Chỉ và Quán (3)

Đi không cần đến

Trong ba ngày của khóa tu này chúng ta sẽ có cơ hội thực tập thiền hành với nhau. "Thiền hành" nghĩa là đi những bước chân vững chãi và thảnh thơi. Mỗi bước chân đưa ta trở lại trong giây phút hiện tại mà không đi như bị ma đuổi. Trong quá khứ ta bị ma kéo, bị ma đuổi, ta đi hấp tấp, vụt chạc mà không bước được những bước chân vững chãi, thảnh thơi và an trú trong hiện tại. Thiền hành tức là đi mà không cần đến. Mỗi bước chân đưa ta về trong giây phút hiện tại. Ta sống an lạc, hạnh phúc trong giây phút đó và ta phối hợp hơi thở với bước chân. Khi đi kinh hành, mỗi bước chân là một hơi thở vào hoặc một hơi thở ra, mỗi bước chân đều vững chãi, thảnh thơi. Khi đi thiền hành chúng ta đi mau hơn, mỗi hơi thở là hai hoặc ba bước chân. Bước chân nào cũng vững chãi, thảnh thơi hết. Mỗi bước chân như vậy có tính cách nuôi dưỡng, làm ta vững mạnh hơn. Khi giận mà ta biết cách đi thiền hành thì nội chừng mười phút sau là ta đã bớt giận. Khi ta không giận, không buồn gì hết mà đi thiền hành thì mỗi bước chân đều đem lại thêm chất liệu của vững chãi, thảnh thơi và an lạc.

Tôi rất hạnh phúc khi cầm tay các em thiếu nhi đi thiền hành. Tôi truyền cho em bé sự vững chãi, thảnh thơi và em bé truyền cho tôi sự tươi mát. Hai thầy trò đều được hưởng như nhau. Các anh chị Huynh Trưởng cũng vậy, cầm tay các em Oanh Vũ đi thiền hành quý vị sẽ thấy rất sung sướng. Sự vững chãi của các em chưa bằng mình, nhưng mà các em có rất nhiều sự tươi mát. Hai người có thể truyền cho nhau sự vững chãi và tươi mát. Theo kinh nghiệm của tôi thì một em bé chưa tới chùa lần nào, mà ta nắm tay nó đi thiền hành thì lúc đầu nó kéo ta đi qua bên này, qua bên kia, nhưng ta đi rất vững và nắm tay nó một hồi thì chỉ nội trong năm phút sau nó đi vững chãi được. Điều này rất hay. Thiền hành là một pháp môn rất mầu nhiệm, nếu Gia Đình Phật Tử mà không biết sử dụng thì uổng lắm.

Đã V Đã Tới

Chút nữa chúng ta sẽ đi thiền hành theo bài kệ này:

Đã về, đã tới

Bây giờ, đây

Vững chãi, thnh thơi

Quay về, nương tựa

Nay tôi đã về

Nay tôi đã tới

An trú bây giờ

An trú đây

Vững chãi như núi xanh

Thnh thơi dường như mây trắng

Cửa sinh mở rồi

Trm nhiên bất động

Khi thở vào một hơi thì ta có thể bước hai bước hoặc ba bước và ta nói thầm hai tiếng: "đã về, đã về". Rồi khi thở ra thì ta bước hai hoặc ba bước và nói thầm: "đã tới, đã tới". Đây là thực tập trở về vì chúng ta đã chạy suốt đời rồi, bây giờ đến lúc chúng ta nghe lời Đức Thế Tôn, chúng ta dừng lại để sống sâu sắc với những giây phút của đời sống hàng ngày. Vì vậy khi thở vào ta bước hai bước và ta nói: ‘Đã về, đã về’, khi thở ra ta nói: "Đã tới, đã tới". Về đâu? Tới đâu? Về với giây phút hiện tại, về chốn này (The here and the now"), "Bây giờ và ở đây" vì theo lời Đức Thế Tôn: "Bây giờ và ở đây" là quê hương đích thực của chúng ta.

Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, vì quá khứ đã qua rồi mà tương lai thì chưa tới, chỉ có một giây phút mà trong đó ta có thể tiếp xúc được với sự sống là giây phút hiện tại. Vì vậy cho nên "Đã về, đã tới" tức là đã về với giây phút hiện tại, đã tới với giây phút hiện tại. Khi nào ta muốn bước ba bước thì cũng được vì có nhiều người thấy bước hai bước trong hơi thở vào hơi ngắn thành ra có thể bước ba bước: "Đã về, đã về, đã về", đó là ba bước và "đã tới, đã tới, đã tới" là ba bước nữa. Nhưng mà ba bước hay hai bước là tùy theo sở thích của ta, tùy theo phổi ta muốn mấy bước thì ta cho đúng mấy bước. Trong khi đi thiền hành ta phải cảm thấy hạnh phúc, trở về với quê hương đích thực của mình là bây giờ và ở đây. Rồi ta có thể bước những bước chân thảnh thơi, an lạc với thầy, với bạn. Như vậy mà ta không thấy hạnh phúc thì bao giờ mới có hạnh phúc được nữa? Và ta cứ khổ suốt đời. Cho nên ta dừng lại để sống sâu sắc trong giây phút hiện tại và để thấy được hạnh phúc ta đang có ngay trong giây phút hiện tại, đó là cách thực tập "đã về, đã tới’. Nếu ta làm giỏi thì trong mấy bước chân đó sẽ có Niệm, có Định, có Tuệ và hạnh phúc của ta được phát sinh ra từ Niệm, Định, và Tuệ đó. Niệm là gì? Niệm tức là an trú trong giây phút hiện tại, biết cái gì đang xảy ra, đang bước thì biết rằng ta đang bước. Định tức là không suy nghĩ vẩn vơ tới quá khứ, tương lai, tới những chuyện khác. Ta chỉ tận hưởng cái chuyện đang đi của ta thôi, gọi là Định. Và Tuệ nghĩa là phát hiện ra rằng ta đang sống, ta đang được bước những bước chân thảnh thơi với thầy với bạn. Nếu có ba cái đó thì hạnh phúc tự nhiên tới. Cho nên một bước chân có thể làm ra Niệm, Định và Tuệ. Một người thực tập giỏi chỉ cần đi được một bước chân thôi đã có thể làm ra Niệm, Định và Tuệ. Thầy ta đang đi như vậy, các sư anh, sư chị của ta đang đi như vậy, các bạn ta đang đi như vậy thì ta cũng phải đi được như vậy. Ta phải cảm thấy an lạc và hạnh phúc vô cùng trong khi bước những bước đi như vậy. Còn nếu mà thiếu Niệm, thiếu Định, và thiếu Tuệ thì ta cũng đi như mọi người nhưng mà ta đang đi trong thế giới của thất niệm, của khổ đau; ta không đi trên Tịnh Độ như là những người khác đang đi, rất là uổng. Đó là "đã về, đã tới".

Sau vài phút thực tập như vậy thì ta chuyển sang "bây giờ, ở đây". "Bây giờ, ở đây" tức là ta trở về thời gian bây giờ và không gian ở đây. Đó là địa chỉ của quê hương đích thực của ta, là zip code của quê hương đích thực của ta, là bây giờ và ở đây. Bây giờ nếu mà ta muốn biết địa chỉ của Đức Bổn Sư, của các vị Bồ Tát thì dễ ợt. Địa chỉ của Bụt Thích Ca Mâu Ni là bây giờ và ở đây, đó là địa chỉ chính xác nhất của Đức Bổn Sư. Quý vị có thể gởi email hay fax tới địa chỉ đó, thế nào Đức Bổn Sư cũng nhận được. Và nếu ta muốn gặp Đức Bổn Sư thì đó là chỗ hẹn. Địa chỉ của Bụt và Bồ Tát, cả số nhà, tên đường, tên tỉnh và zip code đều thu gọn trong hai chữ Bây Giờ và Ở Đây, thành ra gởi tới đó thế nào Bụt cũng nhận được. Nếu ta muốn gặp Bụt, muốn gặp các vị Bồ Tát, muốn đối diện với sự sống thì ta phải trở về địa chỉ đó: The Here and The Now.

Quê hương đích thực

"Bây giờ, ở đây" không phải là những câu nói suông. Khi ta bước bước chân đó là ta trở về quê hương đích thực. "Bây giờ, bây giờ, ở đây, ở đây." Trong những bước như vậy ta phải trở về, đem thân và tâm trở về Bây Giờ và Ở Đây. Sau khi thực tập Bây Giờ và Ở Đây rồi thì ta thực tập Vững Chãi, Thảnh Thơi. Đó là hai cái đức tính của Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn luôn luôn sống vững chãi và sống thảnh thơi.

Vững chãi nghĩa là không bị những phiền não, tham giận, thèm khát, ngu muội, kiêu căng kéo sang bên này, kéo sang bên kia. Ngài an trú như một đỉnh núi. Bởi vậy cho nên đức Vững Chãi tiếng Hán Việt gọi là Bất Động, ‘Diệu trạm tổng trì bất động tôn’. Và khi đi ta phải làm sao cho cái niệm Vững Chãi trong người ta lớn lên để ta gần Đức Thế Tôn. Thảnh Thơi tức là ta không bị ràng buộc. Ta là một con người tự do, ta không bị lo âu, sợ hãi, thèm khát, căm thù trói buộc. Ta không để quá khứ hay tương lai kéo ta đi. Ta là con người tự do, giải thoát, thảnh thơi. Thảnh thơi là một đức tính rất quý của Đức Thế Tôn. Và ta phải buông bỏ hết mới có thể bước được những bước rất mầu nhiệm, rất vững chãi, rất thảnh thơi như Đức Thế Tôn đã bước. Là học trò của ngài thì ta phải tập đi như ngài, phải tập thở như ngài, chứ còn ta chỉ tôn sùng, chỉ lạy ngài không thì không đủ. Lạy ngài có nghĩa là con muốn làm theo ngài, đi theo ngài, mà muốn đi theo ngài thì phải học ngồi như ngài, học nói như ngài, học đi như ngài, học thở như ngài thì mới gọi là đi theo ngài được chứ!

Rồi chúng ta thực tập ‘quay về, quay về, nương tựa, nương tựa’. ‘Quay về, nương tựa’ tức là suốt đời con nguyện quay về nương tựa nơi Đức Thế Tôn, con xin hướng về nẻo đó. Sau khi đã thực tập "quay về nương tựa", ta trở về lại "đã về, đã tới". Chúng ta sẽ đi cho đến khi nào ta thật sự đã về, đã tới, không còn chạy nữa. Đi như thế nào mà như đang đi trong cõi Tịnh Độ. Tịnh Độ không ở đâu xa, vì địa chỉ của Bụt và Bồ Tát là bây giờ và ở đây. Ta trở về bây giờ và ở đây là ta đang đi vào Tịnh Độ. Khi đi, quý vị nên dồn tất cả chánh niệm xuống hai bàn chân. Đi cho thật vững và cảm thấy được rằng hai bàn chân ta đang tiếp xúc với mặt đất mầu nhiệm. Đây là đất đạo tràng Thanh Sơn, và nếu quý vị có chánh niệm vững chãi thì quý vị sẽ có hạnh phúc như đi trên cõi Cực Lạc vậy. Cực Lạc là đây. Tịnh Độ là đây. Đừng nghĩ Tịnh Độ ở một cõi khác. Trong khi quý vị đi, Tịnh Độ ở ngay trong tâm mình. Nếu tâm ta vững chãi, thảnh thơi, ta an trú bây giờ và ở đây, thì đó tức là Tịnh Độ. Mỗi bước chân đi với sự thảnh thơi, vững chãi thì tự nhiên đất dưới chân ta là đất của Tịnh Độ.

Trong khi đi ta không nói chuyện vì nếu nói chuyện thì làm sao mà về, mà tới được. Các thầy, các sư cô sẽ đi thiền hành với quý vị. Chúng ta đi như thế nào mà biến đất của Đạo Tràng Thanh Sơn thành ra đất của Tịnh Độ. Chuyện này chúng ta có thể làm được nếu quý vị biết dừng lại. Dừng lại để cảm nhận hạnh phúc thật lớn như Đức Thế Tôn dạy: ‘hiện pháp lạc trú’.

Ta đi cho có hạnh phúc. Và có hạnh phúc hay không thì quý vị tự biết lấy. Còn đi mà như đi trên than hồng, ta không an trú được trong hiện tại thì ta đi không thành công. Thỉnh thoảng trong khi đi mà có tiếng chuông, ta dừng lại ngắm trời, ngắm mây, ngắm cây, ngắm người thân thương và mỉm cười. Có mấy người được cơ hội có được cái hạnh phúc này, được tham dự vào khóa tu, được tiếp xúc với Bụt, Pháp và Tăng? Bất cứ sự tiếp xúc nào cũng mang lại hạnh phúc cho ta để nuôi dưỡng bản thân.

Nếu quí vị có một con đường để đi thiền hành phía sau nhà thì càng quý. Nếu may mắn xung quanh nhà mình có khoảng đất trống thì ta nên tìm một con đường đi thiền hành để cho cha mẹ và các con đi thiền hành mỗi ngày năm phút hoặc mười phút như chúng ta đã đi sáng nay. Bước những bước vững chãi và thảnh thơi. Đi thiền hành có hiệu quả rất lớn mỗi khi trong người bực tức, mệt mỏi, giận hờn. Và một lợi điểm nữa là khi đi thiền hành, hít thở được bầu không khí trong mát ở bên ngoài.

Mỗi sáng phải nhớ quán tưởng

Đối với các bạn Huynh Trưởng và các thiện tri thức đã lớn tuổi, trên 55 chẳng hạn – ở bên Pháp tuổi 55 là tuổi được về hưu – thì Đức Thế Tôn có dạy là mỗi buổi sáng thức dậy chúng ta phải nhớ quán tưởng: "Tôi thế nào cũng phải già; tôi thế nào cũng không tránh thoát cái già được". Chuyện này mấy người trẻ cũng phải thực tập nhưng họ không tin lắm. Ngày xưa khi đang còn trẻ tôi không tin rằng tôi sẽ già, ai ngờ bây giờ đã trên 70 tuổi rồi. Đức Thế Tôn dạy rằng dầu ta còn trẻ tuổi, sáng dậy ta cũng phải thở vào thở ra để nhận diện cái sự thật đó: "Tôi thế nào rồi cũng phi g nua, tôi không th nào tránh thoát được sự g nua".

Điều thứ hai là: "Tôi thế nào cũng phi chết, tôi không thể nào tránh thoát được cái chết". Đó là Đức Thế Tôn dạy cho chúng ta đối diện với cái chết bằng tất cả sự quả cảm của chính mình. Chúng ta ai cũng đã thấy, đã từng thấy có một người chết nằm trên giường, cứng như một khúc gỗ, dầu chúng ta có làm cách gì đi nữa thì không thể giúp cho người đó sống lại được, có phải như vậy không? Một ngày kia sẽ có một lúc ta nằm trên giường và ta biết rằng ta sẽ chết trong vòng một hoặc hai ngày, lúc đó ta có muốn đứng dậy để bước những bước vững chãi thảnh thơi thì ta cũng không thể nào ngồi dậy được. Ta biết rằng hết rồi, dầu có muốn đứng dậy để đi thiền hành với thầy với bạn cũng không đứng dậy được. Cái giờ phút đó là giờ phút mà tất cả chúng ta không ai tránh được.

Bây giờ chúng ta đang có cơ hội đi thiền hành với thầy, đi thiền hành với bạn mà chúng ta không hưởng được những bước chân thảnh thơi và an lạc thì đó là một sự thiệt thòi rất lớn. Vào giờ phút đó, chúng ta mới nói: "Thầy đã dạy rồi, thầy đã chỉ rồi tại sao mình không làm" thì đã trễ. Người học trò giỏi là người học trò có thể thấy được cái ý của thầy và đem áp dụng những điều thầy dạy vào trong sự sống hàng ngày của mình. Nếu quý vị còn hai chân khỏe có thể chạy được, có thể đi được, có thể dẫm lên mặt đất để tạo ra sự vững chãi, sự thảnh thơi và sự an lạc mà không làm, đợi đến lúc nằm trên giường hấp hối, muốn đứng dậy để đi một bước thôi cũng không thể được nữa. Ngày hôm nay chúng ta có thể đi được bao nhiêu bước, chúng ta muốn bước năm bước thì chúng ta đi được năm bước, nếu chúng ta muốn bước mười bước thì chúng ta được đi mười bước, đó là cái cơ hội quý báu. Tôi xin nhắc điều này cho tất cả mọi người, không phải chỉ những người trên 55 tuổi, để rồi sau này đừng nói rằng trong đời tôi không ai nhắc tôi làm chuyện đó cả.

Năm lời quán nguyện

Ở trong thời của Đức Thế Tôn có một phương pháp ăn cơm gọi là "nhất tọa thực". Nhất tọa thực tức là khi ngồi xuống rồi thì ta không đứng dậy nữa cho tới khi ăn xong. "Nhất tọa" tức là "one sitting". Ngày xưa, sau khi mà Đức Thế Tôn và tăng đoàn đi khất thực rồi thì thầy trò vào trong một khu rừng, ngồi xuống, đặt bát trước mặt mình, và ngồi ăn rất thanh tịnh, có sự vững chãi, sự thảnh thơi, an lạc, hạnh phúc trong suốt thời gian ăn. Và từ ngày đó cho đến bây giờ tăng đoàn luôn luôn ăn theo phương pháp đó.

Trước khi ăn ta có năm lời quán nguyện gọi là "ngũ quán", tức là nhìn sâu vào thức ăn. Thứ nhất là: "Thức ăn này tặng phẩm của đất trời công phu lao tác". Ta phải thấy được điều đó. Thứ nhì: "Xin nguyện sống xứng đáng để thọ nhận thức ăn này". Thứ ba là: "Xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu, nhất tật ăn uống không chừng mực". Tức là ta có khuynh hướng ăn nhiều hơn là số lượng ta cần ăn. Thứ tư là: "Chỉ xin ăn những thức tác dụng nuôi dưỡng ngăn ngừa tật bệnh". Thức ăn vặt (không có chất bổ dưỡng) thì ta không ăn. Thứ năm là: "Vì muốn thành tựu con đường hiểu thương nên thọ nhận thức ăn này". Đó là ngũ quán.

Một người sẽ đọc lên năm lời quán nguyện đó để chúng ta nghe. Và trong khi ăn thì chúng ta ăn thật chú tâm. Ta ngưng hết mọi suy nghĩ và chỉ chú tâm đến hai điều thôi, như trong lời khai thị mà vị duy na hay chủ tọa nói: "Bụt dạy ta khi ăn nên duy trì chánh niệm, để ý tới thức ăn tăng thân bao quanh đừng để tâm suy nghĩ vẩn tới chuyện quá khứ tương lai. Đại chúng nghe tiếng chuông xin nhất tâm thực tập năm quán". Rồi sẽ có người đọc năm quán đó, sau đó ta bắt đầu ăn. Ăn như thế nào mà trong suốt thời gian ăn, tâm của chúng ta chỉ để vào hai chuyện thôi: thứ nhất là thức ăn và thứ hai là tăng thân bao quanh. Tại vì được ăn cơm đã là hạnh phúc, mà lại được ăn cơm với thầy, ăn cơm với anh, với chị, với em là cái hạnh phúc rất lớn.

Giả sử bây giờ quý vị nghe báo tin là Đức Thế Tôn đã xuất hiện trên núi Thứu và quý vị có thể tới ngồi ăn một buổi cơm trên núi Thứu với Đức Thế Tôn thì quý vị có muốn mua vé máy bay để về ăn cơm với Đức Thế Tôn không? Chắc là muốn rồi. Vậy mà khi đến núi Thứu rồi, cầm dĩa cơm ngồi ăn thì ta không ngồi im lặng được. Ta có thể ngồi im lặng và thừa hưởng những giây phút được ngồi bên Đức Thế Tôn hay không? "Hôm nay thầy về đây, chúng con xin kính chào thầy". Thầy đây là Đức Thế Tôn. "Trong giờ phút vui này," chúng con có an trú được không? Chúng con có hạnh phúc được không? Chúng con có ngồi ăn cơm với Đức Thế Tôn đàng hoàng được không? Hay là ngồi đó mà cứ nghĩ: "Làm sao bây giờ có được người nào chụp cái hình mình đang ăn cơm với Đức Thế Tôn để về mình khoe cho vui. Cái máy hình hồi nãy để đâu rồi?" Ngồi ăn cơm mà không để ý tới ăn cơm mà cũng không để ý tới Đức Thế Tôn, mà cứ để ý đến cái hình đem về San Diego để khoe cho vui thôi. Đó là một ví dụ để ta thấy là ta không có khả năng an trú trong hiện tại. Vì vậy cho nên ngồi ăn cơm là một thực tập rất quan trọng.

Ăn n thế nào để hạnh phúc mặt

Khi gắp lên một miếng đậu que hay một miếng đậu hũ thì ta phải nhìn nó một chút xíu. Nhìn để thấy được đây là đậu que hay là đậu hũ, và nhận diện nó. Nếu tâm ta có định và có niệm thì ta nhìn ra nó là miếng đậu que hay là miếng đậu hũ rất dễ. Nhưng khi tâm ta đang lo lắng chuyện này, chuyện kia thì ta gắp lên miếng đậu que mà cũng không biết nó là đậu que nữa, rồi ta bỏ nó vào trong miệng mà không biết là đã bỏ cái gì vào trong miệng. Mà nếu nó không rõ ràng là vì tâm ta đang bận về quá khứ, bận về tương lai, bận về những cái lo lắng và suy nghĩ. Phương pháp thực tập ở Làng Mai là khi tâm ta như vậy thì nên gọi tên nó lên: ‘đậu que’ hay ‘đậu hũ’, gọi như là ta gọi tên của người yêu vậy đó thì tự nhiên miếng đậu que đó sẽ xuất hiện một cách rất rõ ràng cho mình. Và khi ta thấy đó là đậu que chắc chắn rồi thì ta mới bỏ vô miệng. Khi bỏ vô miệng thì chỉ nên bỏ đậu que thôi, đừng bỏ những cái suy nghĩ, lo lắng, buồn phiền vào tại vì ăn mấy chất đó không bổ, chỉ có ăn đậu que mới có chất bổ thôi. Và khi mà bỏ đậu que vào rồi thì ta nhai và chỉ nhai đậu que thôi chứ đừng nhai những cái lo lắng, sợ hãi, buồn phiền của mình. Bí quyết của sự thực tập là ở chỗ đó. Vì vậy cho nên đối tượng cho chánh niệm của ta lúc đó là thức ăn. Ở trong các tu viện Thiên Chúa giáo thì không làm như vậy. Họ muốn cho người ta đừng để ý tới thức ăn trong khi ăn. Vì vậy trong khi mọi người đang ăn thì có một ông cha đứng đó đọc về đời sống của một vị thánh để cho ta để tâm ý vào câu chuyện đó chứ không để ý tới thức ăn. Trong đạo Bụt thì dặn ta ăn cái gì phải biết là ta đang ăn cái đó. Nếu đó là thứ độc hại thì ta biết đó là thức độc và ta không ăn. Nếu đó là thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh thì ta ăn và khi ăn phải thấy ngon mới được. Chứ còn ăn mà lo lắng, suy nghĩ, giận hờn thì đâu có ngon lành gì. Vì vậy cho nên niệm và định làm cho buổi ăn có phẩm chất và ta ăn rất ngon. Ta nên nhai chậm và kỹ vì có thầy, có bạn ngồi với ta cùng ăn, đó là một giây phút rất quý báu. Đối tượng của niệm và định lúc ta ăn là thức ăn và tăng thân. Tăng thân tức là đoàn thể tu học của ta. Ta có Phật thân, có Pháp thân và cũng có Tăng thân nữa. Tăng thân ta và tất cả mọi người trong Tăng thân đều là thân thể của ta hết, thân thể của đoàn thể tu học của ta. Cho nên thầy trò Bụt ngày xưa ngồi ăn rất chậm rãi, thỉnh thoảng lại ngừng ăn nhìn nhau và mỉm cười. Hạnh phúc là ở chỗ đó. Nhìn nhau mỉm cười, biết rằng ta đang có nhau, ta đang sống những giây phút hạnh phúc. Và trong các giờ phút khác cũng vậy. Như vậy trong ba ngày chúng ta sẽ sống rất trọn vẹn, có mặt thật sự cho nhau và cho chính bản thân của mình. Ăn theo phương pháp này thì chúng ta có thể ăn trong nửa giờ hoặc bốn chục phút. Ăn như thế nào để nơi chúng ta ngồi ăn cơm trở thành Tịnh Độ, trở thành Phật Độ. Cũng như khi đi, nếu chúng ta đi với sự giận dữ, ưu phiền, thù hận thì mặt đất của chúng ta đang đi là địa ngục. Mà khi ta đi với sự thương yêu, với sự thảnh thơi, với sự giải thoát thì mặt đất ta đang đi đó là Tịnh Độ chứ còn là gì nữa? Vì vậy cho nên khi ăn cơm với nhau chúng ta phải ăn như thế nào để hạnh phúc có mặt và miếng đất ta ngồi với nhau là Tịnh Độ hiện tiền bây giờ và ở đây. Ăn cơm ngon không phải là chỉ nhờ cơm thôi mà còn nhờ ở chánh niệm. Nhờ chánh niệm cho nên ta biết rằng ta đang có mặt với những người thương của ta, những người cùng lý tưởng của ta cũng đang có mặt.