Chỉ và Quán (2)

Thiền quán

Quán tức là nhìn sâu (looking deeply) vào đối tượng để thấy được bản chất của đối tượng. Chúng ta tới với nhau trong khóa tu này để ngưng lại, để làm lắng dịu thân tâm và cùng đưa mắt nhìn về một đối tượng. Đối tượng đó là Gia Đình Phật Tử. Chúng ta có những khó khăn nào, chúng ta có những khổ đau nào, có những mục đích nào, có những ước muốn nào, chúng ta phải thấy cho rõ vì khi chúng ta chưa thấy được thì chúng ta vẫn chưa tìm ra được con đường. Vì vậy chỉ và quán là hai pháp môn thực tập giúp cho chúng ta thấy được bản chất của vấn đề và mở ra cho chúng ta một con đường để chúng ta có thể ra khỏi tình trạng khó khăn và bế tắc.

Chỉ và quán giúp cho chúng ta có những phương pháp để thực hiện được những điều ta mong mỏi và ước mơ. Đó là sự chữa trị, nuôi dưỡng bản thân của ta, bản thân người Huynh Trưởng và sự chữa trị, nuôi dưỡng đứa em của ta mà gia đình huyết thống của em đã giao phó cho ta. Nếu ta không biết cách chữa trị và nuôi dưỡng ta bằng những chất liệu tốt lành và đẹp đẽ của nền đạo lý tốt lành mà ta tôn thờ thì làm thế nào ta có thể nuôi dưỡng và trị liệu cho em bé? Nuôi dưỡng và trị liệu cho em là hành động yêu nước, hành động độ chúng sanh rất cao cả. Đó là sứ mạng của một vị Bồ Tát. Người Huynh Trưởng nam hay nữ có thể là một vị Bồ Tát. Chúng ta không nên bằng lòng với những danh từ, với những hình thức, chúng ta chỉ bằng lòng khi chúng ta thực sự có những chất liệu yêu thương ấy.

quyết của sự thực tập hiểu thương

Con đường của chúng ta là con đường hiểu và thương. " muốn thc tập con đường hiểu thương nên thọ nhận thức ăn này." Đó là câu quán nguyện cuối cùng trong sự thực tập quán chiếu trước khi ăn. Hiểu tức là Trí tuệ. Thương tức là Từ bi. Chúng ta chỉ cần thực tập hai điều đó. Nếu muốn hiểu thì chúng ta phải lắng lòng lại, tĩnh tâm lại mà nghe và nhận xét thì chúng ta mới hiểu được. Còn nếu chúng ta nổi nóng lên và mất đi sự bình tĩnh thì chúng ta không thể nào hiểu được. Cho nên phương pháp thực tập thiền chỉ, theo dõi hơi thở, bước chân, ăn cơm trong im lặng, làm việc trong im lặng là để tĩnh thân và tĩnh tâm trở lại. Đây là phương pháp mà người xuất gia cũng như người tại gia đều có thể thực tập trong đời sống hàng ngày. Có tĩnh, có lặng thì mới có định. Có định thì mới có tuệ, mới có thể hiểu được. Và khi mà hiểu được rồi thì ta không còn trách móc hay buồn giận nữa. Người kia có thể nói ra một câu ác độc, người kia có thể có những hành động có vẻ kỳ thị, ác độc với ta, nhưng ta hiểu được và do đó thương được người kia. Người kia có thể đang ở dưới một ảnh hưởng xấu, bị lôi kéo hay được tiếp nhận những nhận thức không đúng với sự thật nên họ có tri giác sai lầm và đã lên án, nói xấu, mắng chửi hay kỳ thị ta… Khi hiểu được như vậy thì ta không còn giận người đó nữa mà ta chấp nhận và tiếp tục thương họ được.

Thành ra cái hiểu chắc chắn đưa tới cái thương. Khi hiểu rồi thì ta thương được luôn cả những người khó thương. Những người dễ thương thì ta đâu cần phải cố gắng. Dễ thương thì ta thương thôi, và đó đâu phải là sự thực tập. Sư cô Bích Nghiêm đã sáng tác một bài nhạc rất đơn giản bằng tiếng Huế. Bài đó là bài nhạc đầu tiên của sư cô làm để tặng thầy của mình. Bài nhạc như sau: "Người ơi sao người dễ thương rứa? Ai người cũng thương như nhau. Dầu dễ thương hay không dễ thương, thì người cũng cứ thương thôi. Đẹp quá, đẹp quá đi người ơi, là con đường con nguyện noi theo." Vậy thì lỡ Thầy có rầy, Thầy có la mắng, Thầy có trách ta thì có thể là vì Thầy chưa hiểu ta, Thầy chưa thấy được những đau khổ và những khó khăn của ta. Bổn phận ta là phải lắng nghe để tìm phương cách, mà một trong những phương cách đó là sử dụng ái ngữ để giúp Thầy hiểu được mình. Đừng phản ứng bằng sự giận hờn và trách móc. Nếu Giáo Hội chưa hiểu thì chúng ta cũng phải hành động như vậy. Và kết quả trước hết là tâm ta khỏe khoắn vì trong tâm ta không còn sự giận hờn. Ta có khỏe rồi thì ta mới giúp người kia khỏe được. Do đó nên con đường hiểu và thương rất hay.

Con đường hiểu và thương không có nghĩa là đòi hỏi người khác hiểu mình, đòi hỏi người khác thương mình. Ở đời ai mà không muốn đòi hỏi hai cái đó? Hai cái đó là quý nhất rồi. Nhưng ta vô chùa đâu phải là để đòi hỏi, vô chùa là để tập hiểu và tập thương. Vấn đề người kia có hiểu ta hay có thương ta không là một chuyện, vấn đề thực tập của ta là ta phải hiểu và thương được người kia. Thành ra đừng có than phiền rằng: "Không ai hiểu tôi hết! Không ai thương tôi hết! Tôi bơ vơ một mình, tôi khổ lắm!" Điều đó ở ngoài đời thì ai cũng có thể than như vậy hết. Nhưng vào chùa, vào Gia Đình Phật Tử là ta thực tập điều ngược lại. Tôi không đòi hỏi ai hiểu và thương tôi tại vì tôi quyết tâm thực tập để có thể hiểu được người khác và để có thể thương được người khác. Ta quan niệm con đường hiểu và thương là như vậy. Nhưng mà lạ lắm! Đến khi ta hiểu được, tha thứ được, thương được rồi thì người kia có hạnh phúc và ta cũng được tiếp nhận năng lượng hạnh phúc đó rất mau. Giống như khi đài truyền hình gởi tín hiệu lên trên vệ tinh thì những tín hiệu đó được gởi trả về trái đất rất nhanh. Những chương trình tivi ta coi thường thường được gởi lên trên vệ tinh nhân tạo rồi vệ tinh nhân tạo gởi xuống lại trái đất liền lập tức, và ta có thể được coi gần như là đồng thời với chỗ đang phát chương trình ra. Sự thực tập hiểu và thương cũng đem lại kết quả như vậy. Giây phút mà ta bắt đầu hiểu và thương rồi thì người ta nhẹ ra, dễ chịu và tươi mát. Người kia được hưởng, người kia nở nụ cười, người kia có hạnh phúc thì tự nhiên niềm hạnh phúc đó cũng trở về cho ta hưởng. Thành ra ta không đòi hỏi được hiểu, được thương, ta chỉ cần hiểu và thương thôi thì sau đó ta sẽ được hiểu và được thương. Đó là bí quyết của sự thực tập.

Hạnh phúc không phải vấn đề nhân

Trong khi thực tập ta thấy rõ ràng hạnh phúc hay khổ đau đều không phải là vấn đề cá nhân. Trong một liên hệ như liên hệ cha con, nếu cha mà đau khổ thì làm sao con có hạnh phúc được? Nếu con mà đau khổ thì cha cũng không thể có hạnh phúc. Trong liên hệ vợ chồng, nếu người chồng đau khổ thì làm sao người vợ có được hạnh phúc? Vì vậy nên làm cho người kia hết đau khổ tức là làm cho ta hết đau khổ; làm cho người kia hạnh phúc tức là làm cho ta được hạnh phúc. Nếu anh Huynh Trưởng làm cho em Oanh Vũ hay em thiếu niên của anh mỉm cười được thì anh Huynh Trưởng sẽ có hạnh phúc liền lập tức. Khi em bé nhoẻn miệng cười thì ta thấy như có hoa nở trong trái tim ta. Làm cho cha ta nở được nụ cười thì tự nhiên ta cảm thấy có hạnh phúc. Làm cho người bạn hôn phối của ta mặt rạng rỡ ra, hai mắt long lanh thì tự nhiên ta có hạnh phúc. Cho nên hạnh phúc không có thể đi tìm với tính cách cá nhân được. Nếu người kia không có hạnh phúc thì đố mà ta có hạnh phúc. Chúng ta phải cộng tác với nhau. Khi ta làm hạnh phúc cho người thương của ta thì tự nhiên ta có hạnh phúc, còn đeo đuổi theo một cái gọi là hạnh phúc cá nhân, tin rằng ta có thể đi tìm hạnh phúc cá nhân được thì đó là một ảo tưởng vô cùng sai lầm. Quý vị thử quán chiếu coi. Hạnh phúc cá nhân do ta đi tìm riêng cho mình, bỏ người kia lại, "ông ăn chả thì bà ăn nem", cái đó là một ảo tưởng không bao giờ có thể có thật được. Tại vì chúng ta là những người đã từng đau khổ. Chúng ta biết rằng đau khổ này có thể là do chúng ta tạo tác ra vì thất niệm, vì vô minh, vì nóng giận, v.v…Và khi ta làm cho người kia đau khổ thì ta tự làm đau khổ mình. Nếu có sự tan vỡ trong người kia thì đồng thời cũng có sự tan vỡ nơi ta. Khi giận, ta nói một câu nặng xúc phạm đến người kia, làm tan vỡ trong người kia thì tự nhiên ta thấy sự tan vỡ đó cũng xảy ra trong trái tim ta, có phải không? Cho nên lo cho sự an vui của người kia chính là lo cho sự an vui của ta. Rất rõ ràng. Điều này trong đạo Bụt gọi là tương tức (Interbeing).

Đức Thế Tôn dạy: "Cái này có vì cái kia có. Cái này không vì cái kia không". Cái này như thế này tại vì cái kia như thế kia. Nếu cái này không như thế này thì cái kia đâu có như thế kia. Ta có bài hát: "Bởi tôi sanh sự nên sự tình mới sanh. Nếu không sanh sự, sự nào có sanh" cũng cùng ý đó. Trong đạo Bụt có những câu nói rất đơn sơ nhưng thấm thía. Ở các tôn giáo khác, người ta đặt câu hỏi: ‘Từ đâu có vũ trụ, ai tạo ra?’ Rồi phải cắt nghĩa như thế này, như thế kia. Còn hỏi Đức Thế Tôn thì Ngài nói: "Đơn giản lắm! Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không. Cái này như thế này thì cái kia mới như thế kia." Đó là trong kinh Trung A Hàm. Rất đơn sơ mà vô cùng sâu sắc! Đó là vũ trụ quan của Phật giáo. Vũ trụ quan của Phật giáo cắt nghĩa thế giới này hình thành do vạn vật tương quan tương duyên mà làm nên chứ không do một đấng thần linh nào làm ra hết. Cũng như tay mặt và tay trái. Tay mặt do tay trái làm ra, tay trái do tay mặt làm ra. Tay mặt và tay trái có đồng thời. Ta không thể nào nói tay trái có trước hay tay mặt có trước hoặc ta chỉ muốn có tay trái thôi, ta muốn cắt tay mặt vất đi. Nhưng điều đó không thể có được bởi vì sau khi ta cắt một khúc đi thì chỗ cắt đó trở thành ra tay mặt, tại vì hễ có "trái" là phải có "mặt". Những lời nói của Đức Thế Tôn đơn sơ như vậy mà rất khoa học và thâm sâu.

Tiếng gọi của Bụt

Khi thỉnh chuông ta để tay trái lên trên dùi chuông, rồi tay phải để lên trên tay trái. Là người hướng dẫn thì ta phải làm rất vững vàng, các em Thiếu Niên và Oanh Vũ mới có hạnh phúc được. Sau khi hai tay đặt trên dùi chuông thì người thỉnh chuông bắt đầu thở ba hơi vào ra theo bài kệ: "Ba nghiệp lắng thanh tịnh, gởi lòng theo tiếng chuông, nguyện người nghe tỉnh thức, vượt thoát nẻo đau buồn." Sau khi đã thở như vậy, tâm ta được tĩnh lặng và ta có đủ tư cách để thỉnh chuông. Trước hết ta phải thức chuông để tránh làm cho đại chúng giật mình. Thức chuông tức là nhắp một tiếng chuông. Khi nghe tiếng thức chuông, mọi người biết rằng sẽ có một tiếng chuông thực thụ vang lên. Phải chờ ít nhất một hơi thở vào sau khi thức chuông, rồi mới thỉnh chuông.

Tiếng chuông là tiếng gọi của Đức Thế Tôn, khi nghe một tiếng thức chuông thì ta biết rằng Đức Thế Tôn sắp gọi, ta phải chuẩn bị thân tâm cho thật sẵn sàng để đón chào Đức Thế Tôn. Ta nên để dùi chuông thật thẳng, và thỉnh như thế nào để tiếng chuông đừng chát chúa. Thỉnh xong, ta đem dùi chuông về vị trí cũ, và đặt hai bàn tay lên dùi chuông. Ta thở theo bài kệ: "Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười". Thực tập như vậy trong ba hơi thở thì chúng ta bắt đầu thực tập với tiếng chuông thứ hai, thứ ba. Khi đã thực tập được ba tiếng chuông thì trong con người ta đã có đổi thay, tâm ta êm dịu lại và ta có thể mỉm cười được.

Tiếng còi của Huynh Trưởng phải biến thành tiếng chuông Chánh Niệm. Khi nghe tiếng còi dài, tất cả đoàn sinh đều trở về với hơi thở, ai đứng đâu thì phải đứng yên ngay chỗ đó để thực tập thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười. Khi nghe ba tiếng còi thì thở vào thở ra chín hơi thở. Nếu thời gian ít thì chúng ta dùng một tiếng còi thôi. Khi nghe "tíc, tíc, tíc" nghĩa là tiếng còi ngắn thì ta bắt đầu đi thiền hành tới chỗ tập họp, với những bước đi thảnh thơi và vững chãi như những người con của Đức Thế Tôn, chứ không phải đi như bị ma đuổi.

Hình thức hiện thời của Gia Đình Phật Tử đã có rồi, ta có thể đưa những thay đổi nho nhỏ vào trong đại hội. Thay đổi những hình thức để đưa vào chất liệu của nội dung. Ví dụ như tiếng còi: tiếng còi vẫn còn là tiếng còi nhưng khi thực tập trở về với hơi thở khi nghe còi thì có phải là ta đưa vào nội dung tốt không? Khi ta thổi còi, mọi người đi thiền hành về chỗ hẹn. Và nếu thổi nhanh (‘tic tic, tic tic, tic tic’) là chạy thì chúng ta vẫn có thể chạy trong chánh niệm. Tại Làng Mai, các thầy và các sư cô đi thiền hành buổi sáng mùa đông đều có chạy hết. Đó là chạy bộ trong chánh niệm hay thiền chạy.

quyết của ngồi là buông thư

Tư thế ngồi là một trong những tư thế đẹp nhất của con người. Khi ngồi, đầu ta cùng một đường thẳng với lưng nhưng không cứng ngắc mà rất buông thư. Đức Thế Tôn ngồi như vậy dưới cây Bồ Đề đêm này sang đêm khác, ngày này sang ngày khác. Tuy rằng ngồi rất thẳng nhưng mà tất cả những bắp thịt trong con người ngài buông thư và miệng ngài mỉm cười. Nếu quý vị ngồi theo phương pháp đó thì không đau cổ, đau lưng, nhức đầu. Còn nếu quý vị tranh đấu, ráng gồng mình để mà ngồi thì chỉ nội trong mươi, mười lăm phút sau là quý vị bắt đầu nhức đầu, đau lưng và mỏi cổ.

Bí quyết của ngồi là buông thư. Khi ngồi đầu ta thẳng, trong khi đó xương sống và lưng ta cũng rất thẳng rồi ta buông thư tất cả các cơ bắp. Thở vào thì ta để ý tới một bộ phận của cơ thể, thở ra ta mỉm cười với bộ phận đó của cơ thể. Ví dụ như tôi thở vào và tôi để ý đến cái mặt của tôi. Trên mặt tôi có khoảng 300 bắp thịt. Và mỗi khi tôi lo lắng, giận dữ, ưu phiền thì 300 bắp thịt đó co rúm lại, người khác nhìn vào thấy rất rõ là tôi đang co rúm, "very tense". Nhưng nếu tôi thở vào và có thể ý thức được về cái mặt của tôi và thở ra tôi mỉm cười được với cái mặt của tôi thì sự co rúm đó tự nhiên mất liền lập tức, như là một phép lạ.

"Th vào tôi có ý thc v cái mặt ca tôi, v nhng bắp thịt trên đó", giống như ta dùng năng lượng chánh niệm để ôm lấy cái mặt của ta. "Thở ra tôi mỉm cười với cái mặt của tôi". Ta sẽ thấy có sự an lạc, nhẹ nhàng, buông thư ở trên mặt. Khuôn mặt ta trở nên tươi cười, nhẹ nhàng và trở thành một bông hoa như cũ. Mỗi khuôn mặt chúng ta đều là một bông hoa. Thở như vậy chừng ba bốn hơi với tiếng chuông. "Thở vào, đây mặt tôi, thở ra tôi mỉm cười với cái mặt của tôi". Sau đó ta thở vào và để ý đến hai vai, những bắp thịt ở vai hay bị căng thẳng lắm. Và khi thở ra ta buông thư và mỉm cười với hai vai. Cứ như vậy ta đi từ từ xuống thì độ chừng năm phút sau là ta có thể điều thân được. "Điều thân" tức là ta điều phục cái thân thể của ta, làm cho cái thân thể ta nhẹ nhàng, buông thư. Đó là chuyện ai cũng có thể làm được trong giờ phút đầu của sự ngồi thiền. Và không phải chỉ ngồi ở trong thiền đường ta mới ngồi như vậy. Ngồi ở đâu ta cũng có thể ngồi trong tư thế đẹp như ngồi thiền và ta sẽ cảm thấy vững chãi, thảnh thơi. Ngồi ăn, ngồi học, ta đều ngồi thẳng và rất buông thư. Tôi hay nhắc thị giả của tôi đừng ngồi bằng cái lưng của bà ngoại mà hãy ngồi bằng cái lưng của Bụt, như Bụt.