Ái ngữ và Đế thính (3)

Đánh mất đứa con đánh mất đất nước

Giáo pháp của Bụt được trình bày một cách cụ thể và vi diệu như thế. Nếu cặp vợ chồng đó thực tập thành công, thì tại sao ta không thành công được? Tại sao ta phải chờ đợi? Pháp môn lắng nghe và ái ngữ có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi, dù ta còn trẻ hay đã lớn tuổi, người nào cũng có thể thực tập thành công được. Ái ngữ nghĩa là nói với những lời từ hòa. Trong khi nói, nếu ta thấy có sự bực bội nổi lên thì ta ngưng nói ngay, vì nếu ta tiếp tục nói thì lời nói của ta sẽ trở nên cộc cằn, chua chát và gây thêm sự đổ vỡ. Ta lập tức trở về với hơi thở, làm cho thân tâm lắng dịu trở lại rồi nói: "Em xin lỗi. Anh cho phép em được tiếp tục sự chia sẻ vào một hôm khác. Em cảm thấy không được khỏe lắm." Rồi ta trở về thực tập chăm sóc thân tâm, chăm sóc những cảm thọ của ta cho đến khi nào ta thấy ta có thể nói hết tất cả những điều trong lòng mình ra và có thể nói bằng giọng không trách móc, không giận hờn, không tự ái. Cái đó gọi là ái ngữ.

Ái ngữ không có nghĩa là không được quyền nói ra sự thật, nhưng phải học nói sự thật như thế nào để người kia có thể chấp nhận được. Phương pháp lắng nghe và sử dụng ái ngữ không phải chỉ thực tập trong phạm vi vợ chồng mà cũng được áp dụng trong các liên hệ cha con, mẹ con hay anh, chị, em. Nếu sự truyền thông giữa cha với con, giữa mẹ với con bị bế tắc, thì quý vị cũng có thể thực tập theo phương pháp này. Là người cha, người mẹ, quý vị có nhiều kinh nghiệm hơn con quý vị. Tôi đề nghị là quý vị nên bắt đầu thực tập từ phía quý vị trước. Nếu quý vị đợi cho con của quý vị làm trước thì không biết bao giờ nó chịu làm. Cho nên với tư cách người cha, quý vị phải thực tập trước, quý vị nói như thế này: "Con ơi! hình như cha con mình không có hạnh phúc lắm. Nhìn lại, cha thấy cha đã vụng về, đã không thấy được những khó khăn, những đau khổ của con. Cha đã nhiều lần rầy la, mắng nhiếc con. Cha đã đối xử không có từ hòa với con và đã làm cho con khổ. Cha rất hối hận. Cha muốn bắt đầu làm mới trở lại. Xin con cho cha một cơ hội." Quý vị hãy làm thử đi. Quý vị hãy vì thầy, vì các vị tổ sư, vì Đức Thế Tôn, vì ông bà tổ tiên mà làm thử đi. Bởi vì nếu quý vị đánh mất đứa con của quý vị, thì quý vị sẽ không còn có tương lai nữa. Quý vị nói là quý vị yêu nước, yêu dân nhưng mà quý vị không yêu con được thì làm sao đất nước, dân tộc có tương lai? Cho nên sự thực tập của ông, của bà là làm thế nào chinh phục được lại đứa con của ông, của bà thì đất nước mới có tương lai, quý vị mới có tương lai. Bởi vì con của quý vị là sự tiếp nối của quý vị. Đó là bổn phận của ông, của bà. Đó là hành động yêu nước lớn lao nhất mà ông, bà có thể làm, chứ không phải ký một bản tuyên cáo yêu nước mới gọi là yêu nước đâu. Quý vị hãy ngồi lại với con của mình để thiết lập truyền thông trở lại. Thực tập như thế nào để tái lập sự truyền thông, sự hòa điệu và hạnh phúc giữa cha con, mẹ con, thì đó mới đích thực là hành động yêu nước sâu sắc. 

Còn nếu ta là một người trẻ, là người con, ta có vấn đề với cha, với mẹ ta, thì ta biết rằng mình phải đích thân bắt đầu sự thực tập. Ta có thể nói: "Ba mẹ ơi! Con là đứa con dại dột, bất hiếu nên đã nhiều lần làm cho ba mẹ lo lắng và buồn khổ. Tại con không hiểu được ba mẹ, ba mẹ cũng có những khổ đau, những bất đắc chí mà con không thấy được. Con chỉ biết đòi hỏi, chỉ biết trách móc và hờn giận ba mẹ thôi, chứ không biết tìm cách để hiểu ba mẹ đang có những khổ đau, khó khăn nào. Vì thế con đã gây ra nhiều lỗi lầm, vụng dại trong quá khứ. Xin ba mẹ cho con một cơ hội để bắt đầu trở lại. Xin ba mẹ nói cho con nghe những điều đau khổ, buồn bực của ba mẹ đối với con để con học hỏi mà tránh lập lại những lỗi lầm, vụng dại đó. Con biết con là sự tiếp nối của ba mẹ. Con chỉ muốn trở thành một con người tốt, hữu ích cho xã hội. Con xin ba mẹ, con xin ba mẹ giúp con!" Nếu ta nói được như vậy thì tim của ba, của mẹ sẽ mở ra, vì tình thương vẫn còn ở trong trái tim của cha mẹ. Dầu trong quá khứ cha hay mẹ ta có nói: "Mày không phải là con tao, tao từ mày, tao không muốn có gì dính líu tới mày hết. Mày đi đâu thì đi cho khuất mắt tao." Dù có nói như vậy, nhưng trong đáy lòng của cha mẹ lúc nào cũng có tình thương của một người cha, người mẹ đối với con. Cha mẹ nào mà không thương con, không muốn cho con nên người! Cho nên là người khôn ngoan, ta không nên mới nghe một vài câu nói như vậy của cha hoặc mẹ thì vội kết luận hoặc lên án rằng cha mẹ không thương mình, không tình nghĩa gì đối với mình cả. Đó là nhận thức sai lầm mà ta thường mắc phải. Sự thật là khi giận, người ta hay nói những lời như vậy để hả cơn giận mà thôi, chứ đừng nghe vài câu nói như vậy thì vội nghĩ là hết tình hết nghĩa. Cha mẹ ta cũng là con người, cũng có những lỡ lầm, vụng dại và ta cũng vậy. Thấy được như vậy, ta sẽ thông cảm cho cha mẹ ta nhiều hơn. Nếu ta bị tai nạn gì đưa tới sự thiệt mạng hoặc bị thương nặng, thì cha ta, mẹ ta sẽ than khóc suốt ngày suốt đêm. Cho nên đừng có dại dột đi tìm giải pháp tự tử hoặc phá hoại, làm tình làm tội thân thể của mình bằng những phương tiện như la cà trong các quán rượu, cờ bạc hay sử dụng ma túy. Ta không nên trừng phạt cha mẹ, gia đình ta bằng cách ấy. Tội nghiệp cho cha, cho mẹ, tội nghiệp cho dòng họ của ta.

Nếu quý vị làm được chuyện đó, thì Bụt, Tổ và tôi sẽ rất hãnh diện, rất hạnh phúc và rất được nuôi dưỡng. Tình thầy trò có được khi ta thật sự tiếp nhận và thực tập những điều thầy dạy. Chúng ta tới chùa không phải để thầy an ủi hoặc ban phát cho chút đỉnh tình cảm mà tới chùa là phải có một mục đích cao cả hơn sự an ủi vỗ về tầm thường. Được thầy chào hỏi, được thầy sờ đầu, được thầy ngồi nói chuyện v.v…, điều đó không quan trọng. Quan trọng là học cho được nơi thầy những pháp tu học cụ thể để thực tập chuyển hóa những khó khăn, khổ đau, tiếp xúc được với niềm vui, hạnh phúc trong đời sống hàng ngày. Nếu muốn là học trò dễ thương của thầy, là học trò đích thực của thầy thì ta phải hết lòng thực tập cho được những điều thầy đã trao truyền. Như vậy thầy trò mới xứng đáng là đệ tử của Bụt. Thành ra xin quý vị khi về nhà, hãy quyết tâm thực tập để tái lập lại được sự liên hệ với con mình, với cha mẹ mình hoặc với vợ hay chồng. Nếu quý vị thực tập thành công, thì xin viết thư cho tôi hay để tôi mừng. Mỗi khi tôi nhận được những tin vui như thế từ các thiền sinh, từ các đệ tử, tôi rất lấy làm hãnh diện và hạnh phúc. Đời sống mà không có tình thương thì trở thành khô khan vô nghĩa. Thương yêu không phải là sự thèm khát dục vọng như ta đã học, thương yêu là sự ao ước muốn đem lại an lạc, hạnh phúc và tự do cho chính mình và cho những người mình thương. Và muốn thương được thành công thì ta phải tập thương theo tinh thần của Bốn Tâm Vô Lượng, đó là từ, bi, hỷ, xả và phải biết khéo léo sử dụng hai yếu tố căn bản của sự thực tập: lắng nghe sâu và sử dụng ngôn từ hòa ái.