Bữa cơm gia đình
Cách đây vài năm, tôi có hỏi một số trẻ em: “Mình ăn sáng để làm gì?” Một cậu bé trả lời: “Để có năng lượng cho ngày đó.” Một em khác nói: “Ăn sáng là để ăn sáng.” Tôi nghĩ là đứa bé thứ hai nói đúng hơn. Mục đích của việc ăn là để ăn.
Chúng ta nên cố gắng ít nhất mỗi ngày có một bữa ăn chung với toàn gia đình. Ăn chung với nhau, chúng ta có thể nuôi dưỡng sự hòa hợp và tình thương yêu trong gia đình. Chúng ta có thể đọc những lời quán nguyện trước khi ăn (một người đọc hoặc cùng đọc chung với nhau). Chúng ta sử dụng tài năng, tính sáng tạo của mình để làm cho bữa ăn trở nên vui vẻ, thoải mái và dễ chịu.
Thực tập
Chúng ta ngồi yên lặng, thở vào thở ra ba lần. Nhìn nhau mỉm cười, nhận diện sự có mặt của nhau và ăn trong im lặng ít nhất là hai phút đầu. Chúng ta có thể đọc lời quán nguyện trước khi ăn theo cách thức dành cho trẻ em:
- Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời, mưa, nắng.
- Chúng con xin gởi niềm biết ơn đến với tất cả những người làm nên thức ăn này, đặc biệt là người nông dân, người bán hàng và mẹ (ba, anh, chị…) người nấu ăn hôm nay.
- Chúng con nguyện chỉ lấy thức ăn vừa đủ để tập ăn uống điều độ.
- Xin nhai thức ăn chậm rãi để khỏi đau bao tử và có thể thưởng thức thức ăn một cách trọn vẹn.
- Chúng con nguyện ăn thức ăn này để tập hiểu, tập thương nhiều hơn.
- Vì muốn nuôi dưỡng thân tâm lành mạnh, hạnh phúc, muốn thương yêu nhau như anh chị em một nhà nên chúng con xin thọ nhận thức ăn này.
Thực tập ăn cơm như thế không khó. Để xứng đáng thọ nhận thức ăn này, chúng ta chỉ cần ăn cho có chánh niệm. Nếu ăn không có chánh niệm thì ta không dễ thương với thức ăn, không dễ thương với những người đã làm ra thức ăn cho ta. Tôi ưa nhắc nhở mình ăn cho có chừng mực. Thức ăn đóng một vai trò quan trọng giúp tôi sống vui khỏe, lành mạnh. Vì vậy, tôi nguyện chỉ ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh. Cả người lớn và trẻ em đều có thể thực tập như vậy.