Chỉ và Quán (1)

Thiền gì?

Thiền không phải là ngồi lim dim để quên hết chuyện đời. Thiền tức là thực tập ngưng lại. Ngưng lại để có thể nhìn rõ. Khi chúng ta còn chạy, còn hấp tấp thì chúng ta không thể nào nhìn rõ được. Ví dụ như chúng ta muốn nhìn một ngôi sao qua kính viễn vọng. Muốn nhìn một ngôi sao thì trước hết chúng ta phải ngồi xuống hoặc đứng một chỗ và tay cầm ống kính không được run. Mắt ta cũng như tay ta phải hướng về ngôi sao đó và chúng ta phải có sự ngưng lại hoàn toàn của thân thể thì mới có thể định hướng được ngôi sao đó ở chỗ nào. Tay không run thì ngôi sao đó mới hiện rõ ra ở trong cái viễn kính của chúng ta. Đây là thiền chỉ. Thiền chỉ tức là làm ngưng lại, ngưng thân và ngưng tâm lại, và khi ngưng lại như vậy thì ta có định. Khi đã có định thì chúng ta mới bắt đầu quan sát và thấy được sâu sắc đối tượng quan sát của chúng ta là ngôi sao. Đối với hoàn cảnh của chúng ta cũng vậy. Hoàn cảnh của chúng ta là một ngôi sao, là một đối tượng của sự thiền tập, hoàn cảnh của những khổ đau, những khó khăn. Chúng ta phải có cơ hội thực tập dừng lại, thực tập thiền chỉ. Chỉ nghĩa là ngưng lại. Ngưng lại thì chúng ta mới có cơ hội quán chiếu.

Đức Thế Tôn khuyên ta hãy dừng lại. Khi dừng lại và an trú được trong phút giây hiện tại thì tự nhiên ta sẽ khám phá ra ta có rất nhiều điều kiện hạnh phúc đang có mặt và ta có hạnh phúc liền lập tức. Hai mắt sáng là một điều kiện căn bản của hạnh phúc. Trái tim của ta đang hoạt động bình thường là một điều kiện của hạnh phúc.

Ta đã dừng lại t lâu rồi

Hồi xưa, có một anh chàng tên là Ương Quật Ma (Angulimala). Anh ta là một anh chàng theo băng đảng du côn và có sức mạnh giết người rất ghê gớm. Anh ta đã giết gần 100 người. Một hôm anh ta vào thành phố, cảnh sát và quân đội đều lo sợ. Lúc đó Đức Thế Tôn đang đi khất thực ở thành Xá Vệ, ngài thấy nhà nào cũng đóng cửa giống như một thành phố chết. Có một nhà mở cửa, mời Đức Thế Tôn vào và nói: "Đức Thế Tôn không nên đi khất thực bữa nay, tại vì tên sát nhân Angulimala đã xuất hiện trong thành phố. Nó rất hung hăng, gặp ai nó cũng giết. Xin Đức Thế Tôn đừng đi khất thực hôm nay, chúng con xin cúng dường ngài." Đức Thế Tôn nói: "Ta cứ đi và ta có thể giúp được Angulimala". Đức Thế Tôn bước ra đường và tiếp tục đi khất thực. Trong khi ngài đi thiền hành bình thản, chậm rãi, thực tập hiện pháp lạc trú thì ngài nghe tiếng chân của một người chạy theo. Ngài nghĩ đây có lẽ là Angulimala nhưng ngài vẫn bình thản đi từng bước chân thảnh thơi. Chúng ta biết rằng trước khi xuất gia, Siddhatta rất giỏi về võ nghệ nên tuy đang ôm bình bát, không có binh khí trong tay nhưng Đức Thế Tôn rất tin ở khả năng tự vệ của ngài, cho nên ngài rất bình tĩnh đi từng bước. Angulimala rất lấy làm ngạc nhiên, vì mọi người khi thấy anh ta đều sợ quýnh lên như sợ cọp vậy. Nhưng ông thầy tu này, ông không có vẻ gì là sợ hãi cả, vẫn đi từng bước thảnh thơi như là chỗ không người. Anh ta kêu lên: "Ông thầy tu dừng lại!" Nhưng Đức Thế Tôn cứ tiếp tục đi không sợ hãi, mà cũng không dừng lại. Anh ta chạy theo và bắt kịp, đi ngang hàng với Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đi bên mặt, Angulimala đi bên trái và nói: "Ông thầy tu, tại sao tôi bảo ông dừng lại mà ông không dừng lại?" Đức Thế Tôn vẫn tiếp tục bước và nói rằng: "Này Angulimala, ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có anh là không chịu dừng lại thôi." Ngài chỉ nói có một câu và anh chàng hoảng hồn ngay lập tức, chưa bao giờ có ai nói với anh ta như vậy, và nói với một phong độ rất vô úy, rất ung dung: "Này Angulimala, (tại sao ông ta biết tên mình?) ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có anh là không chịu dừng lại thôi." Nghe câu nói đó, anh ta xúc động. Mà không chỉ vì câu nói đó, dáng dấp và phong độ của Đức Thế Tôn đã làm cho anh chàng bị thuyết phục và ngỡ ngàng. Anh ta mới trả lời: "Ông đang đi như vậy mà ông nói là ông đã dừng lại hả?" Đức Thế Tôn nói: "Trên con đường tạo tác khổ đau, tội lỗi cho mình và cho mọi người chung quanh, ta đã dừng lại từ lâu rồi, từ bao nhiêu kiếp rồi. Nhưng Angulimala, anh vẫn chưa chịu dừng lại, đây là lúc anh nên dừng lại." Nghe câu nói đó, anh ta rúng động. Anh ta khóc òa lên, liệng thanh đao xuống đất và nói: "Nhưng mà trễ rồi, làm sao tôi dừng được nữa?" Sự thật là vậy, muốn dừng lại thì cũng bị bắt vào tù và xử án như thường, tại vì mình đã giết người. Trong lúc Angulimala khóc rống lên, bứt tóc bứt tai như vậy thì Đức Thế Tôn nói: "Nếu anh muốn thực sự dừng lại, ta sẽ giúp anh." Bằng đức độ và tuệ giác của ngài, Đức Thế Tôn đã hàng phục được Angulimala. Ngài cho Angulimala được cạo tóc và xuất gia ngay tại chỗ rồi dẫn về tu viện.

Thông điệp của sự dừng lại

Thời gian đầu xuất gia, Angulimala chỉ ở trong tu viện để được huấn luyện, các thầy khác đi khất thực và chia sẻ phần thức ăn với anh ta. Angulimala đã thực tập rất giỏi trong thời gian này tại vì đây là vấn đề sống chết của thầy. Sau đó Angulimala được đi theo Đức Thế Tôn vào thành Xá Vệ để khất thực. Đoàn khất thực của Đức Thế Tôn có chừng 30 thầy. Khi Đức Thế Tôn bước vào nội thành thì gặp vua Ba Tư Nặc. Vua Ba Tư Nặc đang đích thân chỉ huy quân đội lùng bắt Angulimala. Đức Thế Tôn hỏi: "Hôm nay có chuyện gì mà Đại Vương phải điều động binh mã như vậy?" Vua Ba Tư Nặc đáp: "Tên Angulimala xuất hiện trong thành phố, vì sự an toàn của người dân nên trẫm phải thân chinh lùng bắt Angulimala". Đức Thế Tôn hỏi: "Một mình Angulimala mà Đại Vương phải điều động đến chừng này quân đội sao?" Vua Ba Tư Nặc đáp: "Angulimala rất lợi hại, tại Đức Thế Tôn không biết đó thôi." Đức Thế Tôn nói: "Giả sử Angulimala cải tà quy chánh, và phát nguyện từ đây về sau sẽ không tạo tác tội ác nữa, dừng lại hoàn toàn và thực tập con đường của người hiền lương thì bệ hạ có tha cho y được không?" Vua Ba Tư Nặc vốn là bạn và cũng là đệ tử của Đức Thế Tôn mới trả lời rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, nếu Đức Thế Tôn cải hóa được Angulimala, và Angulimala chịu sống đời hiền lương thì trẫm sẵn sàng tha tội cho y." Đức Thế Tôn lại hỏi tiếp: "Nếu Angulimala xuất gia trở thành một vị khất sĩ đạo hạnh thì đại vương có cho phép Angulimala đi khất thực trong thành này không?" Vua Ba Tư Nặc đáp: "Có chứ, nếu Angulimala trở thành một vị khất sĩ thực tập giới luật, uy nghi như tất cả các vị khất sĩ khác thì trẫm sẽ cho phép Angulimala được khất thực trong vương quốc và trẫm sẽ cúng dường thực phẩm, y áo cho Angulimala.”

Sau khi vua Ba Tư Nặc nói như vậy, Đức Thế Tôn quay lại chỉ vào một vị khất sĩ và nói: "Đại vương, đây là Angulimala, và cũng là đại đức Abihimsa. Abihimsa nghĩa là bất bạo động". Vua Ba Tư Nặc tiến lại phía đại đức Abihimsa và hỏi: "Bạch đại đức, đại đức xuất thân từ dòng họ nào và tôi có thể cúng dường y áo và thực phẩm cho đại đức không?" Đại đức Abihimsa chắp tay đáp: "Tâu đại vương, tôi đã có đủ ba y và mỗi ngày đi khất thực đủ ăn. Xin cảm ơn Đại vương đã chiếu cố." Sau khi vua gặp Angulimala như là một vị khất sĩ thì bãi binh rồi lạy Đức Thế Tôn ba lạy và nói rằng: "Lạ quá, Đức Thế Tôn, những điều mà quân đội và cảnh sát làm trong bao lâu nay vẫn không bắt được Angulimala, mà Đức Thế Tôn đã cải hóa được người ấy trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Quả thật ngài là bậc thầy của thiên và nhân.”

Câu chuyện này đã xảy ra trong lịch sử Phật giáo. Và nó cũng là thông điệp của sự dừng lại. Nếu chúng ta còn rong ruổi, còn tiếp tục gây khổ đau cho chúng ta và cho những người chung quanh thì đây là lúc chúng ta dừng lại. Dừng lại để học nghệ thuật sống an lạc trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta không phải Angulimala, người đã tạo ra rất nhiều tội ác. Chúng ta không tạo ra những tội lỗi như vậy, nhưng chúng ta không được hướng dẫn để sống an lạc hạnh phúc và thảnh thơi để chúng ta có thể cung cấp những chất liệu này cho những người thân yêu của chúng ta. Dừng lại là phương pháp thực tập của chúng ta.

Niệm, định là thiền chỉ

Khi tham dự các khóa tu là chúng ta thực tập thiền chỉ. Đó là cơ hội để chúng ta ngưng lại những sự lăng xăng, những sự chạy đua để có thể ngồi yên. Trong khi ngồi, khi đi lại cũng như khi ăn cơm hay rửa bát, chúng ta phải ở tư thế chánh niệm và chánh định. Chánh niệm và chánh định tức là thiền chỉ. Nếu chúng ta không nói chuyện, không cười giỡn không phải là chúng ta bị cấm nói chuyện hay cấm cười giỡn mà tại vì chúng ta thật sự muốn ngưng lại, muốn lắng lòng lại để có cơ hội nhìn sâu vào những đối tượng mà ta muốn quán chiếu. Và khi đã biết đi được từng bước vững chãi, nắm lấy hơi thở, rửa bát trong chánh niệm, cắm lều trong chánh niệm thì tâm của chúng ta mới lắng lại. Mục đích của chỉ là làm cho lắng lại, làm cho tụ lại, (to calm down, to be concentrated), đó là mục đích của thiền chỉ. Làm cho lắng dịu lại, làm cho an tịnh lại, làm cho chuyên nhất lại, cái đó gọi là thiền chỉ. Mà nếu ta không thực tập được phần thiền chỉ thì ta không thể thực tập được phần thứ hai tức là thiền quán.