39. Cây Bông Sứ học bài
Nghe kể đến chỗ con Rùa gặm những sợi dây da suốt hai đêm và một ngày khiến cho miệng Rùa chảy máu, thiếu nhi nào cũng thương. Bé Hạnh Thuần và bé Hiếu hình như là có rươm rướm nước mắt. Anh Vũ nói có thể ngày Nai thành Phật thì ít ra Rùa cũng thành một vị bồ tát. Ai cũng tỏ vẻ cảm động vì tình bạn thấm thiết và cao cả giữa ba con vật.
Mỗi tuần, Sư Ông tiếp thiếu nhi hai xóm một lần vào chiều thứ tư tại thiền đường Xóm Thượng. Kỳ nào Sư Ông cũng kể một chuyện tiền thân. Sư Ông nói rằng trong những kiếp trước, không những Phật đã làm những sinh vật như con nai mà Phật cũng đã từng làm những thực vật như cây cối, và có khi làm cả khoáng vật như một phiến đá hoặc một dòng sông.
Có một kiếp nọ, Phật làm một cây bông sứ đứng gần một hồ sen rất thơm và rất mát. Hồ sen này lại không có cá.
Cách hồ không xa, có một cái ao nhỏ hẹp, ít nước và nóng bức, nhưng lại có nhiều tôm cá. Một con cò đi ngang qua đấy, thấy tôm cá quá nhiều mới nảy sinh ra một mưu kế. Nó tới gần bên bờ hồ với vẻ mặt đăm chiêu.
Bọn cá hỏi:
– Bác Cò, bác suy nghĩ gì đấy?
– Ta đang suy nghĩ đến số phận của các chú. Ở đây, ao hẹp nước ít lại nóng bức. Các chú lại thiếu thức ăn. Ðời sống của các chú có vẻ khổ cực.
– Vậy bác có cách gì giúp tụi cháu không, bác Cò ?
– Nếu tụi bay để tao chở từng đứa tới bỏ xuống cái hồ sen đàng kia thì ở đó tụi bay sẽ được tha hồ bơi lội trong nước mát và sẽ có vô số thức ăn.
– Bác Cò ơi, tự thuở cha mẹ sinh ra, chúng cháu chưa bao giờ nghe nói là loài cò mà lại có lòng tốt với loài tôm cá. Bác bày ra cách đó chẳng qua chỉ là để ăn thịt chúng cháu, đứa này rồi tới đứa khác, vậy thôi.
– Tụi bay đa nghi lắm. Tao là bác của tụi bay, không lý tao lại nói gạt tụi bay sao. Sự thật là đàng kia có một cái hồ sen rộng lắm; nước nhiều mà lại mát nữa. Nếu tụi bay không tin, thì một đứa hãy theo tao qua đó xem. Xem xong tao lại cho về đây để nó báo cáo lại sự thật cho tụi bay biết.
Bọn tôm cá châu đầu vào nhau để bàn luận một hồi lâu. Cuối cùng chúng cử một con cá nhám đi với con cò. Con cá này đã già, thân thể cứng gần như một cục đá. Nó bơi lội giỏi đã đành mà nó cũng có thể di chuyển dễ dàng trên đất cạn. Con cò cắp lấy con cá nhám vào mỏ và bay về phía hồ sen. Nó thả con cá vào hồ sen để cá bơi lội thỏa thích và đi thăm mọi nơi trong hồ. Quả thật hồ rất rộng, nước rất mát và thực phẩm rất nhiều. Một lát sau con cò chở nó về ao. Và nó kể lại tất cả những gì nó đã thấy cho dân chúng trong ao nghe.
Bọn tôm cá nghe kể rất lấy làm vui sướng. Chúng yêu cầu con cò chở chúng sang hồ, mỗi chuyến một đứa. Cò bằng lòng. Nó cắp con cá đầu tiên vào mỏ và bay đi. Nhưng thay vì thả cá xuống hồ sen, nó bay tới gần cây bông sứ. Nó buông cá vào một chỉa ba của thân cây. Nó dùng mỏ rỉa cá ra và ăn thịt con cá. Ăn xong, nó hất xương cá xuống gốc cây bông sứ. Rồi nó bay về phía ao để “chở” một con cá khác, và luôn luôn bỏ xương cá xuống gốc cây.
Cây bông sứ chứng kiến tất cả những điều này. Cây bông sứ rất tức giận con cò nhưng không thể nào ngăn cản được con cò. Cây bông sứ chỉ có thể đâm rễ sâu thêm vào đất, mọc cành mọc lá và làm hoa, nhưng không thể chạy đi đâu được. Nó không thể chạy tới ao để vạch rõ cho bọn tôm cá biết âm mưu của con cò. Nó cũng không thể vươn cành ra để ngăn con cò không cho cò ăn thịt cá. Nó đứng yên chịu trận. Mỗi lần Cò mang tới một con cá và mổ cho cá toét ra để ăn thịt là mỗi lần cây bông sứ đau rúng động cả châu thân. Nhựa cây như chảy dồn dập hơn, da cây như co rúm lại. Có khi cây sứ rung rung và những giọt sương rơi xuống như là cây cũng biết khóc. Con cò không để ý tới những dấu hiệu đó. Ngày này sang ngày khác, nó mang cá tới cây bông sứ để ăn thịt. Ăn hết cá nó ăn đến tôm. Ðống xương cá dưới gốc cây đã cao bằng hai cái thúng lớn.
Cây bông sứ biết mình có bổn phận nở hoa để làm thơm làm đẹp cho núi rừng, nhưng nó rất đau khổ vì không làm gì được để cứu bọn tôm cá. Nếu nó là một con nai hoặc một con người thì nó đã có thể làm được một cái gì. Ðàng này nó bị chôn chân xuống đất không đi đâu được. Với niềm thương trong lòng, cây bông sứ thầm nguyện sau này nếu làm thú hay làm người, nó sẽ gắng hết sức để bênh vực kẻ yếu và ngăn chận không cho kẻ hung bạo và giảo quyệt đi lừa gạt và tàn sát kẻ khác.
Ngày hôm ấy, dưới ao cá và tôm đã hết. Chỉ còn có một con cua. Lúc đầu Cò ta chê. Nhưng sau đó đói bụng quá, nó lại gần bờ nước và nói :
– Này cháu, tất cả những tôm cá mà ta chở tới hồ sen hiện đang sung sướng vẫy vùng bên đó. Cháu lại đây, bác chở tới đó luôn.
– Bác làm sao chở được cháu? Cháu là một con cua mà.
– Thì bác cắp cháu trong mỏ bác, như đã chở những đứa khác.
– Bác mà cắp cháu trong mỏ bác thì không chắc lắm. Bác có thể để cho cháu rơi xuống và cháu sẽ vỡ toang.
– Ðừng có sợ, cháu. Bác sẽ ngậm cháu thật chặt.
Con cua suy nghĩ: Có thể là Cò đã thả tất cả tôm cá xuống hồ sen. Cũng có thể là cò đã ăn thịt hết tất cả họ hàng nhà tôm và họ hàng nhà cá. Ta hãy cẩn thận. Ta phải đề phòng. Nếu Cò thả ta xuống hồ thì đó là chuyện tốt. Nếu Cò muốn ăn thịt ta thì ta sẽ có cách tự vệ.
Nghĩ như thế, Cua nói với Cò:
– Bác ơi, mỏ bác không đủ mạnh để giữ cho cháu đừng rơi đâu. Bác phải để cháu bám vào cổ bác bằng hai cái càng của cháu mới được.
Cò bằng lòng ngay. Nó để cho Cua bám vào cổ nó. Cò vỗ cánh bay đi. Nhưng thay vì bay thẳng xuống hồ, Cò lại bay qua cây bông sứ.
– Bác ơi, tại sao bác không đưa cháu xuống hồ mà lại đem cháu đi đâu thế?
– Cháu ơi, ai dại dột gì mà đi chở mướn cho bọn bay. Tao đâu có phải là đầy tớ của bọn mày. Tao chỉ muốn chở tụi bay tới đây để ăn thịt từng đứa mà thôi. Coi kìa, mày có thấy đống xương cá cao nghệu dưới gốc cây bông sứ không? Ðó, mày cũng sẽ chấm dứt cuộc đời của mày nơi đó.
– Bác Cò ác độc ơi, tụi tôm cá ấy dại dột quá nên mới bị bác lừa dối và ăn thịt. Nhưng cháu thì bác đừng có hòng mà ăn thịt được cháu. Bác hãy mang cháu về dưới hồ đi, nếu không cháu sẽ kẹp đứt cổ bác cho mà xem.
Nói xong, Cua bắt đầu siết những gọng kềm của Cua trên cổ Cò. Những cái càng cua siết cứng như gọng kềm bằng sắt khiến cho Cò ta đau quá. Cò kêu lên:
– Thôi, anh Hai ơi, anh Hai đừng kẹp tôi đau quá. Ðể tôi đưa anh Hai xuống hồ. Tôi không dám ăn thịt anh Hai đâu.
Cò nghiêng cánh liệng bay trở lại hồ sen và đặt Cua xuống bờ nước, nơi có chút ít bùn lầy. Cua vẫn chưa buông cổ Cò. Nghĩ tới bao nhiêu tôm cá trong hồ bị Cò tàn sát hết, Cua nghiến răng kẹp hai cái càng lại thật mạnh, khiến cho cổ Cò đứt rời ra, và Cò lăn xuống chết. Rồi Cua đi xuống nước.
Cây bông sứ chứng kiến từng chi tiết nhỏ của tấn kịch này. Ở đời, ăn hiền ở lành thì sẽ được người hiền lành giúp đỡ. Ăn ở độc ác sớm muộn gì cũng lâm vào cảnh thảm thương. Cây bông sứ học được bài học đó. Cây bông sứ nguyện đời đời sẽ làm việc lợi ích cho muôn loài. Cây bông sứ sau này đã thành Phật.