38. Tình bạn
Sáng nay sau giờ học Sử Ðịa Việt Nam, Tý rủ Sâm ra chơi dưới bóng mấy cây sồi. Ðang bàn tính trò chơi với Sâm thì Tý thoáng thấy con mèo của Tý đi ngang. Thấy có gì là lạ, Tý đưa mắt nhìn kỹ con mèo. Ðúng rồi, cái bụng con mèo xẹp lép. Con mèo của Tý có chửa đã lâu; mấy tuần nay cái bụng nó rất lớn. Tý chợt nghĩ ra là con mèo đã đẻ rồi. Theo dõi con mèo bằng mắt, Tý thấy con mèo đi qua mấy cây sồi rồi len lỏi vào trong những bụi cây rậm rạp. Tý nghĩ rằng mèo đã sinh con trong một bụi cây nào đó và giờ đây nó đang đi thăm con. Tý định bụng lát nữa sẽ đi tìm ổ mèo con.
Con mèo của Tý mới sinh ra vào hồi tháng mười năm ngoái mà bây giờ nó đã sinh ra con; mau thật. Nó mới được có mười tháng chớ có lâu đâu. Trong vòng mười tháng mà một con mèo sơ sinh có thể trở thành một con mèo mẹ! Thằng Chó Con, em của Tý, sinh ra trước con mèo này hai tuần lễ mà bây giờ vẫn chưa biết đi biết đứng gì cả. Tý nhận ra là con mèo đã có đủ trí khôn để làm mẹ. Nó đi tìm một nơi kín đáo để sinh con. Có lẽ nó đang cho con nó bú. Sớm muộn gì nó cũng phải đi kiếm thức ăn về cho con nó ăn. Tý nghĩ bụng là mình có thể giúp mèo mẹ bằng cách đem ra cho mèo con một ít cơm nguội…
Trưa hôm đó len lỏi trong các bụi cây theo lối con mèo đã đi, Tý tìm ra được ổ mèo. Tý tìm ra được ổ mèo cũng là nhờ tiếng kêu “meo meo” của những con mèo con. Có cả thảy năm con mèo con. Tất cả đều đã mở mắt. Bốn con màu xám tro và một con màu vàng. Con mèo mẹ đã chọn nơi làm ổ rất khéo. Ðó là một khoảng đất cao, rộng chừng một cái thúng, xung quanh có bụi cây bao bọc. Nơi những con mèo con nằm là một gốc cây đã được cưa sát đất, quanh đó còn có những chiếc rễ khô. Nếu trời mưa thì nước sẽ không đọng ở ổ và mèo con sẽ không bị ướt. Những con mèo con dễ thương lạ. Thấy Tý chúng không hề sợ. Tý đưa tay vuốt đầu từng đứa. Con mèo mẹ không có đó. Có lẽ nó đang đi kiếm mồi. Tý đứng ngắm một hồi lâu, rồi vạch lá đi trở ra. Nó đi vào nhà xin bác Diệu Nhạn một ít cơm nguội. Lúc đầu bác Diệu Nhạn tưởng Tý đói bụng. Nhưng sau khi nghe Tý nói là để cho năm con mèo con, bác cười.
Bác Diệu Nhạn rất dễ thương. Bác chăm sóc cho tất cả mọi người. Hàng ngày, ngoài giờ thiền tọa và thiền hành, bác làm việc không nghỉ tay. Hết nấu nướng tới dọn dẹp. Hết dọn dẹp tới may vá. Các cô và các chú xin bác nghỉ tay, bác không bằng lòng. Bác chỉ muốn làm việc để cho người khác rảnh tay, và bác tìm thấy niềm vui trong lối sống đặc biệt ấy.
Mấy con mèo chưa biết ăn cơm. Tý liền chạy về nhà mình tìm một ít sữa bột và hòa sữa với nước trong một cái chén mẻ. Tý đem đặt chén sữa vào ổ mèo. Mấy con mèo con chen nhau uống trong vòng một phút là hết sữa.
Tin tức về năm con mèo con lan đi thật nhanh chóng. Tất cả thiếu nhi hai xóm đều biết nội trong vòng hai tiếng đồng hồ. Ðứa nào cũng muốn đi thăm, nhất là những em nhỏ như bé Hiếu, bé Nhung, bé Liên, bé Thuần, bé Thúy Nga và bé Vi. Tý và Sâm bằng lòng cho mọi người đi thăm, với điều kiện là không ai được đụng tới mèo. Phải đứng cách xa ổ mèo ít nhất là một thước. Ðể các em nhỏ tuổi có thể đi thăm năm con mèo con, Tý và Sâm dùng kéo tỉa mận để cắt bớt những nhành dâu gai trên con đường đi tới ổ mèo. Mỗi lần đi chỉ được phép đi hai người thôi. Trong số những người xin đi thăm có cả người lớn nữa. Sư Ông cũng có đi thăm với bé Hiếu.
Tý chưa khi nào nghĩ rằng năm con mèo con dễ thương kia thuộc về mình. Tý có cảm tưởng chúng là một kho tàng chung của tất cả mọi thiếu nhi. Các thiếu nhi trong Làng hình như cũng nghĩ như Tý. Nhưng mà trong số những người lớn có người lại nghĩ khác. Càc bác và các cô cho rằng con mèo mẹ là của Tý nên năm con mèo con cũng của Tý. Có người nói nếu Tý không muốn nuôi hết năm con mèo thì họ sẽ nuôi giúp cho. Chỉ sau lúc ấy trong lòng Tý mới phát sinh ý niệm về sở hữu. Tý nghĩ nếu cần giữ lại một con cho mình, Tý sẽ giữ lại con mèo vàng. Tý thấy con mèo vàng rất dễ thương.
Gần gũi với những sinh vật mà mình thương yêu, Tý thấy rõ loài vật cũng biết vui biết buồn, biết mừng và biết sợ như người. Tý nghĩ nếu con người có tâm hồn thì loài vật cũng có tâm hồn. Con người cũng là một loài động vật. Con người chỉ khôn hơn các loài động vật khác về mặt suy nghĩ thôi. Con dê con của Tý, Tý thương nó lắm, và Tý biết nó cũng thương lại Tý. Ngày Tý mất nó, Tý đã khóc. Tý chắc rằng con dê cũng biết buồn và biết nhớ Tý. Loài vật rất gần với loài người. Có loài cần mẫn như ong và kiến. Ong và kiến biết tổ chức, biết họp đoàn. Có loài thông minh như ngựa. Có loài trung thành và có nghĩa như chó. Hôm thứ năm vừa rồi, Sư Ông có kể một chuyện tiền thân cho thiếu nhi cả hai xóm nghe, đó là chuyện tình bạn giữa một con nai, một con rùa và một con chim sáo. Thuở ấy Phật còn là một con nai. Con nai ở trong rừng. Trong rừng có một hồ nước. Dưới hồ nước có một con rùa. Bên hồ nước có một cây dương, và trên cây dương có một con chim sáo. Nai, Rùa và Sáo chơi với nhau rất thân. Một hôm, có một người thợ săn đi theo dấu nai tới bên hồ nơi nai thường xuống uống nước. Ông ta đặt một cái bẫy bằng những sợi dây da rất chắc ở đó rồi đi về nhà. Nhà ông ta không xa bìa rừng là mấy.
Chiều hôm ấy, tới bờ hồ để uống nước, nai bị mắc bẫy. Nai kêu lên, Rùa và Sáo nghe tiếng Nai. Rùa bò đến. Sáo bay tới. Thấy Nai bị nạn, Rùa và Sáo bàn nhau phương thức giải cứu cho bạn. Sáo nói với rùa: “Chị Rùa ơi, chị có răng khỏe thì chị hãy gặm đứt những chiếc dây da của cái bẫy. Còn em, em sẽ tìm cách ngăn ông thợ săn lại, đừng cho ông tới.” Nói xong, Sáo bay đi.
Rùa khởi sự gặm các sợi da. Sáo bay ra khỏi rừng, tới nhà người thợ săn và đậu trên một cành cây xoan trước cửa nhà, chờ đợi. Trời sáng, người thợ săn cầm lấy con dao nhọn và mở cửa đi ra. Thấy người thợ săn bước ra, sáo vỗ cánh bay tới và lao mình vào mặt ông ta bằng hết cả sức mạnh của mình. Bị đập vào mặt, bác thợ săn choáng váng. Bác trở lui vào nhà, nằm xuống giường để nghỉ ngơi chốc lát. Hồi lâu sau đó bác lại chồm dậy, cầm lấy con dao nhọn. Lần này, bác đi ra bằng cửa sau. Nhưng Sáo đã biết trước. Sáo đã chực sẵn trên một cành mít ở sân sau. Khi bác thợ săn mở cửa đi ra, Sáo lại vỗ cánh và lao mình vào mặt bác một lần nữa.
Bị chim tấn công hai lần liên tiếp, bác thợ săn quay vào nhà. Bác suy nghĩ: “Ngày hôm nay xấu quá. Ta đi bằng ngõ trước hay bằng ngõ sau thì cũng bị con chim quái gở này ngăn cản. Thôi ta hãy nghỉ ngơi, để ngày mai sẽ đi.”
Sáng hôm sau, người thợ săn thức dậy sớm. Cầm lấy chiếc dao nhọn, ông lấy nón đội che mặt đàng hoàng rồi mở cửa đi ra. Sáo lập tức bay về rừng báo cho hai bạn :
– Bác thợ săn sắp tới.
– Lúc ấy, Rùa đã gặm đứt gần hết các sợi dây da. Chỉ còn có một sợi nữa thôi là Nai có thể thoát được. Rùa dùng hết sức bình sinh để gặm, nhưng sợi dây này cứng quá, cứng như thép. Răng của Rùa gần như là sắp rụng hết và miệng Rùa chảy đầy máu rất là tội nghiệp. Rùa đã ra sức gặm trong hai đêm và một ngày, miệng Rùa không chảy máu sao được.
Trong lúc đó người thợ săn vào tới. Trông thấy ông ta, Nai vùng mạnh một cái. Nhờ vậy sợi dây da mà Rùa gặm nửa chừng bị đứt. Nai phóng vào rừng. Sáo bay lên đậu trên cây dương. Nhưng Rùa kiệt sức quá, không bò đi đâu được. Thấy mất Nai bác thợ săn tức lắm. Bác lượm lấy Rùa, bỏ vào trong một cái túi da và treo túi trên một thân cây rồi đi tìm Nai.
Lúc đó Nai đang đứng sau một bụi rậm nhìn ra. Nai nghĩ: ”Ta phải liều thân cứu bạn.” Nghĩ như thế, Nai từ từ bước ra cho người thợ săn thấy. Nai làm ra vẻ kiệt sức và khuỵu hai chân trước xuống.
Người thợ săn nghĩ :
– Con nai này kiệt sức rồi. Ta có thể đuổi theo và đâm nó một lát.
Ông ta liền cầm dao đuổi theo Nai. Nai đứng dậy từ từ đi vào rừng, dụ bác thợ săn đi theo. Sau khi đã dụ bác thợ săn vào khá sâu trong rừng, Nai vụt chạy thật nhanh, làm mất dấu chân mình, rồi phóng trở ra hồ nước. Tới bên cây dương, Nai dùng gạc của mình đẩy cái túi da của bác thợ săn úp ngược xuống. Rùa rơi ra khỏi túi. Sáo cũng bay xuống gần. Nai nói với hai bạn :
– Nhờ hai bạn mà tôi thoát chết về tay người thợ săn. Tôi cám ơn hai bạn. Bây giờ đây người thợ săn sẽ trở lại. Anh Sáo, anh hãy dời tổ anh đi nơi khác. Chị Rùa, xin chị bò xuống nước đi thôi. Còn tôi, tôi sẽ đi ngay vào rừng.
Khi người thợ săn trở lại, ông ta thấy Rùa đã thoát đi đâu mất. Nai và Sáo cũng bặt tăm. Buồn bã, ông ta đeo túi và cầm dao đi về nhà.