Tổ chức lại hình thức tu tập

Đưa nội dung vào hình thức

Một trong những điều căn bản ta phải tránh là đừng để sự thực tập rơi vào cái bẫy hình thức. Đừng làm như một cái máy vì thực tập hình thức không đem tới kết quả. Ngồi thiền cho có, ăn cơm im lặng cho có… Trong khi làm những chuyện đó ta không có hạnh phúc thì ta thấy rõ sự thất bại của ta và ta đã không đóng góp được gì cho tăng thân bởi vì sự đóng góp của ta chính là hạnh phúc. Nếu ta không biết dừng lại, không tiếp xúc với nhiệm mầu của sự sống, cứ để bị trôi lăn theo những điều kiện sống bên ngoài thì làm sao ta hạnh phúc được?

Không phải chỉ những người tu theo đạo Bụt mà những người tu theo đạo Công giáo có trình độ tỉnh thức và nhận thức được sự thật thì sẽ không bị kẹt vào hình thức. Có một vị linh mục người Mỹ tu rất hạnh phúc trong khóa tu ba tuần. Trong một buổi thiền trà, ông chia sẻ: "Tôi thích pháp tu này nhưng làm sao khi trở về Mỹ tôi có thể tiếp tục thực tập?" Tôi mới hỏi: "Bên đó, nhà thờ có chuông không? Tại sao không thực tập: Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười mỗi khi nghe đổ chuông? Bên đó, quý vị có uống trà hay cà phê với nhau không? Tại sao không thực tập: Chén trà trong hai tay. Chánh niệm nâng tròn đầy. Thân tâm an trú. Bây giờ đây? Nhà thờ có tổ chức ăn cơm chung với nhau không? Tại sao không tổ chức ăn cơm có chánh niệm? Nghĩa là linh mục có thể làm y hệt như ở Làng Mai dưới hình thức của nhà thờ". Vị linh mục đó mừng quýnh vì những điều đơn giản như vậy mà không thấy. Trong các sinh hoạt hàng ngày của nhà thờ, ta chỉ cần đưa vào chất liệu chánh niệm thì tự nhiên các hình thức đó sẽ đưa lại sự sống. Vấn đề không phải là hình thức sinh hoạt bên ngoài, điều quan trọng là những sinh hoạt có chất liệu của sự sống đích thực hay không.

Trong các sinh hoạt ở chùa cũng vậy. Ví dụ như tiếng chuông chánh niệm. Từ mấy ngàn năm nay chùa đã có chuông và sự thực tập nghe chuông. Chuông không phải chỉ để dùng báo hiệu giờ ăn hay giờ ngồi thiền không đâu. Chuông là một pháp khí để giúp ta tu tập. Nếu thông minh, ta xem tiếng chuông như tiếng nhắc nhở, tiếng gọi của Bụt để ta trở về với sự thực tập. Có những bài kệ ta thực tập trong khi thỉnh chuông. Ta phải thực tập thì mới thật sự là vị tri chung đích thực. Không có chánh niệm thì ta làm như cái máy. Mà tu đâu phải là làm cái máy. Ấy vậy mà có những người thỉnh chuông như cái máy. Thỉnh chuông là thực tập chánh niệm. Và người nghe cũng phải thực tập chánh niệm. Vậy mà có nơi chuông thỉnh thì cứ thỉnh, tri chung không thực tập khi thỉnh chuông và người nghe cũng ‘phớt tỉnh Ăng Lê’, nghe chuông cũng giống như nghe tiếng máy bay hoặc tiếng còi xe lửa mà thôi. Như vậy thì ta đã đánh mất nội dung của sự thực tập nghe chuông và thỉnh chuông, mà ta chỉ giữ cái vỏ hình thức. Trong khi đi, ta cũng đi như bị ma đuổi. Đức Thế Tôn và giáo đoàn ôm bát đi rất vững chãi và thảnh thơi vào thành Vương Xá khất thực. Khi quần chúng thấy quý vị khất sĩ đi như vậy thì họ lạy xuống vì họ thấy được dáng đi toát ra chánh niệm. Người ta lạy không phải vì tướng tu sĩ mà người ta lạy vì Đức Thế Tôn và giáo đoàn khất sĩ đã tỏa ra chất liệu vững chãi, thảnh thơi, chánh niệm và sự sống. Bây giờ có những thầy đắp y vàng, ôm bình bát đi khất thực nhưng không có chánh niệm gì cả thì có phải ta chỉ giữ lại hình thức, còn phần nội dung đã bị đánh mất hay không? Vì vậy ta phải đưa nội dung trở lại, và phải làm cho hình thức có ý nghĩa.

Tạo nguồn sinh lc

Trong Gia Đình Phật Tử, chúng ta có nhiều hình thức. Ví dụ như huy hiệu hoa sen trắng. Quý vị có biết ai là người đã vẽ huy hiệu không? Người vẽ huy hiệu đã tham gia Gia Đình Phật Tử năm 1930 tên là Lê Lừng. Khi vẽ anh chỉ vẽ mà thôi chứ không có ý nghĩa gì. Sau này các thầy thấy huy hiệu đẹp nên đặt thêm ý nghĩa vào. Gia Đình Phật Tử đặt thêm những ý nghĩa ngũ căn, ngũ lực, tín tấn niệm định tuệ. Đó là ý nghĩa của sự tu học. Nếu muốn, ta cũng có thể nói đó là biểu tượng của Năm Giới vì Năm Giới là con đường thoát duy nhất của thế giới hiện tại. Ba cánh dưới ta có thể nói là Tam Quy, đó là nền tảng của sự sống. Nếu ta về nương tựa Phật, Pháp, Tăng thì cuộc đời ta mới có sự vững chãi và có ý nghĩa. Quý vị có thể nói ba cánh dưới là ba viên ngọc quý và năm cánh trên là sự thực hiện cụ thể của Tam Bảo: đó là Năm giới quý báu. Không chỉ quý vị cư sĩ mới thực tập Năm giới mà các thầy, các sư cô đều phải thực tập.

Hình thức hiện thời của Gia Đình Phật Tử ta đã có nhiều rồi, ta có thể đưa vào những thay đổi nho nhỏ thôi. Thay đổi những hình thức để đưa vào chất liệu của nội dung. Ví dụ như tiếng còi: tiếng còi vẫn còn là tiếng còi nhưng khi nghe còi ta thực tập trở về với hơi thở thì như vậy có phải là ta đã đưa nội dung tốt vào không? Khi ta thổi còi, mọi người đi thiền hành về chỗ hẹn. Và nếu thổi nhanh là chạy thì chúng ta vẫn có thể chạy trong chánh niệm. Tại Làng Mai, các thầy và các sư cô đi thiền hành buổi sáng mùa đông đều có chạy hết. Đó là chạy bộ trong chánh niệm hay thiền chạy, tiếng Anh gọi là "jogging meditation". Đây chỉ là gợi ý, quý vị có thể quán chiếu, thay đổi thêm nhiều theo ý quý vị. Nếu cần họp đại hội để quyết định thì họp. Quý vị có thấy điều quan trọng là trong các khóa tu như vầy, ta không tốn thì giờ vào mặt hình thức mà ta phải cung cấp càng nhiều chất liệu càng tốt để các hình thức kia trở thành hiện thực, có sự sống và có ý nghĩa.

Trong khi làm các dấu hiệu này, ta không chỉ làm với hình thức. Ta có Bụt, Pháp và Tăng ngự trị trong thân tâm ta. Nếu ta không nương nhờ Tam Bảo thì làm sao có sự an ổn được.

Con nhất tâm nguyện sống đời nh Đem thân mạng nương nhờ Tam Bảo

Quay về nương tựa Bụt, quay về nương tựa Pháp, quay về nương tựa Tăng thì ta sẽ có ba cái đó.

Chánh niệm Bụt, soi sáng xa gần Hơi thở Pháp, bảo hộ thân tâm Năm uẩn Tăng, phối hợp tinh cần

Đó là sự thực tập. Ta có thay đổi gì đâu. Ta chỉ đưa thêm chất liệu đi vào trong đó thôi. Ví dụ khi chào thì ta bắt ấn cát tường. Cát tường biểu tượng cho sự an lành, hạnh phúc nhưng trong khi đó tâm ta làm gì? Tâm ta cũng phải có sự an lành, hạnh phúc và an ổn. Nụ cười và hơi thở chánh niệm cũng phải đi đôi với ấn cát tường đó. Chúng ta không cho chuyện hình thức thay đổi là quan trọng mà chúng ta phải nuôi dưỡng các hình thức đó. Thành ra bây giờ, đi cũng có chánh niệm, đứng cũng có chánh niệm, ăn cũng có chánh niệm, thổi còi và hát cũng trong chánh niệm.

Vấn đề là luyện tập

Ban đầu thì hạt giống chánh niệm của ta còn nhỏ nhưng nếu thực tập trong hai ngày, năm ngày, mười ngày thì năng lượng chánh niệm của ta lớn lên từ từ và mỗi khi cần năng lượng đó thì ta chỉ cần thở vào một hơi hoặc bước một bước chân là tự nhiên ta đụng tới nó và nó tỏa ra một vùng năng lượng lớn, ôm lấy nỗi khổ niềm đau của ta để chuyển hóa. Đây là vấn đề luyện tập chứ không phải vấn đề học hỏi. Trong khóa tu, nhất là khóa tu 7 ngày hay 21 ngày, chúng ta có nhiều thời giờ hơn để mọi người cùng thực tập với nhau. Khi một bà mẹ nghe con khóc thì dù đang ở trong bếp, bà cũng sẽ bỏ những thứ đang làm xuống và đi vào phòng con. Bà sẽ ẵm con lên và ôm cháu vào trong hai tay của mình. Tuy là bà chưa biết vì sao con khóc nhưng sự kiện ôm lấy em bé đã là một hành động rất hay rồi. Em bé đang đau khổ như vậy nhưng được ôm vào vòng tay của mẹ là đã cảm thấy dịu đi, cảm thấy bớt khổ liền. Trán em nóng như vậy nhưng bàn tay mẹ mới đặt lên một chút là đã thấy mát rượi, đã thấy đỡ khổ dù em chưa được uống thuốc. Chánh niệm cũng vậy. Mỗi khi ta đưa chánh niệm lên ôm lấy nỗi khổ niềm đau của ta thì tự nhiên ta thấy bớt khổ liền lập tức. Cho nên ta phải tu tập để có năng lượng chánh niệm ấy. Bà mẹ ôm đứa con chừng ba, bốn phút thì sẽ tìm ra được lý do tại sao con mình khóc. Con mình có thể đang đói, đang sốt hoặc tã đang dơ. Khi bà mẹ tìm ra lý do rồi thì có thể chuyển đổi tình trạng một cách nhanh chóng. Nếu con đói thì cho bình sữa, nếu con sốt thì cho uống thuốc, nếu tã dơ thì thay tã mới. Ta cũng vậy, ta có một nỗi giận, một nỗi buồn thì trước hết ta phải ôm lấy nỗi giận, nỗi buồn đó. Để nỗi giận, nỗi buồn ở một mình trong tâm thì sẽ rất nguy hiểm. Nếu để chúng ở một mình thì chúng sẽ xui khiến ta nói ra những điều, làm ra những điều có thể gây đổ vỡ. Đừng bao giờ để năng lượng giận hờn ở một mình. Khi năng lượng đó mới phát hiện thì phải mời năng lượng thứ hai lên lập tức. Năng lượng thứ hai là năng lượng chánh niệm. Chúng ta tới chùa, tới tu viện là để học phương pháp chế tác năng lượng chánh niệm. Quý thầy, quý sư cô không phải chỉ nói về chánh niệm mà họ đang thực tập, đang thật sự chế tác chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Nhìn thấy họ, ta thấy có sự thảnh thơi, nhẹ nhàng, tươi vui. Có những thầy không được ở trong tu viện hay bận lo việc chùa, việc tang lễ, việc cúng kiếng, lo việc chạy tiền để trả tiền điện, tiền điện thoại nên không có thời giờ để tu tập với huynh đệ và năng lượng chánh niệm từ từ giảm đi. Người tu phải ở với chúng, phải ở tu viện chứ còn ở một mình thì rất khó tu. Chỉ cần ra ngoài ở chùa riêng chừng sáu tháng là năng lượng chánh niệm của thầy ấy, của sư cô ấy sẽ xuống rất thấp. Nhìn thầy ấy, nhìn sư cô ấy ta biết là họ cần phải trở về tu viện lập tức. Ta cũng vậy, nếu ta là cư sĩ thường xuyên lên chùa, thường tham dự các khóa tu tập thì mức chánh niệm của ta sẽ lên cao. Nếu ta phiêu lưu trong cuộc đời, sống chung với những tà hữu thì chỉ cần trong một tuần lễ là mức chánh niệm của ta sẽ xuống thấp và ta sẽ đánh mất mình. Những khổ đau, những dằn vặt, những giận hờn sẽ kéo ta đi. Vì vậy ta cần gần gũi các vị xuất gia, cần phải dự pháp đàm, học hỏi, cần phải lên tu viện thường xuyên để có cơ hội chế tác chánh niệm.

mặt đích thực

Ta hãy thực tập một bài tập rất đơn giản. Ta hãy ngồi cho đẹp, ngồi như thế nào mà thân và tâm ta hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại. Ngồi bán già cũng được, kiết già cũng được, kiểu nào cũng được, miễn là ta ngồi cho thật thoải mái để có cảm giác là ta đang có hạnh phúc. Không hẳn ta phải bắt chước người khác. Rồi trong khi thở vào thì ta đem thân và tâm ta hợp nhất lại. Thở vào, tôi biết rằng tôi đang có mặt đích thực tại đây, trong giờ phút này. Trong khi thở ra thì chúng ta mỉm cười. Ta mỉm cười để chứng tỏ rằng ta đang thật sự sống hạnh phúc với giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại này có thầy, có bạn, có anh, có chị, có em ở trong đoàn ngồi xung quanh ta. ‘Thở vào, tôi đang có mặt đích thực. Thở ra, tôi mỉm cười với hạnh phúc’. Có mặt đích thực có nghĩa là thân tâm nhất như, hoàn toàn có mặt ở đây, không lo lắng về quá khứ hay tương lai. Đó là thực tập của chúng ta trong hơi thở vào. Và khi thở ra thì ta nói: ‘Tôi đang mỉm cười với cái hạnh phúc được ngồi đây với thầy, với anh, với chị và với em.’ Chúng ta thở như vậy trong một phút thôi, không nhiều lắm đâu.

Chăm sóc thân thứ hai

Mấy ngày nay chắc quý vị đã có dịp quán sát các thầy và các sư cô ở đây về cách họ đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc chung với nhau, chắc quý vị có cảm tưởng rằng họ sống với nhau như một gia đình. Mà kỳ thực họ thương nhau lắm, có thể thương nhau hơn những người cùng cha mẹ. Đi xuất gia cũng như gia nhập vào một gia đình, gia đình của những người xuất gia, và sống đời sống đoàn thể, sống như một Tăng thân, chứ không phải chỉ sống đời sống cá nhân của mình mà thôi. Người này chịu trách nhiệm về hạnh phúc của người kia và mỗi người đều có một thân thứ hai để chăm sóc. Thân thứ hai là một thực tập rất hay và thiết thực của Làng Mai, tiếng Anh gọi là "The second body system", tiếng Việt là "pháp môn Đệ Nhị Thân". Tất cả mọi người trong Tăng thân của ta đều là thân thể của ta nên ta gọi đoàn thể ta là Tăng thân và ta có nhiệm vụ làm cho thân đó của ta có hạnh phúc. Ta có một thân thứ hai để chăm sóc, và thân thứ hai của ta cũng có một thân thứ hai khác để chăm sóc, nên ta chỉ cần chăm sóc thân thứ hai của mình thôi thì tất cả các thân khác ở trong đoàn thể đều được chăm sóc. Do đó bất cứ một khổ đau nào xảy ra cho một người ở trong Tăng thân là xảy ra cho tất cả đoàn thể, vì vậy cho nên có một sự liên đới, tương trợ và chăm sóc lẫn nhau như là mười ngón tay của hai bàn tay.

Ngồi li đ cống hiến những biện pháp cụ thể

Pháp đàm là một trong những thực tập khác của chúng ta. Đó là thiền quán, là nhìn sâu. Nhìn sâu để thấy, và cái thấy đó là sự giác ngộ. Chúng ta ngồi với nhau hơn một giờ đồng hồ, chúng ta đã dùng niệm, dùng định để quán chiếu và chúng ta đã thấy được một ít sự thực. Sự quán chiếu ấy phải được tiếp tục trong những buổi pháp đàm. Quý vị phải phát kiến ra được những biện pháp cụ thể để có thể cống hiến được đường hướng cũng như những phương thức chấn chỉnh, tổ chức lại, cấu trúc lại đoàn thể để Gia Đình Phật Tử có thể đóng được vai trò mà Đức Thế Tôn cũng như lịch sử đã giao phó cho quý vị.

Đu tất cả vào trong sự thực tập

Trong những khóa tu tổ chức cho người Pháp, người Đức hay là người Mỹ, các thiền sinh thực tập rất nghiêm chỉnh, nghiêm chỉnh hơn trong các khóa tu của người Việt nhiều lắm. Trong vòng năm hay sáu ngày họ đã có sự chuyển hóa tại vì họ đầu tư tất cả vào trong sự thực tập. Để có thể đi dự khóa tu, họ đã phải sắp đặt rất lâu ngày mới có được cơ hội có những ngày nghỉ và họ phải đóng tiền, vì vậy họ không muốn bỏ phí thì giờ trong khóa tu. Họ thực tập sự im lặng rất nghiêm mật và trân trọng từng bước chân, từng hơi thở nên họ có sự chuyển hóa rất mau. Có những người đã tìm ra được hướng đi của đời mình.

Xuất gia để có hạnh phúc

Từ mười năm nay ở tại Làng Mai đã có 67 vị xuất gia . Ngoài các vị xuất gia tại Làng Mai còn có các vị xuất gia từ các nơi khác tới tu học. Trong số đó có những vị quốc tịch Việt Nam nhưng cũng có nhiều vị có gốc ngoại quốc, có vị người Pháp, có vị người Đức, có vị người Hà Lan, có vị người Úc, có vị người Hoa Kỳ, nhưng đa số vẫn là các thầy và các sư cô gốc Việt. Có nhiều vị đã tốt nghiệp đại học, có nhiều vị đã có bằng tiến sĩ, có nhiều vị mới học trung học thôi và đặc biệt có hai vị chưa bao giờ từng được đi học hết kể cả tiểu học từ Việt Nam. Tuy nhiên các vị đó học rất giỏi và tu rất thành công. Vị xuất gia trẻ nhất tại Làng Mai bây giờ được 15 tuổi, đó là sư cô Kính Nghiêm, người gốc Việt, sinh ở miền Nam tiểu bang California, xuất thân từ Gia Đình Phật Tử. Kính Nghiêm là sư em út nên được các sư anh và sư chị rất cưng. Hỏi tại sao con đi xuất gia? Kính Nghiêm nói rằng: "Con thấy những người trẻ xung quanh con ở tại miền Nam Cali khổ quá. Trong gia đình đã khổ rồi mà ngoài học đường cũng khổ nữa. Con có một cô bạn mới có 14 tuổi mà đã có thai, con thấy khổ lắm. Mỗi khi con thấy các thầy, các sư cô từ bên Pháp sang mở khóa tu, con nhìn các thầy các sư cô sao mà hạnh phúc quá, nhẹ nhàng quá, tươi vui quá, thành ra con muốn được đi xuất gia để có hạnh phúc như vậy và để có thể giúp được những người đang khổ xung quanh con.”

Cùng đi xuất gia với sư cô Kính Nghiêm có một sư chú cũng từ miền Nam Cali. Đó là sư chú Pháp Nguyên, có gốc Việt và Mỹ. Tên của chàng là Wayne, cho nên được đặt là Pháp Nguyên nghe cho hơi giống cái tên "Wayne". Pháp Nguyên nói tiếng Anh rất giỏi nhưng tiếng Việt còn hơi kém. Trong một buổi thiền trà để phát biểu tại sao muốn đi xuất gia, (hồi đó Wayne chưa được xuất gia, muốn xuất gia phải tới Làng thực tập ba tháng hoặc bốn tháng, để các thầy, các sư cô xem thấy có được hay không thì mới được xét.) Wayne nói rằng em nhận thấy cha, mẹ, con cái sống xung quanh môi trường của em rất đau khổ, mình đau khổ rồi mình làm khổ cả người mình thương. Mỗi khi Sư Ông qua tổ chức một khóa tu thì thấy người ta vui lên, đỡ khổ nhiều lắm. Rồi chừng ba, bốn tháng sau lại bắt đầu khổ như cũ mà phải đợi tới hai năm sau Sư Ông mới qua Mỹ lại thành ra sự tu tập không thấm thía gì hết. Vì vậy cho nên Wayne muốn phát nguyện xuất gia. Wayne còn nói thêm rằng: ‘Nếu con xuất gia mà giúp được dù chỉ một người bớt khổ thì cũng đáng công con đi xuất gia rồi’. Và bây giờ Wayne đã được xuất gia với pháp danh Chân Pháp Nguyên, đang tu học ở Xóm Thượng với các thầy và các sư chú. Tiếng Việt của sư chú cũng đã có nhiều tiến bộ.

Ở Xóm Thượng cũng có mấy người xuất gia trẻ khác như sư chú Chân Pháp Châu mới có 19 tuổi, gốc Nam Phi. Pháp Châu có một người bạn cũng là người Nam Phi rất dễ thương, vừa mới qua Làng Mai chừng một tháng mà cũng đã có ý định muốn đi xuất gia với bạn mình rồi. Có thể tuy là mình đang còn trẻ nhưng mình cũng đã có những khổ đau. Trong số những người xuất gia có những người trẻ chưa từng bị khổ đau, đã tới từ những gia đình rất lành lặn và là con nhà lành, nhưng cũng có các vị tới từ những gia đình bị tan vỡ hoặc đã từng khổ đau. Và thường thường sau một năm, hai năm hay ba năm tu tập thì người nào cũng được chuyển hóa. Sự tu tập theo pháp môn của Làng Mai rất nhẹ nhàng và dễ chịu. Ta học phương pháp chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, uống trà, nấu ăn, rửa bát, quét sân, lau phòng và tổ chức khóa tu một cách thảnh thơi trong chánh niệm. Mỗi động tác của ta, mỗi hơi thở, mỗi bước chân của ta đều đặt trong tinh thần chánh niệm. Vì vậy cho nên những tập khí, những thói quen như hấp tấp, vụt chạc, nóng nảy v.v… từ từ được chuyển hóa. Sự thực tập này không phải chỉ được xảy ra trong khóa tu. Sống trong Đạo Tràng Mai Thôn ta phải thực tập 24 giờ một ngày. Nghĩa là khi nào đi cũng phải đi trong chánh niệm, đi vào nhà bếp cũng phải đi có chánh niệm, đi về phòng ngủ cũng đi có chánh niệm và leo cầu thang cũng với từng bước chân chánh niệm giống như mình đi thiền hành vậy. Có vậy ta mới chuyển hóa được cái tập khí vụt chạc, hấp tấp, nóng nảy, hận thù của ta, và từ đó niềm vui mới có thể nở ra như bông hoa trong trái tim ta được.

Chúng ta phải thổi sự sống vào trong đoàn thể của chúng ta, tạo nguồn sinh lực mới vào trong đoàn thể của chúng ta. Chúng ta thực hiện được cái gì thì tất cả các đơn vị Gia Đình Phật Tử trong và ngoài nước đều được thừa hưởng. Cũng như chích thuốc vậy, chích vào tay hay vào bắp đùi thì thuốc đều thấm vào toàn bộ cơ thể ta. Trong nước, những người trẻ rất thao thức được tổ chức Gia Đình Phật Tử trở lại. Hiện giờ những người trẻ trong nước đang tổ chức lại các đơn vị Gia Đình Phật Tử khắp nơi. Chúng ta phải yểm trợ cho các anh chị em ở trong nước bằng sự tu học của chúng ta. Điều gì chúng ta có thể làm được ngoài này thì chúng ta làm để yểm trợ cho các anh chị em bên nhà. Công việc chúng ta có thể làm là tổ chức lại cho thật đàng hoàng, tạo ra hạnh phúc và hòa điệu trong những đơn vị Gia Đình Phật Tử của chúng ta. Chúng ta cũng có thể phiên tả, in ấn những tài liệu bên này và gởi về nhà để chia sẻ với họ. Vì vậy khóa tu này không chỉ phụng sự cho Gia Đình Phật Tử tại Hoa Kỳ mà còn là để phụng sự cho Gia Đình Phật Tử khắp nơi, trong cũng như ngoài nước.

Vậy thì chúng ta có cơ duyên thực tập được với nhau ba ngày này, chúng ta có nhiều pháp môn để thực tập, chúng ta có nhiều ước muốn và hoài bão muốn được thực hiện, chúng ta sẽ tu tập như thế nào để có được chuyển hóa, có được hạnh phúc và tuệ giác để đem về trao truyền lại và xây dựng cho Gia Đình của chúng ta!