Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

40. Chiếc lá ổi non

Chạy chơi với Danh, Sâm và Miêu dưới Pháp Thân Tạng, Tý nghĩ đến cây bông sứ. Là một thiếu nhi, Tý tha hồ chạy nhảy và múa máy. Tý không phải đứng hoài một chỗ như cây bông sứ. Tý cảm thấy mình rất may mắn. Miêu đang cầm trong tay một cây gậy. Gặp bụi cây nào Miêu cũng ưa dùng cây gậy đập vào. Tý bỗng cảm thấy khó chịu. Nếu ngày xưa Phật là một cây bông sứ thì bây giờ bất cứ một bụi cây nào cũng sẽ có thễ trở thành một đức Phật sau này. Mình không có quyền phang gậy vào cây một cách vô cớ, dù đó là những bụi cây không cho mình hoa trái. Bỗng dưng trong lòng Tý phát sinh một niềm kính trọng đối với tất cả mọi loài cây cối. Tý bắt đầu thấy rằng cây cối cũng có cảm giác biết đau biết buồn, biết héo, biết rụng, biết vui, biết mừng, biết sởn sơ tươi tốt. Tý nghĩ bất đắc dĩ mình mới phải đốn cây để làm nhà cửa, bàn ghế và đốt lò sưởi. Mình không nên tàn hại cây cối; mình không được phung phí và thiếu ý thức. Mình phải biết bảo vệ sự sống cho tất cả những loài cây cỏ. Tý chợt nhớ có hôm đi chơi với Sư Ông trong rừng, Tý thấy Sư Ông chắp tay búp sen chào một khóm cây và nói chuyện với nó. Lúc đầu, Tý cứ tưởng là Sư Ông muốn đùa Tý. Nhưng sau đó Tý thấy không phải như vậy. Sư Ông nói chuyện thật với khóm cây như Sư Ông nói chuyện với Tý vậy. Tý chạy tới cầm lấy chiếc gậy trong tay Miêu và hỏi Miêu xem nó còn nhớ câu chuyện cây bông sứ không. Hình như Miêu còn nhớ. Từ giờ phút ấy trở đi, Miêu không lấy gậy phang vào cây cối nữa.
Chiều nay, sau buổi hội thảo tại thiền đường Xóm Hạ, bọn Tý phải hội họp để chuẩn bị việc tổ chức rước đèn Trung Thu.
Mấy hôm trước đây, đêm nào trăng cũng sáng quá. Chị Thanh và chị Hương đã đề nghị phải tổ chức ăn Tết Trung Thu, dù rằng còn một tháng nữa mới đến Tết Trung Thu thật. Chị Hương bảo nếu đợi tới rằm tháng tám thì trời đã lạnh và Làng đã đóng cửa rồi. “Chi bằng ta tổ chức Tết Trung Thu tại Làng bây giờ để tất cả các thiếu nhi có mặt được tham dự”, chị nói. Các cô và các chú đều ủng hộ ý kiến của chị Hương. Từ hôm kia, cô Tâm Trân đã đi chẻ tre để làm lồng đèn. Cô Trinh, chị Thủy, chị Thanh, chị Hương và chú Christophe đã để hết một buổi chiều hôm qua để làm đèn bánh ú. Hôm nay lại có thêm nhiều người lớn tham dự vào việc làm đèn. Mỗi thiếu nhi sẽ có một cây đèn, và thiếu nhi nào cũng phải vẽ hình trên giấy màu để phết vào bảy mặt đèn. Bé Thơ nổi tiếng là người có tài vẽ. Thơ đã vẽ xong đèn của mình. Thơ lại còn vẽ giúp cho nhiều thiếu nhi khác. Có người lại viết chữ trên lồng đèn nữa. Ví dụ: em đang sung sướng hay em được rước đèn Trung Thu ở Làng Hồng. Tý vẽ một bông rau muống thật lớn trên mỗi mặt của lồng đèn mình. Mỗi mặt Tý dùng một màu. Bông rau muống mà Tý vẽ là bông rau muống dại. Mùa này rau muống dại mọc khắp nơi. Hoa nở rất đẹp và đủ màu. Tý muốn ghi hình ảnh ấy lên lồng đèn của Tý. Bọn thiếu nhi phải đi tìm cán lồng đèn và phải tự cấm đèn cầy vào lồng đèn của mình. Các cô và các chú làm giúp cho các thiếu nhi nhỏ tuổi. Họ dùng dây kẽm uốn lại và buộc vào đáy đèn cầy. Bọn Tý cũng bắt chước làm như vậy. Tối nay, lễ rước đèn sẽ được tổ chức vào lúc chín giờ, khi trăng vừa lên. Theo chương trình do các anh các chị vạch sẵn thì thiếu nhi Xóm Hạ tập họp trước Tham Vấn Ðường lúc tám giờ rưỡi, ai nấy đều phải chuẩn bị đèn đuốc sẵn sàng. Sẽ có xe rước thiếu nhi từ Xóm Hạ lên Xóm Thượng. Khi xe tới Lối Thỏ đi men khu rừng sồi phía ngoài cổng xóm, thì mọi người sẽ xuống xe, sắp hàng, đốt đèn lên và bắt đầu rước đèn vào cổng Xóm Thượng, vừa đi vừa hát “Ðêm Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp Làng Hồng.” Tại Xóm Thượng, thiếu nhi phải bày cỗ Trung Thu ngoài trời, bên cạnh Tàng Kinh Lâu. Cỗ phải bày xong lúc tám giờ. Thiếu nhi còn phải vào rừng kiếm củi và chở củi về để nhóm lửa trại. Ðến tám giờ rưỡi, thiếu nhi tập họp dưới cây đề, đốt đèn treo rải rác quanh xóm và chuẩn bị đèn đuốc của từng người. Ðúng chín giờ, mọi người đốt đèn của mình lên. Khi đoàn rước Xóm Hạ vào tới cổng thì thiếu nhi Xóm Thượng cũng bắt đầu rước đèn đi ra để chào đón. Hai đoàn sẽ gặp nhau ở con đường từ cổng vào xóm và phối hợp lại thành một đoàn duy nhất. Người lớn cũng có quyền đi rước đèn và ca hát chung với thiếu nhi. Rước đèn quanh xóm chừng ba lần thì tập hợp về cây đề. Lửa trại sẽ được đốt lên và thiếu nhi hai xóm sẽ trình diễn văn nghệ. Trình diễn được nửa buổi thì phá cỗ Trung Thu, rồi trình diễn tiếp. Tối nay văn nghệ sẽ được kéo dài tới mười một giờ rưỡi đêm. Tối nay không có giờ thiền tọa. Nghe nói thiếu nhi ở Xóm Hạ đã tập dượt được nhiều màn múa rất hay. Trên Xóm Thượng, bọn Tý dự trù tối nay mời cô Giao Trinh trình diễn đàn tranh, mời chú Thư múa, mời cô Thanh hát, mời cô Duyên đọc thơ và mời cô Tâm Trân và Ba diễn lại vở kịch Môn Thuốc Gia Truyền. Bọn Tý đã tập được các màn múa voi, đốt pháolàm xe lửa. Bánh và mứt để bày cỗ, bọn Tý đã xin được rất nhiều. Dưa ngọt và trái cây nhiều lắm, nhất là trái lê hái được ở Xóm Thượng; có cả kẹo mè xững và mấy hộp sô-cô-la thật lớn từ bên Thụy Sĩ đem sang. Hy vọng tối nay trời sẽ không mưa.
Có tiếng bảng vọng lên. Một hồi và ba tiếng bảng báo hiệu giờ hội thảo đã tới. Tý và các thiếu nhi lớn được mời tham dự hội thảo, trong khi các thiếu nhi nhỏ tuổi hơn được đưa đi du ngoạn. Chiều hôm nay chú Thư chủ tọa buổi hội thảo. Ðây là buổi hội thảo thứ ba về đề tài Tương Lai Văn Hóa Việt Nam. Tuần nào cũng có một buổi hội thảo về đề tài này và tuần nào người chủ tọa cũng là một người trẻ. Buổi hội thảo đầu đã do chị Ngọc Hương bên Gia Nã Ðại làm chủ tọa. Chủ tọa buổi thứ hai là chị Tri Thủy ở Aix en Provence. Hôm nay đến phiên chú Thư. Chú Thư là người từ Lyon tới. Khi Tý vào đến thiền đường thì người đã đông. Ai cũng ngồi trang nghiêm trên tọa cụ. Tý tìm đến bên Sâm. Người trẻ ngồi vòng trong, còn người lớn thì ngồi vòng ngoài. Hôm nay các cô các dì và các chị đều mặc áo dài rất tươi. Quang cảnh buổi hội thảo vừa trang nghiêm vừa tươi mát. Tý nhớ tới buổi hội thảo đầu ở thiền đường Xóm Thượng. Bữa ấy, tuy làm chủ tọa, chị Ngọc Hương cũng chỉ mặc aó bà ba. Không có cô nào hay chị nào mặc aó dài. Trong buổi hội thảo, chị Ngọc Hương đã nêu ra vấn đề làm sao bảo tồn được nếp sống văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Mọi người góp ý. Chị Thanh Trang cũng đã dạy qưốc văn cho thiếu nhi. Rối có người nêu ra chuyện áo dài; vấn đề này cũng được bàn cãi khá lâu. Chị Ngọc Hương nói mặc áo dài thì hay bị người địa phương nhìn theo; với lại áo dài không được gọn gàng. Cô Trinh không đồng ý. Cô nói áo dài là một trong những sắc thái Việt Nam mà người Tây Phương thấy đẹp. Hàng ngày cô vẫn mặc áo dài để đi làm mà không thấy có trở ngại gì trong sự di chuyển. Theo cô Tâm Trân thì phụ nữ Việt Nam mặc âu phục không đẹp; trái lại cô gái Việt Nam nào mặc áo dài vào trông cũng xinh. Cô còn thêm rằng những phụ nữ lớn tuổi dầu có hơi đẫy đà đi nữa mà mặc áo dài vào thì trông cũng vẫn dược. Ý kiến của cô Tâm Trân được mọi người chấp nhận. Từ bữa hội thảo đó, Tý nhận thấy các cô và các chị thường đem áo dài ra mặc. Họ lại mặc cả những khi đi bán Quán Cây Sồi nữa. Tý nhận thấy các đồng nữ như bé Thơ, bé Nhung và bé Vi đều có áo dài. Tý biết chắc rằng mùa hè sang năm mọi người sẽ có mang áo dài theo. Vá Tý cũng biết đó là một trong những kết quả của buổi hội thảo mà chị Ngọc Hương làm chủ tọa hôm đó.
Trong các buổi hội thảo mà Tý được tham dự, Tý nhận thấy người lớn rất ít phát biểu ý kiến. Họ chỉ phái biểu ý kiến khi được người trẻ hỏi đến. Có một hôm Tý hỏi Ba về chuyện này. Ba cho Tý biết đây là những buổi hội thảo mà ý kiến người trẻ tuổi được xem là ưu tiên. Ba nói lâu nay người lớn đã nói nhiều rồi và không để cho người trẻ có dịp nói lên tâm tư của họ. Sư Ông có căn dặn Ba là hãy dành ưu tiên cho quyền phát biểu của người trẻ. Bọn nhỏ như Tý nhiều khi cũng được khuyến khích nói lên ý kiến của mình. Tý chưa nói được gì, ngoài lời tự giới thiệu tên và tuổi của mình. Nhưng các anh và các chị, các cô, các chú từ khoảng mười bốn đến ba mươi tuổi đã tham dự hết lòng vào việc đàm luận. Họ cũng ưa hỏi ý kiến của người lớn. Tý thấy họ lắng nghe người lớn một cách chăm chú. Lạ quá, khi người lớn lắng tai nghe người nhỏ thì người nhỏ lại lắng tai nghe người lớn nhiều hơn.
Chủ nhật tuần trước, trong buổi hội thảo, Tý đã được nghe chị Tri Thủy nói về việc “làm lại” con người Việt Nam. Buổi hội thảo này do chính chị Thủy làm chủ tọa. Tý nghe nói chị Thủy là con của một nhà văn nổi tiếng ở bên nhà. Hôm đó chú Thư có nêu ra vấn đề xây dựng niềm tin và sự đoàn kết giữa những người Việt sống ở nước ngoài. Theo lời chú thì người Việt ở hải ngoại hay nghi ngờ nhau và hay dèm pha và chụp mũ cho nhau, do đó rất khó mà có sự thông cảm và đoàn kết.
Tý nhớ chị Thủy đã phát biểu ý kiến về chuyện này rất tường tận. Chị nói con người Việt Nam trải qua mấy mươi năm chiến tranh đã không còn lành lặn và đễ thương như trước. Ðất nước ta đã bị chia đôi trong một thời gian khá lâu; người Việt bị dồn vào cái thế phải thù hận và chém giết lẫn nhau. Người Việt giết nhau bằng lý thuyết và bằng súng ống của nước ngoài. Con người Việt Nam bị tàn phá, không những nơi thể xác mà còn trong tâm hồn nữa. Chị nói dân tộc Việt Nam cũng như một cây ổi. Vì rễ cây ổi chạm nhằm chất độc trong đất cho nên tất cả các lá ổi trên cành đều mất đi một phần tính cách xanh tươi và khỏe mạnh. Lá ổi trở nên vàng vọt. Chị nói chất độc ấy là sự tranh chấp và thù hận giữa người Việt với nhau trong một thời gian lâu dài. Tý nhớ đến những điều Sư Ông nói với Tý hồi mùa đông năm rồi trên Xóm Thượng. Sư Ông nói không khéo thì sau này Tý và Ngữ cũng sẽ cầm súng mà giết nhau. Bây giờ, chị Tri Thủy cũng nói tương tợ như Sư Ông. Chị nói con người Việt Nam sau cuộc chiến tranh giai dẳng không còn đẹp đẽ và dễ thương như con người Việt Nam trước đây nữa. Con người Việt Nam bây giờ đã thành đa nghi hơn, ích kỷ hơn và hẹp hòi hơn. Vì vậy cho nên văn hóa Việt Nam hiện giờ ít thấy có tương lai hơn. Chị kết luận là phải làm lại con người Việt Nam, nghĩa là phải đem văn hóa để khôi phục được niềm tin, tình thương và sự cởi mở. Chú Thư có vẻ đồng ý với những điều chị nói lắm. Chú góp ý rằng cần phải đặc biệt chú trọng tới thiếu nhi trong việc “làm lại” con người. Thiếu nhi là những chiếc lá ổi nhỏ xiú, còn non. Ðừng để cho thiếu nhi nhiễm phải chất độc của sự căm thù và sự hẹp hòi. Nếu người lớn biết học hỏi, tự tu và tự tỉnh thì thiếu nhi Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành những con người đẹp đẽ tươi mát như xưa. Nếu các lá ổi non đều xanh tươi thì sau này tất cả cây ổi sẽ xanh tươi. Tý muốn bật cười khi thấy mình được ví với một cái lá ổi. Mà Tý là một cái lá ổi non thật đấy. Ở đây ai cũng thương mến và săn sóc Tý. Không những Ba, Mẹ và chú Dũng săn sóc Tý, mà Sư Ông, cô Chín, cô Tâm Trân, chú Lễ, chú Thư, cô Trinh… ai cũng dễ thương với Tý và muốn cho Tý được sung sướng. Thế nào Tý cũng sẽ trở thành một lá ổi rất xanh.
Nghĩ tới đó, Tý nghe chú Lễ đằng hắng một tiếng. Tý giật mình. Chú Lễ đang đưa tay lên để xin phát biểu ý kiến. Chị Thủy mời chú nói. Chú Lễ nói rằng theo ý chú thì phương pháp bảo vệ và phát triển văn hóa có hiệu quả nhất là tổ chức đời sống gia đình cho có hạnh phúc, có hòa thuận, tin yêu và cởi mở. Trong một hoàn cảnh như thế, những đức tốt của con người Việt Nam nơi thiếu nhi mới có cơ hội nẩy nở ra được.
Các cô và các chú còn bàn tới nhiều chuyện khác nhưng Tý không hiểu hết. Có lẽ vì sức học của Tý còn yếu. Tuy vậy, Tý nghĩ rằng mình đã học được thật nhiều điều trong các buổi hội thảo. Trong buổi hội thảo thứ ba này, Tý sẽ gắng ngồi nghe cho đến chót. Ba giờ rưỡi trưa rồi, nhưng trời còn oi ả quá. Tý tự nhủ là phải ngồi cho tỉnh táo và chú tâm để đừng bị ngủ gục như kỳ trước.