Lời tựa

 

JON KABAT-ZINN

 

Bộ sách bạn đang cầm trên tay là một món quà đặc biệt quan trọng – hay nói cách khác là một sự trao truyền – từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao tặng vào giai đoạn chín muồi của một nhân cách vĩ đại. Bạn sẽ thấy rằng nó là kết tinh tình thương sâu sắc của Thiền sư đối với những người trẻ và sự mong mỏi không ngừng về một nền giáo dục bồi dưỡng tài và đức cho các thế hệ mai sau. Ở mỗi trang, bạn có thể cảm được sự tôn vinh dành cho những con người đang thực hiện sứ mệnh này, thường là âm thầm không ai biết, và khối lượng công việc khổng lồ mà họ gánh vác từng ngày nhằm phục vụ cho công cuộc kiến tạo, chuyển hóa và hàn gắn thế giới của chúng ta từ dưới lên, từ thế hệ này sang thế hệ khác – đó là những người thầy, người cô. Đây cũng đồng thời là tác phẩm được kết tinh từ sự cộng tác đầy cảm hứng với giáo sư Katherine Weare, một nhà giáo dục và cũng là một giáo viên về chánh niệm, người đã có nhiều năm nghiên cứu những tác động của thực tập chánh niệm trong môi trường học đường, và đội ngũ các cây bút cố vấn, những học trò lớn của Thiền sư từ Làng Mai. Cùng nhau họ đã thiết kế một cẩm nang thiền tập mang tính đa diện và rất dễ sử dụng để giúp các thầy cô giáo có thể đem chánh niệm vào lớp học cũng như vào đời sống của chính mình bằng nhiều hình thức.

Thực tập chánh niệm có thể giúp người học ở mọi lứa tuổi điều chỉnh công cụ học tập của mình. Điều đó có nghĩa là toàn bộ con người của họ – cơ thể, tâm trí, trái tim và não bộ cũng như các mối quan hệ giữa họ với tư cách là những người học, vì vậy khía cạnh xã hội/môi trường cũng rất quan trọng để đạt kết quả học hỏi và tìm tòi tốt nhất. Điều cốt yếu là phải nuôi dưỡng chính khả năng tập trung chú ý. Thầy cô cần các em tập trung và tìm tòi với sự sáng suốt để thấy được cái gì là quan trọng nhất. Việc chú trọng phát triển khả năng này trở thành một kỹ năng là điều thật sự hữu ích. Kỹ năng này có thể khơi dậy và duy trì trí tò mò cùng niềm đam mê học hỏi suốt đời, cũng như giúp cho người học nắm bắt một cách hiệu quả và hiểu sâu bất cứ bài học cụ thể nào. Ngày càng có nhiều giáo viên trên khắp thế giới nhận thấy điều này… Vì sao không dạy các em làm thế nào để tập trung và lắng nghe sâu, thay vì chỉ đòi hỏi các em phải tập trung như thường thấy trong lớp học khi bản thân các thầy cô lại bị căng thẳng quá mức? Phương pháp thực tập chánh niệm được đưa ra trong bộ sách này là con đường phát triển khả năng đó một cách tự nhiên.

Điều cốt yếu của sự thực tập chánh niệm là sự chú tâm, nhận diện, tìm tòi, khám phá và làm phát khởi cái thấy sâu sắc bằng sự có mặt cẩn trọng, đầy tình thương. Thực tập lắng nghe và nhìn sâu gắn liền với việc học cách tiếp nhận những tri giác và kinh nghiệm của bản thân. Những hoạt động này khơi dậy trí tưởng tượng và óc sáng tạo, giúp chúng ta lột bỏ những lớp vỏ bên ngoài và làm hiển lộ những gì đang thực sự diễn ra ở bên dưới. Đi đôi với các kỹ năng xã hội thiết yếu được trau dồi trong quá trình thực tập chánh niệm, sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu giúp chúng ta có thể mở lòng chia sẻ cả những giây phút đầy tuệ giác cũng như những giây phút khó khăn với các đồng nghiệp hoặc học sinh của mình.

Tỉnh thức (chánh niệm) là một khả năng tự nhiên của con người mà trong môi trường giáo dục có lẽ chưa được chú trọng bằng khả năng tư duy. Song có thể thấy sự kết hợp của hai khả năng này giúp người học phát triển vượt trội so với việc chỉ tập trung rèn luyện tư duy đơn thuần. Sự tỉnh thức lớn hơn nhiều so với suy nghĩ, bởi nó chứa đựng suy nghĩ, nhận ra được đó là suy nghĩ chứ không phải sự thật, và vì vậy giúp ta phân biệt được xem thử điều đó có đúng, có hoàn chỉnh, có chính xác hay chưa và có liên quan tới hay là có vẻ mơ hồ đối với vấn đề đang được bàn đến. Đây là một kỹ năng quan trọng đối với việc phát triển tư duy phản biện. Thú vị hơn nữa, nó giúp ta trau dồi khả năng tư duy về mặt cảm xúc, qua đó có thể điều chỉnh cảm xúc và những phản ứng liên quan một cách hiệu quả hơn. Khi tư duy được bổ sung bởi sự tỉnh thức, tư duy sẽ trở nên lớn mạnh và sắc bén hơn, giúp ta tự tin hơn về điều ta biết cũng như nhận ra được những gì ta chưa biết (hy vọng là như vậy), vốn cũng là lĩnh vực quan trọng không kém trong giáo dục, sáng tạo và đời sống.

Có thể thấy rõ rằng các tác giả đã được thấm nhuần truyền thống Phật giáo quý báu từ ngàn xưa khi chánh niệm được trình bày một cách bài bản và tinh tế, song họ đã đóng góp to lớn vào việc biến sự thực tập này trở nên phổ quát, chính thống và mang tính phi tôn giáo. Việc này cũng không phải quá khó, bởi tự bản chất của chánh niệm đã mang tính phổ quát – như nhiều người trong chúng ta vẫn cảm được và chứng nghiệm nó như là “một lối sống” hay “một nếp sống trong tương quan với hiện hữu xung quanh”, vì lẽ đó mà nó cũng chính là sự nhìn sâu vào bản chất các mối quan hệ trong cuộc sống. Giáo dục phần đa là được phát triển dựa trên việc xây dựng và thu nhận kiến thức. Nhiều sinh viên bị lạc lối khi không nhìn ra được mối tương quan giữa điều mình phải học với cuộc đời của mình. Có một điều nghịch lý là khi việc học tập và sự quan tâm của chúng ta được xây dựng trên nền tảng chỉ cần có mặt, tỉnh thức (“being”), thì việc chúng ta làm (và điều chúng ta học) phát sinh từ cái “không làm” đó lại mạnh mẽ, đa dạng và hiệu quả hơn nhiều. Điều này được chứng thực bởi sự phát triển rầm rộ của phong trào thực tập chánh niệm trong học đường trên toàn thế giới, khi ngày càng có nhiều giáo viên thấy cần phải tổ chức công tác dạy học như thế nào để ngay từ đầu sự có mặt trở thành một sự thực tập, chứ không chỉ đơn thuần là “điểm danh” để biết có bao nhiêu học sinh đến lớp trong khi thân của các em có mặt trong lớp nhưng tâm trí và trái tim của các em có thể không có mặt. Tính phổ quát của cách tiếp cận này đã được minh chứng bằng sự tiếp nhận của nhiều giáo viên không theo Đạo Bụt từ khắp nơi trên thế giới. Họ đã thực tập chánh niệm, đã chia sẻ những câu chuyện và đã góp ý cho bộ sách này dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của mình. Như các tác giả đã chỉ ra và trích dẫn trong bộ sách này, có một nền tảng chứng cứ khoa học ngày càng phát triển mạnh mẽ cho thấy hiệu quả của việc rèn luyện các năng lực căn bản của tâm thức (tất cả các giác quan, và chính sự nhận thức, cũng như các cảm xúc về tình thương, lòng từ bi), thậm chí ngay từ tuổi nhỏ, để chúng có thể vừa thúc đẩy khả năng học tập tối ưu vừa kích thích sự tò mò không ngừng về bản thân cuộc sống.

Nhà trường phổ thông và đại học từ lâu đã nhận ra được tầm quan trọng của giáo dục thể chất, bởi ai cũng biết lợi ích của việc vận động và tập luyện thể lực từ thuở nhỏ cho đến suốt cuộc đời. Tuy nhiên mọi người đều hiểu rằng nếu chỉ có nói và nghĩ về chuyện vận động hay tập luyện thì không đủ. Phải thực sự vận động cơ thể và tập luyện cơ xương khớp hằng ngày thì những lợi ích thực sự mới có thể tích lũy dần và trải nghiệm được. Giáo dục thể chất và thể thao cũng giúp ta giảm căng thẳng khi phải tập trung hoạt động trí óc quá mức trong khoảng thời gian quá dài, và cho phép học sinh, sinh viên có cơ hội phục hồi sự cân bằng giữa thể lực và trí óc. Tương tự như vậy, việc thực tập chánh niệm trong trường học có thể được xem như một hình thức rèn luyện trí óc hay giáo dục trí óc để những “cơ bắp” chánh niệm được thức tỉnh, đào luyện và củng cố thông qua sự thực hành chánh niệm một cách liên tục.

Thế giới đang thay đổi quá nhanh đến nỗi chúng ta không thực sự biết được nền tảng tri thức và kỹ năng nào sẽ là quan trọng nhất mà các thế hệ kế cận cần phải trau dồi. Nhưng điều mà chúng ta có thể biết chắc là muốn sáng tạo, yêu nghề, thích nghi với thời đại kỹ thuật số và học hỏi suốt đời thì người trẻ ở lứa tuổi nào cũng cần phải phát triển kỹ năng sống với giây phút hiện tại. Điều này bao gồm kỹ năng làm bạn với chính mình, tin tưởng những trải nghiệm trong nội tâm và học cách làm chủ môi trường bên trong, gồm thân và tâm của mình, cũng như biết cách thích nghi với môi trường học tập bên ngoài khi tương tác với những người khác. Đánh thức khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của bản thân trong suốt cuộc đời theo cách thức này là một yếu tố quan trọng dẫn tới thành công và hạnh phúc như tiêu đề của bộ sách.

Một trong những nguyên tắc chính ở đây là các thầy cô giáo cần thực tập chánh niệm trong đời sống của chính mình trước khi có thể đưa nó vào lớp học một cách hiệu quả. Nếu bạn làm nghề giáo và mới biết đến phương pháp chánh niệm, bộ sách này sẽ hướng dẫn hết sức chi tiết cách bạn thực tập cho chính mình, cũng như cách bạn có thể đưa nó vào lớp học theo cách riêng của mình để giúp học sinh phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần, biết cách chăm sóc cảm xúc và có niềm vui trong khi học. Cần lưu ý rằng không có một phương pháp nào là phù hợp cho mọi hoàn cảnh. Cái hay của cách nhìn này là cho bạn một loạt các lựa chọn để thử nghiệm và trên hết là nhắc bạn nhớ rằng chính sự sáng tạo của riêng bạn, được nuôi dưỡng bởi sự thực tập chánh niệm, sẽ mang đến muôn vàn những cơ hội mới và đầy thú vị. Nói một cách thực tế thì học trò của bạn sẽ là người giúp khơi mở nguồn tuệ giác đó trong bạn. Các em chính là những người thầy chánh niệm vĩ đại nhất của bạn.

Điểm hay của phương thức tiếp cận này là nó có thể bắt nguồn từ tình yêu nghề và tấm lòng mong mỏi học trò tiến bộ, được ấp ủ và truyền đạt bởi chính trực giác và kinh nghiệm thực tiễn của bạn; tất cả những điều này đều dựa vào công phu thực tập trong từng thời khắc của bạn. Theo như tôi nghiệm thấy, những băn khoăn, học hỏi, quán chiếu cứ lớn lên không ngừng trên mảnh đất nuôi dưỡng ấy.

Một trong những tác phẩm đầu tiên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng gây chấn động lớn ở phương Tây là cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức. Ở đây, trong bộ sách này, phép lạ ấy đã biến thành sự thật. Xin được bày tỏ lòng biết ơn của bản thân tôi đối với những đóng góp của Thiền sư đã khơi nguồn cảm hứng để xây dựng thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn với thật nhiều tình thương.

 

Jon Kabat-Zinn

Berkeley, California Ngày 22 tháng 02 năm 2017