Soi sáng
Soi sáng cho một người nghĩa là dùng sự quán sát và tuệ giác của mình để chỉ bày cho người kia thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của người đó và đề nghị những cách thức thực tập cụ thể để người đó có thể thực tập tiến bộ hơn. Đây là một sự thực tập quan trọng, có hiệu quả tốt nhất khi chúng ta thực tập đều đặn, có những mối liên hệ thân thiết và tương giao tốt với nhau.
Thực tập
Mỗi người đều xin tăng thân soi sáng cho mình, để giúp mình nhìn lại tự thân rõ ràng hơn – những điểm mạnh, những điểm yếu và phẩm chất tu học của mình. Đây là sự thực tập sâu sắc cho người soi sáng lẫn người được nhận soi sáng. Điều này đòi hỏi phải có sự quán chiếu. Chúng ta cần nhìn vào sư anh, sư chị, sư em của mình và tiếp xúc với những gì ta thực sự trân quý nơi sự thực tập của người ấy. Động lực duy nhất của việc soi sáng là muốn giúp cho người kia chuyển hóa bằng tình thương và lòng từ bi của mình.
Trước khi bắt đầu soi sáng, chúng ta sẽ đọc một bản văn để quán chiếu và thực tập trong buổi soi sáng. Sau đó, người được soi sáng sẽ chắp hai tay lại và xin tăng thân soi sáng cho mình: “Kính bạch đại chúng, xin đại chúng chỉ cho con thấy những điểm mạnh, điểm yếu của con và chỉ cho con cách thức thực tập để sự tu học của con được vững mạnh hơn”. Người đó sẽ tự trình bày sự thực tập mà người đó đã áp dụng trong vài tháng nay: “Kính bạch đại chúng, con có những điểm yếu kém này, những tập khí này… Con đã ý thức, đã sử dụng những phương pháp này để vượt qua và chuyển hóa những tập khí của con… Con đã nắm được phương pháp nhưng chưa thực sự thành công trong việc chuyển hóa điều này, điều kia…” Người đó sẽ thưa với tăng thân những cái thấy của mình về bản thân.
Sau đó, mỗi người trong tăng thân sẽ lần lượt chia sẻ cái thấy của mình về người đó trong khi những người khác thực tập lắng nghe, kể cả người đang xin tăng thân soi sáng.
Chúng ta chỉ thực tập pháp môn này khi chúng ta sống với nhau ít nhất là ba tháng. Sự thực tập này sẽ có hiệu quả hơn khi chúng ta ở với nhau lâu dài. Đầu tiên, chúng ta tưới hoa cho người được nhận soi sáng. Chúng ta nói cho người đó biết về những điểm mạnh, những mặt tích cực và những đức tính tốt của người đó, giúp người đó phát huy những phẩm chất tốt đẹp trong mình. Sau đó, chúng ta nói đến những điểm yếu, những điểm cần chuyển hóa. Chúng ta luôn soi sáng với tình thương, tuệ giác và lòng từ bi. Nhờ sử dụng ái ngữ nên người nghe sẽ không bị tổn thương. Sau cùng, chúng ta đề nghị những phương pháp thực tập mà người đó có thể áp dụng để chuyển hóa tập khí của mình v.v… Những điểm ta đề nghị phải đến từ những kinh nghiệm của chính ta. Nếu chúng ta đã thực tập có kinh nghiệm, đã vượt qua những khó khăn, đã chuyển hóa được tập khí, chúng ta có thể đề nghị những cách thức rất cụ thể giúp người kia chuyển hóa dễ dàng. Những gì chúng ta nói phải gần với sự thật, giúp người đó nhìn lại tự thân rõ ràng hơn. Người đó có thể đón nhận và áp dụng những điều ta đề nghị để làm tăng tiến sự thực tập. Chúng ta không phê bình, chỉ trích mà chỉ nâng đỡ, chia sẻ cách thức thực tập của mình.
Điều quan trọng là phải có một người viết xuống tất cả những điều được chia sẻ trong buổi soi sáng. Một người khác sẽ lấy những ý đó và viết lại thành một bức thư soi sáng. Một lá thư soi sáng phải có ít nhất ba phần. Phần đầu thư soi sáng nói về những điểm tích cực, những điểm mạnh và những phẩm chất tốt đẹp của người được nhận soi sáng. Phần thứ hai của thư soi sáng là đề cập đến những điểm còn yếu kém. Phần thứ ba là những đề nghị thực tập cụ thể giúp người đó cải thiện sự tu học và phẩm chất của cuộc sống. Vì vậy, trong việc soi sáng có rất nhiều tình thương.
Lúc đầu, có thể chúng ta hơi miễn cưỡng. Chúng ta có một chút lo sợ khi có người nói về những điểm yếu của ta, chúng ta thấy không thoải mái, dễ chịu lắm. Nhưng ngay sau đó chúng ta sẽ thấy thích. Chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều và hiểu chính mình hơn sau mỗi buổi soi sáng.
Ngồi trong buổi soi sáng, chúng ta sẽ học được nhiều điều. Mỗi người đều có một cái nhìn riêng. Chúng ta kết hợp cái nhìn của mỗi người thành một cái nhìn chung và gọi đó là “tăng nhãn” (con mắt tăng). Con mắt tăng thì luôn sáng hơn bất kỳ con mắt cá nhân nào. Sử dụng con mắt cá nhân mình để nhìn, có thể chúng ta thấy không rõ ràng lắm. Nhưng nếu kết hợp lại những cái nhìn, những quán sát của ba mươi, bốn mươi, năm mươi người thì sẽ mang chúng ta lại gần sự thật hơn.
Lời quán niệm đọc trước buổi soi sáng
“Khi nhìn anh (chị, em) tôi thấy anh là một dòng chảy mà không thấy một cái ngã riêng biệt để trách móc hay để khen ngợi. Nhìn vào anh tôi thấy tổ tiên, dòng họ, cha mẹ, đất nước và văn hóa của anh, những cái hay cái đẹp và những cái còn chưa được hay, chưa được đẹp. Anh là một biểu hiện nhiệm mầu, một bông hoa trong vườn hoa nhân loại. Tôi thấy tôi trân quý sự có mặt của anh. Và tôi cũng mong anh thấy tôi là một dòng chảy, không phải một cái ngã riêng biệt để trách móc, chê bai hay tán dương khen ngợi. Chúng ta được làm anh chị em của nhau trong tăng thân này, vì vậy tôi có anh trong tôi và anh có tôi trong anh. Chúng ta phải nâng đỡ nhau, khuyến khích nhau làm lớn những cái hay cái đẹp và chuyển hóa những cái chưa hay chưa đẹp. Nếu tôi có nói điều gì để giúp anh chuyển hóa, đó không phải là sự trách móc mà là một ước mong. Nhìn vào tôi, anh cũng thấy những cái vụng về, không toàn hảo nơi tôi và nếu anh có nói điều gì với tôi thì đó cũng không phải là sự chê bai hay trách móc mà chỉ là một ước mong cho tôi chuyển hóa. Anh chuyển hóa thì tôi có hạnh phúc thêm và tôi có chuyển hóa thì anh có hạnh phúc thêm. Chúng ta nâng đỡ nhau trên con đường thực tập. Chúng ta cần nhau. Tôi rất trân quý sự có mặt của anh trong tăng thân này.”