Một hướng đi mới cho giáo dục

TĂNG THÂN LÀNG MAI

Hạnh phúc là điều có thể có được

 Năm 2011, khi Thầy của chúng tôi – Thiền sư Thích Nhất Hạnh – cầm bút lông lên và viết câu thư pháp “Thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” trong tịnh thất đơn sơ của Người ở miền Tây Nam nước Pháp thì đó không phải chỉ là một ước mơ suông, mà đó là tuệ giác sâu sắc dựa trên trải nghiệm của một đời giảng dạy và tu tập.

Trong suốt sự nghiệp giảng dạy của mình, Thầy đã áp dụng sức mạnh của chánh niệm một cách sáng tạo để đáp ứng những nhu yếu, những thách thức của thời đại chúng ta. Mục đích của giáo dục là cung cấp một môi trường mà trong đó học sinh và thầy cô giáo có thể phát triển bản thân, học hỏi được những phương pháp để đem lại một đời sống hạnh phúc, lành mạnh, hài hòa, đầy sáng tạo và có ý nghĩa. Nếu thầy cô giáo biết cách chuyển hóa những khó khăn và chế tác hạnh phúc trong đời sống hằng ngày thì gia đình, đồng nghiệp và học sinh cũng hưởng được lợi lạc. Thầy đã từng nói rằng tài năng lớn nhất của một người là “biết sống hạnh phúc”, và “hạnh phúc là một thói quen mà mỗi người trong chúng ta đều cần phải luyện tập”.

Trong bộ sách này, Thầy và tăng thân Làng Mai, tại Pháp cũng như các trung tâm của Làng Mai trên khắp thế giới, mong muốn chia sẻ với các thầy cô giáo ở mọi cấp bậc giáo dục niềm cảm hứng cũng như kinh nghiệm của mình một cách thực tiễn và không mang màu sắc tôn giáo. Ý thức rằng thầy cô giáo có hạnh phúc sẽ đào tạo nên những học sinh có hạnh phúc, nên bộ sách này sẽ giới thiệu những phương pháp thực tập chánh niệm giúp cho thầy cô giáo và học sinh sống hài hòa hơn với chính bản thân, ý thức được thân và tâm, có thể giảm bớt sự căng thẳng, phát triển lòng tự tin, sự sáng suốt, tình thương, sự thoải mái và niềm vui. Thầy cô giáo biết cách chăm sóc thân tâm, chế tác niềm vui và hạnh phúc, làm giảm bớt sự căng thẳng, xử lý những cảm xúc mạnh, là người thể hiện được sức mạnh kiên cường và tình thương lớn. Một nhà giáo như vậy có thể giúp cho học sinh của mình cũng làm được tương tự.

Mục đích của bộ sách này là cống hiến cho các thầy cô giáo, cũng như các nhà giáo dục nói chung, những phương pháp hữu hiệu để có thể áp dụng chánh niệm vào đời sống hàng ngày của chính mình cũng như trong liên hệ với các đồng nghiệp hay học sinh, giúp xây dựng một môi trường học đường đầy bình an, tình thương và sự yểm trợ, một môi trường mà ở đó có sự tin tưởng, sự truyền thông và hiểu nhau trong các lớp học, cũng như giữa các trường với nhau.

Chánh niệm không phải phương tiện một con đường

 Thầy đã chứng minh rằng trong sự thực tập chánh niệm chân chính không thể thiếu một chiều hướng tâm linh hay đạo đức. Vì thế, ở Làng Mai, sự thực tập chánh niệm được chia sẻ và giảng dạy không phải như một phương tiện mà là một con đường. Chánh niệm là nếp sống mà chúng ta phải luôn nuôi dưỡng và làm cho lớn mạnh, sâu sắc hơn. Chánh niệm không phải là phương tiện để ta đạt tới một mục tiêu nào đó. Nó cũng không phải là một công cụ mà chúng ta sử dụng để có được những kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai, cho dù đó là để có hạnh phúc lớn hơn hay kết quả học tập cao hơn. Chánh niệm là một con đường mà khi đi trên con đường đó, dù là người mới thực tập, chúng ta cũng có thể tiếp xúc với hạnh phúc, bình an và thoải mái ngay lập tức, trong mỗi giây phút thực tập. Vì vậy, bộ sách này phác họa một căn bản đạo đức làm nền tảng cho sự thực tập chánh niệm, cống hiến cho chúng ta một kim chỉ nam để xây dựng một môi trường hạnh phúc, lành mạnh và từ bi trong các lớp học, các trường học ở mọi cấp bậc.

Trong một khóa tu dành cho thầy cô giáo tại Làng Mai vào tháng Sáu năm 2014, Thầy đã chia sẻ:

Các nhà quản lý giáo dục có thể bị thu hút bởi sự thực tập chánh niệm vì họ nghĩ rằng sự thực tập này có thể giúp nâng cao thành tích học tập và ngăn chặn tình trạng kiệt sức của thầy cô giáo.

Tuy nhiên, sự thực tập chánh niệm có thể mang lại nhiều lợi ích hơn thế. Chánh niệm có thể giúp cho thầy cô giáo và học sinh ít đau khổ hơn; cải thiện sự truyền thông, xây dựng một môi trường học tập có chất liệu hiểu và thương nhiều hơn. Học sinh có thể học được nhiều điều vô cùng quan trọng như cách xử lý những cảm xúc mạnh, cách chăm sóc cơn giận, cách buông thư và làm giảm bớt căng thẳng, cách tái lập truyền thông và hòa giải với người khác. Sự học tập có ích lợi gì nếu nó không đem lại cho chúng ta hạnh phúc? Sự thực tập chánh niệm có thể mang lại một sự thay đổi sâu sắc trong lớp học cũng như trong toàn hệ thống giáo dục, giúp cho mọi người có thể có hạnh phúc thật sự. Và nếu trong khi thực tập chánh niệm mà học sinh có thể học hành dễ dàng hơn, nhanh hơn và thầy cô giáo không bị kiệt sức thì đó là cũng một điều tuyệt vời.

 Cả một đời giảng dạy

 Thầy được cả thế giới kính ngưỡng nhờ những lời dạy truyền cảm hứng và những cuốn sách viết về nghệ thuật chánh niệm được xếp vào hạng bán chạy nhất ở nhiều nước trên thế giới. Thầy là người đi tiên phong trong việc đem chánh niệm đến Mỹ và châu Âu. Người đã giảng dạy về chánh niệm tại các trường đại học Princeton, Columbia và Cornell vào đầu những năm 1960. Trong suốt sự nghiệp giảng dạy không mệt mỏi của mình trên khắp thế giới cho đến khi bị đột quỵ vào năm 2014, Thầy luôn không ngừng tìm tòi, sáng tạo những phương pháp áp dụng sự thực tập niệm, định và tuệ để đáp ứng những khó khăn, thách thức của thời đại. Điểm then chốt trong lời dạy của Người là với sự thực tập chánh niệm, chúng ta có thể học cách sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại – đây là cách duy nhất để thực sự đem lại bình an và hạnh phúc trong chính tự thân và trên thế giới.

Thầy sinh năm 1926 tại miền Trung Việt Nam và đã xuất gia năm 16 tuổi. Vào những năm 1950, trong bối cảnh hỗn loạn của chiến tranh, Thầy cùng những người bạn đã bắt đầu tìm kiếm những phương pháp có thể áp dụng tinh hoa của giáo lý và sự thực tập mà mình đã được học vào trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục và nhân đạo. Người cùng các bạn xuất bản những tạp chí cấp tiến, tổ chức những khóa học mới và xây một trường thí điểm cho trẻ em trên vùng cao nguyên Đà Lạt. Người còn thành lập Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, một cơ sở cứu trợ với hàng ngàn sinh viên, lấy sự bất bạo động và hành động từ bi làm nền tảng; cũng như thành lập trường đại học Vạn Hạnh với một chương trình giáo dục đột phá dành cho tăng ni sinh trẻ. Với nỗ lực không ngừng, Thầy quyết tâm tìm ra phương pháp có khả năng nuôi dưỡng tuệ giác, từ bi và xây dựng một cộng đồng thật sự trong lĩnh vực giáo dục và trong xã hội.

Thầy nỗ lực không mệt mỏi để kêu gọi hòa bình. Người chu du rộng rãi khắp Hoa Kỳ và châu Âu, đích thân gặp gỡ các chính khách và dẫn đầu một phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại Hội Nghị Hòa Bình Paris. Từ nước ngoài, Người vẫn tiếp tục công việc yểm trợ cho Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Người hướng dẫn những chương trình cứu trợ nạn nhân chiến tranh và tài trợ cho những trẻ em tị nạn mồ côi. Năm 1967, Người đã được Mục sư Martin Luther King, Jr. đề cử cho giải Nobel Hòa Bình. Năm 1970, Người lập chương trình cứu vớt thuyền nhân Việt Nam trên biển Đông. Sự thực tập chánh niệm đã hỗ trợ cho những hoạt động dấn thân của Thầy, và vào năm 1975, Thầy đã cho ra đời tác phẩm kinh điển Phép lạ của sự tỉnh thức trong bối cảnh đó.

Chánh niệm và tăng thân

 Tị nạn tại nước Pháp, Thầy và Phái đoàn Hòa Bình (đại diện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất) đặt văn phòng tại một căn hộ nhỏ trong thành phố Paris. Sau đó văn phòng dời về một trang trại nhỏ ở vùng rừng Othe (Forêt d’Othe) trước khi tìm mua được một nông trại đổ nát ở miền Tây Nam nước Pháp. Tại mảnh đất ở miền Tây Nam này, tăng thân Làng Mai bắt đầu hình thành và mở cửa cho những thiền sinh háo hức muốn tìm hiểu về thiền tập và nghệ thuật sống chánh niệm. Cũng tại nơi đây, Thầy bắt đầu cho pháp thoại, tổ chức các khóa tu dành cho gia đình, giáo chức, doanh nhân, các nhà chính trị, các nhà khoa học, các nhà tâm lý trị liệu, các cựu chiến binh, các sĩ quan cảnh sát. Bắt đầu từ năm 2003, Người tổ chức khóa tu cho người Palestine và người Do Thái.

Được thành lập từ năm 1982, đến nay Làng Mai đã trở thành một trung tâm thực tập chánh niệm quốc tế lớn nhất ở Tây phương với hơn 200 vị xuất sĩ thường trú và hàng ngàn thiền sinh đến tu học mỗi năm.

Khi danh tiếng của Thầy được cộng đồng quốc tế biết đến nhiều hơn, Người được mời đi giảng dạy khắp nơi trên thế giới. Người đã đến giảng ở những nơi như Hạ Viện Mỹ, Quốc hội của các nước như Anh, Bắc Ireland và Ấn Độ, UNESCO, Ngân hàng Thế giới (World Bank), và Đại hội Tôn giáo Thế giới (World Parliament of Religions). Trong 15 năm qua, Người đã thành lập những trung tâm tu học (với sự có mặt của xuất sĩ thường trú) ở California, New York, Việt Nam, Paris, Hồng Kông, Thái Lan, Mississipi, Úc và Đức. Hiện nay có hơn 2.000 nhóm tăng thân cư sĩ thực tập chánh niệm theo truyền thống Làng Mai tại nhiều thành phố trên khắp thế giới, trong đó có hơn 60 nhóm là của người trẻ trong phong trào Wake Up. Những người trẻ này đang tích cực dấn thân vào công việc xây dựng một xã hội lành mạnh và từ bi hơn.

Năm 2008, Thầy bắt đầu triển khai một chương trình đào tạo quốc tế dành cho giáo chức, đem chánh niệm vào môi trường giáo dục như các trường học và đại học ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Đây chỉ là sự tiếp nối những nỗ lực mà Thầy đã làm trong cả cuộc đời mình với mong muốn làm cho việc dạy và học trở nên có ý nghĩa, vui tươi và mang lại sự chuyển hóa cho cả thầy cô giáo và học sinh. Với kinh nghiệm của hơn 30 năm giảng dạy, Thầy và tăng thân Làng Mai đã triển khai và chọn lọc một loạt các phương pháp dồi dào, sáng tạo và hữu hiệu để trao truyền sự thực tập chánh niệm cho giáo chức và người trẻ. Trong khi giảng dạy, Thầy sử dụng hình ảnh của một nhà thơ, tuệ giác của một thiền sư và sự tinh nghịch của một đứa trẻ để chế tác ra những phương pháp đầy sáng tạo, giúp chia sẻ giáo lý và sự thực tập chánh niệm với trẻ em, với những người trẻ, với phụ huynh học sinh và thầy cô giáo. Năm 1987, trong một khóa tu ở Santa Barbara, Người đã sáng chế ra phương pháp thiền sỏi nổi tiếng, gồm có bốn phần, cho trẻ em thực tập. Phương pháp được coi là “kinh điển” ngày nay đã trở nên thông dụng khắp nơi trên thế giới. Người đã dùng một hạt bắp để giảng cho trẻ em về tính tương tức; dùng hình ảnh một đám mây để giải thích về tính vô thường, về cái chết, về sự tiếp nối. Người kể câu chuyện về cái búa và hai bàn tay của mình để giải thích cho các em về tính tương tức và vô phân biệt. Người đã chứng minh rằng những trẻ em nhỏ tuổi nhất cũng có thể học cách chế tác tình thương và sự hiểu biết, hai yếu tố cốt lõi của một nền tảng đạo đức.

Wake Up Schools1 – Chương trình đem chánh niệm vào trường học

Năm 2008, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đưa ra một chính sách mới về “giáo dục đạo đức công dân” trong các trường học của Pháp để góp phần xây dựng một xã hội có đạo đức hơn. Chính sách này là một phần trong những nỗ lực của Tổng thống Sarkozy sau những vụ bạo động xảy ra tại các thành phố lớn khiến cho cả nước Pháp chấn động một vài năm trước đó. Nhưng có một điều mà ai cũng sớm nhận ra là các thầy cô giáo không biết chắc là mình phải dạy những gì trong các tiết học như vậy.

“Chúng tôi có một vài gợi ý”, Thầy nói vào thời điểm đó và Người dạy các đệ tử của mình trình lên Tổng thống một đề xuất về “đạo đức ứng dụng” mà Làng Mai đã chia sẻ với các em thiếu nhi, thiếu niên và các thầy cô giáo từ thập niên 80. Theo Thầy, học cách làm thế nào để thư giãn, để có mặt thật sự và có chánh niệm, làm thế nào để có sự định tâm, để chế tác từ bi, làm thế nào để thực tập ái ngữ và lắng

nghe sâu là những phương pháp “đạo đức ứng dụng” cụ thể, có thể giảng dạy được, không những có công năng lấy đi gốc rễ của bạo động và bất công mà còn mang lại hạnh phúc sâu sắc, dài lâu cho cá nhân, học đường, gia đình và xã hội.

Tháng 9 năm 2008, Thầy và tăng thân Làng Mai đã triển khai ý tưởng đó xa hơn nữa bằng cách tổ chức một khóa tu mang tính đột phá cho hơn 500 giáo chức tại thành phố Dehradun nằm dưới chân núi Himalayas, miền Bắc Ấn Độ. Trong cuộc gặp gỡ diễn ra một vài tuần sau đó tại Delhi giữa Thầy với bà Sonia Gand- hi – Chủ tịch Đảng Quốc đại cầm quyền ở Ấn Độ, thì vấn đề giáo dục và đào tạo giáo chức chiếm vị trí hàng đầu trong nội dung đối thoại. Không ngừng phát triển giáo lý về Đạo đức Ứng dụng, vào năm 2011, Người công bố một sáng kiến mới để phát triển và chia sẻ những phương pháp thực tập này của Làng Mai một cách rộng rãi hơn.

Từ khi phong trào Wake Up Schools bắt đầu đi vào hoạt động năm 2011, Thầy và tăng thân Làng Mai đã hướng dẫn những khóa tu dành cho giáo chức và những chương trình tập huấn nhiều lần trong năm tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Bhutan, Canada, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và Ấn Độ. Chương trình tập huấn cho giáo viên hiện vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện. Giai đoạn tập huấn đầu tiên giúp cho thầy cô giáo biết cách thực tập và chuyên chở được sự thực tập chánh niệm trong tự thân. Giai đoạn thứ hai tập trung vào việc hướng dẫn thầy cô giáo cách thức chia sẻ sự thực tập chánh niệm với học sinh cũng như các cộng đồng có liên quan đến giáo dục. (Các bạn có thể đọc chi tiết cách thức liên lạc với Wake Up Schools và các trung tâm thực tập chánh niệm trong chương “Những gì cần làm kế tiếp” ở tập 2, Đi như một dòng sông).

Chương trình Wake Up schools tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn dành cho các giáo chức, với nội dung có nguồn gốc từ những phương pháp thực tập cũng như tuệ giác của Làng Mai và không mang tính tôn giáo. Hiện đang hoạt động tại Làng Mai, Pháp, chương trình Wake Up Schools tổ chức các khóa tu và chương trình đào tạo, đề ra nội dung bài giảng cho các lớp học và xây dựng một mạng lưới cộng đồng để yểm trợ cho hạnh phúc an lạc, sự phát triển cá nhân của thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Wake Up Schools được các đệ tử của Thầy hướng dẫn và được sự yểm trợ, giúp đỡ của một cộng đồng quốc tế gồm các giáo chức và tình nguyện viên có quá trình thực tập chánh niệm lâu dài theo truyền thống Làng Mai.

Mục đích của chương trình Wake Up Schools là cung cấp một nền tảng đạo đức cho các thầy cô giáo, giúp tạo nên một không khí học tập có sự tập trung, hỗ trợ cho chương trình rèn luyện những kỹ năng về cảm xúc và xã hội (social-emotinal learning) trong trường học, đồng thời giúp thầy cô giáo có thêm chánh niệm và hạnh phúc. Wake Up Schools nhận thấy rằng môi trường học đường đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, với những đòi hỏi ngày càng nhiều ở thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục. Trong khi đó thì áp lực kinh tế và xã hội không ngừng tạo ra những thách thức mới cho đời sống gia đình. Vì vậy cho nên chế tác hạnh phúc, chánh niệm và sự phát triển lành mạnh cho chính mình là một công việc rất quan trọng của giáo chức. Làm được như vậy họ mới có thể giúp cho trẻ em và người trẻ phát triển được kỹ năng cần thiết để có thể xử lý được những thách thức và áp lực, tìm được niềm vui trong đời sống hàng ngày ngay trong giây phút hiện tại. Có được niệm, định, niềm vui và bình an trong tự thân thì các thầy cô giáo có thể đem lại hạnh phúc, sự vững chãi và sáng tỏ trong cộng đồng của họ. Với năng lượng của chánh niệm và từ bi thì lớp học hay trường học sẽ trở thành một gia đình, một nơi mà học sinh, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sẽ có được một cơ hội thứ hai. Dần dần, những cộng đồng giáo dục có thể trở thành những tác nhân cho sự phát triển của học sinh, của thầy cô giáo – ở cả phương diện cá nhân lẫn phương diện xã hội – và của cả thế giới.

Bộ sách này đều lấy cảm hứng từ hoài bão của Thầy, đó là đem lại bình an, hạnh phúc và sự phát triển lành mạnh cho thầy cô giáo, học sinh và xã hội. Thầy đã giảng dạy trong hàng chục khóa tu dành cho giáo chức trên khắp thế giới. Người đã theo sát quá trình hình thành bộ sách này trong giai đoạn đầu tiên trước khi bị đột quỵ vào năm 2014.

Trong các khóa tu dành cho giáo chức, Thầy đã có nhiều bài giảng và những buổi vấn đáp đem lại nhiều cảm hứng cho hàng ngàn người tham dự. Những lời giảng của Thầy đã được các đệ tử phiên tả và biên soạn lại dưới hình thức những trích đoạn, làm thành cốt lõi của bộ sách này. Các đệ tử của Thầy đã chắt lọc những tinh hoa từ các bài giảng, những kinh nghiệm và tuệ giác mà Thầy đã hết lòng chia sẻ – đây cũng là một phần quan trọng trong di sản mà Thầy để lại cho thế giới.

Tăng thân Làng Mai Làng Mai, Pháp Tháng 10 năm 2016

 

 

(1)Tạm dịch là Trường học Tỉnh thức, đây là tên gọi của chương trình đem chánh niệm vào trường học.