có mặt thật sự

Chánh niệm giúp ta có mặt hơn cho người khác, như Gloria Shepard, dạy chánh niệm ở Mỹ quán chiếu:

Điều quan trọng nhất đối với tôi là có mặt với những người tôi đang làm việc chung. Chỉ cho họ thấy rằng cách làm không phải là điều đáng làm mà có mặt sâu sắc với họ mới là điều đáng làm.

Nhiều em học sinh chưa hề có một người nào thực sự có mặt để lắng nghe và quan tâm. Marcela Giordano ở Uruguaya, tình nguyện viên trong chương trình chăm sóc trẻ em tại Làng Mai, nhắc nhở chúng ta rằng sự có mặt chánh niệm của giáo viên giúp cho học sinh xây dựng sự kết nối, nuôi dưỡng niềm an lạc một cách sâu sắc. Điều này rất cần thiết để giúp các em tìm thấy động cơ học tập.

Món quà quý nhất mà mình có thể tặng cho các em là sự có mặt và kết nối. Làm được như vậy, các em cảm thấy được để ý, được tin tưởng và được chấp nhận.

 Để có mặt thực sự với học sinh, chúng ta cần phải tập trung. Điều này có thể khó cho những giáo viên quản lý một lớp học gồm 30 em, với nhiều thứ xảy ra cùng một lúc, trong một thời khóa bận rộn lúc nào cũng có bài học. Cô giáo Murielle Dionnet, người Pháp, quán chiếu về giá trị học tập thông qua việc thực tập chánh niệm là có mặt trọn vẹn đích thực cho học sinh ngay trước mặt mình, mà không “phân tán tâm ra thành từng mảnh” hay để tâm vào những em khác.

Tôi là một giáo viên cấp một và mẫu giáo, phải quản lý bốn lớp. Khi có mặt cho nhóm này, tôi thường bị phân tán và suy nghĩ không biết những nhóm kia đang làm gì. Tôi cảm thấy như tâm hồn tôi bị phân ra từng mảnh. Sự thực tập giúp tôi tập trung vào những em mà tôi đang dạy, có mặt thực sự với các em và buông bỏ những lớp khác trong khi làm việc với học sinh lớp này. Sau đó, là một giáo viên chuyên môn, tôi được mời làm việc với 12 học sinh bị bệnh tâm thần: 12 em với 12 trình độ khác nhau. Tôi thấy được lợi lạc khi cho phép mình thực sự có mặt với mỗi học sinh, một lần tập trung hoàn toàn vào một em. Tôi thấy lòng mình hợp nhất và có sự liên kết hơn.

Điều gì xảy ra cho đầu năm sẽ xảy ra cho cả năm, vì vậy chuẩn bị tốt cho lớp vào đầu năm học là cơ hội quan trọng cho giáo viên. Kể cả việc giúp cho mỗi một học sinh thấy mình được thầy cô giáo chú ý và biết đến, điều này rất cần thiết để khởi đầu cho một mối liên hệ chân thật. Thầy Goyo Hidalgo Ruiz, giáo viên trung học, dành thời gian để dừng lại và quán chiếu về học sinh của mình khi thầy gặp các em vào mỗi đầu năm học, để thầy kết nối với các em trọn vẹn hơn.

Tôi dạy tiếng Tây Ban Nha và văn học ở trường trung học công lập Seville, Tây Ban Nha. Đầu năm học, tôi tự giới thiệu mình, chú ý đến học sinh và dạy cho học sinh. Sau đó tôi dành một ít thời gian đến gần, mỉm cười, bắt tay, hỏi tên và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến các em. Tôi thích nắm tay các em trong khi các em giới thiệu về mình.

Mỗi khi bước vào lớp, tôi đứng ngay ở cửa ra vào, im lặng, mỉm cười và thở chánh niệm. Tôi nhìn thẳng vào các em và quán chiếu cho đến khi các em ngồi xuống mà không phán xét hay phải hướng dẫn các em làm điều gì. Tôi nhìn các em, im lặng, mỉm cười với ý thức tròn đầy. Ngày xưa tôi nhìn các em chỉ là những cái tên với những học sinh ngồi ở bàn học. Còn bây giờ tôi nhìn các em như những con người với tất cả những sợ hãi, mong muốn của các em. Có thể nói sự thực tập đã đưa tôi đến gần với các em hơn và vì vậy các em cũng đến gần với tôi hơn.

Cô Pilar Aguilera, đang huấn luyện cho giáo viên trong chương trình Wake up School ở trường đại học Barcelona, khi chuẩn bị cho các giáo viên trong lớp, cô dành thời gian để có mặt trọn vẹn cho họ.

Tôi mở những bài hát của Làng Mai trong khi chuẩn bị trang trí “tâm điểm” cho buổi sinh hoạt của mình. Điều này làm tôi thấy thoải mái như đang ở nhà và được tiếp xúc với những hạt giống đẹp đẽ đang tỏa chiếu trong tim mình. Tâm điểm là hình ảnh tượng trưng cho những hạnh nguyện thâm sâu và sự gắn kết với nhau, là trái tim của tập thể. Bắt đầu khóa học, mỗi người mang theo một đồ vật mà họ yêu thích đặt quanh một bình hoa tươi và giữ nguyên cho suốt khóa học. Những đồ vật này biểu trưng cho sự chuyên cần và quyết tâm đưa chánh niệm và niềm vui vào đời sống hằng ngày. Họ mang sự nhẹ nhàng và tình thương đến bên nhau với tư cách tập thể. Những bông hoa tươi truyền cảm hứng cho những phẩm chất tốt đẹp đích thực. Chúng tôi bắt đầu xây dựng sự kết nối, gần gũi, thân mật ngay từ ngày đầu của khóa học. Cảm giác tương tức này lan rộng theo đường xoắn ốc, và nhờ thực tập phương pháp có mặt đích thực mà mọi người thấy mình là nhau, từ buổi này sang buổi khác.

Cảm giác được kết nối, được liên hệ và hội nhập là nền tảng giúp học sinh có động cơ học tập, được dựa trên phương pháp lắng nghe sâu, như giáo viên Julie Berentsen, dạy trường tiểu học ở Anh, quan sát:

Dành thời gian để lắng nghe và xây dựng mối liên hệ đáng tin cậy là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với học sinh. Lắng nghe sâu và chia sẻ từ trái tim đã chỉ cho tôi cách tạo ra không gian an toàn và chân thành cho những người trẻ mà tôi làm việc chung. Tôi tin rằng, mọi thứ tôi cần đang có mặt cho tôi ngay bây giờ, mỗi phút giây là một cơ hội quý báu để chia sẻ chánh niệm. Những gì phát khởi trong nhóm có thể được gìn giữ và chăm sóc theo hướng tưới tẩm hạt giống hạnh phúc cho tất cả chúng tôi.

Ái ngữ và lắng nghe

Sử dụng ái ngữ và lắng nghe sâu sẽ hướng học sinh đi về con đường hạnh phúc, như giáo sư Tony Silvestre, dạy về bệnh truyền nhiễm và vi sinh, đồng thời là giám đốc trung tâm nghiên cứu ý thức, chánh niệm ở trường đại học Pittsburgh, nói:

Bằng cách tiếp xúc với những khổ đau của học sinh, tôi có khả năng hiến tặng cho các em cơ hội “đổi kênh” như Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) đã nói, từ kênh suy nghĩ và cảm xúc làm cho mình khổ đau chuyển đến kênh an vui và hạnh phúc có sẵn trong giây phút hiện tại. Lắng nghe học sinh sâu sắc cho phép tôi chế tác ngôn ngữ từ bi, có khả năng đem lại hạnh phúc cho các em. 

Thực tập ái ngữ và lắng nghe sâu giúp mọi người xây dựng cho chính mình và cho người khác tình thương, lòng từ bi, sự cảm thông. Chúng ta không cần phải đợi đến khi có buổi chia sẻ mới thực tập. Hãy để cho sự thực tập đi vào đời sống hằng ngày của ta. Alison Mayo, giáo viên mầm non ở Anh, đã có những phản hồi như sau:

Là một giáo viên dạy trường mẫu giáo, những phương pháp ở Làng Mai giúp tôi tự tin hơn trong công việc dạy học. Xây dựng lòng nhân từ, kiên nhẫn, hạnh phúc và an lạc cho mọi người là ưu tiên hàng đầu của tôi. Phương pháp thực sự giúp tôi làm được điều này là lắng nghe sâu. Lắng nghe sâu cho phép tôi thực sự trở về quan sát những gì đang xảy ra cho từng cá nhân và để tâm hoàn toàn vào các em. Bây giờ tôi cũng ưu tiên dành nhiều thời gian hơn trong suốt thời gian nghỉ ăn trưa và sau giờ lên lớp, để lắng nghe đồng nghiệp và hiểu thêm những nhu yếu của họ.

Khuynh hướng muốn “giải quyết vấn đề” của giáo viên có thể đưa chúng ta đi vào con đường muốn làm cái gì đó để giúp đỡ, nhưng đôi khi chỉ cần lắng nghe thôi là đủ. Một giáo viên chuyên ngành giáo dục nhận xét:

Đối với người lớn và trẻ em, tạo không gian để được lắng nghe nhau mà không cần giải quyết vấn đề rất có lợi. Tôi rất biết ơn khi ai đó làm điều này cho tôi, và tôi cũng thường xuyên thực tập như vậy với người khác.

Đối với người lớn cũng như người trẻ, ái ngữ và lắng nghe sâu có thể làm thay đổi mối liên hệ ngay trong trường học. Cô Christiane Terrier, giáo viên trung học đã nghỉ hưu và là người hướng dẫn chánh niệm, ở Pháp, thấy rằng:

Thực tập ái ngữ và lắng nghe sâu giúp tôi rất nhiều trong những mối liên hệ với học sinh, đồng nghiệp và quản lý. Mối liên hệ giữa tôi với họ trước đây cũng đã tốt rồi, tuy nhiên phương pháp này cho phép tôi cải thiện thêm, giúp tôi hành xử bằng những cảm nhận trực giác mà không phải là nổi hứng bất chợt như trước đây. Giống như Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh), tôi yêu công việc dạy học của tôi và tôi yêu học sinh. Đối với tôi, sự thực tập mang lại hoa trái tốt nhất là: “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”.

Cô Chritiane tiếp tục mô tả cách trường cô tạo ra không gian lắng nghe cho học sinh với chương trình “Trút hết lo lắng”. Tác động của nó gây ấn tượng sâu rộng đến học sinh và giáo viên.

Chúng tôi muốn cho học sinh thấy được lợi ích của việc lắng nghe sâu. Để làm được điều này chúng tôi phải ý thức hơn về những khổ đau của các em. Vì vậy chúng tôi đi đến thống nhất là tạo không gian lắng nghe cho học sinh qua chương trình lắng nghe sâu. Chúng tôi lập ra một số nguyên tắc căn bản. Giáo viên sẵn sàng thực tập lắng nghe mà không phán xét, không khuyên bảo, biết rằng người trẻ có khả năng tự tìm cho mình giải pháp. Học sinh thì “trút hết lo lắng”, trong khi giáo viên “tạm rời cương vị của mình”.

Những học sinh tham dự vào không gian lắng nghe thường bày tỏ niềm tin rằng điều này đã hiến tặng cho họ rất nhiều. Những người trẻ chán nản, thất vọng, lo lắng, căng thẳng, bị áp lực từ gia đình và trường học cảm thấy nhẹ nhõm, có thể thư giãn và mỉm cười được. Điều này tạo ra mối liên hệ có phẩm chất đích thực giữa thầy cô giáo và học sinh. Đồng nghiệp cũng có thể thấy được ảnh hưởng mà họ đã đầu tư cho học sinh trong lớp học. Lắng nghe mà không kỳ thị đặc biệt còn ngăn ngừa được vài tình trạng bỏ học.

Thêm vào việc lắng nghe, chúng ta cũng có thể gửi gắm mối quan tâm của ta đến người khác, ví dụ như ta nói những gì và nói như thế nào. Như giáo sư ngành giáo dục Mary Lee Prescott-Griffin, ở Mỹ, nói:

Trong khi giảng dạy, tôi có thể ngưng một lát và sắp xếp từ ngữ để truyền thông từ trái tim mình đúng cách hơn bằng sự quan tâm chăm sóc và lòng từ bi.

Đồng nghiệp của tôi cũng được thừa hưởng từ sự trau dồi kỹ năng lắng nghe. Cô Lyndsay Lunan, người dạy về tâm lý học mà chúng ta đã nhắc đến, hướng dẫn về kỹ năng lắng nghe cho nhóm quản lý cấp cao ở trường đại học. Cô giải thích bài tập, trong đó cô yêu cầu hai nhân viên thực tập lắng nghe nhau, sau đó đổi người khác. Giữa những lần lắng nghe là thực tập chánh niệm. Đồng nghiệp của cô thấy rằng dừng lại để có chánh niệm hơn giúp họ cảm thấy thành thật và chân tình hơn.

 Tôi đã hướng dẫn sự thực tập chánh niệm cho nhân viên và cho đội quản lý cấp cao ở trường đại học. Cả nhóm chia ra thành từng cặp, mỗi người được yêu cầu nói về một đề tài (ví dụ như khó khăn nhất của công việc mình là gì) trong khi người khác lắng nghe. Sau đó đổi vai. Tôi hướng dẫn mọi người thực tập chánh niệm, hướng cả nhóm ý thức về thân thể và về trạng thái cảm xúc hiện tại, tập trung vào sự trân quý nhau (vì tất cả đã cố gắng hết lòng, đã có mặt mỗi ngày trong công việc khó khăn này). Sau đó, chúng tôi lặp lại bài tập lắng nghe này với những cặp mới. Cuối cùng, tôi mời mọi người nhận xét xem những gì họ chia sẻ và cách họ lắng nghe có gì khác biệt trong lần lắng nghe thứ hai không. Thường vài người trong nhóm thấy rằng họ thành thật và chân tình hơn khi chia sẻ trong sinh hoạt thứ hai và họ cũng chú tâm lắng nghe hơn. Thật dễ chịu khi khám phá ra rằng bản thân chánh niệm đồng nghĩa với việc lắng nghe: cách lắng nghe bên trong cho ta không gian để lắng nghe bên ngoài. 

Chia sẻ vòng tròn

Chia sẻ vòng tròn là một cách thực tập lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ với người khác một cách trang trọng hơn, nhằm giúp cởi mở những suy nghĩ và cảm thọ của mình. Thầy Pháp Lai ở Làng Mai tóm tắt phần quan trọng và giá trị thâm sâu của cách chia sẻ vòng tròn cho giáo viên đến tham dự những khóa tu giáo dục, giúp họ cảm thấy cởi mở, an toàn và bắt đầu trị liệu những khổ đau đang mang theo trong lòng.

Gia đình pháp đàm của tôi có khoảng 25 người, chưa bao giờ gặp nhau trước đây, chỉ ngồi lại thành vòng tròn và chia sẻ với nhau. Ai cũng có cơ hội để chia sẻ và được lắng nghe. Năng lượng của chánh định và lắng nghe rất sâu sắc. Chúng tôi không đi vào đối thoại, không ngắt lời người khác. Không khuyên người khác cũng không nhận lời khuyên. Chỉ nghe mọi người chia sẻ kinh nghiệm của họ và kinh nghiệm này có thể liên quan đến kinh nghiệm của mình. Ai cũng cởi mở, chân tình và chia sẻ từ trái tim những gì đang xảy ra: những kinh nghiệm, khó khăn, thành công, những gì họ thấy có ích cho họ. Cứ như vậy chúng tôi trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Điều này mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, ai cũng nhận được rất nhiều từ sự chia sẻ. Nếu đang có khó khăn thì cũng có thể đặt gánh nặng xuống. Rất nhiều người được trị liệu. Ai cũng cảm được tình huynh đệ trong vòng tròn. Thật là mầu nhiệm.

Vòng tròn là một phương pháp giảng dạy vô cùng giàu có, chúng ta sẽ tìm hiểu vài ví dụ dưới đây. Hai nhà giáo dục môi trường ở Mỹ, Bobbie và Boz, sử dụng vòng tròn để giúp người trẻ bày tỏ niềm biết ơn của họ.

Chúng tôi thực tập với những em nhỏ và gọi sự thực tập này là “bảng chữ cái biết ơn” trong đó chúng tôi đi qua từng chữ cái một, mỗi chữ là một niềm biết ơn đối với cái gì đó. Điều này có thể được thực hiện rất dễ thương trong vòng tròn hay trong bàn ăn với  gia đình.

Cô Yvonne Mazurek, giáo viên trung học và đại học ở Ý, giải thích cách chia sẻ vòng tròn rất sống động và rất nhân văn, làm cho học sinh rất vui vào một thời điểm ảm đạm trong năm, bằng cách giúp các em nuôi dưỡng niềm biết ơn đối với những điều đẹp đẽ an lành đến từ những kinh nghiệm khó khăn.

Học sinh thường cảm thấy u ám trong mùa đông. Tháng Giêng năm đó, toàn bộ đội ngũ giáo viên còn thấy nặng nề hơn bình thường. Học sinh mệt mỏi, thiếu động cơ học tập và phàn nàn rất nhiều. Thấy vậy, tôi xin phép được hướng dẫn một buổi chiều chánh niệm. Những đồng nghiệp thường hay nghi ngờ cho rằng tình trạng như thế thì không thể làm gì hay hơn được. Trong khi đó, một đồng nghiệp khác tình nguyện giúp đỡ tôi. Vào một ngày thứ sáu mùa đông, tôi và người bạn đồng nghiệp tổ chức một buổi chiều yên tĩnh cho học sinh lớp mười một, mười hai. Trong suốt buổi này chúng tôi sáng tạo ra rất nhiều thứ.

 Sau giờ buông thư, chúng tôi đi vào. Tôi yêu cầu các em học sinh duy trì sự im lặng quý giá và giải thích ngắn gọn cho các em về cách chia sẻ vòng tròn với chủ đề biết ơn.

 Mỗi em học sinh tự động chia sẻ và bày tỏ niềm biết ơn của mình đối với những điều bị lãng quên như: gia đình, cuộc sống không có chiến tranh, có thể đi học được. Điều này khuyến khích một em nữ sinh quán chiếu lại tại sao em ghét cảnh lặp đi lặp lại từ nhà đến trường và từ trường về nhà vào đầu năm học. Một bạn học sinh làm em gai mắt và em thấy rất khó chịu. Dần dần em nhận ra rằng trễ xe buýt, những buổi tối trời, nhiệt độ xuống thấp đã giúp em hiểu được bạn mà ban đầu em rất ghét. Trong những lần khó khăn do di chuyển, hai em bắt đầu đùa giỡn với nhau và thậm chí còn học chung với nhau. Khi nói chuyện, em nhận ra rằng bạn gái ngồi cạnh em đã thay đổi từ thù thành bạn. Một vài em học sinh khác cười trong khi nghe câu chuyện này bởi vì các em đã từng chứng

kiến mối liên hệ của hai em này cứ lên lên xuống xuống suốt năm. Những em học sinh theo dõi hai em này, nói rằng những khó khăn tình cảm của hai em giúp hai em mạnh mẽ và thông minh hơn.

Cuối buổi ngồi chơi, mọi người tự động đứng dậy, làm việc và dọn dẹp chung với nhau. Ngày hôm sau có một nhóm 20 người khi đi lại quanh trường đã mỉm cười với nhau rất ấm áp.

Lyndsay sử dụng vòng tròn làm kiến trúc cho bài tập “lắng nghe kinh nghiệm”, giúp học sinh ngành tâm lý của mình ý thức hơn rằng nguồn gốc của những thành kiến và kỳ thị nằm trong tất cả chúng ta. Cô dùng “thẻ lắng nghe” để khuyến khích các em thay phiên nhau chia sẻ.

Với những học sinh trong lớp tâm lý học của tôi, tôi đã sử dụng “thẻ lắng nghe” trong khi chia sẻ. Chỉ có người đang cầm thẻ mới được phép chia sẻ. Chúng tôi nghiên cứu nhóm “thành kiến” trong ngành tâm lý xã hội học và sử dụng điều này như một cái cớ để thí nghiệm về những thành kiến và kỳ thị bắt đầu phát khởi trong tâm mình như thế nào. Cả nhóm được cho một đề tài rất hào hứng, sử dụng thẻ lắng nghe để chia sẻ. Suốt buổi chia sẻ, thỉnh thoảng tôi thỉnh một tiếng chuông nhỏ và hỏi học sinh nhìn lại xem những gì đang xảy ra trong mình (đối với hơi thở, những căng thẳng trong cơ thể, cảm xúc, những suy nghĩ đang phát khởi). Các em bắt đầu thấy tâm mình phát khởi những suy nghĩ “giống tôi” hay “không giống tôi” và những suy nghĩ này có thể biến thành những cảm xúc mạnh như giận dữ, đổ lỗi như thế nào.

Làm mới/Tưới hoa

 Như đã được giải thích ban đầu trong chương này, Làm mới là một phương pháp có “cấu trúc” để chia sẻ và giải quyết những khó khăn.

Bước mở đầu là tưới hoa, là cách nói lên niềm cảm kích của mình về người khác. Riêng bước này cũng thường được sử dụng như một sự thực tập nuôi dưỡng sâu sắc. Học sinh và thầy cô giáo thường bị phán xét nhiều. Chúng ta hiếm khi nghe những lời trân quý cảm kích đơn giản. Thực tập tưới hoa khiến cho những thành kiến hoàn toàn được xoá sạch.

Cô Sarah Woolman thấy rằng lớp học của cô ở Anh, gồm những học sinh nhỏ tuổi, rất đông các em đã hưởng ứng cách tưới hoa. Các em muốn thực hiện tưới hoa trong mỗi giờ học.

Rất đông các em trong lớp hưởng ứng sự thực tập tưới hoa. Đây là một hoạt động quý giá có khả năng trị liệu. Các em năn nỉ tôi vào nhóm sinh hoạt này để các em có thể tưới hoa cho tôi. Chúng tôi chia sẻ cách làm thế nào để những lời phát biểu này thật sự có ý nghĩa và đặc biệt cho từng người. Cả lớp muốn tưới hoa trong mỗi giờ tôi dạy để nói lên những điều trân quý nhau. Tôi có cảm giác là nó sẽ mất ý nghĩa nếu thực hiện điều này thường xuyên như vậy. Tuy nhiên, điều chỉnh bằng cách đi quanh một vòng để bày tỏ lòng trân quý đối với người ngồi cạnh mình là một cách khác tạo ra ý nghĩa.

 Pascale Dumont, ở Pháp, nhận thấy rằng cô có thể hiểu và truyền thông được với những học sinh khó tính bằng phương pháp tưới hoa, giúp các em trân quý những gì mà các em có, miễn là cô thực tập mà không phải là nói về những lý thuyết chán phèo.

Làm việc với ba em học sinh có vấn đề từ chín đến mười tuổi, tôi quyết định giới thiệu phương pháp Làm mới: là sự thực tập cho phép chúng ta làm mới lại, tươi lại và cải thiện mối quan hệ của mình với những người khác. Ngày hôm ấy, tôi mang một chậu hoa vàng nhỏ bé xinh đẹp đặt ở giữa vòng tròn. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng cách tôi chia sẻ sự thực tập này làm cho các em hơi chán, vì vậy tôi đi vào thực hành ngay. Tôi cầm bình hoa lên và nói về những điểm đẹp của mỗi em. Từ đó, các em hiểu ngay nguyên tắc làm mới và các em tiếp tục. Tôi thật sự rất cảm động. Chưa bao giờ các em biết đến một phương pháp được thực tập để tìm ra những điểm tích cực của nhau trước đây. Tôi cũng may mắn được thừa hưởng lợi lạc từ cách tưới hoa của học sinh. Các em còn chúc tôi có một nghề nghiệp dễ thương trong ngành giáo dục công lập.

Phương pháp tưới hoa có lợi cho học sinh cũng như giáo viên. Bea Harley quán chiếu về kinh nghiệm của đội ngũ giảng dạy ở trường tiểu học Anh khi họ nhận ra sự thật đơn giản này.

Phương pháp tưới hoa là một trong những pháp môn hay nhất mà bạn bè đã chia sẻ với chúng tôi. Dần dần chúng tôi đã thực hiện điều mà chúng tôi gọi là “Trung tâm của vũ trụ” với các em học sinh. Mỗi em sẽ ngồi ngay chính giữa vòng tròn, giáo viên và học sinh sẽ thay phiên nhau chia sẻ những điều họ cảm kích và thương yêu em ấy. Là đội ngũ nhân viên, chúng tôi không bao giờ nghĩ mình làm điều này cho chính mình, tuy nhiên, chúng tôi thấy được sức mạnh của việc dành thời gian để dừng lại và thực sự quan tâm đến đồng nghiệp, lên tiếng và cảm ơn những đức tính mà chúng tôi trân quý ở họ. Tôi thấy đây là một kinh nghiệm tốt đẹp, có tác dụng trị liệu rất lớn.

Các giáo viên ai cũng từng trải qua những lần mà công việc ngập đầu và bị kiệt sức. Là người hướng dẫn sự thực tập trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, cô Kaira Jewel Lingo để ý thấy rằng tưới hoa thường xuyên đem lại rất nhiều sự tươi mát cho cô.

Tôi ngạc nhiên không biết bao nhiêu lần bởi sức mạnh của việc tưới hoa đã phục hồi lại sự tươi mát và năng lượng của tôi. Nhiều lần tôi mệt nhoài và năng lượng xuống thấp do dạy quá sức mà không được nghỉ ngơi đủ. Đến giờ thực tập tưới hoa, ở trường dạy chánh niệm, đôi khi tôi quá mệt không biết mình có đủ năng lượng để thực tập không. Hiển nhiên, khi mọi người bắt đầu chia sẻ niềm trân quý lẫn nhau thì những tiếng cười, những giọt nước mắt làm cho những mệt mỏi trong tôi rơi rớt hết. Trái tim tôi rung động. Tôi có cảm hứng trở lại và điều đó luôn mang đến cho tôi năng lượng. Tôi thấy mình mỉm cười. Nguồn nước mát lành hiến tặng cho người khác cũng là hiến tặng cho tôi, cho dù người ta không chia sẻ niềm trân quý trực tiếp đối với tôi. Tôi luôn luôn nghĩ rằng bất kỳ một sự trân quý nào cũng giống như bình tưới nước, tưới cho cả khu vườn mà không kỳ thị một ai. Cho dù người ta không nói về mình, mình cũng được thừa hưởng lợi lạc từ những ngôn từ tốt đẹp được nói ra. Điều này làm cho mọi người lên tinh thần. Toàn bộ tập thể hạnh phúc và khỏe mạnh hơn khi chúng tôi cùng thực hành phương pháp tưới hoa. Chúng tôi có thêm năng lượng và phục hồi sự tươi mát trở lại.