Ái ngữ và Đế thính (1)

Ta đã nói về việc sử dụng ái ngữ và lắng nghe sâu, như giới thứ tư, để thiết lập lại truyền thông. Chúng ta sẽ học tiếp về phương pháp lắng nghe và phương pháp sử dụng ngôn từ hòa ái. Chúng ta phải nắm cho thật vững hai phương pháp này và quyết tâm thực tập cho thành công. Thực tập được thành công thì hạnh phúc và tình thương yêu sẽ tăng tiến rất nhiều.

Lắng nghe với tâm từ bi

Lắng nghe là hạnh của đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Mục đích của sự lắng nghe là để giúp người kia bớt khổ. Khi người kia bớt khổ thì ta cũng bớt khổ. Khi ta đang lâm vào tình trạng bế tắc, khổ đau và tuyệt vọng, nếu không có ai có mặt đó để lắng nghe và hiểu ta, thì nỗi khổ của ta khó có thể thuyên giảm được. Cho nên khi có một người nào đó đang khổ, ta nên cống hiến sự có mặt của ta cho người đó và tập lắng nghe sâu để giúp người đó bớt khổ, chỉ cần lắng nghe thôi, không phán xét, không phản ứng, không đánh giá đúng sai, v.v… Làm được như vậy thì người đó sẽ bớt khổ rất nhiều, và khi người đó bớt khổ rồi thì người đó cũng sẽ có thể lắng nghe lại ta. Hành xử như vậy tức là ta đang hành xử với tư cách người đệ tử của đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Ta gọi ngài là đức Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế Âm vì ngài có khả năng lắng nghe rất sâu, lắng nghe với tâm từ bi. Quán Thế Âm nghĩa là lắng nghe tiếng kêu thương của cuộc đời. Quán tức là quán sát, là lắng nghe. Thế Âm là tiếng kêu thương của cuộc đời. Trong người kia có những nỗi khổ niềm đau mà người kia chưa bao giờ có cơ hội bộc lộ ra được; hoặc nếu người kia muốn bộc lộ cũng không ai có khả năng lắng nghe. Muốn giúp người kia ta phải nắm vững pháp môn lắng nghe sâu của đức Bồ Tát Quán Thế Âm, bởi vì nếu khả năng lắng nghe của ta còn yếu thì ta khó tiếp nhận được những lời người kia nói. Ta hiểu rằng trong lòng người kia chất chứa quá nhiều những nỗi khổ niềm đau, những tri giác sai lầm nên khi nói ra, những nỗi khổ niềm đau đó được biểu hiện trong lời nói và lời nói trở nên chua chát, nặng nề, đầy dẫy những sai lầm, bất công, đầy dẫy những sự lên án buộc tội và trách móc. Do đó lắng nghe được người đó để giúp người đó vơi bớt khổ đau là sự thực tập rất khó. Nếu không phải là một vị Bồ Tát có tràn đầy tình thương yêu và lòng kiên nhẫn thì ta không thể làm được, không thể lắng nghe được dễ dàng. Tuy nhiên, có những người, vì khả năng lắng nghe còn yếu, nên họ chỉ có thể ngồi nghe năm phút là đã bị tràn ngập và càng nghe thêm họ càng mất hết sự can đảm, lòng kiên nhẫn và bỏ cuộc giữa chừng. Vì vậy, là đệ tử của đức Quán Thế Âm, ngày đêm niệm danh hiệu của ngài, biết tu tập, thì ta phải học cho được phần nào nghệ thuật và khả năng lắng nghe sâu, lắng nghe với tâm từ bi của ngài.

Đây là một pháp môn thực tập rất quan trọng ở tu viện Làng Mai. Có khi ta ngồi lắng nghe người kia cả giờ đồng hồ và trong khi nghe, ta chỉ làm một việc thôi: đó là theo dõi hơi thở. Trong khi nghe như thế, ta có thể nghe toàn những lời buộc tội, những điều phê phán, những điều chỉ trích, trách móc nặng nề, những lời mang đầy những tri giác sai lầm của người kia. Tuy biết rằng những lời lên án, buộc tội và trách móc đều phát xuất trên căn bản của tri giác sai lầm, nhưng ta vẫn ngồi nghe thật chăm chú, bình thản, duy trì sự tươi mát, miệng luôn mỉm nụ cười thương yêu, chỉ lắng nghe với tất cả trái tim của mình. Nếu không có một ít năng lượng từ bi trong trái tim thì ta không thể ngồi lắng nghe được. Không có năng lượng của thương yêu, thì chỉ cần sau năm phút lắng nghe là ta đã bắt đầu phản ứng, phán xét, bắt đầu đùng đùng nổi giận và có khuynh hướng muốn trả lời lại, muốn phân minh đúng sai hoặc có thể lớn tiếng với người kia. Mỗi người trong chúng ta đều đã đi qua kinh nghiệm này. Ta có đầy thiện chí, ta muốn lắng nghe người đó để giúp người đó lấy đi những tri giác sai lầm về cuộc đời, về ta, ta muốn giúp người đó bớt khổ, nhưng vì khả năng lắng nghe của ta còn yếu kém nên chỉ cần nghe được năm phút là ta muốn nổi điên. Vì vậy ta phải tập luyện để có thể lắng nghe được thành công như đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Phương pháp thực tập là trong khi lắng nghe, ta phải luôn luôn theo dõi hơi thở và nuôi dưỡng ý niệm rằng lắng nghe như vậy không phải để chỉ trích, để phê phán. Lắng nghe như vậy chỉ với một mục đích duy nhất là cho người kia một cơ hội để nói ra, để bộc lộ những điều sầu khổ, đau buồn của người kia. Đó gọi là lắng nghe với tâm từ bi – bi thính. Lắng nghe vì từ bi, vì muốn giúp cho người kia bớt khổ chứ không vì mục đích gì khác. Cho nên khi người kia nói những điều rất sai với sự thật, nói với giọng chua chát, đầy dẫy sự trách móc, giận hờn, lên án, buộc tội hoặc thô bạo, thì ta vẫn giữ được sự tươi mát và điềm tĩnh. Cái làm cho ta giữ được sự tươi mát như một đóa hoa là lòng từ bi, rất mầu nhiệm. Không có từ bi thì ta trở thành trái bom nổ hay là núi phun lửa liền. Khi có từ bi trong trái tim thì dù người kia có nói gì đi nữa thì ta cũng vẫn tươi như một đóa hoa. Mầu nhiệm như vậy! Sở dĩ đức Quán Thế Âm làm được như vậy là vì ngài có từ bi trong trái tim. Người kia nói lời không dễ thương, nói những lời mang nhiều tính chất chê trách, chua chát, bất công, đầy tri giác sai lầm, v.v… nhưng ngài vẫn lắng nghe chăm chú để hiểu, ngài vẫn cười nụ cười tràn đầy tình thương yêu. Tại sao ngài làm được như thế? Đó là vì ngài có chất liệu đại từ đại bi.

Tình thương đích thực

Nhưng đâu phải chỉ có ngài mới có tình thương lớn, chúng ta ai cũng có tình thương lớn như ngài. Chúng ta không có mặc cảm gì cả. Người nào có tình thương trong trái tim thì người đó có hạnh phúc. Còn người nào mà chất liệu từ bi không được phát triển và nuôi dưỡng thì người đó không có hạnh phúc. Cho nên tu theo lời Bụt dạy, thì ta phải làm thế nào để cho chất liệu từ bi luôn luôn ứa ra trong trái tim mình; như khi đào giếng: ban đầu đào thì mặt đất khô cằn, gặp toàn đá, sỏi, nhưng nếu cứ tiếp tục đào thì một lúc nào đó ta sẽ chạm vào mạch nước và nước ngọt sẽ tuôn lên. Sự thực tập của ta cũng vậy. Ta phải tin rằng trong tâm ta có nguồn suối của tình thương. Nhưng vì nguồn suối ấy chưa được chạm tới, chưa được khơi dậy nên tình thương chưa trào lên mà thôi.

Trước hết ta phải nhìn và thấy rằng người kia là hiện thân của sự khổ đau. Nét mặt, cách nhìn, cử chỉ, bước chân, lời nói của người kia biểu lộ vùng năng lượng khổ đau ấy. Khi đã thấy được rằng người kia là cả một khối khổ đau thì người kia cần sự thương yêu và tha thứ chứ không cần sự trừng phạt. Khi ta bị người đó làm cho đau khổ, ta luôn luôn có khuynh hướng muốn nói hoặc làm điều gì đó để trừng phạt người đó cho bõ ghét. Kỳ thực người đó rất cần tình thương của ta. Nhưng nếu ta không có tình thương thì làm sao ta có thể hiến tặng tình thương cho người đó? Muốn thương trước hết ta phải tập chế tác chất liệu tình thương và ta phải chế tác tình thương bằng chất liệu của hiểu biết. Nghĩa là khi người kia đang khổ và người kia không biết làm cách nào để bớt khổ, cũng chưa có ai có thể giúp người đó vơi đi những nỗi khổ niềm đau, thì ta là người có thể đến để có mặt cho người đó, giúp cho người đó bớt khổ. Đó là hành động, là bản nguyện của một vị Bồ Tát.

Ta có thể là con gái, con trai, hoặc vợ hay chồng của người đó, ta thấy người đó đang khổ cực kỳ, đang ở trong trạng thái bế tắc, tuyệt vọng nên bây giờ ta nguyện trở thành vị Bồ Tát để có mặt cho người đó, giúp người đó bớt khổ. Chí nguyện cao đẹp ấy hay gọi là tâm thương yêu ấy phải được thực hiện bằng sự thực tập hàng ngày. Trước hết ta phải thấy rằng, phải nhớ rằng người đó là một người đang có nhiều đau khổ. Ta phải thực tập để có thể thương được người đó mà không đòi hỏi một điều kiện nào. Thương có nghĩa là không trách móc, không trừng phạt, không giận hờn, không đặt điều kiện. Nhưng phải có lòng thương thật sự mới có thể làm được việc đó. Lòng thương phát sinh ra từ nhận thức đơn giản rằng người kia đang khổ, đang cần được thương, được lắng nghe chứ không cần sự trừng phạt. Vì vậy ta tìm tới với người kia, ngồi xuống bên cạnh và nói với người kia như thế này: "Anh nói đi, anh nói cho em nghe đi. Em biết là trong anh có rất nhiều khổ đau và em chịu trách nhiệm ít nhiều về những nỗi khổ niềm đau đó của anh. Em biết em đã không chánh niệm, đã vụng dại gây ra cho anh những đau khổ, những điều bất như ý. Em rất hối hận và em không muốn lặp lại những lỗi lầm ấy nữa, em muốn đi một con đường mới đầy sự bao dung và thương yêu hơn. Nhưng nếu anh không giúp em thì em sẽ không làm được chuyện này. Xin anh giúp em. Xin anh nói cho em nghe những nỗi khổ niềm đau trong lòng anh để em có thể hiểu được anh, vì khi đã hiểu được anh rồi, thì em mới thương được anh đúng cách." Khi ta có thể nói được với người kia bằng thứ ngôn ngữ từ ái, đầy tính cách xây dựng như thế thì trái tim người kia sẽ có thể mở ra. Trong nhiều năm qua, có thể người kia đã đóng chặt trái tim lại vì thấy rằng sự truyền thông giữa người đó với ta hoàn toàn bế tắc. Cả hai bên đều không truyền thông được với nhau, không có sự thông cảm và trái tim của hai người hoàn toàn bị đóng chặt. Cho nên là người đã biết thực tập, ta phải mở trái tim của ta ra trước. Sở dĩ ta mở lòng ra được là nhờ ta thấy được người kia đang đau khổ. Nếu ta không giúp người kia thì ai trên thế gian này có thể giúp người kia được? Khi thấy được như vậy thì suối nguồn thương yêu trong ta tuôn trào và ta hiện thân thành một vị Bồ Tát để giúp người kia bớt khổ. Khi trái tim đã mở ra thì ta có thể nói được những lời thương yêu, tha thứ, đầy chân tình. Ta nói rằng ta đã vụng về trong quá khứ, ta đã dại dột, đã gây ra nhiều lỗi lầm trong quá khứ. Ta xin người đó tha thứ cho những lầm lỗi, vụng dại ấy và ta muốn thật sự làm mới. Ta thành khẩn xin người kia giúp ta. Nói với cách đó tức là nói với lòng chân thành mà chỉ có tình thương và sự giác ngộ mới khiến cho ta nói lên được những câu như vậy thôi. Nếu chưa có giác ngộ, chưa có tình thương thì ta không có khả năng nói được những câu chân tình như vậy. Khi ta nói được những câu đầy chân tình như thế rồi thì trái tim của người kia chắc chắn sẽ mở ra. Chìa khóa để mở trái tim của người kia là sự chân tình của ta, là tình thương đích thực của ta. Nhiều khi ta có cảm tưởng người kia là một cái gì khó có thể mở cửa ra được, không có chìa khóa nào có thể mở cửa trái tim của người đó được. Kỳ thực có một cái chìa khóa có thể mở được cửa trái tim người kia, đó là sự thức tỉnh của ta, sự giác ngộ và tình thương yêu của ta. Khi ta nói được những lời hòa ái, đầy sự chân tình như vậy thì trái tim của người kia sẽ mở ra và người kia bắt đầu nói cho ta nghe những đau khổ, những bực tức trong lòng. Ta ngồi lắng nghe một cách chăm chú, không để cho những tâm hành phán xét, phản ứng chi phối ta. Ta biết trước rằng người kia sẽ nói ra những điều rất bất công, sẽ buộc tội ta một cách không đúng chút nào hết, nhưng ta vẫn lắng nghe, và ta thầm nói: "Tội nghiệp quá! Tội nghiệp quá!" Ta nói tội nghiệp vì người kia nhận thức sai lầm, vì người kia nghĩ oan cho ta mà trái tim ta vẫn mang theo tình thương và lòng từ bi cho người đó. Nếu quý vị ngồi được như vậy nửa giờ hay một giờ mà lắng nghe với tất cả sự chăm chú thì người kia sẽ đỡ khổ nhiều lắm. Sau thời gian nói đó người kia sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ta có thể nói: "Tội nghiệp anh quá, vậy mà em không biết." hay "Tội nghiệp em quá, vậy mà bấy lâu nay anh thật vô tâm, anh không hay biết gì cả. Anh thật đáng trách!", hay "Tội nghiệp ba quá, vậy mà con không biết.", hay "Tội nghiệp con chưa, vậy mà ba chẳng để ý, chẳng hay gì cả." Cũng cùng một ngôn ngữ nhưng ta là người có tu tập, ta được sanh ra trong đời sống tâm linh, ta phải học thở, học nghe, học đi, học cười và học nói trở lại.

Ngôn ngữ của tình thương

Phải học để nói bằng thứ ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ của tình thương, của từ ái, ái ngữ. Phải học nghe bằng trái tim mở rộng, không thành kiến, không phán xét và không phản ứng. Không phải muốn thực tập lắng nghe là ta có thể thực tập được liền đâu. Ta phải tập luyện từ từ. Lần này ta lắng nghe con ta, lần sau ta lắng nghe chị ta, lần sau nữa ta lắng nghe em ta. Ban đầu ta chỉ có khả năng lắng nghe trong một thời gian ngắn thôi. Nhưng càng thực tập, thì khả năng lắng nghe của ta sâu hơn và lâu hơn mà không bị mệt mỏi và cảm thấy tràn ngập. Lúc đó ta sẽ có khả năng lắng nghe những người có những đau khổ lớn lao hơn. Khi làm nhà, người ta phải thiết kế, đào móng, xây nền, tính toán bao nhiêu xi măng, bao nhiêu tấn đá mới xây đủ căn nhà…, họ phải tính toán rất cẩn thận. Sự tu tập của ta cũng phải như vậy. Ta muốn cứu người kia, muốn mở cửa trái tim người kia, muốn thiết lập lại sự truyền thông với người kia, nhưng không phải cứ muốn và làm đại là được. Ta phải rất khéo léo, phải chuẩn bị tinh thần và cách thức trước một tuần, hai tuần, ba tuần hay cả tháng. Ta hành động như một vị kỹ sư mới được. Ta phải nắm lấy phần chắc thì mới thi hành, nếu không thì ta sẽ có thể làm hư, làm nứt rạn thêm. Như khi làm bánh, nếu chỉ biết sơ sơ phương cách làm bánh, thì quý vị sẽ làm bánh không thành hoặc bị cháy. Nhưng bánh bị hư hay bánh bị cháy thì không sao chứ ngôi nhà đang xây nửa chừng mà bị sập thì không được. Cũng vậy, khi ta muốn giúp cho người kia, ta cũng phải thiết kế, chuẩn bị trước, ta phải tập luyện nhiều lần trước mới có thể thành công được. Đó là phương pháp lắng nghe với lòng từ bi – bi thính. Khi ta cầu cứu đức Quán Thế Âm, ta niệm Nam Mô Đức Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế Âm, là ta muốn học lắng nghe được như ngài. Còn nếu một mặt ta niệm danh hiệu đó, một mặt ta nhất định không lắng nghe, thì niệm như vậy đâu có ích lợi gì đâu. Khi ta niệm như vậy có nghĩa là ta lạy Đức Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế Âm và quán tưởng con xin học theo hạnh ngài, tìm cách lắng nghe để làm cho người chung quanh con bớt khổ. Đó là sự thực tập của ta. Và khi thực tập được rồi thì ta dạy cho con ta, cho cháu ta để họ cũng có thể làm được. Đây là một sự thực tập rất quan trọng trong đạo Bụt.

Sự thực tập thứ hai gọi là ái ng. Ái ngữ tức là nói những lời hòa ái. Ban đầu ta rất có thiện chí, ta nói: "Kỳ này mình nói chuyện với người đó thì mình sẽ nói rất là dịu dàng." Ta tự nhủ là ta sẽ không bao giờ cao giọng, sẽ nói hết sức nhẹ nhàng. Ấy vậy mà khi đụng chuyện, ta có thể không làm được. Đó chỉ mới là ý chí của ta thôi, chưa chắc ta làm được, vì vậy ta phải tập luyện từ từ. Sở dĩ ta làm chưa được là vì ta đang có những nỗi niềm đau khổ trong lòng. Nếu ta không thực tập chánh niệm và học cách ôm ấp những niềm đau nỗi khổ đó thì mỗi khi ta nói, dù với tất cả thiện chí của ta, thì năng lượng của sự bực bội, khổ đau đó cũng tuôn ra theo lời nói. Câu nói đầu, câu thứ hai, câu thứ ba có thể là dịu dàng, nhưng đến câu thứ tư mà đụng nhằm hạt giống hờn dỗi khổ đau trong ta thì giọng nói của ta cũng bắt đầu thay đổi: trở nên cau có, khó chịu, trách móc và cộc cằn hơn vì những lời nói ấy bị chi phối bởi những hạt giống hờn dỗi, bực tức và khổ đau trong ta. Lời nói ấy phản chiếu cái rung động của sự bực tức trong lòng và ta biết ngay là mình thất bại. Vậy thì khi bắt đầu hé thấy sự bực tức đi lên thì ta lập tức ngưng lại sự nói năng và ta nên nói như vầy: "Ba xin lỗi con, bữa nay ba hơi mệt, kỳ sau ba sẽ nói tiếp. Con đi chơi đi." Đừng có tiếp tục. Đừng có cố gắng. Khi thấy mình đang bực bội thì điều quan trọng là đừng nói thêm điều gì cả dù điều ấy mình thấy là đúng, là cần phải nói. Ta biết đạo lực của ta lúc đó đang kém nên ta không thể tiếp tục được. Ta cần phải thực tập đi thiền hành thêm, phải ngồi thiền thêm, phải niệm Bụt và tụng kinh thêm. Và ta thực tập đến khi nào ta thấy khả năng lắng nghe và sử dụng lời hòa ái của ta tăng trưởng thì lúc đó ta mới nói chuyện với con ta trở lại. Ta tìm tới với con ta và nói: " Này con, hôm trước ba mới nói tới đó nhưng ba hơi mệt thành ra bữa nay cha con mình có thể ngồi chơi với nhau thêm được không?" Ta đưa con ta ra ngoài gốc cây và hai cha con nói chuyện tiếp. Lần này ta có thể làm hay hơn. Không phải ta không có quyền nói ra những nỗi khổ niềm đau trong lòng. Ta có quyền và có bổn phận phải nói cho con ta nghe, cho cha ta nghe hay cho người bạn hôn phối của ta nghe. Ta phải nói ra, không được dấu diếm điều gì cả, nhưng với điều kiện là phải sử dụng ngôn ngữ hòa ái trong khi nói, nói như thế nào để người kia có thể nghe, chấp nhận dễ dàng, nói như thế nào để người kia hiểu được mình. Đó gọi là ái ngữ. Nếu trước khi nói mà biết rằng ta chưa đủ khả năng sử dụng ngôn từ hòa ái thì ta chưa nên nói.

Khi viết thư ta hội nhìn lại

Có một phương pháp rất mầu nhiệm gọi là phương pháp viết thư. Nhiều khi ta nói chưa được khéo nhưng ta có thể viết thư khéo léo hơn. Tại vì sau khi viết xong lá thư thì ta có cơ hội đọc lại. Nếu ta thấy lá thư còn có sự chua chát, buộc tội, cay đắng, trách móc thì ta biết rằng lá thư này chưa dùng được. Ta sửa chữa hoặc viết lại lá thư khác. Khi đọc lại và thấy lá thư này lời lẽ đủ từ ái, ngọt ngào thì ta mới xếp thư lại, bỏ vào phong bì và trao cho người đó. Viết thư cũng là một hình thức nói nhưng lợi điểm ở chỗ lời lẽ trong thư thường được trình bày khéo léo, suôn sẻ và đầy đủ; còn người kia có cơ hội ngồi đọc lá thư một mình và chiêm nghiệm lá thư trọn vẹn hơn.

Đôi khi ta ở chung trong một căn nhà nhưng ta cũng có thể viết thư cho nhau như thường. Và tôi xin đề nghị quý vị đừng đợi đến khi có vấn đề mới viết thư. Ta có những niềm vui nào, những hạnh phúc nào, ta thấy người kia có những cái gì hay, cái gì đẹp, cái ân tình gì thì ta viết vào trong lá thư và gửi cho người ấy để người ấy được nuôi dưỡng. Đó là cách tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc nơi người đó. Sáng hôm nay chồng mình nói được với con một câu rất dễ thương, ta ghi nhận lại những lời đó rồi tối về viết vào trong thư: "Sáng hôm nay anh nói với con một câu rất là dễ thương, em rất cảm phục anh." Đối với con cái cũng vậy. Thưa quý vị, nếu ngày nào quý vị cũng nuôi dưỡng con cái của quý vị bằng những lời nói dễ thương như vậy thì sự truyền thông giữa quý vị và con cái sẽ rất tốt đẹp và các cháu sẽ không cảm thấy cô đơn để phải đi tìm niềm vui ở nơi khác. Đó là sự thực tập. Chứ không phải tới chùa lạy cho nhiều hay cúng cho thật nhiều chuối, nhiều xôi, thắp cho thật nhiều nhang mà gọi là tu.

Ta phải thực tập cho thật thông minh mới thành công và mới đem lại kết quả tốt. Điều tối kỵ là không nên để cho sự thực tập rơi vào cái bẫy của hình thức. Là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, ta có bổn phận phải nói ra tất cả những gì ở trong lòng mình cho người mình thương rồi khi nói ta phải sử dụng lời nói dịu dàng, hòa ái. Và người ta thương có những đau khổ, những khó khăn, những ước vọng nào ta cũng phải làm sao để giúp người đó nói ra được. Người đó chưa nói ra được thì phận sự của ta chưa xong. Phải khuyến khích, nâng đỡ và khẩn cầu để người đó có thể nói ra cho ta nghe. Người đó sẽ nói nếu thấy ta có khả năng để nghe và có sự tha thiết muốn nghe. Nếu người đó thấy rằng ta chưa có khả năng nghe thì người đó sẽ không nói. Cho nên ta phải tu tập. Ta không nên nói: "Anh đâu có chịu nói cho mình nghe." Điều đó ta không thể trách người kia được, vì ta chưa chứng tỏ được với người đó rằng ta có khả năng nghe nên người đó chưa nói mà thôi. Ta không nên trách móc người đó. Ta phải thực tập thêm để tạo được niềm tin nơi người đó. Và sự thực tập được thể hiện qua hành động và cử chỉ của ta. Không cần nói gì người kia cũng có thể cảm được và người kia phát khởi lòng tin nơi ta. Thưa quý vị, thương được làm bằng chất liệu của hiểu. Nếu không hiểu thì ta không thể thương được. Hiểu và thương được thực tập trên căn bản ái ngữ và lắng nghe. Hai phép thực tập lắng nghe và ái ngữ thuộc về phạm vi của giới thứ tư trong Năm Giới mà người con Bụt cần phải học hỏi và thực tập cho thật sâu sắc trong đời sống hàng ngày.

Bốn cht liu của tình thương đích thực

Thương yêu tức là đem lại hạnh phúc đích thực cho mình và cho người mình thương. Đức Thế Tôn có dạy bốn chất liệu của sự thương yêu đích thực là từ, bi, h xả.

T nghĩa là đem lại, hiến tặng niềm vui cho người ta thương. Làm sao cho bố ta, mẹ ta, em ta và người ta thương có hạnh phúc mỗi ngày. Mà muốn cho người đó có hạnh phúc thì trước tiên ta phải hiểu người đó, biết người đó cần cái gì, không cần cái gì chứ thương không phải là ép người ta theo cách của mình. Thương mà ép buộc người đó theo quan điểm, theo ước muốn của ta tức là đàn áp, là độc tài. Đó không phải tình thương đích thực. Đó là tình thương chiếm hữu. Ta phải thương như thế nào để người thương của ta được tự do, nghĩa là ta phải hiểu, phải biết người ta thương muốn cái gì, cần cái gì và không cần cái gì. Cho nên cái hiểu là bản chất của cái thương. Có hiểu ba thì ta mới thương ba được, có hiểu mẹ thì ta mới thương mẹ được, có hiểu con, thấy được những khó khăn của con thì ta mới thương con được. Hiểu con, thương con được thì mới cho con niềm vui đích thực. Nếu không cho người kia chút niềm vui nào hết, ngày nào người kia cũng khổ, cũng khóc hết thì ta đâu có thật sự thương theo tinh thần của từ. Cố nhiên cha mẹ nào mà không thương con, muốn con nên người, con cái nào mà không thương cha mẹ v.v… Nhưng tại sao càng thương ta lại càng làm khổ nhau? Lời nói thương yêu của ta có thể rất rỗng không. Ngày nào ta cũng thốt ra chữ thương, nhưng tại sao người kia ngày nào cũng khổ, ngày nào cũng khóc hết. Vì vậy ta phải quán chiếu lại xem tình thương của ta có mang bên trong chất liệu của từ hay không. Từ là khả năng hiến tặng hạnh phúc mỗi ngày. "Buổi sáng dâng niềm vui cho người" trong bài Sám Quy Nguyện là sự thực tập của ta.

Bi là gì? Bi là khả năng làm vơi đi, lấy đi nỗi khổ niềm đau nơi người kia. Ta thấy trong người kia có những nỗi khổ đau nào thì ta tìm tới hỏi thăm; và khi biết được những khổ đau của họ rồi thì ta thương, ta tìm mọi cách để giúp người đó chuyển hóa khổ đau, ta cố gắng không làm những điều này, tránh làm những điều kia và bảo hộ cho người đó để người đó không khổ đau nữa. Đó gọi là Bi. Từ Bi là hai chất liệu có công năng đem lại niềm vui đích thực cho người và làm vơi đi khổ đau của người.

Hỷ, niềm vui, là chất liệu thứ ba của bốn tâm vô lượng. Tình thương chân thật phải có niềm vui. Nếu thương nhau mà hai bên đều khóc mỗi ngày thì tình thương ấy không phải là tình thương đích thực, không phải là tình thương theo tinh thần của bốn tâm vô lượng. Vì thế, ta phải nên nhìn lại bản chất tình thương của ta xem thử tình thương ấy có chất liệu của hỷ không. Nếu không có chất liệu của hỷ thì tình thương ấy chưa phải là tình thương đích thực mà chỉ là thứ tình thương có tính chất độc tài, chiếm hữu. Ta xem người kia là vật sở hữu của ta. Thương như vậy thì càng thương ta càng làm cho người kia ngộp thở, mất hết tự do. Càng thương ta lại càng làm cho người kia bị thương. Cho nên hỷ là một chứng cớ cho ta biết rằng khi tình thương mang theo chất liệu của niềm vui. Hỷ là tình thương chân thật của Bụt dạy.

Tâm vô lượng thứ tư là x. Xả là gì? Xả tức là không kỳ thị, không phân biệt, là khả năng bao dung không bỏ sót một ai dù người đó đã từng làm mình khổ đau, điêu đứng. Xả là một danh từ không phải dễ hiểu nhưng ý nghĩa thì rất sâu sắc. Ta lấy ví dụ của bàn tay. Bàn tay phải của tôi đã viết ra biết bao nhiêu cuốn sách, ít nhất là 75 cuốn, và đã làm biết bao nhiêu bài thơ; nó còn biết thỉnh chuông, thỉnh mõ, rải nước cam lộ tịnh thủy, viết thư pháp v.v… Bàn tay phải biết làm rất nhiều việc. Nhưng bàn tay phải của tôi không bao giờ chê bàn tay trái rằng: "Mày là đồ vô dụng. Tao là bàn tay mặt và tao gần như phải làm hết mọi việc, còn mày chẳng biết làm gì, chỉ ngồi chơi xơi nước thôi". Bàn tay mặt không bao giờ nói với bàn tay trái như vậy. Có một lần bàn tay phải cầm một cái búa, bàn tay trái cầm cây đinh, rồi bàn tay phải sơ ý làm sao đó, thay vì đóng trên cái đinh, nó lại đóng nhằm vào ngón tay của bàn tay trái. Đau quá chừng. Lúc đó bàn tay phải lập tức thả cây búa xuống rồi nắm lấy bàn tay trái mà chăm sóc. Trong lúc chăm sóc cho bàn tay trái, bàn tay phải không nói rằng: "Tao là bàn tay phải, tao đang chăm sóc cho mày, mày phải nhớ ơn tao nghen." Bàn tay phải không bao giờ có ý niệm phân biệt, kỳ thị như vậy. Tại vì bàn tay phải có tuệ giác rằng nó với bàn tay trái tuy hai nhưng kỳ thực chỉ là một. Hai bàn tay không bao giờ kỳ thị, phân biệt nhau. Cái đó trong đạo Bụt gọi là Phân Biệt Trí.

Vô Phân Biệt Trí tức là cái trí không có sự phân biệt ta và người, giữa người thương và người được thương. Thương là thương thôi chứ không phải người đó cùng theo một tôn giáo với ta, hay người đó cùng một nước với ta nên ta thương hơn hoặc vì người đó là con của ta nên ta thương hơn con của người khác. Đó là tình thương lớn, gọi là tâm đại bi. Hễ nơi nào có sự khổ đau là nơi đó cần có sự thương yêu, không kỳ thị màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Thế nhưng bàn tay phải cũng phải biết thương bàn tay phải, chứ không thể cho rằng thương tức là thương những cái khác thôi chứ mình không có quyền được thương mình. Tại vì phân biệt tức là không có sự kỳ thị dầu là kỳ thị chính mình. Các bộ phận như tim, gan, tỳ, phế, thận đều hợp theo cái trí tuệ đó, nghĩa là không có sự chống báng nhau. Tay phải và tay trái cũng điều hợp theo cái trí tuệ đó. Cho đến hai chân cũng vậy, chúng không có sự kỳ thị, chống báng nhau. Ta phải học cho được cái Trí Phân Biệt đó; có khi gọi cái Trí đó là Trí Vô Ngã, Trí Tương Tức, tức là không có cái ta riêng biệt. ‘Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ’. Nó có sự liên đới với nhau. Các thầy và các sư cô trong tu viện sống và tu tập theo tinh thần đó, tức là tinh thần của trí vô phân biệt, trí vô ngã và tương tức. Một người khổ thì tất cả mọi người đều thấy được và đến chăm sóc. Tại vì người đó cũng là thân thể của mình, gọi là tăng thân. Con mắt cá nhân của ta không thấy rõ bằng con mắt của tăng thân, gọi là tăng nhãn. Phải tập nhìn bằng con mắt của tăng thân, phải đi bằng bước chân của tăng thân. Cũng vậy, nếu ta nghĩ bằng cái nghĩ của tăng thân thì tự nhiên ta có cái trí tuệ gọi là phân biệt trí. Đây là giáo lý rất thâm sâu và mầu nhiệm của đạo Bụt. Khi thương con hay thương người bạn đồng hành của ta thì ta phải thương theo tinh thần đó. Phải thấy rằng tất cả niềm đau nỗi khổ của người đó cũng chính là niềm đau nỗi khổ của ta, tất cả niềm hạnh phúc của người đó cũng chính là hạnh phúc của ta. Thương được như vậy mới gọi là xả. Đó là tình thương cao quý nhất có công năng tạo dựng hạnh phúc đích thực. Tình thương ấy không bao giờ mang tính chất kỳ thị, phân biệt, không gây đau khổ và hận thù. Chúng ta phải có thì giờ để học hỏi cho sâu sắc hơn, vì đây là giáo lý rất thâm sâu, vi diệu của đạo Bụt. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải tập bớt bận rộn, đừng muốn có nhiều đồng ra đồng vô mà mất hết thì giờ học hỏi thêm về giáo lý của Đức Thế Tôn. Giáo lý đó có thể chuyển hóa khổ đau đem lại hạnh phúc cho ta và cho những người ta thương.