Thỉnh chuông

 

Được ngồi thở chung với nhau là một điều rất quý giá. Quý giá ở chỗ là mỗi chúng ta đều có thể tự thở trong chánh niệm, nhưng khi cả gia đình ngồi lại với nhau để thở những hơi thở nhẹ nhàng ý thức thì sẽ tạo ra một nguồn năng lượng kỳ diệu có khả năng ôm hết mọi người. Nhiều trái tim sẽ trở thành một trái tim, nhiều lá phổi sẽ trở thành một buồng phổi. Nếu trong gia đình có ai đó đang nổi giận hoặc cãi cọ nhau thì ta nên thỉnh lên một tiếng chuông.

Bất cứ ai trong gia đình cũng đều có quyền thỉnh chuông khi không khí trong gia đình không được bình an. Khi anh mình nổi giận hoặc mẹ mình khóc thì đó là lúc rất cần thỉnh lên một tiếng chuông. Một người nào đó đến bên chuông và thỉnh lên một tiếng chuông để mọi người trong gia đình có thể thực tập ba hơi thở vào – ra trong chánh niệm. Nếu chúng ta thực tập như vậy, thở vào thở ra chín lần vào buổi sáng, buổi tối và bất cứ lúc nào trong gia đình không đủ bình an thì chỉ trong vòng một tuần thôi nhà mình sẽ bình yên và hòa hợp hơn.

Thực tập

Tôi có nhiều người bạn, trong đó có một số bạn trẻ, rất thích thực tập thỉnh chuông và lắng nghe chuông. Buổi sáng, trước khi đến trường, họ ngồi xuống, thỉnh chuông và thưởng thức những hơi thở vào – ra. Ăn sáng bằng những tiếng chuông, hơi thở chánh niệm, họ có thể bắt đầu một ngày bình yên, an lành và vững chãi. Vì vậy, thay vì chúc nhau “một ngày an lành”, chúng ta có thể bắt đầu một ngày an lành bằng tiếng chuông và hơi thở chánh niệm. Trước khi đi ngủ, cả nhà có thể ngồi lại thực tập nghe chuông và thở chung với nhau. Cảnh tượng đó rất đẹp, rất bình an.

Cách thực tập thỉnh chuông cho trẻ em và người lớn đều giống nhau. Chúng ta xá chuông, đặt chuông trong lòng bàn tay và thực tập thở vào, thở ra theo bài thi kệ trước khi thức (nhấp) chuông:

Ba nghiệp lắng thanh tịnh

Gởi lòng theo tiếng chuông

Nguyện người nghe tỉnh thức

Vượt thoát nẻo đau buồn.

Thực tập thi kệ xong, chúng ta bắt đầu thức chuông. Hãy để cho mọi người có đủ thời gian để chuẩn bị thân tâm, đủ thời gian cho một hơi thở vào và một hơi thở ra. Kế đó, chúng ta thỉnh lên một tiếng chuông. Sau tiếng chuông, mọi người sẽ thở vào, thở ra ba lần theo bài thi kệ:

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

Hãy lắng nghe thật sâu và cảm nhận sự sung sướng yên lắng của lòng mình. Đó là sự thực tập an lạc. Sau đó, thỉnh tiếp tiếng chuông thứ hai. Thở vào thở ra chậm rãi ba lần. Rồi thỉnh tiếng chuông cuối cùng. Thở vào thở ra ba lần nữa và đặt chuông xuống trên đế chuông.

Các em nhỏ khi thỉnh chuông nên nhớ rằng hơi thở vào – ra của các em ngắn hơn hơi thở vào – ra của người lớn. Vì vậy sau khi thỉnh chuông, thở vào thở ra ba lần, em nên thở thêm một hoặc hai hơi nữa để người lớn có thể thưởng thức trọn vẹn ba hơi thở vào ra của họ. Chúng ta nên thong thả và phóng khoáng bởi vì nghe chuông là lúc để chúng ta có mặt với chính mình, tận hưởng chính mình, tận hưởng sự bình an và tận hưởng cuộc sống. Tôi có thể ngồi như vậy lắng nghe chuông cả giờ đồng hồ hoặc hơn nữa mà không chán. Ngồi như thế nuôi dưỡng và trị liệu cho tôi rất nhiều.