Bẻ gãy thế tam giác

Thế tam giác được thành lập

A là một người, và B là một người khác. A có thể là một Huynh Trưởng và B có thể là một Huynh Trưởng khác, hoặc là một đoàn sinh. Hai người có vấn đề với nhau, có những khó khăn với nhau. Có thể A đã nói gì, hoặc đã làm gì đó và gây ra cho B nỗi khổ. B không có khả năng tới A để giải tỏa, để làm mới, vì vậy B đi kiếm một người để than thở, và người đó thường thường là người không có cảm tình với A, người đó là C. Nghĩa là B âm thầm tìm C để mà liên minh chống A. Nếu C là một người rất thân với A, thì B không có đi kiếm C đâu. Đi kiếm C để C bênh người kia hay sao? Cho nên ta có khuynh hướng đi tìm người đồng ý với ta rằng người kia là người rất ác, rất khó tánh, rất dữ, không có lòng thương. Đi kiếm liên minh là một khuynh hướng của tất cả chúng ta.

Thất bại đầu tiên của B là không đi thẳng tới A để làm mới và hòa giải. Thất bại thứ hai của B là không đi tìm tới một người thân A để nhờ giúp đỡ, mà lại đi tìm một

người ghét A để lập thế liên minh. Do đó thế tam giác được thành lập. Khi thế tam giác bắt đầu thành lập rồi thì sẽ có những rắc rối, khổ đau và khó khăn. Chúng ta phải học làm thế nào để đừng có tạo ra thế tam giác trong đoàn của chúng ta. Nếu có thế tam giác rồi, ta phải học cách phá gãy thế tam giác.

Bẻ gãy thế tam giác

Vậy nếu ta là C mà có thực tập thì khi nghe B nói, ta chỉ ngồi nghe thôi chứ đừng nói gì hết. "Chị khổ gì thì nói em nghe đi!" Ta nghe người kia nói và thực tập phương pháp lắng nghe của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Chúng ta người nào cũng phải đóng vai trò của C cho thật đàng hoàng thì mới phá gẫy được thế tam giác. Khi mà thấy hai người giận nhau, một người tìm tới ta thì ta phải thực tập lắng nghe trước. "Tội nghiệp chị quá. Chị khổ mấy ngày rồi? Chị đã nói được với ai chưa? Hay chị mới nói với em lần đầu thôi? Tội nghiệp chị quá." Nghe xong thì ta khoan nói gì hết. Ta tìm cách đến với A để hỏi thăm chuyện gì đã xảy ra, và ta có thể làm môi giới giữa A và B. Xong rồi thì ta tới B và nói rằng: "Chị ơi, Bụt đã dạy con đường ngắn nhất là con đường đi tới với nhau, tại sao chị có khó khăn như vậy mà không tới nói với A? Chị ngại ngùng hả? Chị ngại thì em đi với chị. Em yểm trợ chị." Tại vì ta đã nói chuyện với A rồi, và hiểu được cả hai phía. Ta nghe hai tiếng chuông rồi chứ không phải một tiếng cho nên có thể đóng vai người hòa giải. Ta làm một vị Bồ Tát trong đoàn của mình. Ta là em nhưng có thể giúp các anh chị của mình. Trước hết ta là Bồ Tát lắng nghe, khi lắng nghe xong thì ta làm Bồ Tát ái ngữ, nói lời dễ thương, nói lời hòa giải: "Chị đi với em, chúng ta đi tới với chị A đi". Đôi khi chỉ có mười tuổi hoặc mười hai tuổi thôi mà ta có thể làm vị Bồ Tát được.

Khi người kia nói tới chị A thì ta dùng lời ái ngữ nói rằng: "Chị A đâu có ý đó để làm khổ chị đâu", và ta giúp hai người làm hòa lại với nhau. Trước hết ta giúp cho B có thể nói ra hết nỗi khổ của B cho A nghe. Theo phương pháp này thì A chưa cần trả lời, mà chỉ lắng nghe thôi: "Tội nghiệp quá, chị khổ như vậy mà mấy ngày nay em không biết". A chưa nên thanh minh, cải chính gì hết. Vì theo phương pháp làm mới thì ta không thanh minh liền. Ta để cho người kia nói ra hết những đau khổ trong lòng để người đó được nhẹ. Nếu người đó nói đúng thì ta xin lỗi liền lập tức, còn nếu người đó có một nhận thức sai lầm mà nói ra như vậy thì ta khoan đính chính đã, hãy để cho người đó thảnh thơi mấy ngày, chờ khi người đó vui vẻ thì ta nói: "Chị ơi, hôm trước em nghe chị nói em buồn quá. Em buồn là tại vì chị buồn. Mà chị buồn như vậy thì không có căn cứ, vì sự thật không phải như vậy. Sự thật là như thế này…". Đừng có nói ngay cái bữa giải tỏa đó, phải đợi ba ngày sau, năm ngày sau, hay bảy ngày sau, khi mà người kia đã nhẹ, đã vui rồi thì ta mới tới để nói. Cái đó gọi là bẻ gãy thế tam giác.

Bồ Tát hòa giải

Vậy thì trong đoàn ta đã có thế tam giác chưa? Nếu đã có ba bốn cái tam giác rồi, thì ta đi tìm vị Bồ Tát nào để phá tan cái tam giác đó? Thôi ta tự nhận làm đức Bồ Tát đó cho rồi, chứ còn chờ ai nữa? B đã tới than thở với ta rồi mà, thì tức là ta thành C rồi. Vì vậy cho nên C ơi, anh ở đâu, chị ở đâu? Tại sao anh, chị, em không đóng vai của một vị Bồ Tát? Tại sao anh không thực tập lắng nghe (bi thính)? Tại sao anh không thực tập ái ngữ để mà hòa giải? Tại sao anh không đưa B trở về với A? Tất cả chúng ta, người nào cũng có thể đóng vai trò của một vị Bồ Tát hòa giải. Tất cả đoàn sinh trong đoàn sẽ phải học phương pháp đó gọi là bẻ gãy thế tam giác. Khi mà trong đoàn, các thế tam giác đều được bẻ gãy thì lúc đó đoàn mới có hạnh phúc.

Pháp môn bẻ gãy thế tam giác cũng phải được thực tập ở trong gia đình. Nếu ta là C mà ta cảm thấy yếu và không làm được vị Bồ Tát đó thì ta phải đi cầu cứu, phải đi tìm một anh, chị nào giỏi về hòa giải, yêu cầu người đó tới giúp để có thể đưa B trở về với A. Đừng có mặc cảm, ta phải có hảo tâm, chí nguyện trước, rồi khi cảm thấy sức mình chưa đủ thì ta cầu cứu với một người anh, một người chị hoặc một người em, tại vì đôi khi người em còn giỏi hơn mình. Còn nếu ta không thể bẻ gãy thế tam giác thì thế tam giác đó trở nên nhiều thế tam giác khác và sinh ra trong đoàn của chúng ta có năm, sáu cái tam giác nối liên tiếp nhau. Nó sẽ rối như là mớ bòng bong khiến cho các em nản chí không tới đoàn nữa. Tại vì nghe rồi, C cũng không có khả năng để làm gì hết. C đi than thở, đi truyền miệng với F, rồi F tới với G, v.v… và như vậy thì tùm lum hết. 

Tam giác đầu đã không phá được mà tạo nên tam giác thứ hai. Tam giác thứ hai không phá được mà tạo nên tam giác thứ ba, và từ đó tạo nên nhiều tam giác khác nữa. Đó là tình trạng xã hội của cộng đồng người Việt chúng ta, rất tội nghiệp. Vì chúng ta không làm được phận sự của C cho nên mới tùm lum ra như vậy. C phải làm trách vụ của một vị Bồ Tát, phá cho được cái tam giác đầu, đừng tạo ra tam giác thứ hai, thứ ba. Tại chúng ta không thực tập giới thứ tư, tức là ái ngữ và lắng nghe, cho nên thay vì giúp được cho A và B, thì chúng ta đi tìm một người khác nữa là F và tạo ra thêm một tam giác. Rốt cuộc thì có một số người chống A, và A không biết tại sao có nhiều người chống mình như vậy. A cứ tỉnh bơ đến khi biết ra thì đã trễ rồi. Dù A hoàn toàn vô tội, A trở thành nạn nhân của bao nhiêu là chống đối. Nếu B hay C biết làm hòa giải thì A đâu có lâm vào tình trạng như vậy. Chúng ta biết rằng có rất nhiều người dễ thương, có lòng tốt rất lớn, giúp đồng bào, những người tị nạn, thuyền nhân, vậy mà trở nên nạn nhân của những sự nói xấu, bị chụp mũ, rất tội nghiệp. Đó cũng tại vì trong cộng đồng, trong đoàn, chúng ta không có những người có khả năng thực tập pháp môn bẻ gãy thế tam giác. Vì vậy trong đoàn, chúng ta phải làm thế nào để giáo dục mỗi người có khả năng bẻ gãy được thế tam giác và thiết lập lại được hòa thuận, tin yêu trong gia đình, trong đoàn, và sau đó là trong xã hội chúng ta.